ngày tháng năm

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Giáo Dục Đức Tin Ki-tô Giáo

Tu sĩ P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

A. Nhập Đề

Trong Năm Đức Tin, có nhiều nỗ lực nghiên cứu học hỏi, hướng dẫn thực hành sống đức tin “giúp Ki-tô hữu Công giáo nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, tìm cách bổ sung những thiếu sót và bất cập, điều chỉnh những méo mó và lệch lạc, hướng đến sống hồng ân đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường văn hóa và xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam hôm nay.”[1]

Thiết nghĩ chủ đề “giáo dục đức tin” sẽ đóng góp một phần đáng kể cho các mục tiêu nói trên. 

Sau đây là đôi dòng tìm hiểu về đức tin Ki-tô giáo, và kế đến là phần phác họa công cuộc giáo dục đức tin. 

B. Triển Khai

1. Đức Tin Là Gì? 

Để hiểu biết chính xác đức tin Ki-tô giáo, cần nhận định về tình trạng sử dụng một số từ ngữ có ý nghĩa gần gũi với từ “đức tin”, nhưng lại hàm ý rất khác biệt khi đặt vào ngữ cảnh Ki-tô giáo.

a) Ý Nghĩa “Niềm Tin” Theo Cách Hiểu Của Xã Hội Thế Tục

Theo cách hiểu của xã hội thế tục, tin là kết quả của một hiểu biết khoa học chắc chắn, có kinh qua thử nghiệm. Người ta tin một ai đó, hoặc tín nhiệm một mặt hàng nào đó, vì họ biết người ấy, hoặc sản phẩm ấy là tốt, là đúng, là giá trị.

Con người có 5 giác quan: mắt để xem, tai để nghe, mũi để ngửi, lưỡi để nếm, và tay để sờ chạm. Đối tượng của giác quan con người là vật chất, hữu hình, có thể đưa lên bàn mổ xẻ, quan sát, làm thí nghiệm, chụp ảnh, lưu trữ.

Tuy vậy, ngay giữa thời đại khoa học và kỹ thuật tiến bộ vượt bực, hãy còn biết bao bí mật trong vũ trụ chưa được khám phá. Trong lúc đó, người ta cũng có thể tin lầm, tin sai, tin không có nền tảng, vì hiểu biết giới hạn, vì biết sai hiểu lầm, vì chủ quan, tự mãn, vì gian ý, tham vọng bất chính, vì nhẹ dạ, vì bị lừa dối.

b) Đức Tin Theo Giáo Lý Ki-tô Giáo

Khi tiến vào thế giới vô hình, vào vũ trụ sâu thẳm của tâm linh—thí dụ như hồn thiêng bất tử, sự có mặt và hoạt động của Thiên Chúa—những điều vượt ngoài khả năng nhận biết của giác quan thể lý, con người cần có một thứ giác quan đặc biệt, được gọi là “Đức Tin”.

Theo giáo lý Ki-tô giáo, đức tin là một trong 3 nhân đức đối/hướng thần, ý nói nhắm đưa con người hướng đến Thiên Chúa. 

Gọi đức tin là nhân đức đối/hướng thần bởi vì hiểu về nguồn gốc xuất phát, thì cùng với 2 nhân đức kia là cậy và mến, đức tin là ơn Thiên Chúa ban. 

Đức tin không bao giờ là thành quả của cố gắng do con người học hỏi, nghiên cứu, tu luyện mà đạt được. Đức tin là ơn Thiên Chúa muốn ban cho ai là tùy Thánh Ý của Người.

Lời dạy của Chúa Ki-tô chứng minh điều vừa nói.

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”[2]

Đối diện với Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Người, nhân loại hoàn toàn không có khả năng tiếp cận. Đơn giản chỉ vì Thiên Chúa là Vô Biên, con người là hữu hạn. Chúa Ki-tô dạy:

“Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.[3]

Rồi Chúa nói thêm: 

Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”.[4]

Khi Thánh Phê-rô thưa đúng được câu hỏi về lý lịch của Chúa Ki-tô, Chúa cho ông biết: đó không phải là do khả năng hiểu biết của xác thịt loài người, nhưng là nhờ ơn của Thiên Chúa ban cho.[5]

2. Ơn Đức Tin

Trong bối cảnh Ki-tô giáo, cụm từ “đức tin” luôn ngụ ý là ơn do Thiên Chúa thương ban cho con người, nhờ đó, con người được biết Thiên Chúa, và cũng nhờ đó con người mới có thể tiếp cận các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

a) Đức Tin Là Điều Thiên Chúa Tiết Lộ Cho Người Tín Hữu

Kinh Tin Kính do Thánh Công Đồng Ni-xê-a dạy chúng ta đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhựt là bản tuyên bố những điều phải tin, vì do Thiên Chúa tiết lộ và được Hội Thánh thừa ủy nhiệm của Chúa Ki-tô giảng dạy cho loài người.

b) Đức Tin Là Ơn Thiên Chúa Ban Giúp Người Tín Hữu Đón Nhận Các Mầu Nhiệm Của Thiên Chúa

Thánh Phao-lô dạy: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.[6]

Vì Thiên Chúa cùng với các mầu nhiệm đều vượt quá khả năng nhận biết của giác quan và trí tuệ, nên ơn đức tin chính là giác quan mới, trí tuệ mới do Thiên Chúa ban để bù lại.[7]

Thánh Tông Đồ còn nhấn mạnh: “Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa”.[8]

Thí dụ trong việc tôn thờ Thiên Chúa, không có ơn đức tin, người ta có thể rơi vào tội thờ Thiên Chúa chân thật một cách dị đoan mê tín, hoặc thờ một thụ tạo như thể là thờ Thiên Chúa

3. Giáo Dục Đức Tin

Có 2 sự kiện được coi như tiền đề của công cuộc giáo dục đức tin: đức tin cần được kiện cường, tăng trưởng, và đức tin có thể bị triệt tiêu.

a) “Lạy Thầy Xin Thêm Đức Tin Cho Chúng Con”[9]

Đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc hành trình theo Chúa Ki-tô, người tín hữu có cảm nghiệm như khi các Thánh Tông Đồ đang rơi vào cơn cuồng phong dữ dội, bị vùi dập dưới những ngọn sóng thần khủng khiếp. Ý thức thân phận phàm nhân mong manh, họ kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đã ra tay nghĩa hiệp, song có lời khiển trách họ vì sao lại quá non yếu về phương diện đức tin.[10] Người cha có đứa con bị tà thần ám hại tha thiết xin Chúa kiện cường đức tin của ông.[11]

Đáng suy nghĩ hơn là trường hợp của “một số đông môn đệ” đã không vượt qua nổi cuộc thử thách đức tin trước mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể.[12] Tuy nhiên, trường hợp ông Giu-đa mới gây choáng váng như một tiếng sét đánh bên tai. Tư cách Tông Đồ của ông không hề thua sút các vị đồng môn khi được Chúa kêu gọi, huấn luyện, và ủy nhiệm sứ vụ giảng Tin Mừng Cứu Độ cho nhân loại. Vào đúng giờ hành động của Chúa để hoàn thành công trình Hòa Giải tội nhân với Thiên Chúa Cha—khởi đầu với Bữa Tiệc Ly—ông lại quyết định giũ bỏ mọi tương quan với Chúa, bỏ ngũ, để đi theo một con đường khác: con đường của tối tăm, ác tà.[13]

Các biến cố đó khiến người ta liên tưởng đến những nguy cơ có thể xảy ra cho đức tin, tựa như hạt giống được gieo vào nhiều mảnh đất khác nhau.[14] Cũng từ các dữ kiện trên, đức tin được hình dung như một vật thể có khởi đầu là một mầm sống, mọc lên tiệm tăng, cần phải chăm sóc, bảo vệ, để phát triển, trưởng thành, vững mạnh như tùng bách hiên ngang phủ bóng đầu non.[15]

b) “Nếu Chúng Con Có Lòng Tin Lớn Bằng Hạt Cải”[16]

Nhưng có nhiều chứng cớ để nhìn vấn đề giáo dục đức tin theo góc độ của người đón nhận ơn đức tin Chúa ban.

Cùng với đức cậy và đức ái, đức tin đều xuất phát từ Thiên Chúa, là ơn phước do Thánh Đức vô lượng vô biên của Chúa. Ơn Chúa thuộc về phẩm chất, không thể đong đo như vật chất hữu hình. Hễ có ơn Chúa là có cả quyền năng vĩ đại vô song của Chúa. Hễ có ơn đức tin là nhận được thần lực chuyển núi dời non.

Vốn là một nhân đức thì cũng như các nhân đức—một tập quán tốt— đức tin cần có công khổ luyện—luyện tập nhân đức—của người lãnh nhận.

Qua những điều đã học hỏi ở trên, đức tin xuất hiện ra rực rỡ, uy linh và dũng mãnh như chính quyền năng của Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ. Đức tin là ơn huệ, là phước lành của Thiên Chúa, Đấng vừa tuyệt đối vinh quang, phong phú vô biên, lại cũng vừa nhân từ, hào phóng vô tận. Do đó, không còn có vấn đề đức tin phải trải qua tiến trình sinh trưởng như các thực thể vật chất hay tâm linh trong thế giới thụ tạo. Nói “đức tin trưởng thành” rốt cuộc muốn ngụ ý là “nơi người Ki-tô hữu có một tiến trình sinh ra, lớn lên, nỗ lực phát triển trong đức tin, tiếp đến là phải kiên quyết bảo tồn bằng mọi giá ơn đức tin ấy cho đến giây phút được thực sự giáp mặt với Thiên Chúa.”[17]

Theo lời dạy của Thánh Phao-lô, “đức tin trưởng thành” phải hiểu trong ngữ cảnh “người tín hữu cố gắng ngày càng tăng thêm khả năng hiểu biết, xác quyết, yêu mến, và dấn thân phục vụ đức tin của mình.”

Trong đời sống ơn sủng, người Ki-tô hữu khởi đầu với tuổi thơ tâm linh. Họ cần được chăm sóc, hướng dẫn như người ta cho trẻ em bú sữa,[18] có nghĩa là họ chưa thể đối mặt với những vấn đề quá chuyên biệt—loại thức ăn đặc chỉ phù hợp cho người đã chững chạc, đủ bản lãnh.

Người mới bước vào đời sống thơ ấu trong đức tin cần học ăn, học nói, học gói, học làm để dần dần biết hành xử nghiêm cẩn, có trách nhiệm như người lớn.[19] Tương tự như trong đời sống tâm lý, có người đã lớn tuổi mà tâm tính vẫn còn quá trẻ con, chưa dám đảm nhận trách nhiệm, không có khả năng tự quyết định, người tín hữu có thể rơi vào tình trạng giữ đạo theo cảm tính, theo quan điểm thực dụng trao đổi lợi ích trong việc thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ tha nhân, mặc cho đã trải qua thời gian thật dài gia nhập vào Hội Thánh. Ki-tô hữu có nghĩa vụ phải cố gắng lớn lên về phương diện tâm linh chứ không thể cứ dậm chân mãi trong tình trạng ấu trĩ về niềm tin như vậy.[20]

Mục tiêu phấn đấu của Ki-tô hữu là được vươn đến tầm mức trưởng thành đầy đủ trong mọi phương diện—đức tin, đức cậy, đức mến—trọn vẹn như mẫu gương lý tưởng của Chúa Giê-su Ki-tô.[21]

C. “Đức Tin Sống Nhờ Đức Ái”

Thánh Phao-lô dạy “Đức tin hành động nhờ đức ái”.[22] Mối tương quan giữa đức tin và đức ái ví được như mối tương quan giữa cái đầu với con tim, giữa xác với hồn. Tin một điều cần có lý trí đón nhận và triển khai. Môn thần học chẳng hạn là bằng chứng của “intellectus quaerens fidem”—trí tuệ truy tầm đức tin. Đức tin cần được chuyển hóa thành tâm tình quý mến, yêu thích—một hành trình từ tri thức đến ý chí—với những quyết định thi hành cụ thể. “Những điều phải tin” trở thành “những việc phải làm”. Không có đức tin, việc tuân giữ luật lệ biến thành chuỗi hoạt động máy móc. Kỷ luật luân lý rốt cuộc chỉ là gông ách nô lệ nếu không có ánh sáng đức tin lý giải vì sao phải làm việc nầy và phải tránh việc kia. Trong khi đó, cỗ máy đồ sộ đức tin cần có dòng năng lượng đức ái để bắt đầu vận hành. Hành vi đức ái là chỉ dấu của một đức tin sống động, khỏe mạnh.[23]

D. “Lửa Thử Vàng, Gian Nan Thử Đức”

Một góc cạnh khá quan yếu của công cuộc giáo dục đức tin là đức tin phải kinh qua thử thách để được chứng nhận là một đức tin trưởng thành.

Theo lời dạy của Thánh Phê-rô, những gian khổ, thử thách giúp đức tin được tôi luyện như lửa thử vàng.[24] Trải qua những bước thăng trầm trong cuộc sống, người tín đồ của Chúa Ki-tô biết loại bỏ các yếu tố cảm tính, vụ lợi chen lẫn vào lòng tin, để chỉ giữ lại điều chính yếu. Nói cách khác, người tin được thanh luyện để đón nhận đức tin một cách trọn vẹn, trong sáng, tinh khiết, vững vàng. Chỉ khi nào người tín hữu đã trải qua cuộc tôi luyện như vậy, họ mới tiến đến Thiên Chúa với một đức tin hoàn hảo.[25]
Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.[26]
a) Đức Tin Của Các Thánh Nhân

Trong Bức Thư gởi giáo đoàn Do Thái, Thánh Phao-lô nêu lên nhiều trường hợp các bậc thánh nhân được thanh luyện để trở thành gương mẫu về đời sống đức tin.[27] Tương tự như câu “Thương con cho roi cho vọt”, những biến cố trong cuộc đời các thánh nhân khẳng định chân lý nầy là hễ “Thiên Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy”.[28] Về phía các tín hữu, xét như phận làm con, họ chứng tỏ lòng thảo hiếu khi vui vẻ chấp nhận việc dạy bảo, uốn nắn của Đấng Hiền Phụ trên trời.[29]

b) Đức Tin Của Đức Mẹ

Dựa vào những điều đã nói trên, chúng ta hiểu được vì sao Đấng là Thánh Mẫu cao quý của Thiên Chúa, là tấm gương hoàn hảo cho mọi Ki-tô hữu, lại phải trải qua một hành trình đức tin vô cùng gian khổ. Đức Mẹ đã đi trọn con đường đức tin, với nhiều đoạn dầy đặc bóng tối. Không hề có miễn trừ, chuẩn chước. Không hề buông ra lời than trách. 

Hành trình đức tin của Đức Mẹ nhứt thiết phải là phụ khúc dõi sát Con Đường Thánh Giá của Chúa Giê-su. Mặc cho nhiều đoạn hiểm trở, Đức Mẹ không bao giờ để lạc dấu chân của Chúa Ki-tô. 

Con đường đức tin Đức Mẹ đã dõi theo có những chặng chính yếu như sau: 

- Kinh Ngạc, Bỡ Ngỡ: 

Đây là trạng thái của mọi tín hữu khi bước đầu tiếp cận với đức tin. Không nên lẫn lộn với thái độ nghi hoặc, hoang mang. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”[30] Đây không hề là một lời thối thoát vì sợ trách nhiệm, vì không muốn hy sinh lợi ích cá nhân, càng không phải là vì lòng nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa. Trái lại, đây là một đáp ứng tích cực, sẵn sàng cộng tác. Tuy nhiên, đối diện với thiên cơ vĩ đại, vượt quá tri thức và kinh nghiệm phàm nhân, con người rất thiết tha cần được đón nhận một ơn soi sáng, một lời dẫn giải. “Praestet fides supplementum sensuum defectui”—ơn đức tin—như ngôn từ của Thánh Tô-ma Tiến sĩ—bù đắp chỗ khiếm khuyết của giác quan. 

- Nhẫn Nại, Đợi Chờ

Phản ứng nôn nóng, vội vã không phù hợp khi con người tiếp cận với biết bao lẽ huyền nhiệm của Thiên Chúa. Đức tin dạy bài học khiêm tốn, kiên nhẫn của người tôi tớ biết đợi chờ quyết định của chủ nhân, đơn giản vì thời gian của Người chưa đến.[31]

Chìm sâu vào trong trạng thái chiêm niệm, ánh sáng đức tin giúp con người nhận ra chân lý về thẩm quyền tối thượng của Thiên Chúa, Đấng luôn có phán quyết sau cùng. “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”[32].

- Ôm Chặt Thánh Giá Của Đấng Chịu Đóng Đinh

Giữa cơn giông bão dữ dội, khủng khiếp của tiền tài, danh vọng, quyền lực, lạc thú, hoặc đau khổ, hận thù tuyệt vọng, sợ hãi, thì chẳng còn sức vóc phàm nhân nào có thể chống lưng cho chúng ta, ngoại trừ cây Thánh Giá vẫn luôn cắm chặt bất khả chuyển dịch trên địa cầu như biển báo an toàn. Một khi bám chặt vào phao cứu sống đó, chúng ta nhìn thấy vươn cao trên chóp đỉnh Đấng Thiên Chúa gánh chịu mọi nỗi thương đau, hệ lụy của tội lỗi ác tà trong thân xác con người, với đôi tay lúc nào cũng rộng mở, thủy chung với lời hứa vực dậy tất cả mọi mảng đời, mọi hoàn cảnh, mọi cơ chế, mọi vận hành đang bế tắc, đang trên bờ vực phá sản, hủy diệt.[33]

Thánh Mẫu Chúa Ki-tô đã khám phá, đã sống, và truyền thụ cho chúng ta bí quyết sinh tử khi trực diện với thế lực Ác Tà: “Đứng gần thập giá Chúa Giê-su có Thân Mẫu Người”.[34]

- Liều Không Thể Liều Hơn 

Trong con mắt của phàm phu tục tử, không thể tìm ra từ ngữ hoặc khái niệm nào thích hợp hơn nữa để mô tả, luận giải và thấu triệt hiện tượng đức tin Ki-tô giáo, ngoại trừ cụm từ “Liều Không Thể Liều Hơn”. Đó là vì khi tham chiếu tất cả mọi kinh nghiệm phàm nhân liên quan đến khái niệm chữ “tín”, luôn cần thiết như điều kiện bất khả chuẩn chước, là phải có một thực thể làm điểm quy chiếu cho tri thức, lý luận, và thực nghiệm. Không thể có khoa học nếu các yếu tố vừa nói bị triệt tiêu.

Khi hành động theo đức tin, người tín hữu Chúa Ki-tô có thể ví được như một hành khách trên máy bay, lập tức đáp lời kêu gọi nhảy ra khoảng không gian vô tận, mà chẳng chút bận tâm nghĩ tới việc đã có mang theo dù hay chưa, hoặc liệu có cơ may sống sót nào bên dưới mặt đất sâu hun hút kia hay không. Hình như trong một phản ứng cấp thời, không được báo trước, chẳng có thời gian để cân nhắc, cũng chẳng có cơ may thứ hai để lựa chọn, người được ơn đức tin lao vào khoảng trời cao rộng, bát ngát, như chiếc lá nhẹ nhàng bay lượn trên tấm thảm êm ái của khí quyển, với trạng thái thật bình an, thanh thản, để nương theo làn gió thoảng mà trôi tới chân trời trường cửu, thường hằng, nơi họ xác tín rằng họ sẽ gặp gỡ Cội Nguồn Chân Thiện Mỹ.

Nội dung lời chúc tụng dành cho Thánh Mẫu Chúa Ki-tô diễn đạt hết sức phong phú tính chất “Liều Không Thể Liều Hơn” của hành vi đức tin: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Em”[35]

E. Kết Đề

Năm Đức Tin bàn luận về việc giáo dục đức tin chắc chắn là một đóng góp ý nghĩa cho đời sống đạo của Dân Chúa.

Đức tin trong khung cảnh Ki-tô giáo không đơn giản là lòng tín nhiệm con người dành cho một ai đó hay một thực thể nào đó, với điều kiện đã biết, đã thử nghiệm về mức độ khả tín.

Đức tin Ki-tô giáo trên hết và trước hết là ơn phước Thiên Chúa ban cho con người tùy lòng thương yêu vô điều kiện của Chúa. Ơn đức tin là một giác quan mới, nhờ đó con người tiếp cận Thiên Chúa với thẩm quyền Đấng Cứu Thế, Nguồn Ơn thánh, và phước trường sinh.

Công cuộc giáo dục đức tin đặt trọng tâm phía người đón nhận ơn phước quan trọng nầy: sao cho họ mở rộng lòng mình, dám liều đặt cược số mạng mình nơi quyền năng và tình thương Thiên Chúa.

Một đức tin thực sự trưởng thành—chẳng khô khan, thiếu sinh hồn vì ngột ngạt duy lý, cũng chẳng ướt át do nặng phần cảm tính--không thể không trải qua thử thách để được thanh luyện và kiện toàn. 

Gương các thánh nhân cho thấy không vị nào—kể cả Đức Thánh Mẫu của Chúa Cứu Thế-- được chuẩn chước, và càng không có bất kỳ vị nào xin được miễn trừ, cuộc thanh luyện đức tin tất yếu đó.

------

[1] “Lá Thư Mục Tử Tháng 9, 2012”, Tòa TGM TP HCM. 
[2] Mt 11:25 
[3] Ga 14:6 
[4] Ga 6:44 
[5] Xc Mt 16:17 
[6] Dt 11:1. 
[7] Xc Kinh “Hỡi Miệng Lưỡi Cất Tiếng Lên” (Pange Lingua) của Thánh Tô-ma A-qui-nô: “Praestet fides supplementum sensuum defectui” (“ơn đức tin bù đắp chỗ khiếm khuyết của giác quan”.) 
[8] Dt 11:6. 
[9] Lc 17:5. 
[10] Xc Mc 4:40. 
[11] Xc Mc 9:24. 
[12] Xc Ga 6:60-66. 
[13][13] Xc Ga 13:27. 
[14] Xc Mt 13:18-22. 
[15] Xc 13:21-22. 
[16] Lc 17:6. 
[17] Xc 1 Cr 13:12. 
[18] Xc 1 Cr 3:2. 
[19] Xc 1 Cr 13:11; 1 Pr 2:2. 
[20] Xc Dt 5:11-14. 
[21] Xc Ep 4:13. 
[22] Gl 5:6. 
[23] Xc Gc 2:26. 
[24] Xc 1 Pr 1:6-8. 
[25] Xc Dt 10:22. 
[26] Rm 5:3-5. 
[27] Xc Dt 11:4-32. 
[28] Dt 12:6. 
[29] Xc Dt 12:8-10. 
[30] Lc 1:34. 
[31] Xc Ga 2:4. 
[32] Lc 2:19. 
[33] Xc Ga 12:32. 
[34] Ga 19:25. 
[35] Lc 1:45.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks