ngày tháng năm

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Tự Do Tôn Giáo lâm nguy ở Hoa Kỳ ? Thật sao ?

Trần Mạnh Trác

2 tuần cho tự do

Ngày thứ Bảy 21 tháng 6 vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bắt đầu 'chiến dịch 2 tuần tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo tại Hoa Kỳ năm 2013' (2013 Fortnight for Freedom). Đức Tổng Giám mục Lori, chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn giáo cuả HĐGM HK chủ tọa thánh lễ khai mạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Lên Trời, ở Baltimore, Maryland cảnh báo rằng Chính quyền đang nỗ lực hạn chế các hoạt động đức tin và tín ngưỡng, ngài tuyên bố mạnh mẽ "Caesar đang lấy đi những gì thuộc về Thiên Chúa".

Wow! Tự Do Tôn Giáo đang lâm nguy ở Hoa Kỳ ?

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

HỌC YÊU, Để yêu như Chúa yêu

Trường An SWF

Lời mở

Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với nhan đề HỌC YÊU này. Yêu có gì phải học. Thông thường khi một trẻ nhỏ 4-5 tuổi từ bỏ thái độ vị ngã của nó, nó bắt đầu thừa nhận người khác và biết thương yêu cha mẹ, rồi anh chị em rồi bạn cùng lớp. Sự phát triển này bình thường có gì đâu phải học. Rồi đến tuổi dậy thì, với sự phát triển của các bộ phận sinh lý và các hóoc-môn, sự lôi kéo giữa nam và nữ đến gần nhau cũng là một chuyện bình thường khác. Có gì đâu phải học. 

Thế nhưng nhiều khi đó chỉ là cảm xúc nên tốt hơn chúng ta nên tìm hiểu định nghĩa về tình yêu trong sách vở và nhất là trong kinh nghiệm sống của mỗi người.

50 năm trước: Bóng dáng người hòa bình (11)

Vũ Khởi Phụng

VRNs (13.06.2013) – Đồng Nai - Sáng Chủ Nhật 28/10, Ðức Cha Dell’Acqua thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, trình lên Ðức Gioan XXIII một điện tín ngắn của Tổng Thống Kennedy: “Khrushchev đã chấp nhận thương thuyết như ý Ngài. Xin cám ơn Ngài đã can thiệp.” Ðức Gioan XXIII đang ngồi đứng dậy nắm cánh tay vị giám mục: “Ta hãy cám ơn Chúa”. Và Ngài kéo vị giám mục vào nhà nguyện.

Cũng buổi sáng hôm đó, Ðài Phát Thanh Mátxcơva thông báo: “Chính Phủ Liên Xô trước đây đã có chỉ thị ngừng tiến hành các hoạt động ở những địa điểm đang xây dựng căn cứ võ trang, nay lại có lệnh mới tháo dỡ các võ khí mà quý vị cho là để “tấn công”, những võ khí này sẽ được đóng bao và đưa về Liên Xô”. Thông báo này sau đó được ghi vào văn thư của Thủ Tướng Khrushchev gửi Tổng Thống Kennedy.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Lm. Giuse Đỗ văn Thụy (Hội Thừa Sai Việt Nam) 

1. TÂN PHÚC ÂM HÓA VỚI KITÔ HỮU THỜI ĐẠI HÔM NAY 

1.1 Tân Phúc Âm hóa (New Evangelization) 

Thuật ngữ này được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến tông du tại Balan nhưng không có sự nhấn mạnh ý tưởng chuyên biệt nào về vai trò của nó trong tương lai; sau này, trong Huấn dụ của ngài gửi các Giáo Hội tại Châu Mỹ La tinh, thuật ngữ này đã được sử dụng lại và mang một sinh khí mới. Ngài dùng thuật ngữ Tân Phúc Âm hoá để đánh thức và khơi dậy những cố gắng canh tân trong công cuộc truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại châu lục này: 

“Việc kỷ niệm một thiên niên kỷ rao giảng Tin Mừng tại đây hôm nay sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu anh em giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân, coi đây như lời cam kết của mình; không phải một lời cam kết về một cuộc tái Phúc Âm hóa, mà là một cuộc Phúc Âm hóa mới: mới về nhiệt huyết, về phương pháp và cách biểu hiện”.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Con người là chủ thể, nền tảng và mục tiêu nhân vị trong Giáo huấn Xã hội Công giáo

Sr. M.Jos. Trần Thị Thanh Lương O.P.

Nền tảng của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG) không phải là xã hội, không phải là cộng đồng nhân loại, nhưng là nhân vị. Nó là nền tảng, không phải một trong những nền tảng, không phải một trong những lãnh vực trọng yếu, nhưng nhân vị là nền tảng duy nhất, riêng biệt của GHXHCG. Con người luôn là chủ thể, nền tảng và mục tiêu của xã hội loài người. Trong lịch sử hình thành GHXHCG, Giáo Hội cho thấy các nguyên lý và nội dung của giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đều dựa trên nguyên lý nền tảng là nhân vị. 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, trong thông điệp đầu tiên của triều đại giáo hoàng: Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis) đã xác định con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội, cả trong những vấn đề xã hội, là chính nhân vị cụ thể (xem số 14). Những huấn dụ mang tính hiện thực chủ nghĩa nhân học (antropological realism) của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Tông thư mới nhất về vấn đề xã hội của ngài: Bác Ái trong Chân Lý (Caritas in Veritate) cũng đưa con người, là hữu thể duy nhất, toàn bộ và không thể phân chia, như là yếu tố nền tảng của việc phát triển toàn bộ con người cũng như xã hội. Phẩm giá của nhân vị không chỉ bao gồm trong hữu thể của mình (nền tảng nhân học), nhưng trước hết, như là một thụ tạo, nó mang ý nghĩa trong chính Đấng Tạo Thành (nền tảng thần học). Trong quan điểm Kitô giáo, cũng cần phải nhấn mạnh đến nền tảng Kitô học trong mạc khải về con người được thể hiện trong chính Đức Kitô, con người hoàn hảo[1], qua mầu nhiệm nhập thể. 

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU GIÁO DÂN

Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng, 
Thư ký Ủy ban Công lý và Hoà bình 

Cộng đồng Vatiacan II đã nhắc nhở rằng: Những vấn đề về xã hội và văn hóa hiện nay có liên quan đến tất cả anh chị em giáo dân, để mời gọi họ đối diện với những vấn đề trần thế và xếp đặt nó theo ý muốn của Thiên Chúa (x. LG, 31). Trước mặt nhân loại, mỗi người tín hữu giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá cho thế giới tinh thần của những người sống Tám Mối Phúc Thật. Người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống (x. LG 38). Trong tinh thần ấy, Mẹ Giáo Hội, qua Huấn quyền, bằng Giáo huấn Xã hội của mình đã và đang nỗ lực hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa, trong đó có Giáo dân là lực lượng đông đảo nhất, dấn thân sâu rộng vào mọi cảnh sống thực tại của xã hội để đem sức sống của Đấng Phục Sinh cho con người và thế giới hiện tại này. 

Báo Financial Times, nhật báo nổi tiếng của nước Anh, ngày 19.12.2012 vừa qua đã đăng bài viết của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhan đề: “Một thời đại dành cho Kitô hữu dấn thân vào thế giới”. Trong đó, theo sát Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Ngài đã dẫn giải cụ thể: “Chính Tin Mừng đã khơi nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu trong cuộc sống đời thường và dấn thân vào các việc trần thế - có thể là tại Quốc hội hay tại thị trường chứng khoán. Các Kitô hữu không thoát ly nhưng cần sát cánh cùng trần gian. Tuy nhiên, khi tham gia chính trị hoặc hoạt động kinh tế, họ cần phải vượt qua mọi loại ý thức hệ.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

TẬP SAN SỐ 8


50 năm trước: Bóng dáng người hòa bình (10)

Vũ Khởi Phụng

Vasili Alexandrovich Arkhipov (1926 – 1998)
VRNs (05.06.2013) – Silver Spring, Maryland – Ngày 27.10.1962, lúc 9 giờ sáng giờ Washington, Ðài Phát Thanh Mátxcơva bất ngờ phát đi một sứ điệp của ông Khrushchev, bản văn của sứ điệp này được gửi đến Washington lúc 11 giờ. Khác với bức thư đêm hôm trước, lần này ông Khrushchev đưa thêm một điều kiện mới. Ông viết:

“Quý vị bất an vì Cuba. Quý vị bảo quý vị bất an vì Cuba chỉ cách bờ biển Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu có 99 dặm đường biển. Nhưng … quý vị lại dựng những tên lửa có sức hủy diệt mà quý vị gọi là tên lửa tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, thế là ở ngay bên cạnh chúng tôi … Cho nên tôi đề nghị như sau: chúng tôi bằng lòng dỡ bỏ khỏi Cuba những khí tài mà các vị coi là có tính cách tấn công … Các người đại diện của quý vị sẽ đưa ra lời tuyên bố là Hoa Kỳ … sẽ dỡ bỏ những khí tài tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ … Sau đó, những người được Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy thác sẽ được thanh sát tại chỗ xem những điều cam kết đã thực hiện đầy đủ chưa.”

Excomm lại họp suốt ngày. Phía Mỹ phỏng đoán là trong nội bộ ban lãnh đạo Liên Xô có một phái cứng rắn. Và phái này đã đòi thêm điều kiện như vậy. Người con Thủ Tướng Khrushchev, ông Sergei Khrushchev, năm 2002 đưa ra một lời giải thích khác, được dịch ra tiếng Anh trong American Heritage 53. Theo ông Sergei, sở dĩ có sự thay đổi trong lập trường của Liên Xô là vì suốt cuộc khủng hoảng, Tổng Thống Kennedy đã nhiều lần dùng người em ruột là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy để tiếp xúc không chính thức với Sứ Quán Liên Xô ở Washington, (Robert Kennedy với Ðại Sứ Liên Xô Dobrinine là chỗ quen biết). Trong những lần tiếp xúc này, Robert Kennedy, (và một vài phái viên không chính thức khác) đã gợi ý Mỹ có thể dỡ bỏ các hỏa tiễn ở Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Liên Xô dỡ bỏ tên lửa ở Cuba.

CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG THẦN HOÁ TA

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Nhập đề 

Con đường Giêsu không phải chỉ dẫn ta đến sự thật toàn diện để ta hiểu biết đúng về Thiên Chúa, con người, vạn vật nhưng còn đưa ta đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hoà hợp với muôn loài để cùng chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa cho nhau. Đó là ý nghĩa con đường mới mở dẫn đến cuộc thần hoá lạ lùng. 

Người đã nói với Matha trước khi làm phép lạ cho Lazarô em cô sống lại: “Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Sự sống này không phải chỉ kéo dài trong một đời người, cũng không phải chỉ là sự sống tự nhiên, nhưng là sự sống siêu việt của Thiên Chúa. 

Trong ít phút này chúng ta sẽ tìm hiểu 
  • Cuộc sống quanh ta đang diễn ra như thế nào? 
  • Giá trị sự sống nằm ở đâu? 
  • Con đường sự sống của Đức Giêsu dẫn ta đến điểm nào? 

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

KHAI GIẢNG LỚP GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO DÀNH CHO CÁC BẠN TRẺ TẠI GIÁO XỨ PHÚ TRUNG

ĐĂNG TRÌNH

Tối 3/6/2013, tại nhà xứ của Giáo xứ Phú Trung, lớp Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo (GHXHCG) đã được khai giảng bởi Linh mục Giuse-Maria Lê Quốc Thăng, trưởng Ban Công Lý và Hòa Bình Tổng Giáo phận Sài Gòn – cũng là linh mục chánh xứ Giáo xứ Phú Trung.

Lớp học này sẽ được tổ chức đều đặn từ 19h đến 21h vào mỗi thứ 2 hàng tuần, kéo dài khoảng 3 tháng. Mỗi buổi học sẽ gồm 3 phần: Phần đầu, chính cha Giuse-Maria sẽ chia sẻ bài giảng; Phần 2, lớp sẽ chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về đề tài bài học; Phần cuối, các nhóm sẽ cùng nhau đúc kết những vấn đề đã suy tư, rút ra bài học cho bản thân cũng như tìm định hướng để sống và thực hành Giáo huấn.

Thành phần lớp học đa số là các bạn trẻ. Cụm từ GHXHCG với các bạn có lẽ khá mới mẻ, khá thú vị và kích thích sự tìm tòi học hỏi – nhất là qua phần gợi mở cũng khá ấn tượng hấp dẫn của vị linh mục trưởng Ban Công Lý và Hòa Bình. Qua buổi học mở đầu, cha Giuse-Maria đã giúp mọi người hình dung được GHXHCG là gì thông qua việc triển khai rất sáng hai ý sau:

1/ GHXHCG được đặt nền tảng trên Thánh Kinh, các Thông điệp và Công Đồng của Giáo hội, là một hình thức Phúc Âm hóa, Tin Mừng hóa các thực tại xã hội. Vì thế GHXHCG chính là phương thế mới để rao giảng Tin Mừng hôm nay.

2/ Nội dung chính của GHXHCG gói gọn trong một chữ: CON NGƯỜI – là thụ tạo mà Chúa đã công phu sáng tạo một cách kỳ diệu, và cứu độ một cách kỳ diệu hơn bằng chính Con Một của Đấng tạo thành trời đất, để con người được trở nên CON THIÊN CHÚA, đồng thừa tự với Đức Kitô. Chính hai mầu nhiệm Sáng Tạo và Cứu Độ cực kỳ cao trọng và thiêng liêng này đã làm nên PHẨM GIÁ CON NGƯỜI – một PHẨM GIÁ bất khả xâm phạm.
CON NGƯỜI ấy được GHXHCG đặt tại trung tâm của 5 vòng tròn đồng tâm lần lượt thể hiện phẩm giá con người qua các giềng mối giữa CON NGƯỜI và GIA ĐÌNH, QUỐC GIA, CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ và BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG. 

Rất thực tế, GHXHCG trang bị cho mỗi người những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán, những chỉ dẫn để hành động nhằm hướng dẫn cách thế dấn thân loan báo Tin Mừng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ văn hóa, lao động, kinh tế, đến chính trị, hòa bình… . GHXHCG cũng chỉ ra 4 giá trị mà mỗi người phải theo đuổi: TÌNH YÊU, CÔNG LÝ, SỰ THẬT, TỰ DO.

Đúng như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhận định trong thông điệp Caritas In Veritate (Tình yêu trong chân lý): “GHXHCG có một chiều kích liên ngành quan trọng, từ viễn cảnh này có thể chu toàn một phận vụ có hiệu quả ngoại thường. Giáo huấn này cho phép ĐỨC TIN, THẦN HỌC, SIÊU HÌNH HỌC và KHOA HỌC tìm được vị trí của mình trong sự cộng tác để phục vụ con người. Chính ở đây mà GHXHCG cụ thể hóa chiều kích khôn ngoan của mình.” (số 31).

Buổi học đã kết thúc trong sự thân thiện, háo hức và bình an trong trong lời cầu nguyện và phép lành Chúa ban qua tay vị linh mục khả ái.

TÍNH THỜI SỰ CỦA THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIS

Mario Toso

Trong bài thuyết trình ngày 22 tháng 11 năm 2012 tại Đại Học Lateranô Rôma, đức cha Mario Toso, SDB, Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình, đã nêu bật 6 điểm thời sự của thông điệp Pacem in terris qua việc tiếp nhận vào các bản văn kế tiếp của Huấn quyền: 

1/ Những dấu chỉ thời đại. 
2/ Những quyền lợi và nghĩa vụ con người. 
3/ Quốc gia, xã hội và dân chủ. 
4/ Công ích và chính quyền. 
5/ Công ích hoàn cầu và Quyền bính hoàn vũ. 
6/ Hình thù của chính quyền quốc tế. 

Tác giả khai triển đặc biệt hai điểm cuối cùng; tuy nhiên những đoạn này bị cắt ngắn cho hợp khuôn khổ của bài báo. 

Nguồn: “La ricezione e l’attualità della Pacem in terris” http://www.pcgp.it/dati/2012-11/29-999999/ 2012RICEZPACEMINTERRIS.pdf 

Viết tắt : CA = Thông điệp Centesimus annus
GS = Hiến chế Gaudium et spes
SRS = Thông điệp Sollicitudo rei socialis
PT = Thông điệp Pacem in terris 
____________________________________

Đang khi Mater et magistra là một thông điệp xã hội và kinh tế, thì Pacem in terris là một thông điệp nổi bật về chính trị ở nhiều cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế. Trọng tâm của nó là hòa bình. Chủ đề này đã được đức Piô XII quan tâm, và ngài nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa hòa bình với trật tự xã hội, ở cấp quốc gia và hoàn cầu. Ngài đã nhắc lại nhiều lần rằng ngôi sao hòa bình rạng chiếu khi nào con người quy định các mối tương quan – xã hội, kinh tế và chính trị - theo các nguyên tắc của chân lý, công bằng xã hội, bác ái. Trong thông điệp PT, đức thánh cha Gioan XXIII đã lấy lại những tư tưởng ấy cách mạch lạc vào một thời điểm khủng hoảng quốc tế trầm trọng. Hòa bình thế giới bị đe dọa vì những cuộc tranh chấp tại Algérie và Congo trước đó, và vào năm 1962, việc sáp nhập Tân Guinée vào Indonesia, các cuộc giao tranh bên Lào, các cuộc tàn sát tại Algérie, cuộc khủng hoảng lần thứ hai bên Congo, những xung khắc giữa Liên sô và Đồng minh tại Berlin dẫn tới sự căng thẳng giữa Hoa kỳ và Liên sô chung quanh nước Cuba.

NĂM ĐỨC TIN VÀ GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

José Bullón Hernández

Tác giả là một linh mục, giáo sư đại học San Damaso Madrid

Doctrinal social de la Iglesia, thường được dịch là: “học thuyết”, “giáo huấn”, “huấn quyền”, “đạo lý” xã hội. Chúng tôi dịch là “giáo lý”, cũng tương đương với danh xưng quen thuộc “giáo lý đức tin” (doctrina fidei). Evangelizacion: “loan báo Tin mừng” (tuy nhiều nơi quen gọi là “Phúc âm hóa”).

Nguồn: El Año de la fe y la Doctrina Social de la Iglesia,
http://www.instituto-social-leonxiii.org/index.php?option=com_content&view=article&id=879:el-ano-de-la-fe-y-la-dsi&catid=119:curso-2012

Chữ viết tắt: EN: tông huấn Evangelii nuntiandi. - GLXHGH: Giáo lý xã hội của Giáo hội . - LBTM: Loan báo Tin mừng. TLHTXH: Sách Tóm lược Học thuyết xã hội 

NHẬP ĐỀ: Sự hiểu biết GLXHGH trong đức tin Kitô giáo

Càng ngày GLXHGH càng được biết nhiều hơn, tuy nhiên nó vẫn rất ít được sử dụng đến trong những hoàn cảnh cụ thể, và chắc hẳn là không được nhìn trong khung cảnh của việc LBTM và không được coi như là một yêu sách của đức tin. Lý do có lẽ bởi vì nó không được hiểu biết đúng mức và không được trình bày thích đáng. Trong một buổi gặp gỡ tại Santiago de Chile với các giám mục vào ngày 29 tháng 9 năm 2008, Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, nguyên chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý Hòa bình, đã xác nhận điều đó: “Một trong những vấn đề mà tôi gặp trong các cuộc viếng thăm các cộng đồng và quốc gia đó là mặc dù đã có những tiến bộ nhưng GLXHGH vẫn còn được sử dụng lẻ tẻ. Người ta không coi đó như là thiết yếu cho việc LBTM vào các thực tại xã hội”.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks