ngày tháng năm

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

ĐÊM THÁNH

Đình Vượng

      Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe*…
Giữa những hối hả chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng sinh ở nhiều giáo đường : nào cây thông Noel: lấp lánh ánh đèn màu, lủng lẳng đồ vật trang trí muôn hình muôn vẻ (cây thông càng lớn, nhiều tiền, càng giá trị); nào hang đá được trình bày công phu (ngày nay không đơn giản là giấy bao xi-măng vò nát làm đá, mà là, hang đá của thời công nghiệp, có suối chảy róc rách, có đôi cánh thiên thần lúc thì mở ra lúc thì úp vào, có Đức Mẹ và Thánh Giuse thỉnh thoảng chấp tay cúi đầu thờ lạy, loại hình này cũng xuất hiện ở nhiều thánh đường không chỉ dành cho tín hữu, có cả khách thập phương đến thưởng ngoạn), và nhiều hình thức trang trí khác nữa, rất đẹp, đến nỗi ai nhìn cũng mở miệng khen. Không thể không nhắc đến: hết ca đoàn này đến ca đoàn nọ tập hát thánh ca; hội đoàn này hội đoàn kia đóng góp chuẩn bị tiệc mừng… Là phàm nhân, lạy Chúa, con cũng bị cuốn hút vào dòng chảy đón mừng Chúa như vậy.



Mừng Chúa Giáng sinh, con đến giáo đường để xem diễn nguyện, nghe ca đoàn hát thánh ca, tham dự một thánh lễ trang trọng, nhiều nơi, nghe bài giảng hùng hồn của nhà hùng biện hơn là nghe rao giảng tình yêu của Thiên Chúa xuống thế làm người từ cửa miệng một vị ‘mục tử nhân lành’, nán lại lại thêm chút thời giờ để chứng kiến cha xứ phát quà, rồi ra về mừng vui với gia đình, bạn bè quanh bữa tiệc quen gọi là re-vei-zon! Chỉ vậy thôi. Chấm. Hết. Trong lòng con không đọng lại điều gì về Ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người ! Chưa năm nào con hưởng được hồng ân Giáng sinh trọn vẹn lời chúc của thiên thần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – bình an dưới thế cho người lòng ngay”
Năm nay, con chẳng thấy nao nức, hối hả, cuốn hút trong ý nghĩ Giáng sinh như lễ hội. Đêm Thánh, con sẽ đến giáo đường, đúng hơn, một nguyện đường. Ở đấy, thánh lễ diễn ra đơn sơ, không kèn không trống, không có những bài thánh ca được hát lên như để trình diễn, không có bài giảng thuyết hùng hồn… Mọi người, từ vị Chủ lễ đến giáo dân chỉ biết cúi đầu chiêm ngắm, thinh lặng và lắng nghe Chúa âm thầm xuống thế làm người!
***

Làm sao con có thể mừng vui, khi bên cạnh con, trong Đêm Thánh này, biết bao người không nhà cửa, không nơi nương tựa vì thiếu hơi ấm tình thương của anh chị, của mẹ, của cha, của chồng, giờ này đang phải chốn lao tù!

Làm sao con có thể mừng vui, khi những dòng nước lũ nhân tai cuồn cuộn đổ về song hành cùng cơn bão táp thiên tai – hình ảnh những em bé đục mái nhà ngồi cầu cứu, một số người ôm cành cây đong đưa giữa biển nước mênh mông – hỏi, trái tim nào dầu chai đá, nhìn cảnh tượng hãi hùng đó, lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ !?

Làm sao con có thể mừng vui, khi giờ này, biết bao ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung ngày đêm ngong ngóng được bồi thường thỏa đáng, hợp lí qua thảm họa Formusa, hơn nữa, ngư dân - không chỉ ngư dân bốn tỉnh mà tất cả người dân Việt – đều mong biển trở lại bình yên, không còn độc tố, thủy sản có thế nuôi trồng… một môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp!

Và làm sao con có thể mừng vui, khi môi trường xã hội ngày nay, mối tương quan giữa người và người gần như hết tình hết nghĩa: người ta sẵn sàng chà đạp nhân phẩm kẻ khác để đạt địa vị, danh vọng, giàu có. Người ta sẵn sàn giết nhau vì quyền lợi, vì chút xích mích nhỏ nhen ! Hôm đó, Chúa ơi, con chứng kiến một cụ già gần 70t, quỳ xuống van xin một đôi bạn trẻ đang hùng hổ, vì bánh trước của chiếc Honda 68 của con cụ đụng phải đuôi chiếc ‘fu-tờ!’ cảnh tượng ‘lạ thường’ này xảy ra ở gần khu du lịch có hai từ thật đáng nhớ : Văn hóa Suối Tiên.

Rất nhiều câu hỏi làm sao của một xã hội Việt Nam ngày hôm nay, nếu phải nói tiếp, xin thưa, chẳng còn gì để nói!

Từ suy nghĩ “Làm sao”… con lại ước : Ước chi, các giáo đường giảm thiểu chi phí xem ra có vẻ hình thức (xin dành số tiền đó cho người nghèo, bất hạnh). Tối hôm mừng lễ, thay vì diễn nguyện, cả cộng đoàn ngồi nhìn Chúa trong những thước phim ngắn về thực tại bi đát của môi trường Việt Nam nói trên… kết thúc một thánh lễ Giáng sinh đầy ý nghĩa, nặng tình Chúa- tình người!

Lạy Chúa, niềm vui Giáng sinh mà con chỉ nói toàn chuyện buồn, nhưng con tin Chúa đang lắng nghe tâm tình sám hối của con : nếu những ‘làm sao’ xẩy ra ở đây, có lỗi của con, một tín hữu Công giáo. Chính thái độ lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm của con đã góp phần làm nên những nỗi đau, mất mát, tang thương nói trên. Chúa dạy con yêu người, yêu công trình tạo dựng, nhưng nào con đã yêu đủ đâu. Từ hờ hững sinh ra lạnh nhạt – lạnh nhạt sinh ra vô cảm – và vô cảm dẫn đến tội ác.

***

Xin cho con biết lắng nghe, thấu hiểu, sẵn sàng chia sẻ ‘quà tặng yêu thương của mầu nhiệm Nhập Thể”

“Nhập Thể Làm Người”, Chúa - Hài Nhi Giêsu - là quà tặng quá đỗi lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người; Ngôi Lời Thiên Chúa không còn ngự chốn trời cao mà đã trở nên người phàm cụ thể giữa chúng con. Chúa hạ sinh làm người ở cánh đồng vắng của thành Bêlem, ra đời trong chiếc máng cỏ, nơi môi trường không ô nhiễm, không ồn ào, náo động, tranh dành, chỉ có sát phạt, dối trá, lừa gạt. Chúa ghét những nơi ấy bởi lòng dạ con người chẳng khác nào bầy lang sói.
Từ nơi máng cỏ Bêlem trong thân phận một Hài Nhi nghèo. Nghèo đến nỗi “Bà Maria bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ" (Lc 2:6- 7)1 Giây phút linh thiêng này : “Định mệnh của tất cả mọi loài thụ tạo được tháp nhập với mầu nhiệm Đức Kitô “vì trong Người muôn vật được tạo thành” (Cl 1,16) 2

Đất trời giao hòa và thiên thần hát ca tụng, cầu chúc “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người lòng ngay” Chúng con đã không được phúc gặp Chúa Hài Nhi để đón nhận Bình an là điều mọi người mong mỏi. Phúc Bình an đó, Chúa dành cho người lòng ngay, và họ là ai ? Là những người nghèo như những người chăn chiên ở Bêlem giữa đêm đông lạnh giá. Họ là, các loài thọ tạo, là cỏ cây, con bò, con lừa. Chúa ưu ái dành cho họ bình an vì họ ‘có lòng ngay’, yêu quý công trình tạo dựng, yêu quý và sẵn sàng là quà tặng, trao ban cho người khác ngay chính bản thân mình.

Chúa Giêsu hạ sinh làm người không chỉ là một biến cố lịch sử lớn lao đối với nhân loại. Sự xuất hiện của Ngài chính là để giải phóng con người thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, đem an bình, sự công chính cho nhân loại. Ngài đến để cất đi cái ách tội lỗi đè nặng trên tâm hồn và cuộc sống của mỗi người chúng con. Nhưng sao hòa bình vẫn chưa ló rạng? Và thế giới, cách riêng Việt Nam chúng con, vẫn chưa thấy hòa bình? vẫn không được hít thở bầu khí thanh bình, hoặc thấy bóng dáng hòa bình?

Hài Nhi Giê-su - là quà tặng quá đỗi lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người. Lạy Chúa, là quà tặng, cho con ý thức lời Đức Biển Đức XVI, sẵn sàng trao ban, chia sẽ cho nhau tình yêu của Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể này, đặc biệt, khi con là một tín hữu Công giáo:

“Vào dịp Giáng Sinh thì chúng ta thường trao quà cho những người thân nhất. Đôi khi, đó có thể là một cử chỉ được làm vì quy ước, nhưng cách chung thì đó là cử chỉ biểu lộ tình cảm với nhau, là một dấu chỉ của tình yêu và của lòng tự trọng. Trong lời nguyện tiền tụng của Thánh Lễ Rạng Đông Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội đã nguyện xin thế này “Lạy Cha, xin hãy nhận lấy của lễ của chúng con trong đêm đầy ánh sáng này, và vì cuộc trao đổi quà kỳ diệu này, xin hãy biến đổi chúng con trong Đức Ki-tô, Con Cha, là Đấng đã nâng con người lên cùng Cha trong vinh quang”. Vì thế, ý tưởng trao tặng chính là tâm điểm của phụng vụ, và ý tưởng ấy gợi nhắc ý thức chúng ta về cội nguồn món quà Chúa Giáng Sinh: trong đêm thánh ấy Thiên Chúa đã trở nên người phàm, Người muốn tự trở thành quà tặng cho hết thảy mọi người. Ngài đã trao tặng chính Ngài cho chúng ta. Ngài đã đón nhận nhân tính của chúng ta và rồi trao cho chúng ta thần tính của Ngài. Đây quả là quà tặng quá đỗi lớn lao. Ngay cả trong việc tặng quà cho nhau, chúng ta còn không lấy làm quan trọng giá trị vật chất của món quà lớn hay nhỏ, đắt hay rẻ, thì những ai không ra khỏi mình ra để trao ban một tí về mình, thì người ấy luôn cho đi quá ít ỏi; quả vậy, đôi khi người ta lấy tiền bạc hay nhiều thứ vật chất khác để thay thế cho tấm lòng, né tránh sự dấn thân để cho đi chính mình. Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn chỉ ra rõ rằng Thiên Chúa không thực hiện điều ấy: Ngài đã không tặng cho chúng ta một vật gì đó, mà đã tặng chính mình Ngài cho chúng ta nơi Thánh Tử Yêu Dấu. Chúng ta hãy kiếm tìm ở đây mẫu gương cho việc tặng quà của chúng ta, để các mối tương quan của chúng ta, đặc biệt là các tương quan quan trọng nhất được hướng dẫn bởi tính vô vị lợi của tình yêu.”3

Vị thánh nghèo và cũng là vị thánh yêu quý công trình tạo dựng của Chúa, Phanxicô Assisi, đã có những cảm thức sâu xa về tình yêu Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu. Ngài đã sống và tái diễn mầu nhiệm cao cả đó trong một bối cảnh của đời sống và văn hoá cụ thể ở Nước Ý lúc bấy giờ. Nhờ thế, mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã “nhập thể” vào trong tâm hồn những người nông dân ở Greciô4, mang lại cho họ bình an. Tình yêu Thiên Chúa đã “kết duyên” với đời sống và những lam lũ, khổ đau của họ và tình yêu Giáng sinh ấy đã nở hoa trên cuộc đời họ trong những ngày tháng sau đó.

Lạy Chúa, trong Đêm Thánh này, xin cho con mở lòng đón nhận lời chỉ dạy của Giáo hội, và được dâng lên Chúa lời ca tụng Chúa của thánh Phanxicô Assisi:

“Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con - LAUDATO SI’, mi’ Singore!”



Chú thích
*  Lắng nghe : Theo Tu luật thánh Biển Đức ở Lời mở đầu “ Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình lời cha hiền khuyên nhủ và thực hành cho bằng được”. Trong tiếng La tinh “obscultare” (theo ngôn ngữ bình dân) hay “auscultare” có nghĩa là lắng nghe với hàm ý đem ra thực hành điều đã nghe. Tiếng Pháp, ở câu đầu tiên của Tu luật : Écoute, mon fils, l'invitation du Maître et incline l'oreille de ton coeur.” (nghe với tất cả tâm hồn và muốn đem ra thực hành)
1 Tin mừng thánh Luca (2,7) thuật lại: Đức Mẹ Maria hạ sinh hài nhi Giêsu giữa cánh đồng Bêlem trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng và nôi nằm của hài nhi là một máng đựng thức ăn cho súc vật. Có những chuồng thú vật thời đó trên cánh đồng Bêlem được xây dựng trong một hang của gò núi đá hay được làm bằng gạch đá..
2 Laudato Si’ số 99.
3 Buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư ngày 09-01-2013 tại đền thánh Phêrô. Nguyễn Thái Hiệp & Nguyễn Minh Triệu, SJ,  chuyển ngữ từ Radio Vatican

Năm 1223, trước Giáng sinh 2 tuần, thánh Phanxicô Assisi tái diễn một hang đá như Bêlem để cử hành buổi lễ nửa đêm. Ngài đi tìm người bạn thân của mình là thống đốc vùng Greciô bởi trong vùng ông có một quả đồi với nhiều hang đá, chung quanh lại có rừng cây bao bọc, cách Assisi 60 cây số về phía Bắc. Buổi chiều ngày Giáng sinh, ngọn núi hoang vu vùng Greciô rực sáng với một cây sinh nhật khổng lồ do các tu sĩ và giáo dân dựng nên. Người cắm nến, kẻ cầm đuốc cùng nhau đi lễ nửa đêm tại hang đá của thánh Phanxicô, nơi có một con bò trắng và một con lừa nhỏ cùng nghe ngài đọc Tin Mừng. Từ đó, những hang đá đơn sơ, khó nghèo được dựng lên trong các giáo đường hoặc các gia đình giáo dân vào dịp lễ Noel.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks