ngày tháng năm

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

CHÚA ƠI ! SAO LẠI CÓ ĐAU KHỔ ?

Nhiều lần tôi cũng như các bạn đã âm thầm than trách: tại sao, tại sao tôi phải khổ như thế nầy, và thật là vô lý, vô lý sao lại có những khổ đau như vậy? Không, không! Không có gì là phi lý, chỉ tại mình chưa tìm ra được lý do mà thôi…

Thiên Chúa hiện hữu không còn là một bí nhiệm nữa, bỡi lẽ nó quá rõ ràng để nhìn thấy khi chúng ta nhìn kỳ công của vũ trụ. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và thánh thiện cũng không còn là một bí nhiệm nữa vì điều đó có thể hiểu được nếu chúng ta nhìn những hoa cỏ đồng nội với muôn mầu muôn sắc rực rỡ. Linh hồn con người trường cửu cũng không còn là một bí nhiệm nữa, bỡi lẽ chúng ta có thể thấu hiểu được nếu đem so sánh giữa người với vật. Vậy đâu là bí nhiệm?

Đó là Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa đã bị đóng đinh chết khô trên cây thập tự. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa đã cho phép con người ngược đãi, khinh chê, nhạo báng, tra tấn, hành hung một cách tất tưởi cho đến chết và chết một cách nhục hình trên thập giá. Và chúng ta đã không quen với một Thiên Chúa như vậy.

Trong thời còn ấu trĩ của đức tin, thời ấu trĩ của dân Chúa, con người thường đi tìm một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa oai phong lẫm liệt ngự đến giữa tiếng sấm sét rền vang như Ngài đã từng hiện ra với Maisen trên núi Sinai. Và chúng ta đã ước vọng một Thiên Chúa như vậy.

Có lẽ phần đông chúng ta chưa quen với một Thiên Chúa là Thiên Chúa đã bị con người lên án, bị đội mão gai, bị đánh đòn, bị vác thập giá lên đỉnh đồi Golgotha và bị đóng đinh chết treo trần truồng trên cây thập tự. Chúng ta cũng chưa quen với một Thiên Chúa là Thiên Chúa đã khiến Con Một Ngài toát mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani, một Thiên Chúa đã để Con Một Mình phải đau khổ và đau khổ đến cùng tột đến nỗi Ngài đã phải kêu lên: ”Lạy Cha, nhơn sao Cha bỏ Con?” Vì thế, khi chúng ta gặp những thử thách lớn lao, chúng ta hay phàn nàn kêu trách: ”Tại sao, lạy Chúa! sao lại có những nỗi khổ đau nầy?"  Nhiều người còn chua chát hơn nữa, đã hằn học kêu trách Thiên Chúa: ”Làm thế nào để tôi có thể tin được sự thiện hảo và lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu Ngài đã để cho tôi phải khóc lóc đớn đau như vậy?”

Thật vậy, trong đau khổ con người thường mất đi sự sáng suốt của lý trí và ngay cả mất đi lòng tin của mình vào một Thiên Chúa từ nhân. Đó là lý do tại sao có những tiếng kêu vang vọng từ đáy lòng tê tái của con người như trong thánh vịnh 137. Đó không phải là tiếng kêu vọng để xin Thiên Chúa một sự trả thù đối với những địch thủ, mà là những tiếng kêu van của những con người đang đi tìm một giải đáp.

Hãy ngước nhìn lên Thập Giá, nhìn thật lâu và thật kỹ, bấy giờ chúng ta sẽ nghe tự đáy lòng mình vọng lên những lời đáp trả. Và đây là một trong những ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Đau Khổ: Để cảm thông được với những khổ đau mà chúng ta đã gây ra cho người khác, chúng ta cũng cần phải trải qua, phải nếm thử những khổ đau đó. Đó là cách thế mà Thiên Chúa đã muốn chúng ta phải mang lấy những đau khổ.

Tôi cảm thấy thật đau lòng khi phải nhắc lại những trang sử đau buồn của quê hương Việt nam chúng ta. Nhưng đó là một sự thật, dẫu cho sự thật đó có đáng buồn. Và đó cũng là lý do tại sao đã có nhiều khổ đau và khóc lóc trên trần gian nầy. Có những đau khổ không do Thiên Chúa gởi đến nhưng do con người chúng ta đã chọn nó và muốn tạo ra nó. Đó là những nước giàu vì tham lam, ích kỷ muốn đi xâm chiếm những nước nghèo nên đã tìm cách gây mầm mống chia rẽ, bạo lực, hận thù, chiến tranh. Điều nầy chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm, bỡi lẽ chúng ta là một trong những nước nạn nhân của chiến tranh đã bị gây ra bỡi những nước giàu muốn đi xâm lăng. Không có gia đình nào trong chúng ta không có người tử trận hay bị thương vong. Biết bao người anh em của chúng ta đã bị chôn vùi dưới làn súng đạn trong thời chiến tranh. Biết bao nước mắt của bà mẹ già, của người vợ trẻ, của những đứa con thơ đã đổ ra khi nhìn thấy những người thân yêu của mình vĩnh viễn ra đi lúc tuổi còn xuân thì. Và còn biết bao là đau khổ khác mà chúng ta không thể nói hết ở đây, đã được gây ra bỡi sự ác độc của chiến tranh và con người gây nên.

Ngoài những thảm họa gây ra bởi chiến tranh, trong đời sống hằng ngày của chúng ta cũng còn có rất nhiều người đã thờ ơ, đã khước từ, đã bội phản nhau, khiến những người khác phải đau khổ và là nguyên nhân của những cái chết đáng thương cũng như của biết bao cuộc đời sa đọa của tuổi trẻ.

Vào mùa hè năm 1991, ở vùng đất ấm California đã xảy ra một vụ tự tử thật đáng thương tâm. Nạn nhân là một gia đình Việt nam. Một đôi vợ chồng trẻ có 3 đứa con nhỏ. Họ có nhà riêng nằm trên đỉnh đồi trông rất khang trang và đẹp đẽ. Sống trong một xã hội mới với tất cả những phức tạp của nó và nhất là sự chạy đua với đời sống vật chất, đã khiến họ sớm gặp khủng hoảng trong đời sống hôn nhân trên vùng đất mới. Chỉ trong một thời gian không lâu sau đó, người vợ đã nộp đơn xin ly dị. Người chồng buồn quá mất ăn, mất ngủ, chán chường và tuyệt vọng. Dĩ nhiên ở cuối con đường tuyệt vọng là đi tìm cái chết để giải quyết cuộc đời oan trái. Nhưng anh ta không thể nhắm mắt yên thân nếu để lại 3 đứa con còn thơ sống mồ côi không cha. Vì thế, anh ta đã nghĩ một phương kế để giải quyết vấn đề. Một ngày cuối tuần kia, anh ta đến thăm các con của anh. Chúng đang sống chung với má và bà ngoại. Con cái lâu ngày thiếu vắng tình cha nên gặp được bố thì vui mừng. Chiều hôm đó, anh ta xin phép vợ và bà ngoại cho phép anh ta đem các cháu về nhà để cha con hu hí với nhau một đêm cuối tuần cho đỡ buồn. Mọi người đều ưng thuận và đêm hôm ấy bốn cha con về chung sống với nhau. Đến nửa đêm, lúc các cháu đang say giấc ngủ, người cha đã đi khóa hết tất cả các cữa, rồi dùng canh xăng đã chuẩn bị sẵn, rưới khắp cả căn nhà và tự tay châm lửa đốt cháy căn nhà của anh. Ngọn lửa bốc cháy nhanh chóng và thiêu rụi tất cả căn nhà trong chốc lác. Khi sở cứu hỏa đến thì chỉ còn một đám tro tàn với những xác chết cháy đen. Mọi người ngậm ngùi xúc động cho những đứa trẻ đã bị chết oan bởi những cuộc tình duyên không được may mắn.

Thật vậy, nếu đã một lần bị bội phản bởi người yêu, chúng ta sẽ bắt đầu quí trọng sự trung thành khắng khít với nhau. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cảm thấy yêu thương và kính phục những đôi bạn tình chung thủy của những lớp người đi trước như ông bà, cha mẹ, anh chị của chúng ta. Chắc chắn, họ cũng không thể nào tránh khỏi những xung đột, những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, nhưng chính ý chí chịu đựng, sự quyết tâm hy sinh cho nhau và nhất là cho con cái đã giúp họ thắng vượt mọi giông ba bão tố để mang lại sự hạnh phúc cho chính họ cũng như cho con cái của họ.

Nếu đã một lần chúng ta từng nếm mùi đau khổ, bị người người hất hủi, bị chèn ép, bị vu oan cáo vạ, bị ngược đãi khinh khi, chúng ta có được cảm nghiệm về những khổ đau đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình dễ nhạy cảm hơn trước những nỗi bất hạnh của những người bạn chúng ta.

Nếu đã một lần vượt biển trôi bồng bềnh trên sóng nước, gặp giông ba bão tố, gặp những tên cướp biển, không còn thức ăn, không còn nước uống, con người đối diện với cái chết, bấy giờ người ta mới hiểu được thân phận mỏng manh của kiếp người và cần đến tình yêu của Thượng Đế. Và nếu đã một lần người ta đã từng trải qua những đoạn đường chông gai đó, người ta mới hiểu được nỗi đau lòng của những con người tỵ nạn bị cưỡng ép hồi hương. Không một thuyền nhân nào không đau lòng và có thể cầm được những giòng nước mắt khi nhìn thấy những người bạn mình đã một lần phải liều mất mạng sống để ra đi tìm một khung trời mới, thì giờ đây lại bị những người nhân danh bảo vệ nhân quyền cưỡng bách phải hồi hương. Phải chăng họ dám làm những điều quái ác đó bỡi lẽ họ chưa từng được nếm thử những mùi chua cay của kiếp người tỵ nạn.

Khi tôi còn học về Cố Vấn Hôn Nhân và Gia Đình ở Minnesota, một ngày kia tôi được mời đến dự một bữa tiệc gia đình. Gia đình thân chủ hôm đó tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho người bố. Những người được mời đến hầu hết là những người quen trong giáo xứ. Trong bữa tiệc, có nhiều người bàn đến một tin tức nóng bỏng lúc bấy giờ là việc cưỡng bách người tỵ nạn hồi hương. Hầu hết mọi người đều phản đối việc làm đó vì họ đã từng có những kinh nghiệm kinh hoàng về những ngày trôi nổi bồng bềnh trên biển cả. Trong đó, có một vài người lại đứng ra bênh vực chương trình cưỡng bách hồi hương. Dĩ nhiên, họ có lý của họ. Chúng ta không phủ nhận điều đó. Nhưng lý của họ là lý của những người đứng ngoài cuộc, chưa từng được nếm mùi những thương đau đó. Bấy giờ tôi quay lại hỏi một trong những người ấy:

- Có phải chị ra đi năm 1975 hay trước đó không ?

- Đúng thế ! Chị ta đáp. Con đi du học trước năm 1975.

- Có phải cả gia đình chị đang ở Seattle đã được đi theo chương trình đoàn tụ không ?

- Đúng vậy ! Và chị hỏi lại: Tại sao tôi biết ?

Tôi đã trả lời:

- Tôi chỉ nghe cách chị nói cũng như cách chị lý luận, tôi có thể đoán được rằng chị cũng như gia đình chị chưa từng được nếm mùi những kinh nghiệm đau thương của những con người vượt biển, chưa từng trải qua những hãi hùng, khủng khiếp của những tháng ngày bồng bềnh trên biển cả, và cuối cùng là chưa từng được sống những năm tháng dài đằng đẵng trong mòn mỏi đợi chờ với đầy những tủi nhục và cay đắng trong các trại tỵ nạn.

Khi nghe đến đó, chị đã lặng im và trên nét mặt đã để lộ một phần nào cảm thông được với những nỗi khổ đau của những người tỵ nạn bất hạnh.

Vâng, đau khổ nơi chính thân xác riêng mình là cách thế học yêu người khác một cách thích hợp nhất. Chính những giọt lệ đổ ra từ khóe mắt chúng ta, sẽ dạy chúng ta biết trưởng thành hơn trong mọi ngôn ngữ cũng như trong mọi hành động chúng ta làm cho người khác.

Thật vậy, con người chúng ta sẽ ra thế nào nếu không có đau khổ ? Hãy nhìn xem đứa con hoang đàng trong phúc âm. Chính sự sung sướng đã khiến nó bỏ nhà ra đi, và lý do đã khiến nó hồi tâm trở về không gì khác hơn là đói khổ. Đó là một sự thật. Đau khổ là cách thế mà Thiên Chúa đã dùng để đưa người con hoang trở về. Đối với Ngài, điều quan trọng là làm sao cứu đứa con mình ra khỏi tình trạng bi đát mà nó đang lâm vào, nên Ngài có thể dùng mọi phương tiện mọi cách thế. Đôi khi, Ngài cũng đã dùng những phương cách cứng rắn khiến chúng ta phải đau khổ nhiều.

Tình yêu Thiên Chúa thật đáng sợ khi Ngài yêu chúng ta và muốn cứu chúng ta. Tình yêu đó có thể chà nát chúng ta thành từng mảnh, có thể làm tan xương nát thịt chúng ta hơn là để mất chúng ta. Chính trong lúc bị nghiền nát đó, chúng ta mới hiểu được những khổ đau của những người anh em chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được rằng chính sự tự cao, tự đại của chúng ta đã làm những người anh em khác phải đau khổ nhiều. Chính lòng tham lam của chúng ta đã khiến kẻ khác phải chết đói. Chính sự chiều theo dục vọng của chúng ta đã làm hại biết bao nhiêu cuộc đời và hạnh phúc của tha nhân.

Thế giới nầy sẽ hạnh phúc biết bao nếu người giàu và kẻ nghèo biết kính trọng và giúp đỡ nhau. Con người sẽ không còn nhiều bất hạnh nữa nếu họ biết học lấy những bài học quí giá từ những kinh nghiệm đau khổ mà họ đã từng trải qua trong cuộc sống.

Tác giả: Lm Lê Văn Quảng Psy.D.
conggiaovietnam

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks