Chiều tà là lúc mặt trời xế bóng. Sống tà tà là sống chẳng vội vàng gì.
Thế lúc mặt trời đã lặn thì gọi là gì? Thưa là chiều tối.
Chiều tà, tà tà rồi chiều tối.
Một nhóm thiếu “niềm tin và hy vọng” sẽ nhạt nhòa trong lòng dân?
Nhóm ấy cứ “chiều chiều ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn trông sao sao mờ”: Mỗi tuần họp một lần, nói vài câu bâng quơ, rồi đâu lại vào đấy.
- Đứng bờ ao là đứng nhìn vào “AO VIỆT NAM”, vào “CÁ VIỆT NAM”: Thấy mỗi ngày có khoảng 30 người Việt Nam bị chết do xe đụng, thấy người ăn xin ngồi dưới bóng cây, thấy cảnh cướp giật giữa ban ngày, thấy đút lót công khai, thấy người Việt nhìn nhau mà hoài nghi nhau, phòng ngừa nhau.
- Đứng bờ ao là đứng nhìn thấy “CÁ LẶN”: Người Việt Nam khó mà nhảy lên cao về mọi mặt, chỉ thấy “chìm xuồng” khi chèo sang ao nước khác: đá banh thì thua, sản xuất ai mua, nói năng ai nghe, ra khơi bị đánh, đi làm bị đuổi.
Có người trách tôi sao buồn thế, sao bi quan thế?
Người ấy bảo tôi thôi nhìn cá. Nhìn sao đi.
Sao là bóng hình ai? Sao mai là bóng hình Mẹ Maria. Sao Bắc Đẩu chắc là hình bóng Chúa Giêsu, đấng sẽ CỨU CÁ không để cho chết thối chết ươn ở đáy ao.
Xin Chúa Giáng Sinh vớt chúng con ra khỏi nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn nhược tiểu, nỗi buồn mất dầu khí và biển đảo, nỗi buồn chia rẽ...
Xin nhóm chúng ta đừng có tà tà nữa? Kính xin Suy Tư hăng lên. Xin nhìn vào mặt người Việt Nam và giục lòng tin rằng đó cũng là hình ảnh Chúa. Cất bước lên đường cái quan: Trảy đi Huế, Saigon, Hà Nội để an ủi người của ba miền. Đi tĩnh tâm để gặp Chúa, là nguồn cậy trông giữa cơn gian nan khốn khó, giữa lúc thất vọng ngã lòng.
Cuối cùng, xin nhóm Giáo huấn Xã hội Công Giáo chúng ta, không sống tà tà, mà sống “lấp đầy khoảng cách giữa chữ viết và tinh thần” (Sách Tóm lược HTXHCG, 158)
Liên Khương