ngày tháng năm

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

15 Điểm Tóm lược Thông điệp Lumen Fidei

Tiến sĩ Taylor Marshall
Đinh Quang Bàn dịch

Tôi vừa mới đọc xong Thông điệp mới của Đức Thánh cha Lumen fidei (tiếng La tinh nghĩa là “Ánh sáng Đức Tin”), được công bố hôm nay (ngày 5 tháng 7) mặc dù thông điệp được ban hành vào ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô ngày 29 tháng 6 năm 2013.

Phản ứng đầu tiên của tôi: Tôi yêu thông điệp!

Đáng lưu ý, đây là thông điệp đầu tiên viết bởi hai giáo hoàng – Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Bênêđictô đã viết một thông điệp về nhân đức đối thần đức tin nhưng ngài từ nhiệm trước khi phát hành. Dường như phần cốt lõi là Bênêđictô nhưng phần dẫn nhập và các phần tử khác là Phanxicô. Đó là ấn tượng của tôi sau một lần đọc.

Đây là nội dung của thông điệp được tóm lược trong 15 điểm dưới đây:

1. Đức Thánh cha bắt đầu bằng cách nói đến Nietzsche như là người đi tiên phong trong trào lưu vô tín cho thời đại của chúng ta. Hậu quả là, “nhân loại từ bỏ cuộc tìm kiếm một ánh sáng lớn, là chính Chân lý”.

2. Ngài liền nói về Dante, người trong tác phẩm Hài kịch Thánh, sau khi tuyên xưng đức tin với Thánh Phêrô, mô tả ánh sáng đó như một “tia lửa, rồi trở thành một ngọn lửa sáng chói và chiếu sáng trong tôi, như một ngôi sao rực sáng trên trời”. Thông điệp xây dựng trên đức tin tiên khởi của Thánh Phêrô khi tuyên tín: “Thày là Đức Kiô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”

3. Kế tiếp, ngài lần về lịch sử của đức tin từ Abraham và đi cho đến những người Hípri trong Cựu Ước. Mầu nhiệm Nhập thể mạc khải đối tượng tối hậu của đức tin – Đức Giêsu Kiô.

4. “Trong nhiều lĩnh vực trong đời ta, ta tin những người khác hiểu biết nhiều hơn ta. Ta tin kiến trúc sư xây nhà ta, tin dược sĩ cho thuốc cho ta, tin luật sư bào chữa cho ta tại tòa”. Nhưng tại sao không tin Thiên Chúa? Lòng tin hoặc đức tin là một phần hết sức tự nhiên trong đời sống.

5. Đức tin làm biến đổi những người đang yêu. Đó là lý do tại sao ta được cứu nhờ tin vào Đức Kiô.

6. Trừ khi bạn tin, bạn sẽ không hiểu (Is 7,9). Trong thời đại của chúng ta, ta cần phải hiểu mối dây liên kết đức tin và chân lý. Ta sẽ không bao giờ hiểu chân lý là gì nếu ta không tin vào Đức Kiô đấng chính là chân lý.

7. Một lần nữa ta phải liên kết “tình yêu” với “chân lý”. Sự tách biệt giữa tình yêu và chân lý là một sai lầm nghiêm trọng của thời đại chúng ta.

8. Đức tin nối kết thấy và nghe. Đôi mắt “trông thấy” và đôi tai ”nghe” nhưng tâm hồn hoặc trái tim thì “tin”. Do đó, tâm hồn không tin giống như mắt mù hoặc tai điếc. Rõ ràng hình tượng này đến từ chính Đức Kiô.

9. Ngài liền tập trung vào thông điệp Fides et Ratio của Đức Gioan Phaolô II – Đức tin và Lý trí luôn luôn hoạt động với nhau. Thần học không bao giờ nên được xem cạnh tranh với triết lý hoặc khoa học. Tất cả chân lý đều là chân lý của Thiên Chúa.

10. Đức tin bao hàm một cuộc hành trình và một cuộc khám phá. Đức tin tự bản thân không phải là sự hoàn thành hoặc là điểm đến. Đó là một cuộc hành trình. Abraham và các Đạo sĩ tượng trưng cho cuộc hành trình này.

11. “Không thể nào chỉ có tin một mình”. Đức tin luôn luôn mang tính cộng đồng. Điều này có nghĩa là đức tin luôn luôn yêu cầu phải có Giáo hội.

12. Bởi vì ta sống trong thời gian, cho nên đức tin được lưu truyền trong cộng đoàn. Các bí tích là phương tiện chính yếu qua đó đức tin được chuyển đến tha nhân và qua thời gian.

13. Mặc dù có tính cá nhân, đức tin là một và không thay đổi. Mỗi người đều cảm nghiệm đức tin một cách khác nhau, nhưng mục đích và nội dung là như nhau – bởi vì Thiên Chúa không thay đổi.

14. Phần thực hành ở cuối – Đức tin phải một phần của đời sống gia đình. Đức tin phải là một phần của xã hội.

15. Thông điệp kết thúc với Đức Maria là người duy nhất có đức tin hoàn hảo từ đầu đến cuối. Đức Thánh cha liền chấm dứt thông điệp bằng cách ký thác chúng ta cho sự chuyển cầu và chăm sóc của Mẹ Thiên Chúa.

Xin bạn hãy tự mình đọc lấy. Bạn sẽ không hối tiếc. Xin cứ dùng 15 điểm nói trên như một bản hướng dẫn.

Câu hỏi: Điểm nào trong những điểm trên tác động bạn mạnh nhất? Đối với tôi, đó là ý tưởng “đức tin luôn luôn có tính cộng đồng” và phần kết thúc với lời khẩn cầu Đức Maria.

Nguồn:



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks