ngày tháng năm

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

BIỂU ĐỒ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO

Ðan Quang Tâm

Thế nào là Ðức Tin Ki-tô Giáo Trưởng Thành? Ðức Tin ấy gồm những yếu tố gì?

Dưới đây là những ghi chép và một vài suy nghĩ về một số điểm chính trong bài thuyết trình về đề tài Ðức Tin Kitô Giáo Trưởng Thành do Nữ tu Ann Phượng, dòng SPC, trình bày ngày 24/5/2003 tại Tu Viện Mai Khôi Sài Gòn trước một nhóm giáo dân và một số học viên Lớp Giáo Lý cho Người Trưởng Thành.

Ðể bắt đầu, ta hãy "về nguồn" bằng cách lần giở Sách Công Vụ Tông Ðồ xem anh chị em tín hữu tiên khởi sống niềm tin của mình như thế nào.

Đời Sống của Cộng Đoàn Tín Hữu Đầu Tiên

Sách Công Vụ Tông Ðồ có ba đoạn ghi lại cuộc sống của cộng đoàn tín hữu tiên khởi.

Ta hãy đọc đoạn thứ nhất như sau:
"Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Ðồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (Cv 2, 42-47).

Qua đoạn trên, ta có thể rút ra ba yếu tố cấu thành đời sống Ðức Tin của Hội Thánh tiên khởi:

Hội Thánh là cộng đoàn "các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy". Các Tông Ðồ giảng dạy, loan báo Tin Mừng còn các tín hữu thì chuyên cần lắng nghe. Ðây là đời sống Tín Lý của các tín hữu.

Hội Thánh là cộng đoàn phụng vụ và cầu nguyện: Các tín hữu "luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng", "ca tụng Thiên Chúa". Ðây là đời sống Phụng Tự của các tín hữu.

Hội Thánh là cộng đoàn "hiệp thông, hợp nhất với nhau", và "để mọi sự làm của chung". Ðây là đời sống Luân Lý hoặc Hoạt Ðộng của các tín hữu. Họ phục vụ anh em, họ làm chứng nhân và họ thực hiện những việc ấy một cách rất có hiệu quả, rất nhiệt tình, bằng chứng là họ "được toàn dân thương mến".

Chúng ta vẫn tự hào Ðức Tin Công Giáo của chúng ta là Ðức Tin tông truyền, nghĩa là chỉ có một Ðức Tin Công Giáo. Như vậy, Ðức Tin của chúng ta cũng là Ðức Tin của các Tông Ðồ thời Hội Thánh sơ khai, nghĩa là Ðức Tin của chúng ta cũng có-và phải có đủ-các chiều kích nói trên.

Ba Chiều Kích của Đức Tin

Dựa vào Sách Giáo Lý Công Giáo, nhất là bố cục của sách, ta có thể rút ra những nhận định sau đây:

Nếu "Ðức Tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Ðấng tự mặc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời mình" (SGLCG, 26), thì Ðức Tin toàn vẹn phải thể hiện sự đáp trả toàn diện của con người toàn diện trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

1. Tin là một hành vi của Lý Trí, một sự hiểu biết trong tình yêu, xác tín vào điều Thiên Chúa mặc khải, được diễn đạt qua Kinh Tin Kính (chiều kích Tín Lý);
2. Tin là hành vi thờ phượng, sống tương quan thân tình, thể hiện Tình Cảm đối với Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua đời sống cầu nguyện và bí tích (chiều kích Phụng Tự); và
3. Tin còn là hành động, là dấn thân phục vụ, yêu thương anh chị em đồng loại, một hành vi của Ý Chí trong tự do, được thể hiện bằng cách sống tinh thần Bát Phúc và tuân giữ Mười Ðiều Răn (chiều kích Luân Lý).

Một Ðức Tin Ki-tô giáo vẹn toàn, trưởng thành, do đó, nhất thiết phải hội đủ cả ba chiều kích Tín Lý, Phụng Tự và Luân Lý. Thiếu chiều kích nào, Ðức Tin kể như vẫn còn khiếm khuyết. Có thể ví các chiều kích ấy như ba cạnh của một tam giác. Phải có đủ cả ba cạnh thì mới làm nên một tam giác.

Ðức Tin đó cũng phải bao gồm cả ba phương diện Lý Trí, Tình Cảm và Ý Chí. Lý Trí để hiểu, học hỏi và đào sâu Tín Lý. Tình Cảm để mến yêu trong Cầu Nguyện, Phụng Tự. Còn Ý Chí để sống cuộc sống Luân Lý, vốn đòi buộc nhiều hy sinh từ bỏ.

Sống Ðức Tin toàn diện cả về ba mặt Lý Trí, Tình Cảm và Ý Chí cũng là điều Chúa chúng ta đòi hỏi khi Người tuyên bố: "Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó" (Mc 12, 29-31).

Biểu Ðồ Ðức Tin Công Giáo

Ðể minh hoạ cho những điều vừa nói, ta có thể sử dụng biểu đồ dưới đây để diễn tả Ðức Tin của Công Giáo của chúng ta:

Tam giác tượng trưng cho toàn bộ Ðức Tin Công Giáo gồm ba thành phần là Tín Lý (các chân lý Ðức Tin/tín điều), Luân Lý (Mười Ðiều Răn, Bát Phúc, Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo) và Phụng Tự (việc cầu nguyện và các bí tích).

Bên trong tam giác, ta có một vòng tròn, nối kết cả ba cạnh của tam giác, tức ba chiều kích của Ðức Tin, trên nền tảng chính thống, chân truyền (hiểu đúng về Ðức Tin) và việc thực hành đời sống đạo (thực hành Ðức Tin, sống Ðức Tin). Ba nguồn chính nuôi dưỡng việc hiểu đạo và sống đạo là Kinh Thánh và Truyền Thống, Huấn Quyền của Hội Thánh và Kinh Nghiệm Sống

Vòng tròn nội tiếp với tam giác muốn nói Ðức Tin chân chính phải đi đôi với việc thực hành sống đạo; cả hai phải bao gồm, gắn kết, chi phối cả ba cạnh tam giác, nghĩa là Ðức Tin phải có đủ cả ba chiều kích: Tín Lý, Luân Lý và Phụng Tự.

Thuật ngữ trong ngoặc vuông ở gần ba cạnh tam giác: [chủ nghĩa giáo điều], [chủ nghĩa hoạt động] [chủ nghĩa nghi lễ] biểu thị một Ðức Tin khiếm khuyết, chỉ thực hành có một khía cạnh mà thôi. Nếu Ðức Tin giảm sút chỉ có mỗi một khía cạnh là Giáo Lý thôi thì nguy cơ là chủ nghĩa giáo điều sẽ phát sinh; còn nếu chỉ có mỗi khía cạnh Luân Lý thôi thì hậu quả của sự khiếm khuyết ấy sẽ là một thứ chủ nghĩa hoạt động duy luân lý. Còn chỉ có đời sống Cầu Nguyện, Phụng Tự thôi thì đó chẳng qua chỉ là một thứ chủ nghĩa nghi lễ. Cả ba thứ "chủ nghĩa" này đều không chuyển tải được toàn bộ "Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô", đều không biểu đạt, thể hiện được toàn bộ Ðức Tin Công Giáo.

Trong thực tế, một số người, do không được học hỏi nhiều và đào sâu về Tín Lý, nghĩa là họ thiếu nền tảng vững chắc là chân lý của Ðức Ki-tô, nên việc Cầu Nguyện và Thờ Phụng của họ chỉ là một thứ đạo đức tình cảm, thậm chí chỉ là sự tôn thờ ngẫu tượng nhuốm màu sắc mê tín. Trái lại, thiếu đời sống Cầu Nguyện và việc Thờ Phụng chân thực, nhiều người bị dẫn dắt "tin theo sự dối trá, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ" (2 Th 2, 11. 10).

Mỗi đỉnh của tam giác diễn tả trường hợp hai cạnh gặp nhau nhưng thiếu cạnh thứ ba là cạnh đối diện với đỉnh:

Ðỉnh bên trái của tam giác biểu thị những người chấp nhận Tín Lý Công Giáo và đời sống Phụng Tự trong đạo nhưng lại bỏ qua cạnh đối diện, tức đời sống Luân Lý Công Giáo. Họ có xu hướng mộ đạo, mê tín điều nhưng lại hạ thấp hoặc bỏ qua vai trò quan trọng của Luân Lý - tức là việc đi theo Ðức Kitô bằng cách làm chứng cho Ðức Tin, "làm", "thực hành" Tín Lý trong sự phục vụ tha nhân tận tình với lòng mến yêu tha thiết.
Thánh Gia-cô-bê quả quyết: "Ðức Tin không có Hành Ðộng thì quả là Ðức Tin chết" (Gc 2, 17).

Ðỉnh trên cùng của tam giác, ngược lại, biểu thị những ai chấp nhận Tín Lý Công Giáo và hành động, sống đời sống Luân Lý nhưng lại bỏ qua vai trò không kém phần quan trọng của đời sống Cầu Nguyện, Phụng Tự gắn liền với các bí tích. Những người này thường rơi vào một thứ "chủ nghĩa hoạt động-ý thức hệ". Khẩu hiệu họ nêu ra là "đòi hỏi sự công bằng", "ưu tiên cho những người nghèo", thoạt nghe có vẻ rất chính đáng, xem chừng lại là việc rất cấp bách, đã có thời từng ngự trị, đè bẹp mất bản chất "Ki-tô hữu" của họ. Vì không được nuôi dưỡng bằng lời Cầu Nguyện và đời sống Phụng Vụ với các bí tích, nên theo thời gian, động cơ cho các hoạt động của họ đâm ra lụi tàn hoặc thậm chí biến mất. Có lẽ họ thiếu thái độ mà Ðức Giê-su gọi là "hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (Mt 26, 41).

Sau cùng, Ðỉnh bên phải biểu thị những ai có đời sống Luân Lý và Phụng Tự nhưng lại bỏ qua nền tảng Tín Lý (họ thuộc loại người hoạt động-lý tưởng hóa). Phải nhận rằng họ rất nhiệt tình và có thiện chí, có phần rất nôn nóng muốn ra tay ngay để giúp đỡ người nghèo và những người bị áp bức. Nhưng họ thiếu nền tảng Tín Lý, tức là các chân lý làm nền tảng cho những hoạt động xã hội Ki-tô giáo chân chính (như niềm xác tín rằng để sinh nhiều hoa trái, mình phải là cành nho gắn kết vào cây nho thật là Ðức Giê-su, Thày Chí Thánh).

Kết Luận

Có thể nói một cách hình tượng, đời sống Ðức Tin trưởng thành, vững chắc, giống như một chiếc kiềng ba chân, phải hội đủ cả ba chiều kích Tín Lý, Luân Lý và Phụng Tự.

Còn dựa vào Kinh Thánh và Phụng Tự của Hội Thánh, ta có thể nói như thế này về Ðức Tin Ki-tô giáo Trưởng Thành:
"Tin vào Chúa Giêsu"(Cv 16, 31) có nghĩa là
"giữ các giới răn của Người"(1 Ga 2, 3), và
cầu nguyện "nhờ Người, cùng với Người và trong Người" (Kinh Nguyện Thánh Thể), miệng lập lời khẩn nguyện của những Ki-tô hữu tiên khởi: "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến" (Kh 22, 20).

Suy cho cùng, Biểu Ðồ Ðức Tin Công Giáo chỉ là một mô hình sống Ðức Tin mà ta nhắm tới, nhìn vào để xét mình, sửa mình, điều chỉnh lối sống sao cho ta càng ngày càng trưởng thành trong Ðức Tin, hơn là một mục tiêu ta đã đạt để mà hãnh diện đem khoe.







Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks