ngày tháng năm

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

“Chân Lý Sẽ Giải Thoát Chúng Con”(Ga 8:32)

Lm P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Đối với Ki-tô hữu, tự thân lời dạy của Chúa Ki-tô—như câu trích dẫn Tin Mừng theo Thánh Gio-an được dùng làm tiêu đề bài viết nầy--đã là chân lý. Đón nhận lời Chúa Ki-tô, con người được giải thoát khỏi sai lầm, dối trá, sợ hãi, và cái chết.

1. Chân Lý Giải Thoát Khỏi Sai Lầm

Nguyên nhân của sai lầm là do con người không biết hoặc biết không đến nơi đến chốn.
Hiểu biết là nhu cầu, là khát vọng tự nhiên của con người. Con người muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ vạn vật và của chính bản thân mình. Khát vọng mạnh mẽ đó trở thành tiền đề cho tiến bộ của khoa học. Mỗi một khoa học, khoa học tự nhiên hay nhân văn, là một câu trả lời cho vấn nạn “tại sao?” từng được nêu lên trong lịch sử phát triển của con người. Ngày nào tính hiếu kỳ của con người chưa được thỏa mãn, ngày ấy khoa học vẫn còn lý do tồn tại và hoàn thiện.

Khi phát biểu về mối tương quan nhân quả giữa tình hiếu kỳ của con người và việc tồn vong của khoa học, là đã mặc nhiên nhìn nhận tình trạng bất cập của khả năng trí tuệ, công cụ duy nhứt con người sử dụng để khám phá thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm. Chấp nhận chân lý nầy, con người được giải thoát khỏi sai lầm kép sau đây:

a) Tuyệt Đối Hóa Trí Tuệ

Trí tuệ con người có thể biết tất cả, trừ những gì nó không thể biết. Trí tuệ biết một đối tượng thông qua một tiến trình tiếp xúc, nghiên cứu, xác minh.[1] Đối tượng dầu là một vật thể hay một khái niệm trừu tượng đều giả thiết là phải có mối tương quan đồng đẳng cấp với trí tuệ con người. Con người có thể biết về vũ trụ, vạn vật, vạn loài, vì con người chia sẻ nhiều yếu tố chung với các loài khoáng, thực và động vật. Con người có thể biết tha nhân và tự biết chính mình vì “mình với ta tuy hai mà một”. Tuy vậy, hãy còn có biết bao bí mật trong thiên nhiên trí tuệ con người vẫn chưa hề chạm đến. Ngay cả để hiểu biết chính mình, con người phải đối mặt với một thách đố không dễ vượt qua, vì rõ ràng “ta với mình tuy một mà hai”. Khám phá bí mật thiên nhiên dẫu là mò kim đáy biển hoặc đội đá vá trời đi nữa cũng còn có vẻ khả thi hơn tham vọng thăm dò ý định tâm tư con người “Dò sông, dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”.

Vấn đề về giới hạn và tính bất toàn của trí tuệ con người càng trở nên hiển nhiên khi tiếp cận một đối tượng siêu việt—hiện hữu bên ngoài và bên trên con người một cách tuyệt đối.[2] Trong chừng mực nào đó, chủ trương “bất khả tri”[3]—từ đó sản sinh ra thuyết vô thần--có thể được biện chính, nếu không tiên thiên phủ nhận một thực tại chỉ vì trí tuệ không có khả năng lĩnh hội thực tại ấy.

b) Phủ Nhận Trách Nhiệm Của Ý Chí Tự Do

Tri thức hoặc hiểu biết theo bản năng được khoa học minh chứng là vừa có độ chuẩn xác cao hơn vừa mang tính ổn định bền bỉ hơn hiểu biết do thủ đắc qua học hỏi. Lý do? Bởi lẽ khác với các loài vô tri vô giác, các sinh vật chỉ hành động theo bản năng, con người có ý chí tự do. Trong khi giác quan hoạt động chuẩn xác theo bản năng, chúng lại thường bị điều kiện hóa vì độ dao động của ý chí và vì thành kiến của lý trí, bởi đó kết quả bị biên tập, tráo đổi hoặc tiêu hủy hoàn toàn. Cụ Tiên Điền thật chí lý khi viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.[4] Đặc điểm nầy vừa vinh danh con người vì đó là chứng cớ rất thuyết phục cho tính ưu việt của con người “vạn vật chi linh”, vừa báo động tình trạng—vô tình hoặc chủ tâm—“tam sao thất bổn” và duy ý chí lẫn duy lý trí, hai khuynh hướng chống đối chân lý, xa lìa thực tế cuộc sống.

Thánh Tô-ma A-qui-nô tiến sĩ Hội Thánh minh nhiên quy trách cho tình trạng bất toàn của trí tuệ và ý chí phàm nhân như nguyên cớ gây ra bất nhứt trong nỗ lực tiếp cận và diễn giải chân lý. Thánh nhân chủ trương là không hề có mâu thuẫn giữa các chân lý, bởi lẽ chúng đều xuất phát từ Thiên Chúa, chân lý tuyệt đối.[5]

2. Chân Lý Giải Thoát Khỏi Dối Trá

Dối trá đối kháng với chân lý như bóng tối, như ác tà với thánh thiện. Mục tiêu thứ nhứt của dối trá là che dấu—một phần hoặc toàn bộ—chân lý. Thực chất của một vấn đề bị giản lược thành một góc độ hoặc một mặt nào đó của vấn đề để gây ngộ nhận góc độ ấy hoặc phương diện ấy là chính vấn đề. Nói cách khác, thành phần được phóng đại trở nên toàn thể, theo kiểu người mù sờ voi. Không dừng ở chỗ che dấu, dối trá còn nhắm triệt tiêu chân lý và thay thế bằng mọi hình thức giả ngụy, kể cả chân lý ngụy tạo.

Hậu quả là cảnh vàng thau lẫn lộn, trắng đen bất khả phân biệt. Hệ lụy vô cùng hiểm nghèo là nỗi hoài nghi về hiện hữu của chân lý, đến mức tác giả Thánh Vịnh phải thảng thốt kêu trời: “mọi người đều giả dối”.[6]

3. Chân Lý Giải Thoát Khỏi Sợ Hãi

Con người hầu như thường trực sống trong mâu thuẫn: vừa khao khát vừa sợ hãi chân lý. Chân lý không biết chìu ý bất cứ một ai.[7] Ông tổng trấn người Rô-ma không đủ kiên nhẫn lẫn dũng khí để nghe lời giải thích của Chúa Giê-su cho câu chất vấn của ông “Chân lý là gì?”[8] Câu truyện ngụ ngôn của Triết Gia Plato về phản ứng trái ngược của đám người bị giam dưới hang tối khi được tiếp cận với chân lý diễn tả tình trạng mâu thuẫn ấy.[9]

Về phía đại chúng, vốn đã quen nhận định tất cả mọi vấn đề theo định kiến tích tụ bao đời, họ vừa không sẵn sàng—đôi khi mất cả khả năng—tiếp cận chân lý, vừa dị ứng, thậm chí hoảng loạn, nếu chợt có cơ may gặp được chân lý. Chân lý dường như đặt họ vào một thế giới khác, mới mẻ và xa lạ, khiến họ bị tước bỏ mọi thứ vỏ bọc che chắn, mọi trú sở an toàn, để phải xuất hiện trần trụi, trắng tay, và bắt đầu tất cả lại từ đầu.

Về phía cá nhân được giác ngộ chân lý và mong muốn đem chân lý giác ngộ đồng loại, người nầy không mấy khi có diễm phúc sải bước trên thảm đỏ của cộng đoàn. Các triết gia, các văn nhân nghệ sĩ, các nhà cách mạng, thường trở thành một “ngoại vật”[10] trong con mắt và trong cơ thể của xã hội đương thời. Không một vị tiên tri nào hoan hỉ ngay lập tức tiếp nhận sứ vụ đi công bố lịnh truyền của Thiên Chúa. Ông Giê-rê-mi-a vịn cớ không có tài ăn nói,[11] trong khi Ông I-sa-i-a thú nhận miệng lưỡi mình ô uế, lại quen sống giữa một dân tộc miệng lưỡi ô uế.[12] Hậu trường của lời thối thoát đầy khiêm tốn là nỗi sợ hãi khủng khiếp khi đối diện với bản tính kỳ vĩ của chân lý, và với thách đố chết người của sứ vụ thi hành chân lý nơi sào huyệt của dối trá, gian tà. 

4. Chân lý Giải Thoát Khỏi Cái Chết Trường Kỳ

Thẳng thắn chỉ cho những kẻ chống đối lời giảng dạy của Người thấy rõ hậu quả nguy hại, Chúa Ki-tô nói:
“Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”[13]

Lời Chúa Ki-tô tuyên bố về quyền năng giải thoát của chân lý xác nhận một giá trị hết sức cao cả của chân lý: chân lý có sức mạnh khuất phục cả cái chết, không những cái chết thông thường của muôn loài hữu sinh tất hữu diệt, mà còn là cái chết trường kỳ, vĩnh viễn dành cho kẻ bị luận phạt, theo đạo lý Ki-tô giáo.

Nếu chân lý coi sai lầm và dối trá là kẻ thù truyền kiếp phải tiễu trừ, thì còn sai lầm nào tệ hại cho bằng tội lỗi con người đã mắc phải do lời lừa gạt dối trá của Ác Tà?[14]
Đây là chân lý hệ trọng bậc nhứt về căn tính của con người, nhưng lại bị che giấu hoặc thậm chí bị xuyên tạc và bị đánh tráo bằng chân lý ngụy tạo.

Trả lời vấn nạn: bản chất con người là thiện hay ác, đã từng có 3 giải đáp: 

a) Con người tự bản chất là tốt (nhân chi sơ tính bản thiện), nếu kiên trì giáo dục con người sống theo con đường đức hạnh thì gia đình, xã tắc và nhân loại sẽ tốt đẹp (thân tu, gia tề, quốc trị, thiên hạ bình).[15]

b) Con người tự bản chất là xấu (nhân chi sơ tính bản ác) lọt lòng mẹ là đã biết đấu tranh để sinh tồn.[16] Đây là tiền đề của chủ thuyết đấu tranh giai cấp, đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản.[17]

c) Con người tự bản chất là trung tính (nhân chi sơ tính bản trung lập) quy trách vấn đề thiện ác cho ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực từ môi trường sống của con người.[18]

d) Hình như luôn có một phần khuất tất trong mỗi chủ thuyết về bản chất con người được nêu bên trên.

Chủ trương lạc quan cho rằng con người bản chất tốt lành, hoặc ngay cả trung lập đi nữa, đều không thể chỉ ra do đâu mà có môi trường xấu, trong khi thực tế cho thấy chính môi trường—gồm môi trường thiên nhiên (vũ trụ vạn vật) do Thiên Chúa, Cội nguồn Chân, Thiện, Mỹ sáng tạo, và môi trường nhân tạo (mang tính xã hội, văn hóa và chính trị) lẽ ra phải chịu ảnh hưởng tính bản thiện của con người, vì lẽ con người là tác nhân hành động xây dựng môi trường sống cho chính mình. Hơn nữa, tình trạng suy đồi của con người không đơn giản do nguyên nhân ngoại tại mà xuất phát ngay từ chính bên trong sâu thẳm bản chất hư hoại của con người. Thánh Phao-lô diễn tả kinh nghiệm đáng sợ ấy như một cuộc nội chiến kịch liệt giữa thiện và ác dai dẳng trong lòng người.[19]

Chủ trương bi quan về thân phận con người làm ngơ một trang sáng chói vinh quang của Lịch Sử Cứu Độ,[20] khi Nhân Tính cùng hợp đồng chặt chẽ với Thiên Tính trong Ngôi Vị Chúa Ki-tô chiến đấu và chiến thắng Ác Tà một cách oanh liệt và vĩnh viễn.[21]

Không có chân lý nào vĩ đại và tối quan trọng đối với con người cho bằng chân lý nầy: thú nhận và lãnh trách nhiệm vì mình là tội nhân do hành vi chống lại tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, làm tổn hại tương quan hài hòa thân thiết với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân, với vũ trụ, và với chính bản thân. Đây là điều kiện tiên quyết để con người hướng về Chúa Ki-tô, hiện thân của Tình Thương Thiên Chúa, tuyên xưng Người là Đấng cứu nhân độ thế do Thiên Chúa cử đến, thực tâm hoán cải và được ơn giải thoát.[22]

Thiên chức—hay ơn gọi—của Hội Thánh là được sai đi làm chứng cho Chân Lý Cứu Độ,[23] một sứ vụ vô cùng gian nan song rất vẻ vang,[24] bởi xác tín rằng dám sống chết cho Chân Lý là dám sống chết cho đại nghĩa của Chúa Ki-tô, Đấng từng phất hiệu kỳ công bố lời hịch:

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích nầy: làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng Tôi.”[25]

[1] Theo tri thức luận, có 3 loại hiểu biết: 1) hiểu biết đích thân, nghĩa là từ những thông tin do chính chủ thể thu nhận được; 2) hiểu biết thực nghiệm, nghĩa là được đúc kết từ kinh nghiệm thực hành; và 3) hiểu biết lý thuyết, nghĩa là chỉ dựa vào các giả định. Ngoài ra, để đạt tới một hiểu biết xác thực cần 3 điều kiện: có xác tín, có chân lý và có chính nghĩa. 
[2] Xin coi định nghĩa từ “transcendence” dotác giảGerald O’Collins, SJ, A Concise Dictionary of Theology (Claretian Publications, 2001). 
[3] Xin coi đinh nghĩa cụm từ “apophatic (or negative) theology”, theo đó, con người biết được những gì không thể tìm thấy nơi Thiên Chúa nhiều hơn những gì Thiên Chúa thực sự có, do tác giả Gerald O’Collins, SJ, A Concise Dictionary of Theology (Claretian Publications, 2001). 
[4] Xin coi Truyên Kiều. 
[5]Xin coi Tổng Luận Phi Bác Lương Dân (Summa Contra Gentiles), B. I, Chap. 7, Art. 2; I, Q. 6, Art.1-4; I, Q. 84, Art.5; FR, 43. 
[6] Tv 116:11 
[7] “Lời thật mất lòng”—“Truth hurts”. 
[8] Xin coi Ga 18:38. 
[9] Xin coi Wikipedia “Allegory of the Cave”. Một đám người từ lâu bị giam giữ dưới hang sâu. Họ chỉ quen nhìn thấy một thế giới ảo gồm toàn bóng đen chiếu lên bức vách. Về sau, có một người thoát khỏi ngục, được lên mặt đất chứng kiến thế giới của những sự vật thật. Người nầy trở xuống hang kể lại cho đồng bạn xưa những gì mình đã được tai nghe mắt thấy, song chẳng những không ai tin, mà còn kết án tử hình kẻ bị coi là mất khả năng lĩnh hội chân lý. 
[10] Theo y học, cơ thể con người không chấp nhận ngoại vật (corps étranger) xâm nhập vào, nhưng chống lại và đẩy vật ấy ra ngoài. 
[11] Xin coi Gr 1:8. 
[12] Xin coi Is 6:6. 
[13] Ga 8:24. 
[14] Xin coi Ga 8:44. 
[15] Đường hướng nầy được coi là của Đức Khổng Phu Tử (551-479). 
[16] Câu truyện hai anh em E-xau và Gia-cóp trong St 25:22-26 còn cho thấy con người đã biết đấu tranh ngay khi còn trong lòng mẹ nữa kìa! 
[17] Tư tưởng nền tảng của Ông Karl Marx (1818-1883),trong Tuyên Ngôn Cộng Sản và Tư Bản Luận. 
[18] Tiêu biểu cho lập trường nầy là Ông Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). 
[19] Xin coi Rm 7:14-23. 
[20] Phiên dịch cụm từ “Salvation History”, để chỉ “toàn bộ câu truyện về con người và thế giới của con người như một vở kịch cứu độ trải dài từ cuộc sáng tạo cho đến lúc thế mạt, và nhìn nhận Chúa Ki-tô như tâm điểm” (Gerald O’Collins, SJ, A Concise Dictionary of Theology, Claretian Publications, 2001). 
[21] Xin coi Ga 16:33; 1 Cr 15:54-57. 
[22] Xin coi Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, các số 115-123. 
[23] Xin coi Lc 24:48. 
[24] Từ Hy Lạp “martur” có nghĩa là “làm chứng trước tòa án”. Chúa Ki-tô được tôn vinh như Nhân Chứng trước tòa án đế quốc Rô-ma, theo 1 Tm.6:12-13. Các thế hệ Ki-tô hữu noi gương Chúa Ki-tô, thế chấp chính sinh mạng của mình cho lời chứng về Chân Lý Cứu Độ. 
[25] Ga 18:37.

Nguồn Tập san GHXHCG số 9

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks