Đan Quang Tâm
“Caritas in veritate là nguyên tắc xây dựng nên học thuyết xã hội của Hội Thánh, một nguyên tắc hành động theo các tiêu chí định hướng cho hành động luân lý” (Thông điệp Caritas in Veritate, sau đây gọi tắt là CiV, 6). Một đóng góp quan trọng của Đức Bênêđictô XVI cho huấn quyền về xã hội của Hội Thánh là giới thiệu và triển khai ý tưởng “tình yêu trong chân lý” như là nhân đức cốt lõi trong giáo huấn xã hội Công giáo. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng sự nhấn mạnh này về tình yêu của Đức Bênêđictô đi chệch hướng giáo huấn xã hội truyền thống. Đức Gioan XXIII dạy rằng tình yêu “tóm lược toàn bộ giáo huấn và hoạt động Hội Thánh” (Thông điệp Mater et Magistra, 6). Mặc dù các giáo hoàng từ Đức Lêô XIII trở về sau đều cho rằng nguyên chỉ có công bằng thì chưa đủ để lập nên trật tự xã hội, mà cần phải có thêm tình yêu, nhưng chỉ có Đức Bênêđictô mới đặt tình yêu ở vào tâm điểm của học thuyết xã hội Công giáo. Ngài nhận rằng tình yêu là nguồn lực độc đáo của toàn bộ học thuyết xã hội, có vị trí còn cao hơn đức công bằng xã hội, vốn từ lâu đã được xem là nhân đức cốt lõi của giáo huấn xã hội Công giáo.
“Tình Yêu – caritas – là một sức mạnh phi thường thúc đẩy con người can đảm và quảng đại dấn thân trong lĩnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh bắt nguồn từ Thiên Chúa, Tình Yêu Vĩnh Cửu và Sự Thật Tuyệt Đối” (CiV, 1). Tình yêu “đem lại thực chất cho mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa và với người gần bên; tình yêu là nguyên tắc không những của các quan hệ vi mô (với bạn bè, các thành viên trong gia đình hoặc trong những nhóm nhỏ) mà còn là của những quan hệ vĩ mô (xã hội, kinh tế và chính trị)” (CiV, 2).
Tình yêu ở đây là đề tài được khai triển trong Thông điệp đầu tiên Deus Caritas Est (viết tắt là DCE) của Đức Giáo hoàng Bênêđictô. Tình yêu trong Caritas in Veritate phải được hiểu theo ý nghĩa được diễn giải trong Thông điệp Deus Caritas Est. Đức Bênêđictô nhận xét rằng trên thế giới ngày nay “tình yêu đã và đang tiếp tục bị hiểu lầm và bị tước đoạt ý nghĩa. […] Trong các lĩnh vực xã hội, pháp luật, văn hóa, chính trị và kinh tế – nói cách khác, các bối cảnh bị phơi nhiễm nhất trước nguy cơ này – tình yêu dễ bị gạt đi như là không liên quan đối với việc diễn giải và định hướng trách nhiệm luân lý. Do đó phát sinh nhu cầu liên kết tình yêu với sự thật không những theo hướng mà Thánh Phaolô đã chỉ ra, là chiều hướng veritas in caritate (Ep 4,15), nhưng còn theo chiều ngược lại và mang tính bổ sung, đó là chiều hướng caritas in veritate. Sự thật cần được tìm kiếm, khám phá và diễn tả trong “nhiệm cục” tình yêu, nhưng tình yêu đến lượt mình, cũng cần được hiểu biết, khẳng định và thực hành trong ánh sáng của sự thật” (CiV, 2).
Cần lưu ý, tình yêu hiểu cho đúng nghĩa, “không phải chỉ là một cảm tính” bởi vì “cảm tính đến rồi đi” (DCE, 17), trong khi tình yêu thì bền vững “theo nghĩa ‘mãi mãi’ (DCE, 6). Thế nhưng, “không có sự thật, tình yêu suy thoái và trở thành cảm tính. Tình yêu trở thành một cái vỏ trống rỗng, được lấp đầy một cách tùy tiện” (CiV, 3).
Trên cấp độ cơ bản nhất, tình yêu và sự thật bổ sung, hoàn tất cho nhau trong đó “hành động mà thiếu hiểu biết thì mù quáng, còn tri thức thiếu tình yêu thì cằn cỗi” (CiV. 30). Nghĩa là con người được thúc đẩy tìm kiếm sự thật và chia sẻ sự thật với nhau vì tình yêu. Ngược lại, con người chỉ yêu thực khi các hành động của mình phù hợp với sự thật. Đức Bênêđictô nói: “Chỉ có ở trong sự thật thì tình yêu mới chiếu sáng, chỉ có trong sự thật thì tình yêu mới thực sự sống. Sự thật là ánh sáng mang lại ý nghĩa và giá trị cho tình yêu” (CiV, 3). Nói cách khác, “tình yêu không loại trừ tri thức, trái lại, còn đòi hỏi, cổ vũ và làm sinh động tri thức từ bên trong” (CiV, 30).
Đức Bênêđictô viết tiếp về tương quan giữa tri thức và tình yêu: “Tri thức và tình yêu không ở trong những gian phòng tách biệt: tình yêu phong phú nhờ tri thức và tri thức tràn đầy tình yêu” (CiV, 30).
Đến đây, ta có một định nghĩa hoàn toàn mới về học thuyết xã hội: học thuyết xã hội là học thuyết về “caritas in veritate in re sociali” (tình yêu trong sự thật trong những vấn đề xã hội). “Caritas in veritate” chính là nguyên tắc cốt lõi để xây dựng nên học thuyết xã hội của Hội Thánh.
Nguồn Tập San GHXHCG số 9.
Tài liệu tham khảo:
“Ever Ancient, Ever New, Caritas in Veritate and Catholic Social Doctrine”, Linh mục Thomas D. Williams, L.C., Alpha Omega, XIII, n.1, 2010 – pp. 45-66
“Love, Truth and the Economy: A Reflection on Benedict XVI’s Caritas in Veritate”, Giáo Sư Luật John M. Breen, Loyola University Chicago School of Law, Havard Journal of Law & Public Policy, Vol. 33.