ngày tháng năm

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

MỘT GÓC NHÌN VỀ TÔNG HUẤN “NIỀM HẠNH PHÚC TRONG TÌNH YÊU GIA ĐÌNH” (AMORIS LAETITIA) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Đời Sống Hôn Nhân-Gia Đình Trở Thành Mối Quan Tâm Hàng Đầu Của Hội Thánh Khi Bước Vào Thế Kỷ XXI
Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình” do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công bố hôm 8 tháng 4, năm 2016 vừa qua thực ra đã được ấn ký từ ngày 19 tháng 3, vào thời gian truyền thống phụng vụ tôn kính Thánh Cả Giu-se, gương mẫu và bổn mạng của các gia đình Ki-tô hữu.



Đây là thành quả của bao tâm huyết của các vị chủ chăn trên toàn thế giới, hiệp nhứt với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong hai Công Nghị Giám Mục liên tiếp năm 2014 và năm 2015, cống hiến cho Cộng Đoàn Dân Chúa và những người thiện chí thật lòng yêu mến, cổ cõ và bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI.. 

Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình”
Tông Huấn nầy gồm có 9 Chương, với phần mở đầu mang tiểu đề “Niềm Vui Của Tình Yêu” và kết thúc bằng một lời cầu nguyện dâng kính Thánh Gia. 
Sứ Vụ Đồng Hành Trong Công Tác Mục Vụ Dành Cho Đời Sống Hôn Nhân-Gia Đình
Từ số 217 đến số 230, Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình” chỉ rõ một chuyển hướng quan trọng trong công tác mục vụ của Hội Thánh, đặc biệt là mục vụ hôn nhân gia đình.  Công tác mục vụ từ nay được thực hiện như là việc đồng hành của chủ chăn với đàn chiên, cả trong vai trò lãnh đạo, giáo huấn hay thánh hóa.  Khúc ngoặc nầy là lựa chọn kiên quyết của Hội Thánh trong việc thi hành 3 sứ vụ của Chúa Ki-tô Vương Giả, Ngôn Sứ và Tư Tế.[1]  
Đồng Hành Như Một Đường Lối Lãnh Đạo
Thông thường, vai trò người lãnh đạo được hình dung như một vị tướng lãnh dẫn đầu ba quân xuất trận, hoặc từ tổng hành dinh ra lịnh cho quân sĩ xông lên trận tiền chiến đấu.  Đã có thời hình ảnh “tướng lãnh” hoặc “tư lịnh” như vừa nói trở nên quen thuộc nơi các lãnh đạo của Hội Thánh.  Trên toàn thể Hội Thánh thì có đức giáo hoàng—theo nghĩa chữ là “ông vua đạo”—và các vị hồng y, tựa các quan đại thần trong hoàng triều.  Xuống cấp giáo phận thì có các tổng giám mục và giám mục, tựa các tổng đốc cai trị các tỉnh thành.  Và ở họ đạo thì có các cha xứ nắm quyền như các quan cấp huyện.  Một khi chú trọng đến việc quản trị sao cho hữu hiệu và thành công, cơ chế lãnh đạo của Hội Thánh không thể tránh khỏi nạn trì trệ, cứng nhắc theo nguyên tắc luật lệ và nghi thức. Từ đó, trong con mắt giáo dân, các vị không còn là mục tử mà đã biến thành những viên chức bàn giấy, làm việc ăn lương theo giờ hành chánh, hoặc đáng buồn hơn, thành những ông quan cửa quyền, quen quát nạt và trừng trị đám thảo dân.
Nhưng vai trò mục tử không chỉ đi trước như người tiên phong, để dọn một lối đi an toàn cho đàn chiên, để chỉ phương hướng chính xác dẫn đến cỏ non, suối mát, mà còn phải đi bọc hậu, vừa đề phòng sói dữ tấn công con chiên từ phía sau, vừa nâng đỡ những con chiên yếu sức, thương tật, giúp chúng bước kịp nhịp đi của cả bầy.  Đôi lúc, vị mục tử chuyên cần đối với lợi ích của con chiên phải ghé thăm bên cánh trái hoặc vòng qua phía cánh phải, kịp thời uốn nắn—nhẹ nhàng nhưng cương quyết với chiếc gậy chủ thăn tượng trưng cho quyền bính phục vụ của Chúa Ki-tô—[2]kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng thiên tả hay thiên hữu trong cộng đoàn tín hữu.[3]
Từ khi nhận vai trò lãnh đạo Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhiều lần kêu gọi—và không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng hành động nêu gương—các mục tử của Hội Thánh phải can đảm ra khỏi dinh cơ an toàn và tiện nghi, để cùng sát cánh với con chiên trên mọi nẻo đường lữ hành.  Người mục tử phải chấp nhận bị nhiễm mùi nước tiểu và phân của con chiên, chứ không lo giữ cho mình sạch sẽ, thơm tho như một viên chức bàn giấy.        
Đồng Hành Như Một Phương Pháp Giáo Dục
Chúa Ki-tô ủy thác trọng trách giáo huấn cho Hội Thánh, dùng chính thẩm quyền của mình bảo lãnh giá trị lời giảng dạy của các vị chủ chăn: “Ai nghe lời anh em là nghe lời Ta.”[4]  Thái độ vâng phục của giáo dân đối với lời giảng dạy của các chủ chăn quyết định hậu vận của họ, tùy vào việc chấp nhận hay từ chối lời giáo huấn của các vi mà họ được hạnh phúc hay phải trầm luân muôn đời: “Ai nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời.”[5]  Một khi đã nghe “lời phán quyết trang trọng của Hội Thánh”[6] có nghĩa là vấn đề đã xếp lại.  Nhưng quyền lực phát biểu qua ngôn từ cũng có sức cám dỗ lạm dụng và khả năng tha hóa con người như quyền lực lãnh đạo.  Vì vậy, công cuộc giáo huấn theo chức năng ngôn sứ của các chủ chăn dần dà biến thành những công thức, những bài giảng, những bảng đáp số soạn sẵn, áp dụng được cho mọi người, mọi trường hợp, mọi thời gian—tương tự như thuốc trị bá bịnh—không cần phải thích ứng, cập nhựt.  Chỉ có Lời Đức Chúa Trời mới có giá trị trường tồn bất biến.[7]  Nhưng cho dầu có thẩm quyền tối thượng như vậy, Sứ Điệp Lời Chúa vẫn phải thường xuyên được Hội Thánh học hỏi và truyền đạt sao cho vừa chuẩn xác vừa dễ được tiếp nhận trong từng môi trường văn hóa, xã hội cụ thể.[8]  Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa số 12 dạy:
Tuy nhiên vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ con người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Người muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý diễn đạt và điều Thiên Chúa muốn bày tỏ qua lời lẽ của các vị ấy.
Vậy thì sao các chủ chăn, dầu đứng trên cấp độ tòa giảng nào, thì rốt cục cũng chỉ là con người phàm và nói lời phàm tục, lại có thể “vĩnh cửu hóa” những công thức giáo lý thần học bất toàn, giới hạn, hết sức chủ quan, hết sức thiên vị và nặng cảm tính của mình, biến chúng thành những mô đất, hầm hố cản trở và gây tai nạn cho con chiên, thậm chí còn dùng những phán quyết thô cứng và nặng nề ấy như những gông ách không thể mang nổi mà cột vào cổ họ,[9] hoặc tệ hơn dùng chúng như những khối đá thẳng tay ném vào cuộc đời của bao con chiên yếu đuối, bịnh tật đáng thương.[10]
 Tông Huấn Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình” mặc nhiên xác nhận trong Hội Thánh vốn tồn tại cung cách giảng dạy trái ngược với tinh thần Tin Mừng của Chúa Ki-tô và quyết định trở về với cung cách giáo huấn gần gũi con người cụ thể đang không ngừng nỗ lực để sống còn trong bao thách đố của cuộc đời:
 Trong lịch sử Hội Thánh có 2 cách suy nghĩ luân phiên nhau: dứt nghĩa đoạn tình và phục hồi tái hợp.  Đường lối của Hội Thánh, từ thời Công Đồng Giê-ru-sa-lem, vẫn luôn là đường lối của Chúa Giê-su, con đường thương xót và phục hoàn…Đường hướng của Hội Thánh không phải là kết án chung thân bất kỳ ai; trái lại, đó là nghĩa cử rưới ngập dầu thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai thành tâm xin lãnh nhận linh dược ấy…Bởi lẽ đức ái chân chính không bị lệ thuộc vào công trạng, không đặt điều kiện và hoàn toàn miễn phí.  Do đó, cần phải tránh lối xét xử không chút quan tâm đến tính cách éo le của bao cảnh ngộ khác nhau, và, do tính chất khẩn thiết đó, phải chú ý đến tình trạng con người bị tuyệt vọng vì hoàn cảnh của họ.[11]       
Đồng Hành Như Một Sứ Vụ Truyền Giảng Tin Mừng
Qua Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã thực sự “xoay trục” đường hướng mục vụ của Hội Thánh dành cho đời sống hôn nhân gia đình nói riêng, và cho toàn thể đời sống và hoạt động của Dân Chúa nói chung.  Từ đây, công cuộc đồng hành của Hội Thánh là cung cách mới, như sứ vụ công bố Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Ki-tô cho nhân loại.
Tương tự như sứ vụ truyền giảng Tin Mừng, một sứ vụ phải được Hội Thánh cần mẫn, chí thú thi hành với tất cả nhiệt huyết, bất kể điều kiện thiên thời, địa lợi nhân hòa ra sao,[12] thì sứ vụ đồng hành cùng đàn chiên Chúa phải là ưu tiên hàng đầu của các mục tử đang phục vụ trong toàn thể Hội Thánh:
Vào lúc nầy, công cuộc chăm sóc mục vụ dành cho các gia đình phải mang tính chất sâu xa như của sứ vụ truyền giảng Tin Mừng, nghĩa là ra đi tìm đến tận nơi con người đang sinh sống.  Chúng ta không còn có thể hành xử như một xưởng máy, ồ ạt sản xuất ra những khóa huấn luyện song phần lớn trong số đó bị bỏ mặc cho phẩm chất yếu kém.[13]
Đã là sứ vụ thì không còn là việc làm hành chánh, theo lịch cố định, theo thời vụ, theo sự kiện, càng không chạy theo thành tích, chỉ tiêu, hay bất kỳ mục tiêu vụ lợi phàm tực nào. 
Đơn giản vì việc thi hành sứ vụ Tin Mừng là cuộc sống và lý do hiện hữu của Hội Thánh: 
 Chúa Ki-tô là ánh sáng của nhân loại; do đó, Thánh Công Đồng nầy, cùng nhóm họp trong Chúa Thánh Thần, luôn thiết tha mong ước có thể đem đến cho mọi người ánh sáng của Chúa Ki-tô được nhìn thấy chiếu tỏa rạng ngời từ Hội Thánh, nhờ công cuộc công bố Tin Mừng của Người cho tất cả mọi thụ tạo.  Bởi lẽ, trong Chúa Ki-tô, Hội Thánh vốn tự bản tính là một bí tích—một dấu hiệu và một khí cụ giúp cho đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và cho công cuộc hiệp nhứt giữa loài người với nhau—cho nên ở đây, vì thiện ích của các tín hữu và của toàn thể thế giới, và theo truyền thống do các Công Đồng cố cựu thiết lập, Hội Thánh chủ trương trình bày hết sức minh bạch bản tính và sứ vụ phổ quát của mình.[14]     




[1] Xc Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân”, các số 25, 26, và 27; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 888 đến 896.
[2] Xc Mt 20:24-28.
[3] Xc tài liệu nến tảng giúp hình thành Tông Huấn “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình” là “Bản Tường Trình Chung Kết Công Nghị Giám Mục Về Gia Đình 2015”, số 77: “Bằng một chia sẻ đầy cảm xúc, Hội Thánh coi như đó là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình, những niềm vui và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của các gia đình.  Đối với Hội Thánh, đứng cạnh các gia đình như một người đồng hành có nghĩa là chấp nhận thái độ biết khôn ngoan thích ứng: có lúc cần phải ở bên cạnh và in lặng lắng nghe; có lúc cần tiên lên phía trước để chỉ con đường phải bước đi; có lúc phải đi phía sau, hỗ trợ và khích lệ.”   
[4] Lc 10:16.
[5] Ga 5:24.
[6] Theo thành ngữ La Tinh “ex cathedra”, nghĩa chữ là “lời phán quyết công bố từ ngai tòa”, biểu tượng của quyền làm thầy dạy muôn dân, gọi là “Magisterium.” 
[7] Xc Mt 24:35.
[8] Xc 13:52; “Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa” số 13.
[9] Xc Mt 23:4.
[10] Xc “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình”, số 122.
[11] “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình”, số 296.
[12] Xc 2 Tm 4:1-5.
[13] “Niềm Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Gia Đình”, số 230.
[14] Ánh Sáng Muôn Dân, số 1.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks