VRNs (08.01.2013) – Sài Gòn – 20/10/1962 – Trong lúc các nghị phụ muốn gửi đến mọi người một niềm tin để chia sẻ và hy vọng, thì ở Mỹ, Kennedy đột ngột chấm dứt chuyện đi vận động bầu cử. Ông cảm thấy đã đến lúc phải quyết định. Viện cớ cảm cúm, ông vội vã bay về Washington họp với ban tham mưu trong năm tiếng đồng hồ.
Nội bộ ban tham mưu này vẫn có một phái siêu diều hâu. Thường họ là những quân nhân, tướng lãnh. Họ vẫn chủ trương tổng tấn công Cuba. Không những đánh vào các hỏa tiễn, mà hủy diệt luôn mấy chục máy bay cường kích của Liên Xô đang đậu ở những phi trường Cuba. Theo họ, cần đánh ngay, càng để lâu càng khó, vì họ tính đến tháng 12, Liên Xô sẽ trang bị được khoảng năm mươi đầu đạn hạt nhân trên các hỏa tiễn ở Cuba.
Quan điểm của giới chính trị thì thận trọng hơn và có phần ưu thắng. Giới này cũng dứt khoát đòi loại bỏ các đầu đạn hạt nhân khỏi Cuba. Nhưng họ chủ trương một lộ trình dài hơn, bớt nguy hiểm tí chút, và cũng phức tạp nữa. Họ chủ trương lúc đầu sẽ phong tỏa và cấm vận Cuba, nếu không hiệu quả mới tính tới các biện pháp chiến tranh. Nhân vụ phong tỏa và cấm vận gây chấn động quốc tế, sẽ mở cuộc thương thuyết với Liên Xô. Ðã bắt đầu có ý kiến Mỹ có thể dỡ bỏ các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ở Ý và Thổ Nhỉ Kỳ, đổi lấy việc Liên Xô dỡ bỏ tên lửa ở Cuba. Nhưng cũng có ý kiến cứng rắn muốn cảnh cáo Liên Xô trước rằng nếu các tên lửa ở Cuba khai hỏa, Mỹ cũng sẽ cho mưa bom hạt nhân trên lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô. Bất luận đánh giá ra sao về tương quan lực lượng võ trang sau khi Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba, điều tất cả các khuynh hướng trong giới cầm quyền ở Mỹ đều lo sợ là một thái độ yếu mềm, thấp cơ của Mỹ trước Liên Xô sẽ làm suy yếu địa vị lãnh đạo của Mỹ đối với phương Tây, đặc biệt là đối với các nước Châu Mỹ La Tinh, nơi đang có nhiều tầng lớp tả phái bất mãn muốn đi theo con đường Cuba. Do đó, Mỹ cần phải cương quyết.
21/10/1962 – Kennedy vẫn họp cả ngày với ban tham mưu. Có một lúc ông hỏi tướng tư lệnh bộ chỉ huy không quân chiến thuật: “Ðánh một đợt đầu có xóa sạch hết các hỏa tiễn không?”. Trả lời: “Chỉ xóa bỏ được những hỏa tiễn mà chúng ta biết”. Tổng thống lại hỏi: “Dự báo tổn thất nhân mạng là bao nhiêu, cả các quân nhân lẫn dân sự?”. Trả lời: “Từ 10 đến 20.000”. Tổng thống nghiêng hẳn về biện pháp phong tỏa và cấm vận, thay cho không kích.
Một chuyến bay U2 nữa phát hiện những máy bay oanh kích đang được lắp ráp khẩn trương và thêm những địa điểm dàn trận tên lửa đang được xây cất ở bờ biển phía Bắc Cuba.
Ngoài xã hội báo chí bắt đầu đánh hơi có chuyện bất thường. Họ còn dò la được là Liên Xô đã bố trí các võ khí tấn công chiến lược ở Cuba. Tổng Thống Mỹ triệu tập các chủ nhiệm của hai tờ báo lớn The New York Times và The Washington Post và yêu cầu họ đừng nói gì nhiều về chuyện này, vì tiết lộ thì sẽ làm mất yếu tố bất ngờ trong phản ứng của Mỹ, và khi ấy “tôi không biết người Liên Xô sẽ làm gì”. Hai tờ báo lớn đồng ý.
Mỹ dự liệu ngày hôm sau 22/10 mới cho cuộc khủng hoảng nổ ra công khai.
22/10/1962 – Phiên họp Khoáng Ðại Thứ Tư của Công Ðồng. 2351 nghị phụ tham dự. Ðức hồng y Gilroy (Sydney, Úc) chủ tọa. Công Ðồng bắt đầu đi vào nghị trình chính thức. Và nghị trình này bắt đầu với một chủ đề nghĩ như chẳng có tác dụng gì với chuyện hòa bình hay chiến tranh: vấn đề canh tân Phụng Vụ. Xưa nay, những nghi lễ của Giáo Hội có ngăn cản được người đời chém giết nhau bao giờ?
Thế nhưng đối với các tín hữu của Hội Thánh, vấn đề phụng vụ lại cực kỳ quan trọng, quan trọng hàng đầu. Phụng vụ chính là mạch sống của đức tin. Ðó chính là cao điểm nơi Hội Thánh gắn chặt, hòa nhập vào Chúa. Vào thời điểm thăng hoa rực rỡ, lòng tin đã nở ra thành lời kinh, thành nghi thức phụng vụ. Vào những thời mạt pháp (như đã từng xảy ra nhiều lúc, nhiều nơi trong lịch sử Giáo Hội) phụng vụ vẫn có đó thì sớm hay muộn người ta sẽ tìm lại được mạch sống chân thật của đức tin. Cộng đồng đức tin cứ bám vào phụng vụ mà trôi nổi qua những thăng trầm hiểm nguy của thế gian.
Vào thời Công Ðồng Vatican II họp, Phụng Vụ của Công Giáo Rôma rất đẹp, rất tôn nghiêm, (ngày nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều cụ già chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền phụng vụ này, chẳng hạn các cụ vẫn cảm thấy cái thấm thía của những giai điệu và ca từ La Tinh bình ca, mặc dù các cụ không hiểu hết ý nghĩa). Tuy nhiên, Phụng Vụ ấy cũng không khỏi mắc míu một số giới hạn. Có lẽ nguyên nhân chính là từ cuộc khủng hoảng Tin Lành (thế kỷ XVI) và từ nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo để khắc phục cuộc khủng hoảng ấy (giới sử gia thường gọi là Thời Kỳ Phản Cải Cách, mà tiêu biểu là Công Ðồng Trento (1545-1563). Khi ấy Công Giáo có nhu cầu bảo vệ sự hợp nhất bằng những kỷ luật nghiêm ngặt, trong phụng vụ cũng như trong các lãnh vực khác. Nguyên nhân khác nữa là sự ưu thắng của Môn Phái Kinh Viện trong thần học – và là một nền kinh viện đã đi qua khỏi thời kỳ đỉnh cao rồi – cũng tạo ra một thứ ngôn ngữ làm bay biến ít nhiều những hương hoa Thánh Kinh, những lời nguyện chan chứa hồn nhiên của những thế kỷ đầu và của các Giáo Phụ. Tiếng La Tinh như ngôn ngữ bắt buộc trong phụng vụ cũng có vấn đề. Trong những thế kỷ xa xưa ở phương Tây, đối với các tầng lớp có học, tiếng La Tinh chưa đến độ trở nên “tử ngữ” như bây giờ, nhưng đối với đại chúng bình dân thì đã là tiếng lạ, chả hiểu được. Bù lại, tiếng La Tinh có tính chính xác, khúc chiết, góp phần đáng kể cho việc duy trì sự hợp nhất trong Công Giáo, vào những lúc tư tưởng người ta nổi giông nổi gió, mâu thuẫn và tranh chấp nhau quyết liệt.
Từ thuở đó, ba bốn thế kỷ đã qua. Thế giới đã biến đổi rất nhiều. Tâm trí con người cũng tiến hóa. Ở những xã hội còn mạnh truyền thống, phụng vụ vẫn nuôi dưỡng tinh thần đại khối tín hữu. Nhưng ở những xã hội mạnh về biến chuyển, đổi mới, người ta cảm thấy giữa phụng vụ và đời sống có sự cách biệt. Ðồng thời những giáo hội mới lớn mạnh ngoài phương Tây cũng đã có thời gian để nghiên cứu chuyên sâu và nhận ra rằng có những cảm quan, những giá trị trong nền văn hóa của riêng mình chưa tìm được sự thể hiện trong phụng vụ. Ðối với các nền văn hóa mới trong Giáo Hội, khuôn khổ La Tinh hậu-Trento có vẻ xa lạ, khô khan….
Trong Giáo Hội vẫn có nhiều người nhận thức được những giới hạn trên đây. Từ cả trăm năm rồi, đã có phong trào nghiên cứu về nguồn Phụng Vụ. Tiền bán thế kỷ XX, nhiều phong trào canh tân Phụng Vụ nổi lên ở Châu Âu. Kế đến, trong các miền truyền giáo cũng có nhiều vị khai phá để đưa phụng vụ đến gần văn hóa các dân tộc Á, Phi… Công Ðồng Vatican II là thời điểm để nhận định về các kết quả đã đạt được. Thế là chẳng lệ thuộc gì lắm với chuyện chính trị hay quân sự, Công Ðồng tập trung sức lực vào vấn đề Phụng Vụ.
Sáng ngày 22/10 này, Ðức Hồng Y Larraona, Chủ Tịch Ủy Ban Trù Bị về Phụng Vụ, nói lời dẫn nhập. Ngài nói Hội Thánh phải đồng hành với thời đại của mình, cho nên các nghi lễ cần thích ứng với nhu cầu của mọi quốc gia, dân tộc.
Liền sau đó đã có nhiều ý kiến quan trọng được phát biểu. Ða số các ý kiến đánh giá tốt bản lược đồ dự thảo vì bản này đậm tính cách “quy Kitô”, nghĩa là làm nổi rõ Mầu Nhiệm Cứu Ðộ trong Chúa Kitô; tín lý và lòng đạo cũng được diễn tả bằng ngôn ngữ Thánh Kinh, đó là một lợi điểm lớn để tạo thông cảm với các Anh Em Ly Cách. Và một hậu quả hợp lý là mở cửa cho việc xử dụng các ngôn ngữ phổ thông trong phụng vụ, thay vì chỉ một tiếng La Tinh. Nhưng cũng từ đấy thấy lộ ra hai khuynh hướng khác biệt trong Công Ðồng. Trước tiên là có những vị bảo thủ đã cảm nghiệm sâu sắc cái hay, cái đẹp của Phụng Vụ như những thế kỷ cận đại đã tạo ra, thì hầu như không muốn thay đổi một điều gì. Nói chung, các vị mục tử giao tiếp hàng ngày với đại chúng, nghiêng về nhu cầu đổi mới; còn các vị thường là cao niên làm việc quản trị ở giáo triều Rôma, hoặc các vị làm mục vụ nơi những địa phương còn giàu tính cổ truyền thì thiên về hoài cổ. Hai khuynh hướng này thường xung khắc với nhau về hai vấn đề: một là bắt buộc hay không bắt buộc sử dụng tiếng La Tinh trong Phụng Vụ? Hai là có nên trao rộng quyền cho hàng giám mục từng vùng miền hoặc quốc gia được đưa ra những quy định về Phụng Vụ, hay phải để các vị ở giáo triều Rôma độc quyền quyết định mọi sự? Những nguyên lý cũng như nhiều điểm cụ thể còn được tiếp tục thảo luận đôi khi rất gay go trong hai tuần lễ nữa. Hội Thánh được hợp thành bởi nhiều con người, muôn người muôn vẻ, mỗi người hay mỗi nhóm người đều có những cảm nghiệm và giá trị của mình. Tìm ra chỗ đứng chính đáng cho mọi cảm nghiệm, mọi giá trị trong lòng Hội Thánh có thể có nhiều ẩn số, có thể có hỷ nộ, tranh cãi đau đớn trước khi tìm ra lối đi đúng hướng. Ngày nay dù đã có được Hiến Chế của Công Ðồng Vatican II về Phụng Vụ, với nhiều kết quả phong phú đã phát sinh, có những điều tranh cãi từ ngày đó vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai trong Giáo Hội. Ðó là thân phận của Hội Thánh lữ hành ở thế gian.
Nhưng trong ngày Công Ðồng bàn việc phụng vụ thiêng liêng, thế gian bắt đầu cảm thấy một cơn địa chấn lớn.
Hôm nay ở Washington, Tổng Thống Kennedy đích thân điện đàm với các tổng thống nhiệm kỳ trước, Herbert Hoover (1929-1933), Harry Truman (1945-1953) và Dwight Eisenhower (1953-1961) để báo cáo với các vị về tình hình nghiêm trọng và khẩn trương. Sau đó, ông Kennedy ký quyết định chính thức thành lập Nhóm Hành Ðộng Excomm, nhóm này từ nay sẽ họp thường trực mỗi ngày suốt thời gian khủng hoảng.
5g chiều: Tổng Thống gặp các thủ lãnh lưỡng viện quốc hội để thông báo tình hình. Hóa ra các vị dân cử lại tỏ ra cứng rắn hơn tổng thống, họ đòi oanh kích Cuba, lập trường này có thể phản ảnh tâm lý của dân Mỹ hồi đó, nhưng ông Kennedy cương quyết chủ trương phong tỏa và cấm vận trước.
Cũng vào lúc này, các đặc sứ cao cấp của Mỹ đến gặp các vị nguyên thủ các nước đồng minh để thông báo tình hình. Còn ở Matxcơva, Ðại Sứ Mỹ Kohler đến gặp Thủ Tướng Liên Xô Nikita Khushchev để chuyển giao nội dung bài diễn văn ông Kennedy sắp đọc. Trong thư gửi Thủ Tướng Liên Xô trước khi đọc diễn văn, Kennedy viết: “Tôi thiết tưởng trong thời đại hạt nhân ngày nay, dù Ngài, hay bất cứ ai khác, không một người nào có tinh thần tỉnh táo lành mạnh lại có thể cố tình cố ý dìm thế giới vào một cuộc đại chiến. Ðã thấy rõ như pha lê rằng trong cuộc chiến đó không nước nào có thể thắng, mà chỉ có những hậu quả thảm họa cho toàn thể giới, kể cả cho người gây chiến”.
7g tối: Tổng Thống Kennedy đọc diễn văn truyền thanh và truyền hình toàn quốc. Ông thông báo tình hình, phê bình Thủ Tướng và Ngoại Trưởng Liên Xô đã không nói thật, rồi tuyên bố: “Chúng ta không còn sống trong một thời mà chỉ có khai hỏa thật sự bằng khí giới mới được kể là thách thức nền an ninh của một quốc gia và tạo ra nguy cơ tột cùng. Võ khí hạt nhân có sức công phá lớn và hỏa tiễn đạn đạo thì bay mau đến độ bất cứ một sự gia tăng đáng kể nào về khả năng sử dụng, hoặc bất cứ sự thay đổi đột ngột nào về thế trận đều rất có thể phải coi là một đe dọa thực sự cho hòa bình”.
“Nếu không cần thiết thì chúng ta không vội liều mình trả giá cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn thế giới, bởi dù có chiến thắng thì kết quả cũng chỉ như mùi vị tro tàn trong miệng, nhưng chúng ta cũng không né tránh hiểm nguy bất cứ khi nào phải đối mặt”.
Sau đó Tổng Thống Mỹ công bố các quyết định:
+ Từ nay sẽ cấm vận ngặt nghèo đối với mọi trang thiết bị quân sự tấn công được chở tới Cuba. Mọi loại tàu bè, bất luận từ nước nào hoặc cảng nào đi Cuba, nếu phát hiện có chuyên chở các võ khí tấn công, sẽ bị đẩy lui.
+ Chính sách của Hoa Kỳ là bất kỳ hỏa tiễn hạt nhân nào phóng đi từ Cuba để đánh vào bất cứ nước nào ở Tây Bán Cầu sẽ bị coi là sự tấn công của Liên Xô vào Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ sẽ đáp trả toàn lực vào Liên Bang Xô Viết.
Cuối cùng ông Kennedy kêu gọi Thủ Tướng Khrushchev chấm dứt và bãi bỏ chính sách đặt hỏa tiễn Liên Xô ở Cuba.
Ðang khi Kennedy đọc diễn văn thì Không Quân Mỹ trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cấp 3 (Quân Lực Hoa Kỳ có 5 cấp báo động: cấp 5, báo động xanh lam là tình trạng bình thường; cao nhất là cấp 1, báo động trắng, là tình trạng cận kề chiến tranh hạt nhân. Cấp 3, báo động vàng, thì các máy bay của không quân phải sẳn sàng ứng chiến sau 15 phút).
Bài diễn văn chưa đầy 30 phút của Kennedy đặt toàn thế giới trước nguy cơ thế chiến thứ 3. Hiển nhiên Liên Xô không thể tuân hành lệnh cấm vận của Mỹ. Còn Mỹ đã quyết liệt và long trọng ban hành lệnh cấm vận rồi thì cũng không thể lùi lại. Ðụng độ giữa hai siêu cường sẽ xảy ra chỉ trong một vài ngày nữa, vì một đoàn tàu Liên Xô đang vượt Ðại Tây Dương để sang Cuba. Ðúng như Ðại Sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc Adlai Stevenson tuyên bố: “Từ khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, chưa bao giờ thế giới đến gần một cuộc chiến tranh hạt nhân như vậy”.
Nhưng vượt ra ngoài mọi tính toán của các giới chính trị và quân sự, tình hình hiểm nghèo này lại mở ra một cánh cửa bất ngờ để Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII bước vào. Thật ra ngài không hề dự tính trước. Ngài cũng bất ngờ như hầu hết mọi người trên thế giới trước cuộc khủng hoảng. Một chuỗi hoàn cảnh khiến cho người có đức tin cảm thấy có bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng ….
Vũ Khởi Phụng
(còn tiếp)
Nguồn http://www.chuacuuthe.com/?p=44836