ngày tháng năm

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

“Lạy Cha, Xin Tha Cho Họ, Vì Họ Không Biết Việc Họ Làm.” (Lc 23:34)


Lời Biện Hộ Của Chúa Ki-tô

Theo lẽ thường khi phải ra trước công đường, để xin được tha bổng, hay chí ít được xét xử khoan hồng, phạm nhân phải phủ nhận tội lỗi, hoặc phải thành khẩn thú tội.
Theo chiều hướng ấy, vị luật sư biện hộ sẽ cố trưng đủ mọi lý lẽ binh vực cho thân chủ được trắng án hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Vậy tại sao Chúa Ki-tô lại tự nguyện bãi nại, rút hồ sơ không kiện ra tòa án tối cao của Thiên Chúa các thủ phạm đã dính líu vào tội vu cáo và hãm hại Người một cách vô cớ, bất công và tàn ác, mà còn binh vực cho họ với một lý lẽ duy nhứt là “vì họ “bất tri”, không biết, hay nói cách nôm na là vì “ngu dốt”?
Liệu lời biện hộ như vậy có hiệu quả như thế nào?
Chân Lý Cao Cả
Không ai chối cãi chân lý là một giá trị vô cùng cao quý, được con người kính trọng, khao khát tìm kiếm và bằng mọi cách bảo vệ. Do đó, “nói sự thật” và “làm chứng cho sự thật” là hành vi cao cả của anh hùng, của vĩ nhân: Chúa Ki-tô xác quyết đây là sứ vụ chính yếu của Người (xc Ga 18:37).

Nhưng chân lý là gì? Liệu có ai thấu triệt được toàn bộ chân lý không?
Khi nêu câu hỏi thứ nhứt, Tổng Trấn Rô-ma, rất tiếc là ông đã không chờ câu trả lời của Chúa Ki-tô. May thay, Chúa vẫn thương những người thành tâm tìm kiếm và sống cho sự thật, vì vậy Người dạy: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).   Và Chúa cho biết phải tìm chân lý ở đâu: “Tôi là Con Đường, là Chân Lý, và là Sự Sống” (Ga 14:6).
Khả Năng Giới Hạn Của Con Người Trước Chân Lý
Chuyện kể rằng: một hôm có người môn đệ trình báo với Đức Khổng Tử là anh bắt quả một đồng môn đang ăn vụng trong nhà bếp. Vị thầy được mời đến tận nơi chứng kiến hành vi đáng xấu hổ ấy, buồn lòng lắm. Tuy nhiên, sau khi đã nghiêm khắc quở trách phạm nhân, ông cho phép anh ta được giải trình lý lẽ của mình. Anh học trò bấy giờ mới thưa rằng: được giao nhiệm vụ anh nuôi, anh chẳng may mua phải thứ gạo xấu, có quá nhiều bông cỏ và bụi đất lẫn vào. Khi cơm chín, anh quyết định ăn hết chỗ cơm “ô nhiễm” để nhường cho thầy và các bạn đồng môn phần cơm trắng, sạch.  Đức Khổng Tử chỉ còn biết than một câu: “Ôi! Ta có mắt mà như mù, không nhìn thấy được lòng tốt của học trò, lại còn khiển trách oan ức một người chính trực.”
Một bậc thầy thông tuệ như Đức Không Tử mà còn phạm sai lầm khi quá tin vào điều mình nghĩ là “chân lý 100%” vì chính mình tai nghe mắt thấy. Vậy tại sao vẫn còn nhiều người quả quyết mình nắm trọn chân lý? Vậy tại sao vẫn có người không đủ khiêm tốn và dũng khí để chấp nhận mình sai lầm? Vậy tại sao con người vẫn không đủ bao dung và cảm thông để thứ tha thay vì lên án lầm lỗi của người khác?    
Những Mảng Đời Nghiệt Ngã
Người ta bắt quả tang một phụ nữ ngoại tình, và quyết định xử tử theo như luật pháp đã quy định. Họ hỏi ý kiến Chúa Ki-tô, như tác giả Tin Mừng lưu ý, để “thử thách và gài bẫy Người” (xc Ga 8:6).
Phạm nhân là người phụ nữ đáng thương có chồng với 6 mặt con. Từ lâu, các gia đình trong giáo xứ xầm xì với nhau là có người bắt gặp quả tang chị “làm gái đứng đường.” Đây là đề tài hết sức hấp dẫn và thu hút sự chú ý của những người đạo đức, và do đó chiếm hầu hết thời giờ của họ, khi họ gặp nhau ở ngoài chợ, ở tư gia, thậm chí ở trong nhà thờ. Tha hồ cho mọi người dành lấy quyền xét xử và tuyên án “ném đá” vì rõ ràng như 2 với 2 là 4, với đủ nhân chứng vật chứng, một kẻ xấu xa tội lỗi như vậy không xứng đáng có mặt trong cộng đoàn những người thánh thiện. 
May thay, còn có Chúa, Đấng thấu suốt mọi ngóc ngách bí ẩn nhứt của lòng người, lên tiếng nhắc nhở ai nấy phải trở lại với lương tri của mình. 
Có ai biết chồng của chị mấy năm nay bị tai nạn xe mất khả năng lao động? Đứa con út bị hở van tim, việc điều trị đòi hỏi chi phí vượt quá khả năng một gia đình không còn lao động chính. Song làm sao chị có thể chấp nhận để 5 đứa con lớn phải nghỉ học, và thật đứt ruột nếu phải nhìn đứa út bị tuyên án chết, một cái chết biết trước như thế? Chị có một lựa chọn. Nếu có phải chết ngàn lần cho chồng, cho các con sống, chị cũng chẳng ngần ngại, chẳng cần một giây suy nghĩ, nói chi đến việc như thiên hạ nói, “bán rẻ cái thân xác đã kiệt quệ hy vọng, đã khô héo tình người, đã chết khô tin tưởng”!
Ngu Dốt Toàn Diện
“Tôi biết là tôi không biết”, lời dạy của triết gia Socrates khiến cho mọi người phải tỉnh ngộ. Bạn có thể qua học hỏi, qua kinh nghiệm biết một số điều, quán triệt nhiều phương diện của một vấn đề. Song nếu bạn tự phụ cho rằng mình biết hết mọi sự, thì lời dạy trên là một tiếng còi nhắc nhở kịp lúc của trọng tài đầy uy tín.
Chỉ có một mình Thiên Chúa mới thật sự là Đấng nắm trọn Chân Lý:
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa. Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời thì, lạy Chúa, Ngài am tường hết.  (…).   Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy. Mọi ngày đời dành sẵn cho con đều đã ghi trong sổ sách Ngài trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 138:1-24).
Chính vì thế Chúa yêu cầu phải tuyệt đối dành quyền xét xử cho Chúa (xc Gc 4:12).
Trái với con người, Chúa vừa là Chân Lý tuyệt đối, nghĩa là Người thấu suốt tất cả phải trái, đúng sai, vừa là Công Bình không sai chạy, nghĩa là thưởng phạt nghiêm minh không khoan nhượng, vừa là Tình Thương không bờ bến, nghĩa là Người chú trọng đến cứu vớt tội nhân hơn là trừng phạt (xc Êd 33:11).
Lên Án Tội Ác, Nhưng Yêu Thương Tội Nhân
Chúa rất nghiêm khắc khi lên án các tính hư, nết xấu (xc Mt 18:67; 23:13-36), và dạy mọi người phải tránh xa, đoạn tuyệt với tội lỗi bằng mọi giá, kể cả, nếu cần, thí bỏ đi một phần thân thể (xc Mt 5:29-30), hoặc hy sinh cả chính mạng sống của mình (xc Mt 16:25-26).
Song Tin Mừng có biết bao bằng chứng cho thấy Chúa thương yêu tha thứ tội nhân và sau cùng hy sinh tính mạng để cứu họ khỏi gông ách tội lỗi (xc Rm 5:7-8).
Phần tội nhân, họ cũng được nhắc nhở nghĩa vụ phải dốc lòng chừa bỏ quá khứ đen tối. Chúa ân cần khuyến khích người phụ nữ ngoại tình: “Cha không kết án con. Con hãy ra về và từ nay đừng tái phạm nữa”(Ga 8:11). Sau khi đã cứu người bại liệt, Chúa Ki-tô căn dặn ông: “Đừng tái phạm kẻo tình trạng của con sẽ bi đát hơn” (Ga 5:14).    

Linh Muc P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.    

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks