ngày tháng năm

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Học ngôn ngữ giảng thuyết của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thiên Triệu

Đại hội Giới Trẻ thế giới 2013 đã khép lại. Có rất nhiều bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô và bài nào cũng đáng giá cả. Trong số đó, người viết để ý đặc biệt đến bài nói chuyện của ngài với hàng giám mục Brazil tại Tòa tổng giám mục Rio de Janeiro, ngày 27-07-2013. Nội dung hết sức phong phú, nên mỗi người cần trực tiếp đọc lại để cảm nhận và suy nghĩ. Ở đây chỉ muốn nhắc đến ngôn ngữ giảng của Đức Thánh Cha, thứ ngôn ngữ mà những ai có trách nhiệm giảng dạy đức tin Kitô giáo phải quan tâm học hỏi.

Đó là thứ ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ. Nói chuyện với các giám mục tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida, ngài lấy luôn sự tích tượng Đức Mẹ ở đây để khai triển suy tư. Điều đáng nói là từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện có vẻ bình dân ấy đã khơi nguồn cho những suy tư thật sâu sắc. Những người dân nghèo làm nghề thuyền chài rất vất vả để kiếm sống. Rồi tình cờ, họ vớt được tượng Đức Mẹ, bức tượng đã bị vỡ thành nhiều phần. Họ ghép lại, ân cần lau rửa, rồi lấy áo phủ lên và rước về. Từ hình ảnh đó, Đức Thánh Cha khai triển sứ điệp về sự tái hợp, phục hồi, kết nối, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Giáo Hội tại Brazil.

Cũng thế, khi nhắc lại câu truyện quen thuộc trong Tin Mừng Luca 24,13-15 về hai môn đệ trên đường Emmaus, ngài vận dụng từng chi tiết trong câu truyện và triển khai những bài học đắt giá. Chẳng hạn từ hình ảnh hai môn đệ thất vọng rời bỏ Giêrusalem sau khi chứng kiến “sự trần trụi” của Thiên Chúa nơi sự trần trụi của Đấng chịu đóng đinh, Đức Thánh Cha liên tưởng đến biết bao Kitô hữu ngày nay cũng đang muốn rời bỏ Giáo Hội vì nhiều lý do khác nhau, cũng như biết bao con người đang bước đi trong cuộc sống với trái tim trĩu nặng vì ưu sầu và thất vọng. Và câu hỏi quyết liệt được đặt ra là: Giáo Hội có còn khả năng sưởi ấm những con tim giá lạnh đó không? Giáo Hội có dám đồng hành với họ ngay giữa những tăm tối của cuộc đời?

Còn nhiều lắm, đây chỉ là vài minh họa cho thấy biệt tài vận dụng ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ của vị giáo hoàng người Nam Mỹ. Song hành với những hình tượng và ẩn dụ trên là thứ ngôn ngữ của con tim. 

Ngài nói với các giám mục Brazil điều mà các giám mục, linh mục, giáo lý viên Việt Nam cũng phải quan tâm: 

“Nhiều khi chúng ta đánh mất dân vì họ không hiểu những gì chúng ta nói, bởi lẽ chúng ta đã quên thứ ngôn ngữ đơn sơ và nhập khẩu thứ ngôn ngữ trí thức, xa lạ với người dân của mình. Không có thứ ngữ pháp của đơn sơ, Giáo Hội đã đánh mất chính những điều kiện làm cho chúng ta có thể ‘chài lưới người’ trong dòng nước sâu của mầu nhiệm”. Lại chẳng đáng suy nghĩ sao khi chúng ta cũng loan báo Tin Mừng và giảng dạy giáo lý bằng thứ ngôn ngữ cao đạo với những phạm trù triết học và lập luận chẻ sợi tóc làm tư? 

Đôi khi lại còn khinh thường những hình thức của lòng đạo bình dân, mà không cảm được nhịp đập của những con tim đạo đức nơi những hình thức ấy.

Thứ ngôn ngữ ấy học được không chỉ bằng nghiên cứu nhưng chủ yếu bằng sự gặp gỡ. Gặp gỡ Thiên Chúa Tình Yêu và để cho tình yêu, lòng thương xót của Ngài chạm đến cuộc đời mình, một cuộc đời cũng không thiếu những tăm tối, ưu sầu, thất vọng như hai môn đệ Emmaus. Và gặp gỡ con người trong chính hoàn cảnh sống cụ thể của họ, với những mệt mỏi và chán nản, khổ đau và ưu phiền, thất vọng và giận dữ của họ.

Khi nói đến Tân Phúc Âm hóa, một trong những cái mới là phương pháp mới. Chính ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy phương pháp mới là sử dụng ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ, cũng như ngôn ngữ của con tim, được khơi nguồn từ trái tim mới, nhạy bén trước tiếng thì thầm của Thiên Chúa và tiếng than khóc của con người. 

Không có thứ ngôn ngữ ấy, Phúc Âm của Chúa vẫn mãi là tin buồn chứ không phải Tin Mừng cho con người ngày nay.

29-07-2013

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks