ngày tháng năm

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

ĐÊM THIẾU SAO TRỜI


PHẦN MỘT

Chương một

TRÒ CHƠI ĐÁNH KHĂNG

                                      I   

Tôi ra đời ngày 31 tháng giêng năm 1915, dưới bóng dãy núi Pyrênê, tự do theo hình ảnh của Thiên Chúa và tù nhân của bản tính thô bạo và vị kỷ theo hình ảnh của thế gian, một thế gian của bóng tối mà những người yêu Chúa và ghét Chúa cùng cư ngụ; những người ấy được đặt vào thế giới này để yêu mến Ngài lại sống trong sợ hãi và làm mồi cho những ước muốn rã rời và tuyệt vọng.
Thời kỳ đó cách nhà tôi vài trăm cây số, dọc theo con sông Marne, trong một khu rừng cây cối khẳng khiu, dưới đáy những con mương đầy bùn, có những người thối rữa giữa những con ngựa chết và những khẩu đại bác bị vỡ tan.
Cha mẹ tôi cũng bị giam hãm trong một thế giới mà họ không thật sự tham gia: họ không phải là những vị thánh, nhưng là những nghệ sĩ và lòng chính trực của họ nâng cao họ lên trên thế gian nhưng không giải thoát họ khỏi thế gian.

Cha tôi vẽ tranh theo phong cách của Cézanne và cũng như ông này, cha biết rõ những cảnh quang của miền Nam nước Pháp. Cái nhìn của ông về thế giới lành mạnh, quân bình, đạo hạnh và thuần khiết; các bức tranh của ông chân phương, vì người nghệ sĩ tin mình để cho thiên nhiên nói mà không cần can thiệp.
Cha mẹ tôi không chịu ảnh hưởng một thành kiến nào của giới tư sản; cha tôi đã truyền lại cho tôi cách nhìn đời và lòng chính trực của ông, mẹ tôi truyền lại cho tôi sự tìm kiếm sự hoàn hảo và ổn định. Ông bà đã truyền lại cho tôi sức mạnh làm việc, tình yêu cuộc sống, một cái nhìn sắc bén, một cách diễn tả dễ dàng nào đó. Chúng tôi không bao giờ giàu có; nhưng những kẻ ngốc cũng biết rằng để vui hưởng cuộc đời, người ta không cần tiền bạc.
Nếu như người ta vẫn tưởng, để được hạnh phúc chỉ cần lôi kéo về mình mọi sự, nhìn xem tất cả, thử nghiệm tất cả, rồi biết cách nói ra, thì hẳn là tôi đã hoàn toàn hạnh phúc từ lúc mới sinh. Nếu hạnh phúc chỉ lệ thuộc vào những thiên tư tự nhiên, thì tôi chẳng bao giờ vào dòng Trappe ở tuổi trưởng thành.
Cha mẹ tôi đến từ nơi cùng trời cuối đất với ý hướng định cư tại Prades, nhưng ông bà chỉ ở lại để tôi có thời gian được sinh ra; khi tôi vừa mới biết đi thì ông bà lại lên đường. Ông bà tiếp tục, và tôi bắt đầu một cuộc hành trình rất dài mà đối với mỗi người chúng tôi, cuộc hành trình ấy giờ đây đã chấm dứt một cách nào đó.
Cha tôi đến từ Christchurch, trong đất nước Tân Tây Lan. Họ của ông là Owen, vì gia đình bên ngoại cha tôi đã sống qua vài thế hệ ở xứ Galles, dù các ngài có gốc gác ở miền Đất Thấp xứ Tô Cách Lan. Ông nội tôi là giáo sư dạy nhạc ở trường trung học Christchurch, và là một người sùng đạo.
Cha tôi sống độc lập và mạnh mẽ. Sau này ông đã kể cho tôi nghe đời sống ngoài trời của ông trong những trang trại nuôi cừu và những khu rừng Nam Đảo; bằng cách nào mà ông đã suýt gia nhập vào đoàn thám hiểm Nam cực khi đoàn khởi hành đến Cực Nam, sau đó các thành viên trong đoàn đều bị chết rét.
Ông đã đau khổ nhiều khi thuyết phục gia đình về thiên hướng nghệ sĩ có thật của ông, và ông phải vượt qua nhiều khó khăn để học hội họa. Tuy nhiên ông cũng đã đến được Luân  Đôn và Paris, ở đó ông đã gặp và cưới mẹ tôi, nhưng ông không bao giờ trở lại Tân Tây Lan.
Mẹ tôi là người Mỹ; nhỏ người, mảnh mai, bà có vẻ lo âu và nhạy cảm. Dường như nhắc đến bà là tôi nhớ đến một người khao khát mơ mộng và sự hoàn hảo, tôi muốn nói sự hoàn hảo về nghệ thuật, về việc trang trí nội thất, giữ gìn nhà cửa hay giáo dục con cái. Sự ưa thích điều hoàn hảo này là nguyên nhân nỗi lo âu của bà, và những khuyết điểm của tôi chắc hẳn phải làm bà thất vọng. Tôi đã nhìn thấy một cuốn sổ tay mà bà đã giữ khi tôi còn nhỏ. Nó diễn tả sự ngạc nhiên của bà trước sự phát triển những tính cách không thể thấy trước đó của tôi: một nhu cầu say mê sâu xa và nghiêm túc ánh sáng khí đốt, về việc bếp núc lúc mới bốn tuổi, ví dụ thế.
Tôn giáo không đóng vai trò gì trong việc giáo dục một đứa trẻ hiện đại theo quan niệm của mẹ tôi; hẳn bà nghĩ rằng nều cứ để mặc tôi, tôi sẽ trở thành một người hữu thần tự nhiên bình ổn, không vướng mắc vào điều mê tín.
Thế nên việc tôi được rửa tội chắc chắn là công việc của cha tôi, một người Anh giáo xác tín. Tuy nhiên tôi tin rằng phép rửa ấy không đủ sức uốn nắn những hư hỏng của tự do đầu tiên của tôi, hoặc giải thoát tôi khỏi ma quỷ đeo bám linh hồn tôi như những con dơi quỷ.
Cha tôi đã thực hiện một trong những giấc mơ của ông khi đến vùng Pyrênê: ông muốn định cư ở Pháp, thiết lập gia đình ở đó, vẽ và sống không ra sống vì ông gần như không có gì để sống. Những mơ ước của cha tôi cụ thể và thực tế hơn các mơ ước của mẹ tôi là những cuộc hành trình vô vọng hướng về lý tưởng.
Ở Prades, cha mẹ tôi có nhiều bạn bè; khi ông bà định cư ở đó, với những đồ gỗ và những khung vải chất đống giữa mùi sơn dầu còn mới, mùi màu nước, mùi khói thuốc hút bằng tẩu và mùi bếp núc và của những người bạn khác đến từ Paris. Để vẽ mẹ tôi phải lên đồi, dưới một tán dù; cha tôi vẽ trong nắng, trong khi các bạn bè họ vừa uống rượu vang đỏ, vừa thán phục vùng Canigou và tu viện bám vào sườn đồi.
Có rất nhiều phế tích của tu viện ở trong núi, và với lòng thán phục sâu xa tôi tưởng như thấy lại những đan viện cổ xưa, những mái vòm kiểu La-mã thấp và mạnh mẽ mà các đan sĩ đã xây dựng và tiếng kinh cầu của họ đã gởi đến cho tôi ở nơi này. Thánh Martin ở Canigou, thánh Michel ở Cuxa, vị thánh bổn mạng của đời sống đan tu, đã có những nhà thở trong núi; tôi đã giữ một tình cảm thân thiết với các ngài.
Hai mươi năm sau, từng viên đá một, một trong những đan viện ấy theo tôi xuyên qua Đại Tây Dương và mọc lên gần tôi vào lúc mà tôi có nhu cầu cấp thiết nhìn thấy một đan viện giống như thế nơi mà chúng tôi có thể sống như một sinh vật có lý trí, chứ không phải như một con chó hoang. Đan viện Cuxa được xây lên giữa một công viên của New-York, nhìn xuống dòng sông Hudson. Mặc dù được xây dựng lại, đan viện giữ lại khá nhiều từ nguyên mẫu khiến cho tất cả những gì xung quanh nó, không kể cây cối, dường như đang bị coi thường.
Tuy nhiên các bạn thân của cha mẹ tôi đã mang đến những tờ nhật báo và những bưu thiếp của lòng ái quốc trình bày quân Đồng Minh đã đè bẹp quân Đức; ở Mỹ ông bà ngoại tôi lo lắng khi biết chúng tôi đang sống trong một nước lâm chiến: rõ ràng là chúng tôi phải rời khỏi nước Pháp: tôi vừa được một tuổi. Chúng tôi xuống tàu ở Bordeau, trên một chiếc tàu của quân đội.

 *&*          

Ông ngoại tôi ở Mỹ là một người dễ kích động và đầy lòng hăng say, dù ở trên tàu , trong xe lửa, nhà ga, thang máy, xe buýt, khách sạn, nhà hàng ông bực dọc không yên, ông ra lệnh, luôn thay đổi thế ngồi dưới những thôi thúc của thời điểm.
Tính chất của bà ngoại hoàn toàn khác hẳn và những điều thái quá của ông ngoại chỉ làm tăng thêm sự chậm chạp đầy khôn ngoan, những sự lưỡng lự và tính ghét hành động của bà. Ông ngoại tôi càng tỏ ra tích cực, la hét và ra lệnh, bà ngoại càng trở nên lưỡng lự, ngập ngừng, bất động.
Cha mẹ tôi tìm được một ngôi nhà nhỏ, cũ nát ở Flushing, Long Island, ở giữa những cánh đồng; nó có bốn phòng, hai phòng ở tầng trệt, hai phòng ở lầu một; có lẽ tiền thuê nhà rất thấp. Chủ nhà, ông Duffan, đứng chủ một quán cà phê gần đó. Cha tôi và ông cãi nhau về cây đại hoàng. Chúng tôi đang ăn tối lúc nhìn thấy ông Duffan, như một con voi giữa biển cây đại hoàng, ông ngắt những thân cây màu đỏ. Cha tôi đứng dậy và chạy vội ra; tôi nghe thấy những lời nói tức giận trong lúc chúng tôi vẫn ngồi ở bàn, im lặng và bất động; khi cha tôi quay trở lại tôi hỏi ông để thử rút ra tính chất đạo đức của câu chuyện ấy. Tôi nhớ lại rằng trường hợp ấy có vẻ khó đối với tôi, những chứng cứ của hai đối thủ dường như đều có giá trị: tôi thừa nhận rằng nếu chủ nhà muốn, ông ta có quyền hái hết những cây rau của chúng tôi. Tôi kể lại giai thoại ấy dẫu biết rõ rằng sẽ có người giải thích câu chuyện để chống lại tôi và khẳng định rằng lý do thật sự khiến tôi vào tu viện là ngay khi tôi còn nhỏ, tôi đã có não trạng của một nông nô thời trung cổ.
Cha tôi vẽ rất nhiều, trưng bày những bức tranh của ông ở Flushing, trong một nhà trưng bày của các nghệ sĩ. Bryson Burroughs sống rất gần với chúng tôi, trong một ngôi nhà trắng với những đầu hồi nhọn, ông vẽ những bức tranh cổ điển màu xanh nhạt theo phong cách Puvis de Chavannes; ông rất tốt với chúng tôi, với sự diệu hiền mà người ta thấy trong những tác phẩm của ông.
Những bức tranh của cha tôi không đủ để nuôi sống gia đình, ông trở thành người vẽ phong cảnh kiêm làm vườn, hay đơn giản hơn người làm vườn, vì ông không chỉ vẽ những khu vườn của những người láng giềng giàu có, nhưng chính ông còn trồng chúng và bảo quản chúng; ông biết những loài hoa, biết chăm sóc cây cỏ và yêu thích công việc này như hội họa.
Tháng 11 năm 1918, em trai tôi chào đời. Đó là một bản tính nghiêm túc hơn bản tính tôi, không có những xung động mù quáng như tôi. Tôi nhớ mọi người ngạc nhiên bởi hạnh phúc ổn định và an bình. Trong những buổi chiều dài mùa hè, khi người ta đặt nó nằm ngủ trước đêm, thay vì phản đối hay lớn tiếng cãi cọ, cha tôi hát. Cũng điệu nhạc ngắn đó mỗi tối, rất đơn giản, nguyên sơ, hòa hợp tuyệt vời với đêm mùa hè. Dưới nhà chúng tôi im lặng, tâm hồn lắng dịu bởi bài hát ru ấy, trong khi những tia nắng xế của mặt trời lặn chiếu sáng các cánh đồng và các cửa sổ và ngày trôi qua.
Tôi không có bạn và em tôi còn quá nhỏ nên để giải khuây, tôi nhìn những người chơi bi-da ở quán cà phê Duggan, điều này càng khiến tôi buồn chán; tôi cũng có người bạn tưởng tượng là Jacques có con chó cũng tưởng tượng tên Doolittle; tôi cũng đã chơi đùa trong vườn và nhà kho của gia đình Burroughs; Betty Burroughs, mặc dù lớn tuổi hơn tôi, đã biết hòa nhập vào những trò chơi của tôi mà không có vẻ gì là hạ cố. Nhưng chỉ có sự tưởng tượng của tôi đem lại cho tôi những người bạn cùng tuổi, đó có lẽ không phải là một giải pháp tốt. Một ngày kia tôi đã đi mua hàng với mẹ tôi, tôi đã từ chối đi ngang qua đại lộ Flushing, để cho con chó tưởng tượng Doolittle không bị những chiếc xe ô tô rất thật cán chết.
Năm tuổi tôi đã biết đọc, viết và vẽ; tôi vẽ nhiều nhất những chiếc tàu: những tàu vượt Đại Tây Dương với rất nhiều ống khói và cửa sổ, chồm lên những con sóng lăn tăn như lưỡi cưa, bầu trời có những chim hải âu bay rải rác mà tôi vẽ thành những chữ V.    

II

Sau chiến tranh, chúng tôi hoàn toàn xúc động khi bà nội tôi từ Tân Tây Lan đến để thăm các con của bà sống rải rác ở Anh và ở Mỹ. Bà gây cho tôi một ấn tượng mạnh: chúng tôi đã trò chuyện thật lâu, trong câu chuyện bà hỏi tôi và kể tôi nghe nhiều điều; đối với bà tôi cảm thấy những tình cảm tôn kính, sợ hãi và trìu mến. Bà rất tốt, tình cảm bà không cởi mở quá cũng không vồ vập  giống như ông nội tôi nguyên là một giáo sư. Một tối nọ bà hỏi tôi có đọc kinh không, bà thấy tôi không thuộc Kinh Lạy Cha: tôi không bao giờ quên điều đó, mặc dù sau đó tôi đã lơ là việc đọc kinh ấy trong nhiều năm.
Điều có vẻ lạ lùng là cha mẹ tôi rất chăm chút giữ gìn cho các con tránh sự sai lầm, tầm thường, xấu xí hay giả hình lại không hề quan tâm đem lại cho chúng tôi sự đào tạo về tôn giáo; có lẽ mẹ tôi đã có những định kiến cho rằng các tôn giáo chính thức ở bên dưới trình độ hoàn thiện trí thức mà bà muốn mang lại cho các con bà: ở Flushing, chúng tôi không bao giờ đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên tôi nhớ lại tôi đã có ước muốn mãnh liệt được đến nhà thờ, thế nhưng vô ích. Đó là ngày Chúa nhật Phục Sinh; lúc tôi năm tuổi. Qua những cánh đồng rực sáng, bên trên nông trại lân cận màu hồng, tôi thoáng thấy qua cây cối tháp chuông nhà thờ Saint George mà tôi đã nghe chuông đổ. Tôi đã ngừng ngay trò chơi trước nhà, đứng bất động, chăm chú để lắng nghe. Thình lình, chim chóc trong cây cối bắt đầy hót; và lòng tôi bay bổng bởi niềm vui khi nghe tiếng chim hòa với tiếng chuông. Tôi nói với cha tôi: “Tất cả chim chóc đều ở trong nhà thờ của chúng; tại sao chúng ta không đến nhà thờ của chúng ta?” Cha tôi đáp lại: “Để Chúa nhật sau chúng ta sẽ đi, hôm nay quá trễ rồi.” Tuy nhiên thỉnh thoảng vào ngày Chúa nhật mẹ tôi đến họp với các tín đồ Tin Lành Quakers; bà nghĩ rằng sau này chính chúng tôi cũng sẽ theo bà đi họp dù bà không gây áp lực nào trên chúng tôi.
Ở nhà chúng tôi được giáo dục theo một phương pháp “tiến bộ” mà mẹ tôi đã khám phá trong một tạp chí sư phạm. Sau khi đáp lại một quảng cáo kèm theo hình của một học giả râu xồm, mũi nhọn, bà đã nhận được từ Baltimore một loạt sách, bưu thiếp, một cái bàn học nhỏ và một cái bảng đen. Trẻ hiện đại thông minh phải được để tự do ở giữa các vật liệu để tự biến đổi thành một chú lùn có trình độ đại học trước mười tuổi. tôi không nhớ những kết quả của phương pháp này, nhưng tôi không nuối tiếc; có lẽ vì môn địa lý mà tôi ưa thích là một phần của những cuốn sách được gởi đến từ Baltimore.
Tôi muốn trở thành thủy thủ: tôi chỉ quá sẵn sàng cho cuộc sống bất ổn và thả lỏng mà không lâu sau tôi phải đi theo. Một trong những cuốn sách mà tôi ưa thích là cuốn Các Anh Hùng Hy Lạp cha tôi thường đọc cho tôi nghe từ một bản dịch theo phong cách thời Victoria. Như thế tôi đã làm quen với Têdê và quái vật đầu bò, với Mê-đu-dơ, với Péc-xê và Ăn-drô-mét, với Gia-sông đi tìm bộ lông cừu vàng. Nhờ họ mà tôi soạn thảo trong vô thức một hệ thống mơ hồ về tôn giáo và triết học mà sau này sẽ biểu lộ dưới hình thức một sự gắn bó kiên trì vào trí phán đoán và ý chí của tôi, cùng với một nhu cầu bền bĩ của tính tự lập và của một chân trời luôn luôn đổi mới.
Mẹ tôi muốn làm tôi trở thành một người độc lập, độc đáo, có tính cách và lý tưởng cá nhân. Nhất là không nên để cho tôi phù hợp với kiểu mẫu giới tư sản đương thời.
Một ngày Chúa nhật, tôi theo cha tôi đến họp với những người Quakers. Ông đã giải thích cho tôi biết rằng tín đồ đến ngồi trong thinh lặng, bất động, im lìm cho đến khi Chúa Thánh Thần xui họ nói.
Năm 1921, năm cuối cùng của đời sống mẹ tôi, ông trở thành người đánh đàn organ của nhà thờ Anh giáo ở Douglaston, ông không mấy nhiệt tình với mục sư; và như thế tôi bắt đầu đến nhà thờ ngày Chúa Nhật.
Nằm trên một ngọn đồi giữa những cây to và một nghĩa trang rộng, ngôi nhà thờ cổ của những người không theo Anh giáo hoàn toàn màu trắng, bằng gỗ với một tháp chuông thấp hình vuông; ngày Chúa Nhật, không khí trong lành. Các ông và các bà mặc đồ đen và áo khoác ngoài màu trắng, ra khỏi kho đồ thờ làm thành đám rước theo sau thập giá. Một trong những kính màu trình bày một cái neo và đối với tôi có nghĩa là biển cả, những chuyến du hành, những cuộc phiêu lưu xa xôi; sự giải thích kỳ lạ về biểu tượng tôn giáo của đức cậy trông, một nhân đức đối thần.
Chúng tôi ra khỏi nhà thờ với tình cảm được ủi an và mãn nguyện vì đã hoàn thành một bổn phận, không hơn thế. Tuy nhiên, khi lùi về những năm tháng ấy, tôi thấy mình tuyệt vời đã có chút ít tôn giáo trong tuổi thơ của tôi; vì nhu cầu tôn vinh Thiên Chúa cách công khai cũng là điều chủ yếu đối với con người như nhu cầu sinh sản, đọc sách hay ca hát; thật ra đó là một bản năng thâm sâu hơn những ước muốn thuần về thể lý.
Đồng thời cha tôi vốn là nhạc sĩ đánh đàn organ, ông giữ cây dương cầm của một rạp chiếu bóng nhỏ của thành phố lân cận:  chúng tôi rất cần tiền, vì mẹ tôi đã bị ung thư bao tử.

III  

Người ta không bao giờ cho tôi biết cách rõ ràng mẹ tôi đang bệnh, bệnh tật và cái chết được coi là những đề tài không lành mạnh: để tôi có thể lớn lên với một ý tưởng trong sáng, lạc quan quân bình về đời sống, mẹ tôi cũng cấm không bao giờ cho ai dẫn tôi vào bệnh viện thăm bà. Tôi không biết từ bao lâu khi đã mắc bệnh bà vẫn tiếp tục công việc nhà trong ưu phiền, suy nhược và đau đớn; tôi còn giữ một kỷ niệm về bà, một người mảnh khảnh, xanh xao, hẳn là vì căn bệnh.     
Với tính vị kỷ ít thấy, dù nơi một trẻ nhỏ, tôi thích thú rời bỏ Flushing để đến ở nhà ông bà ngoại ở Douglaston, ỏ đó tôi có thể hành động tùy thích, chơi đùa với hai con chó và nhiều con mèo, và các bữa ăn thì rất ngon. Tôi không hay nghĩ về mẹ tôi và không khóc khi không thể gặp bà; tôi chỉ việc chạy chơi trong khu rừng, những con chó chạy theo bén gót sau tôi, trèo lên cây, đuổi theo những con gà con hoặc chơi đùa trong cái xưởng nhỏ, sáng sủa trong đó bà ngoại vẽ trên đồ sứ.
Một ngày kia, cha tôi đưa tôi một bức thư của mẹ tôi khiến tôi rất ngạc nhiên, mẹ tôi đã tự tay bà viết bức thư ấy gởi cho tôi: đó là lần đầu tiên bà viết cho tôi và dù tôi vô cùng bối rối, tôi biết rằng bà sắp chết và tôi sẽ không bao giờ gặp lại bà.
Tôi mang bức thư ấy đến dưới cây thích trong sân, và đọc lại để hiểu rõ hơn: lúc đó tôi bị một nỗi buồn chán đè nặng. Đó không phải là một nỗi buồn phiền của trẻ thơ, với tuyệt vọng và thổn thức mà là một nỗi buồn sầu của người lớn, phức tạp và trì nặng nỗi lo âu, càng nặng nề hơn khi nó không phải ở tuổi tôi và chính tôi bị bắt buộc phải từ từ đoán ra sự thật. Cầu nguyện chăng? Không, tôi không nghĩ đến việc cầu nguyện. Điều này chắc hẳn có vẻ lạ lùng với những người công giáo: một đứa trẻ sáu tuổi biết rằng mẹ nó sắp chết không nghĩ đến việc cầu nguyện cho mẹ mình! Hai mươi năm sau, sau khi tôi trở lại đạo, tôi mới có ý tưởng cầu nguyện cho mẹ tôi.
Đến lúc cuối, ông bà tôi thuê một chiếc ô tô để đến bệnh viện, tôi đi theo ông bà nhưng người ta không cho tôi đến gặp mẹ có lẽ có lý do; làm sao tôi có thể đối diện với một nỗi đau khổ như thế, khi không có sự cầu nguyện, không có bí tích để xoa dịu nỗi đau và từ đó rút ra ý nghĩa của sự thủ thách ấy? Cái chết trong những trường hợp ấy chỉ là sự xấu xí và tuyệt vọng: tại sao làm khổ một đứa bé khi để cho nó thấy? Vì thế tôi ở lại bên ngoài bên cạnh tài xế, không biết chính xác điều gì đã xảy ra và một cách vô thức thỏa mãn bởi không biết gì, vì tôi không cố gắng để tìm hiểu. Xe ô tô đậu trong một cái sân bao quanh bởi những khu nhà bằng gạch đen màu bồ hóng, dọc theo một nhà kho hẹp mà máng xối để rơi từng giọt nước mưa trên nóc xe. Chúng tôi chờ đợi lâu trong im lặng, lắng nghe tiếng mưa rơi. Bầu trời thấp nặng sương mù và khói; mùi nhạt nhẽo của thuốc trong bệnh viện và của phòng mổ lẫn trong không khí tràn vào xe. Cha tôi, ông bà tôi và cậu tôi ra khỏi bệnh viện ủ rủ đau đớn. Về đến nhà tôi đi theo cha tôi, tôi thấy cha tôi dựa vào cửa sổ, thổn thức. Đã hẳn tôi nghĩ đến những ngày xưa cũ, khi ông đã gặp mẹ ở Paris, rất hạnh phúc, rất vui vẻ, yêu thích khiêu vũ, có nhiều dự án đầy tham vọng cho ông và cho các con. Cuộc đời của cha mẹ tôi đã hoàn toàn khác với những gì hai người đã dự kiến: và giờ đây tất cả đã kết thúc. Bà ngoại vừa trân trọng sắp xếp những cái vòng bằng gỗ gụ của mẹ hồi con gái vừa khóc nức nở.
Vài ngày sau, cũng chiếc ô tô ấy lại chở chúng tôi đến bệnh viện, để xem thiêu xác mẹ tôi, sự kết thúc hợp lý quan điểm triết học của mẹ tôi: một xác chết phải bị loại trừ càng sớm càng tốt và mãi mãi.
Mưa rơi từ bầu trời u ám và tôi cảm thấy rất buồn. Tôi sẽ cảm thấy gì khi đứng đàng sau một tấm kính to, tôi thấy quan tài mẹ tôi trượt từ từ vào những cánh cửa thép của lò thiêu?

IV

Sau cái chết của mẹ tôi, cha tôi không còn gắn bó với một nơi nào và có thể dời chỗ để đi tìm ý tưởng và đề tài, nên đã trao tôi cho ông bà ngoại, trước đó đã giữ em trai tôi Jean-Paul. Tôi đã tìm được một trường thực hành buồn tẻ và rách nát trong vài tuần lễ, cho đến khi cha tôi trở lại tìm những tấm ván vẽ và con trai ông khi ông khám phá một nơi mà ông muốn vẽ: đảo Bermude.
Ở đó, nhà trọ gia đình của chúng tôi ở Someset có một hiên nhà màu xanh lá và nhiều ghế dựa lắc lư trong đó những sĩ quan người Anh ngồi lắc lư vừa hút thuốc vừa nói những câu chuyện rất trần tục. Tôi mau chóng có ý tưởng đó là ngôi nhà mới của tôi. Thỉnh thoảng tôi đi học rồi lại không đi, tôi sống với cha tôi, hoặc với những người nước ngoài; những con người ấy đi qua cuộc đời của chúng tôi, biến mất như khi họ đến; chúng tôi thay đổi bạn bè; tất cả đều thay đổi và tôi chấp nhận tất cả. Làm sao tôi có thể đoán được không ai sống như thế cả? Với tôi, những thay đổi trong đời dường như cũng tự nhiên như sự thay đổi của thời tiết và mùa. Và nhất là tôi có thể chạy chơi theo trí tưởng tượng và hành động tùy thích.
Ở một mình trong nhà trọ gia đình ấy sau khi cha tôi đã khởi hành đi vẽ nơi khác, tôi tiếp tục đi học ở ngôi trường lân cận và thường bị phạt vì kém môn toán. Cha tôi muốn tôi đi học đều đặn; nhưng khi nghĩ đến những cuộc nói chuyện mà tôi không ngừng ghi lại, ông kéo tôi ra khỏi trường học để dẫn tôi đi theo ông và cất đi gánh nặng của môn toán khỏi vai tôi. Lo lắng duy nhất của tôi là đừng để cho cô giáo cũ nhìn thấy, khi cô đạp xe lên ngọn đồi trắng trước nhà, vì tôi sợ cô giao cho vị thanh tra buộc tôi phải quay lại trường.
Ngày qua ngày, mặt trời lấp lành trên biển xanh, trên các đảo, trên cát trắng và trên những ngôi nhà rải rác trên sườn đồi. Tôi nhớ mình đã rất thích một đám mây hình nữ thần Minerve đội mũ bay trong bầu trời.
Cha tôi để tôi ở lại đảo Bermude với các bạn, nhà văn và nghệ sĩ, để đến New York triển lãm các bức tranh. Sự phê bình rất tốt và ông bán được nhiều tranh, điều này cho phép ông khởi hành đến Pháp, và để tôi ở lại Mỹ.

V

Tôi rất thích văn phòng của ông ngoại tôi và thấy mùi máy đánh chữ, mùi hồ vả mùi dụng cụ văn phòng thật bổ ích. Một bầu khí vui vẻ, hoạt động và thân thiện vì ông tôi lúc nào cũng có nhiều công việc.
Năm 1923, Grosset và Dunlap đã đạt đến sự thịnh vượng cao và ông tôi đã có ý tưởng độc đáo về nghề nghiệp của ông: công bố những cuốn phim thành công bằng cách minh họa những phiên bản các cảnh trong phim. Ý tưởng đó là nền tảng cho sự ổn định tài chính của cả gia đình trong những năm sau đó.
Vào thời kỳ ấy, thỉnh thoảng các cuốn phim còn được quay tại Long Island. Một ngày kia, dưới hàng cây, chúng tôi tham gia vào cuộc hôn nhân của một phụ nữ di-gan Gloria Swanson và một nhân vật tôi quên tên. Hai cổ tay của họ bị rạch ra và nối lại với nhau để máu của họ hòa trộn vào nhau: đối với nhà sản xuất kiệt tác bất hủ ấy, đó là cuộc hôn nhân của người Di-gan.
Chúng tôi đã gặp W.C. Fields, người quay một hài kịch ngắn, thú vị hơn nhiều. Các máy quay được đặt trước một căn nhà cũ hoang tàn, W.C. Fields, say rượu hoặc đang chạy trốn ra khỏi nhà lảo đảo ngã nghiêng trên những bậc thang đến nỗi người ta tự hỏi ông ta sắp ngã gẫy xương. Ông ta đã quay lại cảnh này nhiều lần, với sự kiên nhẫn, kiên trì và và một triết lý đáng quan tâm; rồi các người quay phim đặt máy quay trên một chồng gỗ cũ làm sườn nhà để quay cảnh kế tiếp. Một ngọn đồi có cây cối và các bụi rậm, chắn ngay sau một cánh đồng ở đó người ta đặt hai con bò cái lầm lì. Fields xuất hiện, vấp phải những cây con, chạy trốn hốt hoảng và vụng về một sự vô hình nào đó. Vì ông ta quay lại, ông không nhận thấy mình chạy xuống thẳng đứng và nhào vào hai con bò cái đứng yên, hai con bò này thay vì cũng chạy như điên theo sau Fields như đã dự kiến trong phim, chúng cứ để mặc ông ngã xuống, vẫn tiếp tục nhai cỏ với vẻ buồn bã, Fields đứng lên và can đảm leo lại lên đồi để bắt đầu lại cảnh quay.
Ở nhà ông bà ngoại tôi, phim ảnh chiếm chỗ của tôn giáo; trong mùa hè năm 1923, hai ông bà dẫn Jean-Paul đến California và đi thăm Hollywood, nơi mà ông tôi biết nhiều người. Chuyến du lịch ấy thật sự là một cuộc hành hương và chúng tôi không ngừng nghe kể lại những gì mà Jackie Coogan đã hạ cố nói với họ. Những nhân vật đóng phim khác của ông bà tôi là Douglas Fairbanks và Mary Picdford, xem ra là một cặp lý tưởng đối với họ, bởi hai người ấy tập trung trong họ vẻ đẹp, tinh thần, sự duyên dáng, can đảm, tình yêu, mọi phẩm chất và mọi tình cảm cao quý nhất: lòng trung thực, công lý, tín nhiệm, và nhất là sự chung thủy trong hôn nhân. Khi Doug và Mary ly dị đó là một ngày buồn đối với gia đình chúng tôi.   

*&*

Những kỷ niệm rõ ràng về em tôi Jean-Paul làm tôi tràn ngập niềm hối tiếc xót xa: nó rất khiêm nhu và trìu mến, mặc dù sự kiêu hãnh và cứng lòng của tôi. Khi các bạn tôi và tôi dựng những cái lều trong rừng cây, chúng tôi nghiêm khắc cấm những đứa em của chúng tôi đến gần: nếu chúng đến gần hoặc chỉ nhìn ngắm những cái lều của chúng tôi, chúng tôi đuổi chúng đi bằng những hòn đá.
Giờ đây khi tôi nhìn lại thời khắc ấy của tuổi thơ tôi, thì đây là hình ảnh mà tôi còn giữ về em trai Jean-Paul của tôi: ở giữa một cánh đồng cách cụm cây trong đó cái lều của chúng tôi khoảng một trăm mét, cậu bé ấy đứng yên, bối rối và bất động, những cánh tay đu đưa, nhìn về phía chúng tôi, không dám đến gần vì sợ bị ném đá, nó phiền muộn và buồn bã, đôi mắt đầy sự phẫn nộ và khổ sở. Tuy nhiên nó không động đậy. Chúng tôi gào nó hãy đi đi, chuồn đi, hãy trở về nhà, và ném những hòn đá về hướng nó; nó không đi. Chúng tôi ra lệnh cho nó đi chơi chỗ khác: nó không nhúc nhích. Nó đứng đó, không khóc, không tức tưởi, nhưng khốn đốn, bị xúc phạm và rất buồn … Nó bị mê hoặc bởi việc chúng tôi làm và ước muốn to lớn của nó là ở cùng chúng tôi và được làm những gì chúng tôi làm khiến nó chôn chân ở đó… Bản năng của nó thúc đẩy nó ở với anh cả để bắt chước, và nó không hiểu tại sao nhu cầu cảm xúc ấy lại bị xua đuổi một cách bất công và thô bạo. Hoàn cảnh khủng khiếp ấy là nguyên mẫu của tội lỗi: sự khước từ dứt khoát và chủ tâm tình yêu không vụ lợi, chỉ vì chúng ta không muốn có tình yêu, vì được yêu là điều không hợp với chúng ta.

VI


Ông bà tôi, như đa số người Mỹ theo đạo Tin Lành nhưng không người nào, cả tôi nữa là cháu trai, có thể biết đúng họ thuộc về giáo phái nào. Họ gởi tiền đến nhà thờ Tin Lành mà không bao giờ đến dự lễ. Họ cũng đóng góp cho Đạo Binh Cứu Độ, nhưng không tham gia nhiều hơn. Cậu tôi, rồi em Jean-Paul, được gởi đến nhà thờ Saint-Jean, bên trên Harlem, nhưng không vì thế mà trở thành Tân giáo nhiều hơn. Xem ra họ tham gia vào một trường phái, một bầu khí nào đó chứ không phải là một tôn giáo. Những cuốn sách của Mary Baker Eddy thế chỗ tôn giáo cho bà ngoại.
Đối với gia đình tôi, mọi tôn giáo đều được ca ngợi dù ít hay nhiều về phương diện xã hội: nhà thờ là một phần của khung cảnh như trường học, Y.M.C.A. hay rạp chiếu bóng. Chỉ có những người công giáo và những người Do Thái bị ghét bỏ, còn nữa, những người Do Thái sinh ra là người Do Thái có thể được tha thứ; trong khi những người công giáo!... Công giáo là tôn giáo duy nhất mà ông tôi nói đến với nỗi đắng cay và ác cảm.
Có lẽ lý do của điều ấy là ông tôi thuộc về một tổ chức Tam Điểm có cái tên khá kỳ lạ là “những Hiệp sĩ của Đền thờ ”, họ mang gươm. Trong lúc hội họp, ông tôi chắc đã nghe thuyết giảng những sự đồi bại của giáo hội công giáo. Một vài nhà chính trị tham nhũng nhất là những người công giáo, nên đối với ông tôi, “công giáo” và “đảng viên Dân chủ” đã trở thành đồng nghĩa. Tuy nhiên ông ngừng phản kháng chống Rôma khi một bà công giáo tham gia cùng đoàn thể với bà ngoại, sau đó kết hôn với cậu tôi.
Ông tôi đã di tặng tôi sự khinh thị oán hận những người công giáo, dù không rõ ràng nhưng nó cũng tham gia vào bản năng căm ghét thâm sâu, hầu như là vô thức mà tôi dành cho cái chết và những bóng ma khác làm con người khiếp sợ.
Dù mới được chín tuổi, tôi đã ngày càng trở nên đố kỵ với mọi ý tưởng tôn giáo: tôi bị buộc phải đi học ngày Chúa nhật một hai lần, nhưng tôi buồn chán đến độ tôi thà trốn vào rừng để chơi đùa hơn là quay lại lớp.
Trong suốt thời gian đó, cha tôi du hành ra nước ngoài. Trước tiên trong miền Roussillon, tỉnh mà tôi đã sinh ra, rồi đến Banyuls, Collioure, ông vẽ những phong cảnh ở Địa Trung Hải và những ngọn núi màu hồng, miền Port-Vendre giáp giới Catalogne. Rồi ông khởi hành qua Algérie, đên nơi giáp ranh với sa mạc ở đó ông vẽ những bức tranh đẹp hơn: rồi, một ngày nọ, một người bạn của cha tôi viết thư báo chúng tôi biết ông bị bệnh hiểm nghèo. Tôi xúc động sâu xa và nỗi đau tôi vô hạn. Phải chăng tôi sẽ không còn gặp lại cha? Điều này không thể tha thứ được. Tôi có ý nghĩ phải cầu nguyện, bởi một hành động mù quáng và theo bản năng của các kẻ vô thần, điều này chứng tỏ rõ ràng rằng nhu cầu về Thiên Chúa cắm rễ rất sâu trong chúng ta.
Cha tôi mê sảng suốt mấy ngày, giữa sống và chết; nhưng ông vượt qua căn bệnh lạ lùng ấy, hồi phục, ông hoàn thành những bức tranh và qua Luân Đôn ở đó ông tổ chức trưng bày các tác phẩm, năm 1925, và gặt hái được thành công nên sau cùng ông trở lại New York được những nhà phê bình giỏi tán thưởng.
Sau hai năm ở yên một chỗ, một kinh nghiệm tôi chưa từng biết, tôi sống hạnh phúc ở Douglaston, rồi một ngày kia, cha tôi nói với tôi: “Chúng ta sẽ qua Pháp”, và ngày 25 tháng tám 1925, chúng tôi xuống tàu, vào ngày lễ thánh Lu-i của nước Pháp. 


(hết phần I)
    

Thomas Merton
(la nuit privée d’ étoiles:
Marie Tadié dịch từ tiếng Anh qua tiếng Pháp)
Vĩnh An.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks