ngày tháng năm

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

CÔNG LÝ CHÚA

Lm FX Nguyễn Văn Nhứt, OP

“Lạy Chúa, Công Lý Ngài Như Đỉnh Thái Sơn!”
(Tv 36:7)


1. Một Phiên Tòa Lịch Sử: Tòa Án Nuremberg[1]

Xã hội con người dầu theo bất kỳ thể chế chính trị nào luôn cần có luật pháp để bảo toàn hòa bình và trật tự. Vấn đề công bình pháp lý[2] là bận tâm hàng đầu của công dân, đặc biệt của những ai được trao cho trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Về mặt luật pháp, công bình được hiểu một cách đơn thuần là phải rạch ròi “công thưởng, tội trừng”. Tuy nhiên, trong thực tế, luật pháp thường xuất hiện dưới bộ dạng của một vị quan tòa với đầy đủ án lịnh và hình cụ để trừng trị kẻ tội phạm, đồng thời thực hiện việc báo oán nhân danh các nạn nhân. 

Tiêu biểu cho tính chất báo thù của công lý[3] là tòa án Nuremberg, một pháp đình vĩ đại nhứt trong lịch sử[4] để trừng trị các tội phạm của Đức Quốc Xã gây ra trong Cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khủng khiếp hơn hết là tội diệt chủng nhắm vào dân tộc Do Thái. 

Sau khi triệt hạ chế độ Phát-xít do nhà độc tài Adolf Hitler lãnh đạo, các chính phủ thuộc lực lượng Đồng Minh, gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô quyết định triệu tập một tòa án quốc tế để xét xử các nhân vật chủ chốt trong guồng máy chính trị, quân sự và kinh tế của Đảng Quốc Xã.

Địa điểm thành lập tòa án được gợi ý ban đầu là thủ đô Berlin, hoặc thành phố Leipzig hay Luxembourg. Tuy nhiên sau cùng thành phố Nuremberg được chọn vì 2 lý do đầy thuyết phục sau đây:

a/ Tòa pháp đình của thành phố nầy vẫn hầu như nguyên vẹn sau nhiều trận mưa bom của lực lượng Đồng Minh. Ngoài ra, nhà giam trong khu vực tòa án khá rộng rãi thuận lợi cho việc thi hành án lịnh.

b/ Nuremberg được coi như “cái nôi nghi thức” của Đảng Quốc Xã, vì địa điểm nầy thường diễn ra những cuộc diễu hành hàng năm để tuyên truyền cho thế lực của Đảng. Đây còn là nơi Đại Hội Đảng Reichstag đã thông qua Bộ Luật Nuremberg. Do đó, tòa án Nuremberg sẽ là biểu tượng của việc giải thể Đảng Quốc Xã.

Nổi danh nhứt trong hàng loạt buổi xét xử tại Nuremberg là Phiên Tòa Quân Sự Quốc Tế dành cho Các Tội Phạm Chiến Tranh Chủ Chốt, từ 20 tháng 11, 1945, đến 1 tháng 10, 1946. 

Mô hình tổ chức phiên tòa nầy thật đồ sộ về nhân sự, quy mô về thủ tục và trình tự tố tụng, biện hộ, ở một mức độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử pháp đình. Nhìn tổng thể, phiên tòa xét xử có dáng dấp của một cuộc bày binh bố trận của chính hai lực lượng đã từng thư hùng với nhau trên những chiến trường đẫm máu nhứt, từ cuộc đổ bộ Normandie cho tới trận vây hãm Moscow. Chỉ khác một điều lần nầy họ đối đầu nhau trên mặt trận pháp lý. 

Đứng trước vành móng ngựa là 23 viên chức, tướng lãnh cao cấp hàng đầu của Đệ Tam Đế Chế.[5]

Mỗi nước thuộc Lực Lượng Đồng Minh đề cử 2 vị quan tòa - 1 chính thức, 1 dự khuyết - và 1 công tố trưởng. Trợ giúp cho bên xét xử còn có các luật sư phụ tá và các thông dịch viên.

Hội Đồng Biện Hộ cho các bị cáo gồm 19 luật sư, đa số là người Đức, cùng với 70 trợ lý, nhân viên và luật sư. Ngoài ra, còn có nhiều người từng dính líu vào tội phạm trong cuộc chiến xin đóng vai nhân chứng thuộc Hội Đồng Biện Hộ, với hy vọng được hưởng án nhẹ hơn. 

Kết quả, sau hơn 10 tháng xét xử, tòa cáo buộc các bị cáo 4 tội danh:
- Tham gia vào âm mưu tập thể gây tội ác chống lại hòa bình.
- Hoặch định, tiến hành, phát động chiến tranh xâm lăng và chống lại hòa bình.
- Tội ác chiến tranh.
- Tội ác chống nhân loại.

Căn cứ vào các chứng cớ và luật pháp hiện hành, tòa tuyên án:
- Tử hình: 11 bị cáo[6]
- Chung thân: 3 bị cáo
- Tù giam từ 10 đến 20 năm: 4 bị cáo
- Tha bổng: 3 bị cáo 

Tòa Án Nuremberg trở thành nền tảng cho việc thiết lập các định chế bảo vệ quyền con người và xét xử tội phạm quốc tế như:
- Tòa Án Tội Phạm Quốc Tế.
- Công Ước Về Tội Diệt Chủng.
- Tuyên Ngôn Phổ Quát Về Nhân Quyền.
- Những Nguyên Tắc Nuremberg.
- Công Ước Về Việc Bãi Bỏ Quy Luật Giới Hạn Đối Với Tội Ác Chiến Tranh Và Tội Ác Chống Nhân Loại.
- Công Ước Geneva Về Luật Pháp Và Thông Lệ Chiến Tranh.

Tuy nhiên, Tòa Án Nuremberg vẫn bị chỉ trích vì nhiều khuất tất phát sinh vì “tính báo thù”[7]và cung cách thi hành “công lý của kẻ thắng trận”.[8] Do đó, không thể có một cuộc xét xử công minh, không thiên vị, và tôn trọng mọi thủ tục pháp lý về tố tụng.[9]

Hơn nữa, một số kẻ chủ mưu tội ác của Đức Quốc Xã như Quốc Trưởng Độc Tài Adolf Hitler, Thủ Lãnh Lực Lượng SS và Cảnh Sát Heinrich Himmler, và Bộ Trưởng Tuyên Truyền Joseph Goebbels đã tự sát để thoát được lưới công lý Tòa Án Nuremberg.[10]

Một điều hiển nhiên được chính lịch sử minh chứng là mặc cho mọi nỗ lực lớn lao của cộng đồng quốc tế, mặc cho mọi biện pháp nghiêm khắc của công lý nhân loại, thậm chí việc áp dụng án tử hình, các thứ tội ác, kể cả tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội chống lại nhân loại, vẫn tiếp tục tái diễn, vẫn tiếp tục ám ảnh, vẫn tiếp tục thách thức loài người. 

Sau trại tập trung Auschwitz, sau Lãnh Tụ Độc Tài Adolf Hitler, danh sách tội phạm còn kéo dài trải qua các biến cố Cánh Đồng Giết Người, Thiên An Môn, Bosnia-Herzegovina, Iraq, và Syria. 

Phải chăng công lý loài người bất lực trước hành động càng lúc càng hung hăng, hiểm độc của tội ác? 

Liệu con người còn có thể hy vọng vào một nền công lý chân chính, hoàn toàn chí công vô tư, và đủ năng lực tái lập hòa bình và trật tự cho gia đình nhân loại hay không? 

Thực tế lịch sử cũng cho thấy một phương diện khác: mặc cho nhiều phen thất bại, trả giá đắt cho nỗ lực xây dựng công lý và hòa bình, con người tận thâm tâm vẫn có những ước mơ mãnh liệt, khôn nguôi, khôn thỏa là sẽ sớm có một ngày công lý sẽ được thực thi trọn vẹn cho tất cả mọi người, mọi nỗi oan kiên, bất công sẽ được giải quyết đạt tình thấu lý.

Hẳn rằng, mọi ước nguyện chính đáng của con người phản ánh Thánh Ý tốt lành của Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng đã ghi lại dấu ấn trong bản tính con người được sáng tạo theo hình ảnh của Chúa.[11]

Công lý nào có đủ uy tín và quyền năng để biến ước mơ muôn thủa của nhân loại trở thành hiện thực? 

Công lý loài người vì bất toàn, bất cập, bất công, kể cả bất lương, rõ ràng đã thất bại.

Con người chỉ có thể trông chờ vào công lý nhà trời.

2. Một Phiên Tòa Hoàn Vũ: Tòa Án Vườn Eden[12]

Sách Sáng Thế, quyển đầu tiên trong Bộ Thánh Kinh, tường thuật chi tiết Phiên Tòa Eden. Con người học hỏi được bài học nào, cảm nghiệm được giá trị nào từ Phiên Tòa đầu tiên chẳng những trong lịch sử nhân loại mà còn là trong lịch sử vũ trụ nầy?[13]

A. Tổ Chức Phiên Tòa: Chúng ta thử quan sát việc tổ chức phiên tòa:

a) Thẩm Phán: Thiên Chúa (Chương 3 Sách Sáng Thế, từ câu 9, thuật lại tiến trình Thiên Chúa hỏi cung và xét xử các bị cáo).

b) Bồi Thẩm Đoàn: toàn thể vũ trụ vạn vật. Phiên tòa được mở công khai giữa thanh thiên bạch nhựt trước toàn thể vũ trụ vạn vật. Tác giả Thánh Vịnh mô tả khung cảnh uy nghi hùng vĩ của cuộc xử án vô tiền khoán hậu nầy:
Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, nay Người lên tiếng,Từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.Tại Xi-on, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh,Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng.Hàng tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt,Quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.Chúa hạ lệnh đòi trời cao đất thấp,Phải ra phiên tòa nghe Chúa xử dân Người.Rằng: “Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu,Những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ.”Các tầng trời tuyên bố Chúa công minh,Vì chình Người sẽ đứng ra xét xử.[14]
c) Bị Đơn: Con Rắn và Con Người. Từ đầu chương 3, Sách Sáng Thế đã tường thuật chi tiết hành vi phạm pháp của Con Rắn, kẻ chủ mưu, và Con Người, kẻ tòng phạm. Đây là yếu tố quan trọng để bản án được tuyên bố đúng người đúng tội. 

d) Nguyên Đơn: Thiên Chúa. Ngoài phần mở đầu Chương 3, phía trước Chương 2, câu 16 và 17 thuật lại lịnh Thiên Chúa cấm con người không được ăn “trái của cây cho biết điều thiện điều ác”. Rốt cuộc, con người đã vi phạm điều luật của Thiên Chúa. 

e) Tội Danh: Bội Tình[15]. “Lời Than Trách Thứ Sáu Tuần Thánh” có thể được coi như bản luận tội bội tình do Thiên Chúa tuyên bố đối với bao nhiêu vong ơn bạc nghĩa của Con Người:
Dân Ta ơi! Ta đã làm gì cho ngươi?Hay Ta đã làm phiền chi người?Hãy trả lời Ta đi! 
B. Tiến Trình Xét Xử

Bắt đầu phiên tòa là việc “xét”, tức là cuộc thẩm vấn các bị cáo. Chỉ có Con Người được hỏi đến, trong khi Con Rắn thì không. Quỷ dữ phạm tội ngay từ đầu[16] và đã bị luận phạt.[17] Quỷ dữ không còn khả năng hoán cải, dối trá là bản chất.[18]Càng lúc quỷ dữ càng lún sâu vào tội ác, vô phương cứu chữa.[19]

Con Người khi bị chất vấn không còn có thể kêu oan, chứng tỏ tính chất công minh của công lý Nhà Trời và mức độ nặng nề của tội lỗi đã phạm với ý thức về điều ác tà và tự do lựa chọn theo tham vọng xấu xa của chính mình. 

Việc xét xử của Thiên Chúa được diễn tiến theo chuẩn mực đáp ứng ở mức độ cao nhứt, hoàn hảo nhứt mọi phẩm chất vẫn còn là ước mơ tuyệt vọng đối với công lý phàm nhân. Công lý loài người chỉ giới hạn nơi việc xét xử một hành vi, nghĩa là một thực tế, một điều đã xảy ra. Tuy vậy, ngay trong lãnh vực tai nghe mắt thấy nầy, đã có biết bao oan sai xảy ra. Càng có nhiều oan sai, khi luật pháp loài người muốn lấn sân can thiệp vào tòa trong,[20] tiếm quyền Thiên Chúa mà xét xử lương tâm nhân loại. Đơn giản vì “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.”[21]

Tác giả Thánh Vịnh chân thành thú nhận khả năng toàn tri quán thông thiên địa của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn dầu đó là cõi thâm sâu của lòng người:
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,Biết cả khi con đứng con ngồi.Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.[22]
Chúa Ki-tô dạy: “Cha chúng con biết rõ chúng con cần gì, trước khi chúng con cầu xin.”[23]

Khác với hệ thống pháp đình phàm tục nhiều khe hở và dễ bị lủng đoạn bằng tiền bạc, thế lực, mưu ma chước quỷ, Pháp Đình Thiên Chúa là tấm lưới trời bủa giăng lồng lộng, bất khả đào thoát. 
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.[24]
Khác xa với các thẩm phán phàm tục có thể sai lầm do tri thức hạn chế, do thành kiến, do cao ngạo mù quáng, và có thể bị lèo lái, mua chuộc, hăm dọa, hủ hóa, Thẩm Phán Thiên Đình hoàn toàn và tuyệt đối chí công vô tư:
Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.[25]
Chỉ một mình Vị Thẩm Phán Tối Cao như Thiên Chúa mới có thể xét xử đúng người đúng tội: “Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.”[26]

Mức độ nghiêm trọng hoặc khinh giảm của tội lỗi không chỉ căn cứ vào hành vi sai phạm đơn thuần, mà còn tùy thuộc các yếu tố như hoàn cảnh nào, lý do nào, động lực nào khiến con người phạm tội. Tuy nhiên 3 yếu tố quyết định gồm: một, bản chất của điều bị vi phạm; hai, ý thức của phạm nhân; ba, ý chí tự do của phạm nhân.[27]

Điều duy nhứt Con Người vẫn thường làm sau khi phạm lỗi đó là quy trách cho tha nhân, và các nguyên nhân ngoại tại khác.[28] Lời khai của người đàn ông có đề cập tới vai trò—tất nhiên cũng có thể hàm ý trách nhiệm — của Thiên Chúa: “người đàn bà Ngài cho ở với con.” Thái độ nầy vừa bộc lộ tình trạng thiếu trưởng thành, vô trách nhiệm, vừa mâu thuẫn thô thiển với thái độ vui mừng, tri ân khi được Thiên Chúa ban cho một người bạn đời: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”[29]

C. Tuyên Án 

Trước phán quyết chí công, tuyệt đối nghiêm minh của Thiên Chúa là nỗi khiếp đảm của toàn thể vũ trụ càn khôn:
Quả thật Ngài đáng sợ!Trong lúc Ngài nổi trận lôi đình,Nào ai đứng vững trước Thánh Nhan?Tự chốn trời cao Ngài tuyên án:Trái đất nầy kinh hãi lặng yên,Khi Chúa Trời đứng lên xét xử.[30]
Đây là bản án:

a) Kẻ Chủ Mưu: chung thân trong ngục tù của lời nguyền rủa.[31] Hình phạt đích đáng dành cho kẻ bản chất ác tà, mãi mãi chui rúc giữa cặn bã hận thù, suốt đời sống với gian trá, hoàn toàn đánh mất phẩm giá của đức chính trực, đầu đội trời, chân đạp đất. Từ đó, tên Ác Tà nầy trở thành kẻ thù bất cộng đái thiên với mọi giá trị cao quý khác cấu tạo nên nhân phẩm, nhân vị của Con Người. 

b) Kẻ Tòng Phạm: tước bỏ Thiên Tịch, giữ nguyên Nhân Phẩm.[32]

- Tước Bỏ Thiên Tịch

Con Người bị tước quyền cư dân Eden, bị trục xuất ra ngoài và bắt đầu một cuộc sống gian nan, khốn khổ trăm bề. Giáo lý Hội Thánh giải thích biến cố được Sách Sáng Thế tường thuật là vì tội lỗi con người đánh mất ơn công chính nguyên thủy[33], gánh chịu tình trạng bị tách rời khỏi mối tương quan thâm tình với Thiên Chúa, phải liên tục sống trong muôn ngàn hiểm họa thể lý, tâm lý và tinh thần. Bởi lẽ một khi đã bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Cội Nguồn Chân Thiện Mỹ, Con Người đồng thời bị tách rời khỏi người đồng loại, trở thành đối nghịch với toàn thể vũ trụ, vạn vật, và bị phân hóa, đổ vỡ ngay trong chính bản chất của mình.[34] Thánh Phao-lô mô tả tình trạng phân hóa nầy như một cuộc nội chiến tâm linh:[35]

Hình phạt quả nặng nề, nhưng công lý Nhà Trời không thể làm khác được, vì bản chất tội lỗi vô cùng xấu ác. Bất cứ một hành vi bất chính nào cũng đều trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Tình Thương vô biên, vô thường của Chúa: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.”[36]

Xét cho cặn kẽ, bản án chỉ công khai tuyên bố hệ lụy ác tà của tội lỗi Con Người phải gánh chịu sau khi phạm tội, chứ không áp đặt trên Con Người bất kỳ một điều gì từ bên ngoài. 

Hình như có nét tương đồng nào đó giữa Đấng Tạo Hóa và thụ sinh trong cung cách ứng xử liên quan đến Tình Thương. Tình thương vừa có sức mạnh sáng tạo, vừa tiềm tàng khả năng hủy diệt. Khi yêu, con người đầy cảm hứng, dường như được chấp cánh, dồi dào sáng kiến, hừng hực sức mạnh, dũng khí, nghị lực, và ý chí quyết đoán để làm điều mình muốn, để chiếm được điều mình yêu. Trước một tình yêu mãnh liệt như thế, Tử Thần cũng phải lùi bước: 
Tình yêu mãnh liệt như tử thần,Cơn đam mê dữ dội như âm phủ,Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,Một ngọn lửa thần thiêng,Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.[37]
Song cũng chính tình thương, một khi bị mù quáng, sai lầm, hoặc khi bị phản bội, lại trở thành lực hủy diệt khủng khiếp hơn bất kỳ một thứ ác tà nào khác. Tất cả mọi hình thức thù hận và báo oán dữ dội nhứt, tàn ác nhứt, bất khoan nhượng nhứt, triệt để nhứt và dai dẳng nhứt trong lịch sử nhân loại, đều có liên quan đến hành vi bội tình.[38]Tính chất mâu thuẫn vô cùng khó hiểu của tình thương[39] được gọi là tính dễ tổn thương của tình yêu.[40] Tình yêu làm con người mềm yếu, mất cảnh giác, mất tự chủ, mất cả khôn. Tình yêu vì thế trở thành “Gót chân Achilles”[41]của Con Người.

Có chứng cớ thuyết phục cho thấy Thiên Chúa — qua mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Ki-tô — trở thành dễ bị tổn thương vì: “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”[42]Trong nhân tính của Chúa Ki-tô, Đấng Thiên Chúa Chí Linh, Chí Thiện đã nếm trải vui buồn, sướng khổ của cuộc đời tục lụy. Đặc biệt, Thiên Chúa đã nếm vị ngọt ngào của yêu thương,[43] của hạnh phúc, lẫn giọt đắng của phản bội,[44] của trái tim vỡ nát.[45]Trong Chúa Ki-tô với tư cách là con người thật sự, Thiên Chúa đã cười,[46] đã khóc,[47] đã phẫn nộ.[48]Phẫn nộ vì phải gánh chịu hành vi vô ơn bội tình của con người, phản ứng của Thiên Chúa quyết liệt, sinh tử, và bao trùm toàn thể vũ trụ vạn vật.

- Nhân Phẩm Giữ Nguyên[49]

Dẫu cho có bị dị dạng, ô nhiễm vì tội lỗi, hình ảnh Thiên Chúa nơi Con Người vẫn không bị hủy hoại. Lý trí có bị sai lầm, ý chí trở thành nhu nhược, nhưng vẫn còn hoạt động như dấu chỉ đặc trưng của con người là một nhân vị, không bị hạ cấp xuống hàng đồ vật. Không có đầy đủ chi thể, mất khả năng lao động, ngay cả khi mất khả năng suy tư và tự quyết, con người vẫn là một nhân vị, với đầy đủ nhân phẩm, nhân quyền được tôn trọng. Không có nhân vị, con người mất tư cách chịu trách nhiệm đối với việc thực thi việc thiện hoặc những vi phạm xấu ác, tội lỗi.[50]

Sách Sáng Thế mô tả nghĩa cử nhân từ đầy trắc ẩn của Thiên Chúa khi may quần áo mặc cho Con Người bị trần trụi vì mắc mưu độc Ác Tà. Tuy phải trục xuất Con Người ra khỏi Eden, nhưng Thiên Chúa không hề triệt đường sống của Con Người. Trái lại, Thiên Chúa cấp đất cho Con Người có chỗ náu thân và có kế sinh nhai. 

Ngay cả quyết trục xuất Con Người ra khỏi Eden cũng vì chủ trương của Thiên Chúa chuyển họ ra khỏi một môi trường có nguy cơ xô đẩy họ ngã vào tội lỗi còn nặng nề hơn nữa: “Đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”[51]

3. Công Lý Chúa Như Đỉnh Thái Sơn

Không thể và không được phép dưới bất kỳ danh nghĩa nào đem công lý phàm nhân so sánh với công lý Thiên Chúa. Con người chỉ có thể ngưỡng mộ, khâm phục, và mơ ước học hỏi, đối chiếu, mô phỏng, bắt chước công lý nhà trời để hoàn thiện và biện chính công lý trên mặt đất nầy. Công lý Thiên Chúa vượt xa và cao hơn công lý phàm nhân về 2 phương diện: bản chất và việc thực thi.

a) Bản Chất Công Lý Thiên Chúa

Khác với công lý người phàm, đặt nặng mục tiêu cấm đoán, ngăn ngừa và trừng phạt — bằng chứng của tình trạng lúng túng, kể cả bất lực, không thể đối phó hiệu quả với tội lỗi và ác tà —, công lý Thiên Chúa là lộ trình giáo huấn con người biết cách thực hành quy luật Tình Thương trên hết và trước hết đối với Thiên Chúa, kế đến đối với đồng loại, với chính bản thân, và với toàn thể vũ trụ vạn vật. Công lý Thiên Chúa là cách trình bày, diễn giải Tình Thương Thiên Chúa một cách cụ thể, ứng dụng trong những thời điểm, những hoàn cảnh và điều kiện thiên hình vạn trạng của cuộc sống con người. 

Bộ Luật Mười Điều Răn ban hành thời Cựu Ước được mở đầu với lời dạy của Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.”[52] Con người phải ghi tâm khắc cốt chân lý nấy: Đấng Lập Pháp Tối Cao chính là Đấng Cứu Tinh, Đấng Giải Thoát, là Đại Ân Nhân. Luật Thiên Chúa ban để pháp lý hóa, thể chế hóa Tình Thương Cứu Độ, đồng thời với ơn Giải Thoát, ơn được làm người tự do — vượt lên trên tình trạng bản năng —, con người chính thức và trang trọng được xác nhận có nhân vị, nhân phẩm — nền tảng của mối tương quan với tha nhân —, được ủy thác nhiệm vụ thờ kính Thiên Chúa.[53] Một Bộ Luật đẹp đẽ nét nhân văn và lung linh thần khí tín ngưỡng như vậy trở thành cảm hứng cho 176 câu Thánh Vinh tuyệt tác chúc tụng Thánh Luật của Thiên Chúa.[54]

Sang thời Tân Ước, Bộ Luật Bác Ái chỉ gồm một Điều Răn Kép, chỉ rõ cho con người biết phải sống hết mình — chứ không còn chỉ giữ suông — Lề Luật Chúa Ki-tô để bảo tồn căn tính, bản chất của mình.[55]Họ đã chịu kiếp lầm than trong bóng đêm tội lỗi nay bước ra chính đạo chan hòa ánh sáng chân lý và tình thương.[56] Bộ Luật của Giới Răn Mới[57] trở thành quy tắc ứng xử của con cái Thiên Chúa,[58] bằng hữu của Chúa Ki-tô.[59]

Tắt một lời, Luật Pháp Thiên Chúa đem lại tự do và bảo vệ tự do ấy cho con người.[60]

b) Việc Thực Thi Công Lý Thiên Chúa

Về phía con người, việc thực thi công lý chính là tuân giữ — nói cho chuẩn xác hơn là sống theo — Luật Pháp Thiên Chúa, với ý thức và xác tín là họ, những con người tự do, sẽ chịu xét xử theo Luật Pháp của tự do.[61] Luật tự do nầy — biểu trưng của Công Lý Thiên Chúa — được thực thi trọn vẹn trong Luật Bác Ái: “Yêu thương là chu toàn Luật Pháp.”[62]

Về phía Đấng Lập Pháp và Thẩm Phán Tối Cao,[63] việc thi hành Công Lý không thể có bất kỳ sai chạy, sơ sót, thiên vị, thành kiến, dung túng nào. Thánh Kinh diễn ý nầy khi trình bày các hậu quả khủng khiếp xảy ra cho cá nhân hay tập thể những ai không tuân hành Luật Pháp Thiên Chúa. Công Lý nghiêm minh như thế được Thánh Phao-lô suy niệm như đường lối giáo dục của một người cha để con cái nên thân nên người:

Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như đối với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức.[64]

Lịch sử thời Cựu Ước cho thấy kết quả đáng nể của công cuộc giáo huấn Thiên Chúa ban cho Dân Tộc được Người yêu thương tuyển chọn. Trong lúc nhân loại còn đang sống trong bóng tối mông muội của mê tín dị đoan, của luật lệ mạnh được yếu thua vào thời thế kỷ 13 trước Công Nguyên,[65] thì Dân Chúa đã có được một bộ luật là Mười Điều Răn làm cương lĩnh cho cả đời sống tôn giáo lẫn dân sự. Nhờ đó, họ đạt tới một trình độ văn minh nhân bản đáng kính nể. Về tôn giáo, họ chỉ tôn thờ Một Đấng Thiên Chúa duy nhứt, Chủ Tể trời và đất, loài người và loài vật. Về tương quan xã hội, họ nhìn nhận và tôn trọng con người như tác phẩm ưng ý Thiên Chúa đã sáng tạo theo hình ảnh của Người. Trên nền tảng nầy, chẳng những sinh mạng con người- kể cả người nô lệ, người ngoại quốc - mà nhân phẩm, danh dự, thân nhân, tài sản của họ đều được tôn trọng. Cũng vì ý thức rằng Thiên Chúa đã ủy thác toàn bộ trái đất nầy cho con người canh tác và bảo quản, nên họ quan tâm chăm sóc loài vật và bảo vệ mội trường rất cẩn thận, theo chuẩn mực được thời đại hôm nay gọi là phát triển bền vững. 

Thành quả lớn lao nầy chính có được là nhờ bản chất Lề Luật thánh thiện, nhờ đường lối thi hành Công Lý nghiêm minh nhưng nhẫn nại, thương xót của Thiên Chúa, với mục đích giáo huấn, thanh luyện, nâng cao, tôn vinh phẩm giá con người được sáng tạo theo hình ảnh Chúa nhưng đã có lần sa ngã phạm tội, khiến phẩm giá ấy, hình ảnh ấy trở nên dị dạng đến mức khó lòng nhận ra còn dáng nét nào giống với Đấng Tạo Thành.

Nhìn lại quá trình lịch sử Cựu Ước, nét tỏa sáng cao quý nhứt chính là Lòng Thủy Chung trước sau như một,[66] của ĐấngThiên Chúa chậm giận mau thương,[67] biểu lộ nơi đường lối thực hiện Công Lý Phục Hồi Phẩm Giá của Người.[68]

Nhưng rốt cuộc, chỉ ở thời Tân Ước, khi Công Lý Thiên Chúa được thi hành một cách chung kết, vĩnh viễn và hoàn hảo nơi cuộc Tử Nạn của Chúa Ki-tô trên Thánh Giá, thì mọi con mắt phàm nhân mới mở rộng hết khả năng để thấy như thế nào là Lòng Thương Xót Cưu Mang Tội Lụy.[69]

Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.[70]Mà thời điểm điều nầy xảy ra là

Ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta.[71]
------
[1] Xin coi “Những Phiên Tòa Ở Nuremberg” (“The Nuremberg Trials”) trên mạng Wikipedia. 
[2]Công bình/lý pháp lý/luật (legal justice) vừa bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, vừa buộc họ phải thượng tôn luật lệ của xã hội. 
[3] Hai khía cạnh được ưu tiên nhấn mạnh của hệ thống pháp luật là trừng trị và báo phục (punitive/vindictive justice). 
[4] Cụm từ của Ngài Norman Berkett, một thẩm phán người Anh đồng chủ tọa phiên tòa nói trên. 
[5] Một bị cáo bị xử vắng mặt, và 1 bị cáo khác tự tử trong tuần lễ đầu của cuộc xét xử. 
[6] Trong số nầy có Tổng Bí Thư Đảng Martin Bormann, Lãnh Đạo Luật Pháp Đế Chế Hans Frank, Bộ Trưởng Nội Vụ Wilhelm Frick, Tư Lịnh Mật Vụ Gestapo Hermann Goring, Tư Lịnh Lực Lượng SS Ernst Kaltenbrunner, Bộ Trưởng Quốc Phòng Wilhelm Keitel, Lý Thuyết Gia Ý Thức Hệ Chủng Tộc Alfred Rosengerg. 
[7]Tác giả Freda Utley trong quyển “The High Cost of Vengeance” (“Trả Giá Đắt Cho Việc Báo Thù”)viết năm 1949 tố giác Tòa Án giả điếc giả mù trước tội ác phe Đồng Minh như cưỡng ép thường dân lao động cho họ và chủ tâm bỏ đói dân chúng trong vùng họ chiếm đóng. Tác giả tố cáo Công Tố Trưởng Xô Viết, Tướng Rudenko, sau Phiên Tòa Nuremberg, trở thành Thủ Trưởng Trại Cải Tạo Tập Trung Sachsenhausen. Sau ngày Đông Đức sụp đổ, người ta khai quật ở trại nầy 12,500 tử thi, đa số là thường dân gồm người già và trẻ em, là nạn nhân của thời kỳ Nga Xô Viết. - Chánh Án Xô Viết Iona Nikitchenko trong Phiên Toà Nuremberg lại là kẻ đã từng chủ trì những tòa án ngụy tạo Đại Thanh Trừng 1936-1938 dưới thời nhà độc tài Joseph Stalin. Trong khi đó, Công Tố Trưởng người Mỹ Jackson than phiền trường hợp nước Pháp vi phạm công ước về tù binh chiến tranh. 
[8] Theo Giáo Sư Anthony Nicholls, Đại Học Oxford, “…tòa án Nuremberg là một thứ công lý của kẻ chiến thắng xét xử các bị cáo vì những tội không hiện hữu trong luật pháp vào thời điểm họ gây ra chúng, thí dụ như tội âm mưu phát động chiến tranh.” 
[9] Các thẩm phán đều do phe Đồng Minh chỉ định, các bị cáo không có quyền khiếu kiện, và tòa dễ dãi chấp nhận những bằng chứng chưa được xác minh cẩn thận. Công Tố Trưởng Nga Xô cung cấp những chứng cớ giả tạo để buộc tội các bị cáo về cái chết của hàng ngàn sĩ quan Ba Lan trong vụ “Thảm Sát Rừng Katyn”. Năm 1990, chính quyền Xô Viết thú nhận vụ thảm sát nầy do chính công an mật vụ Nga Xô thực hiện. 
[10] Theo tác giả Ben S. Austin trên trang mạng Jewish Virtual Library, nhiều thập kỷ sau khi Tòa Án Nuremberg bế mạc, chính phủ Israel vẫn còn tiếp tục truy lùng các tội phạm Đức Quốc Xã đào thoát khắp thế giới. 
[11] Xin coi St 1:27. 
[12] Xin coi St 3:1-24. 
[13] Xin coi phần bình luận về Sách Sáng Thế (Genesi) của hai tác giả Richard J. Clifford, S.J., và Roland E. Murphy, O. Carm., trong The New Jerome Biblical Commentary, (Bangalore: Theological Publications, 2000), trang 12-13. 
[14] Tv 50:1-6. 
[15] Tác giả bài viết nầy lập luận: bản chất tội lỗi vô cùng xấu ác vì là hành vi bội tình, lợi dụng và lạm dụng Tình Thương vô biên, vô điều kiện của Thiên Chúa. Phản ứng của Thiên Chúa, xét như là “nạn nhân bị phụ tình”, thật quyết liệt, dữ dội, không khoan nhượng, vì tội lỗi gây thương tổn chính bản tính của Thiên Chúa, Đấng, theo 1 Ga 4:16, tự mặc khải là Tình Thương. Xin coi Nguyễn Văn Nhứt, O.P., Reconciliation in Christ: Theological Ground for Interfaith Dialogue (Công Cuộc Hòa Giải Trong Chúa Ki-tô—Nền Tảng Thần Học Cho Việc Đối Thoại Liên Tín), Manila: University of Santo Tomas, 2011. Chapter II, “The Evil of Sin”. (Bản Chất Ác Tà Của Tội Lỗi) 
[16] Xin coi Ga 8:44.
[17] Xin coi Kh 12:9. 
[18] Xin coi Ga 8:44. 
[19]Xin coi 1 Ga 5:16. 
[20]Việc xét xử có liên quan đến Bí Tích Giải Tội được gọi là tòa trong (internal forum). 
[21] 1 Sm 16:7. 
[22] Tv 139:2-4. 
[23] Mt 6:8. 
[24] Tv 139:7-8. 
[25] Rm 11:33-36. 
[26] Tv 19:10. 
[27] Thí dụ giải thích: a) về bản thân phạm nhân: làm một việc mà không biết đó là điều cấm thì khác với khi biết sai mà vẫn cố tình vi phạm. Tự ý quyết định phạm tội thì không giống như khi bị người khác uy hiếp, dụ dỗ. b) về bản chất của điều bị vi phạm: xâm hại phẩm giá, sinh mạng con người thì nghiêm trọng hơn gây tổn thất tài sản vật chất. c) về hoàn cảnh, động cơ phạm pháp: phạm tội lần đầu khác với tái phạm. Lỡ tay gây thiệt hại khác với chủ tâm lập mưu làm điều ác. 
[28] Xin coi St 3:12-13: người đàn ông đổ lỗi cho người đàn bà; còn người đàn bà thì trút hết trách nhiệm cho Con Rắn. 
[29] St 2:23. 
[30] Tv 76:8-10. 
[31] St 3:14-15. 
[32] St 3:16-24. 
[33]Cụm từ “ơn công chính nguyên thủy” (original justice) được Thánh Tô-ma A-qui-nô dùng để chỉ tình trạng con người trước khi phạm tội được sống trong một tổng thể hài hòa: mọi cơ năng linh hồn đều tuân theo hướng dẫn của lý trí, trong khi toàn bộ hoạt động thân xác tùng phục linh hồn (xin coi Tổng Luận Thần Học I-II, Q. 85, Art. 5). 
[34] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo, các số 115-119. 
[35] Xin coi Rm 7:14-23. 
[36] Tv 51:6. 
[37]Dc 8:6-7. 
[38] Xin coi Edith Hamilton, Mythology (Khảo Luận Về Huyền Thoại), New York: Grand Central, 1999. Trg. 185-210. “Cuộc chiến Thành Troy” phát sinh từ hành động của chàng Paris, kẻ lợi dụng và phản bội tình bạn của mình là Hoàng Tử Menelaus khi chiếm đoạt vợ của bạn là Công Chúa Helen. Cuộc chiến hủy hoại không biết cơ man nào là sinh linh, tàn phá đền đài, cắt đứt thân tình giữa 2 dòng họ, 2 dân tộc, lôi kéo cả 2 phe thần trời vào cuộc tương tàn đầy nước mắt và lửa máu. 
[39] Triết gia Blaise Pascal phát biểu “Con tim có những lý lẽ khiến lý trí không thể quán triệt” (“Le coeur a des raisons que la raison ne connait pas”). 
[40] Cụm từ “tình trạng dễ bị tổn thương” (vulnerability) có gốc La Ngữ “vulnerare” nghĩa là gây thương tích, làm tổn thương. 
[41]Cụm từ “Gót Chân Achilles” (Achilles’ Heel) dùng để chỉ nhược điểm của một người hoặc một cơ chế, một lập luận. 
[42] Dt 4:15. 
[43]Xin coi Lc 10:21. 
[44]Xin coi Mt 26:49-50. 
[45]Xin coi Ga 19:34. 
[46]Xin coi Mc 10:21 
[47] Xin coi Ga 11:35. 
[48] Xin coi Ga 2:13-17. 
[49] Xin coi Thánh Tô-ma A-qui-nô, I-II, Q. 85, Art. 2. 
[50] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo, các số 108 và 131. 
[51] St 3:22. 
[52] Xh 20:2; Đnl 5:6. 
[53] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo, số 108. 
[54] Xin coi Tv 119. 
[55] Xin coi Ga 13:34-35. 
[56] Xin coi 1 Pr 2:9-10. 
[57] Xin coi Ga 13:34.2i 
[58] Xin coi Rm 8:15-17. 
[59] Xin coi Ga 15:14-15. 
[60] Xin coi Gl 5:1.15; Gc 1:26. 
[61] Xin coi Gc 2:12; 
[62] Rm 13:10; xin coi 1 Cr 8:9; Gc 2:13. 
[63] Xin coi Gc 3:12. 
[64] Dt 12:5-8. 
[65] Xin coi Raymond E. Brown, S.S., “Canonicity”( Tính Chất Quy Điển), The New Jerome Biblical Commentary, Bangalore: Theological Publications, 2000, tr. 1038. 
[66] Từ Híp-ri “hesed” được phiên dịch khi thì “lòng thương xót” (misericordia: mercy), khi thì “fidelitas: fidelity/faithfulness). Xin coi Tv 136: bài tụng ca dâng kính “hesed” của Đấng Thủy Chung Như Nhứt. Xin coi Richard Richard Rohr, Job and the Mystery of Suffering (Ông Gióp và Mầu Nhiệm Đau Khổ), Manila:Paulines, 1999; trang 57. 
[67]Xin coi Tv 103:8. 
[68]Xin coi Nguyễn Văn Nhứt, O.P., Reconciliation in Christ: Theological Ground for Interfaith Dialogue (Công Cuộc Hòa Giải Trong Chúa Ki-tô — Nền Tảng Thần Học Cho Việc Đối Thoại Liên Tín), Manila: University of Santo Tomas, 2011. Chapter II, “The Two Covenants of the One God”. 
[69] Như chú thích 68. 
[70] Rm 8:32. 
[71] Rm 5:8.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks