ngày tháng năm

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

QUÀ GIÁNG SINH

Giáng Sinh có lệ tặng quà
Nhưng người nghèo khó lấy gì tặng nhau?
Không cần quà giá trị đâu
Chỉ cần đừng nghĩ xấu nhau, được rồi
Nhìn nhau thiện cảm, mỉm cười
Bắt tay, thăm hỏi, cùng vui chuyện trò
Thật là ý nghĩa món quà
Dù cho quà nhỏ, đơn sơ, chân thành
Chứa đầy cả khối ân tình
Món quà nhân ái Giáng Sinh đẹp mùa
Tặng nhau trọn vẹn tâm tư
Món quà đẹp nhất: Giêsu Hài Đồng

TRẦM THIÊN THU



Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

BIỂU ĐỒ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO

Ðan Quang Tâm

Thế nào là Ðức Tin Ki-tô Giáo Trưởng Thành? Ðức Tin ấy gồm những yếu tố gì?

Dưới đây là những ghi chép và một vài suy nghĩ về một số điểm chính trong bài thuyết trình về đề tài Ðức Tin Kitô Giáo Trưởng Thành do Nữ tu Ann Phượng, dòng SPC, trình bày ngày 24/5/2003 tại Tu Viện Mai Khôi Sài Gòn trước một nhóm giáo dân và một số học viên Lớp Giáo Lý cho Người Trưởng Thành.

Ðể bắt đầu, ta hãy "về nguồn" bằng cách lần giở Sách Công Vụ Tông Ðồ xem anh chị em tín hữu tiên khởi sống niềm tin của mình như thế nào.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH TUYỆT HẢO VỀ SỰ TỰ DO VÀ GIẢI THOÁT CỦA NHÂN LOẠI

Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
9 tháng 12 năm 2013
St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-38

Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm dịch

“Lạy Cha, Cha đã chuẩn bị đức Trinh nữ Maria... và giữ cho ngài không hề vương tội ngay từ giây phút đầu tiên tượng hình”. Trong thực tế, không cần nói gì thêm. Cụm từ này, lấy từ kinh nguyện nhập lễ hôm nay, tuy chỉ vắn tắt ít lời, mà tóm lược mọi sự chúng ta cử hành ngày hôm nay.

Trong sách Sáng thế, một vài câu ở trước bài đọc hôm nay, ta thấy: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.".. Liền có như vậy."Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp…” (St 1,28-31).

Có hai điểm rất quan trọng ở đây. Tại điểm thứ nhất, Thiên Chúa Cha ban cho tổ tiên chúng ta quyền thống trị mọi tạo thành. Điều quan trọng là cần nhớ rằng với sự “sa ngã của Ađam”, “kế hoạch của Tạo Hoá, ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật – vẫn không thay đổi” (TLHTXH, 256).

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Ca khúc độc hại !

TRẦM THIÊN THU
Đêm 6-12-2013

S.O.S. là viết tắt ba từ Save Our Souls – Xin cứu linh hồn chúng con! Đó là câu nói xuất phát từ con tàu định mệnh Titanic, và nó đã trở thành tín hiệu “cấp cứu” phổ biến trong các trường hợp.

Khoảng một tháng nay, khi ngồi quán uống cà-phê, tôi tình cờ nghe được một ca khúc “lạ” lắm, dù lần đầu nghe nhưng tôi vẫn thấy “giật mình” vì ca từ rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm ngay từ tựa đề ca khúc: “Linh Hồn Đã Mất”. Lạy Chúa, loại văn hóa như vậy nguy hiểm vô cùng!

Tôi không có “tai nghe” đối với các loại nhạc “thị trường” như ngày nay, giai điệu không mượt mà và ca từ không có “chất thơ”, nhố nhăng lắm, thế nên tôi thuộc loại “hai lúa” về loại nhạc này. Nếu chỉ một lần nghe ca khúc “Linh Hồn Đã Mất” thì rồi tôi sẽ quên, nhưng đằng này tôi “bị” nghe nhiều lần, không chỉ ở một quán mà ở vài quán cà-phê khác nhau. Bị “đầy tai” nên tôi thử tìm kiếm xem sao. Thật bất ngờ, tôi thấy đầy trên các trang web như nhaccuatui.com, nhac.vui.vn, chiasenhac.com, mp3.zing.vn, tainhaccho.vn, music.yeucahat.com, www.keeng.vn,... Và cả Youtube (http://www.youtube.com/watch?v=iP5IiZ9m5DY).

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Tôi có một giấc mơ

Đinh Quang Bàn
3.12.2013 Lễ Thánh Phanxicô Xaviê

“Tôi có một giấc mơ” (I have a dream) là tên của một bài diễn thuyết nổi tiếng của Mục sư da đen Martin Luther King Jr. , nói về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, người da trắng và người da đen chung sống hoà thuận và bình đẳng, được đọc từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do, cách đây đúng 50 năm:

“Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: ‘Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng’.

Tôi có một giấc mơ...

Nguồn BlogAnhVu

"Tôi có một giấc mơ" - I have a dream - là tên của một bài diễn thuyết vô cùng nổi tiếng và cũng vô cùng cảm động của Mục sư da đen Martin Luther King., Jr. Nếu bạn chưa bao giờ đọc hoặc nghe bài này, thì quả thật đó là một thiếu sót không thể chấp nhận được, nhưng có thể sửa sai vô cùng dễ dàng trong thời đại internet này, thời mà "trăm năm trong cõi người ta/ cái gì không biết thì tra gúc-gồ".

Xin trích lại ở đây phần giới thiệu trên wikipedia tiếng Việt để bạn thấy bài diễn thuyết ấy hay và có sức mạnh đến như thế nào:

"Tôi có một giấc mơ" (tên gốc tiếng Anh: "I Have a Dream") là tên phổ biến của bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Tâm tình Giáng Sinh

An Bình

Lạy Chúa, người ta bảo người già sống bằng quá khứ, điều đó quả không sai. Những năm gần đây, nhìn ngày tháng trôi thật nhanh, con cứ nghĩ về biết bao vui buồn đã qua.

Dalat đã qua một mùa mưa bão. Đất trời của những ngày chớm đông này thật đẹp. Nắng thật vàng. Bầu trời xanh ngắt. Và cái lạnh se se của những ngày đầu đông. Đó đây, hoa quỳ vàng nở rộ báo hiệu mùa mưa chấm dứt. Và những chùm lá Trạng Nguyên đã chuyển màu đỏ thẫm, mượt như nhung. Những cành Trạng Nguyên nhắc nhở mùa Giáng Sinh đến. Lại một mùa Giáng Sinh đến. Những ngày đầu đông này luôn làm con hồi tưởng biết bao kỷ niệm về những ngày Giáng Sinh đã qua trong đời.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đức Giáo Hoàng tấn công “nền độc tài” của các thị trường trong tuyên ngôn giáo hoàng

Naomi O'Leary 
Đinh Quang Bàn dịch 

VATICAN CITY Tue Nov 26, 2013 11:46am EST 

(Reuters) - Đức Giáo hoàng Phanxicô tấn công chủ nghĩa tư bản không kềm chế như là "một chế độ độc tài mới" và tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hãy chống nạn đói nghèo và bất bình đẳng ngày càng tăng, trong một văn kiện phát hành thứ ba [26 tháng 11 năm 2013], đặt nền tảng cho triều giáo hoàng của ngài và kêu gọi đổi mới Giáo Hội Công Giáo. 

Văn kiện 84 trang, được biết đến như một tông huấn, là văn bản lớn đầu tiên ngài soạn thảo một mình trên cương vị giáo hoàng và trình bày nhiều quan điểm chính thức mà ngài đã đọc trong bài giảng và các nhận định ​​kể từ khi ngài trở thành vị giáo hoàng không châu Âu đầu tiên trong 1.300 năm vào tháng 3. 

Trong đó, đức Phanxicô đã đi xa hơn các ý kiến trước đó, chỉ trích hệ thống kinh tế toàn cầu, tấn công "thần tượng tiền", và kêu gọi các chính trị gia hãy "tấn công những nguyên nhân mang tính cấu trúc của sự bất bình đẳng" và phấn đấu cung cấp công ăn việc làm, sự chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho tất cả công dân.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật

Trẻ mầm non Nhật rất hay được đi dã ngoại
GiadinhNet - "Chẳng lạ gì chuyện đi nhà trẻ, vậy mà tôi vẫn "há hốc miệng" khi thấy những điều "kì quặc" ở trường mầm non Nhật" - một phụ huynh nước ngoài đã choáng váng khi đưa con đến gửi vào lớp mẫu giáo ở Nhật Bản.

Trước khi đến Nhật Bản, Tiantian – con gái tôi cũng đã học 1 năm tại một trường mầm non ở quê hương. Nói vậy để biết chúng tôi không hề xa lạ gì với chuyện đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, những gì tôi được chứng kiến ở trường mầm non tại xứ Phù tang vẫn khiến tôi phải “choáng váng”. Tôi xin kể ra đây 8 điều “kì quặc” về mẫu giáo tại Nhật Bản:

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc: vui hay buồn ?

Phạm Minh Hoàng

Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ
Ngày 12/11/2013 vừa qua, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) với một tỷ lệ rất cao. Thực tình mà nói, căn cứ vào cơ cấu của HĐNQ cũng như các ứng viên cho kỳ này, giới đấu tranh trong và ngoài nước không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng dù gì đi chăng nữa đây cũng là một “tin không vui” cho chúng ta, những người yêu chuộng và tôn trọng nhũng giá trị phổ quát của nhân loại. Tuy nhiên, sau những xúc động ban đầu, chúng ta hãy bình tâm xem xét mọi khía cạnh của vấn đề - nhưng từ nhãn quan của 184 nước đã bỏ phiếu cho VN để thấy rằng họ không hoàn toàn “bị lừa bịp” và cũng để thấy rằng con đường chúng ta đang lựa chọn cho dù còn nhiều chông gai nhưng vẫn có những cơ hội, những hy vọng nhất định.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Giông Bão Cuộc Đời

Nguyễn Thảo Nam

Đứa cháu họ của tôi qua đời chỉ ba tuần truớc ngày đám cưới. Hai mươi bốn tuổi, trai tráng, khôi ngô, đời tràn ngập sức sống. Bỗng một chiều, cháu mệt. Vào bệnh viện, rồi ra đi. Để người con gái sắp cưới ở lại, ôm nỗi đau khó diễn tả. Mong một ngày làm vợ và làm dâu chưa thành. Cô khóc không còn nước mắt. Có ngàn giọt nước mắt người thân đến chia sẻ, nhưng không thể giúp vơi niềm đau. Cô dựa vào lòng chị tôi, người mẹ chồng tương lai, để tìm sức mạnh. Nhưng chị tôi cũng yếu đuối như người con gái ấy. Cả hai ôm nhau đứng trước cơn giông bão cuộc đời quá lớn, có sức phá vở tất cả nghị lực và cuốn trôi tất cả niềm tin. “Chúa ở đâu trong cơn giông bão ấy?”

Những người đạo đức trong xứ đến an ủi chị, “Có lẽ là thánh ý Chúa, anh chị cố gắng chấp nhận.” Chị tôi ngậm ngùi, không dám phản ứng trước lời an ủi. Trong đáy sâu tâm hồn, chị thầm hỏi “Tại sao lại là Thánh Ý Chúa?” Rồi chị thinh lặng trong nỗi đau. Ngày tháng qua đi, chị vẫn chưa hiểu nổi tại sao bão tố đến với gia đình chị. Đau khổ vẫn mãi mãi là một nhiệm mầu sâu thăm thẳm chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bước đi trong niềm tin xen lẫn nước mắt vẫn là hành trình của người Kitô Hữu.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo: Liên đới

Linh mục Fred Kammer, S.J.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội Dòng Tên
Đan Quang Tâm dịch

“Vậy tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa
trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế”
--Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40.
Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội mệnh danh liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của giáo huấn xã hội Công giáo:

Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”.[1]

DÁN NHÃN

Hiếu Thịnh

Nhóm học hỏi GHXH chúng tôi có một anh bạn rất vui tính, thẳng thắn và nhiệt tình. Bề ngoài trông rất thoáng nhưng ít ai ngờ anh ấy lại chứa một bụng những kinh nghiệm thuộc kiểu "chuyện đời khó nói". Chẳng biết vì có "máu tang bồng" hay bất đắc dĩ vì công việc, mà khi kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới, chị vợ thống kê thời gian anh ở nhà chưa được một phần ba con số 20 năm ấy! Anh yên tâm đi làm xa nhà, có lẽ cũng nhờ cái phúc trời ban cho một chị vợ vừa đoan thục lại vừa giỏi giang.

Dọc miền đất nước từ Bắc chí Nam, hầu như vùng nào anh cũng đã đến, đã ở, nếu không am tường tập tục thì cũng "quen nước quen cái". Sau những buổi học, chúng tôi thường nán lại với nhau bên quán cóc nhỏ, "chia sớt" đủ chuyện "trong nhà ngoài phố". Những câu chuyện anh kể thường gây cho người nghe ít nhiều suy nghĩ.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TIN NHẮN


Xin đừng nỡ lãng quên tôi
Vực sâu tăm tối, chơi vơi trăm chiều
Thời gian quay quắt thương đau
Phút giây mà ngỡ vạn sầu tháng năm
Luyện hình dâu bể muôn phần
Muộn màng xin được ăn năn thật lòng
Lạy Thiên Chúa, Đấng xót thương
Máu và Nước chảy từ nguồn Thánh Tâm
Lạy Thiên Chúa, Đấng tuyệt luân
Xin thương tha thứ lỗi lầm phần riêng
Hỡi người đang sống đời thường
Thiết tha nhắn gởi: “Xin đừng quên tôi!”

TRẦM THIÊN THU
Mùa Cầu Hồn – 2013

Đối thoại với tín đồ các tôn giáo khác về tình trạng sống của con người sau khi chết

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa ở Việt Nam, chúng ta không thể không quan tâm đến các đối tượng, là các anh chị em tín hữu thuộc các tôn giáo khác, đang nói gì về đạo của họ và về đạo của ta đối với một số vấn đề quan trọng như thiên đàng địa ngục, luân hồi tiền kiếp, thờ cúng tổ tiên… Rất nhiều khi họ tưởng lầm về đạo ta hay ta tưởng lầm về đạo họ, dẫn đến thái độ lãnh đạm với nhau, không hợp tác hoặc có khi tranh chấp, xung đột và có thể gây nên cả chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Vì thế Giáo Hội Công Giáo, qua Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012, đã khuyến khích các tín đồ gặp gỡ, đối thoại với nhau vì “các cuộc gặp gỡ đối thoại này là cơ hội đầy triển vọng để nhận thức rõ hơn sự phức tạp của ngôn từ và các hình thức của yếu tố tôn giáo trong nhân loại như được thấy trong kinh nghiệm của các tôn giáo khác. Chúng cũng cho phép người Công giáo hiểu rõ hơn những cách thức mà đức tin Kitô giáo sử dụng để diễn tả bản chất tôn giáo của tâm hồn con người và làm giàu cho di sản tôn giáo loài người bằng tính cách độc đáo của đức tin Kitô giáo” (x. Tài liệu Làm Việc (TLLV), số 67).

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Tâm tư Công lý ở Việt Nam: Bất lực, buồn bực, tức bực, đấm ngực và giành giựt

Trần Vinh

Để vào kinh đô như Kinh thành Thăng Long, ta phải đi qua các cửa ô.

Để xây thành phố Nhân Bản, ta phải kiến tạo các cửa ô nào đây? Đâu là các ngõ vào thủ đô tinh thần?

Theo Thông điệp Tình Yêu trong Sự Thật (Caritas in Veritate “CiV”, số 6), thì “Thành đô con người” đòi buộc các liên hệ trong thành phố đó phải dựa trên:

1. Quyền lợi
2 .Trách nhiệm
3 . Nối kết vô vị lợi
4 . Nhân từ
5 . Hiệp thông

Mời bạn cùng tôi suy nghĩ về cửa ô Quyền Lợi tức là cửa ô của lĩnh vực công lý.

Theo CiV trong đoạn nói trên: "Công lý là CÔNG NHẬN và TÔN TRỌNG QUYỀN hợp pháp của các cá nhân và của các dân tộc ".

Hóa ra ai ai và nước nào cũng có quyền lợi chứ không chỉ tôi và Trung quốc... mới có.

Nguồn gốc các quyền là ở trong chính con người và trong chính Thiên Chúa (TLHT, 152).

Đức Gioan Phaolô II còn lập một danh mục các quyền:

· Quyền được sống, một phần không thể thiếu trong quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai;
· Quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ;
· Quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật;
· Quyền được chia sẻ công ăn việc làm để sử dụng các nguồn lực vật chất của trái đất cách khôn ngoan;
· Quyền được lấy ra từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình;
· Quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con qua việc thực hiện hành vi tính dục một cách có trách nhiệm;

“Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp các quyền này chính là quyền tự do tôn giáo, được hiểu như quyền được sống theo sự thật của đức tin và phù hợp với phẩm giá siêu việt của con người" (Thông điệp Centesimus Annus, 47, năm 1991; TLHT, 155).

Dưới đây là những mẩu suy tư vụn vặt của tôi về cửa ô Công Lý:

Ở Việt Nam, nhiều người không biết mình có những quyền phổ quát và bất khả xâm phạm, bất khả nhượng, quyền đó là chung cho mọi người, ai ai cũng có, bất kể là ở bên Tầu hay bên Tây, bên Việt hay bên Cam-pu-chia, bất kể "chủ thể, thời gian, địa điểm" (TLHT, 153).

Ở Việt Nam, có người cảm thấy "bất lực, buồn bực, tức bực" khi thấy quyền lợi của con người bị xâm phạm. Họ chỉ còn biết cầu nguyện.

Ở Việt Nam, một số người ngộ ra mình từng vi phạm quyền lợi của tha nhân nên họ "đấm ngực" ăn năn. Số này có nhiều không hả bạn?

Ở Việt Nam, một số người sau khi "bất lực, buồn bực, tức bực, đấm ngực" thì họ đoàn kết để "giành giựt" lại công lý, không cho cửa ô công lý bé thành cửa ô con tò vò. Nhưng khi "giằng” lại công lý, họ có thể bị ghét bỏ và hiểu lầm.

Tôi và bạn ở nhóm nào? Xin Chúa ban cho chúng ta "sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa".

TẢN MẠN VỀ “SỰ THẬT” & “CHÂN LÝ”

Tín Thành

Hai tiếng “sự thật” nghe quen tai quá, hơn bao giờ hết nó đang được nhắc đến nhiều vô kể trong xã hội hôm nay. Vì sao? Điều đơn giản ai cũng biết là vì xã hội chúng ta đang thiếu vắng “sự thật” một cách trầm trọng. 

Mở ngoặc: Vì “sự thật”, nhiều mối tương quan giữa người với người đổ vỡ; vì “sự thật”, nhiều người con ưu tú của đất nước bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày…! 

Vậy “sự thật” là gì? Hiểu theo nghĩa chữ: “sự” là từ chính, từ gốc và “thật” là từ phụ bổ nghĩa cho từ chính. Theo từ điển tiếng Việt, Sự = chuyện, việc; Thật = thực, như thực tế diễn ra. Từ đó suy ra, “sự thật” là chuyện, việc như thực tế đã diễn ra. 

Một xã hội thiếu vắng sự thật, phải chăng trong đó, những ‘chuyện’ và ‘việc’ của nó được diễn tả, giới thiệu và tuyên truyền không đúng như bản chất và thực tế đã và đang diễn ra? 

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

CÔNG LÝ CHÚA

Lm FX Nguyễn Văn Nhứt, OP

“Lạy Chúa, Công Lý Ngài Như Đỉnh Thái Sơn!”
(Tv 36:7)


1. Một Phiên Tòa Lịch Sử: Tòa Án Nuremberg[1]

Xã hội con người dầu theo bất kỳ thể chế chính trị nào luôn cần có luật pháp để bảo toàn hòa bình và trật tự. Vấn đề công bình pháp lý[2] là bận tâm hàng đầu của công dân, đặc biệt của những ai được trao cho trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Về mặt luật pháp, công bình được hiểu một cách đơn thuần là phải rạch ròi “công thưởng, tội trừng”. Tuy nhiên, trong thực tế, luật pháp thường xuất hiện dưới bộ dạng của một vị quan tòa với đầy đủ án lịnh và hình cụ để trừng trị kẻ tội phạm, đồng thời thực hiện việc báo oán nhân danh các nạn nhân. 

Tiêu biểu cho tính chất báo thù của công lý[3] là tòa án Nuremberg, một pháp đình vĩ đại nhứt trong lịch sử[4] để trừng trị các tội phạm của Đức Quốc Xã gây ra trong Cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khủng khiếp hơn hết là tội diệt chủng nhắm vào dân tộc Do Thái. 

Sau khi triệt hạ chế độ Phát-xít do nhà độc tài Adolf Hitler lãnh đạo, các chính phủ thuộc lực lượng Đồng Minh, gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô quyết định triệu tập một tòa án quốc tế để xét xử các nhân vật chủ chốt trong guồng máy chính trị, quân sự và kinh tế của Đảng Quốc Xã.

TẬP SAN SỐ 10


Tải file PDF

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Văn thư của TGM Xã Đoài trả lời Công văn số 139/UBND-NC của UBND tỉnh Nghệ An và các vấn đề liên quan

GPVO - Ngày 8/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Công văn 139/UBND-NC quy kết các Chức sắc và Giáo dân Công giáo tại tỉnh Nghệ An vi phạm pháp luật, theo cách mà báo đài nhà cầm quyền đã truyền thông sai sự thật. Điều ngạc nhiên là văn bản này đã được gửi đến hết mọi thành phần Giáo hội Công giáo Việt Nam. Văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài đã có Văn thư số 05/13-TG ngày 15/9/2013 trả lời một số điểm trong thiện chí đối thoại vốn đã bị cắt đứt do hành động trấn áp dân chúng và chiến lược truyền thông gian dối của nhà cầm quyền. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ nội dung Văn thư này để độc giả có thêm góc nhìn về vụ việc.

Nguồn Giáo phận Vinh ngày 24/9/2013

Giáo Dục Đức Tin Ki-tô Giáo

Tu sĩ P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

A. Nhập Đề

Trong Năm Đức Tin, có nhiều nỗ lực nghiên cứu học hỏi, hướng dẫn thực hành sống đức tin “giúp Ki-tô hữu Công giáo nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, tìm cách bổ sung những thiếu sót và bất cập, điều chỉnh những méo mó và lệch lạc, hướng đến sống hồng ân đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường văn hóa và xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam hôm nay.”[1]

Thiết nghĩ chủ đề “giáo dục đức tin” sẽ đóng góp một phần đáng kể cho các mục tiêu nói trên. 

Sau đây là đôi dòng tìm hiểu về đức tin Ki-tô giáo, và kế đến là phần phác họa công cuộc giáo dục đức tin.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Suy Nghĩ Về Thách Đố Đối Với Công Tác Mục Vụ Di Dân

“Ta Là Khách Lạ, Chúng Con Đã Tiếp Đón.”
(Mt 25:35)

Tu Sĩ Phan-xi-cô X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Kỷ niệm lần thứ 99 Ngày Thế Giới Di Dân. TTMV Sài Gòn 13.01.2013
A. Một Xã Hội Di Dân

a) Di Dân Lao Động Ở Nước Ngoài

Tháng 8 năm ngoái, cảnh sát Nga khám xét nhà máy Vinastar ở ngoại ô Mát-cơ-va, nơi chuyên sản xuất hàng may mặc, sau khi được tin phóng viên BBC cho biết công nhân người Việt làm ở đây bị đối xử như nô lệ. Công nhân phải làm việc và sinh sống trong điều kiện thiếu an toàn, không hợp vệ sinh, không được ăn uống đầy đủ. Chính quyền Nga đã trục xuất 70 công nhân trở về Việt Nam vì những người nầy không có giấy tờ hợp pháp, mặc dù nhiều người phải vay nợ lo chạy giấy tờ từ các cơ quan hợp tác lao động để được qua Liên Bang Nga kiếm sống. Được biết đây không phải là nhà máy duy nhứt có điều kiện lao động khắc nghiệt ở Liên bang Nga.[1]

Đây cũng tất nhiên không phải là toàn cảnh bức tranh, mà chỉ là một góc nhỏ, mô tả tình trạng di dân vì lý do kinh tế của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong một mảng đơn lẻ như vậy, thân phận khốn cùng của người dân lao động Việt Nam đang phiêu dạt tìm kế sinh nhai trên khắp thế giới cũng được phơi bày một cách trần trụi, đau xót.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tường trình của Văn phòng TGM Xã Đoài về nội dung và diễn tiến của vụ việc đã xảy ra từ ngày 22/05/2013 tại Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên

Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Vinh

"Ngay sau khi nhà cầm quyền dùng vũ lực trấn áp tàn nhẫn và bắt hàng chục giáo dân giáo xứ Mỹ Yên vào ngày 04/9/2013, nhiều báo đài trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền, bênh vực công lý và bảo vệ người dân vô tội, trong khi đó báo đài Nhà nước lại đăng tải các thông tin có nội dung trái ngược...
Với những nội dung trên, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ hiểu rõ nội dung vụ việc hơn, nhằm bảo vệ Công lý và bênh vực người dân. Đồng thời, với thiện chí đối thoại, chúng tôi đề xuất nhà cầm quyền tôn trọng Lẽ Phải, trả lại tự do và công lý cho người dân giáo xứ Mỹ Yên."

Đức Phanxicô nói với người vô tín ngưỡng

Vũ Văn An

Ngày 11 tháng Chín, trong một lá thư gửi cho nhật báo Ý “La Republica”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thuật lại kinh nghiệm đức tin của ngài cho người vô tín ngưỡng. Lá thư này nhằm trả lời một số câu hỏi liên quan tới việc Giáo Hội phải đáp ứng ra sao đối với những người không tin vào Chúa Giêsu. Các câu hỏi này đã được nêu ra trên tờ báo này ngày 7 tháng Bẩy năm nay. 

Đức Giáo Hoàng viết rằng: “Tôi cảm thấy rất tích cực, không phải chỉ đối với cá nhân mỗi người chúng ta mà thôi mà còn đối với cả xã hội nơi chúng ta đang sống, nếu có thể dừng lại để đối thoại với nhau về một thực tại rất quan trọng đối với đức tin, một thực tại dẫn ta tới lời dạy và khuôn mặt của Chúa Giêsu”. 

“Ngày nay, tôi nghĩ có hai nhân tố đặc biệt biến cuộc đối thoại này thành một nhiệm vụ và một điều quý giá. Hơn nữa, như mọi người đều biết, nó còn là một trong các mục tiêu chính của Công Đồng Vatican, do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập, và của thừa tác vụ các Giáo Hoàng mà mỗi vị, với tính nhạy cảm và đóng góp riêng, kể từ thời đó tới nay, đã bước theo, trong khuôn thước do Công Đồng đặt để”

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Gánh nặng và trách nhiệm

Lê Minh

Thông điệp Caritas in Veritate (Tình Yêu trong Sự Thật, viết tắt là CIV) được ban hành đã 4 năm. Để cho thông điệp được sống chứ không bị bụi thời gian phủ mờ, mời bạn suy nghĩ một câu của CIV liên quan đến phát triển dân tộc, rồi đối chiếu ý tưởng này vào Việt Nam xem sao.

Đức Bênêđictô viết: “Vì các dân tộc là những người xây dựng cho những tiến triển của chính họ, chính họ là những người đầu tiên phải nhận gánh nặng và trách nhiệm” (CIV, 47).

Tôi lâu nay ngóng chờ người nước khác đến giúp Việt Nam, còn tôi khoanh tay đứng nhìn hoặc trùm chăn xin được yên thân (mà tôi cứ những tưởng là “thiên ân”).

Tôi thờ ơ với vận mệnh dân tộc, mặc kệ nó ra sao thì ra. "Vận nước nổi trôi" thì nhằm nhò gì đến tôi? Xin dành cho những người "khéo dư nước mắt".

Vậy mà Đức Bênêđictô XVI thúc đẩy tôi đưa tay ra giúp đỡ đồng bào mình, đưa vai ra nhận trách nhiệm đắp xây công lý, liên đới, bổ trợ và sống trong sự thật cho đồng bào, dân tộc mình, không chờ người nước khác.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết về phần ai?” Vâng, thì gánh với vác.

Nhưng thằng tôi lý sự (cùn) vẫn cố cãi chày cãi cối:
Trong hoàn cảnh Việt Nam còn là quốc gia một đảng, việc tôi đưa vai ra gánh vác các việc lớn lao ở tầm mức vĩ mô, coi bộ chưa được đâu. "Rằng hay thì thật là hay..."

Thế còn kế hoạch nhỏ thì sao? Thôi thì nhỏ làm việc nhỏ vậy.

Tôi sẽ tập làm công lý, bổ trợ, liên đới, sự thật trong những mối quan hệ vi mô kiểu “thế giới nhỏ bé của Đồng Cam Lộ” (Le Petit Monde de don Camillo) tại nơi tôi đang sống hoặc có mặt như các nhóm nhỏ, xứ đạo, công sở, đường phố...

Tôi tin tôi sẽ không bị bỏ rơi, vì CIV cũng kêu gọi sự giúp đỡ của người nước khác: “Nhưng họ (ở đây là người Việt Nam tôi), không thể làm được, NẾU NHƯ BỊ BỎ RƠI” (CIV 47). 

Đến nhà báo NVL tiếng là "vô thần" mà cũng phải thừa nhận: "Aide-toi et le ciel t'aidera" (Có tự giúp mình thì trời mới giúp cho).

Tôi nhớ Trịnh Công Sơn khuyên: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.

Tôi nhớ lời Chúa ủi an: “Thầy đây, đừng sợ”.

Tôi sẽ gạt nước mắt, đứng phắt dậy, cùng một số người ưu tư công lý, đưa vai ra “nhận gánh nặng và trách nhiệm” xây dựng lại Việt Nam, khởi đầu bằng những bước nhỏ. 






TẬP SAN SỐ 9


Tải file PDF

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

KINH THÁNH VÀ LUÂN LÝ

Lm Giuse Phan Tấn Thành 

“Kinh Thánh và luân lý” là tựa đề của một văn kiện của ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, được xuất bản năm 2008. Sau khi trình bày lịch sử vấn đề (Nhập đề), chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung của văn kiện gồm hai phần chính, và đưa ra vài nhận xét trong phần kết luận. 
Nhập đề 

Mối tương quan giữa Kinh Thánh và luân lý có thể được bàn dưới nhiều khía cạnh: khía cạnh lịch sử, khía cạnh lý thuyết, khía cạnh thực hành. 

1/ Dưới khía cạnh lịch sử, có thể đặt câu hỏi như thế này: quan điểm của Kinh Thánh về luân lý như thế nào? Thế rồi người ta sẽ lần lượt rảo qua các giai đoạn của lịch sử Israel để trình bày sự tiến triển trong Cựu ước (a/ trước thời quân chủ; b/ thời quân chủ; c/ các ngôn sứ; d/ thời lưu đày; e/ sau thời lưu đày) cũng như những luồng tư tưởng nổi bật (Torah; Đệ-nhị-luật; Các nhà hiền triết). Một cách tương tự như vậy, trong Tân ước, người ta lần lượt tìm hiểu quan điểm luân lý của Đức Giêsu Nadarét với những chủ để nổi bật (Nước Thiên Chúa; Hoàn tất lề luật; giới răn yêu thương; trở nên môn đệ), thánh Phaolô (đời sống trong Thánh Linh; Tự do và lề luật; con người mới). Một thí dụ của lối tiếp cận này có thể nhận thấy nơi cuốn Nuovo Dizionario di Teologia Morale[1] (Từ điển thẩn học luân lý) xuất bản bên Ý. Không nói ai cũng đoán được, phương pháp này không dễ áp dụng, bởi vì một đàng, các bản văn của Kinh Thánh hiện nay đã được viết đi viết lại nhiều lần (Ngũ thư không phản ánh hoàn toàn trung thực thời buổi ông Môsê), đàng khác mỗi học giả có khuynh hướng dừng lại ở vài tư tưởng then chốt (chẳng hạn như: giao ước) và bỏ qua những tư tưởng khác. 

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Đối thoại đại kết về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã cổ vũ việc đối thoại đại kết để hợp nhất toàn thể các Kitô hữu qua Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (HN) ban hành ngày 21-11-1964 và mở ra Tuần lễ “Cầu nguyện cho sự hiệp nhất” hằng năm từ 18-1 đến 25-1. Thượng Hội đồng Giám mục XIII vào tháng 10-2012 tại Rôma cũng đã nhắc nhở chúng ta về việc đối thoại đại kết này ở các số 72 và 125 của Tài Liệu Làm Việc (TLLV).

Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy có những cuộc tranh luận gay gắt về một số khác biệt giữa Công giáo và các hệ phái Kitô giáo khác, nhất là về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô”: “Thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của Chúa Kitô nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa Kitô bị phân rẽ vậy (x.1Cr 1,3). Quả thực sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo” (CĐ.Vat. II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1) (THĐGM, TLLV, số 125).

Trong tinh thần đối thoại để đóng góp vào công cuộc hợp nhất Kitô hữu, chúng tôi giới thiệu câu giải đáp cho vấn đề gây tranh cãi này theo sự khích lệ của THĐGM: “phải tiếp tục có những cố gắng một cách thuyết phục để chứng tỏ mọi Kitô hữu đều hợp nhất trong việc chỉ cho thế giới thấy sức mạnh tiên tri và biến đổi của sứ điệp Phúc Âm” (TLLV, số 72).

Bài này được trình bày gồm các phần chính sau đây:

1. Vấn đề anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô

2. Câu trả lời từ phía Giáo Hội Công Giáo

3. Lời giải đáp theo hướng đối thoại đại kết.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

“Chân Lý Sẽ Giải Thoát Chúng Con”(Ga 8:32)

Lm P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Đối với Ki-tô hữu, tự thân lời dạy của Chúa Ki-tô—như câu trích dẫn Tin Mừng theo Thánh Gio-an được dùng làm tiêu đề bài viết nầy--đã là chân lý. Đón nhận lời Chúa Ki-tô, con người được giải thoát khỏi sai lầm, dối trá, sợ hãi, và cái chết.

1. Chân Lý Giải Thoát Khỏi Sai Lầm

Nguyên nhân của sai lầm là do con người không biết hoặc biết không đến nơi đến chốn.
Hiểu biết là nhu cầu, là khát vọng tự nhiên của con người. Con người muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ vạn vật và của chính bản thân mình. Khát vọng mạnh mẽ đó trở thành tiền đề cho tiến bộ của khoa học. Mỗi một khoa học, khoa học tự nhiên hay nhân văn, là một câu trả lời cho vấn nạn “tại sao?” từng được nêu lên trong lịch sử phát triển của con người. Ngày nào tính hiếu kỳ của con người chưa được thỏa mãn, ngày ấy khoa học vẫn còn lý do tồn tại và hoàn thiện.

Khi phát biểu về mối tương quan nhân quả giữa tình hiếu kỳ của con người và việc tồn vong của khoa học, là đã mặc nhiên nhìn nhận tình trạng bất cập của khả năng trí tuệ, công cụ duy nhứt con người sử dụng để khám phá thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm. Chấp nhận chân lý nầy, con người được giải thoát khỏi sai lầm kép sau đây:

Tình yêu trong Sự thật, cốt lõi của Học thuyết Xã hội Công giáo

Đan Quang Tâm

“Caritas in veritate là nguyên tắc xây dựng nên học thuyết xã hội của Hội Thánh, một nguyên tắc hành động theo các tiêu chí định hướng cho hành động luân lý” (Thông điệp Caritas in Veritate, sau đây gọi tắt là CiV, 6). Một đóng góp quan trọng của Đức Bênêđictô XVI cho huấn quyền về xã hội của Hội Thánh là giới thiệu và triển khai ý tưởng “tình yêu trong chân lý” như là nhân đức cốt lõi trong giáo huấn xã hội Công giáo. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng sự nhấn mạnh này về tình yêu của Đức Bênêđictô đi chệch hướng giáo huấn xã hội truyền thống. Đức Gioan XXIII dạy rằng tình yêu “tóm lược toàn bộ giáo huấn và hoạt động Hội Thánh” (Thông điệp Mater et Magistra, 6). Mặc dù các giáo hoàng từ Đức Lêô XIII trở về sau đều cho rằng nguyên chỉ có công bằng thì chưa đủ để lập nên trật tự xã hội, mà cần phải có thêm tình yêu, nhưng chỉ có Đức Bênêđictô mới đặt tình yêu ở vào tâm điểm của học thuyết xã hội Công giáo. Ngài nhận rằng tình yêu là nguồn lực độc đáo của toàn bộ học thuyết xã hội, có vị trí còn cao hơn đức công bằng xã hội, vốn từ lâu đã được xem là nhân đức cốt lõi của giáo huấn xã hội Công giáo.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói Đức quốc xã cho thấy mối nguy hiểm khi quyền lực tách khỏi luật tự nhiên

Tác giả David Kerr 
Đan Quang Tâm dịch

Đức Thánh Cha đọc diễn văn trước Quốc hội Đức 
Berlin, Đức, 22 tháng 9 năm 2011 / 04:49 pm (CNA/EWTN News) .- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói với Quốc hội Đức ngày 22 tháng 9 rằng quá khứ Đức Quốc xã của nước này vạnh rõ các mối nguy hiểm của việc quyền lực tách rời khỏi một nền luân lý khách quan bắt nguồn từ luật tự nhiên.

"Chúng ta đã thấy quyền lực tách khỏi lẽ phải như thế nào, quyền lực chống lại lẽ phải và nghiền nát lẽ phải như thế nào, khiến cho nhà nước trở thành một công cụ phá hủy lẽ phải", ngài nói với quốc hội, được gọi là Bundestag trong tiếng Đức.

Đức Giáo Hoàng đã mô tả chế độ Đức Quốc xã như “một băng cướp có tổ chức ở trình độ cao", "có khả năng đe dọa cả thế giới và đưa thế giới đến bờ vực thẳm".

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

ĐẮNG LÒNG

Anmai, CSsR 

Công trình thi công vườn Đức Mẹ đang thi công còn quá nhiều ngổn ngang. Đứng trên lầu trên nhìn xuống, người anh em ghé tai tôi "Cuộc đời nó cũng đầy ngổn ngang như thế".

Vâng ! Cuộc đời nó còn quá nhiều ngổn ngang. Ngày mỗi ngày còn đó quá nhiều dang dở.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, không thể yên lòng với những đứa trẻ sơ sinh sau khi chích vaccin ngừa bệnh lại ra đi mãi mãi.

Cú sốc chưa nguôi thì người ta lại khám phá ra bệnh viện kia xài chung kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân. Theo điều tra, tháng 8 năm 2012, bốn “cặp” bệnh nhân đã được nhân viên bệnh viện đó phát cho cùng một kết quả xét nghiệm máu. Ðó là bà M, và bé Q; bé D và ông M; cụ S và bé A; cụ C và T... Dư luận lấy làm lạ, không hiểu vì sao nhân viên phòng thí nghiệm của bệnh viện đó lại phát chung một bản kết quả cho từng cặp bệnh nhân gồm một già và một trẻ.

Cũng theo điều tra, kết quả xét nghiệm đã được copy để phát cho các bệnh nhân phổi, viêm ruột thừa, viêm hậu môn... Người ta còn tính ra, từ tháng 7, 2012 đến tháng 5, 2013, trên 1,000 phiếu xét nghiệm đã được copy để phát cho ít nhất 2,000 người xài chung. Tính trung bình cứ một cặp bệnh nhân thì xài chung một kết quả xét nghiệm. Cũng có trường hợp, 4 bệnh nhân đã nhận được cùng một bản kết quả xét nghiệm máu trả ra đúng 9 giờ 3 phút sáng ngày 19 tháng 2 năm 2013.

Làm giàu trước mặt Chúa… Một vấn đề nhức nhối!!!

CN Thường Niên 19 - năm C. 

Lung Linh

Trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy.

Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. 

Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. 

Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Trong bài Tin Mừng này có 3 nhóm nhân vật:

1. Nhóm thiểu số: bê bối 
2. Nhóm đại đa số: không bê bối, trung tín nhưng lại thiếu khôn ngoan
3. Nhóm đặc biệt: biết mình có đèn cháy sáng trong tay

Tiêu chuẩn phân biệt quản lý bất trung và bê bối: cầm đèn cháy sáng trong tay.

Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (5)

Vũ Khởi Phụng, CSsR

VRNs (08.08.2013) – Sài Gòn – DÂN CHÚA ÐÔNG ÂU MỘT THỜI BÃO TÁP

Vào thời Công Ðồng Vatican II họp, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặc biệt quan tâm dến tình hình Liên Xô nói riêng, các nước Xã Hội Chủ Nghĩa nói chung. Ai chẳng biết đi vào quá trình cách mạng chuyên chính vô sản xã hội chủ nghĩa là Giáo Hội đi vào một chặng đường dài cực kỳ nguy hiểm và gian khổ mà hình như không thấy lối ra. Chỉ nguyên Liên Xô đã là một đất nước mênh mông bất tận, sau Thế Chiến Thứ Hai lại thêm các nước Ðông Âu, rồi cả Ðại Lục Trung Hoa, lan sang Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Ðến thời Ðức Giaon XXIII thì lại thêm Cuba ở châu Mỹ. Ðoàn chiên của Chúa như những con thuyền bị ném vào bão táp chẳng biết số phận ra sao. Khổ ải là dĩ nhiên rồi, nhưng cả đến tin tức cũng bặt luôn. Thế giới bên ngoài đã coi khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa như ở sau một bức màn sắt, rất ít có gì lọt được ra ngoài. Nhìn sang phía đó chỉ thấy một cõi âm u bí hiểm, có vẻ vĩnh viễn không thay đổi, không tín hiệu. Ðôi bên bức màn sắt chỉ hiệp thông với nhau một cách thiêng liêng, bằng lời cầu nguyện chứ có thể làm gì khác?

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Giới thiệu đề tài: “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá” (3)

Người Kitô hữu hành động như thế nào
trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Chúng ta đã tìm hiểu bối cảnh của thế giới và VN trong cuộc TPAH và được mời gọi “tìm cách khám phá ra những lý do cơ bản tại sao các hoạt động và chứng tá của nhiều tổ chức GH thiếu tính khả tín khi rao giảng với tư cách những người mang Tin Mừng của Thiên Chúa” (TLLV, số 32). Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu người Kitô hữu hành động như thế nào trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam để khám phá ra lý do tại sao hoạt đông rao giảng Tin Mừng thiếu hiệu quả.

1. Hành động của người tín hữu Công giáo trên thế giới 

Có thể nói rằng đứng trước bối cảnh những đổi thay trong nhiều lĩnh vực, “nhiều cộng đồng Kitô giáo đã không nhận thức đầy đủ sự thách thức cũng như mức độ lớn lao của cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hoá bên ngoài cũng như ngay cả bên trong Giáo Hội” (TLLV, số 49).

Họ vẫn tiếp tục sống hết sức bình thường, cũng nói đến truyền giáo, loan báo Tin Mừng. Nhưng, với cách sống và rao giảng TM quen làm như hiện nay bằng những giờ kinh phụng vụ, thánh lễ, đón nhận các bí tích, học hỏi Thánh Kinh, dạy giáo lý với các bài quen thuộc, thỉnh thoảng làm một số công tác xã hội như khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho người nghèo, người tàn tật, thăm viếng một ít cơ sở tôn giáo bạn như đền chùa, thánh thất, hoặc giao lưu với các anh em Tin lành thì hiệu quả tuyền giáo sẽ không mấy thay đổi như đang tồn tại cả trăm năm nay.

Giới thiệu đề tài: “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá” (2)

Bối cảnh của cuộc Tân Phúc Âm Hoá
trên thế giới và ở Việt Nam

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

LTS: Đây là bài suy niệm đầu tiên theo chủ đề “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hóa” trong tuần tĩnh tâm năm 2013 của Dòng Thừa Sai Đức Tin, từ ngày 15-17-7-2013 tại Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. 

Lời mở

Muốn Tân Phúc Âm Hoá (TPAH) con người chúng ta cần phải tìm hiểu người nghe Tin Mừng đang sống trong bối cảnh nào để Tin Mừng của chúng ta thật sự mang lại hiệu quả tốt đẹp. Họ có thể là người nghèo đói, tật bệnh, bị dằn vặt vì tội lỗi, bị kiềm chế bởi ma quỷ, ma men, ma túy. Chúa Giêsu sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ và trao quyền năng cho chúng ta để chúng ta có thể giải thoát họ.

Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu bối cảnh loan báo Tin Mừng của thế giới được mô tả trong Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về Tân Phúc Âm hóa (TLLV) và so sánh với bối cảnh ở VN để thấy cần phải thực hiện cuộc Tân Phúc Âm Hoá như thế nào. 

Giới thiệu đề tài: “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá” (1)

Tĩnh tâm thường niên tại Dòng Thừa Sai Đức tin
từ ngày 15-17/7/2013

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

1. Lý do chọn đề tài

Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”(Lc 5,4) bắt nguồn từ lời mời gọi khởi đầu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”(Mt 4,19). Lời kêu gọi ấy gửi đến từng môn đệ của Chúa Giêsu trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng về rất nhiều lĩnh vực nên cũng đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi trong cách sống và loan báo Tin Mừng để chinh phục con người. 

Để đáp ứng nhu cầu này, Giáo Hội đã tổ chức Thượng Hội Đồng (THĐ) Giám mục thường kỳ lần XIII với chủ đề : “Tân Phúc Âm Hoá để truyền bá đức tin”. Các giáo hội địa phương cũng được mời đóng góp ý kiến qua bản Đề cương (Lineamenta) của THĐ. Sau đó 400 đại biểu đã họp tại Roma từ ngày 7 đến 28-10- 2012 và bàn luận trên bản Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) mà chúng ta sẽ tìm hiểu và nhiều lần trích dẫn trong suốt tuần tĩnh tâm này. Từ chủ đề của THĐ chúng ta đã cùng nhau chọn chủ đề cho tuần tĩnh tâm là: “Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá”. Chúng ta dùng từ Tân Phúc Âm Hoá (TPAH) trong nhiều trường hợp thay cho từ “rao giảng Tin Mừng” hay “công bố Phúc Âm”…và chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung phong phú của từ này trong các bài suy niệm sau.

Học ngôn ngữ giảng thuyết của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thiên Triệu

Đại hội Giới Trẻ thế giới 2013 đã khép lại. Có rất nhiều bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô và bài nào cũng đáng giá cả. Trong số đó, người viết để ý đặc biệt đến bài nói chuyện của ngài với hàng giám mục Brazil tại Tòa tổng giám mục Rio de Janeiro, ngày 27-07-2013. Nội dung hết sức phong phú, nên mỗi người cần trực tiếp đọc lại để cảm nhận và suy nghĩ. Ở đây chỉ muốn nhắc đến ngôn ngữ giảng của Đức Thánh Cha, thứ ngôn ngữ mà những ai có trách nhiệm giảng dạy đức tin Kitô giáo phải quan tâm học hỏi.

Đó là thứ ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ. Nói chuyện với các giám mục tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida, ngài lấy luôn sự tích tượng Đức Mẹ ở đây để khai triển suy tư. Điều đáng nói là từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện có vẻ bình dân ấy đã khơi nguồn cho những suy tư thật sâu sắc. Những người dân nghèo làm nghề thuyền chài rất vất vả để kiếm sống. Rồi tình cờ, họ vớt được tượng Đức Mẹ, bức tượng đã bị vỡ thành nhiều phần. Họ ghép lại, ân cần lau rửa, rồi lấy áo phủ lên và rước về. Từ hình ảnh đó, Đức Thánh Cha khai triển sứ điệp về sự tái hợp, phục hồi, kết nối, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Giáo Hội tại Brazil.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Nếu Blogger Điếu Cày ký vào bản nhận tội

Hà Sĩ Phu 

Vụ án Điếu Cày đặt ra những dấu hỏi tất yếu.

Cùng gia đình ông Điếu Cày biểu tình đòi chấm dứt
ngược đãi tù nhân, đòi tự do và đòi bảo toàn tính mạng
cho blogger Điếu Cày, trước cổng Trại 6, Bộ Công An
(xã Hạnh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) ngày 22/7
Vụ bắt cóc ngay trên đường phố cho thấy tính dối trá, không dám chính danh của công quyền, khi bắt thì lu loa là buôn ma túy, khi xử án lại truy tố tội trốn thuế, một thứ tội “vớ vẩn” mà hàng chục nghìn doanh nhân thời nay đều mắc phải và có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào nếu nhà nước muốn.

Hết 30 tháng tù giam Điếu Cày không được về nhà, bị bắt lại ngay và truy tố tiếp tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Rất lạ, hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” không thể phát sinh trong 30 tháng ngồi tù, vậy sao trước đây không xử lại phải xử tội “trốn thuế”? Cuộc tù tiếp theo 12 năm đã là quá nặng, nhưng đáng nói hơn là sự khắt khe ngược đãi, điều kiện giam giữ khắc nghiệt và sự thăm hỏi giao lưu với người thân bị cản trở đến mức cực kỳ khó khăn nếu chưa muốn nói là tùy tiện, bất chấp luật pháp một cách vô nhân đạo.

Không ai tin vào những cái cớ bề ngoài, ai cũng tự hỏi thực chất vụ án là gì, khiến cho nhà nước đối xử đặc biệt nghiệt ngã đối với một cựu chiến binh của chính chế độ, “tội” gì mà ghê gớm quá vậy?

Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (4)

Vũ Khởi Phụng, CSsR

VRNs (24.07.2013) – Washington DC, USA – Trong bài trước, chúng tôi đã dựa vào những điều Norman Cousins ghi lại trong tác phẩm “The Improbable Triumvirate, John F. Kennedy, Pope John, Nikita Khrushchev” xuất bản năm 1972, về nội dung những chuyện trao đổi giữa các giới chức Vatican với tác giả. Mới đó mà hơn một thế kỷ đã qua. Thời gian và lịch sử thời nay tăng tốc. Ðối với nhiều người trong chúng ta, những chuyện lớn lao đó bây giờ có vẻ xa xôi như cổ sử. Ngày nay người ta đang phàn nàn giới trẻ của chúng ta thờ ơ với việc học sử. Ðối với lịch sử dân tộc đã vậy, có gì bảo đảm rằng đối với lịch sử Giáo Hội, chúng ta không thờ ơ và quên lãng? Vậy mà những câu chuyện đó vẫn còn chi phối đời sống của chúng ta đến tận bây giờ và cả sau này.

Chính là để những biến cố về Công Ðồng Vatican II và Ðức Gioan XXIII, không trở thành “cổ sử”, mà Hội Thánh Công Giáo mở ra Năm Ðức Tin để mừng kim khánh. Cuối Năm Ðức Tin này, Hội Thánh sẽ tuyên phong Hiển Thánh cho Ðức Gioan XXIII cùng với Ðức Gioan Phaolô II: lại thêm một lời nhắc nhủ nữa rằng những con người ấy, cùng với hành động của các ngài và thời đại của các ngài không đơn thuần chỉ là “cổ sử”. Lễ phong Hiển Thánh năm nay sẽ có một tính cách rất đặc biệt: lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội có sự hiện diện của hai vị giáo hoàng trong một Lễ Phong Thánh cho hai đấng tiền nhiệm. Khi Ðức Gioan XXIII khai mở Công Ðồng Vatican II thì Ðức Bênêđictô XVI còn là một nhà thần học trẻ, với những đóng góp xuất sắc cho định hướng của Công Ðồng. Ðến năm 1978, khi vị giám mục Ba Lan Karol Woytila được suy cử lên ngôi Thánh Phêrô, thì ngài chọn danh hiệu kép Gioan Phaolô II để nói lên ý muốn tiếp tục triển khai công trình của đấng khai sáng Công Ðồng và đấng hoàn tất Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII và Ðức Phaolô VI. Ðến Ðức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô thì lần đầu tiên từ thời Ðức Gioan XXIII tới nay, Hội Thánh có một vị giáo hoàng đã không có mặt trong Công Ðồng: tức là một thế hệ mới đã đứng lên trong Hội Thánh. Như thế là thời gian đã qua, nhưng thế hệ mới đang cử hành Năm Ðức Tin để tiếp tục một dòng chảy thiêng liêng liên tục từ Công Ðồng đến nay.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Vận mệnh dân tộc này nằm trong tay ai?

Kỳ Duyên

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm những người lính đã dấn thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc- Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7.

Thì trong tuần, có hai sự kiện, dư âm của nó để lại cho xã hội không ít suy ngẫm, dù cái kết có vẻ có hậu.

Cao, thấp và... kỷ luật

Sự kiện thứ nhất, đó là sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm 47 nhân sự cấp cao của Quốc hội (khóa XIII), đến lượt các địa phương lần lượt hoàn thành cuộc lấy phiếu tín nhiệm của tỉnh mình.

Có vẻ có hậu, bởi kết quả cho thấy, không quan chức nào bị tín nhiệm thấp đến mức rơi vào vòng nguy hiểm, phải xem xét các bước xử lý tiếp theo.

Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan (3)

Vũ Khởi Phụng, CSsR

VRNs (20.07.2013) – Washington DC, USA – Norman Cousins đi Vatican

Sau ngày khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã viết những lời tâm sự sau đây: “Tôi cám ơn Chúa, Người đã không xét tôi bất xứng, mà ban cho tôi vinh dự được nhân danh Người khai mở một buổi bình minh những ân sủng lớn lao cho Hội Thánh Người. Người đã muốn tia lửa đầu tiên để chuẩn bị trong ba năm cho biến cố này lại phát xuất từ miệng tôi và lòng tôi. Tôi cũng sẵn lòng hy sinh niềm vui của buổi bình minh này. Vẫn một niềm bình an như vậy tôi xin lặp lại lời fiat voluntas tua (xin ý Chúa thành sự) dù tôi được giữ lại ở vị trí phục vụ đệ nhất này suốt thời gian và suốt mọi hoàn cảnh trong cuộc đời nhỏ hèn của tôi, hoặc tôi phải dừng lại ở một lúc nào đó để công cuộc phát động, theo đuổi và hoàn tất chuyển sang cho người kế vị tôi, fiat voluntas tua, sicut in celo et in terra (xin cho ý Cha thành dưới đất cũng như trên trời)”.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Tam Phi đại chiến CiV

Đăng Đan

Tam Quốc diễn nghĩa có thuật lại cuộc kịch chiến giữa vị tướng dũng mãnh vô song Lã Bố và ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan VũTrương Phi trong trận “Tam anh chiến Lã Bố”. 

Ngày nay có “CiV đại chiến Tam Phi” được mô tả trong Thông điệp Caritas in Veritas (CiV) đoạn số 9 dưới đây. 

“Tình yêu trong chân lý – caritas in veritate– là một thách thức lớn cho Hội Thánh trong một thế giới đang tiến hành toàn cầu hóa trên diện rộng. Nguy cơ của thời đại chúng ta là tình trạng liên thuộc đã diễn ra trong thực tế giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau chưa tương xứng với sự tương tác mang tính luân lý giữa các lương tâm và các trí tuệ làm nảy sinh sự phát triển con người một cách đích thực. Chỉ có trong tình yêu, được chiếu rọi dưới ánh sáng lý trí và đức tin, ta mới có thể theo đuổi các mục tiêu phát triển mang giá trị nhân đạo và nhân bản cao hơn. Việc chia sẻ hàng hóa và các nguồn lực, từ đó có thể đưa đến sự phát triển đích thực, không được bảo đảm đơn thuần chỉ bằng các tiến bộ kỹ thuật và các quan hệ tính toán thực dụng, nhưng bằng chính sức mạnh đầy tiềm năng của tình yêu lấy thiện thắng ác (x. Rm 12,21), mở ra con đường tương hỗ giữa lương tâm và tự do.” 

CiV là “Caritas in Veritate (tình yêu trong chân lý) mà Đức Giêsu Kitô đã làm chứng qua cuộc sống trần thế, đặc biệt qua cái chết và sự phục sinh của Người, là động lực chính của sự phát triển đích thực cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại. Tình yêu – caritas – là nguồn lực ngoại thường dẫn đưa con người can đảm và đại độ dấn thân trong lĩnh vực hoà bình và công lý”. 

“Tam Phi” là: 

· Phi định hướng trong công cuộc toàn cầu hóa; 
· Phi luân lý trong công cuộc thăng tiến, phát triển con người; và 
· Phi tình yêu trong công cuộc chia sẻ hàng hóa và các nguồn lực mà chỉ dựa vào tiến bộ kỹ thuật và các quan hệ thực dụng. 

Phi định hướng trong thời đại toàn cầu hóa, thì nhân loại, đặc biệt các các nước nghèo, sẽ như “con thuyền không bến” “biết đâu bờ bến”, “thuyền ơi thuyền, trôi nơi đâu” thơ mộng đấy nhưng không thiếu rủi ro. 

Phi luân lý trong phát triển, coi chừng nhân loại sẽ trở lại cảnh “con người là chó sói với nhau”, nếu không phải vậy thì giá chót cũng là cái cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. 

Phi tình yêu trong thương mại toàn cầu và phân phối tài nguyên, tha hồ cho các siêu cường và các đại gia trở thành “bên thắng cuộc” mặc sức dở trò “cá lớn nuốt cá bé”. 

Xem ra Tam Phi lợi hại vô song. Đức Bênêđictô mời bạn: Yêu trong Sự Thật để hóa giải Tam Phi. 

Cuộc chiến “CiV đại chiến Tam Phi” vẫn đang diễn ra cam go – trộm nghĩ truy tận gốc, đây chắc là “keo khác” mà Tên Phản Loạn và các “cựu thiên thần” “bày” ra để mong gỡ gạc chút gì – rất cam go đến nỗi tác giả Thông điệp nhắc ta – như Môsê trên núi – hãy cầu nguyện liên lỉ: "Công cuộc phát triển cần đến các Kitô hữu GIANG TAY HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA nguyện cầu" (CiV 79). 

Rõ ràng người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi tham chiến! 





Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks