ngày tháng năm

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Ai dám ước ao nên công chính?

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi."Người đáp: ‘Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?’ Và Người nói với họ: ‘Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.’" 
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?' Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." 



Câu chuyện Tin Mừng trầm xuống như một nốt lặng trong bản hợp tấu đầy huyên náo. Chỉ có điều tiếp sau đó không phải là những tràng pháo tay giòn dã, mà là những nỗi khắc khoải, day dứt cho tất cả thính giả.

Thỉnh cầu của chàng thanh niên: “Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Chúng ta không biết ai là kẻ đang tham lam trong câu chuyện này, vì thế thật khó để khẳng định, người thanh niên kia đã bày tỏ một nhu cầu chính đáng hay không. Nhưng trong một nền văn hóa yêu thích tranh luận chuyện khôn ngoan như dân tộc Do thái, và giữa một đám đông đang giẫm lên nhau (Lc 12,1), hẳn có rất nhiều những câu hỏi đã được đặt ra cho Đức Giêsu, với những chủ đề liên quan trực tiếp đến nội dung được Đức Giêsu đề cập. Có vẻ như chàng thanh niên này không mấy quan tâm đến những chủ đề “khôn ngoan” đang cuốn hút hàng vạn độc giả kia: “Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Ở một hội trường nào đó, thỉnh cầu này sẽ trở nên thừa thãi không thể chấp nhận được, nhưng ở đây, nó lại khơi lên một vấn đề nhỏ, mà Đức Giêsu đọc thấy không chỉ ở chàng thanh niên vô duyên kia, nhưng có ở không ít người khác, mặc dù lúc đó, nó đang bị lẩn khuất.

"Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?" Hẳn là khán thính giả đã cười ồ lên khi nghe Đức Giêsu đáp trả thỉnh cầu của chàng thanh niên. Nhưng những tiếng cười khoái chí đó đã không thể kéo dài, khi Đức Giêsu chẳng những bỏ qua đề nghị “vô duyên”, Ngài còn nói thêm: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.". Bây giờ thì đối tượng đã được mở rộng, không chỉ với người thanh niên, hay các môn đệ, mà là tất cả đám đông và có thể là cho chính chúng ta nữa. Không cần quá tí mỉ, chỉ cần ngồi lại một phút để xét lại ngày sống của mình, chúng ta sẽ gặp một mẫu số rất chung và rất lớn cho mọi người, đó là chúng ta đã dành một thời lượng rất nhiều thời gian trong ngày, để toan tính, lo lắng cho chuyện vật chất, của cải. Đừng nói những người lương dân, mà ngay người kitô hữu chúng ta thì chủ đề vật chất, tiền tài cũng quá “sâu nặng”. Ta có thể làm một phép tính đơn giản. Mỗi tuần (7 ngày/168 giờ), ta dành cho Chúa trung bình chừng 7 giờ. Như vậy một năm, ta dành cho Chúa 364 giờ (khoảng 15 ngày). Và nếu trung bình mỗi người sống bảy mươi năm. Như vậy, ta dành cho Chúa chưa tới 3 năm, tức là chưa đến một phần hai mươi cuộc đời. 

Tính thoáng thì kể ra 3 năm cũng nhiều, nhưng đáng tiếc, phần lớn thời lượng của 3 năm ấy lại diễn ra chủ yếu trong buổi thiếu thời, ngày ta đến nhà thờ vì sợ cha mẹ, vì còn rảnh rang, còn khi lớn lên, nhất là đã mang gánh gia đình, là lúc chúng ta phải đối diện với những khó khăn nan giải nhất, đáng lẽ ra cần phải năng đến với Ngài, để được Ngài “nâng đỡ bổ sức cho” thì chúng ta lại lơ đãng, xem nhẹ, thậm chí nhiều người viện lý do, bây giờ tôi đang vất vả mưu sinh, chưa có thời gian đến với Chúa. Càng đáng tiếc hơn, nhiều người vất vả một đời mà kết cục vẫn chỉ còn lại “cái máng lợn cũ của ông lão đánh cá”. Có người lý luận rằng, bây giờ cứ lo làm giàu, cứ sung túc vật chất đi đã, chuyện đi lễ, đi nhà thờ, để về già hãy tính. Nhưng liệu về già có còn thời gian chăng. Sẽ là thế nào nếu tuổi già của ta cũng giống như dụ ngôn trong bài tin mừng: “Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’

“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." Lạy Chúa, con đã có thói quen đến với Chúa mỗi ngày, mối tuần. Nhưng nhiều khi con chỉ đến để chu toàn một bổn phận tôn giáo, mà chưa thực sự đến để với thái độ tín thác như Chúa đòi hỏi. Chúng con xây dựng nền tảng niềm tin trên những lâu đài của cải vật chất. Vì thế, đời sống đức tin luôn nghiêng chiều về những lời cầu xin, lượng giá sự quan phòng của Chúa qua việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, mà ít khi bày tỏ thái độ tin tưởng, phó thác qua việc đón nhận thánh ý trên những khó khăn trong cuộc đời. Và càng ít ỏi hơn, đó là những lời ca tụng. Đúng hơn là chỉ ca tụng trong buổi thuận buồm xuôi gió, còn ngày khó khăn, gian khổ thì đặc giọng phàn nàn.

Lạy Chúa, danh hiệu công chính mà tổ phụ Abraham đã dành được, xem ra còn xa tầm tay của chúng con lắm. Vậy ngay từ giờ phút này, xin Chúa ban cho con ơn mạnh bạo, để con can đảm đón nhận lương thực thật sự, đó là mọi biến cố trong đời sống của con, với lòng tin tưởng rằng, tất cả là hồng ân.

Lạy Chúa, xin cho con mỗi ngày, biết tập sống chu toàn thánh ý Chúa, qua việc đón nhận mọi biến cố vui buồn với lòng tin tưởng rằng, Chúa không gửi đến cho con một cách vô lý, để con biết ngợi ca tình thương Chúa, thay vì chạy trốn hay kêu trách phàn nàn.

Mời mọi nguời dành thời gian suy ngẫm câu chuyện này.

Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất...

Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.

Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.

Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.

“Không đâu” - Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.

Người vợ thứ ba vốn là niềm tự hào của ta, rồi cũng sẽ bước đi theo người khác, bỏ mặc ta mà thôi.

Câu trả lời như một nhát dao cứa vào. Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”.

“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.

Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.

Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”.

Người vợ thứ hai - người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ta cũng chỉ khóc khi ta chết, đưa ta ra đến mộ rồi quay đầu.

Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.

Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.

Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”.

Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống... là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời.

Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.

Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.

Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.

Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.

Cecilia Yen


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks