ngày tháng năm

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

HIẾN CHƯƠNG CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH

Thành Thi chuyển ngữ, Hiệp Thông số 80 (tháng 1 & 2 năm 2014)

ĐƯỢC TÒA THÁNH CÔNG BỐ VÀO NGÀY 22 THÁNG MƯỜI NĂM 1983 CHO MỌI NGƯỜI, MỌI TỔ CHỨC VÀ MỌI NHÀ CHỨC TRÁCH CỐ LIÊN QUAN ĐẾN SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY. 

LỜI MỞ ĐẦU 

Xét vì: 

A. Các quyền của con người, dù là những quyền của cá nhân, đều có chiều kích xã hội và được thể hiện một cách tự nhiên và chủ yếu trong gia đình; 

B. Gia đình được đặt trên nền tảng hôn nhân vốn là sự kết hợp mật thiết và bổ túc cho nhau giữa một người nam và một người nữ, sự kết họp này được thiết lập bằng giao ước tự nguyện, bày tỏ công khai về mối dây liên kết hôn nhân bền vững và rộng mở cho việc thông truyền sự sống. 

C. Hôn nhân là định chế tự nhiên, duy nhất được ủy thác về sứ mạng thông truyền sự sống.

D. Gia đình, một xã hội tự nhiên, có trước Nhà nước hoặc bất cứ cộng đồng nào khác, và sở hữu những quyền đương nhiên thuộc về mình; những quyền này không thể bị lấy mất. 

E. Gia đình không chỉ là một đơn vị về mặt pháp lý, xã hội hoặc kinh tế, mà còn hơn thế nữa, chính là một cộng đồng của tình yêu và sự liên đới, là nơi duy nhất thích hợp cho việc dạy dỗ và thông truyền những giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần thiết để các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và sống hạnh phúc. 

F. Gia đình là nơi các thế hệ khác nhau cùng quy tụ và giúp nhau phát triển về mặt trí tuệ của con người, biết hài hòa những quyền lợi của cá nhân với những yêu cầu của đời sống xã hội. 

G. Gia đình và xã hội, vốn được liên kết với nhau bằng những mối liên hệ cơ bản và thiết yếu, giữ những vai trò bổ túc cho nhau trong việc bảo vệ và thăng tiến điều tốt đẹp nơi mỗi người và trong nhân loại;

H. Kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau trong dòng lịch sử đã cho thấy xã hội cần nhìn nhận và bảo vệ định chế gia đình;

I. Xã hội, và cụ thể là nhà nước và các tổ chức quốc tế, phải bảo vệ gia đình bằng các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật, nhằm mục đích củng cố sự hiệp nhất và ổn định của gia đình để gia đình có thể thực thi vai trò đặc thù của mình;

J. Các quyền, các nhu cầu cơ bản, cuộc sống hạnh phúc và các giá trị của gia đình, dù trong một số trường hợp cũng từng bước được bảo vệ khá hơn, nhưng vẫn thường bị coi nhẹ, kể cả còn bị xâm hại bởi luật pháp, bởi những tổ chức và các chương trình kinh tế-xã hội;

K. Nhiều gia đình bị đẩy vào hoàn cảnh sống nghèo khổ, khiến họ không thể thực thi vai trò của mình một cách xứng đáng;

L. Giáo hội Công giáo, ý thức rằng điều tốt của con người, của xã hội và của chính Giáo hội diễn ra qua gia đình, vì thế luôn coi mình có sứ mạng loan báo cho mọi người biết kế hoạch của Thiên Chúa, vốn được khắc ghi nơi bản chất của con người, về hôn nhân và gia đình, để cổ võ hai định chế này và bảo vệ những định chế đó chống lại tất cả những ai đang đánh vào chúng;

M. Thượng Hội đồng Giám mục họp vào năm 1980 đã bày tỏ yêu cầu soạn thảo một Hiến chương về các Quyền của Gia đình và gửi cho mọi người có liên quan được biết;

Tòa Thánh, sau khi tham khảo các Hội đồng Giám mục, nay công bố bản “Hiến chương về các Quyền của Gia đình” này và kêu gọi mọi nhà nước, tổ chức quốc tế và tất cả mọi người, mọi định chế quan tâm hãy thúc đẩy việc tôn trong các quyền này và bảo đảm cho những quyền này được nhìn nhận và tuân giữ trong thực tế.

ĐIỀU 1

Mọi người đều có quyền tự do chọn cho mình một bậc sống, nghĩa là được chọn kết hôn và thiết lập một gia đình hoặc sống độc thân.

a. Mọi người nam và mọi người nữ khi đến tuổi có thể kết hôn và đủ năng lực cần có, thì có quyền kết hôn và thiết lập một gia đình mà không chịu bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; những giới hạn do pháp luật đặt ra đối với việc thực thi quyền này, dù có tính chất vĩnh viễn hay tạm thời, chỉ có thế được đưa ra do những đòi hỏi khách quan và nghiêm trọng của bản thân định chế hôn nhân và khía cạnh xã hội và công cộng của định chế đó; trong mọi trường hợp, những giới hạn này phải tôn trọng phẩm giá và những quyền cơ bản của con người.

b. Những người muốn kết hôn và thiết lập một gia đình có quyền mong đợi xã hội mang lại những điều kiện về xã hội, giáo dục và đạo đức giúp họ có thể thực thi quyền kết hôn với tất cả sự chín chắn và có trách nhiệm.

c. Các nhà chức trách công quyền cần phải bảo vệ giá trị mang tính định chế của hôn nhân; trường hợp các cặp đôi không kết hôn không được đặt trên cùng một bình diện với cuộc hôn nhân có cam kết hợp lệ.

ĐIỀU 2

Hôn nhân chỉ có thể được ký kết khi cả hai vợ chồng bày tỏ một cách hợp lệ sự tự do và hoàn toàn ưng thuận.

a. Để tôn trọng vai trò truyền thống của các gia đình nơi một số nền văn hóa trong việc hướng dẫn sự quyết định của con cái, phải tránh gây ra mọi áp lực cản trở sự chọn lựa của một cá nhân khi lấy chồng hoặc lấy vợ.

b. Các đôi vợ chồng tương lai có quyền được tự do tôn giáo; do đó việc áp đặt phải từ bỏ niềm tin hoặc phải tuyên xưng đức tin như một điều kiện trước tiên để được kết hôn là trái với lương tâm, phải coi đó là sự vi phạm đối với quyền này.

c. Các đôi vợ chồng, trong sự bổ túc theo lẽ tự nhiên giữa người nam và người nữ, đều có cùng một phẩm giá và được hưởng những quyền bình đẳng về hôn nhân.

ĐIỀU 3

Các đôi vợ chồng có một quyền không thể bị lấy mất là quyền tạo lập một gia đình và quyền quyết định khoảng cách giữa những lần sinh và quyết định số con sẽ sinh ra bằng cách xem xét đầy đủ mọi trách nhiệm đối với chính bản thân, con cái đã sinh ra, gia đình và xã hội, theo đúng các thứ bậc giá trị và phù hợp với trật tự đạo đức khách quan, trật tự này loại ra ngoài việc tìm đến với ngừa thai, triệt sản và phá thai.

a. Những hoạt động của các nhà chức trách công quyền và các tổ chức tư nhân nhằm mọi cách hạn chế quyền tự do của các đôi vợ chồng trong việc quyết định về con cái mình tạo thành sự xâm phạm nghiêm trọng đối với phấm giá con người và lẽ công bằng.

b. Trong các quan hệ quốc tế, viện trợ kinh tế giúp người dân phát triển không được đặt điều kiện phải chấp nhận ngừa thai, triệt sản và phá thai.

c. Gia đình có quyền được xã hội trợ giúp để sinh con và giáo dục con cái. Các đôi vợ chồng nhiều con có quyền hưởng sự trợ giúp thích đáng và không bị phân biệt đối xử.

ĐIỀU 4

Sự sống con người phải được tôn trọng và được bảo vệ một cách tuyệt đối từ lúc thụ thai.

a. Phá thai là sự vi phạm trực tiếp đối với quyền cơ bản của con người là được sống.

b. Việc tôn trọng phẩm giá của con người không chấp nhận mọi thao tác thí nghiệm hoặc khai thác phôi thai người.

c. Mọi can thiệp đối với di sản di truyền của con người không nhằm điều chỉnh những dị tật đều vi phạm quyền được toàn vẹn về thể xác của con người và chống lại lợi ích của gia đình.

d. Trẻ em, trước và sau khi được sinh ra, có quyền được bảo vệ và được trợ giúp đặc biệt, cũng có quyền như vậy là những người mẹ trong thời gian mang thai và trong một thời gian hợp lý sau khi sinh con.

e. Mọi trẻ em, dù được sinh ra trong hay ngoài hôn nhân, đều cùng được hưởng sự bảo vệ của xã hội, để chúng được phát triển toàn diện.

f. Trẻ em mồ côi hoặc trẻ em thiếu sự trợ giúp của cha mẹ hoặc người giám hộ phải nhận được sự bảo vệ đặc biệt từ phía xã hội. Đối với việc bảo trợ hoặc nhận con nuôi, Nhà nước phải có luật giúp các gia đình hội đủ điều kiện tiếp nhận vào gia đình mình những trẻ em đang cần được chăm sóc tạm thời hay lâu dài. Đồng thời luật này phải tôn trọng những quyền tự nhiên của người làm cha làm mẹ.

g. Trẻ em bị khuyết tật có quyền được tìm thấy nơi gia đình và trường học một môi trường thích hợp cho sự phát triển con người của mình.

ĐIỀU 5

Vì đã ban sự sống cho con cái mình, nên cha mẹ có quyền đầu tiên, trước hết và không bị lấy mất trong việc giáo dục con cái; do đó họ phải được nhìn nhận là những nhà giáo dục trước hết và chủ yếu đối với con cái mình.

a. Cha mẹ có quyền giáo dục con cái mình hợp với những xác tín về luân lý và tôn giáo của họ, kể cả những truyền thống văn hóa về gia đình hướng tới thiện ích và phẩm giá của trẻ; họ cũng phải nhận được từ xã hội sự trợ giúp cần thiết để thực thi vai trò giáo dục của mình một cách thích đáng.

b. Cha mẹ có quyền được tự do chọn trường học hay các phương tiện cần thiết khác nhằm giáo dục con cái tuân giữ các xác tín của mình. Các nhà chức trách công quyền phải bảo đảm những trợ cấp thuộc công quỹ đến được tay các bậc cha mẹ để họ được tự do thực thi quyền này mà không phải chịu những gánh nặng bất công. Các bậc cha mẹ không phải chịu, dù trực tiếp hay gián tiếp, những phí tổn vượt mức khiến họ phải chối bỏ hoặc bị giới hạn một cách bất công việc thực thi quyền tự do này.

c. Cha mẹ có quyền được bảo đảm con cái mình không bị bắt buộc tham dự những lớp học không tán thành những xác tín của họ về luân lý và tôn giáo. Đặc biệt, giáo dục giới tính là quyền căn bản của cha mẹ và bao giờ cũng phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của họ, dù ở nhà hay ở các trung tâm giáo dục được họ chọn và kiểm soát.

d. Những quyền của cha mẹ bị xâm phạm khi Nhà nước áp đặt hệ thống giáo dục cưỡng bức nhằm loại bỏ hoàn toàn việc đào tạo của tôn giáo.

e. Quyền là người trước hết giáo dục con cái của cha mẹ phải được tôn trọng trong mọi hình thức hợp tác giữa cha mẹ, giáo viên và những người hữu trách của trường, và đặc biệt là trong những hình thức tham gia được dành cho các công dân lên tiếng nói về việc điều hành nhà trường và về việc xây dựng cũng như thực hiện các chính sách giáo dục.

f. Gia đình có quyền đòi hỏi các phương tiện truyền thông xã hội phải trở thành những công cụ tích cực để xây dựng xã hội, và củng cố những giá trị nền tảng của gia đình. Đồng thời gia đình có quyền được bảo vệ cách thích đáng, nhất là đối với các thành viên nhỏ tuổi nhất của mình, khỏi những tác động tiêu cực và lạm dụng của các phương tiện truyền thông đại chúng.

ĐIỀU 6

Gia đình có quyền hiện hữu và thăng tiến với tư cách một gia đình.

a. Các nhà chức trách công quyền phải tôn trọng và cổ võ phẩm giá, sự độc lập hợp pháp, sự riêng tư, sự toàn vẹn và sự bền vững của mọi gia đình.

b. Việc ly dị đánh thẳng vào chính định chế của hôn nhân và gia đình.

c. Nơi nào còn chế độ gia đình gồm nhiều thế hệ thì phải dành cho chế độ gia đình này sự quý trọng và giúp đỡ để thực thi tốt hơn vai trò truyền thống của mình là đoàn kết và giúp đỡ nhau, đồng thời tôn trọng những quyền của các gia đình nhỏ trong đại gia đình và phẩm giá cá nhân của từng thành viên.

ĐIỀU 7

Mọi gia đình đều có quyền tự do sống đời sống tôn giáo tại nhà riêng của mình dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, cũng như có quyền công khai biểu lộ và truyền bá đức tin, tham dự việc thờ phượng nơi công cộng và tham dự các chương trình huấn luyện tôn giáo đã được chọn lựa một cách tự do mà không bị kỳ thị.

ĐIỀU 8

Gia đình có quyền thực thi vai trò của mình về xã hội và chính trị trong việc xây dựng xã hội.

a. Gia đình có quyền thành lập những hiệp hội cùng với các gia đình khác và những tổ chức, để chu toàn vai trò của gia đình một cách thích hợp và có hiệu quả, cũng như để bảo vệ các quyền, cổ võ thiện ích và thể hiện những lợi ích của gia đình.

b. Trên các bình diện kinh tế, xã hội, pháp luật và văn hóa, vai trò hợp pháp của các gia đình và các hiệp hội về gia đình phải được thừa nhận trong việc xây dựng và phát triển các chương trình liên quan đến đời sống gia đình.

ĐIỀU 9

Các gia đình có quyền đòi các nhà chức trách công quyền phải có một chính sách gia đình thích đáng trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, xã hội và tài chính, mà không chịu bất kỳ sự kỳ thị nào.

a. Các gia đình có quyền hưởng những điều kiện về kinh tế bảo đảm cho họ một mức sống xứng hợp với phẩm giá của mình và được phát triển đầy đủ. Các gia đình không thể bị ngăn cản việc kiếm được và giữ lại những sở hữu riêng là những gì sẽ giúp cho cuộc sống gia đình được ổn định; các luật về việc thừa kế và chuyển giao tài sản phải tôn trọng những nhu cầu và quyền của các thành viên trong gia đình.

b. Các gia đình có quyền hưởng những biện pháp thuộc lãnh vực xã hội chú trọng tới các nhu cầu của họ, nhất là trong trường hợp một hoặc cả hai cha mẹ chết sớm, một trong hai người phối ngẫu bị bỏ rơi, gặp tai nạn, bệnh tật hoặc tàn phế, bị thất nghiệp, hoặc bất cứ khi nào gia đình phải chịu thêm gánh nặng vì trong nhà có người già cả, bị tật nguyền về tâm thần hay thể lý, hoặc vì chuyện học hành của con cái.

c. Người già có quyền tìm thấy trong gia đình mình, hoặc nếu không có gia đình thì tại các cơ sở dành cho người già, một môi trường giúp họ có thể sống những năm tháng cuối đời trong sự thanh thản, đồng thời tiếp tục những hoạt động hợp với tuổi tác của mình và giúp họ được tham dự vào đời sống xã hội.

d. Các quyền và những nhu cầu của gia đình, nhất là giá trị của sự hiệp nhất trong gia đình, phải được xem xét trong chính sách và bộ luật hình sự, sao cho người bị giam giữ vẫn giữ được sự liên lạc với gia đình mình và gia đình được nâng đỡ một cách thích đáng trong thời gian người thân bị giam giữ.

ĐIỀU 10

Các gia đình có quyền được hưởng một trật tự về xã hội và kinh tế, theo đó sự sắp xếp công việc cho phép các thành viên trong gia đình được sống với nhau và không cản trở sự hiệp nhất, cuộc sống hạnh phúc, sức khỏe và sự ổn định của gia đình, đồng thời cũng giúp họ có thể giải trí lành mạnh.

a. Thù lao cho công việc phải đủ để xây dựng và giúp gia đình sống được một cách xứng đáng, hoặc trả bằng loại “lương phụ cấp gia đình”, hoặc qua những biện pháp khác như trợ cấp gia đình hoặc trả thù lao nội trợ cho người cha hoặc người mẹ; không được ép buộc người mẹ phải rời nhà đi làm việc, gây thiệt hại cho đòi sống gia đình và nhất là cho việc giáo dục con cái.

b. Việc nội trợ của người mẹ phải được công nhận và tôn trọng vì giá trị của công việc này đối với gia đình và xã hội.

ĐIỀU 11

Gia đình có quyền có nơi ở tươm tất, hợp với đời sống gia đình và đủ diện tích cho số lượng các thành viên, trong một môi trường có đủ những phục vụ cơ bản cho đời sống gia đình và cộng đồng.

ĐIỀU 12

Các gia đình di dân có quyền được bảo vệ như mọi gia đình khác.

a. Các gia đình của những người nhập cư có quyền được hưởng sự tôn trọng đối với văn hóa của họ và nhận được sự nâng đỡ và trợ giúp để hội nhập vào cộng đồng mà họ đang góp phần vào.

b. Những người lao động di dân có quyền được thấy gia đình mình được đoàn tụ càng sớm càng tốt.

c. Những người tị nạn có quyền nhận được sự trợ giúp của các chức trách công quyền và các Tổ chức Quốc tế để việc đoàn tụ gia đình được dễ dàng. 


------

NGUỒN VÀ THAM KHẢO

Lời mở đầu

A. Tđ Rerum Novarum, số 9; Hc Gaudium et Spes, số 24.
B. Tđ Pacem in Terris, Phần 1; Hc Gaudium et Spes, số 48 và 50 ; Th Familiaris Consortio, số 19; Giáo Luật, số 1056.
C. Hc Gaudium et spes, số 50; Tđ Humanae vitae, số 12; Th Familiaris consortio, số 28.
D. Tđ Rerum novarum, số 9 và 10; Th Familiaris consortio, số 45.
E. Th Familiaris consortio, số 43.
F. Hc Gaudium et Spes, số 52; Th Familiaris consortio, số 21.
G. Hc Gaudium et Spes, số 52; Th Familiaris consortio, số 42 và 45. I. Th Familiaris consortio, số 45.
J. Th Familiaris consortio, số 46.
K. Th Familiaris consortio, số 6 và số 77.
L. Th Familiaris consortio, số 3 và số 46.
M. Th Familiaris consortỉo, số 46.

Điều 1
Tđ Rerum Novarum, số 9; Tđ Pacem in Terris, Phần 1; Hc Gaudium et Spes, số 26; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 16, 1.
a. Giáo Luật, nos. 1058 and 1077; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, no. 16, 1.
b. Hc Gaudium et Spes, số 52, Th Familiaris consortio, số 81.
c. Hc Gaudium et Spes, số 52; Th Familiaris consortio, số 81 và số 82.

Điều 2
Hc Gaudium et Spes, số 52; Giáo luật, số 1057; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 16, 2.
a. Hc Gaudium et Spes, số 52.
b. Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis humanae, số 6.
c. Hc Gaudium et Spes, số 49; Th Familiaris consortio, số 19 và số 22; Giáo luật, số 1135; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 16, 1.

Điều 3
Tđ PopuIorumprogressio, số 37; Hc Gaudium et Spes, số 50 và số 87; Tđ Humanae vitae, số 10; Th Familiaris consortio, số 30 và số 46.
a. Th Familiaris consortio, số 30.
b. Th Familiaris consortio, số 30.
c. Hc Gaudium et Spes, số 50.

Điều 4
Hc Gaudium et Spes, số 51; Th Familiaris consortio, số 26.
a. Tđ Humanae vitae, số 14; Bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên bố về việc phá thai, 18 tháng 11, 1974; Th Familiaris consortio, số 30.
b. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Huấn từ tại Viện hàn lâm Khoa học của Tòa Thánh, 23 tháng Mười, 1982.
d. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, sồ 25, 2; Công ước về Quyền Trẻ em, Lời mở đầu và số 4.
e. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 25, 2.
f. Th Familiaris consortio, số 41.
g. Th Familiaris consortio, số 77.

Điều 5
Tđ Divini Illius Magistri, các số 27-34; Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum educationis, số 3; Th Familiaris consortio, số 36; Giáo luật số 793 và số 1136.
a. Th Familiaris consortio, số 46.
b. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum educationis, số 7; Tuyên ngôn về Tự do tồn giáo Dignitatis humanae, số 5; Gioan Phaolô II, Tự do Tôn giáo và Đạo luật Helsinki (Thư gửi các vị nguyên thủ quốc gia đã ký kết Đạo luật Helsinki), 4b; Th Familiaris consortio, số 40; Giáo Luật, số 797.
c. Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis humanae, số 5; Th Familiaris consortio, số 37 và số 40.
d. Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis humanae, số 5; Th Familiaris consortio, số 40.
e. Th Familiaris consortio, no. 40; Giáo luật, no. 796.
f. Phaolô VI, Thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ ba, 1969; Th Familiaris consortio, số 76.

Điều 6
Th Familiaris consortio, số 46.
a. Tđ Rerum Novarum, số 10; Th Familiaris consortio, số 46; Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, số 17.
b. Hc Gaudium et Spes, số 48 và số 50.

Điều 7
Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis humanae, số 5; Tự do Tôn giáo và Đạo luật Helsinki, 4b; Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, số. 18.

Điều 8
Th Familiaris consortỉo, số 44 và số 48.
a. Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, số 11; Th Familiaris consortio, số 46 và số 72.
b. Th Familiaris consortio, số 44 và sô 45.

Điều 9
Tđ Laborem exercens, số 10 và số 19; Th Familiaris consortio, số 45; Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, số 16, 3 và số 22; Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, số 10, 1.
a. Tđ Mater et magistra, Phần II; Tđ Laborem exercens, số 10; Th Familiaris consortỉo, số 45; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 22 và số 25; Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 7, a, ii.
b. Th Familiaris consortio, số 45 và số 46; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 25, 1; Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các số 9, 10, 1 và 10, 2.
c. Hc Gaudium et Spes, số 52; Th Familiaris consortio, số 27. 

Điều 10
Tđ Laborem exercens, số 19; Th Familiaris consortio, số 77; Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 23, 3.
a. Tđ Laborem exercens, số 19; Th Familiaris consortio, số 23 và số 81.
b. Th Familiaris consortio, số 23.

Điều 11
Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam actuositatem, số 8; Th Familiaris consortio, số 81; Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, số 11, 1.

Điều 12
Th Familiaris consortio, số 77; Hiến chương xã hội châu Âu, 19.

* * *
Nguồn: vatican.va (bản tiếng Anh và tiếng Pháp)

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks