ngày tháng năm

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, MỘT NỖ LỰC KHÔNG UỔNG PHÍ

Gia Kỳ 
Hiệp Thông số 80 (tháng 1 & 2 năm 2014) 

Tháng Bảy vừa qua, những người yêu mến văn học, trong và ngoài nước, đã cùng hướng về một sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra cách nay đúng 80 năm: Tự Lực văn đoàn được thành lập (1933-2013). Cũng trong cuộc kỷ niệm 80 năm ấy, là hồi tưởng về người đứng đầu văn đoàn -nhà văn Nhất Linh- qua đời tròn 50 năm (1906-1963). 

Tự Lực văn đoàn và nhà văn Nhất Linh vốn rất quen thuộc với các thế hệ học sinh miền Nam trước 1975 nhưng lại rất xa lạ với học sinh cùng thời ở miền Bắc. Không những không được đọc tác phẩm của nhóm văn chương này, các học sinh miền Bắc còn được dạy phải xa lánh và lên án, vì sách giáo khoa Văn học lớp 9 - hệ 10 năm - (trước 1975 ở miên Bắc) và Văn học lớp 11 - hệ 12 năm - (trước 1990 trên toàn quốc) dạy rằng văn học lãng mạn (trong đó có Tự Lực văn đoàn) “về cơ bản là phản động và đồi trụy” (sic). 

Nay đã qua rồi kiểu “đánh giá” văn học nghệ thuật xuất phát từ quan điểm chính trị hẹp hòi và nhận thức xã hội máy móc, thô thiển. Sách dạy học trò phổ thông ngày nay giới thiệu Tự Lực văn đoàn có phần khách quan hơn: 
“Từ khoảng năm 1930, đã thực sự xuất hiện trào lưu lãng mạn chủ nghĩa với những thành tựu nổi bật được kết tinh ở Thơ mới, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam (trong Tự lực văn đoàn), Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân... Trong khoảng thời gian ấy, nhóm Tự Lực văn đoàn với những tác phẩm xuất sắc của Nhất Linh, Khái Hưng... đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới: cách dựng truyện tự nhiên, tổ chức kết cấu linh hoạt, tính cách nhân vật được xem là trung tâm của tác phẩm, đời sống của nhân vật được chú trọng và được phân tích, diễn tả tinh vi. Ngôn ngữ tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế từ ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc đến cảm giác mong manh, mơ hồ nhất, tuy về sau lại trở thành kiểu cách, sáo mòn” (Văn học lớp 11 - tập 1, Nxb Giáo dục, 2008). 
Nhận định về Tự Lực văn đoàn như vừa nêu trong sách giáo khoa là kết quả của tiến trình đổi mới văn học nghệ thuật từ 1987 trở đi (Trang Văn hóa của báo Hiệp Thông đã đăng một số bài về tiến trình này). Trong tiến trình này, việc đổi mới diễn ra trên tất cả mọi bình diện: sáng tác, lý luận phê bình, xuất bản..., nhờ đó cả người viết lẫn người đọc từng bước có điều kiện ngày càng thoải mái hơn trong việc tiếp cận, thưởng ngoạn và thẩm định văn học nghệ thuật nay cũng như xưa, trong và ngoài nước. 

Kỷ niệm một sự kiện đã 80 năm không chỉ nhằm nhắc lại những gì đã diễn ra mà còn hướng vào những vận động trong cuộc sống hôm nay. Trong suy nghĩ và lối sống. Trong hiện thực và cả nơi những mơ mộng, ước muốn, hy vọng…

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, NHỮNG HOÀI BÃO 

Nói Tự Lực văn đoàn trước hết phải nói về báo Phong Hóa nơi phát sinh Tự Lực văn đoàn. 

Năm 1932, khi đang dạy học tại trường Thăng Long (Hà Nội), Nguyễn Tường Tam (tức Nhất Linh sau này), vốn tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Pháp và nghiên cứu thêm trong thời gian du học tại đây về nghề in và làm báo, đã nung nâu ý định làm báo. Dù nghề dạy học kiếm được nhiều tiền (khoảng 100 đồng/tháng) hơn hẳn nghề báo (lúc thịnh đạt nhất của tờ Phong Hóa, rồi tờ Ngày Nay, lương mọi người trong ban điều hành kể cả chủ bút cũng chỉ 10 đồng), nhưng Nhất Linh vẫn quyết tâm lao vào nghề báo. 

Thời cơ đã đến. Đó là khi báo Phong Hóa của hai ông Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai đã ra được 13 số nhưng phải nghĩ đến việc đình bản vì không có độc giả, Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh liền ngỏ ý mua lại. Ngày 22.9.1932, báo Phong Hóa đổi chủ, ra số 14 với chủ nhân mới là Nhất Linh, dù ở trang nhất, ngoài việc đề tên Nguyễn Tường Tam là Directeur (Giám đốc), vẫn ghi tên hai người cũ: Nguyễn Xuân Mai, Fondateur Directeur Politique (Sáng lập viên, Giám đốc chính trị) và Phạm Hữu Ninh, Administrateur Gérant (Quản lý trị sự). Còn các cây bút trong ban biên tập, ngoài Khái Hưng là người cũ của Phong Hóa, là những cây bút mới: nhà thơ trào phúng Tú Mỡ và hai nhà văn em ruột của Nhất Linh: Hoàng Đạo, Thạch Lam. 

Ngay số đầu tiên, ngoài việc đổi khổ báo lớn hơn, Nhất Linh đổi mới các mục, đưa thêm chất khôi hài - trào phúng, chẳng hạn bức tranh biếm Người Annam mình kinh doanh của cây cọ Đông Sơn (tên Nhất Linh dùng khi vẽ biếm họa) rất khôi hài, hấp dẫn: vẽ một chiếc xe đò ghi rõ bên thành xe “25 chồ ngồi nhất định” nhưng chở đến 40-50 người, nam phụ lão ấu, người phố kẻ quê ngồi cả lên mui. Đặc biệt hấp dẫn là các mục truyện nhiều kỳ. Sự lôi cuốn của tờ báo là do tính chất đa dạng của các thể loại bài viết, sự gần gũi với đời sống, đáp ứng tâm lý độc giả... 

Những người làm báo Phong Hóa luôn ý thức phải có độc giả mới sống được, nhưng không dùng mọi cách để câu khách. Họ có hoài bão riêng. Đó là nâng cao dân trí và cải tạo xã hội. 

Ngày 2.3.1934, trong số báo 87, trang 2, cột 1 và 2, đăng bài “Tự Lực văn đoàn” . Bài viết chính là tôn chỉ của những người cầm bút, sau một thời gian ngắn cùng làm báo, cùng chia sẻ những thao thức, cùng ấp ủ những hoài bão, nên thống nhất cùng tuyên ngôn về hoạt động báo chí - sáng tác - dấn thân xã hội của một văn đoàn mang tên Tự Lực (danh xưng đã xuất hiện trên báo Phong Hóa ngày 7.7.1933). 

Văn đoàn gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, về sau thêm Xuân Diệu. Nhóm Tự Lực văn đoàn đưa ra tôn chỉ, nguyên văn đăng trên báo Phong Hóa số 87: 
“Tự Lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.
Người trong Văn đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo, gửi đến để văn đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn đoàn có mặt ở Hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sức cổ động giúp. Tự Lực văn đoàn không phải là một hội buôn xuất bán sách.
Sau này nếu có thể được, Văn đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực văn đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của đoàn.
Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn 
1- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giàu thêm văn sản trong nước.
2- Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chú ý làm cho Người, cho Xã hội ngày một hay hơn lên.
3- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4- Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.
5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6- Ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
7- Trọng tự do cá nhân.
8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9- Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương An nam.
10- Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác. 
Những người làm báo Phong Hóa, trước hết là Nhất Linh, ấp ủ những hoài bão văn chương và xã hội. Họ được Nhất Linh quy tụ, khơi lên cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và nghĩ ra những cách thức thay đổi xã hội. Những thay đổi bắt đầu từ cá nhân con người. Những cá nhân thay đổi cách nghĩ. Những cách nghĩ thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi cuộc sống. 

Nhiều người thay đổi thì thành đông đảo. Lúc đó, nhìn lại mới hay xã hội đã thay đổi rồi. Từ hồi nào chẳng mấy ai còn để ý. 

Mười điều tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn hướng vào hai mục tiêu: nâng cao dân trí và cải tạo xã hội. Cách thức đạt mục tiêu là dùng văn chương và báo chí, trong đó báo chí là phương tiện chủ yếu. Báo chí đăng tải văn chương. Văn chương nhờ báo chí để đến với độc giả, nhưng cũng nhờ văn chương, báo chí sẽ có chất văn hơn, vì thế vừa dễ đến với độc giả vừa thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng báo chí. 

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN LÀM VĂN CHƯƠNG ĐỂ THỰC HIỆN TÔN CHỈ 

Hoạt động chủ yếu của Tự Lực văn đoàn là viết văn, làm báo, in sách. Như giới nghiên cứu sau này nhận xét, các hoạt động văn hóa và xã hội, báo chí và xuất bản của Tự Lực văn đoàn được những người chủ trì của nhóm hướng theo chủ trương cải cách xã hội, vận động hiện đại hóa đời sống, tuyên truyền cho văn minh, cho đô thị hóa, Âu hóa. Nghĩa là các cây bút Tự Lực văn đoàn đồng tâm nhất trí dành mọi sáng tạo nghệ thuật để thực hiện 10 tôn chỉ đã nêu ra. Những tôn chỉ này, như một đúc kết những bước dọ dẫm hiện đại hóa trong văn học 30 năm đầu thế kỷ vừa trôi qua, và từ đó xác định cho mình những việc cần làm để đổi mới văn học theo hướng hiện đại hóa. 

Quả thật văn học vừa trải qua 30 năm mang tính chất giao thời, trong đó nền văn học dân tộc chuyển dần từ mô hình văn học Đông Á trung đại truyền thống sang mô hình văn học hiện đại, gần gũi với dạng thức của các nền văn học trong thế giới hiện đại. Có thể nêu ngắn gọn sự chuyển đổi mô hình diễn ra trên hai khía cạnh: ý thức sáng tạo và hình thức thể hiện. 

Về ý thức sáng tạo: Người cầm bút của văn học trung đại chịu sự chi phối của lối tư duy mang tính nguyên hợp (văn, sử, triết hòa vào nhau, không tách bạch; ý thức thẩm mỹ và ý thức đạo đức thống nhất với nhau, trong đó đạo đức là yếu tố quyết định), tính quy phạm (hướng đến chuẩn mực truyền thống, trọng giáo huấn của người xưa, ưa chuộng ước lệ, điển tích) và tính phi ngã (sáng tác không nhằm giãi bày cái tôi mà thể hiện đạo và chí của cộng đồng, tập thể). Trái lại, văn học hiện đại tách văn chương khỏi sử và triết (phi nguyên hợp hóa), hướng vào thực tại cuộc sống và con người (phi quy phạm hóa) và giãi bày cái tôi. 

Về hình thức thể hiện, hệ thống thể loại của mô hình văn học cũ lấy văn - thơ - phú - lục làm cơ sở. Hệ thống thể loại của mô hình văn học mới sẽ dựa trên các thể: thơ, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Chính hoạt động văn học của Tự Lực văn đoàn sẽ góp phần đẩy tới sự toàn thắng của mô hình văn học mới. 

Trên từng số của tuần báo Phong Hóa (1932-1936) và sau đó là Ngày Nay (1936-1940, tiếp nối tờ Phong Hóa đã bị Pháp đóng cửa vĩnh viễn vì tội “chế nhạo” Nam triều, và qua đó cũng nhạo báng Pháp), những cây bút văn chương Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Tú Mỡ... bền bỉ đem lại cho độc giả của báo những áng văn chương “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ - Ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái - Trọng tự do cá nhân - Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không họp thời nữa” (Tôn chỉ, 5-8). 

Tự Lực văn đoàn, qua tuần báo Phong Hóa - Ngày Nay, và nhất là qua nhà xuất bản Đời Nay của mình, đã giới thiệu với công chúng văn học tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch, tiểu luận của các thành viên cũng như các cây bút không thuộc Tự Lực văn đoàn. 

Về văn xuôi, các tác phẩm của Khái Hưng như Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938); của Nhất Linh: Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937)...; của Hoàng Đạo: Con đường sáng (1938), v.v... đã gây được dư luận về các vấn đề xã hội và văn học. Về thơ, những sáng tác của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cũng như giải thơ Tự Lực văn đoàn trao cho các tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính năm 1937, Bức tranh quê của Anh Thơ năm 1939 và Nghẹn ngào của Tế Hanh năm 1939 không chỉ góp tiếng nói dứt khoát đổi mới của phong trào Thơ mới mà còn là sự khẳng định sự trung thành với những tôn chỉ của mình. Về kịch (được gọi là kịch mới để phân biệt với các thể loại sân khấu cũ: tuồng, chèo), ngoài việc Tự Lực văn đoàn trao giải cho kịch bản văn học Kim tiền của Vi Huyền Đắc (1937), Thế Lữ, một thành viên trong văn đoàn lập đoàn kịch nói ở Hải Phòng và Hà Nội để đẩy mạnh việc quảng bá kịch mới, một kết quả rõ rệt của cuộc tiếp xúc và tiếp nhận văn hoá phương Tây. 

Nỗ lực cải cách xã hội được thể hiện rõ rệt trong các tiểu thuyết, đặc biệt loại tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh và Khái Hưng. Với những tác phẩm thuộc thể tài này, Tự Lực văn đoàn đã thu hút được một số lượng độc giả đáng kể, mở mang thanh thế của nhóm, của tờ báo và nhà xuất bản. 

Nhiều tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn được gọi là “luận đề” vì các tác giả qua câu chuyện được hư cấu nhằm thể hiện những tư tưởng xã hội, các quan niệm nhân sinh của mình. So với các loại truyện văn học trung đại như truyền kỳ, truyện Nôm, truyện chương hồi, thì tiểu thuyết là một cơ cấu nghệ thuật khác, được phát sinh từ châu Âu. Các tiểu thuyết gia Tự Lực văn đoàn đã đem vào tiểu thuyết (và truyện ngắn) chất liệu đời sống, con người và diễn đạt bằng ngôn từ và tâm hồn Việt Nam, giúp tác phẩm đến được với công chúng Việt Nam. Và họ đã thành công trên cả hai khía cạnh: hiện đại hóa nghệ thuật tự sự và truyền bá tinh thần tự do cá nhân. 

Về việc truyền bá tinh thần tự do cá nhân, nghĩa là thực hiện tôn chỉ “Trọng tự do cá nhân” (Tôn chỉ 7) và “Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa” (Tôn chỉ 8), Khái Hưng và Nhất Linh là hai cây bút hăng hái và viết nhiều nhất. Xin điểm lại một số tác phẩm của hai nhà văn này, vốn đã từng quen thuộc với không ít độc giả, để thấy những nỗ lực cách tân văn học và cải cách xã hội của họ quả rất đáng kể và đáng trân trọng. Còn về các tác giả của các thể loại truyện ngắn, tùy bút, thơ, kịch, vì khuôn khổ của của trang Văn hóa, xin được hẹn một dịp khác,. 

TÌNH YÊU - HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH 

Viết tiểu thuyết luận đề, Nhất Linh và Khái Hưng đã chọn đề tài tình yêu làm điểm đột phá tiến vào đả kích xã hội cũ và biểu dương thời đại mới học theo văn minh Tây phương. Hai nhà văn đã hư cấu những câu chuyện tình yêu mang sắc thái lãng mạn, thơ mộng và đượm buồn của các nhân vật tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong xã hội, thế hệ hấp thụ nền giáo dục mang tính chất hiện đại phương Tây. 

Đó là những con người đô thị, những “chàng” những “nàng’ tân thời, học chữ Tây, sống ở đô thị, hấp thụ văn minh Tây phương. Đang sống thời trẻ của mình, lại được hấp thụ quan niệm cởi mở, giàu tính nhân văn về cá nhân, tự do, hạnh phúc, họ thấy rõ những gò bó của lễ giáo cũ về tình yêu và hôn nhân. Họ muốn bày tỏ tiếng nói khẳng định khát vọng cá nhân. Họ muốn được tự do trong cuộc sống, trước hết là tự do yêu đương, tự do kết hôn. Họ muốn phủ định con người của xã hội cũ được quy định trong những nghĩa vụ phải thực thi, những mối dây phải tuân giữ, vâng phục. Bởi họ đã tìm thấy trong cuộc sống văn minh Tây phương cái đẹp và giá trị của tự do, bình đẳng và dân chủ. 

Mở đầu cho những sáng tác của Tự Lực văn đoàn, cũng là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, là tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên (1933). 

Truyện kể về mối tình của Ngọc, chàng sinh viên trường Cao đắng Canh nông, Hà Nội, với một chú tiếu, vốn là gái giả trai, tu chùa Long Giáng. Ngọc gặp Lan, tên của “chú tiểu”, khi về thăm bác là sư cụ trụ trì chùa Long Giáng ở miền Trung du. Chú tiểu Lan đẹp trai, thông minh dễ thương trở thành bạn thân của Ngọc. Chàng nghi chú tiểu Lan là gái giả trai vì giọng nói, nước da của chú có vẻ giống con gái nhiều hơn. Ngọc ở chùa đã mười hôm và quyết trong mười ngày phải tìm ra sự thật. Chàng để ý quan sát, thấy Lan ở nhà kho, tối ngủ cài then kỹ lưỡng, nên càng sinh nghi. Chàng tiếp tục theo dõi Lan. Một buổi tối, Ngọc lén nghe được lời Lan cầu khấn Đức Phật phù hộ cho mình đủ nghị lực xa lánh cõi trầm luân. Vậy là chú tiểu Lan đã có cảm tình đặc biệt với mình nên mới xin Đức Phật như thế Ngọc tự suy diễn. Những ngày sau đó, Ngọc bịa chuyện, để dò xét chú tiểu Lan, nào chàng có người yêu bỏ đi tu nên cứ đi các chùa để tìm cô ấy. Ngọc và Lan dần dần thân thiết với nhau hơn, Ngọc liều viết một bức thư cho Lan tỏ lộ lòng mình. Một hôm sư cụ sai chú tiểu Lan mang bánh sang tạ sư ông chùa Long Vân, Ngọc xin đi cùng. Tới chùa, sau bữa cơm do sư ông khoản đãi, hai người ra ngoài sân đầy ánh trăng ngôi nói chuyện, Ngọc cầm tay Lan, chú rút tay chạy, hai bên lôi kéo nhau, áo Lan tuột cúc trễ vạt ra Ngọc thấy ngực Lan quấn vải nâu. Tối hôm ấy Lan trốn đi vì Ngọc đã biết mình là gái, Ngọc đuổi theo hứa sẽ giữ bí mật và sẽ bỏ về Hà Nội. Chàng cho biết đã yêu Lan từ lâu, Lan nói phải dừng lại ngay. Hôm sau trở về chùa Long Giáng. Chiều hôm đó, Lan mới biết Ngọc đã về Hà Nội từ sáng để lại mảnh giấy từ biệt. Lan khóc nhưng cố trấn tĩnh nhủ mình phải thắng những cám dồ trần thế. Sáu tháng trôi qua dù đôi lúc lòng dậy nỗi buồn nhớ chàng trai Hà Nội, nhưng quyết bước theo đường tu, lòng Lan cũng nguôi ngoai dần. Có lần Ngọc đi xe đạp đến gần chùa, nghỉ ở quán rồi lại đi Lan cho là trông lầm mà cũng vẫn cho đó là thực và mong nó là thực. Rồi Ngọc trở lại thăm Lan, cho biết đến thăm Lan lần cuôi và chào từ biệt. Ngọc nói sẽ giữ tình yêu trong tâm hôn và hứa sẽ về thăm Lan những ngày nghỉ học. 

Ngay ở tác phẩm đầu tay này, Khái Hưng đã biểu lộ một bút pháp vững vàng qua việc xây dựng bố cục với các tình tiết truyện giàu sức lôi cuốn, gây hứng thú mạnh mẽ nơi người đọc. Đọc truyện, độc giả như lạc vào một thế giới khác yên tĩnh và lắng đọng, gợi xúc cảm mà thanh cao, thoát tục: 
“Mấy nóc nhà rêu mốc chen lẫn trong đám cây rậm rạp, bốn góc, bốn gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um (...). Phía Tây, sau dẫy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng, lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn cùng màu đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khăc, mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đông một màu tím thẫm. Trong làn không khí yên tĩnh, tiếng chuông thong thả ngân nga như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch” (Chương 1). 
Đặt câu chuyện tình vào khung cảnh thiên nhiên thanh thoát và một không gian sống thuần khiết, không vướng tục lụy, Khái Hưng muôn “khảo sát” đối tượng tình yêu trong một điều kiện hoàn toàn “vô nhiễm”, nghĩa là tách tình yêu ra khỏi môi trường cuộc sống đời thường với biết bao tương quan, áp lực..., để có thể đưa ra định nghĩa về tình yêu. Tình yêu là gì? Nhưng rốt cục, cũng giống như Xuân Diệu, một thành viên khác của Tự Lực văn đoàn, Khái Hưng cũng không thể định nghĩa được tình yêu. Còn nhớ, trong bài Vì sao, Xuân Diệu đã viết (trích): 

“(...) Ai đem phân chất một mùi hương 
Hay bản cầm ca! Tôi chỉ thương 
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc 
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương 

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! 
Có nghĩa gì đầu một buổi chiều 
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt 
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu (...) 

Cũng như Xuân Diệu “chuồi theo dòng cảm xúc”, Khái Hưng đành chấp nhận giải pháp mô tả “dòng cảm xúc” của một người đang yêu. Đó là niềm nôn nóng được đến với người yêu, thổ lộ tình cảm và giãi bày tâm can. Chàng sinh viên canh nông Ngọc đã nghĩ đủ cách để biết “chú tiểu” Lan là ai. Chàng tìm mọi cách được gần gũi và bộc bạch với “chú tiểu” những rung động đang diễn ra trong lòng. Mọi quy ước, kể cả tấm áo tu hành và khung cảnh nhà tu, không ngăn nổi chàng. Bởi, chàng sinh viên này lần đầu tiên trong đời đang biết hạnh phúc cuộc đời không ở đâu xa và chẳng hề trừu tượng, nhưng gần gũi và cụ thể: hạnh phúc là yêu và được yêu. Chàng thổ lộ với Lan: 
“Nếu đức Thích Ca xuất thế để tìm hạnh phúc cho nhân loại và đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Nát bàn, thì tôi cũng xin dừng chân ở gốc cây thông này, chứ chẳng muốn đi đến Nát bàn làm gì” (Chương 8), 
và 
“Ái tình là bản tính của loài người, mà là hạnh phúc của chúng ta. Tôi yêu cô, và nếu tôi đoán không lầm thì cô cũng chẳng ghét tôi, vậy can chi ta lại làm trái hạnh phúc của ta” (Chương 7). 
Tình yêu mang lại hạnh phúc. Tình yêu đồng nhất với hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc tình yêu chỉ có thể đạt được bằng tự nguyện đến với nhau trong tư thế của một người thực sự có tự do. Dù biết Ngọc yêu mình và mình cũng có tình cảm với Ngọc, nhưng Lan còn một tình yêu lớn hơn tình yêu trần thế, là chọn sống nương mình dưới bóng của Đức Từ bi, náu thân nơi cửa Phật. Bởi thế, nàng tự dừng lại trước tình yêu của Ngọc. Nàng không muốn phản bội chính mình. 

Nàng cũng không muốn đến với tình yêu trong tư thế của một người phản bội. Yêu một người trần thế để rồi phản bội lý tưởng đời mình. Ngọc cũng vậy, dù đã vượt được các chướng ngại để tìm biết Lan là ai, và bất chấp khung cảnh chốn tu trì, đã từng thổ lộ với Lan những rung động trần thế của con người mình, nhưng chàng đã dừng lại trước rào cản cuối cùng: Lan và nguyện ước của đời cô - tu hành lánh xa tục lụy. Chàng tôn trọng người mình yêu. Chàng trân trọng thế giới riêng tư của nàng. Chàng kính trọng lý tưởng cuộc đời mà Lan đã chọn: 
“Tôi xin thề với Lan rằng tôi giữ được mãi như thế. Tôi xin viện Phật tổ tôi thề với Lan rằng suốt một đời, tôi sẽ chân thành thờ trong tâm trí cái linh hồn dịu dàng của Lan” (Chương kết). 
Hồn bướm mơ tiên là một câu chuyện lãng mạn về tình yêu. Nhưng tính chất lãng mạn của mối tình Ngọc - Lan, cuối cùng, lại đưa độc giả đến với một sự thật về tình yêu: tình yêu luôn đi đôi với khả năng biết tôn trọng và đòi một tấm lòng thành thực, thủy chung. Chân thực và thủy chung, trước hết, với chính mình. 

Tiếp tục “luận đề” tình yêu như một cuộc đột phá vào thành lũy của xã hội cũ - xã hội lễ giáo Khổng Mạnh, Khái Hưng viết Nửa chừng xuân đăng trên báo Phong Hóa năm 1933. 

Với tác phẩm này, Khái Hưng tiếp tục đề cao, cổ súy cho tự do cá nhân được biểu hiện rõ nhất nơi tình yêu nam nữ. Tình yêu là “không gian” điển hình của tự do. Câu chuyện diễn ra với hai nhân vật chính: Lộc và Mai. Lộc, một trí thức tây học đem lòng yêu Mai, con một cụ đồ Nho. Lộc xin với mẹ, bà Án, cho được lấy Mai nhưng bị cự tuyệt, chỉ vì không “môn đăng hộ đối”: Mai chỉ là con nhà hạ lưu, trong khi gia đình bà Án thuộc hàng danh gia, vọng tộc. Lộc phải nhờ một bà cụ giả làm bà Án để chính thức việc hôn lễ. Biết điều đó nhưng vì yêu Lộc, Mai vẫn chấp nhận hôn lễ, nên duyên vợ chồng với Lộc. Bà Án đã tìm ra tổ ấm đó và quyết phá tan hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ này bằng nhiều mưu kế xảo quyệt. Bụng mang dạ chửa, Mai phải cùng Huy, em trai, dứt nhà ra đi kiếm sống bằng nhiều nghề, sau đó tạm ổn định cuộc sống ở một tỉnh xa. Hai chị em Mai, Huy nương tựa vào nhau để sống và nuôi bé Ái, kết quả tình yêu của Mai và Lộc, và là cháu ruột gọi Huy bằng cậu. Bị mắc mưu kế của mẹ mình, Lộc nghi ngờ Mai và vâng lời mẹ lấy người con gái của quan Tuần phủ. Hai người sống với nhau nhưng không có hạnh phúc. Bà Án không có cháu trai nối dõi tông đường nên tìm cách gặp Mai để đòi lại đứa cháu nội. Lộc khi biết rõ Mai là người trong trắng và những đau khổ nàng phải chịu đựng trong nhiều năm vì mưu mô của bà Án và thái độ thiếu trách nhiệm của mình, nên đã gặp Mai để xin tạ tội và mong được tái hợp. Mai vẫn yêu Lộc nhưng khuyên chàng hãy giữ lấy tình yêu đó và từ chối việc đoàn tụ. Mai chấp nhận sống nốt tuổi xuân của mình với mối tình “nửa chừng xuân” đã dành cho Lộc và sẽ chẳng bao giờ đến với một mối tình nào nữa. 

Thiên truyện đã mạnh mẽ nêu lên tính chất phi nhân của những mưu toan và hành động xâm phạm tự do cá nhân con người. Quyền tự do của con người, mà ở đây là được yêu và kết hôn với người mình yêu, đã bị xâm phạm bởi bà Án, người nhân danh mình là mẹ, có quyền định đoạt số phận của Lộc, con trai bà. Bà cũng đã nhân danh một dòng họ để đòi Mai phải trả đứa cháu nối dõi tông đường, tước quyền làm mẹ của một người phụ nữ. 

Nhưng âm hưởng thấm thía nhất được Nửa chừng xuân khơi lên, không chỉ từ giọng điệu phê phán xã hội cũ, mà chính do cảm hứng khẳng định nét mới của lớp người trẻ đang thể hiện và khẳng định khát vọng và quyền sống tự do. Cảm hứng khẳng định này đã truyền đi được niềm tin vào phẩm chất cao thượng, giàu nghị lực và sẵn sàng hy sinh trên đường phấn đấu cho cái mới toàn thắng. Đó là cái mới của một nền văn minh tôn trọng sự tự do và bình đẳng của mọi người. Nền văn minh gồm những con người thực sự sống với phẩm giá tự do của mình qua lối sống cao thượng, biết hy sinh và giàu nghị lực. 

Chương cuối cùng (được Khái Hưng viết thêm khi in thành sách) trần thuật cuộc trò chuyện giữa Mai và Lộc, khi ngồi bên nhau lần cuối cùng để nói thật về tình yêu của mỗi người đối với nhau và về những ngày còn lại sẽ sống với mối tình “nửa chừng xuân”. Mai khuyên Lộc trở về với gia đình. Còn Lộc thì nghĩ đến việc kết thúc một gia đình không có tình yêu. Cuối cùng, Mai đề nghị với Lộc giải pháp kết thúc bi kịch của hai người: 
“Sao hai ta lẩn thẩn lại cứ quanh quẩn mãi trong vòng ái ân, trong sự sum họp nhỉ. Ta không yêu nhau ở ngoài sự sum họp được ư?”. 
Có lẽ khi để cho nhân vật của mình phát biểu như trên, Khái Hưng không nhằm tuyệt đối hóa tình yêu nhưng muốn đề cao cách hành xử của một con người thực sự sống với quyền tự do cá nhân: Mai tôn trọng cuộc sống riêng của người mình yêu: Lộc đã có vợ chính thức (dù người vợ này không do Lộc chọn mà do bà mẹ xếp đặt), vì thế phải để cho Lộc thực hiện bổn phận với gia đình riêng của mình, còn bản thân Mai thì tự nguyện rút ra khỏi cuộc đời của Lộc. Một hành động hy sinh như nàng đã từng thực hiện khi khước từ lời cầu hôn của một bác sĩ, ông đốc tờ Minh: “Thưa ông, nếu tôi tái giá thì ông thực là người chồng tôi kính phục. Nhưng tôi đã trót yêu anh Lộc thì tôi không thể yêu ai được nữa” (Chương 9). Hai lần tự nguyện hy sinh, lần đầu để chứng minh lòng chung thủy trong tình yêu, lần sau để giúp người yêu được vẹn nghĩa với gia đình. 

Như vậy đã rõ, trong các tiểu thuyết luận đề, Khái Hưng nêu hai chủ điểm về tự do và tình yêu: con người biết sống quyền tự do thực sự, thì luôn trung thực với chính mình và tôn trọng quyền tự do của tha nhân; tình yêu đích thực thì biết hy sinh, sẵn sàng nhận lấy phần thiệt thòi. 

Chính vì thế, trong bài tựa viết cho Nửa chừng xuân khi in thành sách ở nhà xuất bản Đời Nay (1934), Nhất Linh đã rất xác đáng khi viết: 
“Giữa lúc mới, cũ găng nhau, quyển Nửa chừng xuân ra đời.
Cô Mai, vai chính trong truyện là người đã hy sinh cho cái xã hội khắt khe nửa cũ, nửa mới này; cô Mai là hình ảnh trăm nghìn cô con gái khác đã suốt đời chịu một vết đau thương vì sự trái ngược của hai nền luân lý: mới, cũ, của hai quan niệm: gia đình và cá nhân.
Bọn trẻ, nhất là về phái yếu, đương ở vào thời kỳ náo nức ham sống, sống một cách hoàn toàn sung sướng, nếu gặp sự cản trở về đường tình ái, tất nhiên là thất vọng, chán nản. Chán nản rồi quyên sinh. Cảnh ngộ này đã dùng làm luận đề cho biết bao tiểu thuyết.
Cô Mai trong Nửa chừng xuân cũng thất vọng, nhưng cô khẳng khái không chịu khuất phục bằng cách quyên sinh, cũng không chịu khuất phục bằng cách trở về với cái cũ - việc mà cô có thế làm được cô cứ cứng cỏi mà sống yên lặng không than vãn, vui lòng hy sinh hạnh phúc ở đời. Tuy đã vì đời chịu mang một vết thương không bao giờ mất, tuy đã thấy hạnh phúc mình tan tác như cánh hoa tơi bời trước gió, Mai vẫn tỏ ra là một người yêu đời, yêu đời một cách tha thiết.
Vì thế nên cô Mai trong Nửa chừng xuân là một người bạn nhẫn nại đời đời an ủi những người cùng một cảnh ngộ như Mai, cùng chịu những nỗi đau thương của mối tình thất vọng. Mai lại vừa là một người bạn cứng cỏi để cấm đoán những người đã chịu đau khổ về cái cũ, đừng vì muốn tránh sự đau khổ, lại hèn nhát trở về với cái cũ đó.
Mai đã nhủ bảo cho người khác biết trọng sự hy sinh, cho rằng đời có hy sinh mới là đời đáng sống, rồi biết lấy cái thú vị chua chát của sự hy sinh để an ủi, dỗ dành mình trong những ngày thất vọng và để khuyến khích mình dẫu sao cũng vui vẻ, mạnh mẽ mà sống”. 
Tuy mạnh mẽ chống lại quan niệm cũ về hôn nhân, nhưng Khái Hưng vẫn không có giọng điệu quyết liệt, lạnh lùng như Nhất Linh trong tác phẩm Đoạn tuyệt (1934-1935), nhưng dù sao cả hai vẫn tâm đầu ý hợp cùng lên tiếng phủ định cái cũ và cổ võ cho cái mới. 

Viết Đoạn tuyệt, Nhất Linh xây dựng hình tượng nhân vật Loan làm nhân vật trung tâm. Loan đem lòng yêu Dũng. Dũng và Loan là bạn bè từ thuở nhỏ. Vì có tư tưởng mới nên Dũng bị gia đình từ bỏ, bỏ nhà ra đi. Cũng như Dũng, Loan là người tân học có cách suy nghĩ mới. Cha mẹ vì món nợ ép gả Loan cho Thân, con trai của một nhà giàu có vẫn giữ nếp gia phong cổ hủ. Về làm vợ Thân, Loan cực lòng ép mình vào khuôn khổ lễ giáo nghiệt ngã của gia đình chồng, nhất là sự hà khắc cay nghiệt của bà Phán Lợi, mẹ chồng. Sau khi đứa cháu nội do Loan sinh đã chết, bà Phán Lợi cưới vợ lẽ cho Thân để mong có cháu nối dõi tông đường. Trong một lần cãi vã, tay Loan cầm con dao, vô ý làm Thân chết. Loan bị bắt và đưa ra xét xử, nhưng được trắng án vì tòa chấp nhận bằng chứng không cố ý giết chồng. Loan thoát khỏi nhà chồng, nơi cô nghĩ còn khủng khiếp hơn nhà tù. 

Với Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Tự Lực văn đoàn triệt để thực thi những điều đã tuyên ngôn trong Tôn chỉ, mạnh mẽ công kích khuôn mẫu gia đình của xã hội cũ với những lề thói cổ hủ: hôn nhân không có tình yêu (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, gả cưới theo môn đăng hộ đối), địa vị thấp kém của người phụ nữ trong gia đình nhà chồng (mẹ chồng hà khắc nàng dâu; sinh con cho nhà chồng có kẻ nối dõi tông đường), đồng thời biểu thị sự khinh miệt không che giấu đối với những người trẻ không theo kịp xu thế phát triển mới của xã hội, vẫn sống nhu nhược và hèn kém (nhân vật Thân, chồng của Loan), hoàn toàn tương phản với Dũng (người yêu của Loan) sống mạnh mẽ, tự tin, giàu nghị lực, khẳng khái và tự trọng. 

Lời biện hộ của luật sư trong vụ xử án và lời nói cuối cùng của Loan trước khi tòa tuyên án (Chương 22) có thể coi là tuyên ngôn của Nhất Linh về quyền con người được tự do yêu đương, tiến đến hôn nhân và xây dựng gia đình. Và trên hết, tuyên ngôn về xã hội mới, tân tiến, đối lập với xã hội cũ, lạc hậu. 

Lời biện hộ của luật sư: 
“Đó, các ngài coi, chính chúng ta mới là có tội lớn. Cho họ học cái mới mà không tạo ra cho họ một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của họ.
Buộc cho Thị Loan cái tội giết người ư? Thị Loan không giết người!
Buộc cho Thị Loan cái tội quấy rối gia đình ư? Chính Thị Loan lại là người tha thiết muốn được yên sống trong gia đình.
Thị Loan chỉ có mỗi một tội là cắp sách đi học để rèn luyện tâm trí thành một người mới, rồi về chung sống với người cũ. Thị Loan chỉ có mỗi tội đó. Nhưng tội ấy, Thị Loan đã chuộc lại bằng bao nhiêu đau khổ.
Tha cho Thị Loan tức là các ngài làm một việc công bằng, tức là tỏ ra rằng cái chế độ gia đình vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn và phải nhường chỗ cho một chế độ gia đình khác hợp với cái đời mới bây giờ, hợp với quan niệm của những người có học mới.
Các ngài tha cho Thị Loan tức là tha cho một người đã bị buộc tội oan, tha cho một người đau khổ vì đã bị phí cả một đời thanh xuân và đã đem thân hy sinh cho cái xã hội mới cũ khắt khe này”. 
Lời nói cuối cùng của Loan trước khi tòa tuyên án: 
“Trạng sư đã nói thay cho tôi. Những ý tưởng về mới, cũ, trạng sư vừa phân bày rất đúng với tình cảnh bọn chị em bạn gái mới chúng tôi. Tôi tiếc ràng chính tôi là người ở trong cảnh mà không có giọng hùng hồn để nói cho mọi người cảm thấy rõ những nỗi thống khổ mà chúng tôi đã phải chịu. Không phải tôi cốt để tòa rủ lòng thương riêng đến một mình tôi, vì tôi đã đành cam chịu lấy hết các thứ hình phạt mà xã hội bắt tôi phải chịu. Tôi nói cốt để chị em gái mới, đến đây nghe, biết rằng nếu các chị em muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là cố vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình hòa thuận.
Rồi Loan quay lại phía bà Phán: 
Tôi xin lỗi bà và rất hối hận rằng vì tôi mà con bà đã thiệt mạng oan. Đến bây giờ, tôi không còn là con dâu bà nữa, tôi có thể nói ra một cách chân thật cảm tưởng của tôi đối với bà trong bao lâu. Bà với tôi là hai người không thể hiểu nhau được. Đã như thế mà phải ở với nhau, tất không sao tránh được sự xung đột. Lỗi đó không phải ở ai cả. Biết vậy nên dẫu có bị tù tội chăng nữa, tôi cũng không oán hờn ai chút nào, còn như bà, nếu bà vẫn coi tôi như kẻ thù, đó là quyền riêng của bà. Tôi xin lỗi cô Hai đã vì tôi mà góa bụa, trên tay còn đứa con thơ mồ côi cha sớm. Tôi xin hết cả những người trong họ chồng tôi nghĩ lại và nếu không hiểu được tôi chăng nữa, thì cũng nên khoan dung mà biết cho rằng trong hết thảy những người bấy lâu phải xô xát nhau, vì không hiểu nhau, tôi là người đã chịu nhiều đau đớn nhất, là người đáng thương nhất”.
Những phát biểu tại tòa của vị luật sư và của Loan, dù cực đoan, chẳng hạn lời của Loan “… nếu các chị em muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là cô vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình hòa thuận”, thì sự cực đoan đó có thể được giải thích như một thủ pháp của loại văn chương “luận đề”. Hơn nữa, tính chất cực đoan, dữ dội, đẩy diễn tiến câu chuyện đến cao trào, kịch tính đã giúp người trần thuật bộc lộ trọn vẹn tư tưởng của mình, tư tưởng xây dựng một nền văn hóa mới với giá trị trung tâm là con người cá nhân tự do. Không có những ‘con người mới’ như Loan, Dũng (Đoạn tuyệt), Mai (Nửa chừng xuân), không có những khẳng định “đoạn tuyệt” với lề thói cũ một cách mạnh mẽ, thì khó lòng nghĩ đến cải cách hoặc kiến tạo một xã hội ‘dân chủ’, tôn trọng và thực thi ‘dân quyền’.

Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm, như một lời “minh oan” cho Loan, bởi người phụ nữ “tân tiến” này xuất hiện tại tòa với những lời thách thức, như muốn sống mái một phen với xã hội cũ, thì đừng quên đoạn trần thuật quãng đời còn lại, sau khi thoát khỏi nhà bà mẹ chồng cay nghiệt, nàng liền trở về với con người của đời thường, hơn nữa, của một phụ nữ được ăn học theo lối mới: cư xử bình đẳng và quý trọng con người, dù đó là trẻ em. Loan mở lớp dạy học và thu hút nhiều trẻ tới học. Trẻ em đến với Loan, bởi chúng thấy mình được đối xử ân cần và trân trọng. Loan tận tình dạy chúng học và coi chúng là những nhân vị bình đẳng (x. Chương 26).

Phải chăng sự học hiện đại, theo lối phương Tây, là học biết trân trọng và cư xử bình đẳng với mọi người, và từ khởi điểm đó, đã có thể nghĩ đến tiến trình dân chủ hóa?

Lúc đầu, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn không phải không gặp những phản đối: cả ở nội dung đòi hỏi giải phóng con người cá nhân tự do, cả ở hình thức văn học ít nhiều xa lạ với truyền thống. Nhưng rồi, từng bước một, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn chinh phục được công chúng, trở nên quen thuộc với họ, nhất là lớp công chúng thị dân, học sinh. Và thể loại tiểu thuyết hiện đại với tiếng Việt trong sáng, giản dị, do các nhà văn Tự Lực văn đoàn xây nền đắp móng, đã được nhìn nhận là điểm tựa để nhiều nhà văn thuộc các xu hướng khác tiếp nhận, phát huy, đạt tới những thành tựu cao hơn.

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, NHỮNG DẤN THÂN XÃ HỘI HAY HÀNH ĐỘNG CHO MỘT XÃ HỘI CÔNG DÂN?

Ngoài hoạt động sáng tác văn học, đặc biệt nổi bật ở lĩnh vực tiểu thuyết, Tự Lực văn đoàn còn sử dụng tuần báo Phong Hóa (1932-1936) và Ngày Nay (1936-1940) làm cơ quan ngôn luận truyền bá lối sống mới, văn hóa mới.

Có thế nói, nỗ lực truyền bá lối sống mới, văn hóa mới được các nhà trí thức tây học nhóm Tự Lực văn đoàn thể hiện rất phong phú, đa dạng. Từ những bài viết cổ động trên báo đến những buổi diễn thuyết tại các nhà hát lớn. Từ những tranh biếm họa các hủ tục, lối sống lạc hậu đến việc thành lập Hội Ánh sáng để truyền bá việc làm nhà theo lối mới, hợp vệ sinh, ngăn nắp, và cả việc giới thiệu kiểu áo dài phụ nữ do họa sĩ Cát Tường (Le Mur) thiết kế và hướng dẫn cắt may.

Trên báo Ngày Nay (kế tục báo Phong Hóa) số 72, ra ngày 15.8.1937, trang bìa đăng bức tranh cổ động làm nhà ở nông thôn theo lối mới, sáng sủa, vệ sinh, ngăn nắp với hàng chữ hô hào: “Một nếp nhà ánh sáng, một gia đình ánh sáng - Một cảnh ao ước sắp có, nhờ về hội ÁNH SÁNG”. Trang 3-4 có bài Ánh sáng ở thôn quê của nhà văn Hoàng Đạo, tác giả Mười điều tâm niệm rất nổi tiếng, đưa ra lý lẽ thuyết phục mọi người hãy làm nhà theo lối mới:
“Có người bảo: dân quê lo sống chưa xong, nữa là nghĩ đến chỗ ở. Nghĩ như thế là lầm. Dân quê ở bên Nhật, tình cảnh sinh hoạt cũng khó khăn như ở bên ta, mà họ vẫn cố sức tô điểm nơi ăn chốn nằm của họ cho có vẻ ngăn nắp sạch sẽ, nhiều khi lại có vẻ mỹ thuật nữa. Trái lại, bên Tầu, những nhà giàu có chăng nữa, nhà cửa cũng vẫn bẩn thỉu, hôi hám. Xem như vậy, không phải vì nghèo khổ mà nhà cửa không được phong quang. Phương ngôn ta có câu: “đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu phương ngôn ấy đáng để cho dân ta coi là một bó đuốc đưa họ đến một cõi đời sáng sủa, hợp vệ sinh. Câu phương ngôn ấy cũng là một chứng cớ của sự sạch sẽ của dân ta. Và nếu hiện giờ, họ không thực hành cái thuyết “đói sạch, rách thơm” kia, không phải vì họ đần độn ngu muội gì, chẳng qua là vì không có ai chỉ bảo cho họ những phương pháp vệ sinh mà thôi”.
Hội Ánh sáng, phong trào vận động xây nhà vừa túi tiền cho dân nghèo, được sự ủng hộ rất nồng nhiệt khắp Bắc, Trung, Nam. Từ những trí thức đến các nhà tư sản. Từ những người lao động thành thị đến nông dân ở thôn quê. Các kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam, những người đặt nền móng cho ngành kiến trúc - xây dựng hiện đại ở nước ta như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Gia Tiếp đã tham gia Hội Ánh sáng, thiết kế mẫu nhà ở vừa túi tiền, dễ thi công cho người nghèo thành thị và nông dân. Năm 1939, hai ông cùng với kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức thành lập Văn phòng Kiến trúc Luyện - Tiếp - Đức. Bộ ba Luyện - Tiếp - Đức chính là những người tiên phong khởi xướng các ý tưởng về không gian và hình dáng của kiến trúc Việt Nam, tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa và kiến trúc Pháp, đồng thời khai thác nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đúng với tinh thần đã được nêu thành tôn chỉ: “Ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái" (Tôn chỉ, 6), Tự Lực văn đoàn không những “ca tụng những nết hay, vẻ đẹp” của cuộc sống mới và con người hiện đại qua văn chương mà còn trân trọng, đề cao vẻ đẹp con người qua hội họa và thiết kế trang phục. Tranh in trên báo của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Đông Sơn (Nhất Linh) đã gợi cho độc giả nhận ra những đường nét thẩm mỹ của con người và cảnh vật trong cuộc sống đời thường. Những mẫu thiết kế áo dài của họa sĩ Cát Tường (Le Mur) đã hiện đại hóa trang phục phụ nữ cổ truyền, giúp chị em có trang phục đẹp, tiện dụng, trang nhã và kín đáo, qua đó nâng cao ý thức về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, góp phần thay đổi nhận thức về phẩm giá giới tính, một khía cạnh trong cuộc cách mạng xã hội toàn diện và triệt để.

Như vậy, nhóm Tự Lực văn đoàn đã dấn thân của vào nhiều lãnh vực trong đời sống xã hội, bằng nhiều phong cách ngôn luận: chính luận, văn chương, biếm họa..., với nhiều giọng điệu như lý luận đanh thép, chế giễu khôi hài, cố biểu lộ một tâm huyết có thể thấy qua từng trang báo, từng trang văn chương, từng sáng kiến tổ chức hoạt động xã hội, từ thiện. Một dòng cổ động tham gia Hội Ánh sáng đăng tại một góc nhỏ của tuần báo Ngày Nay số 72 (15-8-1937) có thể coi như một đúc kết về tâm huyết của những thành viên Tự Lực văn đoàn:
“Ước gì dân ta biết tôn trọng sự sống như trọng việc thờ phụng. ÁNH SÁNG sẽ dạy dân ta trọng sự sống”
* * *

Tôn trọng sự sống. Tin vào Ánh sáng. Sự sống của một nền văn hóa mới. Ánh sáng của văn minh, trí tuệ. Phải chăng đây là bản tóm tắt chân dung tinh thần của nhóm Tự Lực văn đoàn nói riêng và những trí thức yêu nước Việt Nam trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước nói chung.

Những trí thức này có thể khác nhau trong cách hành động nhằm khôi phục sự sống và đem lại ánh sáng cho dân tộc, nhưng tất cả đều tin vào sự sống và ánh sáng của một nền văn minh mới - nền văn minh trân trọng phẩm giá của mỗi cá nhân và sự bình đẳng con người trong xã hội. Những nỗ lực hành động của những trí thức này đã gợi lên trong xã hội ý thức, khát vọng xây dựng một xã hội công dân, cộng đồng của những người đã bắt đầu nhận thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội. Ý thức và khát vọng đã đã được khơi lên trong thực tế, trở thành một xu thế ngày càng rõ rệt, khiến cho người Pháp, và cả một số người nhân danh cách mạng hoặc mượn danh giải phóng, e ngại, cảnh giác, đề phòng và tìm cách dập tắt hoặc vu khống, xuyên tạc. Những phản ứng này của thực dân và của những tham vọng chính trị bè phái không những đã cản đường dân ta thực thi quyền “tôn trọng sự sống như trọng việc thờ phụng” (mượn chữ của báo Ngàv Nay) lúc đương thời, mà còn bẻ cong sự thật, bóp méo những quan niệm đúng đắn về “sự sống” và “ánh sáng” trong một thời gian dài.

Kỷ niệm 80 năm Tự Lực văn đoàn, không chỉ là dịp nhìn lại những nỗ lực hiện đại hóa văn học và cải cách xã hội của một thời, mà còn để nhìn lại những giá trị căn bản của tình yêu, hôn nhân, gia đình, những giá trị nền tảng của xã hội đã từng được Tự Lực văn đoàn chọn làm “luận đề” sáng tác văn chương cổ súy cho một nền văn minh và văn hóa mới.

Nền văn minh và văn hóa đó, phải chăng, là một tia phát ra từ nguồn sáng nền văn minh mang tên “tình yêu thương con người”. Đó là nền văn minh của một xã hội phấn đấu bền bỉ cho con người được sống và được sống dồi dào?

Và như vậy, những nỗ lực một thời của các nhà nghệ sĩ trí thức Việt Nam vẫn còn được ghi nhớ và hoàn toàn không uổng phí.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks