ngày tháng năm

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

“Không Phải Anh Ta, Cũng Chẳng Phải Cha Mẹ Anh Ta Đã Phạm Tội. Nhưng Chuyện Đó Xảy Ra Là Để Các Việc Của Thiên Chúa Được Tỏ Hiện Nơi Anh.” (Ga 9:3)





“Thiện Ác Đáo Đầu Chung Hữu Báo”

Khoảng 7 năm trước khi mất, ông thân sinh của tôi bất ngờ bị một cơn tai biến. Tuy chỉ là tai biến nhẹ, chưa đến mức bị tê liệt nằm một chỗ, nhưng kể từ lúc ấy, ông phải rất chật vật khó khăn trong các sinh hoạt cá nhân, như tự thay quần áo, vệ sinh tiêu tiểu, nhứt là đi lại một mình trong nhà, nói gì đi đến những nơi xa như đi nhà thờ, đi thăm bạn bè.
Một lần, khi tôi gọi điện về thăm, thì ông thân sinh tôi, một con người vẫn có tiếng là cứng rắn, vững tinh thần trước rất nhiền tình huống bi đát trong cõi đời dâu bể này, đã bật khóc cay đắng, với câu hỏi khó có ai  giải đáp được: “Sao Chúa lại để Ba như thế này?”

“Sao Chúa lại để Ba như thế này?”
Câu chất vấn rõ ràng ngụ ý Thiên Chúa có dính líu trong vấn đề bịnh tật đau khổ của ông. Nói tách bạch một lời, câu hỏi được hiểu như một lời than trách: “Ba đã làm gì nên tội mà Chúa lại trừng phạt như thế này?”
Nhưng thật sự có đúng bịnh tật và đau khổ của con người là hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi con người đã phạm không?
Nếu nói là “không”, vì Chúa tốt lành theo nghĩa một người xề xòa, dễ tính, thậm chí “ba phải”, nhắm mắt làm ngơ mọi điều sai quấy, thì sao có thể tin Chúa là Đấng công bình, thưởng công phạt tội?
Nếu thưa là “phải”, thì sẽ gặp khó khăn, mà là khó khăn gấp đôi. Một, chúng ta được dạy: Chúa là Tình Thương, giàu lượng từ bi, tha thứ. Thế sao còn nói là “Chúa phạt?" Hai, làm sao có thể giải thích trường hợp nhiều kẻ gian ác, thủ phạm của bao tội lội tày đình vẫn bình an vô sự, lại có vẻ như càng ngày càng thịnh đạt hơn, trong khi đó nạn nhân của đau khổ, bịnh tật, bất công lại là những dân lành vô tội, thậm chí còn là những trẻ ngây thơ, trong trắng. Khi 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, đại đa số nạn nhân là thường dân, đâu dính líu gì đến tội ác của quân đội Thiên Hoàng.
Vấn đề có vẻ như không đơn giản khi thêm một câu hỏi nữa phát sinh: “Có hay không vấn đề người vô tội mà cũng chịu đau khổ, nghĩa là bị trừng phạt vì những tội mình chưa bao giờ vi phạm?”. 
Trước tiên chúng ta cần phân biệt quan niệm về tội lỗi của xã hội dân sự ngoài đời, và giáo huấn của Hội Thánh về tội lỗi.  



Tôi Không Có Tội

Một bà giáo dân khi được hỏi sao thấy bà thường đi lễ và không bao giờ mà không lên chịu lễ, nhưng lại chẳng mấy khi đi xưng tội, đã trả lời thật hồn nhiên và xác tín: “Tôi chẳng có tội gì sất.”
“Tôi không có tội” là lời phát biểu hùng hồn vẫn nghe được, không phải chỉ từ một mình bà giáo dân nói trên, song còn từ nhiều người khác nữa.
Lãnh tụ Khờ-me Đỏ, kẻ có trách nhiệm đối với cái chết của hàng triệu người dân Campuchia, khi bị tòa án quốc tế xử tội ác diệt chủng chống lại nhân loại chất vấn, đã trả lời như thế.[1] 
Lãnh tụ người Serbia trong cuộc nội chiến Bosnia, kẻ đã từng thảm sát hàng ngàn người dân theo Hồi Giáo, khi bị đưa ra trước vành móng ngựa xử tội phạm chiến tranh và diệt chủng, cũng hết sức dũng cảm phát biểu y như vậy. Chưa hết, ông còn tự hào khoe: hành động của ông là chính đáng và thánh thiêng.[2]
Một tay móc túi bị bắt tại trận với tang vật còn trong tay vẫn một mực chối tội.
Chẳng những không nhận tội, người ta còn ưa đổ vấy, thích ném tội của mình sang cho người khác.
Một đứa bé làm bể bình hoa mẹ mới mua về cũng nhanh nhẩu đỗ tội cho con mèo. Tội nghiệp con mèo không biết đổ tội cho ai khác.
Tại sao ai cũng chạy tội và chối trách nhiệm như vậy?
Lý do thật dễ hiểu: vì họ sợ hình phạt.

Tội Ác và Hình Phạt

“Công thưởng, tội trừng”: tội ác đòi phải có hình phạt.[3]  
Nhận tội cách nầy hay cách khác tất nhiên sẽ dẫn anh vào nhà tù mà bóc lịch. Và xin nhớ: “nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Một tâm lý từ lâu đời khiến ai nấy, kể cả những kẻ sừng sỏ nhứt, những con người từng có thời khạc ra lửa, từng nắm quyền sinh sát trong tay—như đã thấy trong thí dụ bên trên—đều run sợ khi phải đối diện với công lý: “vô phúc đáo tụng đình”.
Đàng khác, Bao Công của Thanh Thiên Phủ hình như nằm bên ngoài quy luật thuyết luân hồi. Do đó, công lý trong bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa ngày nay chỉ dành riêng cho kẻ có tiền và có quyền. Không tin ư? Bạn cứ thử một phen cho biết. Đâm đơn tố giác ông giám đốc công ty thường xuyên giở trò sàm sở, thậm chí còn gợi ý trao đổi tình dục lấy cơ hội được thăng tiến công tác, cô thư ký bỗng chốc từ nạn nhân biến thành thủ phạm, có ý đồ bêu xấu lãnh đạo và âm mưu tống tiền. Mà giả như có may phước thắng được kiện, thì có biết điều gì sẽ xảy ra không? Chẳng thế sao cổ nhân đã dạy: “được vạ mà má không còn”?
Không thể chối cãi là não trạng chối tội và chạy tội  bằn mọi giá đã trở thành quy luật sinh tồn. Não trạng nầy, như được minh chứng trong cụ thể, cũng được nhập khẩu khá rầm rộ vào Hội Thánh. 
Một mặt, người ta lo tìm mọi cách đối phó với tội. Những tay chuyên cho vay nặng lãi thoảng hoặc dâng cúng vào nhà thờ chút ít gọi là để xoa dịu lương tâm. Kẻ gây ra bao cái chết oan uổng, tức tưỡi—như cái chết của các thai nhi vô tội chẳng hạn—thì nộp tiền xin lễ hầu các vong hồn khỏi oán hận, quậy phá. Tóm lại, cũng là cái lối chạy tội vẫn thông dụng trong hệ thống pháp lý nhân loại.
Mặt khác, trái nghịch với thái độ còn biết sợ tội nói trên, người ta phớt lờ luôn cái truyện trách nhiệm luân lý. Tại sao?
Một là người ta chỉ sợ trách nhiệm hình sự hay dân sự. Anh làm ăn gian lận, trốn thuế, nếu bị bắt, ra tòa, bị phạt tiền, bị rút giấy phép kinh doanh, bị tịch biên tài sản. Hết. Chị câu kết với băng đảng, cướp tiệm vàng, giết luôn chủ tiệm để phi tang. Bị bắt, ra tòa, lãnh án chung thân vì chỉ là tòng phạm. Cố gắng ngồi tù ít lâu rồi sẽ có đường dây chạy cho mau được ra. Nếu có tiền còn dư khả năng xin được “tại ngoại hầu tra”. Những chuyện như vậy ở đời rõ ràng là hết sức phổ biến. Một lần nữa, xin cho phép nhắc lại: sân chơi nầy không có chỗ cho người nghèo và dân thường. Tắt một lời: hai kẻ tội phạm, một khôn khéo luồn lách thì thoát, còn một xui xẻo đành xộ khám. Chấm.

Mất Cảm Thức về Tội

Hai là, vô cùng nguy hiểm hơn về phương diện đức tin và luân lý Ki-tô giáo: tình trạng bị bào mòn, thậm chí là cái chết mất xác, của cảm thức về tội lỗi.[4] 
Thánh Kinh và Thánh Truyền của Ki-tô giáo khẳng định: chính tội lỗi đã khiến cho con người bị xuống cấp, bị hủy hoại đến vô phương cứu chữa.
Tội lỗi có mặt trong lịch sử nhân loại, do đo, bất kỳ mưu toan nào nhắm làm ngơ tội lỗi, hoặc gọi tội lỗi bằng những cái tên khác, thì phải nói là một hành vi vô vọng.”[5]
Chính vì thế ưu tiên một của Chúa Ki-tô khi đến trần gian là phải giải thoát con người khỏi tội.
Trước hết, tôi truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (Thư 1 Cô-rin-tô 15:3-4).
Các tín hữu được nhắn nhủ điều đó trong Kinh Tin Kính: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.”
Cuộc tử nạn đẫm máu của Chúa Ki-tô là một thông điệp với những lời lẽ mạnh mẽ nhứt về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi, đồng thời, tiết lộ về tình yêu vĩ đại và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Tội Là Hành Vi Xúc Phạm đến Chính Thiên Chúa

Trước hết, nếu nguyên tắc “tội nào, hình phạt nấy" là chuẩn xác, thì tất cả những chi tiết kinh hoàng, ghê rợn, vượt khả năng suy tư của con người, về cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô, được coi như hình phạt vì tội lỗi Chúa gánh chịu thay nhân loại, là chứng cứ hiển nhiên về bản chất cùng cực xấu ác của tội lỗi.
Thứ đến, theo giáo lý Hội Thánh, tội lỗi con người không chỉ thuần túy là hành động vi phạm một khoản luật, dầu đó là luật của Thiên Chúa, hay của Hội Thánh, nhưng tự bản chất đó là hành vi xúc phạm đến chính Thiên Chúa.[6]  
Theo tinh thần nầy, khi tôi từ chối vâng theo giới luật của Chúa, như Mười Điều Răn, hoặc giới luật Hội Thánh là thẩm quyền được Chúa chỉ định đại diện Chúa ở trần gian, thì không phải là tôi chỉ vi phạm một khoản luật viết trên giấy trắng mực đen, nhưng là tôi dám đối đầu Chúa, minh nhiên hay mặc nhiên tuyên bố là tôi không cần Chúa có mặt trong cuộc đời của tôi, tôi tự phong mình là chuẩn mực của đạo đức, tôi là uy tín tối cao quyết định cái gì là thiện và cái gì là ác. Tắt một lời: tôi là Thiên Chúa.
Tương tư như trên, khi tôi xúc phạm, hãm hại người đồng loại, thì chẳng những tôi chỉ phạm tội đối với một con người, như cái nhìn của luật dân sự hoặc hình sự, mà thực ra tôi xúc phạm và xâm hại thánh đức và tình thương Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa, là Đấng đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Chúa, và luôn hiện diện trong người đồng loại của tôi.
Rồi khi tôi lạm dụng, phung phí, tàn phá thiên nhiên là công trình sáng tạo của Chúa do lòng thương yêu tôi và tín nhiệm trao cho tôi chăm lo phát triển là tôi đã phụ lòng ưu ái của Chúa. 
Nhìn tổng thể, tội lỗi là hành vi xấu ác, làm đổ vỡ, cắt đứt tình nghĩa thắm thiết giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, và giữa con người với toàn thể thụ tạo.

Tình Thương Thiên Chúa Lớn Hơn Tội Lỗi Loài Người

Khi trả lời câu hỏi của các ông môn đệ về lý do tại sao một người bị mù ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, phải chăng vì người ấy đã phạm tội, hay vì cha mẹ của người ấy đã ăn ở bất nhơn thất đức, Chúa Giê-su đáp:
Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó  xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Gio-an 9:3).
Câu trả lời của Chúa không hề ngụ ý phủ nhận mối tương quan giữa tội lỗi và bịnh tật, khổ đau của con người. Trái lại, như đã minh chứng bên trên, sứ vụ cứu nhân độ thế của Chúa gồm có việc giải thoát con người khỏi gông ách tội lỗi, căn cớ của mọi thảm họa, trong đó, cái chết là thảm họa đáng sợ cuối cùng. Bởi đó, trước khi chữa người bại liệt lành bịnh, Chúa tuyên bố tha thứ tội lỗi của ông (xc Mác-cô 2:5). Theo Tin Mừng Thánh Gio-an, sau khi chữa ông lành bịnh, Chúa còn căn dặn ông phải đoạn tuyệt với tội lỗi kẻo lại khốn khổ hơn trước (5:14).
Vấn đề chính yếu bây giờ là tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “các việc của Thiên Chúa”.  Vậy thì  “các việc của Thiên Chúa” là gì?
Trước hết, không ai biết “các việc của Thiên Chúa” ngoài Chúa Ki-tô là Người Con được Thiên Chúa yêu thương cho nhìn thấy (xc Gio-an 5:20). Chúa Con đến trần gian là để thi hành “các việc của Thiên Chúa” như đã được Chúa Cha cho chứng kiến (xc 5:19). Chẳng những vậy, Chúa Cha sẽ tiết lộ cho Chúa Con “các việc của Thiên Chúa” còn lớn lao hơn nữa (xc 5:20). Đến lượt Chúa Ki-tô, trong vai trò nhân chứng đầy đủ uy tín và thẩm quyền của Thiên Chúa (xc Gio-an 5:36), muốn chỉ cho mọi người nhìn thấy “những việc còn lớn lao hơn nữa”. Khi gặp ông Na-tha-na-en, một trong số những môn đồ đầu tiên, Chúa Ki-tô hứa với ông:
Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Gio-an 1:50).
Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa rõ “các việc của Thiên Chúa” là gì?  Phải hết lòng cảm ơn người đã đánh bạo thay chúng ta nêu lên câu hỏi về chính điều chúng ta đang muốn biết:
Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”(Gio-an 6:28).
 Và đây là đáp án:
Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (6:29).
Qua cuộc đời, qua giáo huấn, và nhứt là qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô, “các việc của Thiên Chúa” được tỏ bày cho nhân loại:
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16).   
Vậy thì đến bao giờ loài người sẽ được nhìn thấy “các việc của Thiên Chúa”, nhứt là được chứng kiến, như Chúa hứa, “những việc còn lớn lao hơn nữa”?
Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (8:28).
Ở đây lời Chúa nói ám chỉ về cuộc tử nạn của Người trên Thánh Giá. Nhìn Chúa Ki-tô chịu treo trên Thánh Giá, con người lẽ nào không nhận ra “các việc của Thiên Chúa”, nghĩa là Tình Thương Thiên Chúa Lớn Hơn Tội Lỗi Loài Người?

Linh Muc P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

[1] Ông Khang Khek Ieu, bí danh “Đồng chi Duch”, kẻ tra tấn và dùng cuốc chim hạ sát 16 ngàn người, kể cả các trẻ em, đã nhờ luật sư xin được tha bổng (xc Wikipedia).   
[2] Ông Radovan Karadzic, nguyên thủ lãnh phe người Serbia ở Bosnia, bị cáo buộc đã giết 7 ngàn đàn ông và bé trai người Serbia theo Hồi Giáo (theo BBC News Online).
[3] Xc Crime and Punishment, của nhà văn người Nga Fyodor Dostoyevsky.
[4] Xc Tông huấn Thống Hối và Hòa Giải, số 18.  Lời Đức Thánh Cha Pi-ô XI: tội nặng nề nhứt của thế kỷ nay là tội đánh mất cảm thức về tội lỗi.  
[5] Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng, số 13.
[6] “Không thể mong có được một cảm thức về tội lỗi (như hành vi xấu ác) chống lại con người và các giá trị nhân bản, nếu như không có cảm thức về một hành vi xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa thực sự của tội lỗi” (Thống Hối và Hòa Giải, số 18). 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks