Tác giả David Kerr
Đan Quang Tâm dịch
Đức Thánh Cha đọc diễn văn trước Quốc hội Đức |
Berlin, Đức, 22 tháng 9 năm 2011 / 04:49 pm (CNA/EWTN News) .- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói với Quốc hội Đức ngày 22 tháng 9 rằng quá khứ Đức Quốc xã của nước này vạnh rõ các mối nguy hiểm của việc quyền lực tách rời khỏi một nền luân lý khách quan bắt nguồn từ luật tự nhiên.
"Chúng ta đã thấy quyền lực tách khỏi lẽ phải như thế nào, quyền lực chống lại lẽ phải và nghiền nát lẽ phải như thế nào, khiến cho nhà nước trở thành một công cụ phá hủy lẽ phải", ngài nói với quốc hội, được gọi là Bundestag trong tiếng Đức.
Đức Giáo Hoàng đã mô tả chế độ Đức Quốc xã như “một băng cướp có tổ chức ở trình độ cao", "có khả năng đe dọa cả thế giới và đưa thế giới đến bờ vực thẳm".
Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với quốc hội Đức vào ngày đầu tiên của chuyến thăm cấp nhà nước của ngài. Bài phát biểu đã bị tẩy chay bởi một số nghị sĩ cánh tả, nhưng nói chung, Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước một gian phòng chất đầy người.
Các cuộc phản kháng trên các đường phố xung quanh cũng chẳng đáng kể, cảnh sát ước tính có "hàng ngàn" người biểu tình tại khu Potsdamer Platz của thủ đô, ít hơn nhiều so với dự đoán của ban tổ chức.
Đức Giáo Hoàng phát biểu trước quốc hội như một "người đồng hương suốt đời mình đã luôn luôn ý thức mình được nối kết chặt với nguồn gốc của mình, và đã theo dõi tình hình quê hương Đức của mình với sự quan tâm sâu sắc”.
Mục đích của bài diễn văn 30 phút của mình, ngài nói, là để trình bày "một số suy nghĩ về những nền tảng của một nhà nước pháp quyền tự do".
Gương mẫu của một chính trị gia tốt, ngài nói, là vua Sa-lô-môn, người khi lên ngôi đã không xin được thành công, giàu có, sống lâu, cũng không phải xin hủy diệt các kẻ thù của mình mà là xin cho mình có "một trái tim biết lắng nghe để ông có thể cai trị dân Chúa, và biết phân biệt thiện ác”.
Lựa chọn này nhấn mạnh rằng "chính trị phải phấn đấu vì công lý, và do đó chính trị phải thiết lập những điều kiện tiên quyết nền tảng vì hòa bình", Đức Giáo Hoàng nói.
Những nguyên tắc cơ bản này không chỉ đơn thuần được xác định bằng cách giơ tay biểu quyết, ngài nói, lưu ý rằng "đối với các vấn đề cơ bản của pháp luật, trong đó phẩm giá của con người và của nhân loại đang bị đe dọa, nguyên tắc đa số là chưa đủ."
Đức Giáo Hoàng nói rằng "không giống như các tôn giáo lớn khác,"Kitô giáo" chưa bao giờ đề xuất một cơ chế pháp luật mặc khải cho Nhà nước và xã hội, nghĩa là một trật tự pháp lý bắt nguồn từ mặc khải". Thay vào đó, Kitô giáo nêu ra "bản tính và lý trí" như các nguồn thực sự của pháp luật và “sự hòa hợp giữa lý trí khách quan và chủ quan”, giả định rằng cả hai được bắt nguồn từ “lý trí sáng tạo của Thiên Chúa".
Đức Giáo Hoàng nói rằng các giả định của "luật tự nhiên" đã bị bật gốc trong thế kỷ vừa qua bởi triết lý của "chủ nghĩa thực chứng", triết thuyết này khẳng định rằng chỉ có kiến thức dựa trên giác quan, kinh nghiệm và đã qua xác minh mới là kiến thức đích thực duy nhất.
Đức Giáo Hoàng nhận xét: "Ý tưởng về luật tự nhiên ngày hôm nay được xem như là một học thuyết đặc thù của Công Giáo, không đáng đưa vào thảo luận trong một môi trường không Công giáo, do đó người ta cảm thấy gần như xấu hổ khi đề cập đến thuật ngữ này".
Trong khi không hoàn toàn bác bỏ chủ nghĩa thực chứng, Đức Giáo Hoàng nói rằng một mình chủ nghĩa đó chưa đủ để hướng dẫn đạo đức. Ngài lưu ý: "nơi đâu lý trí thực chứng xem mình là nền văn hóa độc tôn và hạ giá tất cả các nền văn hóa khác xuống tình trạng thứ yếu, thì nó làm giảm giá trị con người, thực sự nó đe dọa cả nhân loại".
Đức Giáo Hoàng Benedict mô tả cuộc sống trong một nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa thực chứng giống như sống trong "boong-ke bằng bê tông không có cửa sổ", trong đó "chúng ta tự cung cấp ánh sáng và các điều kiện khí quyển, không còn sẵn lòng lấy ánh sáng và khí trời từ thế giới rộng lớn của Thiên Chúa".
Ngài nói đã đến lúc "cửa sổ phải được mở tung một lần nữa, chúng ta phải xem thấy toàn thế giới, bầu trời và trái đất một lần nữa và học cách sử dụng thích đáng tất cả các điều này".
Ngài nói rằng sự phát triển phong trào xanh ở Đức từ những năm 1970 là dẫn chứng về một phong trào chính trị đã chuyển suy nghĩ vượt ra ngoài những ý tưởng chỉ đơn giản là thực chứng nhưng thêm rằng đã đến lúc phát triển “một hệ sinh thái của con người".
"Con người cũng có một bản tính mà họ phải tôn trọng và con người không có thể tha hồ điều khiển bản tính ấy theo ý mình. Con người không chỉ đơn thuần là tự tạo tự do. Con người không tạo ra chính mình," Đức Giáo Hoàng nói, cho thấy rằng "lý do khách quan tự thể hiện trong tự nhiên hướng về phía" một lý trí sáng tạo, một Đấng Tạo Hóa Thần Linh".
Chính "xác tín rằng có một Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa" này trước hết đã làm phát sinh ý tưởng về các quyền bất khả nhượng của con người, ngài nói.
"Ký ức văn hóa của chúng ta được định hình bởi những hiểu biết minh trí này. Bỏ qua hoặc bác bỏ ký ức đó như một điều thuộc về quá khứ sẽ chia năm xẻ bảy nền văn hóa của chúng ta và cướp đi tính đầy đủ của nó".
Ngài kết luận bằng cách nói rằng các chính trị gia, như Sa-lô-môn, với một "trái tim lắng nghe" sẽ biết "phân biệt thiện ác, và do đó xác lập pháp luật đích thực, phục vụ công lý và hòa bình".
Đức Giáo Hoàng Benedict đã được hoan nghênh nhiệt liệt sau khi ngài hoàn tất bài phát biểu của mình.