ngày tháng năm

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Con vẫn trông cậy Chúa

https://drive.google.com/file/d/0B5O_bEyrVmdAdGpNWUpsS2tuc28/view

Một khi đuọc giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi




"MỘT KHI ĐƯỢC GIƯƠNG CAO LÊN KHỎI MẶT ĐÁT,
TÔI SẼ KÉO MỌI NGƯỜI LÊN VỚI TÔI"

Lời này của Đức Giê-su thật tuyệt diệu và chứa đựng điểm mấu chốt của Ki-tô giáo. Lễ Vượt Qua của người Do-thái đã đến gần. Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ, có mấy người Hy-lạp xin được "gặp ông Giê-su". Các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su và Người trả lời bằng cách nói về cái chết sắp đến nơi rồi của mình. Nhưng Người thêm rằng thay vì khiến cho các môn đệ phân tán khắp tứ phươnglà điều rất có thể xảy rathì cái chết của Người sẽ kéo "mọi người" đến với Người, ngõ hầu không những chỉ có các môn đệ của Người mà hết thảy mọi người, dù là Do-thái hay Hy-lạp, sẽ tin vào Người: hết thảy mọi người, không phân biệt chủng tộc, địa vị xã hội hoặc đàn ông, đàn bà (xem Gl 3,28).

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

LAUDATO SI (trích)


MỘT GÓC NHÌN VỀ TÔNG HUẤN “NIỀM HẠNH PHÚC TRONG TÌNH YÊU GIA ĐÌNH” (AMORIS LAETITIA) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Đời Sống Hôn Nhân-Gia Đình Trở Thành Mối Quan Tâm Hàng Đầu Của Hội Thánh Khi Bước Vào Thế Kỷ XXI
Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình” do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công bố hôm 8 tháng 4, năm 2016 vừa qua thực ra đã được ấn ký từ ngày 19 tháng 3, vào thời gian truyền thống phụng vụ tôn kính Thánh Cả Giu-se, gương mẫu và bổn mạng của các gia đình Ki-tô hữu.



Đây là thành quả của bao tâm huyết của các vị chủ chăn trên toàn thế giới, hiệp nhứt với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong hai Công Nghị Giám Mục liên tiếp năm 2014 và năm 2015, cống hiến cho Cộng Đoàn Dân Chúa và những người thiện chí thật lòng yêu mến, cổ cõ và bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI.. 

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA


Cọng Rơm

Suy nghĩ về cuộc sống, mỗi người trong chúng ta đều thấy có nhiều vấn đề lớn nhỏ đang xảy ra nối tiếp nhau, mà vấn đề nào cũng quan trọng hàng đầu. Trong tâm tình mừng con Thiên Chúa giáng sinh, ngắm nhìn Đấng Emmanuel giáng trần và suy nghĩ về những gì đã – đang đến trong tâm tình mừng ngày lễ Giáng sinh thiết nghĩ rằng vấn đề đứng hàng đầu, một vấn đề được coi là cốt lõi của cuộc sống đó là “con người”. Có lẽ hơn bao giờ hết vấn đề con người là vấn đề quan trọng đứng hàng đầu trong thế giới này.


Trong kinh Tin kính đã nêu rõ điều quan trọng là Thiên Chúa đã giải quyết vấn đề con người, nên có thể nói con người quan trọng: “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, đã mặc lấy thân phận con người, để cùng với con người thành tâm thiện chí phấn đấu để đẩy lùi những gì là xấu xa, và phát huy xây dựng những tốt đẹp xứng với phẩm giá con người, nhằm đạt tới mục đích sau này và ý nghĩa cao cả của ơn gọi làm người. Như thế, loài người chính là đối tượng của mầu nhiệm Giáng sinh. Chính vì loài người mà Thiên Chúa đến để giúp họ tìm được hạnh phúc không những ở đời này mà còn ở hạnh phúc đích thực đời sau.

“Khi con người sinh sống an vui, Thiên Chúa được hiển vinh”

Tôma Hoàng Kim Khánh

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2, 14)

Lời ca khen Thiên Chúa và lời chúc bình an cho người thiện tâm dưới thế của các Thiên thần xưa vang vọng từ cách đây 2000 năm đến hôm nay, lay động tâm can của mỗi người chúng ta.

Bình an là Ân Phúc Chúa chỉ trao ban cho những ai là người thiện tâm. Thế nhưng, trên cõi gian trần hiện nay này, ai là người thiện tâm?

Dân gian gọi những ai có lòng lành, lòng tốt là người thiện tâm.

ĐÊM THÁNH

Đình Vượng

      Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe*…
Giữa những hối hả chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng sinh ở nhiều giáo đường : nào cây thông Noel: lấp lánh ánh đèn màu, lủng lẳng đồ vật trang trí muôn hình muôn vẻ (cây thông càng lớn, nhiều tiền, càng giá trị); nào hang đá được trình bày công phu (ngày nay không đơn giản là giấy bao xi-măng vò nát làm đá, mà là, hang đá của thời công nghiệp, có suối chảy róc rách, có đôi cánh thiên thần lúc thì mở ra lúc thì úp vào, có Đức Mẹ và Thánh Giuse thỉnh thoảng chấp tay cúi đầu thờ lạy, loại hình này cũng xuất hiện ở nhiều thánh đường không chỉ dành cho tín hữu, có cả khách thập phương đến thưởng ngoạn), và nhiều hình thức trang trí khác nữa, rất đẹp, đến nỗi ai nhìn cũng mở miệng khen. Không thể không nhắc đến: hết ca đoàn này đến ca đoàn nọ tập hát thánh ca; hội đoàn này hội đoàn kia đóng góp chuẩn bị tiệc mừng… Là phàm nhân, lạy Chúa, con cũng bị cuốn hút vào dòng chảy đón mừng Chúa như vậy.



Mừng Chúa Giáng sinh, con đến giáo đường để xem diễn nguyện, nghe ca đoàn hát thánh ca, tham dự một thánh lễ trang trọng, nhiều nơi, nghe bài giảng hùng hồn của nhà hùng biện hơn là nghe rao giảng tình yêu của Thiên Chúa xuống thế làm người từ cửa miệng một vị ‘mục tử nhân lành’, nán lại lại thêm chút thời giờ để chứng kiến cha xứ phát quà, rồi ra về mừng vui với gia đình, bạn bè quanh bữa tiệc quen gọi là re-vei-zon! Chỉ vậy thôi. Chấm. Hết. Trong lòng con không đọng lại điều gì về Ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người ! Chưa năm nào con hưởng được hồng ân Giáng sinh trọn vẹn lời chúc của thiên thần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – bình an dưới thế cho người lòng ngay”

Lời trần sao nói hết...

Con Sóng Nhỏ








Ôi lạy Cha, con cúi đầu tôn kính. 
Cảm tạ Cha, Đấng Thượng trí cao vời. 
Muôn kỳ công Cha thể hiện nơi nơi. 
Trong tinh tế, bàn tay Cha thần thánh. 

Từ cánh bướm, bông hoa rừng khoe sắc. 
Áo phàm nhân ai dệt đẹp như hoa. 
Từ mẫu khuôn, loài ong nhỏ xây nhà. 
Công trình sư nào dám ra đương sánh. 
Não bộ tinh vi, muôn muôn tạo vật. 
Quyền năng Cha huyền ảo tác sinh. 
Muỗi, kiến li ti, đâu chỉ thể hình? 
Cha trao ban sự sống cùng trí óc. 
Có khoa học nào tạo nên mầm sống? 
Có tài trí nào khả dựng một sinh linh? 
Mặt trời chói chang, khối lửa bừng bừng! 
Cha trấn giữ kẻo nổ tung tàn độc. 

Ngợi khen Cha, cảm tạ ngàn mưa móc. 
Khắp nơi nơi châu ngọc bóng hình Cha. 
Xin ngưỡng chiêm đất trời, 
nhận biết bàn tay Cha. 
Tinh tú trăng sao, thiên hà vũ trụ. 
Bao mỹ tuyệt thiên nhiên về hội tụ: 
Sóng lụa vàng, biển biếc, suối mây sa. 
Cây cối bạt ngàn, xanh tận chân trời xa. 
Đồi núi chập chùng, khe sâu lũng thấp. 
Thác đổ, mưa nguồn, tưới tiêu ôm ấp. 
Cha cho địa cầu nắng ấm yêu thương. 
Sức sống tuôn trào, 
màu mỡ mảnh vườn ươm. 
Con thấy Cha - trong mọi nơi - hiện diện
Yêu nhân loại, Cha yêu sao tha thiết. 
Từ cát bụi vô thường, 
ưu việt hóa thân con. 
Dành sẵn cho con cuộc sống vẹn toàn. 
Dắt tay con đi, nâng niu từng bước. 
Dọn chỗ cho con đường về Thiên quốc. 
Xa xót ngậm ngùi, 
con nào biết Tình Cha. 
Cho con tự do, phân biện, đắn đo. 
Con bất cần, đường quanh co, lối thẳng. 
Chạy theo đam mê, tiền tài, vật chất. 
Rượt đuổi điên cuồng những ảo vọng, phù du. 
Con bán yêu thương mua lấy hận thù. 
Đánh đổi quê trời lấy ngục tù hư nát. 

Cha vẫn kiên trì, lời tình yêu hát. 
Mời gọi con về, 
bát ngát những đợi mong. 
Con Một sai đi, Tế Vật Hy Sinh. 
Dẫu nghẹn lòng Cha, 
đành mặc Con giữa vuốt nanh cầm thú. 


Thập giá ngất cao, ôi trái tim dung thứ, 
Chấp nhận thân tội đồ, mệnh sứ khổ đau. 
Cùng tận yêu thương, 
cho mãi đến ngàn sau... 
Ban Thần Lương nhiệm mầu, 
dưỡng nuôi con trần thế. 

Tình cao cả, thẳm sâu, tràn máu lệ, 
Mà chúng con khinh rẻ chối từ Cha. 
Xin dâng trọn đời, một khúc tình ca. 
Đáp trả dấu yêu, tôn thờ, đền tạ. 
Xin sấp mình ăn năn, con mọn hèn, khiêm hạ. 
Vinh danh Cha, vinh thắng với Vương quyền. 

Nhưng tận cùng …, 
hỡi Đức Vua của Yêu Thương, 
Xin nhận lấy lòng tin yêu, phó thác! 
Cảm tạ Cha, lời trần sao nói hết …



Lá thư gửi Chúa:"Con chờ Giáng Sinh"

Hạt Nắng

Chúa con ơi! Con_Con gái của Chúa đây, đứa con hoang đàng được Chúa cho trở về sáu năm trước! Hôm nay, trước thềm Giáng sinh, con muốn viết lá thư này để con và Ngài cùng ôn lại kỉ niệm, ôn lại lịch sử tình yêu - mà nhất là lòng thương xót Ngài đã dàn trải trong đời con bấy lâu nay.

Con không nghĩ là Ngài quên những điều ấy, nhưng con muốn nhắc lại để Ngài biết con luôn quý giá những giây phút được bên Ngài, có Ngài.

Chúa còn nhớ ngày đầu tiên mình gặp nhau không? Hôm ấy là dịp Giáng Sinh, con đi theo đứa bạn tới nhà thờ xem Chúa rồi về trễ. Vừa về, mẹ đã chờ ngay ở đầu ngõ, tay cầm nhành trứng cá bẻ ngang quất vào chân con. Con sợ, con khóc, con giận Chúa lắm. Tại đi xem Chúa nên con bị đánh đây nè!

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Tâm tình trước máng cỏ Giáng Sinh 2016 của một người toan về già

Nguyễn Khang



“Khi xưa đôi ta bé ta chơi

Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi

Chơi công an đi bắt quân gian

Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang!”

CON VẬT BỊ BỎ QUÊN (TRUYỆN CỔ TÍCH THÁNH KINH)



Chuông thánh đường đổ dồn như giục giã mọi người chuẩn bị chào đón giây phút Chúa giáng trần. Khung cảnh nhà thờ đêm nay huy hoàng, diễm lệ khác thường. Đủ loại đèn muôn màu sắc thi nhau tô điểm hang đá. Có thể nhìn thấy đầy đủ những nhân vật cổ truyền trong sự tích Giáng Sinh của Chúa. Ngoài ba vai chính: Ông Giu-se thợ mộc, Bà Ma-ri-a thợ may và Hài Nhi Giê-su vừa cất tiếng khóc chào đời, còn có các chàng mục đồng, phái đoàn ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông, rồi lại có mặt anh Lừa, chị Bò Sữa, gia đình cậu Dê Xồm.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Lectio Divina: Chúa Nhật XIII Thường Niên (A) | Dòng Cát Minh


Chúa Nhật, 2 Tháng 7, 2017
Từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu
“Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy,
thì chẳng xứng đáng với Thầy!”
Mt 10:37-42 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường đến Emmau.   Trong ánh sáng Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống và trong những người chung quanh, nhất là nơi những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin điều này vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
                                                                                                                                                           
a)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 10:37:  Tình yêu dành cho Chúa Giêsu thì phải trọng hơn tình yêu dành cho cha mẹ và con cái
Mt 10:38:  Thập giá là một phần của việc đi theo Chúa Giêsu
Mt 10:39:  Biết cách đánh mất mạng sống mình để giữ được nó
Mt 10:40-41:  Chúa Giêsu xác nhận mình với người đi rao giảng và người môn đệ
Mt 10:42:  Làm việc tầm thường nhất cho một trong những kẻ bé mọn thì đã đáng được trả công

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 

Trong Chúa Nhật thứ 13 thường niên, chúng ta suy niệm về đoạn cuối của Bài Giảng về Sứ Vụ (Mt 10:1-42).  Bài giảng này chứa đựng những câu nói và lời khuyên của Chúa Giêsu, dạy chúng ta thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu không đánh lừa, và chỉ rõ những khó khăn mà sứ vụ này bao hàm.  Khi chúng đọc văn bản này, chúng ta nên chú ý đến những điều sau đây: “Đòi hỏi căn bản của Chúa Giêsu đối với những ai đi làm sứ vụ là gì?”

c)  Phúc Âm:

37 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy; và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 38 Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. 
40 “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. 41 Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. 42 Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói các con, người ấy không mất phần thưởng đâu.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng 

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào trong đoạn Tin Mừng này đã làm bạn cảm động nhất?  Tại sao? 
b)  Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta những lời khuyên gì?  Điều kiện căn bản của nó là gì?
c)  Chúa Giêsu phán rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy” – Chúng ta nên hiểu câu nói này như thế nào?
d)  Văn bản nói với chúng ta điều gì về sứ vụ mà chúng ta phải thực hiện khi là môn đệ của Chúa Giêsu?
                                                                                                                                                                                
5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề

a)  Bối cảnh của đoạn Tin Mừng trong sách Phúc Âm theo thánh Mátthêu:

Phúc Âm theo thánh Mátthêu sắp xếp những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu xung quanh năm bài giảng tuyệt vời: (i) Mátthêu chương 5 đến chương 7:  Bài Giảng Trên Núi mô tả đường vào Nước Trời.  (ii) Mátthêu chương 10:  Bài Giảng về Sứ Vụ Truyền Giáo mô tả cách những người theo Chúa Giêsu phải công bố Tin Mừng Nước Trời và những khó khăn liên quan.  (iii) Mátthêu chương 13:  Bài Giảng bằng Dụ Ngôn, bằng phương cách dùng những tương đồng được lấy ra từ cuộc sống hằng ngày, Chúa Giêsu cho thấy sự hiện diện của Nước Trời trong đời sống của người dân.  (iv) Mátthêu chương 18:  Bài Giảng về Cộng Đoàn mô ta cách thức các Kitô hữu nên sống cùng nhau theo một cách mà cộng đoàn trở thành một sự mặc khải của Nước Trời.  (v) Mátthêu các chương 24 và 25:  Bài Giảng về Thời Cánh Chung mô tả tương lai của Nước Thiên Chúa sắp đến.  Nhờ vào dụng cụ văn học này, Mátthêu bắt chước năm cuốn sách của Ngũ Kinh, và do đó trình bày Tin Mừng Nước Trời như là Lề Luật Mới của Thiên Chúa.
Trong Bài Giảng về Sứ Vụ Truyền Giáo (Mt 10:1-42), Tác Giả Tin Mừng đã kết hợp các câu nói và lời khuyên của Chúa Giêsu làm sáng tỏ tình hình khó khăn của các Kitô hữu gốc Do Thái vào hậu bán thế kỷ thứ nhất.  Ông muốn khuyến khích họ đừng làm mất lòng tin mặc dù có nhiều khó khăn và nghiêm trọng mà họ phải đối mặt khi công bố Tin Mừng cho anh chị em cùng gốc Do Thái của họ.  Thực ra tại thời điểm này, vào những năm của thập niên 80, người Do Thái đang dần phục hồi sau thảm họa của việc phá hủy Đền Thờ Giêrusalem xảy ra vào thập niên 70, và đang bắt đầu quy tụ lại trong các vùng ở miền Syria và Galilêa.  Mối căng thẳng giữa “Hội Đường” và “Giáo Hội” đang gia tăng.  Mối căng thẳng này, nguồn đau khổ khôn nguôi và của bách hại, tạo nên bối cảnh cho Bài Giảng về Sứ Vụ và, do đó, cho bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên.

b)  Lời bình giải về bản văn:

Mt 10:37:  Tình yêu dành cho Chúa Giêsu thì phải trọng hơn tình yêu dành cho cha mẹ và con cái
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy; và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.”  Chúng thấy cùng một lời nói trong sách Tin Mừng Luca thậm chí còn viết mạnh mẽ hơn: “Ai đến với Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể nào làm môn đệ Ta được” (Lc 14:26).  Vậy thì có phải là Chúa Giêsu muốn phân ly đời sống gia đình không?  Điều này không thể xảy ra, bởi vì ở nơi khác, Người nhấn mạnh đến việc tuân giữ giới răn thứ tư là buộc chúng ta phải yêu mến cha mẹ (Mc 7:8-13; 10:17-19).  Chính Người cũng đã vâng phục cha mẹ mình (Lc 2:51).  Những câu nói này dường như mâu thuẫn nhau.  Có một điều chắc chắn là:  Chúa Giêsu không mâu thuẫn với chính mình.  Chúng ta sẽ giải thích để chứng tỏ hai câu nói đều đúng và không loại trừ lẫn nhau.

Mt 10:38:  Thập giá là một phần của việc đi theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu nói rằng: “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.”  Trong Tin Mừng của Máccô, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!” (Mc 8:34).  Vào thời đó, thập giá là án tử hình do Đế Chế La Mã áp đặt đối với những kẻ trộm cắp và kẻ bị gạt ra bên lề xã hội.  Vác thập giá mình và theo Chúa Giêsu thì tương đương với việc chấp nhận bị gạt ra ngoài lề bởi xã hội bất công của Đế Chế.  Thập giá của Chúa Giêsu là kết quả của sự tự nguyện cam kết đi loan báo Tin Mừng rằng Thiên Chúa là Cha và vì thế, tất cả mọi người đều được chấp nhận và đối xử với nhau như anh chị em.  Bởi vì lời tuyên bố cách mạng này, Chúa Giêsu đã bị kết án và đã không ngần ngại từ bỏ mạng sống mình.  Không ai có tình yêu tuyệt vời hơn tình yêu này, là người ấy đã thí mạng sống mình vì bạn hữu.  

Mt 10:39:  Biết cách đánh mất mạng sống mình để giữ được nó
Cách nói này khá là phổ biến trong những Kitô hữu tiên khởi bởi vì nó diễn tả điều họ đang phải trải qua.  Ví dụ, đối với thánh Phaolô, trung thành với Đức Giêsu và có được sự sống, ông đã phải mất hết tất mọi thứ mình có, sự nghiệp, sự kính trọng của người dân, và chịu sự bách hại.  Điều tương tự cũng đã xảy ra với nhiều Kitô hữu.  Các Kitô hữu đã bị bách hại chỉ vì là Kitô hữu.  Thánh Phaolô nói rằng: “Tôi bị đóng đinh trên thập giá với Đấng Kitô.”  “Tôi mong ước được trải nghiệm thập giá và cái chết của Người, để tôi cũng có thể trải nghiệm sự sống lại của Người.”  “Tôi bị đóng đinh vào thế gian và thế gian vào tôi.”  Đây là điều nghịch lý của Tin Mừng:  Kẻ đến sau hết là kẻ đến trước, kẻ thua cuộc là kẻ chiến thắng, người cho đi tất cả là người giữ lại tất cả, người chết đi thì lại sống.  Người có can đảm đánh mất mạng sống mình thì có được nó.  Đây là một lý luận hoàn toàn khác hẳn với hệ thống tân tự do đang thống trị thế giới ngày nay. 

Mt 10:40-41:  Chúa Giêsu xác nhận mình với người đi rao giảng và người môn đệ
Đối với người đi rao giảng và người môn đệ, điều rất quan trọng là biết rằng người ấy sẽ không bao giờ bị đơn côi.  Nếu người ấy vẫn trung thành với sứ vụ của mình, thì họ sẽ có điều chắc chắn là Chúa Giêsu sẽ đồng nhất với họ, và nhờ Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ tỏ mình ra với những người đi truyền giáo và người môn đệ đi công bố Tin Mừng.  Và như thế, giống như Chúa Giêsu đã phản ảnh khuôn mặt của Chúa Cha như thế nào, thì người môn đệ cũng phải là tấm gương, nơi mà mọi người có thể thoáng nhìn thấy điều gì đó về tình yêu thương của Chúa Giêsu.

Mt 10:42:  Làm việc tầm thường nhất cho một trong những kẻ bé mọn thì đã đáng được trả công
Để thay đổi thế gian và các mối quan hệ giữa con người, các quyết định chính trị của những kẻ cầm quyền thì không đủ, cũng chẳng phải là các nghị định của các Hội Đồng và của các giám mục.  Điều cần thiết là một sự thay đổi trong đời sống con người, trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đoàn, nếu không thì sẽ chẳng có gì thay đổi.  Đó là lý do mà Chúa Giêsu đặt trọng tâm đến những hành vi nhỏ nhặt của việc chia sẻ:  một ly nước cho người nghèo!  

c)  Một cái nhìn sâu sắc hơn:  yêu kính cha mẹ, ghét bỏ cha mẹ

Một trong những điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh đến là dành cho những ai muốn đi theo Người thì phải để lại cha mẹ, vợ con, anh chị em, nhà cửa, đất đai, để lại mọi thứ vì tình yêu Ngài và Tin Mừng của Người (Lc 18:29; Mt 19:29; Mc 10:29).  Thậm chí Người còn truyền cho chúng ta “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em.  Nếu không thì không thể nào làm môn đệ Ta được” (xem Lc 14:28).  Những lệnh truyền này không chỉ dành cho một số người mà cho tất cả những ai muốn theo Người (Lc 14:25-26, 33).  Chúng ta có thể hiểu được những câu nói này như thế nào khi mà chúng dường như tháo bỏ và phá vỡ tất cả mọi liên hệ gia đình?  Chúng ta không thể mường tượng được Chúa Giêsu đòi hỏi tất cả mọi người, nam cũng như nữ, tại miền Galilêa phải lìa bỏ gia đình, đất đai, làng mạc, để đi theo Người.  Trong thực tế, điều này đã không xảy ra ngoại trừ một nhóm nhỏ môn đệ.  Như vậy, ý nghĩa của những lệnh truyền này là gì?

Nếu chúng ta đặt lời yêu cầu phải lìa bỏ gia đình trong bối cảnh xã hội của thời ấy, chúng ta có thể thấy một ý nghĩa khác, căn bản và thiết thực hơn.  Cuộc xâm lăng của dân Paléstin vào năm 64 trước Công Nguyên và sự áp đặt việc cống nạp bởi vua Hêrôđê (năm 35 đến năm 3 trước Công Nguyên) và con ông ta là vua Hêrôđê Antipát (năm 3 trước Công Nguyên đến năm 37 sau Công Nguyên), một chính sách ủng hộ chính quyền La Mã, đã mang lại sự nghèo khó tăng dần và nạn thất nghiệp gia tăng.  Qua chính sách của vua Hêrôđê Đế Quốc La Mã hỗ trợ, tư tưởng Hy Lạp thâm nhập vào đời sống hằng ngày, do đó mang theo với nó chủ nghĩa cá nhân đang phát triển.  Tất cả điều này đã khiến cho những đại gia đình, gia tộc và cộng đồng tan rã.  Vì vậy tiểu gia đình đã bắt đầu cảm thấy bị ràng buộc tùy thuộc vào chính mình và không thể thực hành việc giữ gìn lề luật.  Ngoài ra, việc thực hành nghi thức thanh tấy làm cho người ta khinh rẻ và loại trừ những người và các gia đình sống trong môi trường ô uế theo luật lệ.  Bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị và tôn giáo đã khiến cho các gia đình sống vào chính mình và làm suy yếu tình gia tộc.  Sự bận tâm với các vấn đề gia đình đã khiến cho người ta không đoàn kết trong cộng đồng nữa.  Nó ngăn trở gia tộc trong việc thực hiện mục đích mà nó được tạo ra, đó là, đem đến sự bảo vệ thực sự và đầy đủ cho gia đình và người ta, để giữ gìn bản sắc, bảo vệ đất đai, ngăn ngừa việc loại trừ và chào đón những kẻ bị loại trừ và người nghèo khó, và do đó mặc khải thánh nhan của Thiên Chúa.  Giờ đây, vì Nước Trời tự mặc khải lần nữa trong sự chia sẻ, cần phải phá vỡ vòng lẩn quẩn quái ác.  Người ta phải vượt qua những thiếu sót nghiêm khắc của tiểu gia đình để mở lòng mình ra với đại gia đình và với cộng đồng.  Đây là bối cảnh tạo nên nền tảng cho những lời được Chúa Giêsu công bố.

Chính Chúa Giêsu cho một ví dụ.  Khi gia đình của Người đi tìm Người, Người đã phản ứng lại và nói rằng: “Ai là mẹ Ta?  Ai là anh em Ta?  Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em Ta, là mẹ Ta” (Mc 3:33-35).  Người đã nới rộng vòng gia đình.  Người tạo dựng cộng đoàn.  Những kẻ mà Chúa lưu tâm và kêu gọi là người nghèo và kẻ bị loại trừ (Lc 4:18; Mt 11:25).  Chúa đòi hỏi điều tương tự với những người muốn đi theo Ngài.  Những kẻ loại trừ và bị gạt ra ngoài lề phải được đón nhận lại vào trong sự chia sẻ và như thế cảm thấy được Thiên Chúa đón nhận (xem Lc 14:12-14).  Đây là cách để đạt được cùng đích của Lề Luật nói rằng: “Tuyệt nhiên giữa anh em sẽ không có người nghèo” (Đnl 15:4).

Chúa Giêsu cố gắng thay đổi trình tự tan rã của gia tộc, của cộng đoàn.  Giống như những tiên tri vĩ đại trong quá khứ, Người tìm cách củng cố đời sống cộng đoàn trong các làng mạc miền Galilêa.  Chúa nhen nhúm lại ý nghĩa sâu xa của gia tộc, gia đình, của cộng đoàn như một biểu hiện của sự nhập thể tình yêu của Thiên Chúa trong tình yêu người lân cận.  Đó là lý do mà Người đòi hỏi những ai muốn trở thành môn đệ Người phải lìa bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, nhà cửa, tất cả mọi sự!  Họ phải mất đi mạng sống của mình để có được nó!  Chúa là Đấng bảo đảm cho điều này: “Thầy bảo thật anh em:  Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30).  Quả thật, những ai có can đảm phá vỡ vòng khép của gia đình mình, sẽ tìm thấy lại, trong gia tộc, trong cộng đoàn, gấp trăm lần những gì họ đã bỏ lại:  an hem, chị em, mẹ, con, ruộng đất!  Chúa Giêsu làm những điều mà mọi người đã trông đợi ở thời kỳ Thiên Sai:  dẫn dắt con tim của cha mẹ về lại với con cái, và con tim của con cái về lại với cha mẹ, để xây dựng lại tình gia tộc, phục hồi khuôn mẫu xã hội.

6.  Thánh Vịnh 19:7-14

Luật pháp CHÚA quả là toàn thiện

Luật pháp CHÚA quả là toàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
Thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
Ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.

Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
Ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
Đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
Không còn vương trọng tội.

Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
Là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
Bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
Và bao tiếng lòng con thầm thĩ
Mong được thấu đến Ngài.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được nên giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
Vể Tác Giả và Dịch Giả: 
Các bài viết Lectio Divina do nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và Lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng Việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

ĐỪNG ĐÁNH MẤT ĐẠO ĐỨC

 

Phạm Khiêm

Mỗi con người trong chúng ta được sinh ra trong cõi tạm này ai cũng có một phương pháp sống...

Nhất là trong thời buổi đương đại này, chúng ta nên tự tìm cho mình một phương pháp sống không tổn hại đến mình và tổn hại đến những người thân yêu của mình...

Không phải ai trong chúng ta cũng làm được điều đó...

Chúng ta đang sống trong một thế giới phù hoa muôn màu vạn vẻ...

Và chính con người là kẻ thù lớn nhất của nhân loại này..

Và chính bản thân bạn là kẻ thù lớn nhất của bản thân bạn....

Cuộc sống xã hội thời đương đại muốn tìm chút tình người khó khăn hơn rất nhiều..

Nhiều khi con người thay đổi theo thời gian và chạy đua theo xã hội...

Cấp bậc, sang chảnh, ung dung tự tại.. Trên mồ hôi nước mắt của không biết bao nhiêu con người lao động....

Những người nông dân một nắng hai sương đang ngày đêm gồng mình lên với sự sinh tồn trong cuộc sống...

Và phải bươn chải với cuộc sống phúc tạp này...

Mình nghèo thì họ khinh bỉ miệt thị..

Mình giỏi thì họ đố kỵ ganh ghét tìm mọi cách hãm hại...

Mình chịu nhịn nhân từ.. Thì họ cho mình là ngu, là dở hơi chèn ép đến không còn khe thở...

Vì trong tri thức và đạo đức của họ đã bị tha hóa , họ chỉ biết sống trên mồ hôi nước mắt của người khác...

Lấy nỗi đau của người lao động để trang bị vào cơ thể những thứ đồ vật xa xỉ...

Mà không tự vận dụng bằng đôi tay và khối óc của mình....

Nhân văn đạo đức ngày một mất đi... Hùa theo cách sống buông thả....

Không biết có bao giờ các bạn ngồi và tự nghĩ đến bản thân mình không...

Các bạn có nghĩ sau này các bạn sẽ phải sống đối diện với cuộc sống này không....

Chắc những lúc thăng hoa của cuộc sống các bạn chẳng bao giờ nghĩ đến những điều đó...

Nhưng cuộc sống này không có gì trường tồn và mãi mãi cả, ngoài đạo đức trí tuệ nhân phẩm của bạn luôn biết sống ý thức, biết hoà đồng chia sẻ cùng nhân loại,

Biết dành sự quan tâm chân thành và làm bằng chính đôi tay của mình thì đó mới xứng đáng dùng hai từ mãi mãi....

Vậy thử hỏi chân lý sống ở đâu...

Theo Khiêm Phạm nghĩ, chân lý sống nằm trong chính con người chúng ta...

Hãy biết mở lòng bao dung.. Hòa đồng chia sẻ thương yêu gia đình...

Tôn kính ông bà , cha mẹ.. Những người đã sinh thành ra chúng ta

Dám đánh đổi cả mạng sống của bản thân...

Một đời hy sinh vất vả lo cơm áo gạo tiền nuôi dưỡng chăm lo cho chúng ta thành người...

Mà chúng chỉ mải chạy theo đời sống xa hoa vật chất mà vô tình chúng ta đã đánh mất đi tình yêu thương cao cả.....

Đánh mất đi đạo đức hiếu sinh....

Vậy thử hỏi bạn sống trong nhung lụa lúc đó còn giá trị nữa không....

Nếu trên đường đời không may bạn vấp ngã bạn sẽ nhìn về đâu khi tất cả mọi thứ thiêng liêng bạn đã đánh mất.....

Và lúc đó ngoài người thân yêu của bạn ra có ai dám đưa tay kéo bạn về phía họ không....

Hay chỉ có cha mẹ những người đã từng bị bạn quên lãng mới có thể làm điều đó...

Khi các bạn nhìn ra được thì vi nghĩ đã quá muộn rồi....

Cho lên dù trong thời đại nào cũng rất cần hai từ đạo đức....

Đạo đức chính là nét đẹp điểm tô cho chúng ta mỗi ngày...

Nhân văn tình người..

Vậy cho lên chúng ta hãy tự tìm cho mình một phương pháp sống....

Nhân văn tình người... Biết mở lòng bao dung...

Không ích kỷ tranh dành, và biết tôn trọng công sức của những người sinh thành ra chúng ta thì đó là điều chân hoàn mỹ bạn đã có....

Nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo

Nghèo tiền nghèo bạc, đừng cho là nghèo

Tiền bạc các bạn còn có thể làm ra...

Nhân nghĩa đạo đức không có thì cuộc sống khó tồn tại.....

Đó chỉ là suy nghĩ riêng của Khiêm Phạm thôi....

Vì chứng kiến thấy tận mắt những nghịch lý của cuộc sống....

Vì đồng tiền mà quên đức hiếu sinh...

Bỏ rơi hắt hủi người đã sinh thành ra họ cho họ cơ thể dáng vóc...

Cơ ngơi sự nghiệp và cuối cùng phải mang trái đắng....

Và Khiêm Phạm luôn mong đó chỉ là một trong những hy hữu của một số nhỏ trong xã hội này....

Khiêm Phạm mong tất cả sẽ vẫn trường tồn cách sống đạo đức nhân văn của cuộc sống này ạ

Khiêm Phạm viết những gì mình nghĩ và nhìn thấy mong các bạn đừng trách Khiêm Phạm nhé...

Vì Khiêm Phạm viết bài này chỉ mong muốn cuộc sống này tốt đẹp hơn với tất cả chúng ta.....

Mến chúc các bạn luôn an vui hạnh phúc trọn vẹn.

 

 



Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

‘Khủng hoảng niềm tin’ ở Việt Nam, đâu là gốc rễ?



Phạm Khiêm


Đối với những người Việt chưa từng tiếp xúc với môi trường cuộc sống ở Mỹ, lần đầu đến du lịch hay làm việc ở đây thì sẽ có thể nhận thấy một vài hiện tượng “rất kỳ lạ.”

Một cô gái người châu Á đưa cha mẹ đến tham quan một thắng cảnh ở Manhattan. Sau khi mua vé vào rồi, cô mới chợt nghĩ ra rằng người già có thể được ưu đãi nên vội vàng quay lại hỏi nhân viên. Người bán vé là một cô gái trẻ tuổi, nghe thấy câu hỏi đó liền nói lời xin lỗi, và lấy khoản tiền ưu đãi gửi lại. Điều khiến du khách này ngạc nhiên là, cô gái người Mỹ cũng không cần xem xét giấy tờ chứng nhận, thậm chí không đi nhìn xem cha mẹ cô có đúng là người già hay chưa (người hơn 62 tuổi mới được ưu đãi). Điều này khiến chúng ta thầm hiểu rằng: Đây đúng là làm theo nguyên tắc “tin người”.

Thật ra, gần như ở tất cả các nơi công cộng, nếu có ưu đãi giảm giá cho người già và trẻ nhỏ thì đều không cần xem giấy tờ chứng nhận. Họ chỉ cần lời nói là sẽ tin mà không sợ “người già nhưng nhìn rất trẻ” và “trẻ con nhưng nhìn rất cao lớn”.

Người Mỹ với nhau họ rất “dễ tin”, hơn nữa ở bất kể cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ nào đều đặt danh tiếng lên trên hết. Khi mua đồ ở cửa hàng, ngoại trừ là đồ ăn và một số mặt hàng đặc biệt thì tất cả đều có thể trả lại trong một thời gian nhất định và được hoàn tiền đầy đủ. Ví dụ, mua đồ điện tử, quần áo, giày dép hoặc là các thương phẩm khác… Về nhà dùng một lát, cảm thấy không tốt, cầm lại cửa hàng, đều cho trả lại.

Tuy rằng cuộc sống ở Mỹ không hoàn toàn là màu hồng, cũng có những phần tử lừa đảo và trái pháp luật đủ loại, nhưng nói chung, những ai nghe các câu chuyện trên hẳn sẽ cảm thấy quả là “chuyện lạ” đối với người Việt Nam.

Người Việt đang phải sống dưới quá nhiều áp lực

Sáng ngày 09/06/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống… “Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người.”

“Khủng hoảng niềm tin” là hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta, ở trên mọi khía cạnh cuộc sống của người dân từ thành thị cho tới nông thôn. Dù sống ở đâu người dân đều phải đối mặt với thực trạng với “thực phẩm bẩn”, nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, an toàn giao thông… đang vượt ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong một thời gian kéo dài. Tới những vụ việc nổi cộm gần đây như Formosa Hà Tĩnh, tranh chấp đất tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; rồi vụ việc đau lòng “8 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình”…

Theo học thuyết Maslow, nhu cầu thiết yếu nhất của con người chính là thức ăn, nước uống, và sự an toàn. Vậy mà người dân trong xã hội Việt Nam hôm nay đang sống trong trạng thái thường xuyên phải lo lắng về sự an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, môi trường và các dịch vụ y tế mà họ đang sử dụng hằng ngày… Có câu nói: “Mất niềm tin là mất tất cả!” Điều tệ hại nhất là khi con người ta phải sống trong cảm giác không còn biết tin ai, tin vào cái gì, đã tạo nên sự bất an và căng thẳng tâm lý kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số đang mắc một trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Đặc biệt trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, thì có tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30. Một trong những nguyên nhân ít được thống kê là các vấn đề xã hội: bất mãn về chính sách kinh tế xã hội, bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng. Sự khủng hoảng niềm tin vào giá trị sống và hiện tượng xuống dốc của đạo đức xã hội dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống gia tăng, tâm lý, tinh thần nhiều người bị khủng hoảng theo, làm gia tăng bệnh tâm thần, trầm cảm…

Nhiều bài viết đã được đăng tải, xem “khủng hoảng niềm tin” như là một vấn đề nóng trong xã hội. Tuy nhiên các bài viết chủ yếu phản ánh các biểu hiện của “khủng hoảng niềm tin” trên mọi lĩnh vực xã hội (giáo dục, y tế, môi trường, giao thông,..) và tập trung vào các nguyên nhân bề mặt như sự bất cập của các chính sách kinh tế xã hội, sự bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng, và tham nhũng, sự tha hoá lối sống ở các cấp… Trên thực tế, “khủng hoảng niềm tin” còn có những nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn xuất phát từ trong tư tưởng của con người trong xã hội hôm nay.

Đâu là gốc rễ?

Bản chất của niềm tin là những giá trị được hình thành trên nền tảng văn hoá và đạo đức của một cá nhân. Con người phân biệt đúng và sai, tốt và xấu, thiện và ác dựa trên các giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức của mình. Mà các giá trị này lại thường được quyết định bởi tín ngưỡng.

Người Mỹ rất thành tín là vì họ bảo vệ tốt tự do tín ngưỡng. Ở một cường quốc về công nghệ như Mỹ, chính phủ và người dân vẫn không hề bớt niềm tin vào tín ngưỡng tâm linh. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy, có 76% tổng số người dân Mỹ theo Kitô giáo, 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo, tổng cộng là gần 80% người có tôn giáo. Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất một lần mỗi tuần. Đó là một tỷ lệ khiến người ta kinh ngạc tại một quốc gia phát triển như Mỹ. Đa số người Mỹ cho biết tôn giáo giữ một vai trò “rất quan trọng” trong cuộc sống của mình.

Tờ Đô la Mỹ cũng có in câu: “In God We Trust” (Tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa). Tại sao một siêu cường kinh tế và quân sự bậc nhất thế giới lại chọn in câu nói thể hiện “niềm tin vào một đấng toàn năng nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học” trên đồng tiền của mình chứ không phải là in những khẩu hiệu trung thành với Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa?

Tín ngưỡng chính thống có đặc tính ổn định. Chúa Giê-su nói: “Dù cho Trời đất phải bỏ đi, lời của ta không thể bỏ đi”, người phương Đông cũng có câu “Thiên bất biến, Đạo diệc bất biến” (Trời không đổi, Đạo cũng không đổi). Do đó những người có tín ngưỡng chính giáo sẽ phán đoán đúng sai theo kinh điển của nó, nên tiêu chuẩn thị phi này là ổn định, mang tới sự ổn định cho xã hội.

Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Việt Nam, theo sự lưu truyền trong dân gian người Việt tin tưởng rằng có Thiên đường, Địa ngục và luân hồi chuyển thế, thiện ác hữu báo. Quan niệm và đạo đức luân lý này kiên trì hình thành nên một cơ sở giá trị của cộng đồng, trở thành cơ sở của văn hóa truyền thống.

Lấy một ví dụ, người Việt xem ngày 23 tháng Chạp là “hết năm cũ”, là ngày Táo Quân lên trời. Nhân gian cho rằng Táo Quân giám sát nhất cử nhất động một gia đình trong một năm, đến ngày 23 tháng Chạp phải lên thiên đình để báo cáo. Hoạt động này là một kiểu biểu đạt “trên đầu ba thước có Thần linh”. Do tin tưởng vào tác dụng giám sát của Táo Quân, mọi người tự nhiên sẽ kiềm chế hành vi của bản thân mình.

“Dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm trọng và sai lầm trước đây mà cả hiện nay nữa đã tạo ra một quá trình sa mạc hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được loại cây có hoa thơm, quả ngọt,” ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, từng trả lời phỏng vấn với VietnamNet.

Nếu không còn tin tưởng “trên đầu ba thước có Thần linh”, cũng chính là không còn ước thúc về đạo đức, không có ước thúc về đạo đức, ước thúc về pháp luật cũng chỉ có thể là hữu danh vô thực, khi không có ai giám sát, người ta vẫn sẽ làm điều xấu, vì để được mục đích mà có thể không từ thủ đoạn. Khi không tin vào ý nghĩa nhân sinh, không tin làm việc xấu sẽ có báo ứng, thì người ta làm việc gì cũng đều không tính đến hậu quả, việc xấu gì cũng dám làm.

Có thể có người nghĩ rằng vẫn có những chính sách khôi phục văn hóa tín ngưỡng diễn ra trên khắp cả nước, nhưng thực chất đó chỉ là khôi phục nghi thức, khôi phục vỏ bọc tín ngưỡng mà thôi. Ngày nay, người ta đến với lễ hội mang theo đủ loại tâm thái, đến vì tò mò, vì cầu danh, vì giải nạn, vì phát tài, vì tình duyên… chứ không còn có cái tâm kính ngưỡng như trước nữa. Người ta đi lễ mà không hiểu ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, có người còn không hiểu đền thờ ai, thậm chí còn dám dúi thẳng tiền vào tay tượng Phật, nhét vào miệng Phật, vì e rằng không làm thế thì sẽ không “thiêng”!? Bản chất của vấn đề ở đây là không thực sự tín Thần.

Cũng cần nói rõ, trong xã hội thông thường sẽ có người tín ngưỡng hữu Thần và vô Thần hoàn toàn có thể cùng chung sống hòa bình, đó là sự lựa chọn tự do không cần bàn cãi. Nhưng khi cưỡng chế nhồi nhét Vô Thần luận trong toàn xã hội, đàn áp tín ngưỡng vào Thần làm mất đi tín ngưỡng của cả một xã hội, tất nhiên sẽ khiến hệ thống giá trị xã hội truyền thống mất đi chỗ dựa, từ đó dẫn tới toàn xã hội trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa túng dục.

Nếu không là một phần của giải pháp, đừng trở thành một phần của vấn đề

Khôi phục niềm tin của con người trong xã hội không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi chính sách hay luật pháp. Rất nhiều người có thể dễ dàng chỉ trích những việc sai của người khác, nhưng cũng lại dễ dãi và hành xử tương tự khi bản thân ở trong hoàn cảnh đưa đẩy, bởi chính bản thân họ cũng đang sa vào vũng lầy khi đạo đức toàn xã hội đi xuống. “Người ta lấy phong bì 10 triệu, tôi chỉ lấy 2 triệu, vậy là tôi đã tốt hơn nhiều lắm rồi đó!” chính là kiểu tư duy như thế này.

Xét trên góc độ vĩ mô toàn xã hội, sẽ phải mất cả thế hệ, hoặc nhiều thế hệ mới có thể khôi phục lại chính tín và sự thành tín đã bị mất. Để làm được như thế, đầu tiên cần hiểu rõ về tín ngưỡng và tự do tín ngưỡng, cùng các nền tảng đạo đức mang tới sự ổn định và phúc báo cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Mahatma Gandhi có câu nói nổi tiếng: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”. Mỗi con người là một phần của xã hội, vì thế, thay đổi bản thân cũng chính là đang thay đổi xã hội, và nó lan tỏa nhanh hơn bạn nghĩ. Có thể hiện tại chúng ta chưa thể lựa chọn cho một thay đổi to lớn và toàn diện hơn trong xã hội, nhưng chúng ta có thể thay đổi ngay bản thân mình và lan tỏa những điều tích cực ngay từ bây giờ, để sẵn sàng khi một ngày nào đó lịch sử đặt quyền lựa chọn vào tay chúng ta.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

MỘT HỘI THÁNH LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐỒNG BÀO VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Ngày 7 tháng 10, năm 2016, Lễ Đức Mẹ Nữ Vương Mân Côi Cực Thánh,[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bế mạc phiên họp thường kỳ thứ 13, diễn ra ba năm một lần. Các vị chủ chăn của Hội Thánh Việt Nam đã bầu một Ban Thường Vụ mới cho nhiệm khóa 2016-2019.[2]

Cũng trong dịp nầy, các Đức Giám Mục đã gởi đến cộng đồng người Công Giáo Việt Nam một bức thư chung—xin mạn phép gọi là “Thư Chung 2016”[3]—nhắm soi sáng, dưới cái nhìn nhân bản và đức tin, một số trọng điểm về tình hình đất nước và Hội Thánh, đồng thời, đề ra chương trình mục vụ xây dựng và bảo vệ gia đình Ki-tô hữu.


“Thư Chung 2016” gồm có 7 số. Sau phần chào thăm ở số 1 gởi đến cộng đoàn Dân Chúa, các vị chủ chăn dùng số 2 đưa mọi người trực diện với những vấn đề khá gai góc đang khiến cho cả xã hội phải đau nhức, như đạo đức xuống cấp, tội ác gia tăng, thảm họa môi trường và báo động về an toàn thực phẩm. Khi phân tích nguyên nhân của các tệ trạng nói trên, các đức giám mục thẳng thắn chỉ ra: một nền giáo dục không dạy học sinh làm người, một đường lối phát triển kinh tế gây tổn hại cho môi sinh—cụ thể như thảm họa môi trường biển ở miền Trung— và một chính sách điều hành đất nước thiếu minh bạch. Số 3 là một vài giải pháp thiết thực được các chủ chăn khơi gợi giúp cải thiện các vấn đề đã nêu. Một chương trình mục vụ về gia đình, được trình bày ở hai số 4 và 5, đặc biệt dành cho giới trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân và các gia đình đang phải đối mặt với các các vấn đề xảy ra giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Số 6 có thông tin cho mọi người về một bức “Tâm Thư” các chủ chăn sẽ gởi đến cho mỗi gia đình Công Giáo. Cũng trong số 6, các đức cha kêu gọi mọi người, giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, cùng chung sức cộng tác với nhau để chăm sóc các gia đình. Sau cùng, tại số 7, các chủ chăn mời gọi tấn cả Hội Thánh Việt Nam gia tăng lòng tôn kính Đức Mẹ, cùng đón rước Mẹ về nhà minh, theo lịnh truyền của Chúa Ki-tô.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks