Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn - HKK
Nhập đề
Trước toà án Roma, Đức Giêsu nói với quan Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Philatô hỏi Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18,37-38).
Hàng tỷ người đang theo học trong các trường lớp, miệt mài trong các phòng thí nghiệm, tìm hiểu qua sách báo, phim ảnh, internet... để khám phá sự thật trong thiên nhiên, trong vạn vật, trong lòng người và trong cả Thiên Chúa nữa.
Nhân loại khát khao sự thật, mơ ước tìm ra con đường giải thoát. Bao nhiêu tôn giáo, ý thức hệ, khoa học đã ra đời nhưng vẫn chưa thoả mãn khát vọng sự thật của con người vì vẫn chưa hiểu rõ được “sự thật là gì?”, để đạt tới điểm cuối cùng “sự thật là ai?”.
Chính trong tinh thần khám phá, chúng ta lên đường đi tìm con đường sự thật, con đường giải thoát ta.
1. SỰ THẬT TRONG ĐỜI SỐNG
1.1. Vì được Thiên Chúa chân thật tạo dựng, nên muôn vật, muôn loài đều phản ánh sự thật của Ngài. Do đó, sự thật không phải là cái gì ở ngoài nhưng ở trong ta, trong vạn vật.
* Loài hoa nào cũng dạy ta về lòng trung thực. Màu sắc của cánh, của nhuỵ, của đài hoa, dù rực rỡ hay đơn sơ, đều là những màu rất thật chứ không tô vẽ giả tạo bằng những nét sơn phết bên ngoài.
* Con người nào cũng muốn sống thực với chính mình, muốn được người khác thật lòng với mình. Chẳng ai muốn người khác lừa bịp mình bằng những lớp áo hoá trang, những lớp son phấn giả tạo trên sân khấu cuộc đời. Họ giống như nguyên tổ Ađam và Evà sống hạnh phúc bên nhau vì thân thể trần truồng được bao phủ bằng hào quang chân thật của Thiên Chúa (x. St 1-2). Tuy nhiên, con người đã và đang tự lừa dối chính mình cũng như lừa bịp người khác vì:
1.2. Satan và các thiên thần sa ngã đã đưa sự dối trá vào thế giới
* Được Thiên Chúa ban cho quyền tự do, Satan và các thiên thần sa ngã đã muốn gạt Thiên Chúa chân thật ra khỏi đời sống, cắt đứt với nguồn sống chân thật. Chúng muốn trở thành sự thật tuyệt đối cho mình, trở thành tiêu chuẩn đúng cho muôn vật, muôn loài. Làm như thế là chúng tự lừa dối mình vì rời bỏ nguồn chân lý. Kết quả chúng trở thành thần dối trá, lọc lừa.
* Chúng lừa dối nguyên tổ để họ không còn nhớ đến sự thật mình chỉ là người chứ không phải là Thiên Chúa của mình và thần tượng của nhau.
1.3. Hậu quả sự lừa dối
* Ađam - Evà cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa chân thật, xé rách vầng hào quang ân sủng bao phủ để chỉ còn thấy mình trần trụi, thấp hèn, và cái chết ở cuối đường đời.
* Từ đó, con người không còn nhận ra đồng loại cùng chung xương thịt và dòng máu đỏ với mình, mà chỉ thấy khác biệt theo màu da vàng, đỏ, trắng, đen, nâu với lớp quần áo, vàng bạc hoá trang bên ngoài. Con người tự dối lòng mình, không thật với nhau, trở thành những chú Cuội cho nhau.
* Con người chẳng còn nhận ra vạn vật là những đứa em cùng Người Cha Tạo Hoá, cùng là bụi đất vật chất như nhau, và nhìn vạn vật chỉ là loài vô tri, vô giác để khai thác cạn kiệt như những ông chủ bạo tàn chứ không hiểu được sự thật bên trong và yêu thương chúng.
1.4. Muôn loài mong đợi sự thật
Con người sa ngã, kéo theo vạn vật bị cưỡng bức phải chịu hư nát (x. Rm 8,28) chung với con người, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian đến nỗi hứa ban Đấng Giải Thoát ngay khi con người vừa phạm tội (x. St 3,1-24). Đó là Người Con Một (x. Ga 3,16), “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), là Ngôi Lời Thiên Chúa. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3).
Ngài đặt dấu ấn sự thật và ân sủng của Ngôi Lời trong mỗi vạn vật, mỗi con người để tất cả cùng nhận ra nhau là con cái của Cha Trên Trời và khát khao mong đợi Đấng giải thoát sẽ đến.
Đặc biệt Ngài cho con người có khả năng nhận biết sự thật trong vạn vật nhờ họ sử dụng những tài năng tinh thần và lắng nghe tiếng nói lương tâm chân chính của mình. Con người tận thâm tâm vẫn khao khát sự thật và tìm sự thật để giải đáp cho họ về đau khổ, về cái chết, về sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, nhờ đó họ tìm được sự giải thoát cho mình và cho vạn vật (x. CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 1 và 2).
2. NHÂN LOẠI ĐI TÌM SỰ THẬT
2.1. Trên con đường sự thật
Con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 30.000 năm. Con người sử dụng trí óc để tìm hiểu sự thật. Với việc khám phá ra ngôn ngữ (10.000 năm trước CN) rồi sau đó chữ viết (khoảng 4.000 năm trước CN), ngành in (1.000 năm sau CN) và các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, internet (thế kỷ 20), con người dễ dàng tìm hiểu, chia sẻ và phổ biến những sự thật mình khám phá được. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng song song với sự thật, quỷ dữ vẫn không ngừng lợi dụng con người để phổ biến sự dối trá, để bắt con người làm nô lệ cho chúng, cho tham vọng và dục vọng thấp hèn như ta đang thấy tràn ngập trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Từ thế kỷ 13, khi các đại học mới mở ở nhiều nước châu Âu, các linh mục, tu sĩ trở thành những vị thầy tiên phong cổ vũ cho nền văn hoá và văn minh, các tu viện trở thành các trường học phổ biến văn hoá cho quần chúng. Rồi từ đó, người ta đi tìm sự thật về con người, về Thiên Chúa, phát triển thành khoa triết học và thần học. Nhưng nền triết học và thần học kinh viện dựa trên những suy tư trừu tượng đã trở thành một nền giáo dục dành cho giai cấp thượng lưu và dần dần xa cách con người, xa cách xã hội.
Từ thế kỷ 18-19, cuộc cách mạng khoa học đã đưa nhân loại đến các miền đất mới của kiến thức là khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn để con người khám phá vạn vật (khoa vật lý, hoá học, sinh học, y học, thực vật học, động vật học...), khám phá chính mình (tâm lý học, phân tâm học, luân lý, đạo đức học…), và xã hội mình sống (xã hội học, kinh tế học, nhân học...). Họ thấy các khoa học ấy mới thật sự giúp ích cách thiết thực cho con người. Tuy nhiên, con người cũng nhận ra rằng dù khoa học có phát triển đến đâu, chúng cũng không thể nào vượt qua nổi những giới hạn nằm trong chính bản chất con người và vạn vật. Con người không thể tự giải thoát chính mình để trở thành tuyệt đối, vĩnh cửu, vô biên. Con người cần một sự thật tuyệt đối ở ngoài mình để biến đổi chính mình. Sự thật này chỉ có Đức Giêsu Kitô mới có thể chia sẻ cho những ai tin vào Người. (x. Ga 17,17)
2.2. Một vài hiểu lầm trong Giáo hội Công giáo
Cho tới đầu thế kỷ 20, nhiều người trong Giáo Hội Công giáo còn cho rằng giáo sĩ, tu sĩ chỉ nên biết khoa học đạo, không nên biết khoa học đời. Thái độ này bắt nguồn từ quan niệm nhị nguyên, dẫn đến việc hiểu sai về sự thật. Thí dụ: Người ta nghĩ rằng có sự xúc phạm lớn lao đối với bí tích nếu một người vừa làm linh mục vừa làm bác sĩ, sau khi đỡ đẻ cho sản phụ, lại cầm Mình Máu Thánh Chúa giơ lên cho dân chúng tôn thờ.
Kết quả là một số linh mục, tu sĩ hầu như không tha thiết với các ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn, ít quan tâm đến những vấn đề thiết thực của con người cũng như những biến chuyển trong xã hội. Bài giảng của linh mục hầu như tập trung vào các vấn đề luân lý, vào việc chú giải Thánh Kinh và đôi khi còn phản khoa học, nguy hại đến con người và xã hội. Các tu sĩ thường lo việc phục vụ bàn thờ, dọn phòng thánh, dạy giáo lý hay làm các việc từ thiện, bác ái.
Như thế là Đức Kitô, nguồn khôn ngoan và sự thật, đã bị chia cắt, phân biệt thành hai thứ đạo đời nên đạo không còn hấp dẫn các nhà khoa học để họ tìm hiểu sự thật về Thiên Chúa. Rồi khi trình độ văn hoá nâng cao, người ta càng xa rời đạo. Trình độ hiểu biết của nhiều tín hữu giáo dân về Thiên Chúa, về đạo chỉ ở lớp 5, lớp 6 qua những khoá giáo lý sơ lược để chuẩn bị xưng tội, rước lễ lần đầu hay bí tích Thêm Sức, trong khi trình độ khoa học lại ở bậc cử nhân, tiến sĩ. Vì thế, đời sống tri thức của họ chưa có sự hài hoà.
2.3. Sự thật trong con người Việt Nam
Đối với người Việt Nam, có lẽ chúng ta cần lưu ý thêm một điều, đó là sự thật nhiều lần bị bóp méo trong suốt dòng lịch sử dân tộc do hoàn cảnh của đất nước hay của môi trường sống. Hơn 1.000 năm nô thuộc người Trung Hoa, gần 100 năm nô lệ người Pháp khiến người Việt hầu như ít dám nói lên sự thật bất mãn cho kẻ cầm quyền vì nói ra cũng chỉ làm mất lòng người lại còn mang hoạ vào thân.
Những ý thức hệ đối kháng trong 30 năm chiến tranh với những kiểu tuyên truyền với mưu đồ chính trị đã làm sai lạc ít nhiều sự thật: cùng một biến cố, một sự kiện, cùng một từ “tự do, độc lập” nhưng mỗi bên lại giải thích khác nhau. Thế rồi, thói quen sống theo hình thức bên ngoài ấy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dường như đã ngấm vào xương tuỷ, vào tận cõi vô thức khiến người Việt chúng ta khó sống thật lòng.
Muốn chữa lành tâm hồn người Việt có lẽ nhiều thế hệ phải tập sống chân thật như khơi dòng nước trong và làm nhạt dòng ý thức đen bẩn để tạo nên một bản sắc mới. Đó là điều vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay khi mà sự dối trá tràn lan khắp nơi:
Lương thực, lương tâm đều bán cả
Chân lý, chân giò một giá thôi!
Tuy nhiên, điều con người thấy khó hay không thể làm được thì họ có thể thực hiện dễ dàng (x. Mt 17,20) nếu họ gặp được Đức Kitô là vị Thầy tuyệt vời để dạy họ về sự thật toàn diện. Nhưng nhiều người Việt chưa khám phá ra Đức Giêsu, vị Thầy vĩ đại này.
3. SỰ THẬT LÀ GÌ?
3.1. Định nghĩa sự thật
Chỉ tiếc rằng sau khi Philatô đặt câu hỏi, ông đã không nán lại chờ nghe câu trả lời của Đức Giêsu mà lại vội vã ra gặp người Do Thái để cho loài người tốn bao nhiêu công sức đi tìm câu định nghĩa sự thật, cũng như tranh luận gay gắt về những lời giải nghĩa của mình.
a. Sự thật, theo nghĩa thông thường, là cái có thật, cái có trong thực tế. Nói theo triết học: đó là điều phản ánh đúng hiện thực khách quan. Theo nghĩa này, sự thật đồng nghĩa với chân lý.
b. Chân lý, theo định nghĩa được đón nhận nhiều nhất, là sự phù hợp giữa trí khôn và thực tại (Veritas est conformitas intellectus cum re). Thí dụ: Cái bút này màu đỏ. Trí khôn tôi nhận thức điều đó và tôi nói lên điều đó là tôi đã nói sự thật, tôi đạt được chân lý vì tôi đã nói một điều phù hợp với thực tế bên ngoài.
3.2. Phân loại sự thật hay chân lý
Có nhiều cách phân loại: trước hết là chân lý khách quan và chân lý chủ quan tuỳ thuộc vào sự vật tôi nhận thức phù hợp với thực tế hay không. Thí dụ: Tôi nhận thức cái bút có màu đỏ đúng như nó có trong thực tế thì tôi đạt sự thật khách quan. Nhưng do mắt tôi bị loạn sắc, nhìn màu đỏ ra xanh; vì vậy, nếu tôi nói bút có màu xanh như nó xuất hiện trong nhận thức của tôi, thì đó là sự thật chủ quan.
Nếu tôi nói bút có màu đỏ không đúng với điều tôi nhận thức, dù điều tôi nói đúng với thực tế bên ngoài, thì tôi nói không đúng sự thật luân lý, tôi đã nói dối vì điều tôi nói không đúng với điều tôi nghĩ.
Người ta còn phân biệt sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối tuỳ theo sự phù hợp toàn diện hay phiến diện đối với sự vật.
3.3. Sự bất đồng quan điểm
Trong dòng lịch sử suy tư về sự thật, con người đã tạo nên nhiều ý thức hệ khác nhau nên có nhiều định nghĩa khác nhau về sự thật tuỳ theo mỗi người chấp nhận quan điểm duy lý, duy tâm, duy vật, duy niệm, duy thực, duy nghiệm... Họ giống như mấy chàng mù xem voi và mỗi người tả một cách khác nhau. Sự bất đồng quan điểm này càng được nhân lên do các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet. Nhất là khi một chính quyền nắm giữ nền giáo dục và đào tạo dân chúng theo những quan điểm khác nhau về sự thật.
Kết quả là nhân loại càng ngày càng xa rời sự thật toàn diện và cũng đặt mãi câu hỏi: “Sự thật là gì?”, “Chân lý là gì?”. Muốn vượt qua những bất đồng này, nhân loại phải tiến thêm một bước mới trên con đường đi tìm chân lý để gặp gỡ được Đấng là Sự Thật Vĩnh Hằng, Tuyệt Đối.
4. SỰ THẬT LÀ AI?
4.1. Ngôi Lời Chân Lý đã làm người.
Vào thời điểm quyết định trong lịch sử, Thiên Chúa đã muốn mạc khải cho loài người một sự thật cụ thể nhưng vô cùng siêu việt để quy tụ tất cả các dòng ý thức về một mối. Sự thật không còn phải là những lý lẽ trừu tượng theo cách định nghĩa của con người, vì Thiên Chúa chân thật muốn dạy cho muôn loài thụ tạo về sự thật kỳ diệu có thể giúp muôn loài tìm được sự giải thoát và thoả mãn mọi khát vọng của muôn loài.
Sự thật tuyệt đối vô biên của Thiên Chúa, nguồn của khôn ngoan, đến thời gian đã định, đã trở thành một con người cụ thể, để mọi người đều có thể tìm về với Người, đi vào con đường sự thật của Người, kết hợp với Người và trở thành sự thật tuyệt đối, toàn diện như Người. Ngôi Lời đầy ân sủng và chân lý đã làm người, trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,1-18). “Lời Cha là Chân Lý” (Ga 17,17) sẽ giải thoát ta khỏi những u mê, lầm lạc do sự bất toàn của con người và sự lừa dối của quỷ ma.
4.2. Đức Giêsu dạy những sự thật giải thoát ta (x. Ga 8,32)
- Về Thiên Chúa thật sự là Người Cha nhân từ muốn cứu độ tất cả để ta vượt qua những kiểu tôn thờ sai lạc, mê tín và hoàn toàn tín thác nơi Ngài.
- Về con người như anh em của Người và của nhau với thể xác và tinh thần hoà nhập thành một để cùng được cứu độ thay vì chia cắt xác hồn, phân biệt đạo đời. Người đã chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại để bảo đảm sự thật này.
- Về vạn vật như các đứa em nhỏ của con người và cùng được cứu thoát với con người thay vì coi thường hay thần hoá chúng. Đức Giêsu đã chứng tỏ sự thật ấy khi Người làm rất nhiều phép lạ trên vạn vật.
- Về ma quỷ như những kẻ lừa dối và gây hại cho con người và vạn vật nên Người xua đuổi và trừ khử chúng. Chúng biết Người vì Người khám phá ra sự lừa dối của chúng.
4.3. Những thái độ đón nhận sự thật
Khi chúng ta đón nhận Đức Giêsu Kitô là sự thật, chúng ta sẽ:
- Học hỏi và tuân giữ lời dạy của Chúa Giêsu, nhất là trong các sách Tin Mừng.
- Sống thật, nói thật, làm thật với Chúa Cha, với anh em đồng loại và tôn trọng vạn vật.
- Học hỏi các khoa học đạo đời và khám phá sự thật chứa đựng trong đó cũng như tích cực sửa chữa những sai lầm, thiếu sót trong các khoa học này.
- Xin ơn Chúa Thánh Thần để nhận biết chân lý.
Kết luận
Sự thật mà nhân loại vất vả kiếm tìm trong suốt dòng lịch sử đã được khám phá. Đó là Đức Giêsu Kitô. Cảm tạ Chúa Cha đã ban Người cho chúng ta. Xin cho toàn thể nhân loại, nhất là những ai có trách nhiệm dạy dỗ, nhận biết Người là Sự Thật Tuyệt Đối để vượt qua mọi bất đồng, xung đột và nhận được ơn giải thoát của Người. Xin Người ban Thánh Thần Chân lý của Người cho ta để càng ngày ta càng yêu mến sự thật hơn và chia sẻ sự thật này cho mọi người, mọi vật quanh mình.
Nguồn HKK
Câu hỏi gợi ý
1. Mỗi ngày bạn học hành, nghiên cứu, xem các sách báo, phim ảnh, hỏi han để thu nhận kiến thức. Nhưng bạn có bao giờ quan tâm đến việc tìm hiểu kiến thức bắt nguồn từ đâu và dẫn tới đâu không?
2. Bạn đang được mời gọi để nghĩ đúng, nói thật, làm thật, sống thật nhưng bạn có bao giờ quy hướng tất cả sự thật ấy về Đức Giêsu Kitô như để nghĩ về Người, nói cho Người, làm vì Người và sống trong Người không?
3. Bạn có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trước mỗi giờ học, giờ làm để Ngài “thánh hoá bạn trong chân lý” không?
4. Bạn có ý thức gì mỗi khi thưa “Amen” (đúng như vậy, thật như vậy) trong lời kinh, thánh lễ?