ngày tháng năm

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Từ thiện và niềm tin

Giang Lê 

Hai bài viết của 2 trí thức trẻ mà tôi rất ngưỡng mộ làm tôi (và chắc không ít người đọc khác) có nhiều suy nghĩ. Bài đầu của anh Giáp Văn Dương về niềm tin, bài thứ hai về sự thờ ơ của anh Nguyễn Đắc Kiên. Nếu chưa đọc bạn nên bỏ ra vài phút đọc 2 nguyên bản, dù có thể phải trèo tường lửa. 

Giáp Văn Dương đúc kết kinh nghiệm sống và làm việc ở các nước phát triển cho rằng họ giàu vì họ tin nhau. Trong khi đó ở VN càng ngày niềm tin càng khó kiếm, một phần vì nó đã bị bào mòn trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thời bao cấp đói khổ, rồi thị trường thực dụng, một phần vì người VN đã đánh mất ít nhiều tính trung thực, vốn là một giá trị lâu đời. Nguyễn Đắc Kiên, nhìn từ vụ xử Đoàn Văn Vươn, chỉ ra sự thờ ơ, vô trách nhiệm không chỉ của những vị quan tòa xử án mà đã tràn lan trong xã hội VN hiện tại. Từ góc độ này Nguyễn Đắc Kiên cũng đi đến kết luận rằng niềm tin vào xã hội, vào công lý của người dân đang dần biến mất. 

Hơn 10 năm trước tôi được đọc một số bài viết của Robert Putnam và James Coleman, trong đó đặt niền tin (trust) vào trung tâm của khái niệm vốn xã hội (social capital). Mặc dù giới kinh tế học chưa thực sự thừa nhận khái niệm này, những gì trường phái New Institutional Economics (NIE) cổ súy rất gần với Putnam, Coleman và các nhà xã hội học khác kết luận về vai trò của social capital với sự thịnh vượng xã hội. Trust dưới cái nhìn của Ronald Coase là một yếu tố giúp giảm transaction cost cho các hoạt động kinh tế. Trust cũng là nền tảng của informal rules, một nửa quan trọng tạo nên các institution trong xã hội theo Douglass North. 

Dưới cái nhìn của Giáp Văn Dương và Nguyễn Đắc Kiên, trust hay nói rộng hơn là social capital của VN đang mất dần. Không "tế nhị" như Giáp Văn Dương, Nguyễn Đắc Kiên thẳng thừng "tuyên án" chế độ hiện tại là tội đồ làm mất dần thứ vốn vô cùng quí giá và khó xây dựng này của dân tộc Việt. Tôi rất tâm đắc với cả hai bài viết và muốn thảo luận thêm về social capital, nhưng đó không phải là mục đích chính của entry này. Tôi đặt tựa đề của entry là Charity vì muốn quảng bá một ý tưởng rất hay mà tôi tình cờ đọc được trên Quora và đã share trên Google Plus cách đây mấy tuần. 

Tác giả của bài viết đó được một người bạn dắt đến một quán cafe, ở đó một số khách hàng khi đến mua trả tiền thêm cho một vài ly cà phê mà họ không uống. Những ly cà phê đã được trả trước này, gọi là suspended coffee (cà phê "treo"), được chủ quán phục vụ cho những người vô gia cư hoặc nghèo khó đến quán sau đó. Đọc câu chuyện này làm tôi nhớ đến những bài báo về các quán cơm từ thiện 1-2 nghìn đồng ở VN, nơi mà nhiều nhà hảo tâm đến ăn một đĩa cơm rồi để lại vài trăm nghìn/vài triệu đồng như một cách đóng góp thầm lặng và tự nguyện. Tôi đánh giá cao yếu tố thầm lặng và tự nguyện này của ý tưởng suspended coffee. Đây là một cách đóng góp tình nguyện trực tiếp, không cần thông qua một tổ chức trung gian và rất thiết thực. Nhà hảo tâm có thể đóng góp rất nhiều lần dù mỗi lần chỉ là một số tiền nhỏ vì (nói theo thuật ngữ kinh tế) transaction cost đã được giảm thiểu. 

Ý tưởng này có thể dễ dàng nhân rộng, thay vì phải có đầu tư ban đầu khá tốn kém như những quán cơm 1-2 nghìn, hàng trăm địa điểm từ thiện có thể mọc lên tận dụng ngay "infrastructure" của những hàng quán, xe hàng rong hiện hữu ở gần các bệnh viện, bến xe, khu phố nghèo. Không chỉ cà phê "treo", rất có thể sẽ có xôi "treo", phở "treo", bánh mì "treo", vé xe đò "treo", cắt tóc "treo", hay thậm chí 10 phút điện thoại liên tỉnh "treo" cho những em nhỏ đi làm xa nhà có thể gọi điện về cho người thân. Chỉ cần một tổ chức nào đó đứng ra vận động và in những tờ decal hay sticker có dấu hiệu dễ nhận để các chủ quán tham gia dán lên cửa cho mọi người (muốn giúp và cần giúp) cùng biết. 

Nhưng, vâng ở đời không tránh được chữ nhưng. Sau khi có 24 bạn ủng hộ ý tưởng này trên Google Plus của tôi, một comment xuất hiện lo ngại rằng làm sao tin được các chủ quán sẽ chia sẻ lại những phần đóng góp trước đó cho những người nghèo khó cần giúp đỡ. Tôi tin cộng đồng sẽ có nhiều sáng kiến để giám sát và nâng cao hiệu quả của ý tưởng này. Ví dụ những hàng quán tham gia sẽ do cộng đồng bình chọn trên các social network. Xét cho cùng những người bình chọn sẽ là những người biết rõ chủ quán có phải là người tử tế và trung thực hay không, rồi cũng chính những người bình chọn sẽ là những người sẽ mua hàng "treo" ở những hàng quán đó. Tôi tin xã hội này vẫn còn rất nhiều hàng quán lương thiện, trung thực, và cộng đồng đủ tinh tường để phân biệt họ với những nơi làm ăn chụp giật, bất chấp đạo lý. 

Nhưng, lại nhưng :-), entry này mở đầu với trust và social capital của Giáp Văn Dương và Nguyễn Đắc Kiên, tôi sẽ để lại việc mổ xẻ, phân tích và triển khai ý tưởng thiện nguyện này cho các bạn (đã có một số bạn trẻ thông báo sẽ tìm cách thực hiện - cám ơn các bạn rất nhiều). Khi tôi đưa link từ Quora lên Google Plus tôi đã thoáng lo ngại về vấn đề trust và expect sẽ có người sớm chỉ ra vấn đề này. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị khi thấy comment về trust chỉ được nêu ra sau khi đã có 24 người ủng hộ, rất nhiều người vẫn còn niềm tin vào sự lương thiện trong xã hội. Có lẽ Dương và Kiên đã quá bi quan khi cho rằng trust trong xã hội VN hiện tại không còn mấy? Rất mong như vậy! 

Nhưng dù có bi quan, 2 trí thức này đã đưa ra giải pháp để củng cố social capital cho xã hội VN. Với Giáp Văn Dương đó là hãy sống trung thực hơn, lòng tin không thể tồn tại trong một xã hội toàn điều giả dối. Với Nguyễn Đắc Kiên sự thờ ơ, vô trách nhiệm sẽ bị triệt tiêu nếu có thêm nhiều cá nhân dám dũng cảm lên tiếng và hành động trước những bất công xã hội. Tôi xin góp một giải pháp nhỏ nữa: hãy làm từ thiện cách này hay cách khác. Truyền thống "lá lành đùm lá rách" là một dạng social capital tuyệt vời của dân tộc Việt, chúng ta cần giữ gìn và nhân thêm. Tôi chia sẻ quan điểm "từ thiện không cứu rỗi được thế giới" nhưng mỗi điều thiện chúng ta làm được, nhất là những việc nhỏ và âm thầm, sẽ giúp xây dựng lại trust và social capital đang bị hủy hoại trong xã hội hỗn mang hiện tại. 

30/04/2013 
Nguồn blog kinhtetaichinh

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks