ngày tháng năm

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

LÀM SAO GIẢM BỚT ÁN OAN

Luật sư Nguyễn Văn Phương

Vụ án Ông Nguyễn Thanh Chấn có dấu hiệu của một vụ án oan vì Công An Tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận có những sai sót khiến Ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội giết người trong khi thủ phạm là một người khác. Qua vụ việc này có rất nhiều ý kiến đề xuất để giảm bớt án oan. Chúng ta sẽ xem xét tính khả thi của các ý kiến và xem Ủy Ban Công lý và Hòa bình của chúng ta có thể làm gì để đóng góp vào việc làm giảm án oan. 

Sau đây là những ý kiến đã được đề xuất:

1. Gắn camera, ghi âm lời khai: Việc này sẽ là tốt nếu việc sử dụng máy ghi âm, ghi hình được sử dụng hợp lý, có sự giám sát của bên thứ ba ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không việc ghi âm, ghi hình lại trở thành chứng cứ kết tội chắc chắn nhất (ví dụ như khi ép cung thì người ta không bật máy ghi âm, ghi hình lên, chỉ khi nào bị can nhận tội thì người ta mới bật máy ghi âm, ghi hình lên để làm bằng chứng).

2. Luật sư tham gia từ lúc khởi tố bị can: Chỉ có biện pháp này là có thể thực hiện ngay được (vì Bộ Luật tố tụng hình sự có qui định) và có hiệu quả. Khi có luật sư tham gia vào các phiên hỏi cung thì các cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể thể bức cung, ép cung được vì luật sư sẽ phản đối. Tuy nhiên hiện nay luật sư còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can trừ trường hợp bị can là những người thuộc diện buộc phải có luật sư tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Ngay cả trong trường hợp luật sư được tham gia, nhiều khi luật sư cũng chỉ được tham gia khi điều tra viên cảm thấy việc điều tra đã đạt ý định của mình và việc tham gia của luật sư chỉ còn là việc xác nhận cho đúng thủ tục. Yêu cầu là phải để luật sư được thực sự tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trong tất cả mọi phiên điều tra và trong phiên điều tra thì phải được hỏi bị can (ít nhất thì cũng phải được hỏi xem những điều bị can khai báo có phải là tự nguyện không) chứ hiện nay Điều 58 Bộ Luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa qui định rằng: "Người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác", thì luật sư sẽ chỉ ngồi "làm vị" thôi vì mấy khi Điều tra viên đồng ý cho luật sư hỏi bị can. 

Cũng có ý kiến là bắt buộc phải có luật sư trong tất cả các vụ án hình sự hay ít nhất là trong các vụ án hình sự nghiêm trọng. Điều này là rất tốt nhưng phải sửa luật tố tụng hình sự và phải có kinh phí để bồi dưỡng cho luật sư tham gia. Đây là việc rất khó trong tình hình hiện nay. Trước mắt cần thực hiện việc có thể làm ngay được là cho luật sư được dễ dàng tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can để giảm bớt án oan. 

3. Tăng tính tranh tụng tại phiên tòa: Đây cũng là việc có hiệu quả cao nhưng chưa thể thực hiện ngay vì nếu được chấp nhận thì cũng phải chờ sửa Bộ Luật tố tụng hình sự. Nhiều người cho rằng trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, việc tranh luận về tội trạng của bị cáo phải là cuộc tranh luận giữa Viện kiểm sát và luật sư. Các vị trong Hội đồng xét xử ngồi nghe xem bên nào có lý và tuyên án theo kết quả tranh luận. Tuy nhiên hiện nay việc tranh tụng theo Bộ Luật tố tụng hình sự hiện nay lại theo hướng các vị trong Hội đồng xét xử hỏi là chính (thường chỉ nhằm mục đích kết tội). Việc tranh luận không được chú trọng đúng mức vì luật sư không được tranh luận với Hội đồng xét xử trong khi Hội đồng xét xử mới chính là nơi kết tội.

4. Giúp bị can biết quyền của mình: Tôi cho rằng đây là việc có yếu tố quyết định làm giảm án oan ngang với việc có luật sư tham gia trong lúc hỏi cung. Trong các vụ án hình sự, để giảm án oan thì tốt nhất là bị can biết được quyền của mình đến đâu, tránh bị người khác ép buộc thực hiện hoặc không thực hiện những điều mà pháp luật đã có qui định rõ ràng. Một số những quyền cơ bản của bị can là:

a. Bị can không phải chứng minh mình vô tội

Thật vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2013, Điều 10 Xác định sự thật của vụ án, đã qui định rõ: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội."

Vì thế, nếu hiểu biết được điều này, bị can có thể không cần chứng minh cho những câu hỏi đại loại như "Bị can hãy chứng minh mình vô tội bằng cách chứng minh mình không có mặt tại địa điểm xảy ra án mạng" mà có thể trả lời rằng "Điều tra viên phải chứng minh tôi có mặt tại tại địa điểm xảy ra án mạng chứ tôi không phải chứng minh tôi không có mặt tại địa điểm xảy ra án mạng". Dĩ nhiên nếu mình có chứng cứ ngoại phạm thí dụ như hôm đó, giờ đó mình đi làm, có sự xác nhận của cơ sở nơi mình công tác, làm việc thì nên chứng minh để bác bỏ hẳn một sự nghi ngờ.

b. Có quyền nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ

Căn cứ Thông tư 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì người bị tạm giữ, bị can có các quyền sau đây: 
  • Được trực tiếp yêu cầu đích danh luật sư bào chữa (có họ tên, địa chỉ rõ ràng); 
  • Được viết giấy nhờ người thân (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) liên hệ nhờ luật sư bào chữa. 
Việc nhờ luật sư bảo vệ bao giờ cũng là điều có lợi cho bị can nên nếu có trường hợp bị can từ chối luật sư thì luật sư hoặc gia đình phải yêu cầu gặp mặt bị can để xem nguyện vọng thực sự của bị can là gì, tránh việc bị ép buộc từ chối luật sư.

c. Có quyền im lặng 

Hiện nay, quyền im lặng không được minh thị trong Bộ Luật tố tụng hình sự nhưng cũng không có điều khoản nào buộc bị can phải khai báo hay trả lời mọi câu hỏi của điều tra viên, nếu không sẽ bị kết tội về việc từ chối trả lời. Mặt khác căn cứ vào Khoản 4, Điều 209 Bộ Luật tố tụng hình sự, qui định về việc hỏi bị cáo tại phiên tòa: "Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án", có thể thấy rằng nếu bị cáo im lặng thì luật không dự liệu bất cứ sự trừng phạt nào cho bị cáo. Như vậy tuy là luật không minh thị nhưng bị can, bị cáo có quyền im lặng mà không bị trừng phạt. Bị can, bị cáo chỉ có thể bị trừng phạt bởi những tội trạng mà các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được là bị can, bị cáo đã phạm.

Cũng về quyền im lặng này, có một vấn đề cũng cần được nói đến đó là bị can có quyền im lặng cho đến khi có luật sư tham gia hay không. Bộ Luật tố tụng hình sự không có qui định nào về vấn đề này nhưng căn cứ Thông tư 70/2011/TT-BCA, Điều 4: 

"Khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo Quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự và lập biên bản giao nhận Quyết định. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không". 

"Trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản." 

Người ta có thể hiểu rằng, ngay khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ hoặc Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều tra viên đã phải hỏi bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không. Nếu chưa hỏi thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Nếu bị can có nhờ người bào chữa thì phải tiến hành việc tìm người bào chữa cho họ. Thông tư không qui định là cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục tiến hành điều tra trong khi chờ người bào chữa có mặt. Vì thế bị can có thể im lặng không khai báo mà vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật cho đến khi người bào chữa có mặt để bảo đảm không bị ép cung, bức cung.

d. Có quyền không bị cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.

Quyền này đã được minh thị trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) mà Việt Nam đã tham gia và cam kết tôn trọng. Xin được liệt kê các qui định sau:

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
Ðiều 5
Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.

Công ước chống tra tấn 
Điều 4
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng lõa hoặc tham gia việc tra tấn.
2. Mỗi Quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng.
Điều 15
Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai người đó.
Căn cứ vào quyền này, bị can có thể nhắc nhở các cơ quan tiến hành tố tụng là nếu mình bị tra tấn hay các hình thức ép cung khác, những người thực hiện có thể bị tội hình sự. Tôi cho rằng nếu bị can có thể nói được điều này thì các điều tra viên sẽ phải chùn tay hay nghĩ lại và sẽ hành động khác đi chứ không như với những bị can chỉ biết lạy lục, van xin. 
Ủy Ban Công lý và Hòa bình có thể làm gì để giúp giảm bớt án oan

Tôi cho rằng UBCLHB có thể làm ngay việc này đó là tổ chức các buổi tập huấn, trước hết là cho các thành viên của UBCLHB các cấp, sau sẽ mở rộng ra, để phổ biến về các quyền của người dân trong tố tụng hình sự, giúp họ biết tự bảo vệ khi cần.

Biết tự bảo vệ sẽ là yếu tố quyết định để bảo vệ chính mình khỏi án oan và như thế cũng chính là để giảm án oan.


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks