ngày tháng năm

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Sự thường


Sự thường, những người có khả năng độc lập, tự biết cách xoay xở để lo liệu cho cuộc sống của mình, vẫn được người khác nể trọng. Thế nhưng không phải mọi vấn đề, chúng ta đều có thể tự mình giải quyết, bởi vậy mới cần bạn bè. Tuy vậy, không phải vấn đề nào bạn bè, người thân cũng đều có thể giúp ta, ngay cả khi họ muốn làm tất cả để giải quyết, nhưng vẫn gặp cảnh lực bất tòng tâm. Khi đó chúng ta cậy dựa vào ai?


Cuộc đời của con người như ông cha ta vẫn thường nói: “Nhân vô thập toàn”, trái lại ai cũng có thể tìm thấy nơi mình vô số những khuyết điểm, còn nếu ai đó không thấy mình có khuyết điểm nữa, thì kể như họ đã “hết thuốc chữa” rồi. Khát vọng được thập toàn, được giải thoát khỏi những bể lụy nhưng những dục vọng, những đam mê bất chính, những sai trái lầm lạc vẫn luôn là điều mà nhân loại thao thức. Giải quyết vấn nạn này, giáo lý nhà Phật đưa ra Thuyết luân hồi. Ở đó ngoài ý nghĩa rằng con người phải chịu hậu quả do chính những hành vi của mình gây nên thì còn một khía cạnh tích cực khác, đó là nhờ việc con người phải trải qua nhiều kiếp tu nghiệp, tích đức, sẽ tiến dần trên con đường hoàn thiện, đến một lúc nào đó sẽ được giải thoát khỏi hỷ nộ ái dục. Nói là tích cực nhưng xem ra thật xa vời và mong manh lắm, vì vấn đề đặt ra là liệu có nhiều kiếp để ta tu hay không? Hơn nữa giá như có nhiều kiếp thì liệu ta có đạt đạo được hay không, hay lại cứ ba bước tiến một bước lùi? Nỗ lực tự giải thoát mà theo ngôn ngữ nhà Phật là cứu độ tự thân xem ra không thể trở thành con đường phổ quát được.

Trở về Kinh Thánh, Tin Mừng Gioan thuật lại câu chuyện một người vừa mù, vừa què, lại còn bất toại. Số phận thật nghiệt ngã như thế gần như không cơ hội nào cho anh, dù vậy anh vẫn lết đến bên bờ hồ Bết-xai-đa để chờ khi nước động, trườn mình xuống tìm cơ hội chữa lành. Thật đáng tiếc cho anh, bởi ba mươi tám năm đã trôi qua, anh vẫn chỉ nằm đó chờ đợi, vì khi anh lết xuống được mặt nước thì đã có người xuống trước, bởi mỗi lần nước động, chỉ ai chạm đến mặt nước trước tiên, người đó mới được chữa lành. Cứ sự đó mà nói thì đâu chỉ anh này, mà chắc hẳn còn rất rất nhiều người khác cũng đang trong tình trạng kém may mắn như anh.

Khung cảnh đó khiến ta nghĩ đến thực trạng của toàn thể nhân loại. Không phải con đường cứu độ tự thân là không thể. Có thể Đức Phật đã làm được điều đó và một số ít ỏi khác đã làm được điều đó, còn đa số lại vẫn nằm trong tình cảnh nằm đó đợi chờ trong vô vọng.

Vậy ai có thể cứu chúng ta? “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !”  Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được”. Một lời của Đức Giêsu đã chấm dứt chuỗi đợi chờ quá lâu, chuỗi đợi chờ quá mong manh. Điều đó là một Tin Mừng cho cả nhân loại. Một Tin Mừng cho những ai dám đợi chờ, dám hy vọng vào sự giải thoát và là một con đường phổ quát cho toàn thể chúng sanh. Và điều kiện chỉ là can đảm thừa nhận sự bất lực của mình; là trả lời câu hỏi của Ngài: “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !”

Lạy Chúa, bất lực là chuyện rất bình thường trong cuộc sống thường ngày của con và của đồng loại như con. Và con vẫn loay hoay đi tìm con đường tự giải thoát và đồng loại của con cũng như vậy. Nhưng vấn đề là tại sao con đã được mặc khải đức tin, mà lại không dám dùng phương thế hữu hiệu đó để giải thoát mình và giúp anh em đồng loại cũng được giải thoát. Lạy Chúa, con đã thực sự tin Ngài?

Cecilia Yen

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks