ngày tháng năm

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Tình yêu cuồng dại và tình yêu phi thường

Chúa Nhật V PS - C: 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn – HKK 

Lời mở 

Trong mấy tuần nay, báo chí cả nước đã phản ánh tình trạng cuồng loạn của một số người khi thất bại trong tình yêu: họ đâm chém, chặt thành khúc, tưới xăng đốt cháy người mình yêu hay đặt bom nổ cho cả hai cùng chết. Vì sao có tình trạng này? 

Các bài Thánh Kinh hôm nay, nhất là bài sách Khải Huyền (x. Kh 21,1-5) và bài Tin Mừng (x. Ga 13,31-35) về điều răn mới như mời gọi chúng ta suy nghĩ về tình yêu cuồng dại của con người và tình yêu phi thường của Đấng Phục Sinh để tìm ra giải pháp chữa trị tình trạng cuồng loạn trên. 

1. Tình yêu cuồng dại 

1.1. Vài trường hợp điển hình 

+ Nguyễn Phước Thành (39 tuổi) vì thất bại trong tình yêu đã tưới xăng lên người chị P.T.H.Y 24 tuổi, ở phường An Khê, Đà Nẵng, tối ngày 20/4/2013 và cô Y đã chết sau 2 ngày điều trị do bị bỏng quá nặng (x. Báo Tuổi Trẻ, thứ Ba, 23/4/2013). 
+ Vụ giết người vì tình ghê sợ nhất là của Đặng Văn Quyến, 28 tuổi, quê Thừa Thiên Huế. Do bị người yêu là chị H, 24 tuổi, quê Quảng Ngãi, chia tay sau 6 năm quen biết, Quyến nhiều lần đe doạ, chửi bới, đánh đập. Chiều 13/4/2013, biết H vừa đi tố giác hành vi của mình tại trụ sở công an phường 22, quận Bình Thạnh, Quyến xách dao rượt theo chém chết người yêu ngay khi cô vừa bước ra khỏi trụ sở công an, rồi anh ta còn lên mạng giải bày tâm sự (x. Báo Tuổi Trẻ, thứ Ba, 23/4/2013). 
+ Bà Lê Thị Tuyết, 43 tuổi, ngụ phường Phú Hoà, TP.Thủ Dầu Một cùng con trai 15 tuổi đánh ghen với bà N.T.B (41 tuổi), xé áo quần, lột đồ nạn nhân giữa đường để làm nhục. 
+ Ngày 5/4/2013, trong phiên toà lưu động tại trụ sở UBND xã Đức Hoà, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, tất cả 5 người con đều yêu cầu tử hình cha ruột, dù viện kiểm sát chỉ đề nghị án chung thân cho Trương Văn Thuận, 49 tuổi, vì nhiều lần đập gẫy mũi vợ, cắt vành tai, đổ cơm xuống đất bắt hốt lên ăn. Ngày 29/11/2012 Thuận bóp cổ vợ, đập đầu vào tường, bà bị chấn thương sọ não (x. Báo Tuổi Trẻ, thứ Ba, 20/4/2013). 
+ Nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định hiện đã đến mức báo động nên cơ quan chức năng phải vào cuộc. Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2000-2013 trên địa bàn đã xảy ra 292 vụ tự tử, làm chết 157 người. Dân tộc Hrê đã có 112 người tự tử, chiếm tỷ lệ 1,22% dân số tại địa phương (khoảng 9.176 nhân khẩu). Dân tộc Bana có 157 người tự tử, chiếm 0,81% dân số (khoảng 19.284 nhân khẩu). Nhiều l‎ý do rất đơn giản như vợ không tắt tivi, chồng tự tử (x. Báo Thanh Niên, ngày 26/4/2013), do hủ tục, dân trí kém… 
+ Trên trang mạng xã hội ta thấy có một số trang web dạy người xem biết tự tử bằng nhiều cách. 

1.2. Vì sao có trình trạng này? 

- Các nhà xã hội học đã nghiên cứu và cho rằng những hiện tượng như thế phản ánh trạng thái căng thẳng rất cao của xã hội hiện nay. Khi áp lực cuộc sống quá mạnh, con người sẽ bị đẩy đến tình thế cùng quẩn, không kiểm soát được bản thân, dẫn đến những hành động giết hại hay xúc phạm nhân phẩm người khác. 
- Xét về mặt tâm l‎ý, những con người cuồng yêu này đã cường điệu hoá nỗi đau của mình. Họ cho rằng mất người yêu hay người chồng/ người vợ là mất tất cả, hoặc không thể yêu ai, lấy ai được nữa, nhất là phía người nữ. Một khi thổi phồng nỗi đau, cảm xúc bùng nổ nên họ mất kiểm soát hành vi. 
- Nhiều người đứng trước những đau khổ, mất mát đã không tự chủ được mình. Họ luôn nghĩ đến nỗi đau, tiếc nuối, ăn không được, ngủ không yên. Trí não suy nghĩ đến mức kiệt quệ và rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, trầm cảm, muốn tự tử để giải thoát, muốn đâm chém để giải quyết hận tình, nhất là khi họ dùng rượu, ma tu‎ý‎. Nhiều bác sĩ, thay vì chữa trị bằng tâm l‎ý, chỉ cho họ uống thuốc an thần, thậm chí cả thuốc trầm cảm loại mạnh để bắt họ nằm yên không quậy phá đến độ mất hết l‎ý trí. 
- Nạn nhân của những kẻ cuồng yêu thường là những người yếu đuối, buông xuôi vì họ sợ người thân, bạn bè bị liên luỵ hay thanh danh gia đình bị mất khi những clip nóng hay chuyện tế nhị trong cuộc tình bị phơi bày. Biết được điểm yếu của nạn nhân nên những kẻ cuồng yêu này ngày càng dấn sâu vào những trò hành hạ không nương tay với nạn nhân của mình (x. Báo Tuổi Trẻ, “Lối thoát nằm ở đâu?”, ngày 25/4/2013). 
- Bên cạnh sự nhu nhược thiếu dứt khoát của nạn nhân trong việc tìm giải pháp để thoát khỏi tình trạng áp chế, một số nạn nhân khẳng định các cơ quan chức năng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Dân vận, Công an cần gánh một phần trách nhiệm vì không can thiệp kịp thời. Nhiều nạn nhân đệ đơn đến công an nhưng không được bảo vệ. Từ đó người dân mất lòng tin nên tự phát những hành động không kiểm soát, dẫn đến chết chóc. Tuy nhiên, những người trong các cơ quan chức năng không thể là những bác sĩ tâm thần, những nhà trị liệu tâm l‎ý để lường trước những sự việc xảy ra và ngăn ngừa những thảm trạng. 
- Một lý do quan trọng nữa là nền giáo dục bất cập hiện nay đã quá chú trọng về vật chất, chỉ dạy cho con người tìm cách hưởng thụ, căm thù mà ít khi dạy biết tha thứ, đón nhận, yêu thương, nhất là tin vào một Thiên Chúa tình yêu tuyệt đối nhìn thấu những khổ đau và hành động bất chính của con người cũng như sẵn sàng giúp họ vượt qua đau khổ bằng những ân phúc của Ngài. 
- Chính mỗi cá nhân chúng ta, nếu không biết giữ ổn định sức khoẻ về mặt thể l‎ý, tâm thần, tâm l‎ý và thậm chí cả tâm linh, cũng có thể rơi vào tình trạng yêu cuồng như trên hoặc tình trạng bất ổn về tinh thần dẫn đến những hành động sai trái, gây nguy hại cho bản thân mình và người khác. Vậy muốn ngăn ngừa tình yêu cuồng dại, ta phải làm gì? Tình yêu phi thường của Đấng Phục Sinh sẽ giúp ta điều đó. 

2. Tình yêu phi thường của Đấng Phục Sinh 

Ngôi Lời Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô cũng đã yêu. Xét về một phương diện nhân loại nào đó, tình yêu của Người cũng mang tính điên cuồng không kém. 

2.1. Tình yêu điên cuồng 

+ Vì yêu, một vị Thiên Chúa cao sang, giàu có vô tận đã tự đánh mất tất cả, trở nên nghèo khó tột cùng đến nỗi phải ăn nhờ ở đậu trong những năm rao giảng, chẳng có chỗ gối đầu, phải xin cả chút nước uống! 
+ Vì yêu, một Thiên Chúa hùng mạnh vô song đã trở nên nhu nhược đến nỗi không dám sử dụng quyền năng vô tận của mình để thoát khổ, thoát nhục, đành để cho những con người thụ tạo hèn kém xúc phạm, chỉ biết cắn răng chịu đựng sự kết án nhục nhã, bất công! 
+ Vì yêu, một Thiên Chúa bất tử đã tình nguyện nhận cái chết vô nghĩa thay vì để những người khác phải chết vì tội lỗi của họ. 

2.2. Tình yêu phi thường 

Tuy nhiên, xét theo nghĩa toàn diện, đây chính là một tình yêu phi thường, có sức chữa trị tính điên cuồng, bất lực, tầm thường, nhỏ mọn và vô nghĩa của tình yêu con người vì Đức Giêsu là hiện thân của chính “nguồn tình yêu”. 

- Đó là một tình yêu quảng đại, biết cho đi tất cả mà không cần tính toán, thu lợi cho cá nhân mình. 
- Đó là một tình yêu chung thuỷ, vì Người yêu cho đến cùng: dù cảnh vật đổi thay, dù con người phản bội, Người vẫn yêu mãi mãi. 
- Đó là một tình yêu tôn trọng nhân phẩm và tự do của con người. Người không dùng quyền năng, phép lạ để bắt con người phải yêu mình. Người không dùng những quà tặng sự sống, và mọi ân phúc ban cho con người từng giây để bắt con người phải lệ thuộc vào tình yêu của mình. 
- Đó là một tình yêu nâng con người lên địa vị cao cả chứ không hạ thấp con người, để chia sẻ cho con người sự sống cao cả, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa. 
- Đó là tình yêu chiến thắng vì Người đã sống lại để chứng minh rằng khi dám quảng đại cho đi tất cả, biết nhẫn nại chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả, hy sinh tất cả (1Cr 15), dám đón nhận cả cái chết thì Thiên Chúa sẽ là tất cả cho họ. Vì Ngài vừa là nguồn tình yêu vừa là nguồn sự sống sẽ trả lại cho người nào dám yêu như thế tất cả những gì họ mất mát, thiệt thòi và còn ban thưởng gấp bội để chia sẻ cho họ chính sự sống vĩnh hằng và tình yêu phi thường của Thiên Chúa. 

2.3. Lời mời gọi của Thiên Chúa tình yêu 

Vì thế, Đấng Phục Sinh nói với chúng ta hôm nay: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). 

Khi chúng ta có tình yêu thương quảng đại, chung thuỷ, tôn trọng nhân phẩm con người, nâng cao con người lên hàng Thiên Chúa như Đức Giêsu để tha thứ tất cả, hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, chắc chắn ta sẽ chiến thắng cái chết, chiến thắng tình yêu cuồng dại, mù quáng của con người. Chúng ta trở nên hình ảnh của Vị Tân Nương, hiền thê của Chiên Con và cũng là Giáo Hội, nhiệm thể Đức Kitô, được bài sách Khải Huyền mô tả: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). 

Lời kết 

Bởi vì chúng ta đã trở thành Thiên Chúa khi kết hợp với Đấng Phục Sinh.

Nguồn HHK

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks