ngày tháng năm

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Lc 18,1)

Đan Quang Tâm

Phúc âm Lu-ca, Phúc âm của cầu nguyện

Khi tìm hiểu về Phúc Âm Lu-ca, ta biết rằng tinh thần cầu nguyện là một đặc điểm nổi bật của sách này. Có người gọi đó là Phúc Âm của cầu nguyện. Sở dĩ vậy là vì trong Lu-ca, ta gặp từ "cầu nguyện" rất nhiều lần, chẳng hạn như:

· Đức Giê-su cầu nguyện khi chịu phép rửa của Gio-an Tiền Hô (Lc3,21);
· Người lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (Lc 5,16);
· Trước khi chọn nhóm mười hai, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (6,12);
· Người cầu nguyện tại Xê-da-rê Phi-líp-phê (9,18);
· Người cầu nguyện lúc hiển dung ở trên núi (9,28-29);
· Người quỳ gối cầu nguyện trong vườn cây dầu: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha" (22,41-42);
· Đặc biệt, Người cầu khẩn cùng Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (23,34).

So với các Phúc Âm khác, Lu-ca sử dụng từ “cầu nguyện” nhiều hơn cả. Thật vậy, ta còn tìm thấy ba dụ ngôn về cầu nguyện mà chỉ thấy xuất hiện trong Lu-ca thôi:

· Người biệt phái và người thu thuế (18,9-14);
· Người bạn quấy rầy lúc đêm khuya (11,5-8); và
· Bà góa và viên thẩm phán (18,1-8).

Trong phạm vi bài này, ta sẽ tìm hiểu về chủ đề cầu nguyện trong Lu-ca qua dụ ngôn thứ ba, tức dụ ngôn Bà góa và viên Thẩm phán, còn gọi là Dụ ngôn Quan toà Bất chính. Trước hết, ta hãy đọc dụ ngôn.

Dụ ngôn quan toà bất chính (Lc 18, 1-8)

“Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi". Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc". Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Ý nghĩa dụ ngôn

Dụ ngôn quan toà bất chính là một bài học rất hùng hồn về hiệu quả của lời cầu nguyện kiên trì, phó thác. Dụ ngôn cũng là lời kết luận cho giáo huấn của Đức Giê-su về sự tỉnh thức được đề cập đến trong các câu trước (17, 23- 26). Sở dĩ Lu-ca dám đem Thiên Chúa ra so sánh với một con người như thế là nhằm làm nổi bật điểm mấu chốt: ngay dẫu vị quan tòa bất công cuối cùng ra cũng còn phải minh xét cho người bị oan sai, liên tục đến khiếu kiện, phương chi Thiên Chúa là Đấng vô cùng công bình và lại là Cha chúng ta, lẽ nào Người lại mắt đắp, tai che mà làm ngơ, chẳng lắng nghe lời khẩn nguyện kiên trì của con cái Người. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho những kẻ Người tuyển chọn nếu họ kiên tâm trì chí kiếm tìm sự trợ giúp của Người.

Tóm lại, qua dụ ngôn này Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ của Người hãy cầu nguyện không ngừng, không được nản chí.

Giáo huấn của các vị mục tử về việc cầu nguyên

Tại sao chúng ta phải cầu nguyện? Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã trả lời như sau:

"1. TA PHẢI CẦU NGUYỆN TRƯỚC HẾT BỞI VÌ TA LÀ NGƯỜI TIN

"Cầu nguyện là nhìn nhận giới hạn và sự lệ thuộc của mình: ta từ Thiên Chúa mà đến, ta thuộc về Thiên Chúa và ta trở về cùng Thiên Chúa! Bởi thế ta không thể không phó thác toàn thân cho Người, là Đấng Tạo Hóa và là Chúa, với niềm tín thác hoàn toàn [...].

"Cầu nguyện bởi thế là một hành vi của trí thông minh, là một tâm tình khiêm hạ và tri ân, một thái độ ký thác và phó mình cho Đấng vì yêu thương mà ban sự sống cho ta.

"Cầu nguyện là một cuộc đối thoại nhiệm mầu nhưng có thực với Thiên Chúa, một cuộc đối thoại tín thác và yêu thương.

"2. TUY NHIÊN CHÚNG TA LÀ KI-TÔ HỮU CHO NÊN TA PHẢI CẦU NGUYỆN NHƯ NHỮNG KI-TÔ HỮU

"Thật vậy, đối với người Ki-tô hữu, cầu nguyện đạt đến đặc điểm là hoàn toàn biến đổi cái thực hữu huyên áo và giá trị thâm sâu nhất cùa mình. Người Ki-tô hữu là môn đệ Đức Giê-su; Ki-tô hữu là người tin rằng Đức Giê-su là Lời Nhập Thể, Con Thiên Chúa đến giữa chúng ta trong thế gian này.

"Với tư cách là con người, cuộc đời Đức Giê-su là một lời cầu nguyện liên lỉ và bởi vì biểu hiện lớn nhất của lời cầu nguyện là sự hy sinh, cho nên đỉnh cao lời cầu nguyện của Đức Giê-su là Hy tế Thập giá, được báo trước bởi việc Đức Giê-su lập Nhiệm Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly và được lưu truyền trong các Thánh Lễ qua các thế kỷ.

"Bởi thế, người Ki-tô hữu biết rằng lời cầu nguyện của mình là lời cầu nguyện của Đức Giê-su; mọi lời cầu nguyện của Ki-tô hữu đều xuất phát từ Đức Giê-su; chính Người cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta, cho chúng ta. Tất cả các người tin đều cầu nguyện; nhưng người Ki-tô hữu cầu nguyện trong Đức Giê-su Ki-tô: Đức Ki-tô là lời cầu nguyện của chúng ta!

"3. SAU CÙNG, TA PHẢI CẰU NGUYỆN BỞI VÌ TA MỎNG GIÒN VÀ TỘI LỖI.

"Cần khiêm tốn và thực tế mà nhận rằng chúng ta là những sinh vật nghèo nàn, hỗn độn trong tư tưởng, bị cám dỗ bởi sự dữ, mỏng giòn và yếu đuối, cho nên ta luôn luôn cần có sức mạnh và sự an ủi nội tâm. Việc cầu nguyện tiếp sức ta, cho ta có những ý tưởng lớn, giúp ta duy trì đức tin, đức mến, đức trong sạch và đức quảng đại. Cầu nguyện khiến ta can đảm vươn lên khỏi sự thờ ơ nguội lạnh và tội lỗi, giả như ta đã để cho sự thờ ơ nguội lạnh và tội lỗi xâm chiếm, cầu nguyện ban ánh sáng để ta biết nhìn và xem xét những sự việc trong đời ta và những biến cố lịch sử trong viễn cảnh ơn cứu độ của Thiên Chúa và đời đời. Bởi thế, đừng ngưng cầu nguyện! Đừng để một ngày qua đi mà không cầu nguyện chút nào! Cầu nguyện không những là bổn phận, nhưng còn là niềm vui lớn, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa qua Đức Giê-su Kitô! Mỗi chủ nhật, dự Thánh Lễ: nếu có thể được thì đôi khi trong tuần. Mỗi ngày, cầu nguyện sáng tối, và những lúc thích hợp nhất!" (Đức Gio-an Phao-lô II, Buổi gặp gỡ giới trẻ ngày 14/3/1979).”

Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (18,8)

Đức Giê-su kết hợp những lời dạy của Ngài về sự kiên trì trong cầu nguyện với một lời cảnh báo nghiêm khắc về nhu cầu cần đứng vững trong đức tin: đức tin và cầu nguyện khăng khít với nhau như bóng với hình. Thánh Augustinô bình luận: "Để cầu nguyện, ta hãy tin; và để cho đức tin khỏi bị suy yếu, ta hãy cầu nguyện. Đức tin khiến cho cầu nguyện tăng trưởng, và khi cầu nguyện tăng trưởng, đức tin của ta được kiên vững".

Chúa chúng ta đã đoan hứa với Hội Thánh của Ngài là Hội Thánh sẽ trung tín với sứ vụ của mình cho đến mút cùng thời gian (x. Mt 28,30); bởi thế, Hội Thánh không thể đi trệch con đường đức tin chân chính. Nhưng không phải ai cũng luôn trung tín. Một số sẽ tự nguyện quay lưng lại với đức tin. Đây là mầu nhiệm mà Thánh Phao-lô mô tả là "hiện tượng chối đạo" (2 Th 2,3) còn Đức Giê-su Ki-tô thì cũng loan báo trong những dịp khác (x. Mt 24,12-13). Sở dĩ Chúa cảnh báo chúng ta như thế là để giúp chúng ta tỉnh thức và kiên trì trong đức tin và trong cầu nguyện, tỉnh thức và kiên trì kể cả khi những người chung quanh ta đều sa ngã.

Khi đối diện với bất công, oan sai, đặc biệt khi tự do và nhân quyền bị xâm hại, người tín hữu Chúa Ki-tô cần có thái độ nào? Câu hỏi khá gai góc này đã được Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn của chúng ta giải đáp trong thư ngày 25/7/2007 của ngài như sau:

“4. Vậy khi thấy tự do và nhân quyền bị xâm phạm, khi đối diện với bất công trong xã hội, bổn phận của người công giáo làm gì? Nhìn từ góc độ người tín hữu trong Giáo Hội công giáo, tôi thấy có hai bổn phận ưu tiên, ưu tiên một là cầu nguyện nhằm rèn luyện cái tâm lương thiện, ưu tiên hai là học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhằm rèn luỵên trí tuệ sáng suốt. Cả hai ưu tiên đều nhằm phát huy tự do và nhân phẩm trước hết nơi bản thân mình. Sau đó mới có khả năng giúp người khác phát huy nơi bản thân họ. Lần nầy, tôi xin đề cập đến bổn phận ưu tiên một.

5. Bổn phận ưu tiên một là cầu nguyện. Vì đó là bổn phận số một của Đạo yêu thương, bác ái. Đó là điều Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm suốt đời cho thế giới, đặc biệt cho Ba Lan và Việt Nam mà Ngài đặt trong tim của Ngài. Đức Bênêđitô XVI, trong Thư gởi cho Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, cũng tha thiết kêu gọi mọi người cầu nguyện. Lời nguyện chung trong các thánh lễ Chúa Nhật nhắc nhở người tín hữu không ngừng cầu nguyện cho mọi người anh em đồng đạo, đồng bào, đồng loại, cho mọi người lãnh đạo và quản lý đất nước.

6. Người tín hữu thành tâm cầu nguyện vì họ tin rằng Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng tự do và nhân quyền cho con người, Ngài cũng ban cho họ ánh sáng và sức mạnh giúp họ ý thức tự trọng và tôn trọng tự do và nhân quyền của bản thân, của mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Người tín hữu chuyên cần cầu nguyện vì họ tin rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong tiến trình đổi mới lòng dạ con người, biến đổi tà tâm, ác tâm, dã tâm thành chánh tâm, thiện tâm, thành tâm. Một sự biến đổi mà nhà trường, nhà tù, nhà chính trị trong nhiều thập niên qua đã không tạo ra được. Nếu nhà thờ không cộng tác với Chúa Thánh Thần để góp phần tạo nên sự biến đổi nầy, thì nhà thờ có mặt trong xã hội ngày nay để làm gì?”

Trung thành với giáo huấn Chúa Ki-tô, cả hai vị mục tử của chúng ta như nói đến ở trên đều đưa ra giải pháp ưu tiên một cho mọi vấn nạn, mọi hoàn cảnh: phải cầu nguyện như người Ki-tô hữu, phải chuyên cần, thành tâm cầu nguyện. Nhà thờ nếu không còn là “nhà cầu nguyện” thì nhà thờ tồn tại để làm gì?

Kết luận

Như đã nói ở trên, Đức Giê-su cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi. Không những thế Người còn dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11, 1-13). Có ai đó đã nói rằng những điều kỳ diệu mà lời cầu nguyện đem lại còn vượt quá bội phần những điều mà lòng con người mơ ước. Còn Mẹ Tê-rê-sa thì nói: “Hoa quả của cầu nguyện là đức tin. Hoa quả của đức tin là tình yêu. Hoa quả của tình yêu là phục vụ. Hoa quả của phục vụ là bình an”.

Cầu nguyện, đức tin, tình yêu, tinh thần phục vụ, bình an chẳng phải là những thứ xã hội chúng ta hiện nay rất cần sao?

Tài liêu tham khảo:
1. The Navarre Bible Saint Luke, Four Courts Press, Kill Lane, Blackrock, Co. Dublin, Irealnd, 1997.
2. Thư Đức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn ngày 25/7/2007 (Lời Chủ Chăn tháng 9/2007).



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks