Vũ Khởi Phụng, CSsR
VRNs (24.07.2013) – Washington DC, USA – Trong bài trước, chúng tôi đã dựa vào những điều Norman Cousins ghi lại trong tác phẩm “The Improbable Triumvirate, John F. Kennedy, Pope John, Nikita Khrushchev” xuất bản năm 1972, về nội dung những chuyện trao đổi giữa các giới chức Vatican với tác giả. Mới đó mà hơn một thế kỷ đã qua. Thời gian và lịch sử thời nay tăng tốc. Ðối với nhiều người trong chúng ta, những chuyện lớn lao đó bây giờ có vẻ xa xôi như cổ sử. Ngày nay người ta đang phàn nàn giới trẻ của chúng ta thờ ơ với việc học sử. Ðối với lịch sử dân tộc đã vậy, có gì bảo đảm rằng đối với lịch sử Giáo Hội, chúng ta không thờ ơ và quên lãng? Vậy mà những câu chuyện đó vẫn còn chi phối đời sống của chúng ta đến tận bây giờ và cả sau này.
Chính là để những biến cố về Công Ðồng Vatican II và Ðức Gioan XXIII, không trở thành “cổ sử”, mà Hội Thánh Công Giáo mở ra Năm Ðức Tin để mừng kim khánh. Cuối Năm Ðức Tin này, Hội Thánh sẽ tuyên phong Hiển Thánh cho Ðức Gioan XXIII cùng với Ðức Gioan Phaolô II: lại thêm một lời nhắc nhủ nữa rằng những con người ấy, cùng với hành động của các ngài và thời đại của các ngài không đơn thuần chỉ là “cổ sử”. Lễ phong Hiển Thánh năm nay sẽ có một tính cách rất đặc biệt: lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội có sự hiện diện của hai vị giáo hoàng trong một Lễ Phong Thánh cho hai đấng tiền nhiệm. Khi Ðức Gioan XXIII khai mở Công Ðồng Vatican II thì Ðức Bênêđictô XVI còn là một nhà thần học trẻ, với những đóng góp xuất sắc cho định hướng của Công Ðồng. Ðến năm 1978, khi vị giám mục Ba Lan Karol Woytila được suy cử lên ngôi Thánh Phêrô, thì ngài chọn danh hiệu kép Gioan Phaolô II để nói lên ý muốn tiếp tục triển khai công trình của đấng khai sáng Công Ðồng và đấng hoàn tất Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII và Ðức Phaolô VI. Ðến Ðức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô thì lần đầu tiên từ thời Ðức Gioan XXIII tới nay, Hội Thánh có một vị giáo hoàng đã không có mặt trong Công Ðồng: tức là một thế hệ mới đã đứng lên trong Hội Thánh. Như thế là thời gian đã qua, nhưng thế hệ mới đang cử hành Năm Ðức Tin để tiếp tục một dòng chảy thiêng liêng liên tục từ Công Ðồng đến nay.
Có thể trong Giáo Hội, và đặc biệt trong giới truyền thông, người ta xôn xao nhiều vì những chuyện tai tiếng, bệ rạc xảy ra trong Giáo Hội, nào là những bê bối về tình dục, nào là những sa ngã về tiền bạc. Nhưng thật ra những chuyện om sòm đó đâu có nói gì về bản chất của Hội Thánh. Bản chất chân thật chính là dòng chảy tâm linh kia từ nguyên thủy đã đỗ vào Công Ðồng, và từ Công Ðồng đã chảy vào thế giới hiện đại. Mọi người, thánh thiện nhiều hay thánh thiện ít, tội lỗi nhiều hay tội lỗi ít, đều cố gắng tiếp thu và truyền lại dòng chảy ấy. Ðó mới là Hội Thánh chân thật.
Nay chúng ta ghi lại những hành động và suy nghĩ không chỉ của Ðức Gioan XXIII, các cộng sự thân tín của ngài, các nghị phụ Công Ðồng, thậm chí của cả những người ngoài Công Giáo như Norman Cousins, là để cảm nhận đường đi của Hội Thánh giữa thế gian biến loạn. Nhưng chính vì thế để hiểu rõ con đường ấy, cũng cần hiểu những hoàn cảnh xung quanh. Chẳng hạn khi các vị ở Vatican nói với Cousins về những nhân tố mới đang nảy ra ở Liên Xô hoặc khi các vị nhắc tới Ðức Tổng Giám Mục Slipyi của Ukraina, thì đó là những cảnh huống gì? Ðể giúp các bạn ít có dịp làm quen với những biến cố của thế kỷ trước, chúng tôi xin phép được gợi lại bối cảnh đó.
Sáu năm trước khi Công Ðồng Vatican II khai mạc, một diễn biến lớn đã xảy ra ở Mátxcơva, lúc đầu còn được giữ kín, nhưng khá mau sau đó đã lan truyền khắp nơi. Tháng 2. 1956 Ðại Hội thứ 20 của Ðảng Cộng Sản Liên Xô chính thức bế mạc vào ngày 24, nhưng liền sau đó các đại biểu được kêu gọi trở lại Hội Trường Lớn trong Ðiện Kremli để dự thêm một cuộc “họp kín”. Các nhà báo, các khách mời và các đại biểu từ các “đảng anh em” từ bên ngoài Liên Xô không được mời tham dự. Ðộng thái bất thường này dự báo những sự bất ngờ. Về sau có tin có những đại biểu đã lên cơn đau tim trong cuộc họp kín đó và thời gian sau đó có những người đã tự sát (theo đài BBCngày 22.1.2009).
Ðúng là một sự động trời đã xảy ra đàng sau những cánh cửa kín bưng của hội trường. Nửa đêm ngày 25.2 đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev rõ ràng đã phát động và mở đầu một chiến dịch “hạ bệ thần tượng” trong bản báo cáo về “bệnh tôn sùng cá nhân và những hậu quả của nó”. Bài diễn văn bí mật này tiết lộ những sai lầm bệnh hoạn, những tội ác của người mà toàn thế giới Cộng Sản khi đó tôn sùng như một đấng siêu nhân cứu thế. Khrushchev tố cáo Thống Chế Stalin như một người độc tài, vừa tàn ác, vừa bệnh hoạn, chịu trách nhiệm về sự đầy đọa và thảm sát rất nhiều người vô tội. Ví dụ: Stalin đã đàn áp đa số các nhà cách mạng Bônsêvích lão thành và các đại biểu ở Ðại Hội thứ 17 của Ðảng Cộng Sản Liên Xô. Khrushchev nói rõ, trong số 1966 đại biểu của đại hội đó, thì 1108 người đã bị tuyên án “phản cách mạng”, 848 người đã bị xử tử; Ủy Ban Trung Ương Ðảng có 139 thành viên, thì 98 người bị kết tội là “kẻ thù của nhân dân”. Từ đó, một mình Stalin quyết định mọi việc quan trọng với một quyền lực vô giới hạn.
Hàng triệu người đã bị lưu đày trong các trại khổ sai, các trại cải tạo cưỡng bức lao động với những điều kiện sống vô cùng tồi tệ. Nhiều dân tộc thiểu số bị đày ải gần như toàn bộ. Bên cạnh các tù thường phạm còn có rất nhiều nhà trí thức, văn nghệ sĩ, các sĩ quan quân đội, các nhà hoạt động tôn giáo, nói chung là bất cứ ai có biểu hiện tư tưởng độc lập. (Những tài liệu về các trại lao động khổ sai được biết đến với tên gọi tiếng Nga là Gulag. Từ ngày Liên Xô sụp đổ, các tài liệu về Gulag đã được giải mật và hiện lưu trữ ở Văn Khố Nhà Nước Liên Bang Nga. Nhiều nhà nghiên cứu đã có thể sử dụng các tài liệu này. Tuy còn nhiều hỗn độn và mập mờ hiện nay người ta ước lượng khoảng 14 triệu người đã lao động trong các trại khổ sai Gulag từ 1929 đến 1953. Phải cộng thêm từ 6-7 triệu người nữa bị lưu đày trong các vùng sâu vùng xa và từ 4-5 triệu đã sống trong các trại lao động cải tạo. Năm 1934 số các tù nhân này là 510.307; Ðến năm 1953 con số này là 1.227.970. Số người chết trong các trại Gulag từ 1934-1953 là 1.053.829. Nhưng vì có nhiều người được tha ra chỉ vì sắp chết nên số người chết vì lao tù có thể lên tới 1.600.000. Ðây là những con số chính thức của Văn Khố Nhà Nước, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con số người chết thật có thể trên 10 triệu. Riêng nhà văn nổi tiếng Soljenitsyn cho rằng những người đã kinh qua các trại Gulag lên tới 50 triệu).
Bài diễn văn của Khrushchev tuy đọc trong hội trường đóng kín nhưng đã mau chóng lan ra ngoài. Chỉ một tháng sau, các cán bộ của toàn Ðảng Liên Xô đã được phổ biến và học tập bài diễn văn này. Lần lượt các đảng anh em và các cơ quan truyền thông phương Tây cũng được thông tin. Từ đây, bắt đầu phóng thích các tù nhân chính trị, nhiều người được phục hồi. Tuy rằng các trại giam ở Liên Xô vẫn còn giam giữ nhiều người bất đồng chính kiến, nhưng rõ ràng lịch sử Liên Xô Xã Hội Chủ Nghĩa đã chuyển sang một giai đoạn mới sau bài diễn văn mật của Khrushchev. Vòng kim cô bao trùm đời sống xã hội có hơi nới ra, dù chỉ chút ít, nhưng đây đó đã bắt đầu nghe thấy những tiếng nói phản biện còn rất dè dặt và chừng mực. Có những cánh cửa sổ nhỏ được mở ra trong bức tường kín bưng.
Lấy ví dụ như năm 1957, nhà văn Boris Pasternak đã hoàn tất tác phẩm “Bác Sĩ Jivago”. Năm Ðức Gioan XXIII lên ngôi, 1958, Pasternak đoạt giải Nobel Văn Chương. Tuy ông bị ngăn cấm không được nhận giải, nhưng giải Nobel dành cho ông là một biến cố chấn động trong giới văn nghệ Liên Xô, và khắp thế giới. Lần đầu tiên công chúng được biết đến một tác phẩm văn chương lớn mà không phải tuân theo những tiêu chuẩn tuyên truyền chính trị của Liên Xô, thậm chí còn hướng về tâm linh. 1962, năm Công Ðồng khai mạc, một nhà văn mới xuất hiện với chuyện ngắn “Một Ngày Trong Ðời Ivan Denisovich”. Nhà văn đó là Alexander Soljenitsyn sau này sẽ lừng danh với những tác phẩm “Vòng Ðầu Ðịa Ngục”, “Khu Ung Thư”. Tất cả những sáng tác này đều đề cập đến những tình huống trong các trại Gulag. (Bản thân Soljenitsyn cũng từng đi tù Gulag từ 1945 đến 1953 vì tội “hoạt động phản Cách Mạng”. Tội của ông chẳng qua là do trong một bức thư gửi riêng cho một người bạn, ông đã có ý phê bình Stalin. Soljenitsyn sẽ đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1970 và sau đó xuất bản tác phẩm nổi tiếng Quần Ðảo Gulag).
Trong khi sinh hoạt trí thức và tinh thần ở Liên Xô có những dấu hiệu từng bước nới rộng, thì đường lối của Khrushchev cũng có những nét mới. Thay vì nói rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi giữa tư bản và cộng sản thì ông phát động sống chung hòa bình giữa hai hệ thống chính trị cạnh tranh với nhau và công nhận có nhiều con đường khác nhau để tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội ….
Dĩ nhiên, những đổi mới này gặp phải sự chống đối của những người bảo thủ. Quan trọng nhất là sự rạn nứt sẽ đưa đến đối đầu gay gắt, thậm chí xung đột võ trang giữa hai nước Cộng Sản khổng lồ, Liên Xô và Trung Quốc.
Bối cảnh đó khiến Tòa Thánh không thể không quan tâm đến những nhân tố mới nảy sinh trong các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, trước tiên là Liên Xô và Tòa Thánh cũng mong muốn chủ trương sống chung hòa bình thay thế cho quan điểm chiến tranh tất yếu. Ðó là những lý do giải thích nội dung những trao đổi giữa các viên chức Tòa Thánh và Norman Cousins.
Thế còn vấn đề tôn giáo nói riêng, đặc biệt trường hợp của Ðức Cha Slipyi thì sao? ….
(Còn tiếp)
Nguồn DCCT