ngày tháng năm

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚA PHẢI CHỜ CON




Chúa là Đấng nhân hậu từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng" 

“Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các người, và đường lối của các người không phải là đường lối của Ta”. Lời đã được tiên tri Isaia nói đến, nay một lần nữa, Đức Giê-su nói rõ qua dụ ngôn "Người chủ vườn nho" và Ngài khẳng định, đó là hình ảnh của Nước Trời. Nhưng quả đúng như lời tiên tri Isaia đã nói, đó thực sự là cả một khối đầy nghịch lý theo cách thế loài người. Vậy điều gì ẩn dấu sau khối nghịch lý ấy?


Trước hết, ta có thể nhận thấy cách thức, gọi người làm công của ông chủ kia thực không bình thường. Nếu nhìn dưới góc độ kinh tế, thì có lẽ có người sẽ chê, ông này không biết làm ăn. Một ông chủ tư bản sẽ lợi dụng tối đa sức lao động của nhân công, trong khi hạn chế tối đa việc trả lương, hầu thu về nguồn tư bản là tiền lời thật nhiều. Nếu có ông nào đó hào phóng thì chẳng qua cũng là cách thức để lợi dụng cách khôn ngoan sức lao động của nhân công mà thôi. Ví dụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật, tăng hay hạ bậc lương thực ra không nhắm đến người lao động cho bằng để có được một guồng máy làm việc tốt, hiệu quả và thu lời nhiều hơn. Hơn nữa, các ông chủ tư bản không tuyển người cách bừa bãi, họ đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải qua phỏng vấn, thử việc...Vậy mà ông chủ này, hình như đã không biết những điều đó, hay ông không quan tâm đến điều đó? Ông tuyển lao công một cách lộn xộn, thậm chí có thể nói là rất bừa bãi. Đã thế, ông còn một cách trả lương không giống ai. Có người nói, cứ cho là ông ta có núi vàng đi nữa, thì với cách trả lương đó, không chóng thì chầy cũng sạt nghiệp. Ông ta trả cho người làm cả ngày cũng bằng người làm một giờ. Tại sao ông ta không nghĩ, như thế chẳng những không khuyến khích được người lao động hăng say làm việc, mà có khi còn gây ra tư tưởng chán nản cho những người đã làm từ sáng sớm, đồng thời tạo cho những người đến sau sự dễ dãi.

Nói tóm lại, dưới cái nhìn của một nhà kinh tài, sự không thể học được điều gì từ cách làm của ông chủ mà Đức Giê-su đã nói. Nhưng rõ ràng, Đức Giê-su không nói về một mẫu người làm ăn ngoài đời mà ngay từ câu đầu tiên, Ngài đã khẳng định, đây là một mặc khải về Nước Thiên Chúa: "Nước Trời giống như". Vậy, đằng sau câu chuyện kinh tế đầy nghịch lý kia, Đức Giê-su muốn nói gì?

Trước hết là việc ông chủ đi gọi thợ làm vườn. Ông không đợi người ta tìm mình, trái lại chính ông đến tìm, hỏi họ, mời họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho". Và dường như ông luôn đi tìm họ. Ở đây, Đức Giê-su đang nói về việc những người được gọi vào vườn Thiên Chúa. Thiên Chúa đi tìm con người, tìm họ mọi lúc và không đợi họ trình bày thỉnh cầu, trái lại, Ngài đi trước mời gọi họ. Những giờ khắc khác nhau của việc ông chủ vườn nho đi tìm thợ, khiến ta nghĩ đến những giai đoạn, thời khắc khác nhau, Ngài tìm đến kêu gọi chúng ta. Ngài mời gọi tất cả mọi người, bất luận họ đang ở trong tình trạng nào. Đội nhân công của Ngài tập trung mọi thành phần, không phân biệt giai cấp, đảng phái, trình độ, địa vị xã hội, và nhất là tình trạng tâm hồn. Dù họ đang ở đâu, lúc nào và tình trạng nào, Ngài vẫn đi tìm để gọi họ. Điều mà tiên tri Isaia đã nói: "Ngài ở gần". Người trộm lành bên thánh giá, anh ta hẳn không ở giờ thứ mười một nữa, mà chắc đã cuối giờ 12 rồi, vậy mà anh vẫn được gọi với một lời hứa chắc chắn: "Thật đêm nay, người sẽ được ở trên thiên đàng với Ta".

Thứ đến và việc trả công. Đây là phần rất quan trọng, điều hoàn toàn trái ngược với lẽ công bằng thường thấy. Ông chủ vườn nho trả công cho mỗi người theo cách của ông, không có một quy định bậc lương nào cả. Mỗi người đến trước đến sau đều được một đồng. Những người kia thắc mắc hoàn toàn không có gì sai theo cách thức của người làm công thế gian, nhưng lại không đúng trong vườn Thiên Chúa. Vì thực ra không ai được phép kể công trước mặt Thiên Chúa, bởi thực ra, con người nào có công trạng gì. Tất cả là đều nhờ hồng ân Chúa ban. Hơn nữa, Thiên Chúa không trả công cho con người theo những gì họ làm, mà là những gì họ cần. Người vào vườn trước hay vào vườn sau, điều đó không quan trọng, nhưng cái đáng để ý, là họ cần những gì. Người vào vườn sau không có nghĩa là họ có ít những nhu cầu, trái lại có khi họ còn thiếu thốn bội phần. Và ông chủ vườn trả cho họ theo những gì họ đang thiếu, họ mong muốn. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn muốn cho con người được hưởng hạnh phúc viên mãn trong nước của Ngài.

Câu chuyện Tin mừng trở thành một mặc khải, cảnh tỉnh những ai tự cho mình là đạo đức, là xứng đáng để được điều này, điều kia, xứng đáng được liệt vào hạng này, thứ khác. Nhưng đồng thời, lời mời gọi "hãy vào vườn nho Ta" cũng trở thành lời hiệu triệu cho tất cả những ai, dù đang trong tình trạng nào, đều có thể trở về trong bình an, hoan lạc của Thiên Chúa. Điều đáng nói và cũng là điều đáng học nơi những người thợ giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mươi một là, họ đã mau mắn mà không nghi ngại, liệu vào trễ như thế, tiền lương có ăn thua gì không. Trái lại, họ đã đi mà không hề đặt điều kiện nào, một thỏa thuận nào. Thiết nghĩ, trong mỗi ngày sống, nhất là khi ta quyết định dấn thân cho điều gì đó, trước hết và sau cùng, đừng bao giờ tự đặt cho mình một giới hạn ân sủng, nhưng hãy bước vào đó như một ân huệ, một hồng ân như có lời thánh thi: "Chúng con vừa được Chúa gọi vào; công sá đâu gì kể thấp cao. Chỉ mong giúp sức làm hiện tại, rồi việc chắc Ngài sẽ thưởng sau". Lại nữa, chúng ta đừng vạch làn ranh cho người khác khi họ có thiện chí muốn trở về, đừng tự cho mình cái quyền phán xét khi nhận định ai mới là kẻ xứng đáng hưởng ân huệ này, ân huệ khác. Tất cả là của Thiên Chúa, Ngài ban cho ai thì tùy thuộc vào lượng hải hà của Ngài. Và chắc chắn Ngài không bao giờ để chúng ta phải thiệt thân, một khi chúng ta thành tâm nghe theo lời Ngài mời gọi.


Lạy Chúa, chúng con cũng là những người đã được Chúa gọi vào, và điều đáng nói là không phải một lần mà là nhiều lần, gọi vào chưa làm, hoặc vừa mới làm đã bỏ cuộc vì sợ vất vả; lại có khi mới làm chưa được bao nhiêu, đã nghĩ chuyện lĩnh công. Và không biết những người vào từ sáng sớm, có chuyên tâm làm việc không, hẳn là ông chủ thấy rõ tinh thần làm việc của họ, bản thân họ thì biết rõ hơn ai, và họ đã được một đồng đúng như họ thỏa thuận. Còn con, ngày ngày vẫn nhận ân lộc của Chúa, những ân lộc nhưng không, trong khi việc làm của con thì quá trễ nải, ươn lười và lắm khi còn đi ngược với ý đinh tốt lành của Ngài.


Cái tôi ngự trị, tính ích kỷ đã lấn át chỉ biết nghĩ tới mình, quên đi nhu cầu của tha nhân, đến với Chúa nhưng hồn con còn để trong lòng những hằn thù, ích kỷ. Lạy Chúa, đôi khi con còn phân bì với cả Chúa nữa, có những nguời suốt đời xa Chúa nhưng tới giờ chết lại giục lòng ăn năn để quay về, đuợc Chúa đón về thiên đàng, con phân bì vì nghĩ rằng, con thiệt thòi đã vất vả giữ đạo từ bé mà chẳng hơn gì. Chúa đã cư xử với mọi nguời bằng tình thuơng, tấm lòng. Tất cả là hồng ân, là tình thuơng quảng đại vì lợi ích của chúng còn mà thôi. Và mỗi khi có ai ganh tị với con, xin cho con đừng lấy đó làm bực tức, nhưng biết lấy lời này là: Nếu chúa chấp tội nào ai đứng vững. Và cũng vì lời đó mà cho con biết cư xử công bình hơn, để vươn tới tình thương. 

Lạy Chúa, con biết rồi, Ngài chờ con, luôn chờ đợi con như người cha chờ đợi đứa con trở về, không một chút giận dữ nhưng đầy bao dung. Xin cho con đừng vì những mặc cảm tội lỗi mà không dám quay lại nhà mình, lại đừng để con, vì tiếc nuối những thú vui chóng qua nhưng đầy nguy hiểm, luôn đẩy chúng con vào sự thiếu thốn, mà luôn can đảm dứt bỏ nó, đoạn tuyệt với nó để trở về trong hy vọng.

Lạy Chúa, xin đừng để Chúa phải chờ con quá lâu. Xin đừng để con trở thành vật cản, khiến người khác không thể trở về.


Cecilia  Yen

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks