ngày tháng năm

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

CHUYỆN TÌNH (II)


Tình yêu luôn muốn người ta hiện diện sống động lâu dài. Người chúng ta yêu thương dẫu đã qua đời, nhưng chúng ta thấy như còn hiện diện bên mình, chỉ cần chúng ta nhớ đến nhờ kỷ niệm và ký ức được chúng ta lưu giữ. Người yêu chân thật không “ăn xổi ở thì” mà chỉ muốn đời đời kiếp kiếp yêu nhau, ít nhất là trong khát vọng. Xem ra tình yêu mang lại sự sống và sự sống này muốn trở thành vĩnh cửu. Ông Nicôđêmô đến gặp Chúa trong đêm là muốn có sự sống vĩnh cửu này. 

Vả lại trong tình yêu, linh hồn bất tử là chưa đủ. Sau một trăm năm hai người yêu nhau đều lần lượt xuống mồ, và linh hồn bất tử hai người vẫn tiếp tục yêu nhau cũng được chứ sao? Còn nếu linh hồn không bất tử thì mình sẽ luân hồi như Phật giáo nói: kiếp sau mình lại gặp nhau lại yêu nhau hoặc nếu chưa được hóa kiếp thì hai hồn ma của mình sẽ làm thành một mối tình liêu trai như trong truyện của Bồ Tùng Linh hay trong các phim ảnh kinh dị chẳng tốt sao?

Khi ông Nicôđêmô hỏi Chúa nơi mà ông không phải chết và tham dự vào tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã trả lời, “Thật tôi bảo thật ông không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần” Dĩ nhiên ngay lập tức Nicôđêmô, vốn là một thủ lãnh của người Do Thái lầm tưởng là việc sinh ra lần này cũng giống như lần đầu trong sách Sáng Thế: “Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước” nghĩa là một sự sinh ra dù sao cũng là tự nhiên. Vì thế ông Nicôđêmô mới thắc mắc: “Một người đã già rồi làm sao có thể sinh ra được?” Thắc mắc của ông Nicôđêmô không rơi vào lối nhị nguyên của Đông Phương như đã nói ở trên (luân hồi, hóa kiếp v.v..) hay của quan điểm Platon hoặc Descartes vì tái sinh phải có đủ xác và hồn mà muốn có xác thì phải trở về lòng mẹ. Lúc đó ông Nicôđêmô chưa biết ngoài xác phàm còn có xác thiêng liêng. 

Điều mà Đức Giê-su trách Nicôđêmô không phải là quan điểm phi nhị nguyên của ông theo tâm thức của người Do Thái nghĩ về con người hay nhân vị, mà ở chỗ ông còn thiếu chiều kích mà Đức Giê-su gọi là “chuyện trên trời” chúng ta có thể hiểu là chiều kích siêu nhiên. Ông có thể bị lên án như bản án của những người không tin Con Thiên Chúa ở đoạn văn kế tiếp: họ bị kẹt cứng trong bóng tối, trong những gì thuộc về chuyện dưới đất. 

Chuyện dưới đất và chuyện trên trời còn gặp ở một vài nơi khác trong Tin Mừng Gioan như trong câu “Các ông bởi hạ giới; còn tôi tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi không thuộc thế gian này.” (Ga 8:23) 

Thiết tưởng các tín ngưỡng tự nhiên không giải quyết được vấn đề đời sống vĩnh cửu. Đời sống vĩnh cửu này là một ơn ban từ trời [thượng giới] không phải là kết quả xa vời của một nỗ lực tự giải thoát. Nó nằm trong kế hoạch yêu thương từ trước muôn đời của Thiên Chúa đối với nhân loại. 

Đức Giê-su đã nói rõ với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3: 16-17) 

Phải, chúng ta đã được Tình Yêu Thiên Chúa bao bọc, ấp ủ từ trước khi được sinh ra cho đến mãi sau này. Vấn đề là chúng ta có tin Ngài đủ không, nghĩa là biến tình yêu của Ngài thành suối nguồn sức mạnh để sống yêu thương và phục vụ tha nhân trong mọi môi trường của cuộc sống, hay biến chuyện tình Ngài dành cho ta thành “chuyện-tình-buồn” bởi lẽ như một câu thơ của Nguyễn Du: 

NGƯỜI yêu ta xấu với NGƯỜI/ người 
Yêu nhau thì cũng bằng mười phụ nhau. (Truyện Kiều) 

Nhị Thủy 
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Tựa bài do Blog đặt.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks