Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn - HKK
Nhập đề
Theo nghĩa thông thường, đạo được hiểu là đường đi, đường lối hay nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội, như người ta vẫn nói “đạo làm người”. Đạo còn được hiểu là nội dung của một học thuyết như “tìm thầy học đạo”, hoặc đồng nghĩa với tôn giáo như “đạo Phật”, “đạo Chúa” như chúng ta muốn “sống đạo hôm nay”. Như thế, đạo ở đây được hiểu như con đường tâm linh, và còn hơn thế nữa, chứ không phải con đường vật chất.
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu đạo như một con đường mà Đức Giêsu Kitô chỉ dạy cho muôn vật muôn loài để đáp lại khát vọng sống mãi, sống đẹp, sống hào hùng trong suốt dòng lịch sử con người và vũ trụ.
1. NHỮNG CON ĐƯỜNG TÂM LINH TRONG LỊCH SỬ
1.1. Tìm về Nhà Cha: Nhìn vào vũ trụ bao la chúng ta có thể tưởng như vạn vật đang đi chung một con đường. Sau vụ nổ Big Bang đầu tiên, cách đây chừng 15 tỷ năm, tất cả như đang lao nhanh về tới đích và mỗi giây phút lại biến đổi và tiến hoá không ngừng: từ vật chất vô cơ đến hữu cơ, từ đơn bào đến đa bào, từ sinh vật hạ đẳng đến sinh vật thượng đẳng có tinh thần. Tất cả như đang trên đường tìm về nhà Người Cha Tạo Hoá hay Người Mẹ Muôn Loài để chung hưởng sự sống vô biên và hạnh phúc tuyệt vời.
Có thể nói muôn loài đều hy vọng, mong đợi một cái gì mới mẻ, tốt đẹp hơn cái mình đang có như mầm cỏ nhánh cây hôm nay vươn dài hơn hôm qua. Nhưng đồng thời sự kiện này cũng nói lên tình trạng cũ kỹ, xấu xa cần thay đổi, cần cứu vớt của muôn loài. Một thân cây dù bị chặt ngang vẫn cố gắng đâm ra những chồi non để sống. Một con giun dù bị đứt đôi thân mình vẫn cố gắng bò về miền đất ẩm để sống. Tác giả cuốn truyện Tây Du Ký đã diễn tả khát vọng sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi của một số loài vật trong trần thế bằng cách ăn thịt, uống máu con người vì tưởng rằng làm thế là chúng tìm được con đường trường sinh bất tử.
1.2. Những con đường do con người xây dựng: Chỉ có con người biết suy tư, sau một thời gian dài thần hoá những sức mạnh của thiên nhiên (đất có Thổ Công, sông có Hà Bá), của vũ trụ (ngôi sao chiếu mệnh) để tạo ra những tôn giáo sùng bái vật chất, mới lên đường đi tìm nguồn Chân Thiện Mỹ, nguồn sự sống vĩnh hằng. Kinh nghiệm về “khổ, dục, diệt, đạo” của Đức Phật Thích Ca và nhiều vị khai sáng tôn giáo khác đã giúp cho con người ý thức về nỗi khổ đau của phận người và niềm khát vọng luôn âm ỉ trong lòng người. Con người muốn chính mình đạt tới niềm mơ ước là được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi chứ không phải chỉ truyền sự sống sang con cháu nối dõi tông đường. Các vị mở đường “khai đạo” đã trình bày nhiều cách hành đạo để đạt tới Đấng Tối Cao, Đấng là nguồn hiện hữu, tạo thành những con đường riêng biệt trong lịch sử mà ta gọi là Ấn giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo… Đó là những con đường lớn được hàng tỷ người trên trái đất đang theo.
Dù khác biệt nhau về giáo lý, tín điều, về phụng tự, nghi thức, nhưng các tôn giáo lớn ấy quả thật là những con đường dẫn loài người và vạn vật đến được với Thiên Chúa hằng hữu (CĐ Vatican II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, số 1-2), nếu người ta tin tưởng bước theo với cả tấm lòng thành và lương tâm ngay chính (x. CĐ Vatican II, Lunem gentium, số 16). Những giá trị tích cực của các tôn giáo ấy đòi mọi người chúng ta phải biết kính trọng và đối thoại chân thành, cởi mở khi ta nhận ra Đức Giêsu Kitô ẩn hiện lờ mờ đàng sau mọi hoạt động tích cực của con người. Các tôn giáo với những tín điều đã chuẩn bị lòng tin vào Đức Giêsu Kitô; với giáo thuyết, chúng báo trước Đức Kitô là sự thật; với phụng tự, chúng giới thiệu về một Đấng Trung Gian; với lễ vật, chúng cho thấy con người cần hoà giải với Thiên Chúa; với nghi thức, chúng gợi lên hình ảnh các bí tích Đức Kitô sẽ thiết lập.
Ta có thể nhìn vào một vài số thống kê để thấy số người đang theo các tôn giáo trên thế giới tính đến năm 2000:
Dân số thế giới 6.091.351.000 người à 2006: 6,5 tỷ người
- Kitô giáo: 2.015.743.000 người
- Công giáo: 1.053.104.000 người
- Hồi giáo: 1.215.693.000 người
- Ấn giáo: 786.532.000 người
- Phật giáo: 362.245.000 người
- Đạo truyền thống: 255.950.000 người
- Giáo phái: 102.174.000 người
- Do Thái giáo: 14.307.000 người
- Không tôn giáo: 774.693.000 người
- Vô thần: 151.430.000 người
(x. Tổng kết tôn giáo tính đến năm 2006, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam, tr.180).
1.3. Những nguyên tắc thần học cơ bản để trọng đạo: Hơn nữa, dựa vào vài nguyên tắc thần học sau đây, chúng ta có thể an tâm về những anh chị em đang bước trên những con đường khác biệt, thay vì tranh chấp và gây nên bao cuộc xung đột trong suốt dòng lịch sử vì muốn bắt người khác đi theo con đường của mình (CĐ Vatican II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Diguitatis Humane, số 2, số 5):
* Thiên Chúa là Cha Chung của muôn loài nên tất cả đều có quyền hy vọng được cứu thoát, bất kể có tôn giáo hoặc vô thần, và Thiên Chúa thật sự muốn cứu độ mọi con cái mình (x. CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 1).
* Đức Giêsu Kitô đến cứu mọi người theo ý muốn của Chúa Cha (x. CĐ Vatican II, Ad Gentes, số 1,16) vì Người là Ngôi Lời Nhập Thể và mọi loài được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,1) do đó họ được phú ban cho một khả năng để đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô (x. CĐ Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 22). Dù không được rửa tội theo Kitô giáo, họ vẫn có tính hiện hữu quy về Đức Kitô (Christic esistential), có thể trở thành Kitô hữu ẩn danh như Thánh Giáo phụ Justinô (thế kỷ I) đã quả quyết: “Tất cả những ai sống theo Lời thì đều là Kitô hữu, dầu họ có vẻ vô thần, ta có thể kể những người Hy Lạp như Socrate, Heraclitus (sống vào thế kỷ VI trước Công Nguyên) và những người sống tương tự như họ vào số những Kitô hữu ấy” (x. Apologia I,46).
* Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi con người bằng cách soi sáng cho tất cả bước theo con đường sự thật và sự sống (x. ĐTC Gioan Phaolô II. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 15,18) là chính Đức Kitô, dù họ không thật sự biết Người.
1.4. Thái độ của những người theo đạo: Nhìn vào hành động của những người đi đường, người ta có thể phân loại họ thành người đi đúng đường hay lạc lối, người dạo chơi không chủ đích dù đang sử dụng con đường hay người dùng con đường có mục đích như để tìm đến nhà người quen nào đó, thậm chí có người chỉ lợi dụng con đường như để phơi thóc hoặc không đi mà nằm ngủ trên đường.
Những người theo đạo cũng thế. Họ có thể là tín đồ sùng đạo, đi đúng con đường của vị khai sáng nhưng cũng có người lạc xa giáo lý của đạo trong đời sống thường ngày. Có người chỉ lợi dụng tôn giáo để hưởng lợi hoặc đi theo mà không biết dẫn tới đâu. Có người lại ngủ quên trong tham vọng hay dục vọng trong những quán trọ bên đường đời.
1.5. Con người hiện đại mong chờ con đường mới: Trong thời đại văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, nhiều người bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ duy nghiệm, duy thực đã không còn đi theo con đường các tôn giáo truyền thống nữa. Họ cho những giáo lý, tín điều là mê tín; những nghi thức, phụng vụ là vô ích và đời sống vĩnh hằng là huyền thoại hoang đường. Nhiều người chủ trương không cần tin vào một vị thần linh nào và không muốn đi theo con đường nào nữa.
Nhiều người ngày nay không muốn đi tìm một Nước Trời hay thiên đàng xa vời, nhưng lại chú ý đến con người để bảo vệ những quyền lợi căn bản cho họ, nhất là làm sao cho con người sống lâu hơn, trẻ hơn, đẹp hơn, thông minh hơn với bao nhiêu nỗ lực trong các ngành khoa học tự nhiên.
Nhiều người lại quan tâm đến các vấn đề xã hội để xây dựng một xã hội mới, trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người đều được hưởng hoà bình, giàu sang, thịnh vượng, không còn tranh chấp, xung đột… Họ cổ vũ 1 loại Tin Mừng giải phóng thay vì kiểu sống đạo “cổ điển” với “sáng lễ, chiều kinh”.
Hiểu được tính giới hạn của khoa học và sự bất toàn của con người, một số người đi tìm những bí quyết lạ lùng cho cuộc giải phóng con người khỏi tật bệnh, tà ma, ác quỷ bằng việc quay về với các đạo sĩ, thiền sư phương Đông (x. Spalding, Hành trình về Phương Đông; Lạt Ma Anagarika Govinda, Đường Mây qua Xứ Tuyết…). Một số người lại đi tìm cái tuyệt đối mà họ gọi là Công Lý, Tình Huynh Đệ, Tình Yêu, Sự Giải Thoát... nơi một số tổ chức hay tôn giáo mới ra đời như: Phong trào Thời Đại Mới (New Age Movement) vào những năm 1970, Phái Tái Cấu Trúc của những người Do Thái, các giáo phái Hồi giáo mới, trong khi số tín đồ của các tôn giáo chính truyền sút giảm nghiêm trọng (x. F.Waisbitt và Patricia Aburdene, Các xu thế lớn năm 2000, NXB TP.HCM, 1992, tr. 241-265).
Những tôn giáo nhỏ với một vị khai sáng tích cực, biết khéo sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, biết khai triển các vấn đề tâm linh thay vì các nghi thức phụng vụ truyền thống, biết khai thác các phép lạ hay sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (một số giáo phái Tin Lành), nhất là biết cổ vũ sự quan tâm lẫn nhau và tình tương thân tương ái đã thành công vượt bậc và thu hút một lượng đông đảo các tín đồ (x. Sđd, tr. 241-265).
Trong hoàn cảnh mới này, người Công giáo xác tín gì về đạo của mình, về con đường của Đức Giêsu Kitô? Ta có cần trải nghiệm như các Thánh Tông Đồ và các môn đệ xuất sắc của Thầy Giêsu trong suốt 20 thế kỷ qua không?
2. ĐỨC GIÊSU LÀ CON ĐƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA
2.1. Con đường của Thiên Chúa
Chính Thiên Chúa, người Cha Tạo Hoá, nguồn hiện hữu, đã muốn cho muôn loài tìm về được với mình nên Ngài đã vạch ra con đường tâm linh kỳ diệu. Các nhà khoa học ngày càng kinh ngạc khi khám phá ra những định luật kỳ diệu trong từng cục đá tầm thường, từng bông hoa nay còn mai mất… như dấu hiệu của con đường siêu việt ấy ẩn giấu trong vạn vật. Muôn loài thọ tạo vì được Thiên Chúa nguồn Chân Thiện Mỹ tạo thành, nên đều được chia sẻ những phẩm tính cao đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa (x. Kn 1,13-15), nhất là con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài với tinh thần mở rộng đến vô biên và với tình yêu tự do để đáp lại tình yêu của Đấng Tạo Hoá (x. St 1-3).
Khi con người chối từ tình yêu này, muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi sự hiện hữu của mình, cũng như ra khỏi đường đời của mình, thì con người đương nhiên mất hết những ân sủng cao quý trước đây: đẹp mãi, trẻ mãi, sống mãi. Đó là ý nghĩa của tội nguyên tổ như thực trạng bất toàn của con người (x. St 1-3). Vạn vật vì gắn bó một cách mật thiết với con người nên cũng bị cưỡng bức, lệ thuộc sự hư nát (x. Rm 8,28) do tội lỗi con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đặt con đường của Ngài trong lương tâm ngay chính của con người để dẫn họ về với Ngài. Ngài đã chỉ bảo cho họ bằng nhiều cách khác nhau (x. Dt 1,14) và những tôn giáo được coi là những con đường của con người muốn vươn lên đến với Thiên Chúa. Những con đường ấy, dù còn những điểm bất toàn, sai lạc, có khi mê tín, nhưng thật sự cũng là những con đường của Thánh Thần soi sáng cho con người (x. CĐ Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 2-6).
Thiên Chúa còn chỉ dạy con đường của Ngài qua lịch sử dân tộc Do Thái khi kêu gọi Abraham lên đường (x. St 12,1-5) khai mào một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Đường lối của Chúa thật lạ lùng (x. Is 55,8) và chẳng phải là đường lối của con người. Dân tộc Do Thái đã học kinh nghiệm đi với Thiên Chúa của mình (x. Mk 6,8) nhất là trong cuộc xuất hành qua hoang địa (x. Tv 68,8), cột mây, cột lửa (x. Xh 13,21) với giao ước Mười Điều Răn như bộ luật đi đường, để vào được Đất Hứa. Cuối cùng, họ hiểu ra con đường của Giavê, Đấng hiện hữu, là con đường tình yêu và chân lý (x. Tv 25,10; Tv 136) chứ không phải là luật lệ hình thức và phụng tự bên ngoài. Sau những lầm lạc của dân Do Thái và mọi dân tộc, chính Thiên Chúa sẽ vạch đường trong hoang địa (x. Is 43,19) sẽ xây dựng một con đường mới, bằng phẳng (x. Is 49,11) cho muôn loài. Đó là con đường Giêsu.
2.2. Con đường Giêsu
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình đến, sinh làm con một người đàn bà và sống dưới lề luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể chính là sự kiện Thiên Chúa xây dựng con đường của Ngài đi từ trời xuống đất để kéo toàn thể vũ trụ lên trời. Biến cố này vừa là 1 sự kiện lịch sử diễn ra trong không gian, thời gian cụ thể ở trần thế, vừa là 1 mầu nhiệm mà con người phải dùng đức tin và tình yêu mới có thể hiểu thấu và cảm nhận được hành động kỳ diệu và có vẻ nghịch lý này của Thiên Chúa. Đó là một Thiên Chúa tuyệt đối, vô hạn, siêu việt ở bên ngoài không gian, thời gian đã trở thành một con người lịch sử, trong một không gian và thời gian nhất định. Con người đó là Đức Giêsu Nazareth. Thiên Chúa thực hiện công trình xây dựng con đường này do động lực tình yêu thúc đẩy vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,6). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Có người đã đồng hoá con đường Giêsu với Kitô giáo hay Công giáo. Đúng là có những điểm tương đồng vì Kitô giáo là một tổng hợp bao gồm những tín điều, giáo lý và phụng tự do Đức Kitô truyền lại, linh đạo do Người hướng dẫn và sau này còn tạo nên cả một nền văn minh Kitô giáo. Nhưng Kitô giáo hay Công giáo lại không phải là toàn bộ con đường của Đức Giêsu vì Người vẫn đang dẫn dắt nhiều người ngoài Kitô giáo để họ đi trong sự thật và sự sống của Người.
Con đường Giêsu này có 2 chiều: một chiều đi xuống từ phía Thiên Chúa đến với thụ tạo và một chiều đi lên để nâng thụ tạo thành thần linh, thành Thiên Chúa, chia sẻ cho họ sự sống đời đời, giúp họ thoả mãn khát vọng sâu xa là trở thành Thiên Chúa như Ngài, được đẹp mãi, trẻ mãi, sống mãi. “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13) chỉ cho họ con đường lên trời. Đây là điểm khác biệt của con đường Giêsu so với các con đường tâm linh khác trong lịch sử (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 6, 11).
Đức Giêsu quả thật là con đường dẫn đến sự thật toàn vẹn và sự sống thần linh khi Người công bố và minh chứng cho con người và vạn vật biết Người “là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người” (x. Ga 14,6). Người là Đấng Mêsia đến để cứu độ, là Môsê mới dẫn nhân loại đi vào cuộc xuất hành mới (x. Lc 24,15; Dt 3,5; 12tt) và kêu gọi mọi người bước theo Người (x. Mt 4,19; Lc 9,57-62; Ga 12,35). Người đã minh chứng con đường này bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, những dấu lạ, bằng cái chết trên thập giá và cuộc sống lại của Người.
Như thế, con đường Giêsu không còn phải là những tín điều, những giáo thuyết, những nghi lễ hay luật lệ, thậm chí cả cách sống của Kitô hữu (x. Cv 9,2; 18,25; 24,22) nhưng là một con người sống động và cũng là Con Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu Kitô.
2.3. Những thái độ của người Kitô hữu: Với ý thức và tự do, người tín hữu có thể có những thái độ sau đây khi đi trên con đường Giêsu của mình:
* Hiểu lầm con đường Giêsu cũng giống như các con đường khác. Họ cho rằng đạo nào cũng tốt và “đạo Công giáo của mình” là tốt hơn cả. Họ không phân biệt được con đường mình theo vừa khác với các tôn giáo bạn cách sâu xa nhưng lại vừa hoà hợp với tất cả để Đức Giêsu Kitô là con đường duy nhất, là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người và vũ trụ vì Người chính là con đường của Thiên Chúa.
* Tách biệt Đức Giêsu với con đường của Người. Trong dòng lịch sử, tuỳ theo nhu cầu của mỗi thời đại, người ta đã phân biệt, thậm chí tách biệt Đức Giêsu với con đường của Người, đã quá chú ý đến việc xây dựng và công thức hoá các tín điều, các giáo lý, đã nhấn mạnh đến việc tổ chức Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, đã coi trọng việc cử hành phụng tự bên ngoài mà coi thường sự hiện diện sống động của Đức Giêsu và tác động Thánh Linh của Người.
Sống đạo bây giờ trở thành việc đi đạo, theo đạo với những luật lệ, nghi thức phải giữ, không giữ là vi phạm, là mắc tội đối với cộng đoàn, với Giáo Hội, với Thiên Chúa chứ không phải là cùng đi với Đức Giêsu, cùng theo Đức Giêsu, cùng sống với Đức Giêsu để rồi “tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Kết quả là người tín hữu không còn có những cảm nghiệm sống động về Đức Giêsu Kitô như một người họ đang gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và hoà nhập thành một với Người. Họ không phát huy được sự sống kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần ban cho với ơn sủng và quyền năng để làm phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, giải phóng con người và vạn vật thoát khỏi mọi hình thức nô lệ.
* Hoà nhập đạo với chính Đức Giêsu Kitô. Người kêu mời họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Khi dám từ bỏ mọi tham vọng bất chính và dục vọng xấu xa để kết hợp thành một với Đức Kitô, họ cũng sẽ trở thành hiện thân của Người, trở thành con đường trải thân cho anh em và muôn loài thọ tạo bước đi.
* Thái độ đi đường tiêu biểu là của Đức Maria: “Đức Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa…” (x. Lc 1,39-56). Đó là người hăng hái ra đi vì được Thánh Thần Tình Yêu thúc đẩy. Là người lên đường với Chúa Giêsu trong lòng: Giêsu bây giờ hoà nhập với đường đời của họ. Là người vừa thờ phượng Chúa trong hồn vừa ra đi phục vụ con người, nhất là những ai yếu kém trong xã hội. Là người vừa dám chấp nhận hiểm nguy (thân gái dặm trường) trên con đường vươn tới đỉnh cao, vừa biết phó thác đời mình cho Chúa để sống trong niềm vui và bình an.
Kết luận
Sau khi tìm hiểu những con đường tâm linh trong dòng lịch sử nhân loại, chúng ta thấy mình cần phải có thái độ trân trọng hơn đối với các tôn giáo bạn cũng như tích cực giới thiệu con đường Giêsu cho người khác. Rồi khi đã hiểu đạo là chính Đức Giêsu Kitô thì việc đi-theo-giữ-sống của đạo bây giờ trở thành đi theo-giữ kỹ-sống với Đức Giêsu Kitô trong từng giây phút đời người. Con đường tình yêu giữa Giêsu và mỗi người chúng ta sẽ kéo dài vô tận và mở rộng tới vô biên trong suốt cõi vĩnh hằng.
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có cảm thấy lúng túng, khó xử khi được người bạn theo Phật giáo mời đến chùa để dự lễ cầu siêu, đến gia đình để ăn giỗ cho người thân của họ không? Bạn đã phản ứng như thế nào?
2. Bạn đang có thái độ nào đối với các tôn giáo khác: sợ hãi, ngại ngùng, xa lánh, coi thường, hay sẵn sàng đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo của mình?
3. Bạn đang đi trên con đường Giêsu với thái độ nào: vui vẻ, hăng hái, can đảm dấn thân như Đức Maria, hay thờ ơ, rong chơi không mục đích, không giữ luật đi đường, không quan tâm đến các bạn đồng hành, đang ngừng bước hoặc lạc đường...?