Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Ngay sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, không phải chỉ để chúng ta ý thức về một chân lý lạ lùng trong Giáo hội Công giáo, nhưng còn để cảm nghiệm và sống với thực tại này. Khi có trải nghiệm sống động đó, chúng ta mới thấy đạo không phải là một lý thuyết mơ hồ nhưng thâm nhập vào trong đời sống thực tế, biến chúng ta thành chứng nhân cho những sự thật kỳ diệu mang lại niềm hy vọng, sự sống, hạnh phúc và ơn cứu độ cho con người. Hôm nay chúng ta cùng giúp nhau về trải nghiệm đó.
1. Trải nghiệm bằng tình yêu
Để trải nghiệm về một Chúa Ba Ngôi, hôm nay Giáo Hội giới thiệu con đường: chúng ta cần phải trải nghiệm bằng tình yêu.
1.1. Thiên Chúa là Tình yêu (Ga 4,8.16). Tình yêu ấy lan toả cho mọi người mọi vật vì Ngài là Đấng Tạo Hoá dựng nên muôn loài. Chúng ta có thể trải nghiệm tình yêu ấy qua tất cả vạn vật trong cuộc sống: từ những bông hoa xinh đẹp nay còn mai mất cho đến trời cao, biển rộng, sông dài. Thiên Chúa dựng nên tất cả cho ta chỉ vì Ngài yêu thương ta. Chúng ta chỉ cần mở mắt là thấy được những màu sắc kỳ diệu; chỉ cần mở trí cũng khám phá ra ngay những điều kỳ diệu trong từng lá cây, ngọn cỏ nhờ học hỏi khoa học tự nhiên; chỉ cần mở lòng là cũng thấy ngay được từng con người là “mầu nhiệm” nhờ những kiến thức lạ lùng của các khoa học xã hội nhân văn.
Bài đọc I (x. Cn 8,22-31) giới thiệu cho ta tất cả vạn vật đều được dựng nên cho con người bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người. Một khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu ấy trong vạn vật rồi lòng ta được thúc đẩy nói lên hai tiếng “Abba!” – “Cha ơi!, Con cảm tạ Cha. Con yêu mến Cha”, thì đó là bước đầu tiên ta đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để cảm nghiệm về một Người Cha quyền năng cao cả nhưng lại vô cùng nhân hậu. Có biết bao người đang mở mắt để nhìn xem vạn vật, nhìn thấy rất nhiều con người, nghiên cứu học hỏi đủ thứ khoa học, đậu được những bằng cấp rất cao, nhưng họ lại không cảm nghiệm được tình yêu của một người Cha quyền năng. Họ thụ hưởng nhưng không nhận ra người ân nhân cũng là người yêu tuyệt vời của mình nên họ cũng chẳng cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc.
1.2. Cảm nghiệm về Ngôi Con
Đi sâu hơn chút nữa, nhất là nhờ sự hướng dẫn của Thánh Kinh hay của những Kitô hữu hiểu biết, người ta sẽ khám phá ra rằng tất cả vạn vật được dựng nên nhờ Lời Chúa phán, bằng sự khôn ngoan trong tinh thần của Ngài. Một cánh hoa, ngọn cỏ hay con sâu, con bướm, dù nhỏ bé đến mấy, cũng hàm chứa biết bao nhiêu định luật khoa học hết sức phức tạp, nói lên sự khôn ngoan vô tận của Thiên Chúa đặt để trong vạn vật. Biết bao nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã cảm nhận được sự khôn ngoan, lòng tốt và vẻ đẹp tuyệt vời của Thiên Chúa khi chiêm ngưỡng vạn vật nhưng lại không đi tiếp được bước tiếp theo để nhận ra “Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành con người” (Ga 1,14).
Thật vậy, Thiên Chúa không muốn cho con người và vạn vật sống mãi trong cảnh tạm bợ, khổ đau, bất hạnh và chết chóc nên đã cho Con Một Ngài trở thành người để hoà nhập với muôn loài, để đưa sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, nguồn chân thiên mỹ vô tận chia sẻ cho muôn loài. Ngôi Lời không còn phải là tiếng sấm ầm vang khi Chúa Trời hiển hiện trên núi Sinai, cũng chẳng phải là một lời nói trầm bổng kinh hoàng của thần linh khiến người ta sợ đến chết khiếp, mà đã trở thành một con người mang tên Giêsu sinh ra cách đây khoảng hơn 2.000 năm, đã sống với con người, chết cho con người và đã sống lại để cứu độ con người bởi vì “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Khi người ta trải nghiệm bước thứ hai như thế về Đức Giêsu Kitô thì người ta cũng sẽ khám phá ra Ngôi Con Thiên Chúa để khi gắn bó với Người, họ trở thành con cái Thiên Chúa, trở thành những con người phi thường, có quyền năng cao cả, kiến thức lạ lùng về vạn vật, về con người và Thiên Chúa. Chính khi trải nghiệm cùng Chúa Giêsu về sự thật và sự sống như thế người ta tìm ra con đường đến với Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô. Lúc bấy giờ con người không còn tầm thường nữa mà trở thành những chứng nhân của sự thật và sự sống, khám phá ra quyền năng kỳ diệu của Chúa Giêsu chuyển thông cho để mang lại ơn cứu độ cho biết bao người đau khổ, nghèo túng, bệnh tật, tội lỗi quanh mình.
1.3. Trải nghiệm về Chúa Thánh Thần
Rồi cũng chính qua Đức Giêsu, nhờ Thần Khí của Người thổi trên chúng ta, chúng ta mới khám phá ra và trải nghiệm về Chúa Thánh Thần, bởi vì “Thiên Chúa đổ tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5) để chúng ta có thể diễn tả tình yêu ấy cho tất cả mọi người mọi vật trong đời sống hằng ngày. Khi có tình yêu và diễn tả tình yêu ấy chúng ta sẽ khám phá ra sự hiện diện thật sự của Chúa Thánh Thần trong từng biến cố của cuộc sống cá nhân cũng như trong đời sống của toàn thể Giáo Hội là Thân thể Nhiệm mầu của Chúa Kitô.
Giáo Hội, trong suốt 2.000 năm qua, đã trải qua biết bao thăng trầm, bách hại, khổ đau và được điều khiển bởi những con người tội lỗi, bình thường như bất cứ ai. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn đứng vững và phát triển, vẫn toát ra vẻ thánh thiện và kỳ diệu, vẫn là nơi ẩn náu cho tất cả những ai cần đến ơn Chúa. Sự hiện diện lạ lùng đó cũng giúp ta cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần. Vì thế, Đức Giêsu nhắc nhở ta: “Khi nào Thần Khí Sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
2. Trải nghiệm sống động
2.1. Cần phải trải nghiệm trong đời sống
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là một sự thật mông lung, xa vời để tâm trí chúng ta tìm hiểu và thấy nó kỳ diệu và cao xa quá, làm ta không thể nào nắm bắt. Nhưng đó là một thực tại cần trải nghiệm trong từng giây phút sống. Chỉ có khám phá ra như vậy chúng ta mới hiểu được rằng Chúa Ba Ngôi ở rất gần ta. Từng khối khí ta thở, đó là quà tặng của Chúa Cha. Từng ân phúc ta nhận, đó là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Từng hành động yêu thương để chia sẻ cho người khác miếng cơm, manh áo, lời nói khích lệ, nước mắt, nụ cười, đó là quà tặng của Chúa Con trao cho ta.
Trải nghiệm như vậy chúng ta mới thấy Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong cuộc sống và tôn giáo ta theo rất gần với con người. Đó không phải là những lễ hội để ta chạy theo như một cuộc vui, cũng không phải là những con người nổi tiếng ta tìm như một khích lệ bên ngoài giống như mấy chục ngàn người Việt Nam chạy theo Nick Vujicic trong mấy ngày vừa qua.
2.2. Thí dụ điển hình
Theo dõi thời sự, ta thấy các báo chí, đài truyền thanh, truyền hình nói rất nhiều đến Nick Vujicic. Báo Tuổi Trẻ hôm nay, 25-5-2013, cũng đăng những bài viết và hình ảnh về người thanh niên này. Anh không có chân tay nhưng đã tự phấn đấu, sống tốt đẹp và đánh động hàng triệu người trên thế giới noi gương sống của anh. Nhưng khi anh đến Việt Nam, dưới sự bảo trợ và quảng cáo rầm rộ của Công ty First News, Công ty tôn Hoa Sen và Đài Truyền hình Việt Nam, đã xảy ra rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Anh ra Hà Nội nói chuyện ở sân Mỹ Đình, mỗi vé chợ đen giá vài triệu đồng. Tổng số tiền lo cho anh trong chuyến sang Việt Nam này là 36 tỷ đồng. Ngay buổi tối 22/5, đã có hơn 10 ngàn ý kiến của độc giả trên mạng nói rằng tại sao lại chạy theo một con người như vậy trong khi ở VN có đến 6,7 triệu người khuyết tật thể lý, 10 triệu người rối loạn tinh thần mà người ta chẳng đóng góp bao nhiêu cho những con người đó. Ở VN có nhiều gương sống không thua gì Nick nhưng người ta lại quên mất. Có phải người VN đang sính ngoại hay không? Hay đằng sau sự kiện này có những lý do khác. Người ta suy đoán rất nhiều lý do, thậm chí về chính trị, như muốn đánh lạc hướng dân chúng về việc sửa đổi hiến pháp, quên đi những nguy hiểm mà Trung Quốc đang áp bức tàu cá VN…
Chúng tôi không đi sâu vào những suy đoán đó. Chúng tôi chỉ muốn rút ra từ sự kiện này: khi chạy theo những hình ảnh bên ngoài, ta đánh mất trải nghiệm về chính con người mình, về Thiên Chúa Ba Ngôi. Rất nhiều người tín hữu đã quên trải nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi và chạy theo lễ hội, nghi lễ phụng vụ hình thức. Người ta có thể đóng góp vài triệu cho việc xây dựng thánh đường nhưng lại bỏ mặc người thân đang cần vài chục ngàn để mua một quyển tập hay vài viên thuốc. Chúng ta có thể cười với bao nhiêu người ngoài xã hội nhưng lại tiếc xót nụ cười, lời an ủi, cám ơn, xin lỗi đối với chính những người thân.
Lời kết
Trải nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay bằng tình yêu trong lòng rồi diễn tả tình yêu ấy cho mọi người mọi vật chung quanh có thể giúp ta trở thành những chứng nhân cho Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần làm dấu Thánh Giá trên mình, ta hãy nhớ đến trải nghiệm tình yêu này!
Nguồn: HKK