ngày tháng năm

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Nhóm Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo gọi bạn biết bao lần

Đăng Minh Phú

Tuổi tác chúng ta đã hơi cao: 40,50,60... Đã đi quá nửa đường đời rồi. Đã biết, đã trải nghiệm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Chẳng thích đi bầu cử nhưng vì e ngại nên đành nhắm mắt bỏ phiếu!

Thích nói to lên một đôi điều nhưng e sợ nên đành “lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau!” Chỉ biết làu bàu nói thầm với chính mình “phen này ông quyết...” nhưng lại sợ hãi điều gì đó xa xôi mơ hồ.

Kinh Thánh bảo ai đó là “ở một mình không tốt”. Việt Nam mình nay lắm người chỉ nghĩ suy một mình: “Một mình mình biết, một mình mình hay” (Nguyễn Du).

Họp hành ư? Chớ nên, có kẻ ghi tên!

Đến Đền ư? Chớ đến, chỗ nhậy cảm đấy!

Đang trao đổi chuyện chính trị với thằng bạn, nếu có người thuộc ý thức hệ khác đang đến gần? Xin hãy xì-tốp và chuyển sang chuyện nhậu nhẹt (kẻo đâm ra bị ông ý thức hệ nghi ngờ là chống đối!).

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Khi những mặc cảm khống chế nội tâm và làm băng hoại cuộc đời



Lm. Nguyễn văn Thành, Paris, Pháp quốc
Bài này nói về mặc cảm tâm lý qua việc phân tích cơ cấu tâm lý của mặc cảm cũng như sự dẫn khởi của các cảm xúc đã bị xơ cứng với thời gian tạo nên một phản ứng thường xuyên của tâm lý. Hóa giải mặc cảm sẽ trả lại tự do cho mỗi người vả lại tự do là một điều kiện cần có để đón nhận đức tin và thực hiện yêu thương bác ái như ý Chúa muốn. Gioan Sơn 
*&*
Trong những câu chuyện trao đổi hằng ngày, quần chúng bình dân đơn sơ, mộc mạc càng ngày càng có xu thế sử dụng những lối nói chuyên môn xuất xứ từ Phân Tâm Học:
Anh ấy mang đầy “mặc cảm” trong mình. Chị ấy quá “tự tôn”. “Cái tôi” to bự của chú bé nầy đã lấn át mọi người, trong gia đình. Ông ấy quá trưng bày “bộ mặt Siêu Ngã” của mình và làm cớ cho mọi người chống đối, tự vệ. Bà ấy ăn nói có vẽ dịu dàng, lịch sự.  Nhưng thực ra, từ con người của bà ấy toát ra những “sức ép”, hoặc “những xung năng”, khả dĩ làm tê liệt hoặc bẻ gãy mọi năng lực đóng góp của nhiều người…
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi không có tham vọng liệt kê và lược khảo mọi cách nói thời trang và mơ hồ nầy. Mục tiêu hạn hẹp của tôi là gây ý thức cho giới trẻ, về sức tàn phá hãi hùng của những MẶC CẢM, đối với đời sống làm người của mỗi người. Một cách đặc biệt, trong môi trường sinh sống cụ thể hằng ngày, theo lối nhận định của Tổ Tiên chúng ta, xuyên qua Ca dao và Huyền sử, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh đã có mặt và tạo nên những vết thương lở lói, trong lòng Quê hương, từ những ngày Đất Nước vừa được phôi thai… Mặc cảm nầy đang khống chế nội tâm của nhiều người, cũng như làm băng hoại những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa chúng ta.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thuật ngữ: "Con người là hình ảnh Thiên Chúa"


LM. Giuse Phan Tấn Thành, OP


           
Con người là gì? Chúng ta đã biết rằng lịch sử triết học đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về con người. Dựa theo các bản văn Kinh thánh, các văn kiện gần đây của Giáo hội đã định nghĩa con người, cách riêng trong tương quan với Thiên Chúa, với thuật ngữ “hình ảnh Thiên Chúa”. Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã sử dụng thuật ngữ này để mở đầu chương nhất, bàn về phẩm giá con người (số 12). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo cũng tiếp tục hướng đi ấy (xc. số 355-361).

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ này dựa theo bản văn Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo, cùng với những áp dụng vào thời đại hôm nay.

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Tập San số 13


Tải về file PDF
Tải về file Word

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

"XIN ÐỪNG THEO Ý CON, MÀ XIN THEO Ý CHA!"

Chiara Lubich
Ðan Quang Tâm dịch
Đức Giê-su đang ở Vườn Cây Dầu, một nơi gọi là Ghết-sê-ma-ni. Giờ phút trông đợi từ lâu đã tới. Ðây là khoảng khắc quyết định đối với toàn bộ cuộc sống của Người. Người phủ phục xuống đất và với lòng yêu mến đầy tin tưởng Người khẩn nài Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa là "Cha". Người xin cho khỏi "uống chén này", có ý muốn nói đến cuộc thương khó và cái chết của Người. Ðức Giê-su cầu nguyện cho giờ ấy qua đi. Nhưng cuối cùng Người phó mình hoàn toàn theo ý Cha:
"Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha"

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thiên Chúa Quan Phòng và Tự Do Con Người

Lm. Matthêu Nguyễn Khắc Hy, S.S.
Dẫn nhập
Câu hỏi về tương quan giữa Thiên Chúa và tự do của con người được đặt ra từ khi con người biết suy tư về Thiên Chúa. Giáo lý Công giáo số 302 định nghĩa: "Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo" và là "Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Người đã sáng tạo". Nếu sự quan phòng là những quan tâm, lo lắng của Thiên Chúa với thụ tạo, thì câu hỏi đặt ra là liệu Thiên Chúa có tiền định cho con người không? Con người có thật sự tự do định đoạt số phận mình không? Hay Thiên Chúa đã tiền định mọi sự, và không có gì con người làm mà xảy ra ngoài ý định (hay chương trình) của Thiên Chúa?[1]
Là người Việt Nam, chúng ta sống trong môi trường ảnh hưởng nhiều bởi thuyết Luân Hồi và Nhân Quả (hay Nghiệp Quả) được cắt nghĩa qua lăng kính nghiệp chướng của Phật giáo. Vì thế, nhiều người chúng ta tin vào "số phận" hay "định mệnh" và cho rằng con người không thể thay đổi số mạng mình. Nguyễn Du, trong phần kết truyện Kiều, đã than thở về đời người con gái "hồng nhan bạc phận" này:
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Hay
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Trong xã hội, người dân than thở: "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa!" không chỉ nói lên hạn chế của xã hội mà còn bao hàm ý nghĩa số phận. Thường nghe nhất trong dân gian là "dép giày còn có số, huống gì là con người." Nói như thế, liệu con người sinh ra có số mạng không? Hay số phận mình có bị định đoạt bởi Thiên Chúa (Ông Trời) không?

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Tiếng hát và danh ngôn của Thánh Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II


https://www.youtube.com/watch?v=l0jn3EIC1j0&feature=youtu.be


Tóm tắt 10 điều răn

Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Sau khi giải thích 10 điều răn, thánh Tôma  tóm tắt ý nghĩa  tổng quát của chúng cách ngắn gọn, dựa theo cốt lõi là hai mối tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
Chúng tôi muốn bổ túc tư tưởng của thánh Tiến sĩ thiên thần với vài suy tư về tính cách hiện đại của 10 điều răn, trích từ văn kiện “Kinh thánh và Luân lý” của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh xuất bản ngày 11 tháng 5 năm 2008. Vì thế bài hôm nay được phân thành hai mục,  dựa theo hai bản văn.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tập luyện lòng tự tin

Giang Sơn
Lời giới thiệu của người dịch
«Biết mình» trong đời sống là một vấn đề quan trọng bởi lẽ có biết mình, người ta mới có thể ứng xử phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhờ đó có thể đạt đến thành công là mục tiêu mình đưa ra trong mọi công việc. Triết gia như Socrate thì nói «Bạn hãy tự biết mình» (Connaîs-toi toi-même). Nhà quân sự thì nói, «Tri kỷ, tri bỉ bách chiến bách thắng», còn những bậc tu hành như thánh Augustino thì nói, «Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa...»
Theo nhiều học giả, muốn biết mình chúng ta phải tham khảo hai nguồn tư liệu quan trọng là lịch sử và văn hóa, đó là bối cảnh trên đó hình thành tính cách của mỗi con người. Vậy lịch sử và văn hóa VN đã hình thành tính cách người VN nói chung như thế nào? Chúng ta sẽ lược qua những nét chính có tính quyết định đến sự hình thành nhân cách VN.
I. Lịch sử: Hai thời kỳ dài bị đô hộ, Bắc thuộc 1000 năm, thực dân Pháp 100 năm. Chắc chắn những thời kỳ nô lệ này đã gây chấn thương vào tâm lý VN, đặc biệt là mặc cảm tự ti kéo theo những tính cách tiêu cực khác:
* Mặc cảm tự ti dẫn đến
Thụ động
Đè nén, phá hoại
Tránh né, che giấu, đối phó
Mặt khác cơ chế bảo vệ (protective mecanism) bù đắp cho tự ti mặc cảm đó bằng một thái độ tự tôn và những tính cách tiêu cực khác:
* Mặc cảm tự tôn dẫn đến
 Lấn lướt, bắt nạt
 Bè phái, bao che, kỳ thị
 Tư lợi, biển thủ
II. Văn hóa: Hai đặc trưng của văn hóa Việt Nam là Văn hóa lúa nước và văn hóa làng xã. Nước sông mang phù sa thuận lợi cho cây lúa. Mặt khác thủy triều lên xuống bất định, âm thầm len lỏi, che giấu lòng sông khiến hình thành (theo nguyên lý: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài) tính cách uyển chuyển nhưng khúc hiểm (xấu là hiểm ác, nhẫn tâm; tốt là thích nghi nhanh, biến ảo) cùng tính cách không ổn định (giống như con nước) dễ thay đổi. Lũy tre làng vừa là tường thành bảo vệ, vừa là bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài, với cái khác mình, tuy có tạo ra sự đoàn kết nhưng cũng sinh ra sự chủ quan, bè phái, hám danh và lòng ganh tỵ.
Về mặt tự nhiên, văn hóa VN còn bao gồm cả hai tư tưởng lớn là Nho giáo phong kiến và Phật giáo. Ngoài những điều tích cực mà hai tư tưởng ấy đã đem đến cho dân tộc trong suốt thời phong kiến như trọng lễ nghĩa, thích tôn ty, từ bi hỷ xả v.v... mà không ai có thể chối cãi. Nhưng đến khi Á Đông gặp gỡ văn hóa Tây Phương thì hai tư tưởng này do thiếu thích nghi và tự mãn đã để lộ ra những điểm tiêu cực của nó:
• Nho giáo phong kiến → Quan liêu, gia trưởng, lối sống hai mặt (đội trên đạp dưới) 
• Phật giáo: Tư tưởng duy tâm chủ quan → thụ động, vô cảm, thờ ơ  
III. Một đề nghị: Các nhà văn hóa và tư vấn tâm lý đề nghị một giải pháp hoặc có thể nói một bài thuốc để canh tân tâm lý VN luôn bị dao động giữa hai cực tự ti và tự tôn. Vì với những tính cách như thế (nói theo y khoa là bị bội nhiễm), người VN khó xây dựng sự phát triển, trước hết là phát triển bản thân, sau đó là phát triển xã hội.
Giải pháp đó là xây dựng lòng tự tin (self-esteem) để đánh giá đúng chính mình và hoán cải bản thân ngõ hầu chúng ta biết xử kỷ tiếp vật hoặc đối nhân xử thế như một người tự tin vì người tự tin có tính cách vững vàng, bình đẳng, suy nghĩ chín chắn để hóa giải mọi khó khăn, đồng thời nhạy cảm với người khác, sống lạc quan và yêu thương mọi người.[1]
Bài sau đây trích từ tác phẩm Haeling Relationships một cuốn sách của tiến sĩ tâm lý Len Kofler, giám đốc Học Viện Tâm Lý Thánh Anselme Hoa kỳ, viết riêng cho các Ki-tô hữu. Chắc chắc bài viết này sẽ giúp cho các Ki-tô hữu tập luyện được lòng tự tin. Nó bắt đầu với việc chúng ta phải biết chính mình để biết Chúa hơn và ngược lại, từ đó yêu mến Ngài nhiều hơn như lời thánh Augustino cầu nguyện cũng giống như câu nói của cổ nhân Vô tri bất mộ với chữ tri gồm cả tri kỷ tri bỉ và tri Thiên (biết mình, biết người và biết Chúa).        

TƯƠNG QUAN VỚI CHÍNH MÌNH
(Phương pháp tập luyện lòng tự tin)
Len Kofler

1. Đánh giá thấp bản thân
(...) Tương quan quan trọng nhất là tương quan mà chúng ta có với chính chúng ta. Điều này tác động đến toàn bộ tiến trình tư vấn[2] và mọi sự việc chúng ta làm như nhiều người khác. Những bài thuyết trình mà tôi nói về tương quan đều có trọng tâm là tương quan với chính mình. Tương quan đối với bản ngã áp dụng cho cả khách hàng và người tư vấn. Cách thức người tư vấn tương quan với chính mình và cách thức khách hàng tương quan với chính họ sẽ ảnh hưởng đến việc thiết lập sự liên kết làm việc. Một tư vấn viên hay một khách hàng có lòng tự trọng thấp sẽ mang đến nhiều điều bấp bênh cho tương quan trị liệu. Một vài vấn đề về lòng tự trọng thấp có liên quan đến sự chuyển dịch. Cha mẹ có thể đã «đè nén» con cái và không thừa nhận chúng đến nỗi chúng quen cảm nhận chúng vô giá trị, không phù hợp. Khi những đứa trẻ này lớn lên và khi chúng làm việc với những khuôn mặt quyền thế, chúng có thể cảm nghiệm chúng không thích nghi. Dù sự đánh giá thấp bản thân xuất hiện nơi nào, nó cũng đòi hỏi công việc bù đắp. Tương quan người với người khó mà thiết lập hoặc vì khách hàng cảm thấy tự ti với người tư vấn, hoặc ngược lại. Đánh giá thấp bản thân cũng có thể cản trở tương quan với Thiên Chúa. «Thiên Chúa không thể yêu thương tôi khi biết tôi là ai.» Đôi khi thật có ích khi lặp lại câu này: «Thiên Chúa hoàn toàn biết tôi, và yêu chính con người tôi.»
Tương quan quan trọng nhất là tương quan với chính mình.
Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta.
Nó cũng có thể ảnh hưởng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
2. Cải thiện việc đánh giá bản thân

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CHÚA KHÓC !

J. Chuyên 

Hôm nay, ta cùng chứng kiến, một hình ảnh rất hiếm trong Tin Mừng: CHÚA KHÓC !

Chúa khóc trước mộ phần người bạn thiết Nazaro, Chúa khóc vì cảm thương nỗi đau quá lớn của hai chị em Matta và Maria vừa mất đi người em trai duy nhất cùa gia đình. . 

……. Và chắc rằng, giờ đây Ngài vẫn đang khóc. 

Khóc vì nhân loại sao còn mãi lỗi lầm. Khóc vì loài người sao vẫn mãi vô tâm. Khóc vì nhân trần rối ren, thác loạn! Khóc vì hận thù mỗi ngày thêm khốc liệt, khóc vì chiến tranh hủy diệt khắp nơi trên thế giới. Khóc thương vùng đất Paletina quê hương trần thế của Ngài, trải dài suốt bao thế kỷ, cho đến nay vẫn chưa thể hòa giải hận thù, chưa có một ngày được sống tự do trong hòa bình thực sự. Và mỗi ngày có biết bao sinh linh vô tội phải gục chết vì bom đạn chiến tranh, đau đớn hơn chính con người lại nhân danh Thiên Chúa đẻ giết nhau! Nguy hiểm nhất coi giết người như một chuyện bình thường rồi trở thành như thói quen dẫn đến mất dần cảm thức về tội, như lời Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã từng nói. Chính vì thế, Chúa vẫn còn mãi mãi âm thầm rơi lệ.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Lòng ghen tị trong đời sống gia đình và xã hội

Lm. Giuse Đ n Thụy
Hiệp Thông số 81 (tháng 3 & 4 năm 2014)

LÒNG GHEN TỊ CỦA CON NGƯỜI
Ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người. Ngày xưa cũng như ngày nay, sự ghen tị đều làm chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại bị “chế ngự bởi sự ghen tị,” và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt tâm thần, khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ.[1]
Thần học và tâm lý học Kitô giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và các quốc gia.
Theo từ điển Webster, ghen tị là: cảm thấy đau đớn và tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, đồng thời ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy. Các nhà tâm lý bổ túc thêm: và muốn phá hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý

Chỉnh Trần, S.J. 
Theo Catholic News Agency


Sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia, đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Giọng ca của sơ Cristina đã làm 4 vị giám khảo của chương trình The Voice nhanh chóng bấm nút quay lại và họ thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.

Thông thường các vị giám khảo sẽ quay lưng không nhìn thí sinh và chỉ quay lại khi bị chinh phục bởi giọng ca của thí sinh.

Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.

Là một người gốc Sicily, sơ Cristina đã đến tham dự buổi biểu diễn cùng với 4 sơ trong cộng đoàn và bố mẹ của mình.

Bốn vị giám khảo là những ca sĩ nổi tiếng của Ý, đó là Raffaella Carra, J-Ax, Noemi, và Piero Pelu.

Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra đã hỏi sơ rằng sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này.

“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.

“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng.”

Theo luật chơi, khi một thí sinh nhận được sự ủng hộ của ban giám khảo, người đó sẽ có quyền chọn tham gia đội của một vị giám khảo bất kỳ.

Sơ Cristina đã chọn J-Ax “bởi vì tôi đã tự hứa rằng khi các giám khảo quay lại, tôi sẽ chọn người đầu tiên.”

J-Ax đã thật sự xúc động khi nhìn thấy sơ Cristina. Anh nói rằng anh cảm thấy rất vui vì được thí sinh nổi tiếng nhất trong chương trình hôm nay chọn.

Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, đã viết một tin nhắn bình luận về việc sơ Cristina chia sẻ tài năng của mình với công chúng Italia trên twinter của ngài hôm thứ năm rằng: “Mỗi người trong anh em phải dùng ơn Chúa ban cho mình để phục vụ kẻ khác (1 Phêrô 4:10)”



Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu

Lm. John A. Hardon, S.J.
Đan Quang Tâm dịch

Đức Chúa Thánh Thần nói rất ít về những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, điển hình là Thánh Giuse. Giuse là nhân vật nổi bật nhất trong phụng vụ, chỉ sau Ðức Trinh Nữ Maria. Ấy vậy mà Kinh Thánh không hề trích dẫn hoặc ghi lại bất kỳ lời nói nào của ngài.

Trong bài này chúng ta chỉ nêu ra năm nhân đức của Thánh Giuse. Mỗi nhân đức sẽ được đề cập vắn tắt để rồi rút ra những bài học áp dụng cho chúng ta.

Ðức Khiêm Tốn của Thánh Giuse

Khiêm tốn là biết nhận chân, nhìn nhận sự thật. Nhân đức khiêm tốn giúp ta nhận ra chân giá trị của mọi sự và hành động theo sự nhìn nhận mối tương quan thực của chúng ta, trước hết, là đối với Thiên Chúa và rồi với tha nhân.

Theo tiêu chuẩn này, Thánh Giuse là một người rất khiêm tốn.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Từ cà phê treo ở Ý đến cơm treo ở Việt Nam


Thụy My
Nguồn RFI

Người khách vào quán, trả tiền cho hai ly cà phê nhưng chỉ uống một ly. Ly cà phê còn lại được dành cho một người nào đó, thèm một ly cà phê nóng nhưng lại không có khả năng chi trả. Đó có thể là một người vô gia cư, một người thất nghiệp, một người nghèo… Họ vào quán, hỏi có ly « cà phê treo » nào không, và chủ quán mang đến cho họ một ly cà phê do một người hảo tâm đã trả tiền trước – thường là một người vô danh.

Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly « caffè sospeso » (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác, và tại Pháp không chỉ có « cà phê treo » (café suspendu) mà còn có « bánh mì đợi chờ » (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.

Tại Việt Nam, mô hình « cơm treo » bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái. Tiến sĩ tin học Trần Viết Huân ở Thành phố Hồ Chí Minh, người phụ trách dự án cơm treo cho biết vì sao ý tưởng này được áp dụng một cách linh hoạt ở Việt Nam. Cho đến nay đã có bảy nhà hàng, quán cà phê và một khách sạn đồng ý hỗ trợ bán phiếu cơm treo.

Trước đây tạp chí cộng đồng cũng đã từng giới thiệu các quán ăn hai ngàn đồng cho người nghèo ở Sài Gòn, trong hệ thống quán ăn Nụ Cười thuộc Quỹ từ thiện Tình thương. Anh Trần Viết Huân cho biết một những khó khăn khi triển khai dự án, là khái niệm « cơm treo » còn quá mới mẻ.

Ý tưởng này thật ra ngay ở Pháp cũng còn khá mới, nhưng hiện nay cũng đã có trên 12.000 người đăng ký trên hai trang web « cà phê treo » và « bánh mì chờ đợi », với khoảng 400 cửa hàng tham gia. Hy vọng rằng « cơm treo » rồi sẽ được nhiều người biết đến hơn tại Việt Nam.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ

Chúa Nhật I Mùa Chay A - 2014

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nguồn HKK 

Lời mở

Trong Mùa Chay Thánh năm 2014 này, chúng ta được mời gọi suy niệm và sống theo chủ đề “tân Phúc Âm hoá Gia đình” do Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị. Đức Thánh Cha Phanxicô mới gửi một thư mục vụ cho các gia đình vào ngày 25/2/2014 vừa qua mời gọi tín hữu quan tâm đến gia đình. Vào tháng 10 năm nay, Giáo Hội toàn cầu sẽ tổ chức một thượng hội đồng giám mục thế giới ngoại lệ ở Rôma để bàn về “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của việc loan báo Tin Mừng”. Rồi ngày Quốc tế gia đình tại Philadelphia, Hoa Kỳ, vào tháng 9/2015 và tháng 10/2015 cũng sẽ có một thượng hội đồng giám mục thế giới thường lệ bàn về gia đình.

Như thế chúng ta thấy Giáo Hội quan tâm rất nhiều đến gia đình vì gia đình là nền tảng của xã hội, và mỗi gia đình giống như một tế bào xây dựng nên toàn thân là Giáo Hội, là cộng đồng dân tộc, là toàn thể nhân loại. Nền tảng có vững chắc, tế bào có mạnh khoẻ thì chúng ta mới hy vọng gia đình đó ổn định và bền vững.

Hôm nay, tuần I mùa Chay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ trong việc Phúc Âm hoá gia đình.

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, MỘT NỖ LỰC KHÔNG UỔNG PHÍ

Gia Kỳ 
Hiệp Thông số 80 (tháng 1 & 2 năm 2014) 

Tháng Bảy vừa qua, những người yêu mến văn học, trong và ngoài nước, đã cùng hướng về một sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra cách nay đúng 80 năm: Tự Lực văn đoàn được thành lập (1933-2013). Cũng trong cuộc kỷ niệm 80 năm ấy, là hồi tưởng về người đứng đầu văn đoàn -nhà văn Nhất Linh- qua đời tròn 50 năm (1906-1963). 

Tự Lực văn đoàn và nhà văn Nhất Linh vốn rất quen thuộc với các thế hệ học sinh miền Nam trước 1975 nhưng lại rất xa lạ với học sinh cùng thời ở miền Bắc. Không những không được đọc tác phẩm của nhóm văn chương này, các học sinh miền Bắc còn được dạy phải xa lánh và lên án, vì sách giáo khoa Văn học lớp 9 - hệ 10 năm - (trước 1975 ở miên Bắc) và Văn học lớp 11 - hệ 12 năm - (trước 1990 trên toàn quốc) dạy rằng văn học lãng mạn (trong đó có Tự Lực văn đoàn) “về cơ bản là phản động và đồi trụy” (sic). 

Nay đã qua rồi kiểu “đánh giá” văn học nghệ thuật xuất phát từ quan điểm chính trị hẹp hòi và nhận thức xã hội máy móc, thô thiển. Sách dạy học trò phổ thông ngày nay giới thiệu Tự Lực văn đoàn có phần khách quan hơn: 
“Từ khoảng năm 1930, đã thực sự xuất hiện trào lưu lãng mạn chủ nghĩa với những thành tựu nổi bật được kết tinh ở Thơ mới, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam (trong Tự lực văn đoàn), Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân... Trong khoảng thời gian ấy, nhóm Tự Lực văn đoàn với những tác phẩm xuất sắc của Nhất Linh, Khái Hưng... đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới: cách dựng truyện tự nhiên, tổ chức kết cấu linh hoạt, tính cách nhân vật được xem là trung tâm của tác phẩm, đời sống của nhân vật được chú trọng và được phân tích, diễn tả tinh vi. Ngôn ngữ tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế từ ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc đến cảm giác mong manh, mơ hồ nhất, tuy về sau lại trở thành kiểu cách, sáo mòn” (Văn học lớp 11 - tập 1, Nxb Giáo dục, 2008). 
Nhận định về Tự Lực văn đoàn như vừa nêu trong sách giáo khoa là kết quả của tiến trình đổi mới văn học nghệ thuật từ 1987 trở đi (Trang Văn hóa của báo Hiệp Thông đã đăng một số bài về tiến trình này). Trong tiến trình này, việc đổi mới diễn ra trên tất cả mọi bình diện: sáng tác, lý luận phê bình, xuất bản..., nhờ đó cả người viết lẫn người đọc từng bước có điều kiện ngày càng thoải mái hơn trong việc tiếp cận, thưởng ngoạn và thẩm định văn học nghệ thuật nay cũng như xưa, trong và ngoài nước. 

Kỷ niệm một sự kiện đã 80 năm không chỉ nhằm nhắc lại những gì đã diễn ra mà còn hướng vào những vận động trong cuộc sống hôm nay. Trong suy nghĩ và lối sống. Trong hiện thực và cả nơi những mơ mộng, ước muốn, hy vọng…

LÀM SAO GIẢM BỚT ÁN OAN

Luật sư Nguyễn Văn Phương

Vụ án Ông Nguyễn Thanh Chấn có dấu hiệu của một vụ án oan vì Công An Tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận có những sai sót khiến Ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội giết người trong khi thủ phạm là một người khác. Qua vụ việc này có rất nhiều ý kiến đề xuất để giảm bớt án oan. Chúng ta sẽ xem xét tính khả thi của các ý kiến và xem Ủy Ban Công lý và Hòa bình của chúng ta có thể làm gì để đóng góp vào việc làm giảm án oan. 

Sau đây là những ý kiến đã được đề xuất:

1. Gắn camera, ghi âm lời khai: Việc này sẽ là tốt nếu việc sử dụng máy ghi âm, ghi hình được sử dụng hợp lý, có sự giám sát của bên thứ ba ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không việc ghi âm, ghi hình lại trở thành chứng cứ kết tội chắc chắn nhất (ví dụ như khi ép cung thì người ta không bật máy ghi âm, ghi hình lên, chỉ khi nào bị can nhận tội thì người ta mới bật máy ghi âm, ghi hình lên để làm bằng chứng).

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy 
Hội Thừa Sai Việt Nam
Hiệp Thông số 80 (tháng 01 & 02 năm 2014)

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AA: Apostolicam Actuositatem
(Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân)
GS: Gaudium et Spes
(Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay)
LG: Lumen Gentium
(Hiến chế Tín lý về Giáo Hội)

I. QUA LINH ĐẠO KITÔ GIÁO XÂY DỰNG MỘT NỀN LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN

1. LINH ĐẠO KITÔ GIÁO

Linh đạo Kitô giáo là sự diễn tả kinh nghiệm của một con người về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong một lối sống, cầu nguyện và làm tông đồ riêng. Nó là con đường theo Đức Giêsu Kitô với những hình thức từ bỏ riêng. Vì thế Linh đạo Kitô giáo chứa đựng nhiều yếu tố: Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, một lối cầu nguyện và làm tông đồ theo cách thức riêng, luôn vâng phục Chúa Thánh Thần, từ bỏ và khổ hạnh, được trình bày theo tư cách một môn đệ, hợp với tính khí, cá tính và khát vọng thiêng liêng của họ. Tất cả những điều này dẫn đưa đến sự trưởng thành và thánh thiện của Kitô giáo. Đây là điều mà công đồng Vatican II nói về Linh đạo Kitô giáo: “Mỗi người không được do dự đáp lại ân huệ và bổn phận với một đức tin sống động, nó sẽ làm phát sinh niềm hy vọng và việc làm qua bác ái” [LG41]. Vì thế linh đạo của Kitô giáo không gì khác hơn là đời sống của một Kitô hữu đã kinh qua và đã sống trong một lối sống riêng. Theo nghĩa này, người ta có thể nói về nhiều linh đạo khác nhau của Kitô giáo, nhấn mạnh đến những khía cạnh con người của Đức Giêsu Kitô và mầu nhiệm của Thiên Chúa.[1]

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

TẬP SAN SỐ 12


7 Ðức Tính Sống Ðộng Của Cha Mẹ


Chúng ta thường nghe về bảy tội trọng, nhưng nhiều người thường quên rằng chúng ta còn có bảy đức tính "sống động". Bảy đức tính này gồm 4 đức tính then chốt là khôn ngoan, tiết độ, công bằng và dũng cảm, và 3 đức tính về thần học là đức tin, đức cậy và đức mến.

Những đức tính then chốt được dịch từ chữ La tinh có nghĩa bản lề cánh cửa. Cũng như một bản lề, những đức tính này là then chốt cho đời sống luân lý. Ðó là những đức tính tự nhiên mà bất cứ ai đều công nhận là cần thiết. Ba đức tính về thần học (đối thần) là những đức tính siêu nhiên mà người tín hữu Kitô chỉ nhận biết và chỉ có thể đạt được với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Ðức khôn ngoan là đức tính của lương tri trong đời sống hàng ngày. Các cha mẹ khôn ngoan thường suy nghĩ về những gì họ đang làm và những hậu quả có thể xảy ra bởi hành động đó. Họ thường thắc mắc về hành động để tự hỏi xem, "Nó có tốt không? Có thể thi hành không? Chúng ta có khả năng không? Có liên can gì đến chúng ta không?"

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

[ĐỀ TÀI HỌC HỎI VÀ CHIA SẺ]

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội [gợi ý]

I. Mở đầu:

Mọi người trong anh chị em chúng ta đều biết Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã chọn Năm 2014 làm Năm «Phúc âm hóa (hay Tân Phúc âm hóa) đời sống gia đình» (PAHĐSGĐ hay TPAHĐSGĐ) tức chọn việc PAH ĐSGĐ làm đường hướng và hoạt động mục vụ trong Năm 2014.

Tại sao HĐGMVN lại có chọn lựa này?

Tôi thấy có 2 lý do:

· một là nhiều giáo dân, nhiều gia đình công giáo Việt Nam chưa hiểu thấu và nhất là chưa sống đầy đủ «ơn gọi và sứ mạng của người và của gia đình công giáo»,
· hai là nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã và đang bị xuống cấp trầm trọng trong bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay của nước ta.

Vậy hôm nay chúng ta thử nhìn kỹ một số điều cơ bản của chọn lựa của HĐGMVN.

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Vatican ngày 26 tháng 12 năm 2013
Lễ Thánh Têphanô, Phó Tế và Vị Tử Đạo Tiên khởi
PHANXICÔ

Đan Quang Tâm dịch

Ngài đã trở nên nghèo khó
để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có
(x. 2 Cr 8,9)

Anh Chị Em thân mến,

Mùa Chay đến gần, tôi muốn cung hiến anh chị em một vài suy tư giúp anh chị em trên con đường hoán cải cá nhân và cộng đồng. Những tư tưởng này được lấy cảm hứng từ lời Thánh Phaolô: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Vị Tông Đồ viết thư cho các Kitô hữu Corintô để khuyến khích họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu Giêrusalem đang túng thiếu. Các lời này của Thánh Phaolô có ý nghĩa gì cho các Kitô hữu chúng ta ngày nay? Lời mời gọi trở nên nghèo khó này, sống nghèo khó theo Phúc Âm, có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Caritas in Veritate: Thông điệp thời danh, người đọc vắng tanh

Đăng Đan

"Rằng sao trong tiết Thanh Minh 
Mà đây hương khói VẮNG TANH thế mà?”
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Thông điệp Caritas in Veritate (Tình Yêu trong Sự Thật) ra đời hơn 4 năm nhưng hỏi bạn, hỏi nhóm Giáo Huấn, hỏi bác sĩ Công giáo, hỏi bà bán rau Công giáo, hỏi nhà tu Công giáo, hỏi người thiện chí đã đọc chưa. Đa số lên tới không dưới 90% LẮC ĐẦU: Chưa đọc.

Hỏi số người đã đọc Caritas in Veritate, chỉ nhận được cái nhăn mặt kèm câu trả lời “khó hiểu quá, dù rằng rất hay!”

"Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"
(Truyện Kiều)

Nhóm GHXH phải ra ngoại ô thành phố, tìm đến một “vị ẩn sĩ” Công giáo xin ngài giảng giải. Học đã sáu tháng ròng mà vẫn "hổ bút hổ nghiên", gần như đánh vật với Yêu trong Sự Thật!

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Cơm ba bát, thuốc ba thang, bài giảng… ba từ

Đinh Quang Bàn

Bạn có đọc các bài giảng và diễn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô? Ngài theo một mô thức xuyên suốt mà chúng ta cũng có thể và nên sử dụng khi thuyết trình, trình bày bài nói hay viết của mình.

Ngài sử dụng con số ba một cách thần tình: bài giảng của ngài xoáy quanh ba từ.

Người Việt Nam chúng ta có câu: “Cờ ba cuộc, cơm ba bát, thuốc ba thang”. Tác giả Vương Trung Hiếu trong Tục ngữ Việt Nam chọn lọc giải thích: “Cờ ba cuộc mới phân rõ được thua, cơm ba bát mới đủ no, thuốc ba thang mới đủ liều chữa bệnh, mới thấy rõ tác dụng”. 

Bài giảng ba từ mà đủ đô, khắc sâu trong tâm trí người nghe.

Ngài trình bày “bí quyết” của ngài như sau: 

“Tôi sẽ nói về ba điều: một, hai, ba, theo phong cách cổ truyền của các tu sĩ dòng Tên đã làm… một, hai, ba!”
(Diễn từ cho các giảng viên giáo lý ngày 27.9.2013 nhân dịp cử hành Năm Đức Tin).

Để cụ thể, xin đưa ra vài dẫn chứng. 

“Ba thang thuốc” ngài sắc trong 

· bài giảng đầu tiên của ngài trên cương vị giáo hoàng cho Hồng y đoàn: Ra đi, Xây dựng, Tuyên xưng
· Thánh lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Đi, Đừng sợ, Phục vụ. 

Trong Thông điệp Lumen Fidei (Ánh sáng Đức Tin), ta gặp lại ba từ trong bài giảng đầu tiên của Đức Giáo hoàng: Ra đi, Tuyên xưng, Xây dựng, có điều thứ tự xuất hiện của các từ có thay đổi.

Phóng viên Reuters nhận xét ngài có “văn phong giản dị” khi bình luận về Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm) của ngài. Thật vậy, ngài có lối nói rất giản dị, có phần dung dị, đời thường nữa.

Trong tác phẩm Made to Stick, hai anh em Chip và Dan Health trình bày 6 nguyên tắc dựa trên nghiên cứu tâm lý giúp làm cho các tư tưởng mình trình bày khắc sâu, dính (stick) vào trong trí người nghe, các nguyên tắc này được tóm lược, làm cho dễ nhớ bằng các mẫu tự trong từ SUCCESs:

· Simple (đơn giản, giản dị)
· Unexpected (bất ngờ)
· Concrete (cụ thể)
· Credible (đáng tin)
· Emotional (đầy xúc cảm)
· Stories (các câu chuyện)

Bí quyết trình bày của Đức Phanxicô nằm ở nơi con số ba thần diệu, và ngôn từ đơn giản như đang giỡn.

Tham khảo: Now You Can Teach Like Pope Francis!





Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

TÍNH TRUNG TÂM CỦA GIA ĐÌNH

(GLHTCG, 2201-2213; 2234-2246)

Đan Quang Tâm dịch
“Centrality of the Family”, tr. 67-68, Catholic Social Teaching: Learning and Living Justice, tác giả Michael Francis Pennock, NXB Ave Maria Press, 2007

Nền tảng của mọi xã hội là gia đình. Gia đình là “tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” (GLHTCG, 2207) và dẫn nhập ta đi vào đời sống xã hội. Nếu các quyền của các gia đình không được bảo vệ, thì chúng ta không thể nào có được một xã hội công bằng. Bản thân mỗi gia đình có vững mạnh thì xã hội mới vững mạnh.

Hội Thánh là một người bảo vệ kiên cường gia đình. Nhiều nội dung giáo huấn xã hội của Hội Thánh mạnh mẽ phò gia đình. Xin hãy đọc đoạn sau đây:
Cấu trúc đầu tiên và căn bản cho “sinh thái con người” là gia đình, trong đó con người đón nhận những ý niệm đầu tiên có tính cách định hình về chân lý và sự thiện, và học biết yêu và được yêu nghĩa là gì, và như thế học biết ý nghĩa là người thực tế là gì. Ở đây chúng ta muốn nói gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân….
Cần trở lại với cách nhìn gia đình là một thánh điện của sự sống. Gia đình thực sự là thánh thiêng: gia đình là nơi trong đó sự sống – tặng ân của Thiên Chúa – có thể được đón nhận và bảo vệ một cách thích đáng chống lại bao nhiêu cuộc tấn công mà gia đình hứng chịu, và có thể phát triển phù hợp với điều cấu thành sự tăng triển con người đích thực. Đối diện với cái gọi là nền văn hóa sự chết, gia đình là tâm điểm của nền văn hóa sự sống (Thông điệp Bách niên “Rerum Novarum",39).

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

HIẾN CHƯƠNG CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH

Thành Thi chuyển ngữ, Hiệp Thông số 80 (tháng 1 & 2 năm 2014)

ĐƯỢC TÒA THÁNH CÔNG BỐ VÀO NGÀY 22 THÁNG MƯỜI NĂM 1983 CHO MỌI NGƯỜI, MỌI TỔ CHỨC VÀ MỌI NHÀ CHỨC TRÁCH CỐ LIÊN QUAN ĐẾN SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY. 

LỜI MỞ ĐẦU 

Xét vì: 

A. Các quyền của con người, dù là những quyền của cá nhân, đều có chiều kích xã hội và được thể hiện một cách tự nhiên và chủ yếu trong gia đình; 

B. Gia đình được đặt trên nền tảng hôn nhân vốn là sự kết hợp mật thiết và bổ túc cho nhau giữa một người nam và một người nữ, sự kết họp này được thiết lập bằng giao ước tự nguyện, bày tỏ công khai về mối dây liên kết hôn nhân bền vững và rộng mở cho việc thông truyền sự sống. 

C. Hôn nhân là định chế tự nhiên, duy nhất được ủy thác về sứ mạng thông truyền sự sống.

Đọc các dấu chỉ của thời đại

Cao Nguyên lược dịch
Đan Quang Tâm hiệu đính

2011 là năm kỷ niệm 50 năm Thông Điệp Mater et Magistra của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, và cũng là các dịp kỷ niệm các thông điệp khác tròn nhiều thập niên. Để vinh danh những dịp kỷ niệm này, Hội đồng Công bằng Xã hội Công giáo Úc đã chuẩn bị một số tài liệu học hỏi sẽ được gửi đến các giáo xứ, các nhóm công bằng xã hội và các trường học tại Úc trong suốt năm này.

Các tài liệu này có tựa đề là Đọc các Dấu chỉ Thời đại. Trong Mater et Magistra, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII dẫn lại cụm từ “các dấu chỉ thời đại” của Đức Pi-ô XII và đã sử dụng cụm từ này để mời gọi giáo hội đổi mới trong đời sống của chính mình và trong sự can dự của mình vào thế giới bằng cách “đọc các dấu chỉ thời đại”. Trong các bài viết của mình, ngài đã bắt đầu đọc các dấu chỉ hy vọng và ưu tư của thời đại ngài.

Trong Mater et Magistra ngài xác định quy trình về Xem, Xét, Làm là một phương thức đọc và ứng đáp các dấu chỉ thời đại.
Có ba giai đoạn thông thường ta nên theo khi thực hành các nguyên tắc xã hội. Trước tiên, ta xem lại tình huống cụ thể; thứ hai, ta hình thành một sự phán đoán về tình huống đó dưới ánh sáng của chính các nguyên tắc này; thứ ba, ta quyết định xem các tình huống nào có thể và nên được thực hiện để áp dụng các nguyên tắc này. Đây là ba giai đoạn thường được diễn tả trong ba thuật ngữ: xem, xét, làm.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ - LIÊN ĐỚI TRONG CƠ CẤU QUẢN TRỊ VÀ SỨ MẠNG BÁC ÁI CỦA CARITAS

Bài chia sẻ của Michael Tâm, SJ
tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt,
nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas
Đà Lạt, 20.09.2013

Blog minh họa
Dẫn nhập

Theo “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo”, giáo huấn xã hội [1] của Giáo hội Công giáo có bốn nguyên tắc “trụ”: phẩm giá con người (human dignity), công ích (common good), bổ trợ (subsidiarity) và liên đới (solidarity) [2]. Đây là bốn nguyên tắc căn bản có tính trường tồn và phổ quát của tất cả các tương quan con người trong thực tại xã hội. Đi xa hơn, hai nguyên tắc liên đới và bổ trợ là “hai mặt của cùng một thực tại” trong tương quan xã hội con người: cá nhân, cộng đồng, thiết chế xã hội, nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Bài chia sẻ này sẽ được trình bày theo hai phần. Phần một, nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong tương quan xã hội hỗ tương giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn. Phần hai, áp dụng nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong cơ cấu tổ chức và sự phục vụ người nghèo của tổ chức Caritas giáo phận.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

TỰ DO CỦA BẠN, TỰ DO CỦA TÔI

Cát Minh

…”Vợ chồng em cưới nhau cũng lâu rồi mà sao không sinh con đi? - Có con cái vướng bận lắm chị ơi, tụi em muốn được tự do tận hưởng hạnh phúc đã, “kế hoạch” rồi vài năm nữa có con cũng chưa muộn mà chị”.

…”Chị thấy biện pháp ‘sàng lọc thai nhi trước khi sinh’ của nhà nước cũng đúng đó chứ. Thử hỏi nếu em có một đứa con khuyết tật em sẽ khốn đốn thế nào. Một đứa trẻ khuyết tật là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội. Mình nên tự chủ trong chuyện này.”

…“Sao con cứ bỏ nhà đi hoài thế? - Ở trong Làng gò bó quá, đi chơi internet một chút thôi mà về mẹ cũng la. Con muốn được đi tự do giống như mấy bạn kia”.

…“Ai nói là nước Mỹ tự do chứ anh thì không nghĩ vậy, làm gì cũng bị luật cưỡng chế: xây nhà không được quyền thiết kế theo ý mình; ra đường vứt một tí rác thôi mà cũng bị cảnh sát phạt; nói lớn tiếng cũng bị cánh sát nhắc nhở;… Cứ sống như Việt Nam mình mà lại hóa hay, được tự do làm nhiều thứ mình muốn”.

TẬP SAN SỐ 11


Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống…” (TV 90)

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Năm 2013 đã trôi qua. Ngày 01.01.2014 là thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần... cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.

Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại. Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người và người đời. Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks