ngày tháng năm

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

50 năm trước: Bóng dáng người hòa bình (10)

Vũ Khởi Phụng

Vasili Alexandrovich Arkhipov (1926 – 1998)
VRNs (05.06.2013) – Silver Spring, Maryland – Ngày 27.10.1962, lúc 9 giờ sáng giờ Washington, Ðài Phát Thanh Mátxcơva bất ngờ phát đi một sứ điệp của ông Khrushchev, bản văn của sứ điệp này được gửi đến Washington lúc 11 giờ. Khác với bức thư đêm hôm trước, lần này ông Khrushchev đưa thêm một điều kiện mới. Ông viết:

“Quý vị bất an vì Cuba. Quý vị bảo quý vị bất an vì Cuba chỉ cách bờ biển Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu có 99 dặm đường biển. Nhưng … quý vị lại dựng những tên lửa có sức hủy diệt mà quý vị gọi là tên lửa tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, thế là ở ngay bên cạnh chúng tôi … Cho nên tôi đề nghị như sau: chúng tôi bằng lòng dỡ bỏ khỏi Cuba những khí tài mà các vị coi là có tính cách tấn công … Các người đại diện của quý vị sẽ đưa ra lời tuyên bố là Hoa Kỳ … sẽ dỡ bỏ những khí tài tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ … Sau đó, những người được Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy thác sẽ được thanh sát tại chỗ xem những điều cam kết đã thực hiện đầy đủ chưa.”

Excomm lại họp suốt ngày. Phía Mỹ phỏng đoán là trong nội bộ ban lãnh đạo Liên Xô có một phái cứng rắn. Và phái này đã đòi thêm điều kiện như vậy. Người con Thủ Tướng Khrushchev, ông Sergei Khrushchev, năm 2002 đưa ra một lời giải thích khác, được dịch ra tiếng Anh trong American Heritage 53. Theo ông Sergei, sở dĩ có sự thay đổi trong lập trường của Liên Xô là vì suốt cuộc khủng hoảng, Tổng Thống Kennedy đã nhiều lần dùng người em ruột là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy để tiếp xúc không chính thức với Sứ Quán Liên Xô ở Washington, (Robert Kennedy với Ðại Sứ Liên Xô Dobrinine là chỗ quen biết). Trong những lần tiếp xúc này, Robert Kennedy, (và một vài phái viên không chính thức khác) đã gợi ý Mỹ có thể dỡ bỏ các hỏa tiễn ở Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Liên Xô dỡ bỏ tên lửa ở Cuba.

Khi Ðại Sứ Dobrinine báo cáo về đề xuất này với ông Khrushchev thì bức thư của ông đề ngày 26/10 đã gửi đi rồi. Ông Khrushchev nhận ra rằng trong bức thư đó ông đã bị hố, vì chính phía Mỹ đưa ra một đề nghị có lợi cho Liên Xô mà ông lại không biết để đưa vào dự thảo thỏa thuận. Ðể sửa lại tính toán sai lầm này, Thủ Tướng Liên Xô đã cho phát thanh ngay đề nghị mới trên Ðài Mátxcơva. Dù vậy, nó vẫn đến Mỹ chậm hơn bức thư ngày 26.

Nhiều người trong Excomm vẫn không biết những điều Robert Kennedy đã đề xuất với Ðại Sứ Liên Xô. Họ thuyết phục Tổng Thống chỉ dựa vào bức thư ngày 26/10 mà không nhắc gì đến đề nghị ngày 27 của ông Khrushchev. Nhưng nếu vậy, liệu thương thuyết có thành? Robert Kennedy nhớ lại: “Chúng tôi chưa mất hy vọng, nhưng nếu có hy vọng gì thì hoàn toàn phụ thuộc vào ông Khrushchev có duyệt lại hướng đi trong vài giờ tới đây hay không. Ðó là một niềm hy vọng, nhưng không phải là sự chờ đợi. Chúng tôi chờ đợi sự đối đầu bằng võ lực sẽ xảy ra (nay mai) ….”

Do đó, Mỹ vẫn đẩy mạnh kế hoạch để không kích các dàn tên lửa và các mục tiêu kinh tế, đặc biệt là các kho chứa xăng dầu ở Cuba. Mặt khác, lại phải có biện pháp đề phòng Liên Xô chắc chắn sẽ phản ứng ở Châu Âu. Ðã thế, CIA lại còn báo cáo tất cả các tên lửa ở Cuba đã sẵn sàng hoạt động.

Qua trưa ngày 27/10, Mỹ thông báo cho các đống minh NATO: “Tình hình đã khẩn trương hơn… có lẽ trong một thời gian rất ngắn, Hoa Kỳ có thể thấy cấn thiết vì quyền lợi của mình và quyền lợi của các đồng minh ở Tây Bán Cầu mà cần phải hành động bằng quân sự bất cứ cách nào cần thiết”.

Trong khi cuộc thương thuyết Mỹ Xô và các bước chuẩn bị quân sự đang nóng bỏng như vậy, thì trên thực địa đã xảy ra những vụ việc cho thấy nguy cơ do những rủi ro mà quyền bính chính trị đôi bên không thể kiểm soát hết. Vì những vụ việc này, về sau Bạch Cung gọi ngày 27/10 đó là “Thứ Bảy Ðen”.

Sáng ngày 27 đó, một chiếc máy bay U-2F của Mỹ, do Thiếu Tá Không Quân Rudolf Anderson lái, bay vào vùng trời Cuba thực hiện nhiệm vụ do thám, chụp hình các tên lửa Liên Xô. Sergei Khrushchev thuật lại: “Khi chiếc U-2 đang tới gần đảo quốc, một trong những dàn tên lửa phòng không vừa dựng lên và khởi sự nghiệm thu lần đầu hệ thống radar cảnh báo và dẫn đường. Radar mới bật lên thì dấu vết một chiếc máy bay bay rất cao hiện ra trên màn hình, chỉ có U-2 của Mỹ là bay cao được như thế …. Các pháo thủ gọi người đứng đầu lực lượng phòng không Liên Xô, Ðại Tá Georgy Voronkov. Ông đại tá này lại tìm cách tiếp xúc với vị chỉ huy toàn thể lực lượng Liên Xô ở Cuba, Tướng Issa Pliyev, nhưng không ai biết ông tướng đang ở đâu. Voronkov lại gọi nữa: “Ðối tượng sắp đi khỏi, chỉ còn 2 phút nữa thôi”. Một phó tướng của Pliyev hạ lệnh: “bắn!” Dưới đất chỉ nhìn thấy một chút khói trắng. Pháo thủ báo cáo: “đối tượng đã bị tiêu diệt”. Thiếu Tá Anderson trở thành liệt sĩ trong cuộc khủng hoảng này. Ðộng cơ của chiếc U-2 vẫn đang được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Cách Mạng ở Havana.

40 năm sau, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ hồi đó là ông Mc Namara hồi tưởng: “Trước khi cho chiếc U-2 xuất phát, chúng tôi đã đồng ý với nhau là nếu nó bị bắn hạ, chúng tôi sẽ không cần họp hành gì nữa, mà tấn công liền …. Cũng may chúng tôi lại đổi ý, nghĩ rằng: có thể đó là một tai nạn rủi ro thôi, ta sẽ không tấn công. Về sau chúng tôi được biết ông Khrushchev cũng lý luận như chúng tôi.”

Về phía Liên Xô, Sergei Khrushchev thuật lại: “khi biết tin này, cha tôi cảm thấy rằng ông đang mất khả năng kiểm soát tình hình. Hôm nay một ông tướng phóng một tên lửa phòng không; ngày mai một ông tướng khác có thể phóng một tên lửa đạn đạo. Như sau này cha tôi nói, chính lúc đó ông đã cảm nhận bằng trực giác rằng các tên lửa phải di dời đi thôi, rằng thảm họa thật sự đã gần kề ….

Một tín hiệu bằng mật mã gửi sang Cuba: “Chúng tôi nhận thấy các đồng chí đã quá vội vàng khi bắn hạ chiếc U-2…” vì đang thành hình một thỏa thuận về một đường lối hòa bình để tránh cho Cuba bị xâm lăng. Từ khi đó, nếu không được Matxcơva cho phép thì cấm bắn hạ máy bay Mỹ.”

Một vụ việc nguy hiểm nữa xảy ra ngoài biển khơi. Orlov, nhân viên quân báo trên chiếc tàu ngầm B59 của Liên Xô ghi lại những giờ phút cực kỳ căng thẳng. Chiếc B59 đã đi vào phòng tuyến cấm vận và đang bị 14 tàu chiến trên mặt biển truy lùng. Ðôi bên như chơi trò hú tim với nhau. Nhưng tàu ngầm Liên Xô gặp nhiều trục trặc kỹ thuật, và khí thở trong tàu gần cạn kiệt; nhưng trong tình thế bị truy lùng không thể nổi lên mặt nước để tiếp dưỡng khí. Orlov kể: “Nhiệt độ trong các khoang tàu lên đến 45-50 độ C, còn ở khoang động cơ thì lên đến 60 độ C. Ngột ngạt không thể chịu được. Lượng CO2 trong không khí lên tới ngưỡng có thể chết người. Một sĩ quan trực ngất xỉu té đùng. Rồi một người thứ hai, rồi một người thứ ba … cứ như là những quân domino nối nhau sụp xuống vậy. Nhưng chúng tôi vẫn cầm cự, tìm đường thoát thân. Chịu đựng như thế chừng 4 tiếng đồng hồ. Người Mỹ tấn công chúng tôi bằng một thứ gì đó mạnh hơn những loại lựu đạn (nước sâu). Sau vụ tấn công đó (hạm trưởng) Savitsky đã mệt lử, ông nổi giận đùng đùng. Ðã thế ông lại không liên lạc được với Bộ Tổng Tham Mưu. Ông cho gọi viên sĩ quan phụ trách các thủy lôi hạt nhân và truyền lệnh đặt các thủy lôi vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ông quát tháo biện minh cho mệnh lệnh: “không chừng ở trên kia chiến tranh đã bắt đầu rồi, mà mình cứ làm xiếc mãi ở đây thế này à … Ðập tan chúng nó đi ! Ta sẽ chết, nhưng ta sẽ đánh đấm tất cả chúng nó … chứ không làm nhục Hải quân của ta !” Nhưng rồi chúng tôi đã không khai hỏa thủy lôi. Ông Savitsky đã dằn được cơn giận dữ. Sau khi tham khảo ý kiến chỉ huy phó … Arkhipov và chính trị viên … Maslennikov, ông quyết định ngoi lên mặt biển. Chúng tôi gửi đi tín hiệu … “tàu ngầm đang lên mặt biển.” Những con tàu đang truy nã chúng tôi cũng chùn lại …”

Thật ra khi người Mỹ thả những loại lựu đạn nước sâu để truy bức chiếc B 59, họ không biết là chiếc B 59 được trang bị loại thủy lôi mang đầu đạn hạt nhân 15 kiloton. Ðược biết theo quân lệnh Liên Xô, B 59 được phép sử dụng loại thủy lôi này nếu tàu ngầm bị bắn thủng vỏ, với điều kiện ba sĩ quan chỉ huy trên tàu đều nhất trí. Các tường thuật nội vụ hiện có không cho thấy rõ ba sĩ quan này đã trao đổi ý kiến với nhau thế nào, chỉ biết cuối cùng họ đã không phóng thủy lôi. Trong cuộc hội thảo về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba ở Havana tháng 10, 2002, Nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng Mc Namara nói rằng khi đó “mọi người không biết, nhưng chiến tranh hạt nhân đã mấp mé lắm rồi.” Còn Thomas Blanton, Giám Ðốc Văn Khố An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ thì nói: “một anh chàng tên là Vassili Arkhipov đã cứu sống thế giới.” Arkhipov là chỉ huy phó của chiếc B 59.

Một vụ việc nguy hiểm nữa xảy ra ở biên giới Ðông Bắc Liên Xô. Một chiếc máy bay U-2 cất cánh từ Alaska với nhiệm vụ lấy mẫu không khí ở tầng cao để nghiên cứu mức độ phóng xạ do các vụ thử bom hạt nhân của Liên Xô. Trên đường về, chiếc máy bay đã bay lạc vào không phận Liên Xô. Nhiều máy bay Mig của Liên Xô bay lên ngăn chặn, phía Mỹ cho các chiến đấu cơ F 102 được trang bị hỏa tiễn không-đối-không bay trên biển Behring để sẵn sàng nghênh chiến. Nghe tin này, ông Mc Namara xanh mặt hét lên: “thế là chiến tranh với Liên Xô à!” May thay, chiếc U-2 được hướng dẫn bay về Alaska mà chưa bên nào khai hỏa.

Ngày nay nhìn lại thấy rằng trong ngày “Thứ Bảy Ðen” 27/10, có ba thời điểm đúng là “đứng tim”, thế giới đã thoát khỏi chiến tranh hạt nhân trong gang tấc. một lần nhờ những người lãnh đạo biết kiềm chế, đó là vụ chiếc U-2 bị hạ ở Cuba. Lần thứ hai nhờ những người tuy không ở cấp cao nhưng kịp có phản ứng sáng suốt, đó là vụ chiếc B 59. Trong trường hợp chiếc U-2 ở Alaska đi lạc vào Liên Xô, thì vụ việc tiêu tan trước khi hai bên khai hỏa. Người có đức tin nhìn nhận ra đã có một ơn Quan Phòng cứu thế giới.

Tối ngày 27, sau rất nhiều ý kiến trao đổi, Tổng Thống Kennedy bí mật đồng ý tháo dỡ các hỏa tiễn ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở miền Nam Nước Ý để đổi lấy việc Liên Xô tháo dỡ tên lửa ở Cuba. Nhưng sự đồng ý của Mỹ chỉ là thỏa thuận miệng chứ không ghi bằng văn bản chính thức (Chính Phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kịch liệt phản đối việc tháo dỡ hỏa tiễn ở đất nước họ). Một lần nữa Robert Kennedy lại lãnh nhiệm vụ nói chuyện với Ðại Sứ Dobrinine. Bên cạnh những lời lẽ cứng rắn rằng nếu Liên Xô không di dời tên lửa, Mỹ sẽ dùng võ lực để phá hũy chúng, đồng thời lại có lời hứa hẹn Mỹ sẽ “tự nguyện” tháo dỡ hỏa tiễn ở Thổ Nhĩ Kỳ liền sau vụ Cuba.

Khi ấy trời đã tối đen, chẳng biết ngày “Thứ Bảy Ðen” có bớt đen?

Nguồn DCCT



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks