ngày tháng năm

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

50 năm trước: Bóng dáng người hòa bình (11)

Vũ Khởi Phụng

VRNs (13.06.2013) – Đồng Nai - Sáng Chủ Nhật 28/10, Ðức Cha Dell’Acqua thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, trình lên Ðức Gioan XXIII một điện tín ngắn của Tổng Thống Kennedy: “Khrushchev đã chấp nhận thương thuyết như ý Ngài. Xin cám ơn Ngài đã can thiệp.” Ðức Gioan XXIII đang ngồi đứng dậy nắm cánh tay vị giám mục: “Ta hãy cám ơn Chúa”. Và Ngài kéo vị giám mục vào nhà nguyện.

Cũng buổi sáng hôm đó, Ðài Phát Thanh Mátxcơva thông báo: “Chính Phủ Liên Xô trước đây đã có chỉ thị ngừng tiến hành các hoạt động ở những địa điểm đang xây dựng căn cứ võ trang, nay lại có lệnh mới tháo dỡ các võ khí mà quý vị cho là để “tấn công”, những võ khí này sẽ được đóng bao và đưa về Liên Xô”. Thông báo này sau đó được ghi vào văn thư của Thủ Tướng Khrushchev gửi Tổng Thống Kennedy.

Tổng Thống Kennedy tuyên bố tức khắc: đây là “sự đóng góp quan trọng xây dựng hòa bình.” Sau đó ông gửi một bức thư cho Thủ Tướng Khrushchev: “Tôi coi bức thư tôi gửi Ngài ngày 27/10 và thư phúc đáp của Ngài hôm nay là những quyết sách cả hai chính phủ chúng ta sẽ thi hành nhanh chóng… Hoa Kỳ sẽ đưa ra lời tuyên bố về Cuba ở Hội Ðồng Bảo An như sau: Hoa Kỳ tuyên bố Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu sẽ tôn trọng tính bất khả xâm phạm của biên giới Cuba, chủ quyền của Cuba; Hoa Kỳ cam kết không can thiệp vào nội bộ Cuba, bản thân Hoa Kỳ không can dự, cũng không cho phép ai dùng lãnh thổ chúng tôi làm điểm xuất phát xâm chiếm Cuba, sẽ can gián những ai có kế hoạch xâm lấn Cuba, dù từ lãnh thổ Hoa Kỳ hay từ lãnh thổ các nước láng giềng khác của Cuba.”

Ðến đây cuộc khủng hoảng 13 ngày cơ bản đã chấm dứt. Trong 13 ngày đó, thế giới nói chung, Mỹ và Liên Xô nói riêng sống hồi hộp trước một thảm họa to lớn đang rình rập. Các đài phát thanh và truyền hình Mỹ liên tục phát đi những nội dung hướng dẫn người dân cách trú ẩn phòng khi chiến tranh hạt nhân xảy ra. Các giới lãnh đạo lại càng ý thức hơn về mối đe dọa cận kề. Tướng William Smith, Phụ Tá Ðặc Biệt của Chủ Tịch các Tham Mưu Trưởng Liên Quân gửi lời hướng dẫn người em ruột xây dựng nơi trú ẩn như thế nào dưới tầng hầm của gia đình ở Arkansas. Nhưng về phần ông ở Washington thì: “Tôi không nghĩ là có ai trong chúng tôi sẽ sống sót. Ðưa ra kế hoạch này nọ chẳng có ý nghĩa gì nhiều vì chẳng đưa đến đâu.”

Dino Brugioni, một nhân viên CIA luôn tháp tùng bên cạnh tổng thống, viết thư vĩnh biệt vợ, nhưng lại dặn chị chỉ mở thư khi nào ông nhắn mở: “Lúc tôi kinh sợ là ngày Thứ Bảy Ðen 27/10. Chúng tôi nhận chỉ thị phải sẵn sàng xuống hầm” (hầm đây là nơi tổng thống trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp) “Ðêm ấy tôi gọi vợ và bảo cô ấy: “nếu anh gọi em lần nữa, thì đưa mấy đứa nhỏ lên xe và chạy về Missouri với ông bà nội”, bởi vì tôi tin chắc quân ta sẽ ném bom các vị trí có hỏa tiễn vào ngày thứ hai. Tôi có một đứa con gái 8 tuổi và một đứa con trai 1 tuổi. Chỉ nghĩ đến việc vợ tôi chất chúng lên xe hơi chạy loạn tôi đã nẫu cả ruột. Nhưng tôi đã nhìn thấy những vụ nổ nguyên tử và tôi biết chúng tàn phá như thế nào, mà tôi cảm thấyWashington sẽ là mục tiêu.”

Một nhân vật lớn khác, Nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng William Perry, đã rời chính trường, nhưng trong dịp này được kêu gọi khẩn cấp về Washington để tham gia Excomm nhớ lại: “Ngày nào tôi cũng nghĩ như đấy là ngày cuối cùng tôi sống trên mặt đất này.” 

Còn Bộ Trưởng Quốc Phòng đương nhiệm Mc Namara, vào đêm 27/10 khi lên xe về nhà than rằng: “Chẳng biết có còn sáng ngày hôm sau không”. Trong những ngày đó nhiều viên chức cao cấp đều gửi vợ con đi xa Washington. Riêng Tổng Thống Phu Nhân Jacqueline Kennedy nằng nặc không chịu đi tị nạn. Bà đòi vợ chồng con cái sống cùng sống, chết cùng chết.

Là vì như Brugioni: “Cả hai nước đều la làng rằng chúng ta đang đi đến bờ vực, mà đã đến bờ vực thật rồi, thì còn ai biết làm cái quái gì nữa.”

Về phía Liên Xô, chúng tôi không có được nhiều chứng từ như vậy. Nhưng người con trai của Thủ Tướng Liên Xô, ông Sergei Khrushchev cũng là một kỹ sư có tham gia công tác thiết kế tên lửa, ghi lại: “Cảm tưởng chung là nếu xảy ra chiến tranh, thì mọi người đều chết là điều không tránh khỏi và không có chỗ nào có thể trú ẩn được.” Ông cũng mô tả Thủ Tướng Khrushchev chờ đợi chiến tranh xảy ra, đến nỗi ông không về nhà riêng, mà ngày đêm cứ ở trong Ðiện Kremli: “Bố tôi quyết định ở lại vì nếu người Mỹ thực sự phát động cuộc xâm lăng đêm hôm đó (26/10) thì ở trong Ðiện Kremli vẫn hơn ở nhà.” Ông tả cảnh Thủ Tướng Khrushchev trằn trọc cả đêm, nửa thức nửa ngủ trong văn phòng chờ đợi tin dữ về cuộc chiến đã mở màn.

Khi Khrushchev đọc báo cáo của Ðại Sứ Dobrinine từ Washington gửi về, nói Robert Kennedy trông có vẻ rất mệt mõi, cặp mắt đỏ hoe, vừa thương thuyết vừa phàn nàn rằng suốt một tuần lễ không được về nhà riêng, và ở Bạch Cung bầu khí căng thẳng như thế nào, thì ông thủ tướng nhếch mép cười, bảo rằng: “Bên này tụi mình cũng có hơn gì đâu!”

Chúng tôi đã dài dòng thuật lại những diễn biến chính và bầu khí của 13 ngày khủng hoảng, không phải vì muốn kể chuyện chính trị hay quân sự. Chúng tôi chỉ muốn bạn đọc hình dung được ít nhiều tình hình lúc đó để cảm nhận tác động của Ðức Chân Phước Gioan XXIII. Nói rằng một tay ngài cứu vãn được hòa bình thế giới thì là nói quá; bằng chứng là cả hai bên đã ráo riết gây áp lực với nhau đến giây phút cuối. Nhưng nếu nhìn lại, giữa một tình huống sặc mùi đối đầu, đe dọa lẫn nhau, sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng đã như một xúc tác cốt yếu, một ngọn gió hòa bình giữa cơn sốt đối đầu quân sự. Trong 13 ngày đó, phần nổi của tác động của Ðức Thánh Cha là lời kêu gọi hòa bình của ngài phát đi ngày 24/10. Hiệu quả của lời kêu gọi đó ta có thể nhận ra trong vụ báo Pravda của Liên Xô trịnh trọng đưa nó lên trang nhất ngày 26/10. Chính vì thế ngày 28/10 mới có bức điện văn của Tổng Thống Kennedy cám ơn ngài. Hai tháng sau đó khi Norman Cousins viếng thăm Matxcơva, Thủ Tướng Khrushchev đã nói với ông: “Trong tuần lễ khủng hoảng Cuba, lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng đúng là một tia sáng. Tôi biết ơn ngài. Ông hãy tin tôi đi, đó là một thời điểm nguy hiểm. Tôi mong rằng không ai phải sống qua những cảnh huống như thế nữa.” Khrushchev lại nói: “Có một cái gì đó rất xúc động đối với tôi về một người như Ngài bất chấp bệnh tật vẫn đấu tranh để đạt một mục đích lớn lao như vậy trước khi ngài qua đời.”

Ngày nay, Hội Thánh cám ơn Chúa vì trong tình thế hiểm nghèo đó, Chúa đã ban cho Hội Thánh một vị lãnh đạo hiện thân của hòa bình. Uy tín của Ðức Gioan XXIII qua những năm chuẩn bị rồi triệu tập Công Ðồng Vatican II, phong thái rất mực tin mừng, rất mực bình an của Ngài đã được thế giới hưởng ứng. Ðang khi Công Ðồng khơi lên một nguồn hy vọng ở khắp nơi, thì hành động của Ngài trong cuộc khủng hoảng Cuba lại càng xác nhận rằng thế giới đã không lầm khi dành hết tình cảm cho Ngài. Hoạt động vì hòa bình của Ngài cũng không chấm dứt tại đó. Từ cuộc khủng hoảng cho đến khi Ngài qua đời không đầy 8 tháng. Nhưng cảm nghiệm về cuộc khủng hoảng đã làm cho Ngài khởi thảo thông điệp danh tiếng Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem In Terris). Ngay khi chưa biết nội dung, cộng đồng quốc tế đã đáp ứng nồng nhiệt khi Tạp Chí Time của Mỹ bầu chọn ngài là Người của Năm 1962 (Man of the Year) ngày 31/12, 1962. Không lâu sau đó, Ngài nhận Giải Thưởng Hòa Bình Quốc Tế Balzan. Hội Ðồng Giải Thưởng này gồm 37 thành viên, thuộc 21 quốc tịch, trong số đó có 4 người Liên Xô. Cả 4 người này đếu bỏ phiếu bầu Ðức Giáo Hoàng nhận giải. Cũng trong dịp này, Thủ Tướng Khrushchev sẽ cho con gái và con rể đến chúc mừng Ðức Giáo Hoàng. Một tháng sau khi nhận giải thưởng, Ðức Gioan XXIII công bố bức Thông Ðiệp Hòa Bình Thế Giới (Pacem In Terris) coi như chúc thư tinh thần Ngài để lại cho cộng đồng nhân loại. Từ đó đến khi Ngài qua đời chỉ còn 2 tháng.

Ngày 3/6 vừa qua là ngày giỗ thứ 50 của Ðức Gioan XXIII, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói những lời sau đây: “Toàn thế giới nhìn nhận Ðức Giáo Hoàng Gioan là một vị mục tử và một người cha. Ngài là mục tử vì Ngài là một người cha.” Ðức Phanxicô nhắc lại: Ðức Gioan được gọi là: “Ðức Giáo Hoàng nhân lành. Tìm được một vị linh mục thực sự nhân lành, lòng đầy nhân ái, là điều tuyệt diệu biết bao… Những người có tuổi như tôi vẫn ghi nhớ niềm xúc động (trong những ngày cuối cùng của Ðức Gioan)… Quảng Trường Thánh Phêrô biến thành một Ðền Thánh lộ thiên, ngày đêm đón tiếp các tín hữu không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội. Mọi người đều bồi hồi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng.”

Chính vì phải có tuổi như Ðức Phanxicô mới ghi đậm trong ký ức những ấn tượng lạ lùng ấy của 50 năm trước, nên chúng tôi đã cố gắng thuật lại những biến cố của cuộc khủng hoảng, và sẽ cố gắng gợi lại dung mạo rực sáng hòa bình của Ðức Gioan XXIII, mong nối kết sự hiệp thông của người thời nay với những giờ phút ơn phúc ấy của Hội Thánh.

VKP

Tái Bút. – Những điều tôi viết sau đây không thật cần thiết cho bài đã viết, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy sẽ có những bạn đọc thông cảm.

Ðang khi tôi sưu tầm tư liệu để viết loạt bài “Bóng Người Hòa Bình” này, thì những liên hệ riêng tư khiến cho tôi đang ở SàiGòn bỗng dạt sang Maryland (Hoa Kỳ). Mà Bang Maryland thì lại sát kề bên Thủ Ðô Washington D.C.. Thế là, hoàn toàn không nằm trong chương trình làm việc dự kiến, một ngày đẹp trời tự nhiên tôi đứng trước Phủ Tổng Thống Mỹ: Bạch Cung (cũng gọi là Tòa Bạch Ốc, hay Tòa Nhà Trắng), nơi hơn 50 trước đã xảy ra những biến cố nghẹt thở đó. Nhìn bề ngoài, Bạch Cung tuy vẫn bề thế, nhưng trông không mịn màng thanh thoát như ta vẫn thường thấy trong rất nhiều bức ảnh chụp. Tôi liên tưởng đến đoạn văn Norman Cousins mô tả chuyến ông viếng thăm Bạch Cung sau vụ Cuba. Ông nói từ trong Bạch Cung nhìn ra “thảm cỏ không có vẻ mượt mà bằng phẳng như nhìn từ ngoài đường. Tôi thấy có nhiều góc khuất, một khoảng có trang bị những dụng cụ cho trẻ con chơi đùa. Chừng 6-7 thiếu nhi từ 4-8 tuổi đang chơi đùa lau nhau với nhau, có hai cô ăn mặc gọn ghẽ chăm sóc. Một người dáng trẻ trung, thanh mảnh ghé vào và cúi xuống nói chuyện với lũ trẻ. Khi người ấy đứng thẳng lên và quay mặt lại thì tôi nhận ra đó là tổng thống… Tổng Thống bước vào phòng họp của nội các. Nước da ông ngăm ngăm rất khỏe khoắn, con người ông tỏa ra sức mạnh thể xác và tinh thần linh hoạt.” Có ai ngờ chỉ một năm sau vị tổng thống tỏa ra bấy nhiêu sức mạnh thể xác và tinh thần đã chết thảm trong một vụ ám sát đến bây giờ vẫn còn chìm trong bí ẩn. Trong giây phút, vị tổng thống rất mực quyền uy và hào hoa phong nhã đã thành cái xác không hồn.

Trong lần thămWashington này, tôi đã đến Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington để thăm mộ ông Kennedy. Cả nước Mỹ bàng hoàng vì vụ ám sát đã tổ chức một đám tang vĩ đại. Cho đến khi nằm yên dưới mộ, Kennedy vẫn mang phong cách một tổng tư lệnh tối cao. Ngôi mộ của ông chiếm riêng một vạt đồi cao, với ngọn lửa vĩnh cửu, nhìn xuống dưới kia là hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ trắng phần lớn là của các binh sĩ Mỹ đã chết trong các cuộc chiến tranh.

Ðứng bên mộ Kennedy, tôi hồi tưởng về một người quá cố khác. Năm 2003, tôi đã được quỳ trước thi hài tới nay vẫn còn nguyên vẹn của Ðức Chân Phước Gioan XXIII, đặt trong một khám bằng kính trong Ðền Thánh Phêrô. Ngôi Ðền Thờ mênh mông và nguy nga ấy, ngoại trừ những lúc có lễ, còn thì rất đông khách du lịch đi đi lại lại. Chỉ có hai địa điểm thấy người ta đắm chìm cầu nguyện là Nhà Nguyện Thánh Thể và trước di hài Ðức Gioan XXIII, (nghe nói ngày nay người ta cũng cầu nguyện như vậy trước mộ của Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II, nhưng từ ngày Ngài qua đời, tôi không được có dịp trở lại Rôma để chứng kiến cảnh tượng ấy). Chính ở trước di hài của vị Giáo Hoàng Hòa Bình tôi đã cảm thấy ham muốn được có dịp kể lại cho các thế hệ trẻ sự nghiệp của Người.

50 năm đã qua, Ðức Gioan XXIII đã về Nước Chúa sau khi đã để lại một vầng sáng trong lành giữa thế gian hỗn loạn. Nửa năm sau, đến lượt ông Kennedy cũng qua đời. Ông Khrushchev còn cầm quyền một thời gian nữa, rồi đến cuối năm 1964, ông cũng bị các đồng chí lật đổ, sống cuộc đời cô quạnh, luôn bị mật vụ canh chừng và qua đời năm 1971. Trong các vị lãnh tụ thời khủng hoảng Cuba nay chỉ còn Chủ Tịch Fidel Castro, hiện đang sống những năm cuối đời sau khi đã có nhiều dịp tiếp xúc với các đấng kế vị Ðức Gioan XXIII là Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II và Ðức Bênêđictô XVI. Ðời này qua đời khác, Hội Thánh Chúa vẫn tiếp tục cuộc đối thoại hòa bình với một thế giới còn bị xâu xé hận thù. Người Trung Quốc có nói: không vào hang cọp, sao bắt được cọp con. Chúa Giêsu thì nói cách khác: “Thầy phái anh em đi như chiên đi giữa sói rừng.” (Mat. 10,16).

Thế gian này chưa phải là Nước Chúa. Nó vẫn chất chứa nhiều uất hận hờn căm. Tôi nhớ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn đến Hà Nội và Sài Gòn trong một Lễ Giáng Sinh để kêu gọi hòa bình, nhưng mộng không thành. Lại nhớ Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Bênêđictô XVI với những cuộc họp các tôn giáo và cả những người vô tín ngưỡng để cầu nguyện hòa bình ở Assisi. Mới đây nghe nói Tổng Thống Israel Shimon Peres đề nghị Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mời ba tôn giáo độc thần (Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo) ngồi lại với nhau để gây dựng hòa bình đặc biệt cho Ðất Thánh và vùng Trung Ðông đang dầu sôi lửa bỏng. Con đường của Hội Thánh còn dài, con đường quanh co, hiểm trở, nhưng vẫn luôn hướng về một chân trời quang đãng hòa bình.

Sau hết, trong loạt bài về Ðức Gioan XXIII và cuộc khủng hoảng Cuba, tôi đã trích dẫn khá nhiều tài liệu mà không ghi xuất xứ. Có lẽ khuôn khổ một bài báo ngắn trên mạng không tiện lắm để ghi lại các xuất xứ đó. Tôi muốn được bổ khuyết sự thiếu sót này để bạn đọc nếu muốn có thể tra cứu thêm.

Từ sau cuộc khủng hoảng Cuba, và nhất là năm 2012 kỷ niệm 50 năm biến cố đó, đã có rất nhiều sách vở, báo chí, phim ảnh ..v..v…về vụ này. Ở đây chỉ xin ghi một vài nguồn tư liệu cốt yếu mà chúng tôi sử dụng.

Tác phẩm của người trong cuộc chủ yếu là cuốn Thirteen Days của Robert Kennedy, W.W. Norton, 1969.

Các bài diễn văn của John Kennedy và thư từ trao đổi giữa Kennedy và Khrushchev được lưu giữ ở Thư Viện và Viện Bảo Tàng Tổng Thống Kennedy (John Kennedy Presidential Library and Museum) và Thư Viện của Quốc Hội Mỹ (Library of Congress). Hai nơi này cũng lưu giữ biên bản các cuộc họp của Excomm. Các văn kiện này cũng có thể tìm thấy trên mạng.

Ta có thể tìm một đúc kết tổng hợp ở mục từ Cuban Missile Crisis của Wikipedia.

Một số chứng từ của người trong cuộc chúng tôi ghi lại theo nội dung chương trình phát thanh của Ðài BBCtháng 10, 2012, nhân kỷ niệm 50 năm vụ Cuba.

Bà Jacqueline Kennedy cũng có những hồi tưởng về những ngày này trong một cuộc phỏng vấn dài bà dành cho Arthur Schlesinger đầu năm 1964, được phổ biến vào năm 2011.

Về phía Liên Xô, chúng tôi đã sử dụng tài liệu của Sergei Khrushchev: How My Father and President Kennedy Saved the World, bản dịch tiếng Anh trong American Heritage, 53.

Cuộc phỏng vấn Vadim Orlof trong Hội Nghị kỷ niệm 40 năm khủng hoảng Cuba họp ở Havana với sự tham dự của Chủ Tịch Fidel Castro và Nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng Mc Namara.. Cuộc phỏng vấn này được Svetlana Savranskaya dịch sang tiếng Anh cho văn khố An Ninh Quốc Gia của Mỹ.

Về tác động của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, chúng tôi dựa vào 3 tác phẩm:
- Paul Dreyfus, Jean XXIII, Le Sarment, Fayard, 2000
- Peter Hebblethwaite, John XXIII, Pope of the Century,Wellington House 1984.
- Và đầy đủ nhất là Norman Cousins, với tác phẩm Bộ Ba Bất Ngờ, John F. Kennedy, Giáo Hoàng Gioan, Nikita Khruhchev (The Improbable Triumvirate, John Kennedy, Pope John, Nikita Khrushchev), w.w. Norton & Company New York, 1972.

Lm. Mathêu Vũ Khởi Phụng C.Ss.R

Nguồn DCCT




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks