Khu Điều Trị Phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do Soeur Rose – người Pháp và Soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Sau 1975, Nhà Nước tiếp quản. Từ năm 1976 được giao cho Sở Y Tế Thành Phố Hồ Chí Minh.
Chuyến đi về Trại Phong Bến Sắn Bình Dương vào ngày 10/12/2012 đã để lại trong mỗi người chúng tôi nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống, suy nghĩ về hai từ “Phẩm giá” con người, thể hiện qua thái độ đối với những con người không may mắc phải căn bệnh quái ác, khiến bị xa lánh, bỏ mặc.
Đặt những bước chân đầu tiên bước vào Trại, tôi có phần bỡ ngỡ bởi sự lạ lẫm của một khu vực khá rộng lớn nơi đây.
Một bệnh nhân trẻ |
Người đầu tiên tôi gặp đó là Bạn. Bạn năm nay 22 tuổi, trạc tuổi tôi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, thế nhưng nét mặt bạn đượm buồn khi tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình. Bạn bây giờ chỉ còn một mình, bị gia đình xa lánh, bỏ mặc trong sự đau đớn, cô đơn một mình. Bạn cũng là một con người, bạn cũng có cha mẹ, có gia đình, vậy tại sao bạn không được yêu thương như những người con khác? Mà ngược lại phải chịu sự khinh miệt của mọi người trong gia đình, thậm chí là cha mẹ, người đã đứt ruột sinh ra bạn????
Trong chuyến đi này, tôi có cơ hội chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh, những khát vọng sống trong những tình huống bi thương, những nỗ lực kiên cường của ý chí, cũng như những can đảm vượt lên số phận. Đó là những con người còn rất trẻ về tinh thần, về thể xác và về tuổi tác nhưng lại mắc một chứng bệnh làm “lão hoá” con người của họ – chứng bệnh bị lối nhìn thiếu thiện chí của xã hội dường như bao trùm lên cuộc đời họ.
Bệnh nhân 93 tuổi |
Tôi xin phép được kể câu chuyện về Cụ, một trong số những bệnh nhân tôi đã tiếp xúc nơi đây. Cụ là người đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng và cũng là người làm tôi phải suy nghĩ nhiều nhất. Cụ năm nay 93 tuổi, thân hình đau đớn co quắp nằm trên chiếc giường bé xíu được đặt gần cửa sổ nơi hành lang qua lại. Hai mắt của Cụ không còn nhìn thấy được ánh sáng nữa, vì căn bệnh đã làm liệt đi dây thần kinh não. Khi chúng tôi đến thăm, Cụ vui mừng lắm, nét mặt rạng rỡ đáp chuyện một cách rất hài hước và vui vẻ. Cụ kể về cuộc đời, kể về gia đình và cả ước mơ hiện tại của Cụ nữa. Tôi thật sự xúc động khi nghe lời tâm sự của Cụ: “Tôi bây giờ chỉ muốn có được một chiếc xe đạp điện để được đi bán báo mỗi ngày, và được đi chơi vòng vòng dạo phố với mấy ông bạn già để tận hưởng những giây phút cuối của cuộc đời này”. Thật dễ thương và giản dị biết bao, ấy thế mà…ước mơ ấy đến giờ vẫn chỉ là mơ ước, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được nữa…Đau đớn thế đấy nhưng Cụ vẫn vui vẻ và gật đầu chấp nhận số phận của mình không lời oán trách. Nhìn Cụ, tôi chợt nhớ đến những bạn trẻ thậm chí còn rất trẻ mà tôi hay bắt gặp trên các mặt báo “tự tử vì tình”, “tự tử vì cha mẹ không đáp ứng được những đòi hỏi cá nhân”, “tự tử vì mang thai ngoài ý muốn”….và còn rất nhiều lý do khác nữa. Xót xa! Cuộc đời này thật trớ trêu, kẻ thì coi rẻ mạng sống đến không thể tưởng tượng được, người thì trân trọng từng giây từng phút họ được sống. Tôi thương Cụ quá…
Người đàn ông đang vật lộn với cái muỗng trong bữa ăn. |
Khi còn bé mỗi lần mẹ tôi dọn cơm lên bàn ăn, các anh em tôi hay chê bai đủ điều, thậm chí không thèm ăn…..Nhưng hôm nay, khi được tận mắt thấy những bệnh nhân đang vất vả vật lộn với cái muỗng trên tay để múc thức ăn cho vào miệng. Nhìn lại mình, tôi thấy may mắn hơn họ rất nhiều, thế nhưng….tôi lại không biết trân trọng những gì tôi đang có, thật xấu hổ!
Nhưng tại đây cũng có những con người cao cả, dám hy sinh chính mình vì người khác, chấp nhận rời xa gia đình máu mủ, để rồi đến đây chăm sóc cho những bệnh nhân và gắn bó với nơi này đã hơn 15 năm và thậm chí 50 năm.
Chúng tôi được tham gia một ca phẫu thuật. Bác sĩ hướng dẫn tỉ mỉ từng ly từng tí nào là cách đeo găng tay, mặc áo phẫu thuật…Nhìn đơn giản thế nhưng khi bắt tay vào làm thì lại không đơn giản chút nào, luôn luôn phải cẩn thận, giữ thật sạch sẽ từ trên xuống để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân. Trông nét mặt thích thú của các bạn sinh viên Úc khi được trải nghiệm tôi không thể đứng yên được và bắt tay vào làm việc chung với họ.
Vì là lần đầu tiên được theo dõi tận mắt một ca phẫu thuật, nên mọi thứ đối với tôi rất thú vị. Tôi quan sát cận kề, lắng nghe chăm chú những hướng dẫn tận tình của bác sĩ P. và tôi cảm nhận được mình cũng có một phần trách nhiệm trong ca phẫu thuật này, thế là tôi nghiêm túc với vai trò của mình. Tôi không học y khoa, cũng chẳng phải bác sĩ nên công việc của tôi đứng ôm chân và nói chuyện với bệnh nhân, trong suốt quá trình phẫu thuật, giúp họ quên đi sự đau đớn.
Cuối cùng ca phẫu thuật cũng thành công, tôi hạnh phúc như vừa hoàn thành sứ mệnh. Bác sĩ P., các bạn sinh viên Úc, và các bạn cùng phụ ca phẫu thuật này trở nên hiểu nhau hơn, khắng khít hơn nhờ vào sự kết hợp ăn ý, khéo léo trong quá trình phẫu thuật.
Chia tay |
Chia tay ở đây, các cụ gửi lời cảm ơn đến tất cả chúng tôi, nhưng không đâu các cụ ơi! Những lời cảm ơn ấy hãy để chúng con nói ra. Cuộc sống của các cụ chính là những bài học về tình người cho chúng con, về sự vượt qua những khó khăn , bất hạnh của bản thân mà vươn lên để sống.
Trên đường quay trở lại Sài Gòn, tôi miên man nghĩ về thân phận những người bệnh, tôi suy nghĩ về giá trị của từng con người theo cách Giáo hội dạy tôi.
Tôi không có tham vọng thay đổi tất cả, bởi sức tôi không thể làm được gì. Cũng không dám khát khao sẽ làm được những điều lớn lao, vĩ đại. Nhưng chỉ ước mong một điều, rất có thể bình dị, là tôi sẽ trở thành một trong những nhịp cầu nối nho nhỏ đưa những ước mơ kia vào chân trời của ngày mai, một ngày mai tươi sáng hơn.
Qua chuyến đi này tôi cảm nhận được những gì Thiên Chúa-Ngài muốn chúng tôi làm, làm trong tình yêu thương của Ngài.
Nhóm trẻ Học hỏi GHXHCG đi thực tế
Nguồn Tập San GHXHCG số 5
Địa chỉ Trại phong Bến sắn:
Ấp 4, Xã Khánh Bình, Huyện Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương
ÐT: 0650. 659 551 - 659 701 Fax: 0650. 610 086
Soeur Lan (84-650-3.659550 & 0907.901.060)
Email: benhvienbensan@hcm.vnn.vn