Vũ Khởi Phụng
VRNs (30.05.2013) – Maryland, USA – Bức thư dài của Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Tưởng Nikita Khrushchev gửi Tổng Thống Mỹ một mặt bảo lưu lập trường của Liên Xô, mặt khác đưa ra một đề nghị cụ thể để thương thuyết.
Về bảo lưu lập trường của Liên Xô, bức thư có đoạn: “Nhân danh Chính Phủ Liên Xô và nhân dân Liên Xô, tôi bảo đảm với ngài là những kết luận của ngài về các võ khí tấn công ở Cuba là vô căn cứ. Dựa vào những gì ngài đã viết cho tôi thì thấy rõ quan niệm của chúng ta khác nhau về điểm này, hay nói đúng hơn chúng ta có những cách đánh giá khác nhau về những khí tài quân sự; thực ra cùng một loại võ khí có thể được hiểu bằng những cách khác nhau. Ngài là một quân nhân nên tôi hy vọng ngài sẽ hiểu tôi. Chẳng hạn ta lấy một khẩu đại bác thông thường làm ví dụ. Nó là phương tiện gì: để tấn công hay phòng thủ? Khẩu dại bác là một phương tiện phòng thủ nếu nó được lắp đặt để bảo vệ biên giới hoặc một vùng quân sự. Nhưng nếu ta tập trung pháo binh, và thêm vào đó số bộ binh cần thiết, thì cũng những đại bác đó tất trở thành phương tiện tấn công, vì chúng chuẩn bị và mở đường cho bộ binh tấn công. Ðối với các khí giới tên lửc hạt nhân thì cũng vậy, bất cứ chúng thuộc loại nào.
Ngài lầm lẫn nếu ngài nghĩ rằng bất cứ khí tài nào của chúng tôi ở Cuba cũng là để tấn công. Nhưng thôi, ta đừng cãi nhau bây giờ. Ðã rõ là tôi sẽ không thuyết phục được ngài về chuyện này. Nhưng tôi nói với ngài: thưa Tổng Thống, ngài là một quân nhân và ngài đáng lẽ phải hiểu: liệu người ta có tấn công được không dù trên lãnh thổ của mình có một số lớn tên lửa chăng nữa với những tầm bắn hiệu quả khác nhau và sức công phá khác nhau, nhưng nếu chỉ dùng phương tiện đó. Những tên lửa đó là những phương tiện để hủy diệt và tàn phá. Nhưng người ta không thể dùng các tên lửa đó, kể cả những tên lửa hạt nhân có sức công phá 100 megaton di nữa bởi vì chỉ có những con người, bộ binh, mới tấn công được. Không có người lính, thì bất cứ phương tiện nào dù mạnh đến đâu cũng không thể dùng để tấn công được …
Nhưng, thưa Tổng Thống có thật ngài nghĩ một cách nghiêm túc rằng Cuba có thể tấn công Hoa Kỳ và thậm chí cả chúng tôi cùng với Cuba có thể tấn công quý quốc từ lãnh thổ Cuba? Liệu ngài có thật sự nghĩ như thế không? Sao lại có thể như thế được? Chúng tôi không thể nào hiểu được …”
Ông Khrushchev lập đi lập lại nhiều lần rằng hành động cấm vận của Mỹ là hành động ăn cướp. Rồi ông đề nghị:
“Ta hãy bình thường hóa quan hệ. Chúng tôi đã nhận được một lời kêu gọi từ ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant, cùng với những đề nghị. Tôi đã trả lời ông ấy rồi. Ông ấy đề nghị như sau: phía chúng tôi sẽ không chuyên chở khí giới bất cứ thuộc loại nào sang Cuba trong một thời gian nhất định, trong khi tiến hành thương thuyết, và chúng tôi đã sẵn sàng để tham gia thương thuyết như vậy – còn phía bên kia cũng sẽ không có một hành động cướp bóc nào đối với các tàu bè đi lại trên biển khơi. Tôi coi những đề nghị này là phải chăng …”
Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng Liên Xô nhắc lại rằng trước đây Mỹ đã nhúng tay vào một vụ xâm lược Cuba và Tổng Thống Kennedy đã nhìn nhận đó là một sai lầm. Rồi ông đặt điều kiện:
“Nếu Tổng Thống và Chính Phủ Hoa Kỳ bảo đảm rằng bản thân Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào một cuộc tấn công Cuba và sẽ can gián các nước khác không tham gia vào những hành động như thế, nếu quý vị gọi hạm đội về nước, thì tất cả sẽ thay đổi ngay lập tức… Khi đó vấn đề võ trang cũng biến theo bởi vì nếu không có sự đe dọa, thì sự võ trang là một gánh nặng cho mọi dân tộc…”
Và đây là đoạn kết thúc mà Robert Kennedy coi là có tính cách “bức xúc”:
“… Chúng tôi và quý vị lúc này không nên kéo hai đầu dây thòng lọng mà ngài đã tròng vào để thắt chiến tranh. Có thể sẽ đến một lúc nút thắt chiến tranh chặt đến nỗi cả người thắt nút cũng không còn đủ sức để cởi nút… Do đó nếu không có ý định thắt chặt nút chiến tranh và do đó ném thế giới vào thảm họa chiến tranh hạt nhân, thì không những chúng ta nên khoan giãn sức mạnh đang kéo hai đầu nút, chúng ta hãy đưa ra những biện pháp để cởi nút. Chúng tôi đã sẵn sàng…”
Sáng sớm ngày 27.10.1962, Tổng Thống Kennedy điện trả lời Thủ Tướng Khrushchev:
“Tôi đã đọc kỹ thư ngài viết ngày 26.10 và lấy làm mừng vì ngài đã tuyên bố muốn tìm một giải pháp mau chóng cho vấn đề. Tuy vậy, việc đầu tiên cần làm là phải cho ngừng hoạt động các căn cứ hỏa tiễn ở Cuba và mọi hệ thống võ khí ở Cuba có khả năng tấn công đều phải đặt trong tình trạng không thể vận hành được, với những quy định kiến hiệu của Liên Hiệp Quốc.
Tin rằng việc này sẽ được thi hành nhanh chóng, tôi đã chỉ thị cho những người đại diện tôi ở New York cho phép họ đề ra từ cuối tuần này một thỏa thuận để giải quyết lâu dài vấn đề Cuba theo những cương lĩnh đã được gợi ý trong bức thư ngày 26.10, trong sự cộng tác với ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và với người đại diện của ngài. Khi đọc thư của ngài, thì những yếu tố cốt yếu trong các đề nghị của ngài theo như tôi hiểu là nói chung có thể chấp nhận được. Những yếu tố cốt yếu đó là như sau:
1. Ngài sẽ đồng ý tháo dỡ những hệ thống võ khí và đưa đi khỏi Cuba với sự quan sát và thanh sát tương thích của Liên Hiệp Quốc; và ngài sẽ tiến hành chấm dứt việc đưa thêm những hệ thống võ khí như vậy vào Cuba với những bảo đảm thích hợp.
2. Về phần chúng tôi khi đã thiết lập được những thỏa thuận thích đáng qua Liên Hiệp Quốc để thi hành và tiếp tục những điều chúng tôi cam kết, chúng tôi sẽ:
a. Thu hồi mau chóng các biện pháp cấm vận hiện hành và
b. Ðưa ra những lời bảo đảm sẽ không tấn công Cuba. Tôi tin rằng các quốc gia khác ở Tây Bán Cầu cũng sẵn sàng làm như vậy.
Nếu ngài cũng chỉ thị cho các người đại diện của ngài như vậy thì không có lý do gì chúng ta lại không hoàn tất được các thỏa thuận và thông báo cho thế giới nội trong vài ngày tới đây …
Nhưng xin cho tôi nhấn mạnh là yếu tố đầu tiên là các căn cứ hỏa tiễn ở Cuba ngưng hoạt động và cần có những biện pháp khiến cho những khí giới như vậy không thể vận hành được, với sự bảo đảm kiến hiệu của quốc tế. Tôi hy vọng chúng ta có thể nhanh chóng đồng ý với nhau theo những cương lĩnh được đề ra trong bức thư này và bức thư ngày 26.10 của ngài.”
Cứ tưởng như thế là cuộc khủng hoảng đã tìm đươc một lối thoát tốt đẹp. Nhưng ngày 27.10 này vẫn còn những giờ phút Liên Xô và Mỹ rất gần với chiến tranh …
Nguồn DCCT