ngày tháng năm

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tập luyện lòng tự tin

Giang Sơn
Lời giới thiệu của người dịch
«Biết mình» trong đời sống là một vấn đề quan trọng bởi lẽ có biết mình, người ta mới có thể ứng xử phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhờ đó có thể đạt đến thành công là mục tiêu mình đưa ra trong mọi công việc. Triết gia như Socrate thì nói «Bạn hãy tự biết mình» (Connaîs-toi toi-même). Nhà quân sự thì nói, «Tri kỷ, tri bỉ bách chiến bách thắng», còn những bậc tu hành như thánh Augustino thì nói, «Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa...»
Theo nhiều học giả, muốn biết mình chúng ta phải tham khảo hai nguồn tư liệu quan trọng là lịch sử và văn hóa, đó là bối cảnh trên đó hình thành tính cách của mỗi con người. Vậy lịch sử và văn hóa VN đã hình thành tính cách người VN nói chung như thế nào? Chúng ta sẽ lược qua những nét chính có tính quyết định đến sự hình thành nhân cách VN.
I. Lịch sử: Hai thời kỳ dài bị đô hộ, Bắc thuộc 1000 năm, thực dân Pháp 100 năm. Chắc chắn những thời kỳ nô lệ này đã gây chấn thương vào tâm lý VN, đặc biệt là mặc cảm tự ti kéo theo những tính cách tiêu cực khác:
* Mặc cảm tự ti dẫn đến
Thụ động
Đè nén, phá hoại
Tránh né, che giấu, đối phó
Mặt khác cơ chế bảo vệ (protective mecanism) bù đắp cho tự ti mặc cảm đó bằng một thái độ tự tôn và những tính cách tiêu cực khác:
* Mặc cảm tự tôn dẫn đến
 Lấn lướt, bắt nạt
 Bè phái, bao che, kỳ thị
 Tư lợi, biển thủ
II. Văn hóa: Hai đặc trưng của văn hóa Việt Nam là Văn hóa lúa nước và văn hóa làng xã. Nước sông mang phù sa thuận lợi cho cây lúa. Mặt khác thủy triều lên xuống bất định, âm thầm len lỏi, che giấu lòng sông khiến hình thành (theo nguyên lý: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài) tính cách uyển chuyển nhưng khúc hiểm (xấu là hiểm ác, nhẫn tâm; tốt là thích nghi nhanh, biến ảo) cùng tính cách không ổn định (giống như con nước) dễ thay đổi. Lũy tre làng vừa là tường thành bảo vệ, vừa là bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài, với cái khác mình, tuy có tạo ra sự đoàn kết nhưng cũng sinh ra sự chủ quan, bè phái, hám danh và lòng ganh tỵ.
Về mặt tự nhiên, văn hóa VN còn bao gồm cả hai tư tưởng lớn là Nho giáo phong kiến và Phật giáo. Ngoài những điều tích cực mà hai tư tưởng ấy đã đem đến cho dân tộc trong suốt thời phong kiến như trọng lễ nghĩa, thích tôn ty, từ bi hỷ xả v.v... mà không ai có thể chối cãi. Nhưng đến khi Á Đông gặp gỡ văn hóa Tây Phương thì hai tư tưởng này do thiếu thích nghi và tự mãn đã để lộ ra những điểm tiêu cực của nó:
• Nho giáo phong kiến → Quan liêu, gia trưởng, lối sống hai mặt (đội trên đạp dưới) 
• Phật giáo: Tư tưởng duy tâm chủ quan → thụ động, vô cảm, thờ ơ  
III. Một đề nghị: Các nhà văn hóa và tư vấn tâm lý đề nghị một giải pháp hoặc có thể nói một bài thuốc để canh tân tâm lý VN luôn bị dao động giữa hai cực tự ti và tự tôn. Vì với những tính cách như thế (nói theo y khoa là bị bội nhiễm), người VN khó xây dựng sự phát triển, trước hết là phát triển bản thân, sau đó là phát triển xã hội.
Giải pháp đó là xây dựng lòng tự tin (self-esteem) để đánh giá đúng chính mình và hoán cải bản thân ngõ hầu chúng ta biết xử kỷ tiếp vật hoặc đối nhân xử thế như một người tự tin vì người tự tin có tính cách vững vàng, bình đẳng, suy nghĩ chín chắn để hóa giải mọi khó khăn, đồng thời nhạy cảm với người khác, sống lạc quan và yêu thương mọi người.[1]
Bài sau đây trích từ tác phẩm Haeling Relationships một cuốn sách của tiến sĩ tâm lý Len Kofler, giám đốc Học Viện Tâm Lý Thánh Anselme Hoa kỳ, viết riêng cho các Ki-tô hữu. Chắc chắc bài viết này sẽ giúp cho các Ki-tô hữu tập luyện được lòng tự tin. Nó bắt đầu với việc chúng ta phải biết chính mình để biết Chúa hơn và ngược lại, từ đó yêu mến Ngài nhiều hơn như lời thánh Augustino cầu nguyện cũng giống như câu nói của cổ nhân Vô tri bất mộ với chữ tri gồm cả tri kỷ tri bỉ và tri Thiên (biết mình, biết người và biết Chúa).        

TƯƠNG QUAN VỚI CHÍNH MÌNH
(Phương pháp tập luyện lòng tự tin)
Len Kofler

1. Đánh giá thấp bản thân
(...) Tương quan quan trọng nhất là tương quan mà chúng ta có với chính chúng ta. Điều này tác động đến toàn bộ tiến trình tư vấn[2] và mọi sự việc chúng ta làm như nhiều người khác. Những bài thuyết trình mà tôi nói về tương quan đều có trọng tâm là tương quan với chính mình. Tương quan đối với bản ngã áp dụng cho cả khách hàng và người tư vấn. Cách thức người tư vấn tương quan với chính mình và cách thức khách hàng tương quan với chính họ sẽ ảnh hưởng đến việc thiết lập sự liên kết làm việc. Một tư vấn viên hay một khách hàng có lòng tự trọng thấp sẽ mang đến nhiều điều bấp bênh cho tương quan trị liệu. Một vài vấn đề về lòng tự trọng thấp có liên quan đến sự chuyển dịch. Cha mẹ có thể đã «đè nén» con cái và không thừa nhận chúng đến nỗi chúng quen cảm nhận chúng vô giá trị, không phù hợp. Khi những đứa trẻ này lớn lên và khi chúng làm việc với những khuôn mặt quyền thế, chúng có thể cảm nghiệm chúng không thích nghi. Dù sự đánh giá thấp bản thân xuất hiện nơi nào, nó cũng đòi hỏi công việc bù đắp. Tương quan người với người khó mà thiết lập hoặc vì khách hàng cảm thấy tự ti với người tư vấn, hoặc ngược lại. Đánh giá thấp bản thân cũng có thể cản trở tương quan với Thiên Chúa. «Thiên Chúa không thể yêu thương tôi khi biết tôi là ai.» Đôi khi thật có ích khi lặp lại câu này: «Thiên Chúa hoàn toàn biết tôi, và yêu chính con người tôi.»
Tương quan quan trọng nhất là tương quan với chính mình.
Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta.
Nó cũng có thể ảnh hưởng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
2. Cải thiện việc đánh giá bản thân

Từ kinh nghiệm của tôi ở Học Viện thánh Anselm, tôi đã đi đến chỗ biết rằng nỗ lực phát triển bản thân cơ bản là rất quan trọng. Khi khảo sát các người tham gia lúc bắt đầu và lúc cuối của khóa học, sau một số năm, chúng tôi phải kết luận rằng nỗ lực dành cho khái niệm bản thân có cơ may thành công. Một vài người có thể có một khái niệm bản thân được thổi phồng, kéo dài suốt cả năm trở thành hiện thực hơn. Tuy nhiên người ta càng khổ hơn vì đánh giá thấp bản thân. Trong suốt thời gian các học viên ấy lưu lại Học viện, với việc tư vấn lành mạnh, chúng tôi nhận thấy việc đánh giá bản thân của họ thường cải thiện đáng kể. Điều tương tự như thế cũng đúng, có khi còn hơn đối với việc tư vấn bên ngoài Học Viện. Nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại có thể khiến nhiều người có cảm tưởng họ không hơn một con số hay một bản thống kê trong sổ sách của những người có quyền lực. Trong khi nhận ra mình không có quyền lực thỉnh thoảng dẫn đến một thứ tự do, trong những hoàn cảnh khác có thể dẫn đến sự túng thiếu kèm theo đánh giá thấp bản thân. Nghèo túng, giáo dục nghèo nàn, không có khả năng, giai cấp xã hội đều có thể dẫn đến nỗi đau buồn ấy.
Tự tin là chìa khóa cho bất cứ thành công lâu dài nào. Nhiều người không đánh giá chính mình cách đúng đắn. Họ thường nhìn chính mình qua một tương phản tiêu cực với một ai khác. Những người đánh giá thấp bản ngã đã phát triển một phong cách sống mà họ đã quen thuộc. Điều ấy không thoải mái nhưng người ta đã quen với nó. Những người như thế không phán đoán khi hành động của họ đáng được khen. Hãy nói lời khen một người bạn luôn thấy đề cao mình không hợp, vì người này nghĩ mình không xứng đáng nên không thể chấp nhận một lời khen. Mặt khác, một người đánh giá mình cao sẽ đáp lại với sự vui thỏa và cám ơn người đã khen mình.
Nhiều người cảm thấy không đáp ứng đủ. Họ co cứng trong cách đó. «Hãy tử tế với những người khác!» «Đừng nghĩ tốt về chính mình vì đó là ích kỷ.» Người ta thường ít được huấn luyện để đánh giá chính mình. Nhiều người trong chúng ta đã quen trở thành một thảm chùi chân. Tuy nhiên chúng ta có thể học đánh giá chính mình. Chúng ta có thể học phát triển sự đánh giá cao bản thân. Việc đánh giá cao bản thân nuôi dưỡng tài năng và tài nguyên của chúng ta. Đánh giá thấp bản thân là căn nguyên gây ra nhiều vấn đề của cảm xúc và hành vi như rối loạn tiêu hóa, nghiện rượu, lo lắng, và thiếu niên phạm pháp. Các bác sĩ, y tá và người làm công tác xã hội thường cố gắng can thiệp vào các vấn đề này của người tìm đến tư vấn, nhưng vì áp lực của nghề nghiệp, họ chỉ rối trí với các triệu chứng. Chúng ta cần nhận biết rằng giúp đỡ những người bị như thế thoát khỏi những điều kiện làm đời sống họ bị què quặt, chúng ta phải xử lý từ căn nguyên vấn đề của họ mà cơ bản là đánh giá thấp bản thân. Tư vấn viên, thừa tác viên mục vụ, các nhà đào tạo, cha mẹ, thầy giáo cần biết cách cải thiện sự đánh giá bản thân của những người mà họ phụ trách. «Hãy yêu người lân cận như chính mình.» Điều này bao hàm rằng chúng ta phải có cái nhìn tích cực về mình để yêu thương người lân cận của chúng ta. Comb (1971, 39) nói: «Bản thân là ngôi sao của mọi thành tích, là hình ảnh trung tâm của mọi hành động.» Người ta nhìn thế giới qua kính lọc của bản ngã. Vì thế, cái nhìn của bản ngã sẽ tô màu và ảnh hưởng kinh nghiệm của chúng ta về thế giới.
TÓM TẮT: 
Đánh giá thấp bản thân biểu lộ như thế nào?
* Ở chỗ không thể chấp nhận lời ngợi khen?
* Coi mình như không có giá trị.
* Là nguyên nhân căn bản của các bệnh như nghiện rượu và rối loạn tiêu hóa.
Yếu tính của Thiên Chúa là tình yêu.
Vì chúng ta được dựng nên như hình ảnh của Thiên Chúa và giống Người,
Nên chúng ta khả ái.
Chúng ta đáng yêu, quý giá và tốt đẹp,
Những suy nghĩ ấy là những suy nghĩ giúp chống lại sự đánh giá thấp bản thân.
3. Sự phê bình phá hoại
Khi người ta lớn lên, người ta nhận được một sự phê bình phá hoại (McKay và Fanning, 1992) nơi sâu thẳm của tâm hồn mình. Đó là một tiếng nói nội tâm tấn công họ và phán xét họ, trách cứ họ về mọi việc sai lầm. Nó so sánh cá nhân bị quấy rầy với những người khác theo tiêu chuẩn tài năng, khả năng, thành tích và thành công. Sự phê bình phá hoại này không bao giờ nhắc cho các nạn nhân nhớ các thành công, sức mạnh, các khả năng của họ. Nó gọi tên họ: «Bạn xấu xa», «Bạn ích kỷ», «Bạn ngu ngốc», «Bạn yếu đuối», «Bạn bất lực», «Bạn là một thất bại.» Sự phê bình phá hoại này bên trong tâm trí người ta thường phóng đại những điểm yếu của mình. «Bạn luôn luôn nói những điều ngu ngốc». «Bạn không bao giờ hoàn thành bất cứ việc gì đúng giờ.» «Bạn thường xử sự như một thằng ngốc.» «Bạn không có quyền tồn tại.» «Bạn luôn làm hỏng các mối tương quan.» Những lời buộc tội được khái quát hóa và dường như không thể bác bỏ được. Sự phê bình phá hoại này thường xuyên làm xói mòn giá trị bản thân và bằng những cách rất tinh vi – tinh vi đến nỗi người ta phải tin vào giọng điệu phê phán, những điều mà nó nói nghe có vẻ tự nhiên và quen thuộc. Người ta không bao giờ nhận ra những ảnh hưởng tai hại của tiếng nói phê bình ấy lên sự đánh giá bản thân vì người ta đã quen nghe theo nó. Chúng ta cần biết cách tắt tiếng nói xâm nhập ấy và từ chối những lời buộc tội của nó, trước khi nó có dịp phá hủy cảm thức về giá trị bản thân của chúng ta.
TÓM TẮT:
Sự phê bình phá hoại là gì ?
* Một tiếng nói nội tâm buộc tội.
* Nó xói mòn giá trị bản thân của chúng ta.
* Chúng ta thường lắng nghe sự phê bình phá hoại.
4. Tôi làm thế nào để kiểm soát sự phê phán phá hoại bên trong?

Tôi cần học nhận biết và chống lại những lời nói và giọng điệu phê phán.
Chúng ta truyền đạt với chính mình mỗi khi chúng ta ý thức về đời sống. Đôi khi chúng ta giải thích và đánh giá kinh nghiệm của chúng ta: «Tôi đã không làm tốt khi tôi đọc sách to trong giờ học». Có lúc chúng ta làm sáng tỏ, có lúc chúng ta làm các vấn đề trở nên ngiêm trọng qua việc chúng ta thông tin với bản thân. Ví dụ như hãy lấy một người có vấn đề khó khăn khi nói chuyện với đám đông. Người ấy nói không chỉ cho chính mình nhưng cho những người khác, «Tôi không thể nói trong một nhóm lớn.» Rốt cuộc cứ cho là như thế, thế nên người đó luôn tránh nói chuyện với một nhóm lớn. Những thành viên khác của nhóm có thể gia tăng lo lắng cách không ý thức: «Anh ta chẳng chịu đọc» là một dư luận thường nghe thấy trong trường tiểu học. Trong sự tự thông tin với bản thân, chúng ta có khả năng tư duy về tương lai: «Dù tôi học bất cứ điều gì trong khoa tư vấn, nó cũng không giúp tôi trong những hoàn cảnh sống mỗi ngày.» Chúng ta nhìn lại những sự cố và trường hợp của quá khứ, khi đó chúng ta thất bại trong một số khía cạnh, rồi khi một thách đố tương tự đến trước chúng ta chúng ta tự nhủ: «Đây lại là một kinh nghiệm thất bại khác. Tôi không thể đối phó.» Truyền đạt với chính mình chỉ có ích khi nó hiện thực và đúng thật. Điều này có nghĩa là trước hết chúng ta phải bịt tai trước những tiếng nói phá hoại bên trong chúng ta lải nhải: «Một thất bại khác.» «bạn không thể làm được.» «Bạn không có ai giúp đỡ.» «Bạn giao tiếp kém cỏi.» Nếu chúng ta không thể làm im tiếng nói ấy, chúng ta cần làm khác điều nó nói.
Chúng ta hãy lấy một ví dụ cực đoan thường gặp: «bạn không bao giờ làm được việc gì cho đúng.» Chúng ta cần bác bỏ điều đó. Nó không đúng. Đó là một sự phóng đại. Trong bản ngã, ý thức của tôi bàn cãi phát biểu ấy. Dĩ nhiên, tôi đã làm một số điều đúng dù phải thừa nhận có những điều tôi đã làm sai. Tôi trình bày cả điều tốt và điều xấu cho bản ngã tinh thần của tôi và cám ơn Thiên Chúa vì những điều tốt tôi đã hoàn thành. Tôi cũng xin Thiên Chúa tha thứ cho những điều xấu mà tôi đã làm. Đồng thời tôi cũng xin Thiên Chúa ban ơn để tôi có thể tha thứ cho chính mình. Bấy giờ tôi có thể làm lại lời kết án ban đầu: «Thỉnh thoảng tôi có làm sai. Thường khi tôi làm những điều đúng.» Tất cả chúng ta đều có sai lầm, và sẽ tiếp tục mắc sai lầm, nhưng chúng ta học được từ chúng và kết quả là chúng ta lớn lên.

Tôi  cần nhận biết rõ hơn kẻ phê phán phá hoại, vẫn ở lại trong bản ngã thấp hoặc vô thức.  
Làm thế nào tôi có thể đưa kẻ phê phán độc đoán ấy ra khỏi vô thức để nhìn vào kẻ đó, và lượng giá với tinh thần phê bình những gì kẻ đó nói? Tôi cần chú ý chờ phê phán xuất hiện bất cứ khi nào tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
a.     Phê phán có thể xảy ra nơi nào tôi suýt thất bại hoặc bị bỏ rơi.
b.     Nó có thể xảy ra khi tôi đối mặt với một khuôn mặt quyền thế.
c.     Nó có thể xảy ra khi tôi cảm thấy bị phê bình.
d.     Nó có thể xảy ra khi tôi gặp một người xa lạ.
e.     Nó có thể xảy ra khi tôi mắc lỗi.
Đó là những cơ hội kẻ phê phán có thể từ vô thức xuất hiện và hắn trở nên rất năng nổ.

Chúng ta cần có những lý tưởng và tiêu chuẩn cao, nhưng chúng ta phải tìm các mục tiêu trung gian và chỉ đòi hỏi những bước đi nhỏ
Điều quan trọng là chúng ta tiến về những tiêu chuẩn cao ấy bằng cách hoàn thành những bước đi nhỏ hướng về các mục tiêu trung gian.  Điều quan trọng là chúng ta có thể đón mừng những bước đi nhỏ trên cơ sở thực hiện được mỗi ngày. Ở học viện Anselme chúng tôi có thể ăn mừng những thành tựu nhỏ ấy trong việc cử hành Thánh Thể. Dù phương pháp của chúng ta là gì, chúng ta cần ăn mừng những thành tựu nhỏ, điều này sẽ động viên chúng ta tiến theo hướng lý tưởng. Chúng ta cảm nghiệm những thành công này trong bản ngã ý thức và nhờ việc ăn mừng, trình diện chúng với Bản Ngã Cao[3] hoặc Tinh Thần, trước khi lưu giữ những cảm xúc tích cực đi kèm thành những kỷ niệm trong Bản Ngã Thấp. Những hoàn thành nhỏ này khi được tích trữ, sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đến những tiêu chuẩn cao hơn.

Trách cứ người khác có thể phung phí nhiều năng lượng
Trách cứ cha mẹ, quá khứ, người thầy tập sự, hệ thống giáo dục hoặc các bề trên không thay đổi được gì. Việc chúng ta trách cứ luôn luôn là tiêu cực và chẳng đi đến đâu. Mỗi người chúng ta cần đảm nhận trách nhiệm về đời sống của mình, và sự phát triển quan niệm bản ngã của chúng ta. Đức Giê-su nói: «Nước Trời ở giữa anh em.» Vì thế tôi có trách nhiệm để Nước Thiên Chúa bám rễ và thiết lập trong miền đất của đời sống và nhân cách tôi đã bị tổn thương qua những thất bại của tôi hoặc của người khác. Với đường lối ấy, tôi có thể góp phần xây dựng công lý, tự do, tình yêu và sự tha thứ trong thế giới vì chúng ta đều được liên kết với nhau.
Khi tôi mang lại cho bản thân sự cải thiện nào, nó cũng ảnh hưởng tích cực lên người khác và góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Nếu tôi bắt đầu cảm thấy tốt hơn khi có trách nhiệm nhiều hơn đối với đời sống của tôi, và nếu giá trị bản thân cải thiện theo cách này, thì Nước Chúa yêu thương bám rễ nhiều hơn trong thế giới này.

Có những người sống mãi trong tình trạng đời sống khốn khổ mà không đương nhiên biết điều đó
Kết quả là họ đau khổ vì đánh giá thấp bản thân. Họ có thể để cho Bản Ngã Thấp khống chế đời họ, vì thế họ cảm nghiệm nhiều cảm xúc và kỷ niệm tiêu cực. Những người này cần phát triển Bản Ngã Giữa để sống và hành động phù hợp hơn với bản ngã ý thức của họ. Họ cần học hội nhập các cảm xúc của họ, không cho phép chúng điều khiển tư tưởng và hành động của họ. Nhờ biết rõ chúng sinh ra những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, oán hận, thù ghét như thế nào và chúng liên kết với biến cố quá khứ trong đời họ như thế nào, người ta có thể vượt qua những biến cố ấy, vì thế người ta có thể chấm dứt những cảm xúc phá hoại. Là một phần của tiến trình này, họ cũng có thể trình bày những cảm xúc tiêu cực ấy cho bản ngã tâm linh và cao hơn. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, họ có thể được chữa lành. Những cảm xúc tiêu cực của họ có thể được biến đổi thành suối nguồn của năng lượng, như những vết thương của Chúa chúng ta được biến hình khi Ngài sống lại.
Mặt khác, có những người giữ họ trong tình trạng khốn khổ chỉ vì hoạt động theo Bản Ngã Giữa. Họ phát triển trí tuệ của họ, sử dụng nó cách có hại cho những khía cạnh khác của nhân cách. Bản ngã tinh thần của họ và bản ngã vô thức không được biết đến và không được hội nhập vào nhân cách toàn diện. Những người như thế trở thành một chiều và thường cảm nghiệm chính mình không trọn vẹn. Nhiệm vụ mà họ phải thực hiện là phát triển bản ngã vô thức và bản ngã tâm linh. Mơ mộng, suy niệm, tư duy cử hành nghi thức và cầu nguyện có thể giúp họ trong tiến trình đó.
Vả lại, có những người đã dâng hiến đời họ cho Thiên Chúa, tuy nhiên cảm thấy hoàn toàn không thỏa mãn, chán nản, bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chủ yếu họ hoạt động với bản ngã tinh thần và thờ ơ bản ngã vô thức, bản ngã hữu thức và tính nhập thể. Họ cần phải hội nhập bóng tối cá nhân của họ (Jung), để phát triển khả năng cá nhân, để đảm nhận sự tập luyện thể lý, như thế họ càng nhận biết điều gì xảy ra bên trong họ.

Một cách để cải thiện giá trị bản thân của chúng ta là nhận biết ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng khi nói về bản thân
Phải chăng chúng ta thường sử dụng những cụm từ như «Tôi phải», «Tôi nên»? Và khi chúng ta làm như thế, chúng ta tạo ra những cảm xúc nặng nề nào đó trong chính mình. Chúng ta không cảm thấy tự do, thật vậy chúng ta có thể cảm thấy như bị nô lệ. Dĩ nhiên, một vài cái «phải», cái «nên» hình thành một ý thức lành mạnh. Người đánh giá cao bản thân có một quy tắc đạo đức lành mạnh. Nhưng điều gì xảy ra khi người ấy đi ngược lại quy tắc đạo đức của mình? Người đánh giá cao bản thân không đánh phạt chính mình với những tội không bao giờ hết, nhưng thú nhận mình đã vi phạm và xin lỗi người nào bị người ấy làm tổn thương, xin lỗi chính mình (như thánh Phan-xi-cô đã làm) và xin lỗi Thiên Chúa. Người đánh giá bản thân cao chấp nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Người ấy có thể nói ra những cảm xúc hối tiếc còn sót lại. Người ấy có thể đi xưng tội. Rồi để vấn đề ở lại sau lưng.
Điều gì xảy ra khi người đánh giá thấp bản thân đi ngược lại quy tắc đạo đức của người ấy? Người ấy nói: «Tôi phải biết trước điều đó», «Tôi phải làm việc vất vả hơn», «Tôi phải nhạy cảm hơn», «Tại sao tôi lại làm điều đó?», «Tại sao tôi lại ngốc thế?» v.v... Sau mỗi lần quậy phá, họ cảm thấy tội lỗi tăng lên. Ai làm cho người này cảm thấy có tội? Không ai khác. Người ấy tiếp tục quậy phá chính mình với những hành vi làm chú ý và gây ra thêm tội. Tuy nhiên, những người khác có thể đã lên chương trình cho người ấy trong quá khứ, với việc xây dựng những kỳ vọng vô ích: «Con phải», «Con nên», «Con hãy». Người nào đau khổ vì đánh giá bản thân thấp hẳn không thể có được những tiêu chuẩn hoàn hảo, và cần thay thế chúng với những tiêu chuẩn thực tế hơn.
Làm thế nào chúng ta có thể giáo dục bản thân mà không làm hại đến giá trị bản ngã chúng ta? Chúng ta có thể chọn những cụm từ thay thế như «Tôi muốn làm», «Tôi chọn làm», «Tôi thích làm», «Tôi ước làm», «Tôi muốn làm». Vì thế, chúng ta đi từ cách nói của nô lệ đến cách nói chọn lựa và tự do: chúng ta đòi quyền chọn lựa và tính tự lập của cá nhân. Chúng ta cần chọn ngôn ngữ đúng để giành lại và gia tăng giá trị bản thân.                        

Có những kỳ vọng thực tế sẽ giúp chúng ta giành lại hoặc gia tăng giá trị bản thân
Khi chúng ta là trẻ nhỏ, nhiều kỳ vọng đến trong đường lối của chúng ta. Một số thì mở ảo, một số thì rõ ràng, một số thì tiềm tàng, một số thì hiện rõ. Một số kỳ vọng thì hợp lý, số khác thì không. Những kỳ vọng không hợp lý đẩy chúng ta vào bối rối với chính giá trị bản thân của chúng ta. Nếu người ta yêu cầu chúng ta quá nhiều và quá sớm, hoặc ngược lại nếu người ta đòi hỏi chúng ta quá ít, chúng ta có thể đi đến kết luận: «Người ta nghĩ tôi không thể làm điều đó.» Điều này lặng lẽ dẫn tới, «Và người ta đúng, tôi không thể» Cảm xúc hay thái độ này vẫn ở trong chúng ta, nhấn mạnh rằng chúng ta không thể làm nhiều việc, cho dù chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng chúng ta có thể làm chúng. Có lẽ không ai trong chúng ta trưởng thành với những kỳ vọng làm biến đổi khả năng của chúng ta để sử dụng chúng.
Chúng ta hãy làm một bảng kiểm kê trung thực những yêu sách của bản ngã chúng ta. Chúng ta có thể mắc phải tính cầu toàn. Vì thế, theo quan niệm của chúng ta, chúng ta không bao giờ thành công. Những kỳ vọng của chúng ta quá cao. Thất bại thường xuyên gây trở ngại cho sự phát triển lành mạnh giá trị bản thân của chúng ta. Bao lâu mà các đòi hỏi quá đáng điều khiển suy nghĩ của chúng ta, chúng ta có thể thường xuyên cảm thấy bị hướng dẫn đáp ứng chúng, hoặc bị hướng dẫn đến chỗ nổi loạn. Chúng ta hãy tự hỏi: «Có phải lúc nào tôi cũng nổi loạn, vì các kỳ vọng về bản thân của tôi quá cao?» hoặc «Có phải tôi thường cảm thấy bị lôi kéo và giằng xé vì điều gì tôi hoàn thành luôn luôn chưa được tốt đủ?»
Mặt khác, có cả một toàn bộ các kỷ niệm vô thức, có thể ảnh hưởng đến quan niệm của chúng ta về bản ngã. Cha mẹ chúng ta có thể chỉ mong chúng ta có những cảm xúc tích cực. Chúng ta không được phép có các cảm xúc tiêu cực. Chúng không được chấp nhận. Kết quả là chúng ta biết được trong chúng ta có những phần không được chấp nhận. Chúng ta có thể biết: «Tôi xứng đáng nhỏ nhoi hoặc không được gì vì những cảm xúc tồi tệ của tôi.» Chúng ta có thể cảm nghiệm cảm xúc: «Tôi có gì đó sai lầm.» Đó là những triệu chứng sự đánh giá thấp bản thân tập nhiễm trong thời thơ ấu.

Chúng ta cần học biết khẳng định bản thân  
Khi chúng ta học điều này chúng ta không cần ai chấp nhận. Chúng ta không cần cho người khác sức mạnh để sai khiến chúng ta. Chúng ta hãy làm một bảng kê khai chân thật những yêu cầu của chúng ta và những kỳ vọng chúng ta đặt ra cho chính mình.

Chúng ta cần học sống với và chấp nhận những bất toàn của chúng ta 
Những bất toàn là một phần của chúng ta. Có bao nhiêu người hoàn hảo thể hiện trọn vẹn Chúa chúng ta? Nếu Phê-rô không hoàn hảo và các tông đồ khác cũng thế, liệu tôi có thể học chấp nhận các bất toàn của tôi? Tôi có thể học cách nào để sống với những bất toàn của tôi?

Có những người trở nên khiêm nhường mỗi khi họ phạm lỗi
Mắc những sai lầm là việc của con người. Không ai thích mắc sai lầm. Nhưng chúng ta có thể học bởi thử thách và sai lầm. Những bài học mạnh mẽ có thể được học từ các sai lầm. 
5. Bài tập            
Viết các ghi chú ngắn theo những gì sau đây:

1. Nói về bản thân
     a. Chúng ta nói về bản thân mọi lúc. Bao nhiêu lần chúng ta dùng để đánh dấu chúng ta?
     b. Chúng ta chuyên dùng cách nào để nói về bản thân? Phải chăng cách nói của nô lệ? Bạn có dùng từ vựng tự do không? Hãy viết những ghi chú về cách bạn nói về mình.
     c. Hãy viết một danh sách các hoàn cảnh «tôi không thể». Hãy phân tích chúng và xem liệu bạn thực ra có thể nói. «Tôi không chọn», hoặc «Tôi không muốn.»
2. Các sai lầm
     - Sai lầm lớn nhất là chúng ta bám víu vào các sai lầm của chúng ta! Chúng ta hãy học tha thứ bản thân mình. Đối với một số người đó là điều khó khăn nhất phải làm. Chúng ta có thể học trở thành Ki-tô hữu với chính chúng ta. Đức Ki-tô đã tha thứ cho chúng ta. Ngài là tấm gương và khuôn mẫu. Vì thế tôi muốn học biết tha thứ chính tôi về những lỗi lầm tôi đã phạm.
     - Hãy nhìn lại mười lỗi lầm mà bạn đã phạm trong đời. Bạn đã học được gì từ mỗi lỗi lầm đó? Hãy viết các lỗi lầm ra và tha thứ cho mình các lỗi ấy.
3. Thừa nhận bản thân
Hãy chọn một khía cạnh của đời sống bạn và viết nhiều loại kỳ vọng bạn đặt ra cho bạn liên quan đến chúng. Chúng có thực tế không? Hãy viết lại nếu thấy cần.

TÓM TẮT:
Bạn có thể xây dựng sự đánh giá bản thân như thế nào?
* Bạn cần biết coi thường tiếng nói phê phán phá hoại bên trong.
* Bạn cần nhận biết khi nào sự phê phán phá hoại đang hoạt động.
* Chúng ta cần có lý tưởng và tiêu chuẩn cao, nhưng chúng ta phải tìm kiếm những mục tiêu trung gian chỉ đòi những bước đi nhỏ.
* Người ta thường trách móc người khác và phung phí năng lượng cho cách đó. Hãy nhận trách nhiệm về đời sống của bạn.
* Hãy nhận rõ thứ ngôn ngữ bạn dùng để nói về bản thân.
* Có những kỳ vọng thực tế sẽ giúp chúng ta đạt được và gia tăng sự đánh giá bản thân.
* Chúng ta phải học cách khẳng định chính bản thân mình.
* Chúng ta cần học chấp nhận và sống với những bất toàn.
* Đừng hạ nhục mình khi bạn mắc lỗi lầm.
6. Hình ảnh thân xác và sự phát triển khái niệm - bản ngã
Vì tôi đã quan sát trong các khách hàng mà tôi tư vấn trong suốt ba mươi sáu năm qua, sự phát triển khái niệm bản ngã của một người liên kết chặt chẽ với sự phát triển hình ảnh của thân xác người ấy: phải chăng nó đẹp hoặc không đẹp, quyến rũ hoặc xấu xí, duyên dáng hoặc khó coi. Sự đánh giá này liên kết chặt chẽ với văn hóa của chúng ta. Trong một vài nền văn hóa, người mập là đẹp, trong những văn hóa khác mập lại xấu. Sự đánh giá của chính mình không nhất thiết phải đồng thuận với các sự kiện khách quan hơn và cả với ý kiến của những người khác. Tuy nhiên tính chủ quan này gìn giữ niềm tin là rất quan trọng trong tâm lý học. Phản ứng của chúng ta đối với những niềm tin ấy giống như việc tạo ra những chiến lược cho sự điều chỉnh xã hội; ví dụ như người ta phải cố gắng giảm cân vì mảnh mai, thon thả xem ra là một đòi hỏi tiên quyết để được coi là đẹp; vả lại phản ứng của chúng ta đối với niềm tin mà văn hóa chủ trương có thể tiết lộ cảm xúc của chúng ta về chính chúng ta cho những người khác. Vì thế, những phản ứng đối với hình ảnh thân xác ảnh hưởng đến sự phát triển của việc đánh giá bản thân.
Tuy nhiên sự đánh giá bản thân là kết quả từ nhiều điểm không chỉ là những thuộc tính thể lý của chúng ta. Khi chúng ta già đi, khái niệm bản ngã chúng ta phát triển và tùy thuộc nhiều hơn vào các tài nguyên xã hội và tâm lý của chúng ta, dù rằng sự đánh giá về thân xác vẫn tiếp tục tương tác với các tác nhân tâm lý và xã hội. Kích thước thể lý của một người, vạm vỡ hay yếu đuối cũng như các đặc trưng tinh tế của khuôn mặt thường gây ra những khái niệm về một sự rập khuôn xã hội nơi người khác. Hình ảnh thân xác chúng ta phụ thuộc nhiều vào sự phản hồi của những người khác, đặc biệt từ những người quan trọng trong đời sống chúng ta. Các nhận xét, lời ngợi khen hay bình phẩm của họ sẽ ảnh hưởng chúng ta khi chúng ta xây dựng một hình ảnh về chính chúng ta. Sự chấp nhận của cha mẹ ảnh hưởng nhiều nhất những năm đầu tiên của cuộc đời. Sau đó là ý kiến của những người cùng lứa tuổi và các thành viên khác giới trở thành quan trọng nhất. Cả trẻ nhỏ cũng rất nhạy bén khi nhận thấy những đặc trưng bất thường của những người khác. Chúng có thể độc ác chọc ghẹo và loại trừ những người đơn độc khi chế nhạo vẻ kỳ dị thể lý đặc biệt của họ. Điều này rất tai hại về mặt tâm lý: những nhãn hiệu như «mặt bự», «tai voi», tỏ ra có hại lâu dài. Một trong những khách hàng của tôi đã phải bỏ công sức cả năm trời vì nhãn hiệu [biệt danh] «mũi bự» của cô – nó đã ảnh hưởng đến sự phát triển toàn bộ khái niệm bản ngã của cô.
Chúng ta đều đã đi qua những thay đổi đi xảy ra trong độ tuổi thiếu niên. Sức phát triển mạnh mẽ của tuổi ấy có thể tạo ra nhiều con người có khi đáng tiếc: ngượng nghịu, lóng ngóng, với tay chân dài xỏ vào quần áo thùng thình. Những sự kiện ấy làm cho việc duy trì những cảm xúc dễ chịu và an toàn bản ngã trước đây trở nên khó khăn. Khuôn mặt đầy mụn với tóc xù, tiếng nói vỡ, kinh nguyệt, bộ ngực nở nang và bộ phận sinh dục bất ngờ xuất hiện dù sớm hay muộn, xem ra không dễ chịu và bình thường. Tất cả đều dẫn tới tình trạng dễ thương tổn và hồ nghi bản ngã. Chúng ta không nên quên rằng những đặc tính vật lý là những khía cạnh dễ thấy nhất của con người: lóng ngóng và ngượng nghịu bất thường, có một cái liếc nhìn phải giấu sau cặp kính dầy; đôi tai vểnh ra; trở nên nhỏ, mập, yếu cách bất thường, có một giọng nói khó nghe. Tất cả những điều đó gia tăng tình huống: một vấn đề nhỏ thuộc thể lý có thể trở thành một vấn đề lớn thuộc tâm lý. Điều này xảy ra qua việc người khác gây ra sự loại bỏ, chế diễu và lạm dụng thể lý. Sự lạm dụng này có thể hình thành những thái độ nền tảng kéo dài suốt cả đời người.
Trong một số dân tộc, những đặc tính thể lý sinh ra cảm thức tự ti có thể chứng tỏ là di sản lớn nhất của họ. Adler tin tưởng thế. Chính ông đã là một đứa trẻ rất yếu đuối và bệnh hoạn. Một trong những hồi tưởng sớm nhất của Adler đưa ông ngược về lúc ông khoảng hai tuổi. Lúc đó ông đã ngồi trên một ghế dài, tứ chi ông được quấn băng vì bệnh còi. Ông nhìn người anh chạy nhảy xung quanh. Điều này khiến ông có một cảm giác bị tước đoạt và tự ti, đến lượt chúng dẫn ông vào đường lối đua tranh gây hấn về thể lý. Kinh nghiệm này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông. Khởi điểm của Tâm Lý Cá Nhân theo Adler (1979) có liên quan rất nhiều đến cảm thức tự ti thể lý.
Những lo âu và lo lắng tâm lý có lẽ là số phận của hết thảy chúng ta, bởi càng già thân xác chúng ta xấu đi, nhiệm vụ của chúng ta là duy trì sự đánh giá bản thân cũng như tuổi của thân xác.
TÓM TẮT :
Hình ảnh thân xác và sự phát triển khái niệm bản ngã
* Sự phát triển khái niệm bản ngã liên kết chặt chẽ với sự phát triển hình ảnh của thân xác.
* Sự đánh giá bản thân là kết quả của nhiều hơn các thuộc tính thể lý.
* Thiếu niên là thời kỳ nhạy cảm đối với sự phát triển khái niệm bản ngã.
* Theo Adler, những đặc tính thể lý sinh ra cảm thức tự ti có thể là tài sản to lớn nhất của chúng ta.
7. Ảnh hưởng của văn hóa và văn hóa nhóm nhỏ lên giá trị bản thân
Văn hóa tư bản chủ nghĩa nhấn mạnh sự tích lũy của cải, quyền lực và uy thế. Người ta nhấn mạnh nhiều đến tính năng động và khả năng sản xuất đi lên. Sự chuyển đổi nhanh chóng trong nghề nghiệp, kinh tế không ổn định, nỗi lo sợ mất việc làm, tất cả tạo thành tình trạng bấp bênh cho nhiều người. Vì thế chúng ta hầu như cảm nghiệm tính chất luôn thay đổi trong bình diện đánh giá bản thân. Sự đánh giá bản thân có thể xuống thấp bởi nhiều tác nhân: nhà ở nghèo nàn, giáo dục không phù hợp, trình trạng nghèo đói, và những cơ hội công việc không thích hợp trong số những nguyên nhân chính .
Thành viên của các tổ chức cấp cao như tư pháp, ban giám đốc công ty hoặc các trường đại học sẽ ảnh hưởng đến cách người ta suy nghĩ về chính mình. Sự phản đối để phá bỏ những quy tắc của xã hội hoặc quy tắc đạo đức của cộng đoàn sẽ làm xói mòn giá trị bản thân. Trong các văn hóa của nhóm nhỏ, giá trị bản thân hầu như phải chịu đau khổ khi bị đánh giá tiêu cực.
8. Ảnh hưởng của gia đình lên giá trị bản thân
Một cách khái quát, phải nói rằng hệ thống gia đình càng cởi mở thì giá trị bản thân càng cao. Bầu khí gia đình hiện nay có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển khái niệm bản ngã. Phải chăng gia đình còn nghiêm khắc, thận trọng và khép kín? Phải chăng gia đình cởi mở và phát triển sản xuất? Phải chăng gia đình cố kết và truyền cảm? Phải chăng gia đình đầy xung đột? Phải chăng gia đình trở nên trí thức? Phải chăng gia đình có khuynh hướng tôn giáo? Tất cả những tác nhân ấy góp phần để nhận thức rằng một người có tự nơi mình một toàn thể từ gia đình. Nhận thức này sẽ ảnh hưởng đến giá trị bản thân. Những nhận thức tích cực sẽ xây dựng giá trị bản thân, những nhận thức tiêu cực sẽ hạ thấp nó.
Những quy tắc của gia đình có thể ảnh hưởng đến giá trị bản thân, tùy thuộc vào cách người ta nhận thức những quy tắc ấy. Các kỹ năng xã hội, sức khỏe thể lý và sức khỏe cảm xúc có thể có ảnh hưởng lên sự phát triển khái niệm bản ngã. Giá trị của bản thân cũng lệ thuộc vào vị trí người ta nắm giữ trong gia đình. Sự thừa nhận trong gia đình có một vai trò quan trọng. Phải chăng ngôi sao thể thao đã được đánh giá cao trong gia đình? Phải chăng gia đình hỗ trợ cho người nào hoàn thành việc học? Phải chăng người con lớn nhất hoặc biết vâng lời nhất trong gia đình được thừa nhận thích đáng?
Những bí danh trong gia đình có thể cố định hình ảnh của bản thân: «To Mồm», «Mảnh», «Bé», «Đẹp» và dĩ nhiên «To Mũi» là những bí danh trong gia đình mà tôi đã gặp trong các cuộc tư vấn. Đôi khi những tên này biến mất sau một ít năm, đôi khi chúng được giữ lại đến tuổi trưởng thành. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng có khuynh hướng bảo vệ những hình ảnh trước kia. Nó kềm chế sự trưởng thành và thay đổi và trở thành «những lời tiên tri» chứa đầy bản ngã.
TÓM TẮT :
Ảnh hưởng của gia đình lên giá trị bản thân
* Những quy tắc của gia đình có thể ảnh hưởng đến giá trị bản thân.
* Những bí danh trong gia đình có thể cố định hình ảnh của bản ngã.
9. Những hệ thống hỗ trợ
Chúng ta đều cần đến nhiều người. Những người với giá trị bản thân thấp cần được giúp đỡ và chấp nhận nhiều hơn hết. Thông thường họ có ít bạn bè để họ có thể đến và được nâng đỡ; họ cũng có khó khăn trong việc duy trì tương quan. Theo bản năng, họ có thể chọn làm bạn những người gạt bỏ họ. Điều này làm cho họ thận trọng với bạn bè. Họ có thể rất độc lập, nhưng cũng bị cô lập.
Người lành mạnh có một hệ thống nâng đỡ của một ít người mà họ có thể đến để được giúp đỡ. Trong số đó có những thành viên của gia đình, các bạn thân, những bạn hữu và người quen biết tiềm tàng, giới giáo sĩ và thành viên của ban tương trợ nghề nghiệp. Sự nâng đỡ thích hợp là một mạng lưới an toàn giá trị bản thân.
10. Bài tập 
Hệ thống hỗ trợ.
Hãy lập danh sách những người quan trọng trong hệ thống của bạn. Mô tả mỗi người với vài tính từ! Mỗi người nâng đỡ bạn thế nào? Sự nâng đỡ thích hợp là một mạng lưới an toàn cho giá trị bản thân.
11. Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa
Chúng ta phải biết tín nhiệm vào bản thân vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Ngài. Từ kinh nghiệm của chúng ta, chúng ta biết khi chúng ta tín nhiệm vào bản ngã chân thật, chúng ta biết mình được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Ngài. Nếu chúng ta tín nhiệm vào một bản ngã thương tổn, chúng ta có thể trở thành phá hoại. Vì thế chúng ta cần biết phân biệt giữa hai bản ngã đó. Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần ý thức thật nhiều về bản ngã. Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa là sự bảo đảm chống lại sự trầm cảm trong tương lai. Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa là những phương tiện để thể hiện tài năng còn che khuất. Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa là thuốc giải độc cho sự lệ thuộc và sự cô lập. Người lệ thuộc là người tin rằng người ấy chỉ có thể tiến hành các hoạt động với sự giúp đỡ của những người khác. Người cô lập là người không dựa vào ai khác để hoàn thành. thật nghịch lý, cả sự lệ thuộc lẫn sự cô lập của mình đều cho người khác quá nhiều sức mạnh. Giải pháp cho cả cô lập và lệ thuộc là phát triển tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Khi tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa bạn sẽ tín nhiệm vào khả năng của bạn, được Thiên Chúa giúp đỡ để giải quyết những hoàn cảnh khó khăn mới. Điều này bao hàm việc đối phó với những người góp phần gây ra các khó khăn ấy!
TÓM TẮT:
Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa
* Chúng ta phải biết tín nhiệm bản thân được dựng lên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài.
* Khi chúng ta tín nhiệm vào bản ngã bị tổn thương, chúng ta trở thành phá hoại.
* Chúng ta cần biết phân biệt giữa bản ngã chân thật và bản ngã bị tổn thương.
* Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa là thuốc giải độc cho cả sự lệ thuộc lẫn cô lập.
12. Tập luyện chính bạn để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa 
1)     Bạn phải dọn dẹp những vật chướng ngại của bạn để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Một vài nghi ngờ thông thường và những ý nghĩ cay cú dẫn đến sự lệ thuộc. «Những việc tồi tệ xảy đến cho tôi khi tôi một mình đứng dậy», «Thiên Chúa là cha tôi. Người muốn tôi cậy dựa nơi Người.» Phát biểu sau có thể được giải thích theo cách đúng và theo cách sai. Một vài nỗi sợ hãi thông thường khác dẫn đến sự cô lập. «Người khác sẽ hạ tôi xuống», «Thiên Chúa sẽ hạ tôi xuống.» Những điềm gở ấy sẽ ngăn cản tôi thiết lập tương quan với người khác và với Thiên Chúa; những nỗi sợ hãi ấy cần được giở bỏ và thay đổi.
2)     Khi bạn đã có một nền tảng để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa trên đó bạn có thể xây dựng đời mình, kỹ năng nào bạn cần phải được thúc đẩy và kích thích? Hãy tìm ra nơi nào bạn còn thiếu sót sự tín nhiệm bản thân. Tôi có cần chăm sóc các nhu cầu cơ bản như cách nấu nướng, cách ăn mặc, v.v..? Phải chăng cảm xúc của tôi lệ thuộc vào các phản ứng và hành động của người khác? Liệu tôi có thể tự mình ra khỏi những biến cố xã hội? Liệu tôi có thể tự mình quyết định khi cậy dựa vào sự phù trợ của Thiên Chúa? Phải chăng tôi chấp nhận sự giúp đỡ của người khác và của Thiên Chúa? Có lúc bạn thấy bạn quá tín nhiệm vào bản thân trong công việc. Liệu bạn có cố gắng làm việc như một thành viên của một đội? Công việc bạn làm cần kết hợp chặt chẽ trong tương quan với người khác và với Thiên Chúa.
13. Bài tập cho mấy tuần
Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa
1. Khi trả lời những câu hỏi trên hoặc những câu hỏi tương tự xuất hiện trong trí bạn, hãy lập bản danh sách các hoạt động tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa và bạn đưa chính bạn vào danh sách này như hành động đầu tiên tín nhiệm bản thân.
2. Dựa trên danh sách này, tự ý chọn ít nhất một tình huống mỗi ngày để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Một cách chậm rãi, bạn gia tăng số các tình huống mỗi ngày. Hãy chọn một tình huống thách đố, nhưng không quá khó mà bạn không tìm cách thoái thác. Chỉ cần tập trung vào mỗi ngày một lần và vào một hoàn cảnh được chọn thay vì hỏi một cách mơ hồ rằng phải làm thế nào để bạn trở nên tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa hơn.
3. Ghi chép chi tiết những gì bạn làm, khi nào bạn làm, bạn cảm thấy thế nào trong khi bạn làm và sau khi bạn hoàn thành. Bạn nên viết ra những gì liên quan có thể có trước khi bạn làm. Hãy ghi chú nếu các nỗi sợ hãi của bạn về một kết quả tồi tệ trở thành sự thật. Sau một số kinh nghiệm tín nhiệm bản thân, ghi chú những gì có ý nghĩa với bạn khi mô tả chúng. Dần dần bạn sẽ quen giữ việc ghi chép chi tiết. Bạn có thể bắt đầu ước tính mức độ tín nhiệm bản thân trên một thang điểm từ 0 đến 10 hoặc từ 0 đến 100. Cũng có ích khi ước lượng trình độ lo lắng liên kết với hành động của bạn. Chính hành động giữ các sổ ghi chép tự nó cho thấy bạn có sự tín nhiệm bản thân.
4. Một cách chậm rãi hãy gia tăng số hoạt động tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Hãy nhìn vào bảng kê khai các hoạt động và xem có phải bạn đã bỏ qua những hoạt động quan trọng. Sự tránh né là kẻ thù lớn nhất của tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Nếu có bất cứ hoạt động nào mà bạn bỏ qua, hãy viết chúng ra và lên kế hoạch chúng như một phần chương trình tín nhiệm bản thân.
5. Bước kế tiếp là xúc tiến những hoạt động phức tạp hơn. Ví dụ bạn không bao giờ tự mình đi hành hương, điều này có thể tách ra thành những nhiệm vụ riêng biệt như quyết định đi đâu, thu thập thông tin, đến đó bằng cách nào. Khi bạn sẵn sàng cho hành động phức tạp hơn, dành thời gian để biết bạn cảm thấy thế nào về chính bạn. Khi bạn đi từ chỗ không hiệu quả đến chỗ phong phú, bạn được động viên hướng đến những nhiệm vụ khó khăn hơn. 
Cần nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Người ta không thể vặn nút chạy hết lực một sớm một chiều. Cần sáu đến mười hai tháng để thái độ tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa trở thành tự động. Phải cẩn thận để bạn đừng ngã lòng vì phải cố gắng quá nhiều và quá sớm. Khi chúng ta bắt đầu hành động với nhiều tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, chúng ta có thể cảm thấy kỳ lạ. Điều quan trọng là chúng ta không rút lui khỏi những cảm xúc kỳ lạ hoặc từ cách hành động mới. Đó là một cách mới và do đó có những cảm xúc mới và kỳ lạ. Sau một thời gian nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy tự nhiên hơn. Đến lúc chúng ta không cần nhiều nỗ lực để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Ví dụ như bạn có một vấn đề gặp nhiều người và có khuynh hướng xa lánh họ. Khi bạn cố gắng đến với họ, bạn có thể cảm thấy «dỏm», «kỳ lạ». Nhiều người lui về những cách và thói quen cũ thay vì ngồi lại với nỗi bất an. Bạn sẽ có thể vượt qua trở ngại ấy nếu bạn chấp nhận các cảm xúc của bạn.
Cần có những kiểu mẫu giúp bạn gia tăng động lực trở nên tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa hơn. Bạn có thể bắt chước hành vi của một người nào mà bạn thán phục sự tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa của người ấy. Thông thường các chương trình thay đổi bản thân thất bại vì trước hết người ta quên lý do để bắt đầu chúng. Điều quan trọng là chúng ta phải thường nhớ lại tại sao chúng ta muốn tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa hơn. Cơ bản đó là một phần của tiến trình trị liệu. Chúng ta phải xét lại định kỳ động lực và sự tiến bộ của chúng ta.
Có nhiều chiến lược để tăng lên sự tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Có những người áp dụng phương pháp «không còn nơi bấu víu», tin chắc rằng chính họ tiến hành ý định của họ. Họ quyết định chia một nhiệm vụ chính thành nhiều nhiệm vụ nhỏ hơn. Ví dụ một phụ nữ quyết định đi hành hương một mình. Bà cố gắng giữ vững tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa với việc thực hiện những nhiệm vụ nhỏ để tồn tại khi hành hương: đóng thùng đồ đạc, lên danh sách các trạm dừng và thời gian xe lửa chạy, chuẩn bị thức ăn cho cuộc hành trình, v.v.. Mỗi nhiệm vụ hoàn thành mang lại một biện pháp bảo đảm cho bản thân. Một thiếu phụ khác có thể tự mình tổ chức một tiệc rượu cho hai mươi người. Cô lên danh sách món ăn, mua lương thực, nấu nướng, sắp xếp gọn gàng, quét dọn chỗ ngồi để thể hiện đúng những gì cô mong muốn. Cô sẽ lên danh sách những gì cô phải làm và đánh dấu nhiệm vụ nào cô hoàn thành. 
Rồi có «kỹ thuật trách nhiệm». Điều này chủ yếu ở chỗ nói với người khác trước khi bạn thực hiện kế hoạch tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Ví dụ một phụ nữ lớn tuổi lên kế hoạch đi du lịch Rô-ma. Bà biết rằng bà vốn nhút nhát. Bà nói trước với bạn bà về mọi thu xếp bà làm: bà đăng ký chuyến bay, thuê khách sạn trong một tuần như thế nào, và bà đã thu xếp như thế nào về những gì sẽ thấy ở Rô-ma. Bà cũng thu xếp gặp những người quen nào đó ở Rô-ma. Tất cả những điều đó sẽ giúp bà tránh được sự cám dỗ ở lại trong phòng khách sạn cả tuần.
Rất nhiều sự lệ thuộc được liên kết với cái mà người ta gọi là những vai trò khác nhau của giới tính. Nhiều người đàn ông lệ thuộc vào phụ nữ khi chăm sóc con, quét dọn và nấu ăn. Một số phụ nữ cảm thấy không có khả năng bảo trì xe cộ, nhà cửa, những sự thu xếp tài chánh, họ coi các việc ấy như công việc của đàn ông. Một số nữ tu cảm thấy lệ thuộc vào các bề trên về nhiều việc. Làm thế nào chúng ta vượt qua sự lệ thuộc ấy. Một vài nữ tu sợ rằng bề trên cộng đoàn hoặc người khác sẽ giận dữ, nếu họ quá tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Họ sợ họ sẽ kết thúc trong cô độc thay vì tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Cách tốt nhất là kiểm tra xem bề trên cộng đoàn và các nữ tu khác cảm thấy thế nào về một nữ tu trở nên tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Nói chung người ta đánh giá cao khả năng hơn sự vô dụng. Khi bạn tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, người ta sẽ thoải mái hơn với bạn vì bạn không đòi hỏi điều gì của họ. Họ cảm thấy thích hợp hơn và thích ở với bạn. Khi bạn càng tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, bạn cũng thấy thích hợp với chính mình. Bạn không cần làm vui lòng những người khác. Con người thật của bạn – bạn thật sự thế nào, sự giống Thiên Chúa nơi bạn – thì lôi cuốn hơn bộ mặt xã hội. Khi bạn tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, bạn cảm thấy tự do với chính bạn, và điều này làm bạn thành một người  dễ dàng tương giao với mọi người xung quanh.
Đôi khi bạn bè thân thiết và các bề trên cộng đoàn bảo vệ sự phụ thuộc khi dẹp bỏ trách nhiệm thuộc về bạn. Khi bạn có thêm nhiều tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, bạn có thể thấy bạn xung đột với những người như thế. Hãy tập biểu lộ sự quả quyết bởi cách đơn giản những gì bạn coi là quyền của bạn. Hãy giải thích rằng bạn cần phát triển các khả năng và sáng kiến của bạn. Hãy giải thích rằng bạn không muốn mất cơ hội nào để thực hành sự tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Trong đường lối tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, điều quan trọng là bạn nên bàn bạc vấn đề này với những người có ý nghĩa đối với cuộc đời bạn.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về sự tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, hãy nhìn điều đó như một dấu chỉ tốt lành. Đó là dấu chỉ bạn đang thách thức chính mình, đòi hỏi nhiều hơn về bạn, chấp nhận nhiều phiêu lưu và liều lĩnh lớn hơn. Bạn có thể giải thích điều đó như lời xác nhận bạn đang cải thiện, thay đổi hoặc một điều gì đó đang xảy ra. Đồng thời, khi bạn thực hiện những tiến bộ trong việc tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, bạn phải chấp nhận một vài thất bại và nản lòng. Mọi tiến bộ của con người không đi theo đường thẳng, nhưng theo đường xoắn ốc và không bằng phẳng. Bạn có thể làm thế nào để vượt qua những khó khăn tạm thời ấy? Bạn hãy bảo đảm bạn gắn bó với chương trình của bạn. Bạn tự tước đoạt bạn một phần thưởng nếu bạn không thực hiện chương trình của bạn. Ví dụ như, đừng xem ti-vi cho đến khi bạn đã làm theo thời biểu tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa.
TÓM TẮT:
Tiến đến tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa
* Bạn phải dẹp bỏ bất cứ trở ngại nào bạn có để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa.
* Bạn đã có một nền tảng để tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa.
* Hãy chọn một hoàn cảnh mỗi ngày trong đó bạn sống tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa.
* Duy trì việc ghi chép chi tiết.
* Gia tăng con số các hoạt động tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa.
* Thực hiện tiếp các hoạt động phức tạp hơn.
-----------
Có những lợi ích của tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa
Khi bạn ngày càng tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa :
a.     Bạn sẽ ít bị thương tổn bởi những rối loạn cảm xúc. Giá trị bản thân bạn được cải thiện. Bạn cảm thấy chính mình tốt đẹp. Bạn càng làm chủ được cảm xúc của bạn. Bạn thôi phản ứng với các hành động của người khác và các biến cố với cảm xúc thái quá.
b.     Bạn sẽ xây dựng giá trị bản thân của bạn. Bạn càng dẹp bỏ hiệu quả và khả năng kém cỏi, bạn càng cảm thấy tốt hơn về bạn. Điều chúng ta suy nghĩ và cảm nhận về chúng ta tùy thuộc vào mức độ nào đó của công việc chúng ta làm. Chúng ta xem xét chúng ta hành động thế nào và rồi chúng ta đánh giá chính mình cách tương ứng. Nhiệm vụ nội tâm này tiếp tục trong mọi lúc.
c.     Bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn. Điều sai lầm là tin rằng được một người khác làm việc của chúng ta thì dễ dàng hơn. Đời sống của chúng ta sẽ bình ổn và hiệu quả hơn khi chúng ta có thể chăm lo công việc của chính mình. Chúng ta có thể bỏ ra nhiều giờ để nhờ người khác đánh máy một bản báo cáo mà chúng ta có thể tự mình đánh máy trong một giờ.
d.     Bạn có thể xử lý mọi căng thẳng hiệu quả hơn. Ý tưởng về Mầu nhiệm Vượt qua là một sức mạnh động viên mạnh mẽ giúp chúng ta xử lý tích cực với căng thẳng và đau khổ. Căng thẳng, sầu khổ và đau đớn là một phần của đời sống con người. Nếu tôi đối diện với chúng như Chúa chúng ta đối diện với đau khổ của Ngài, điều đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành. Chúng ta càng tin rằng chúng ta có thể quyết định số phận của chúng ta như Chúa chúng ta đã làm khi chính Ngài khuất phục được các binh lính, chúng ta càng có thể xử lý tốt hơn với căng thẳng, sầu khổ và đau đớn. Chúng trở thành một thách đố đối với chúng ta. Khi chúng ta quyết định kiểm soát đời sống chúng ta như Đức Giê-su đã làm, chúng ta gia tăng các phương thế để xử lý cuộc đời, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
e.     Chúng ta sẽ không bị người khác dễ dàng dọa dẫm. Chúng ta càng lệ thuộc, chúng ta càng dễ bị dọa nạt. Trong thâm tâm chúng ta biết chúng ta không cần sự trấn an của những người mà chúng ta lệ thuộc. Chúng ta có thể tự mình hành động khi cậy dựa vào Thiên Chúa. Chúng ta không cần sự chuẩn nhận của con người. Sự phê chuẩn của Thiên Chúa là quá đủ, và đó là phương thế rất to lớn của chúng ta.
f.      Tương quan của chúng ta với những người khác sẽ cải thiện. Thông thường khi người ta tưởng rằng họ phải cần người khác hỗ trợ họ, người khác sẽ hướng dẫn họ đi chệch qua chỗ khác. Điều này đưa đến vòng lẫn quẫn. Họ càng xa rời chỗ ban đầu và họ càng lệ thuộc vào người khác. Điều ngược lại xảy đến khi chúng ta tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy thoải mái khi không hành xử như thể chúng ta muốn đòi hỏi người khác điều gì. Vì người khác cảm thấy thoải mái nên họ sẽ đến với chúng ta. Khi chúng ta càng tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng thoải mái với chính chúng ta. Chúng ta không cần làm vui lòng ai. Chúng ta tự do trong chính mình. Người khác cũng sẽ cảm thấy tự do với chúng ta.
g.     Bạn sẽ gia tăng tự do của bạn. Những người bị trầm cảm bị hạn chế cách nghiêm trọng. Cảm xúc và cách ứng xử của họ trở nên cằn cỗi. Họ không cảm thấy thích làm bất cứ việc gì. Tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa là cùng đích của tính liên tục. Chính trong sự  tín nhiệm ấy, tự do đạt đến mức lớn nhất, bạn có thể hoàn thành nhiều việc. Bạn sẽ ở lại trong một tương quan vì bạn muốn thế. Bạn muốn giữ lại công việc vì bạn muốn thế. Những điều đó không chỉ là những chọn lựa của tôi. Bạn cảm thấy tự do khi quyết định. Bạn có những ý kiến của bạn. Bạn có phán đoán của mình. Bạn đi theo đường hướng của bạn thay vì đi theo cái mà người khác thuyết phục bạn. Bạn có thể sinh ra chân lý, nhưng bạn sẽ không bị chân lý phá hủy. Thật vậy chân lý sẽ thiết lập bạn tự do.
TÓM TẮT :
Những lợi ích của tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa  
* Bạn trở nên ít bị tổn thương bởi những rối loạn cảm xúc
* Bạn xây dựng nên giá trị bản thân
* Bạn trở nên hiệu quả hơn
* Bạn xử lý căng thẳng mỗi ngày hiệu quả hơn
* Bạn sẽ không dễ dàng bị người khác hăm dọa 
* Bạn sẽ cải thiện tương quan của bạn với người khác
* Bạn sẽ gia tăng tự do của bạn.
14. Làm thế nào để cha mẹ, thầy giáo, người tư vấn và người đào tạo giúp đỡ những người có trách nhiệm phát triển một khái niệm bản ngã lành mạnh?
a.     Cha mẹ, thầy giáo, người tư vấn và người đào tạo cần lắng nghe, lưu tâm và chấp nhận những cảm xúc của các trẻ em, người lớn được giao cho họ.
b.     Họ cần đối xử với những người được giao cho họ với sự kính trọng và chấp nhận.
c.     Họ cần phải mang lại những lời ngợi khen đặc biệt và sự phê bình xây dựng.
d.     Họ cần phải tử tế.
e.     Họ phải sử dụng lối truyền đạt «tôi» thay vì lối truyền đạt «bạn». Ví dụ, «Tôi khó chịu vì tiếng ồn» thay vì «Sao anh ồn thế» 
f.      Cha mẹ, thầy giáo, người tư vấn và người đào tạo cần phải kiên trì.
g.     Họ cần cho trẻ em và người lớn mà họ phụ trách khoảng không gian để những người ấy tổ chức đời sống riêng.
h.     Họ cần trao cho những người lớn nhỏ mà họ phụ trách các trách nhiệm, sự độc lập và tự do thực hiện các chọn lựa.
i.      Họ cần bao gồm cả họ trong các cơ hội thử nghiệm và theo đuổi lợi ích.
j.      Họ cần tôn trọng tính độc đáo của mỗi cá nhân được giao cho họ.
k.     Họ cần phải là những gương mẫu tốt.
l.      Họ cần tránh sự hay xét đoán.
m.   Họ cần tôn trọng các phán đoán của những người được họ chăm sóc, cả khi điều này có thể không thích hợp với họ.
15. Các dấu chỉ nào cho thấy có sự đánh giá bản thân tích cực?
Những người có sự đánh giá bản thân cao có thể được mô tả như hiện thực hóa bản ngã. Họ có một bản ngã có đầy nhiệm vụ. Maslow (1954, 327) đã quy định những đặc tính sau đây của những người như thế:
a.     Họ hướng về thực tế.
b.     Họ chấp nhận chính họ, những người khác và môi trường mà họ phục vụ.
c.     Họ có nhiều tính tự phát.
d.     Họ tự chủ và độc lập.
e.     Họ tập trung vào vấn đề thay vì vào bản thân.
f.      Họ có vẻ vô tư và nhu cầu cách biệt.
g.     Khi họ đánh giá người khác thì sự đánh giá mới mẻ không rập khuôn.
h.     Họ đồng cảm với nhân loại
i.      Tương quan của họ với ít người được yêu thương đặc biệt xem ra sâu xa hơn là nông cạn.
j.      Các giá trị và thái độ của họ có tính dân chủ.
k.     Họ không lẫn lộn phương tiện với cứu cánh.    
l.      Cảm thức khôi hài của họ có tính triết học hơn là thù nghịch.
m.   Họ rất sáng tạo.
n.     Họ chống lại việc tuân theo văn hóa.
o.     Họ có thể có những kinh nghiệm thần bí và tâm linh.
16. Làm thế nào cải thiện khái niệm bản ngã từng bước một
Thông thường và cũng đáng buồn là người huấn luyện nghề nghiệp không có sự hiểu biết sâu xa về sự phát triển khái niệm bản ngã. Trong chương trình đào tạo, sự phát triển khái niệm bản ngã rất quan trọng. Trong bất cứ chương trình đào tạo nào – trước khi vào nhà tập, chủng viện, đào tạo tiếp tục – sự phát triển khái niệm bản ngã cần có một vị trí trung tâm. Nhiều người trợ giúp tập trung vào sự phát triển các sức mạnh và không đi theo sự tiếp cận từng bước một. Diane Frey và Jesse Carlock (1984) nhấn mạnh bốn giai đoạn can thiệp:
1)     Trước tiên con người cần khám phá căn tính của mình. Vì nhận thức bị bóp méo, những người đánh giá thấp bản thân hiếm khi có một hình ảnh rõ ràng về căn tính của họ. Những người như thế không nhìn thấy toàn thể bản ngã của họ. Họ có thể tập trung trên một bản ngã lý tưởng và không tương hợp với nó tí nào. Người ta có thể nhìn chính mình như mình đã là trong quá khứ, nhưng quên cái bản ngã hiện tại. Có nhiều cách và công cụ để tìm ra căn tính của mình, ví dụ như bối cảnh, tài năng, những đặc trưng của văn hóa, sở thích, tham vọng, những biến đổi trong cách hiểu và thực hành tôn giáo của một người.
2)     Bước kế tiếp là khám phá những điểm mạnh, điểm yếu của một con người. Phải đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: «Tôi sử dụng sức mạnh của tôi như thế nào?» Mỗi người đều sở hữu cả những phẩm chất tích cực và tiêu cực. Trong những người đánh giá thấp bản thân, bản thân hầu hết đều là các phẩm chất tiêu cực. Cá nhân cần nhận ra các sức mạnh của mình và đối phó với những điểm yếu.
3)     Bước sau đó là nuôi dưỡng căn tính vừa được khám phá. Một sự đánh giá bản thân tích cực mới được thủ đắc có thể mất đi nếu không được nuôi dưỡng. Việc dạy cho người ta biết những cách nuôi dưỡng khái niệm bản ngã của họ là điều quan trọng:
a.     Những người đánh giá thấp bản thân cần biết chuyển dịch việc nuôi dưỡng từ các môi trường tích cực đến những môi trường ít tích cực hơn. Ví dụ tỉ lệ ngợi khen/chỉ trích có thể cao trong gia đình, nhưng thấp trong môi trường làm việc. Một người như thế cần rút sức mạnh ra từ môi trường tích cực ở nhà để có thể nuôi dưỡng bản ngã trong nơi làm việc.
b.     Người đánh giá bản thân thấp cần học nhận ra những nhu cầu phải nuôi dưỡng của người ấy và yêu cầu người khác giúp đỡ để đáp ứng các nhu cầu ấy.
c.     Những người đánh giá bản thân thấp cần biết khẳng định bản thân và người khác. Không thể đánh giá thấp giá trị của việc cho và nhận sự phản hồi tích cực.
d.     Người trợ tá có thể giúp đỡ người đánh giá thấp bản thân phá bỏ những lời tiên đoán đầy ắp cái tôi nhờ tranh cãi những lý luận sai lầm. Lý luận sai lầm này là kết quả của sự khái quát hóa quá mức, của tri giác chọn lọc, lãnh nhận trách nhiệm quá nặng nề, suy nghĩ một chiều và nhìn thấy tai họa ở những nơi mà chúng không thật sự tồn tại.
4)     Người đánh giá thấp bản thân cần biết cách duy trì sự đánh giá bản thân thích hợp. Đánh giá bản thân là một tiến trình. Người đánh giá thấp bản thân có thể học để:
a.     hướng kinh nghiệm vào các hoàn cảnh học tập.
b.     thực hành việc mạo hiểm thuận tiện.
c.     lập các mục tiêu thuận tiện.
d.     khẳng định công khai các mục tiêu.
Điều sau cùng này đặc biệt có ích vì một khi nhiệm vụ đã được công khai, người ta hầu như phải hoàn thành nó. Bốn bước đi này để can thiệp nâng cao giá trị bản thân được coi như một thể liên tục. Cách can thiệp này là một tiến trình bậc thang từ việc nhận biết đến duy trì. Tuy nhiên có sự gối lên nhau giữa những bước đi đó. Những bước đi này là đường lối chỉ đạo cho một tiến trình hợp lý.
TÓM TẮT :
Làm thế nào để cải thiện bản ngã từng bước một
* Trước hết cá nhân cần khám phá căn tính của mình.
* Cá nhân cần khám phá những điểm mạnh và những điểm yếu của mình.
* Căn tính mới được khám phá với các điểm mạnh và yếu cần được nuôi dưỡng.
* Cá nhân cần duy trì sự đánh giá bản thân thích hợp.
17. Bài tập
Xem xét những câu hỏi dưới đây bằng trực quan nếu được
1. Bạn mô tả sự đánh giá bản thân mình như thế nào?
     a. Bạn có tin vào chính mình và và giá trị của mình không?
     b. Có phải bạn thường hạ nhục mình không?
     c. Bạn có yêu bạn không?
     d. Kinh Thánh nói gì về chúng ta?
     e. Phải chăng bạn đánh giá bạn dựa vào những cảm xúc thành công?
     f. Bạn cảm thấy thế nào như một nhân vị?
2. Bạn đeo loại mặt nạ nào?
     a. Một cậu trai/cô gái dễ thương?
     b. Kẻ gây rối?
     c. Cái tôi khốn khổ?
     d. Người tham công tiếc việc?
     e. Người cầu toàn?
     f. Người cứu hộ?
     g. Kẻ cứu đời?
3. Tôi là ai? Lên một danh sách để mô tả chính bạn.
4. Sự mô tả ấy đã bắt nguồn từ đời sống bạn như thế nào? Ai đã xác định bạn cách đó?
5. Có khi nào bạn liều mình cách hợp lý không?
6. Suy nghĩ chủ yếu của bạn chủ yếu là tiêu cực hay tích cực?
7. Bạn cải thiện cách nói về mình như thế nào?
8. Bạn có thể mở rộng mạng lưới hỗ trợ của bạn như thế nào?
9. Bạn có những sức mạnh nào?
10. Hệ thống niềm tin của bạn là gì?
11. Bạn có thể làm gì đối với những yếu đuối của bạn?
12. Bạn tín nhiệm bản thân và tín nhiệm Thiên Chúa như thế nào?
13. Bạn nhìn thân thể và những phần thân thể của bạn như thế nào?
14. Bạn hãy tưởng tượng được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài có ý nghĩa gì.
15. Hãy hình dung chính bạn để càng chấp nhận bản thân hơn.
16. Hãy hình dung chính bạn để càng yêu mến bản thân hơn.
17. Hãy tưởng tượng đời sống sẽ như thế nào khi bạn chấp nhận bản thân hơn, chấp nhận người khác hơn, yêu thương bản thân hơn, yêu thương người khác hơn, tín nhiệm bản thân và Thiên Chúa hơn?    
18. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Người 
Đó là đề tài luôn được trở lại trong cuốn sách này. Vì đó là trọng tâm của cuốn sách. Nơi nào không hiển nhiên như thế là vì tác giả tập trung trên một tiếp cận tư vấn đặc thù hoặc một khía cạnh nhỏ của tương quan. Nhưng chúng tôi bắt đầu với siêu nhân vị (hoặc liên nhân vị), và theo một nghĩa nào đó chúng tôi không bao giờ lìa bỏ nó. Chúng tôi muốn nói hãy trở nên khả ái, vì như thánh sử Gioan trình bày yếu tính của Thiên Chúa, Thiên Chúa cơ bản là Tình Yêu. Nhiều người không cảm nghiệm chính họ đáng yêu. Điều gì dẫn đến sai lầm ấy? Cách người ta trưởng thành khi còn là trẻ nhỏ, cách mà cha mẹ hoặc những người chăm sóc đầu tiên đối xử với chúng ta có lẽ là lý do khiến người ta cảm thấy mình không có giá trị, xấu xí, hèn kém; một số người còn cảm thấy mình xấu xa. Có thể người ta không nhận được đủ tình yêu hoặc cách yêu thương đúng đắn. Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài có nhiều ý nghĩa. Có lẽ bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể học từ sự kiện ấy là chúng ta đáng yêu, quý giá, đẹp. Có thể đó là sự thật sâu xa nhất về con người. Vì thế một trong những mục tiêu chính của trị liệu là giúp khách hàng cảm nghiệm một lần nữa họ đáng yêu. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa đối với chúng ta. 


[1] Kết quả  đánh giá trên xem  ra có vẻ khắt khe và bi quan nhưng về mặt sư phạm có lợi hơn cách đánh giá của Viện Nghiên Cứu Xã Hội Hoa Kỳ gồm mười điểm sau đây: (1)  Người VN cần cù lao động, song dễ thỏa mãn nên còn năng tâm lý hưởng thụ; (2) Thông minh sáng tạo nhưng chỉ có tính chất đối phó, thiếu tư duy dài hạn, chủ động; (3) Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm); (4) Vừa thực tế, vừa mở rộng nhưng lại không có ý thức nâng cao lên thành lý luận. (5) Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh nhưng ít học đến nơi đến chốn nên kiến thức không có hệ thống, mất căn bản. Động cơ học tập không do tự thân mỗi người; (6) Xởi lởi chiều khách nhưng không bền; (7) Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang  phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, chơi trội); (8) Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhưng chỉ trong những hoàn cảnh khó khăn, bần hàn; (9) Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, nhưng nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái lặt vặt làm đánh mất đại cuộc; (10) Thích tự lập, nhưng lại thiếu tinh thần liên đới để tạo ra sức mạnh phục vụ công ích.
[2] Cuốn sách này, tác giả Len Kofler viết cho các học trò ông trong Học Viện Thánh Anselme, những người sẽ trở thành tư vấn viên tâm lý hoặc các bác sĩ điều trị tâm lý.
[3] Trong Học Viện Thánh Anselme, người ta sử dụng cơ cấu tâm lý cá nhân của Kofler: nó gồm ba phần là bản-ngã thấp (low self) tương ứng với vô thức (ID, cái-đó) của Freud, bản-ngã-cao (high self) hay bản ngã tâm linh tương ứng với cái siêu ngã của Freud (sur-moi) và bản-ngã-trung-gian hay bản-ngã-giữa (middle self) tương ứng với bản ngã ý thức (moi) của Freud.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks