ngày tháng năm

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

DẤN THÂN CHÍNH TRỊ HÔM NAY

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT 

Chính trị vốn là một lãnh vực phức tạp. Đối với nhiều người, đó là một vùng đất “ô nhiễm bẩn thỉu”. Trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội Việt Nam hiện tại, lãnh vực và ngay cả hạn từ “chính trị” còn bị nhiều người xem là rất “nhạy cảm”. 

Bài viết này không nhằm trình bày một lập trường hay chọn lựa chính trị nào, cũng không nhằm tóm lược toàn bộ giáo huấn về chính trị của Hội Thánh, mà chỉ muốn khơi gợi, dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, một vài suy tư về việc người tín hữu dấn thân sống đức tin trong lãnh vực phức tạp và rất “nhạy cảm” này, giữa bối cảnh xã hội cụ thể của chúng ta hôm nay. 

I. Một số vấn đề quan trọng 

Trong lãnh vực chính trị, chúng ta đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề lớn, ví dụ: sửa đổi Hiến Pháp, quốc nạn tham nhũng, các vấn nạn môi sinh, các vấn nạn công lý, các vấn đề nhân quyền, các vấn đề quản trị và cơ quan thẩm quyền... Nhưng những vấn đề đó, mặc dù quan trọng, không phải là để tài được bàn đến trong phần này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói đến những vấn đề mang tính tổng quát và nguyên tắc, cấp thiết đối với việc sống đức tin trong sự dấn thân chính trị của các Kitô hữu Việt Nam hôm nay. 

Thiết nghĩ, trong bối cảnh chính trị và xã hội cụ thể hiện nay của chúng ta tại Việt Nam, và trong tình cảnh cụ thể của Giáo Hội Việt Nam, có ba vấn đề lớn, quan trọng và cấp thiết mà các Kitô hữu dấn thân và/hoặc quan tâm đến lãnh vực chính trị, được mời gọi chú tâm. Đó là việc (1) góp phân xây dựng một nền dân chủ thực sự; (2) ý thức trách nhiệm của người tín hữu phải dấn thân phục vụ trong chính trị; và (3) tôn trọng sự đa nguyên trong những dấn thân chính trị.

1. “Hội Thánh đánh giá cao hệ thống dân chủ”[1]

Thật ra, “Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục tiêu mà Người chỉ định cho Hội Thánh thuộc phạm vi tôn giáo... Do sứ mệnh và bản chất, Hội Thánh không cấu kết với bất cứ hình thức văn hóa hay hệ thống chính trị, kinh tế hoặc xã hội nào”.[2] Thông điệp ‘Quan tâm đến vấn đề xã hội’ công nhận rằng Giáo Hội không đề xuất các hệ thống hoặc chương trình kinh tế và chính trị, mà cũng chẳng nhất quyết ủng hộ hệ thống này hơn hệ thống khác.[3] Tuy nhiên, như thực tế đang minh chứng, sự thành công và phát triển của chế độ dân chủ tại khắp nơi trên thế giới là một sự thật không thể phủ nhận. 

Trong sứ điệp truyền thanh nhân dịp Lễ Giáng Sinh năm 1944, Đức giáo hoàng Piô XII đã đưa ra những lý giải về tính chính đáng của chế độ dân chủ và về những lợi ích mà người ta có thể trông đợi ở nó. Ngài ghi nhận: “Ngày nay, hình thức chính phủ dân chủ xuất hiện ở nhiều nơi như là một yêu cầu tự nhiên, xuất phát từ đòi hòi của lý trí”.[4]

Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Hội Thánh đánh giá cao hệ thống dân chủ, xét như một hệ thống bảo đảm cho người công dân được quyền tham gia vào các lựa chọn chính trị, đồng thời bảo đảm cho những người dân vừa được quyền chọn lựa và kiểm soát những người cầm quyền, vừa được quyền thay đổi họ bằng những phương thế ôn hòa khi điều đó tỏ ra thích hợp. Như vậy, Hội Thánh không thể tán thành thể chế chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ”.[5]

Tuy nhiên, Hội Thánh cũng không hề làm ngơ trước những hạn chế và những điều tiêu cực của hệ thống dân chủ. Hội Thánh biết rằng: một đàng, hệ thống dân chủ đang là hệ thống tốt nhất bảo đảm cho sự tham dự của người dân vào những chọn lựa chính trị, nhưng đàng khác, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu nền dân chủ được đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người.[6]

“Chỉ có thể có nền dân chủ đích thực nơi những quốc gia được cai trị bằng luật pháp và dựa trên một quan niệm đúng đắn về con người. Muốn như thế cần phải có những điều kiện cần thiết để vừa thăng tiến cá nhân thông qua việc giáo dục và đào tạo theo những lý tưởng chân chính, vừa phát triển xã hội trong tư cách là chủ thể, bằng cách lập ra những cơ chế cho mọi người cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm”.[7] “Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ là kết quả của việc tuân thủ máy móc các luật lệ, mà là kết quả của một sự chấp nhận với niềm xác tín các giá trị đưa tới các tiến trình dân chủ như: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Nếu không có sự đồng thuận chung về các giá trị ấy, nền dân chủ sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa nhất của nó và tình trạng ổn định của nền dân chủ sẽ bị phương hại. Học thuyết xã hội của Giáo Hội coi chủ nghĩa tương đối về đạo đức, chủ trương không có những tiêu chuẩn khách quan hay phổ quát để dùng làm nền tản cho chúng ta sắp xếp thang giá trị cách đúng đắn, là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các nền dân chủ hiện nay”[8]

Trong cái nhìn đó, giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề cao việc người tín hữu dấn thân thúc đẩy tiến trình thăng tiến dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Và một sự dấn thân Kitô giáo đích thực trong lãnh vực chính trị sẽ không thể chấp nhận để cho các Kitô hữu bị biến thành công cụ “tán thành thể chế chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ”.[9]

2. Các tín hữu “có quyền lợi và bổn phận phải tham gia vào chinh trị'”[10]

Do nhiều yếu tố thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, hiện nay, một số rất đông người Công giáo Việt Nam e dè và sợ hãi khi nói đến các vấn đề chính trị và sự dấn thân phục vụ cũng như làm chứng tá cho Tin Mừng trong lãnh vực này. Thậm chí nhiều người còn chủ trương một cách mạnh mẽ rằng người tín hữu Công giáo thì ‘không làm chính trị’. Và điều này, trong thực tế hiện nay, đang gây ra nhiều bất đồng không đáng có nhưng lại rất nguy hại trong nhiều cộng đoàn tín hữu. 

Quả đúng thực rằng giáo sĩ và tu sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị.[11] Nhưng sự việc lại hoàn toàn khác đối với các tín hữu giáo dân. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội quả quyết một cách rõ ràng: “Đối với tín hữu giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ người khác”.[12]

Trong một bản văn rất quan trọng của Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, khi bàn đến sự dấn thân chính trị và các cộng đoàn chính trị, Thánh Công đồng Vatican II khẳng định: “Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này”.[13] Như thế, ai chủ trương rằng người Kitô hữu đừng đưa vai gánh vác những nhiệm vụ chính trị và đừng dấn thân vào lãnh vực chính trị, người đó nói ngược với điều mà các nghị phụ của Thánh Công đồng đã công bố. 

Đức giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các Kitô hữu dấn thân vào lãnh vực chính trị,[14] sau khi xác quyết rằng: “Chính trị là một phương thức rất đòi hỏi - nhưng không duy nhất - để sống đời dấn thân Kitô hữu nhằm phục vụ tha nhân. Tuy không giải quyết hết mọi vấn đề, chính trị cố gắng mang lại những giải pháp cho những quan hệ giữa người với người”.[15]

Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II có lẽ là vị cha chung tha thiết nhất đối với bổn phận tham gia chính trị của các tín hữu giáo dân. Trong Christifideles laici, ngài viết: “Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, tức là “đem đạo vào đời” theo ý nghĩa phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân không thể nhất quyết từ chối tham gia vào “chính trị”, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái, kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh văn hóa, có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ chế. Các nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhiều lần quả quyết điều này là mọi người và mỗi người có quyền lợi và bổn phận phải tham gia vào chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau và bổ túc cho nhau, trên nhiều mức độ khác nhau cũng như trong các bổn phận và trách nhiệm khác nhau”.[16]

Trả lời cho lời phản đối của những người Công giáo chống lại việc tham gia chính trị viện cớ những rủi ro luân lý, Đức chân phước giáo hoàng viết: “Chúng ta thường thấy những nhà cầm quyền, nghị sĩ, giai cấp cai trị và các đảng phái chính trị bị tố cáo là những kẻ cơ hội, tôn thờ quyền bính, ích kỷ, tham nhũng. Chúng ta cũng thấy dư luận quần chúng đó đây bảo rằng chính trị chỉ là nơi vô luân lý. Thế nhưng tất cả những lời khinh khi này không cách nào bào chữa được cho người Công giáo trốn tránh chính trị hay nghi ngờ việc chung”[17]

Năm 2009, Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI viết: “Dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế qui định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, với cách thức này đời sống xã hội trở thành POLIS (thành phố). Chúng ta càng nỗ lực bảo đảm công ích cho phù hợp với những nhu cầu đích thực của tha nhân, thì chúng ta càng yêu thương họ cách hiệu quả. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để thực hành đức bác ái này theo cách thế phù hợp với ơn gọi của mình và theo mức độ ảnh hưởng mình có trong polis. Đó là con đường mang tính cơ chế - người ta cũng có thể nói mang tính chính trị - của bác ái, con đường tuyệt hảo và hiệu quả không thua kém gì hình thức bái ái khi trực tiếp gặp gỡ tha nhân, bên ngoài trung gian cơ chế của polis”.[18]

Tình cảnh của thế giới chúng ta đang sống mạnh mẽ đòi hòi sự dấn thân của các Kitô hữu. “Chúng ta hãy nghĩ đến vô số xúc phạm mà phẩm giá của nhân vị con người đang phải chịu hôm nay. Một khi không được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá của mình là hình ảnh sống động của Thiên Chúa (X. St 1, 26), con người làm mồi cho những hình thức nhục nhã và lệch lạc nhất là ‘biến họ thành dụng cụ’, thành nô lệ cho thế lực mạnh hơn một cách khốn khổ. ‘Thế lục mạnh hơn’ này có thể mang nhiều bộ mặt khác nhau: ý thức hệ, quyền lực kinh tế, những hệ thống chính trị phi nhân, hình thức kỳ trị khoa học, sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông xã hội. Một lần nữa, chúng ta đang đối diện với một quần chúng là những anh chị em của chúng ta, bị xúc phạm trong những quyền căn bản, đôi khi là hậu quả của thái độ dung túng quá đáng, thậm chí của sự bất công rành rành của một số luật dân sự: quyền được sống và toàn vẹn thân thể, quyền có nhà ở và việc làm, quyền có gia đình và sinh sản có trách nhiệm, quyền được tham dự vào sinh hoạt công cộng và chính trị, quyền được tự do lương tâm và tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình...”[19]. Những hoàn cảnh hiện tại trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, các thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa mà chúng ta đang sống của thế giới hôm nay... rõ ràng đang đòi hỏi những Kitô hữu giáo dân phải dấn thân thật sự, dấn thân một cách kiên nhẫn, một cách mạnh mẽ, một cách hữu hiệu vì công lý và hòa bình. “Nếu trước đây, sự làm ngơ bổn phận này đã là điều không the chấp nhận được, thì hiện giờ, thái độ đó lại càng đáng bị khiển trách hơn”.[20]

3. Tôn trọng tính đa nguyên chỉnh trị của các Kitô hữu 

Sự dấn thân xã hội đích thật Kitô giáo, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, luôn bao hàm đòi hỏi tôn trọng tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu. 

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay tại Việt Nam chúng ta, do những yếu tố chủ quan và khách quan, không phái lúc nào tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu cũng được tôn trọng, từ phía bên trong cũng như từ phía bên ngoài các cộng đoàn tín hữu, từ phía bên dưới cũng như từ phía bên trên trong nội bộ các cộng đoàn tín hữu. Nhiều giáo dân bị cám dỗ đòi buộc các giáo sĩ phải lấy cùng một lập trường chính trị với mình, và ngược lại. 

Công đồng Vatican II đã công nhận sự chính đáng và chính thống của tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu. Khi bàn về trách nhiệm của các tín hữu giáo dân, trong tư cách là công dân của thế giới, một cách cá nhân cũng như tập thể, hoạt động trong các lãnh vực sinh hoạt nhân loại. Công đồng đã nói như sau về các dị biệt trong ý kiến và trong sự dấn thân: “Thông thường, nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các Kitô hữu lựa chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, với cùng một sự thực tâm, sẽ có thể thẩm định một cách khác về cùng một vấn đề, như vẫn thường xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn có thể là hợp lý và chính đáng. Nhiều người dễ dàng gán ghép sứ điệp Tin Mừng với những giải pháp mà họ đề ra, cho dù nhiều khi sự gán ghép đó nằm ngoài ý muốn của họ. Cần nhớ rằng, trong các trường hợp như thế, không ai được độc quyền lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng”.[21]

Đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Trong những hoàn cảnh cụ thể và liên hệ đến tình liên đới mà mỗi người sống, phải công nhận là có rất nhiều chọn lựa khả dĩ và hợp pháp khác nhau. Cùng mội đức tin Kitô, có thể dẫn đến những dấn thân khác nhau. Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu lãnh lấy một nhiệm vụ kép vừa làm sinh động vừa đổi mới, hầu làm cho những cơ cấu được tiến bộ, để chúng thích ứng với những nhu cầu đích thực hiện tại. Đối với các Kitô hữu thoạt tiên có vẻ như đối nghịch nhau do có những chọn lựa khác nhau, Giáo Hội yêu cầu họ cố gắng hiểu nhau về quan điểm và động cơ của người kia; một sự kiểm điểm trung thực những cách thể của người kia và sự ngay thẳng của cách thế xử sự sẽ gợi ra nơi mỗi người một thái độ bác ái sâu sắc hơn, thái độ đó, dù vẫn hoàn toàn nhận biết sự khác biệt, vẫn tin tưởng hơn vào những khả năng đồng quy và hiệp nhất. Những gì nối kết các tín hữu thật ra còn mạnh hơn những gì chia rẽ họ”.[22]

"Niềm tin Kitô giáo không bao giờ chủ trương đóng khung các vấn đề xã hội - chính trị vào một khuôn cứng nhắc, nhưng ý thức rằng chiều hướng lịch sử của cuộc sống đòi hỏi con người phải sống trong những tình huống bất toàn và thường đổi thay nhanh chóng”.[23] “Giáo Hội không có nhiệm vụ đưa ra những giải pháp cụ thể - càng không là những giải pháp độc nhất - cho những vấn đề trần thế mà Thiên Chúa đã dành để cho sự phán đoán tự do và có trách nhiệm của mỗi người, cho dù Giáo Hội có quyền và bổn phận nói lên các phán đoán luân lý về các thực tại trần thế khi đức tin và luật lệ luân lý đòi hỏi”.[24]

Dĩ nhiên, sự tôn trọng tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu không đồng nghĩa với việc dễ dãi chấp nhận chủ nghĩa tương đối về luân lý. “Sự tự do chính trị không được đặt nền và cũng không thể được đặt nền trên ý tưởng tương đối chủ nghĩa cho rằng mọi quan niệm về sự thiện hảo dành cho con ngưòi đều có chân lý và giá trị như nhau".[25]

"Huấn quyền của Giáo Hội không hề muốn thực thi một quyền lực chính trị hoặc loại bỏ sự tự do ý kiến của những người Công giáo về các vấn đề luôn đổi thay. Nhưng theo đúng chức năng của mình, Huấn quyền muốn huấn luyện và soi sáng lương tâm của các tín hữu, nhất là của những người dấn thân vào sinh hoạt chính trị, ngõ hầu hoạt động của họ luôn luôn phục vụ sự thăng tiến toàn diện con người và công ích”.[26] “Tuy nhiên, người ta đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mệnh ấy. Nhưng tốt hơn là chính các tín hữu giáo dân, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và trong sự cẩn thận trung thành với các giáo huấn của Huấn quyền, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình”.[27]

II. Những đòi hỏi căn bản và đặc thù 

Liên quan đến việc dấn thân trong lãnh vực chính trị, người tín hữu Chúa Kitô được mời gọi phải chú ý đến những đòi hỏi căn bản và đặc thù trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay. Thiết nghĩ, những đòi hỏi đó bao gồm những yếu tố sau đây 

1. Tôn trọng sự thật 

“Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm, sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả, xứng với phẩm giá của những con người. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý”.[28]

Có một sự thật về thế giới và xã hội trong đó chúng ta đang sống. Theo quan điểm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thế giới hiện đại một đàng mang cái dung mạo của một thế giới trong đó những quyền của con người bị chà đạp, bị khinh miệt bởi một số người, và đôi khi, đó là những người đang cầm quyền thống trị; nhưng đàng khác, thế giới chúng ta đang sống cũng được ghi dấu bởi một khát vọng, một ý thức, một nỗ lực của rất đông những con người muốn đề cao nhân quyền, đề cao phẩm giá của con người.[29] Và chúng ta được mời gọi đối diện với cái thế giới ấy, được mời gọi can đảm nhìn thẳng vào cái thế giới ấy, đi vào trong cái thế giới ấy, dấn thân trong tư cách là Kitô hữu. 

Có một sự thật là người nghèo đang bị chà đạp. Có một sự thật là bất công lan tràn. Có một sự thật là trong thể chế hiện tại luôn xảy ra nguy cơ chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ. Giáo Hội mời gọi cách riêng các Kitô hữu giáo dân dấn thân đi vào trong cái thế giới của bất công, của bạo lực nhưng đồng thời cũng lại là cái thế giới mà nhân quyền cần phải được khẳng định đó. 

2. Tôn trọng công ích và công lý 

Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Một đường lối chính trị vì dân, vì nước sẽ luôn luôn lấy công ích làm tiêu chuân căn bản... Hơn nữa, một đường lối chính trị vì dân vì nước thì phải chọn đường hướng trường kỳ là bênh vực và cổ võ công lý”.[30]

Công đồng Vatican II đã quả quyết rằng: “Công ích là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý thiết yếu cho các tổ chức chính trị”[31]. Nói như thế có nghĩa là Hội Thánh dạy cho chúng ta biết rằng, khi một tổ chức chính trị mà không còn chú tâm lo cho công ích, không còn chú tâm lo cho thiện ích chung nữa, thì tổ chức chính trị ấy không còn căn bản pháp lý, không còn ý nghĩa và không còn lý do để tồn tại. Nếu một tổ chức chính trị chỉ chăm lo cho quyền lợi riêng của mình hay lợi ích nhóm của riêng mình, thậm chí của những lãnh tụ cao cấp của mình, thì tổ chức chính trị ấy, dưới quan điểm của công đồng Vaticanô II, đã đánh mất đi lý do tồn tại, đánh mất đi ý nghĩa và căn bản pháp lý của mình. 

Thánh Công đồng chi rõ: “Công ích nói đây bao gồm tất cả điều kiện của đời sống xã hội, nhờ những điều kiện cá nhân này, gia đình và đoàn thể có cơ hội phát triển trọn vẹn và dễ dàng hơn”.[32]

3. Tinh thần phục vụ 

“Việc thi hành quyền bính chính trị phải đặt nền trên tinh thần phục vụ. Tinh thần phục vụ, cùng với khả năng chuyên môn và hiệu năng cần có là điều kiện thiết yếu làm cho hoạt động của các chính trị gia được trong sáng và liêm khiết. Hơn nữa, đây cũng là đòi hỏi rất chính đáng của dân chúng. Muốn vậy cần có sự đấu tranh công khai và thẳng thắn để chiến thắng những khuynh hướng xấu xa, như: việc sử dụng những phương cách hành xử bất chính, gian dối và mờ ám, sự biển thủ công quỹ nhằm trục lợi của một số người, việc sử dụng những phương thế mờ ám và bất hợp pháp để bằng mọi giá chiếm đoạt, duy trì và bành trướng quyền hành”[33]. Đức Thánh Cha nói rõ rằng những thứ đó là những khuynh hướng xấu xa mà người Kitô hữu phải công khai và thẳng thắn chiến đấu chống lại. 

4. Tình yêu, tình liên đới và lòng yêu chuộng hòa bình 

Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng đức ái không được tách rời khỏi công lý, tức là đừng ai nhân danh đức ái Kitô Giáo để phủ nhận những tiếng gọi khát khao, những khát vọng về công lý của con người. Ngài viết rõ: “Đức Ái yêu mến và phục vụ con người thì không được tách rời khỏi Công Lý, cả hai mỗi bên theo cách của mình đều đòi hỏi sự nhìn nhận toàn diện và hữu hiệu các quyền của con người, là đối tượng mà xã hội với tất cả cơ cấu và định chế của nó phải hướng đến”.[34]

“Một đường lối chính trị nhằm phát triển con người phải lấy tình liên đới làm phương tiện và kiểu mẫu. Tình liên đới đòi hỏi sự tham gia tích cực và ý thức trách nhiệm của mọi người vào đời sống chính trị, từ mỗi một người công dân đến các đoàn thể khác nhau, từ các nghiệp đoàn, đến các đảng phái; tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều là kẻ thừa kế và là người tham gia tích cực vào chính trị”.[35] Tình liên đới không phải là một sự thương hại hay một tình cảm quan tâm mơ hồ hay một cảm xúc động lòng trắc ẩn hời hợt, trước bao nhiêu khốn khổ của những người xa gần “Ngược lại, tình liên đới Kitô giáo là một sự đấu tranh quyết liệt, vững chãi, bền chí để thể hiện công ích”.[36] Nói cách khác, để thực hiện lợi ích cho mọi người và mỗi người, tất cả chúng la phải mang lấy trách nhiệm thực sự đối với mọi người. Liên đới trong trách nhiệm, liên đới trong quyền được tham gia vào việc điều hành xã hội, liên đới trong việc phải chiến đấu bảo vệ những người cô thế cô thân, liên đới trong việc phải chiến đấu để gạt bỏ bất công trong xã hội và trong thế giới. Đó là tình liên đới Kitô giáo đích thực. Đó là một sự dấn thân quyết liệt, vững chãi và bền chí vì ích lợi chung của mọi người. 

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Kết quả hoạt động của chính trị mang tính liên đới, kết quả mà mọi người ƯỚC mong nhưng chưa đạt được, chính là hòa bình. Các tín hữu giáo dân không thể khoanh tay ngồi nhìn như kẻ bàng quan lười biếng trước những gì phá hoại hay tổn thương hòa bình, như vũ lực và chiến tranh, tra tấn hay khủng bố, trại tập trung, quân sự hóa chính trị, thi đua võ trang, đe dọa nguyên tử... Ngược lại, là môn đệ của Đức Giêsu Kitô - Vua hòa bình, các tín hữu giáo dân phải nhận lãnh bổn phận làm người kiến tạo hòa bình bằng cuộc sống trở về với Chúa và bằng các hoạt động vì sự thật, vì tự do, vì công bình, vì bác ái; đó là những nền tảng vững chắc của hòa bình”.[37]

5. Xác tín căn bản: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”[38]

Trong sự dấn thân chinh trị hôm nay tại Việt Nam, xác tín đức tin căn bản này là yếu tố quan trọng và cấp thiết nhất, làm nên dung mạo đích thực của người Kitô hữu giữa hoàn cảnh đầy khó khăn, thách đố và nguy hiểm. Bất chấp tất cả, người Kitô hữu luôn tin tưởng vững chắc rằng chính Chúa Kitô mới là Đấng nói lời tối hậu cho lịch sử nhân loại, lịch sử đất nước và lịch sử mỗi người. Người là Alpha và là Ômêga. Người nắm trong tay chìa khóa của mọi thực tại. Người mới là Đấng duy nhất có quyền tuyệt đối. Và lịch sử, sâu xa ra, không bị phó mặc cho những thứ quyền lực nào khác. 

Trong Hội nghị toàn thể lần thứ X của FABC tại Xuân Lộc (12/2012), ĐứcTổng giám mục Hàn Đại Huy, Tổng thư ký Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, đã có bài nói chuyện rất đáng quan tâm, trong tư cách, như ngài nói, “một giám mục đến từ Trung Quốc”. Vị ‘giám mục đến từ Trung Quốc’ đã đưa ra những nhận định về đất nước Trung Quốc và về Giáo Hội Công giáo tại Trung Quốc. Đáng chú ý là khi trả lời cho câu hỏi "NếuTrung Quốc muốn định hình thế giới, thì cái gì sẽ định hình Trung Quốc?”, Đức Cha Hàn Đại Huy đã nói: “Là người Kitô hữu, chúng ta có câu trả lời trong Đức Kitô... Tôi tin rằng sớm hay muộn, chính Đức Kitô sẽ định hình Trung Quốc”.[39]

Có lẽ đó cũng phải là xác tín của các Kitô hữu Việt Nam khi dấn thân chính trị trong hoàn cảnh của chúng ta hôm nay sớm hay muộn, chính Đức kitô sẽ định hình Việt Nam. Đó phải là một xác tín đức tin mạnh mẽ. Nhưng cũng rất khó khăn. 

III. Đặt sự dấn thân chính trị trong bối cảnh của một cuộc đối thoại tứ diện? 

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ X của FABC tại Xuân Lộc (12/2012), Đức giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã đưa ra một đề nghị đáng chú ý Ngài nói như sau trong tham luận của mình: 

“Khi ôn lại quá khứ. FABC nhắc đến hướng đi được vạch ra ngay từ thập niên 70 là đối thoại trong tương quan với ba lãnh vực: với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo (số 5). Thiết tưởng nên ghi nhận vài điểm sau đây: 

1. Tại Á châu, sự phân biệt giữa văn hóa và tôn giáo không đơn giản, về một phương diện, sự phân biệt này thật hữu ích: một Kitô hữu không thể theo một “tôn giáo” khác (thí dụ Phật giáo), nhưng có thể theo một “văn hóa" khác (thí dụ văn hóa Nho giáo). Phải hiểu tôn giáo như thế nào? Không nên bỏ qua “tín ngưỡng dân gian” với những ưu điểm và khuyết điểm của nó. 

2. Các giám mục miền Nam Việt Nam đã là thành viên của FABC ngay từ khi thành lập. Tuy nhiên, vào năm 1975, chưa đầy một năm sau Đại hội lần I, toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất dưới danh xưng “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là dịp để Giáo Hội suy nghĩ về sự hiện diện và sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình. Chúng tôi mong rằng FABC có thể góp phần vào nỗ lực suy nghĩ của chúng tôi. Xã hội vô thần duy vật có nằm trong các lãnh vực đối thoại của FABC hay không? Nếu có thì trong lãnh vực nào: người nghèo, văn hóa, tôn giáo? Có nên nới rộng “cuộc đối thoại ba mặt” (triple dialogue) thành “bốn mặt” (quadruple) không? Có thể nói theo cách của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: mở rộng “Sân chư dân”? Hay nói theo kiểu Bộ Loan báo Tin Mừng về những “diễn đàn mới” (the newforums, les nouyeaux aréopages)! 

3. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã vạch ra cho chúng tôi một hướng đi tích cực, hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng; trong Huấn từ dịp Ad Limina ngày 27 tháng 6 năm 2009 cho các 'giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam', ngài nói: “Anh em cũng như tôi đều biết rằng một sự hợp-tác lành mạnh giữa Giáo Hội và Cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được, về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” (trích Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho các giám mục Việt Nam, bản dịch của Ban thư ký HĐGMVN)”.[40]

Để kết thúc bài viết nhỏ này, thay cho kết luận, chúng tôi xin được mạo muội tự hỏi: Chúng ta sẽ phải đối diện với những thách đố nào nếu đặt sự dấn thân chính trị của người Kitô hữu Việt Nam hôm nay trong bối cảnh của cuộc đối thoại tứ diện đó? * 

Nguồn:
Hiệp Thông Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 75 (tháng 3&4 năm 2013)

-----

1 Gioan Phaolô 11, Centesimus Annus (1991), số 46. 
2 Vaticanô II, Gaudium et Spcs. số 42. 
3 X. Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Cóng giáo, (Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010), 309. 
4 Pio XII, Sứ điệp truyền thanh (24.12.1944). số 13. 
5 Gioan Phaolô II, Centesimus Annus (1991), số 46. 
6 X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica (24.11.2002), số 3. 
7 Gioan Phaolô II, Centesimus Annus (1991), số 46. 
8 Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Compendio della dottrina sociale della Chiesa (2004), số 407. 
9 Gioan Phaolô II, Centesimus Annus (1991), số 46. 
10 Gioan Phaolô II, Christifideles laici (1988), số 42. 
11 X Giáo Luật, ví dụ các Điều 285,287.672. 
12 Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Compendio della dottrina sociale della Chiesa (2004), số 565. 
13 Vatican II, Gaudium et Spes, số 75. 
14 Phaolô VI. Octogesima adveniens (1971). các số 48-49 
15 Ibidem, số 47. 
16 Gioan Phaolô II. Christifideles laici (1988), số 42. 
17 lbidem. 
18 Bênêđictô XVI. Caritas in veritate (2009), số 7. 
19 Gioan Phaolô 11, Christifideles laici (1988).  
20 Ibidem, số 3. 
21 Vatican II, Gaudium et Spes, số 43. 
22 Phaolô VI, Octogesima adveniens (1971), số 50. 
23 Bộ Giáo lý Đức tin, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica (24.11.2002), số 7 
24 Ibidem, số 3. 
25 Ibidem. 
26 Ibidem, số6. 
27 Vatican II, Gaudium et Spes, số 43. 
28 Hội đồng Tòa Thánh về Cong lý và Hòa bình, Compendio della dottrina sociale della Chiesa (2004), số 198. 
29 X. Gioan Phaolô II Christifideles laici (1988), số 5. 
30 Gioan Phaolô II, Christifideles laici (1988). số 42. 
31 Vatican II, Gaudium et Spes, số 74.  
32 Ibidem. 
33 X. Gioan Phaolô II Christifideles laici (1988). sỏ 42 
34 Ibidem. 
35 Ibidem. 
36 Ibidem. 
37 Ibidem. 
38 Pl 2,11. 
39 http://hdgmvietnam.org (truy cập ngày 24.1.2013) 
40 http://hdgmvietnam.org (truy cập ngàv 24.1.2013). 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks