Vũ Khởi Phụng, CSsR
VRNs (08.08.2013) – Sài Gòn – DÂN CHÚA ÐÔNG ÂU MỘT THỜI BÃO TÁP
Vào thời Công Ðồng Vatican II họp, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặc biệt quan tâm dến tình hình Liên Xô nói riêng, các nước Xã Hội Chủ Nghĩa nói chung. Ai chẳng biết đi vào quá trình cách mạng chuyên chính vô sản xã hội chủ nghĩa là Giáo Hội đi vào một chặng đường dài cực kỳ nguy hiểm và gian khổ mà hình như không thấy lối ra. Chỉ nguyên Liên Xô đã là một đất nước mênh mông bất tận, sau Thế Chiến Thứ Hai lại thêm các nước Ðông Âu, rồi cả Ðại Lục Trung Hoa, lan sang Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Ðến thời Ðức Giaon XXIII thì lại thêm Cuba ở châu Mỹ. Ðoàn chiên của Chúa như những con thuyền bị ném vào bão táp chẳng biết số phận ra sao. Khổ ải là dĩ nhiên rồi, nhưng cả đến tin tức cũng bặt luôn. Thế giới bên ngoài đã coi khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa như ở sau một bức màn sắt, rất ít có gì lọt được ra ngoài. Nhìn sang phía đó chỉ thấy một cõi âm u bí hiểm, có vẻ vĩnh viễn không thay đổi, không tín hiệu. Ðôi bên bức màn sắt chỉ hiệp thông với nhau một cách thiêng liêng, bằng lời cầu nguyện chứ có thể làm gì khác?
Vậy mà từ năm 1956 đã có những xáo động đầu tiên báo hiệu chuyển biến. Chuyển biến ra sao thì còn trong lãnh vực dự đoán rất bấp bênh. Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, 1956 là năm bất ngờ ông Khrushchev hạ bệ thần tượng Stalin. Ðây là một chấn động rất lớn. Ở Việt Nam người ta vẫn còn nhắc đến những câu thơ của ông Tố Hữu khóc Stalin:
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ôi ông mất đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười
Thì đây chỉ là một tiếng vọng xa xôi từ Việt Nam của một sự sùng bái ngút trời trong thế giới cộng sản đối với lãnh tụ. Stalin là “Cha già các dân tộc”. Ông là vị Cứu tinh siêu việt. Thiên Chúa thì người ta đã loại bỏ rồi, nhưng thay cho Chúa đã có lãnh tụ được gắn cho hào quang của thần quyền. Vậy mà bỗng nhiên lãnh tụ vĩ đại bị hạ bệ, bị tố khổ. Nửa đêm ngày 25.02.1956, khi các đại biểu đại hội thứ 20 Ðảng Cộng Sản Liên Xô bất ngờ được triệu tập để nghe Khrushchev đọc cáo trạng kể tội Stalin, thì trong phòng họp có 100 khách mời: họ là những đảng viên mới đưa từ nhà tù về làm chứng nhân minh họa cho những gì Khrushchev nói, họ đại diện cho hàng triệu con người đã từng bị đày đọa, bị chết oan vì sự tàn nhẫn và óc đa nghi đến bệnh hoạn của Stalin. Vậy thì mọi sự không còn như trước nữa rồi. Liệu đã có thể hy vọng một chân trời mới cho các nước Cộng Sản chưa?
Thực tế quá trình ra khỏi thế giới Stalin không đơn giản. Cả một nền toàn thống chính trị đã được thành lập và củng cố trong 40 năm không dễ gì có thể tan biến được. Bản báo cáo mật của Khrushchev nhanh chóng gây ra rúng động nguy hiểm cho chế độ. Trước tiên quê hương của Stalin ở Cộng Hòa Gruzia nổi lên chống chính quyền liên bang, khiến Matxcơva phải mang quân đội đến dẹp loạn. Kế đến hai nước Ðông Âu là Balan và Hungari nổi loạn.
Trường hợp Hungari bi đát nhất. 23.10.1956, dân Hung ào ào khởi nghĩa lật đổ chính quyền cộng sản. Một đảng viên bất đồng chính kiến trước đó đã bị thanh trừng, ông Imre Nagy, lên nắm chính quyền. Ông chủ trương lập một chế độ đa đảng, đa nguyên và rút ra khỏi khối Vacsava. Về mặt tôn giáo, Ðức hồng y giáo chủ Josef Mindszenty (1892-1984) đã từng bị lao tù, đánh đập, tra tấn cùng với nhiều giáo sĩ khác, được phe khởi nghĩa giải thoát. Khrushchev vừa thổi bùng lên ngọn gió tự do lại không còn cách nào khác, ngày 04.11 phải gửi quân đội và xe tăng đến đàn áp đẫm máu. 2500 người Hungari và 700 lính Liên Xô chết, 200.000 người Hung bỏ chạy ra nước ngoài. Ðức hồng y Mindszenty phải chạy vào sứ quán Mỹ tị nạn và ở lại đó 15 năm trước khi phải ra nước ngoài. Ông Nagy bị bắt và bốn năm sau bị các đồng chí cũ xử bắn. Ngày 4/11/1956 cuộc khởi nghĩa của dân Hung bị đè bẹp hoàn toàn. Hạ bệ Stalin là một chuyện, nhưng động đến chế độ thì chế độ sẽ phản ứng bằng bàn tay sắt. Trên đường tự do hóa, một xã hội cộng sản chỉ có thể tiến từng bước chật vật. Giải trừ hệ thống của Stalin không có nghĩa là được phạm đến nền chuyên chính. Hy vọng một sự chuyển biến nhanh là ảo tưởng.
So với Hungari, đảng cộng sản Balan xử lý cuộc khủng hoảng khéo léo hơn. Giữa những xung động lan ra trong nội bộ đảng và nhân dân khắp nước, một người cộng sản ôn hòa, ông Gomulka, lên nắm chính quyền. Liên Xô và Balan thương thuyết căng thẳng. Quân đội của cả hai bên đều rục rịch. Gomulka giải quyết bằng cách một mặt bảo đảm với Liên Xô là Ba lan cam kết không từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và các hiệp ước đã ký với Matxcơva, bù lại Liên Xô để cho ông được tự ý tiến hành một số cải tổ ở Balan theo hướng nới lỏng sự độc tài của đảng. Từ đó giáo hội ở Balan sinh hoạt có phần tự do hơn so với các nước cộng sản khác, tuy quan hệ với Nhà nước vẫn luôn có những khó khăn, và Nhà nước vẫn tìm cách khống chế Giáo hội. Chính trong tình hình đó mà Đức hồng y giáo chủ Stefan Wyszynski từ năm 1953 đã bị tù rồi bị quản thúc, trở lại tòa tổng giám mục ngày 26.10.1956 và một người như linh mục Karol Wojtyla có thể được tấn phong giám mục tháng 10.1958 để sau này trở thành Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II.
Balan là một trường hợp đặc biệt. Ở Công Ðồng Vatican II từ phía các nước xã hội chủ nghĩa chỉ có Balan và Nam Tư là có nhiều giám mục đến dự, trong đó có vị giám mục trẻ Karol Wojtyla sẽ có những đóng góp xuất sắc. Nhưng Balan cũng chỉ có 22 vị đến Rôma tham dự, còn 47 vị khác tuy không bị cấm đoán, nhưng không an tâm để bỏ đoàn chiên đi họp lâu. Các vị giám mục từ các nước Ðông Âu khác chỉ có mặt rất thưa thớt. Nhiều vị còn bị giam giữ. Ðức hồng y Mindszenty thì đang tị nạn trong sứ quán Mỹ ở Budapest. Tiệp Khắc có 15 giám mục, chỉ 5 vị còn làm việc, ví dụ như làm cha xứ ở một xứ đạo làng quê nào đó, hay làm thợ mộc, lái xe tải, 10 vị khác đang mất tự do, với những bản án 25 năm khổ sai, 24 năm tù, 15 năm tù, hoặc đang bị cầm giữ không biết ở đâu. Rumani có 10 giám mục, chỉ còn một vị làm việc rất khó khăn, các vị khác đang ở trại tập trung, ở tù hoặc bị quản thúc, chưa kể những vị đã chết trong tù. Anbani có năm vị giám mục hoặc giám quản, Tòa Thánh đã gửi thư từ liên lạc, nhưng không bao giờ nhận được hồi âm.
Tóm lại, dù Khrushchev đã giải trừ những phương diện đen tối nhất trong chính sách của Stalin và xã hội đã bớt phần nào sắt máu, nhưng riêng đối với tôn giáo nói chung, giáo hội công giáo nói riêng, chưa thấy có cải thiện nào đáng kể, trừ một vài ngoại lệ như Balan và Nam Tư. Tất nhiên hoàn cảnh của Giáo Hội ở Ðông Âu sẽ chịu sự chi phối rất lớn từ Liên Xô. Cho nên Tòa Thánh muốn qua Norman Cousins tìm hiểu tình hình và tìm cách cải thiện tình hình ở Liên Xô …
(còn tiếp)
Nguồn DCCT