ngày tháng năm

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

SỢ BIẾT SỰ THẬT


Là con người, ai cũng có những điều phải sợ, có người sợ ma, có người sợ độ cao, có người sợ nước...Có những người vì một chuyện quá khứ nào đó mà sợ, ví dụ có người hễ đụng vào ổ cắm điện là sợ, vì trước đó họ từng bị điện giật hoặc nhìn thấy người bị điện giật, có người sợ một thứ thức ăn nào đó, vì trước đó họ từng vì ăn nó mà bị ngộ độc. Nhưng cũng có người hoàn toàn không xác định được vì sao mình lại sợ điều gì đó, có người không bao giờ đi được xe gắn máy, họ luôn luôn sợ cái gì đó, trong khi rất nhiều việc còn nguy hiểm hơn đi xe gắn máy, họ lại làm được. Nhưng hôm nay ta đang đứng trước một nỗi sợ mà có lẽ, là điều dễ gặp nơi nhiều người - Sợ biết sự thật.


Các môn đệ sau khi nghe Đức Giêsu nói về tình hình của những ngày sắp tới, đúng hơn là những việc sẽ xảy ra cho Ngài, các ông chưa kịp định thần để có thể hiểu chút gì đó từ lời của Thầy:"Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Thì đây, Đức Giêsu lại dội thêm vào các ông một quả bom tấn: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Không hiểu, đó là tất cả những gì các ông có thể nói. Hẳn có người đã tự hỏi trong lòng, Thầy đang nói chuyện gì vậy? Điều lạ là Đức Giêsu chỉ nói có vậy mà không giải thích gì thêm, khiến các ông không khỏi ngờ vực, hoang mang. Nhưng lại có một điều khó hiểu hơn, là tại sao không ai trong các ông dám lên tiếng hỏi, lời ấy có ý nghĩa gì, chẳng phải các ông đã từng hỏi Ngài nhiều điều sao, mà gần nhất là thắc mắc về dụ ngôn người đi gieo giống. Sao lúc này các ông lại không dám hỏi?

Câu chuyện tin mừng đặt ta vào một trạng thái khác, trạng thái của sự sợ hãi mà ở trên ta vừa nói, sợ biết sự thật. Dù rằng trong các ông có những người rất ít chữ nghĩa nhưng không thể nói là các ông không hiểu nghĩa đen của những lời Đức Giêsu nói, nhưng vấn đề là các ông chỉ nhìn thấy một Đức Giêsu trong con người xác thịt, một con người mà các ông kỳ vọng, rằng đi với Ngài, các ông sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống, sẽ có một sự đổi đời, một bảo đảm vật chất sung túc, một khi Thầy đứng lên lãnh đạo Israel, để làm cách mạng và thắng lợi. Ngay cả Phêrô, người hôm qua đã tuyên xưng đúng danh tánh của Đức Giêsu, thì ở đó ông vẫn chỉ nhìn được những gì trong giới hạn thế tục. Vì khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, chính Phêrô đã can ngăn: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” Đây là chi tiết được cả hai tin mừng Mt và Mc ghi lại, riêng Mác-cô còn thêm một lời rất ngớ ngẩn của Phêrô: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gặp chuyện ấy”. Và quả đúng là các ông đã chỉ hiểu mọi việc một cách rất thế gian. Chính Đức Giêsu đã khẳng định với Phêrô và cũng là cho tất cả các môn đệ, rằng “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người” (Mt 16,23b; Mc 8,33b). Như vậy nỗi sợ mà Luca muốn nhắc đến không phải là thứ tâm lý thông thường hay của người bị yếu tim, mà là của những lý trí đang toan tính chuyện danh vọng, lợi lộc. Các ông không dám hỏi vì lo sợ điều đó là một sự thật, và như thế thì luống công mất rồi, vỡ mộng mất rồi.

Nhưng Luca cũng đã không quên nói thêm rằng điều đó đối với “các ông còn là bí ẩn”. Cũng có nghĩa, dù trong trường hợp này, các ông hoàn toàn hiểu và dám chấp nhận vào cuộc với Đức Giêsu thì các ông cũng không thể hiểu được những gì đằng sau những lời ấy. Vì lời ấy không chỉ bỉ ẩn với các ông mà thôi, mà còn bí ẩn cho toàn thể nhân loại, cho mọi thụ tạo, vì lẽ giờ Ngài chưa đến, tức là ngày mà Thiên Chúa, qua Con Một của mình, thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại cách triệt để vẫn chưa đến.

Như vậy, Đức Giêsu một mặt thẳng thắn nói cho các môn đệ về việc Ngài sắp làm, nhưng mặt khác cũng đặt các ông trước một bí ẩn nhiệm mầu, mà dù biết các môn đệ chưa hiểu Ngài vẫn nói, nói để khi những sự ấy xảy đến, anh em hãy bình tâm, vì nhớ lại lời Thầy đã nói với anh em.

Tuy nhiên quay trở lại với các môn đệ, về nỗi sợ hãi rất người ấy chúng ta thấy gì? Có phải trong đời thường, cũng có những lần chúng ta không dám biết một sự thật vì nó quá phũ phàng, đó là sự thật của một học sinh không dám cầm bài thi, vì biết rằng điểm số của mình có thể rất xấu, một sỹ tử không dám nhìn lên bảng báo kết quả, vì không đủ can đảm đón nhận một thực tế là có thể mình đã rớt. Nhưng cũng có những sự thật phũ phàng hơn thế, khi một người con không dám bước ra nghĩa trang, vì phải chấp nhận thực tế là thân sinh yêu kính đã qua đời chẳng hạn. Những nỗi sợ rất người mà ai cũng có. Nhưng cũng có những nỗi sợ rất hèn, sợ nếu sống theo sự thật, theo sự công tâm thì mất việc, mất nguồn thu cửa hậu, sợ làm đúng lương tâm thì nghèo, nói đúng lương tâm thì người ta khai trừ. Nói cách khác, là sợ sự thật làm ta thiệt hại, làm ta mất đi những nguồn lợi béo bở. Vì thế ta đành chấp nhận làm thằng khờ, làm ngơ cho mọi việc cứ thế đi qua, còn ta thì được chăn êm nệm ấm.

Nhưng có một nỗi sợ còn kinh khủng, tồi tệ hơn là sợ đối diện với con người thật của mình. Có những người luôn phải có việc gì đó để làm, vì họ sợ cảnh nhàn hạ, sợ cảnh cô đơn. Và là người Kitô hữu, sợ phải làm theo lời Chúa dạy, ví như dù biết Chúa muốn ta tha thứ, nhưng sợ không dám tha thứ, vì sợ như thế người ta cho là mình hèn, sợ sống một đời sống nghiêm túc, vì sợ người ta cho là mình không thức thời, sợ nói lời xin lỗi vì như thế dễ bị người ta đánh giá mình là người cũng “thường thôi” và nhất là sợ đến tòa cáo giải, vì như thế chẳng những phải nói thật tội mình mà hơn thế, còn không được phép phóng túng tự do, sợ không dám ngồi tại chỗ khi đang mang tội trọng mà vẫn lên rước lễ, để người khác biết mình có vấn đề. Tất cả những nỗi sợ hãi ấy có không ít thì nhiều nơi bạn, nơi tôi, nơi tất cả chúng ta.

Lạy Chúa, con là vậy đó, vì con là con người, một con người đã mất hết sự can đảm bởi tội nguyên tổ. Không phải là con không ý thức được giá trị của những điều tốt đẹp Chúa đã dạy, nhưng con lại không dám vứt bỏ những lôi kéo, ràng buộc mà con hiểu nó là tạm bợ, chóng qua, hay nói như lời của thánh Phaolô: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, điều tôi muốn tôi lại không làm”.

Nhưng lạy Chúa, Chúa hiểu rõ những yếu đuối của con, vì chính Chúa đã đồng hành với con qua những cung bậc nhân loại, cung bậc con người. Và chính Ngài cũng phải đi tới cùng mới học biết thế nào là vâng phục. Lạy Chúa Giêsu, Ngài không chê chấp nhưng luôn đồng cảm với con. Chính Ngài đã nói rằng sẽ ở với con.

Vậy lạy Chúa, xin đừng để con nản chí vì luôn thất bại trên hành trình tiến lên đỉnh trọn lành, đừng để con bỏ cuộc vì một thói xấu đã quyết tâm nhiều lần nhưng không chữa được. Trái lại, xin cho con từng giây phút, nhất là mỗi khi gặp thử thách, hãy cất tiếng kêu cầu, vì “Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Ngài, những kẻ kêu cầu với lòng thành thật” để khi đó, không còn là con, nhưng là Chúa đang đỡ lấy yếu đuối, lấy thánh giá của con.
Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài!

Cecilia Yen

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks