ngày tháng năm

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

ĐÊM THIẾU SAO TRỜI


PHẦN MỘT

Chương I



Chương II

ĐỨC BÀ CỦA CÁC VIỆN BẢO TÀNG

I

Sau khi cặn bã của thế gian đã được gạn lọc ở Tây Âu, những dân Gót, Phờ-răn, Noóc-măn và Lông-ba đã hợp lại trên tàn tích của Rô-ma cũ để hình thành một dân lai tạp, đặc biệt dữ tợn, khát máu, ngu ngốc, quỷ quyệt, thô bạo, vật dục. Làm thế nào những điều đó đã sinh ra ca khúc Grêgôriô , những tu viện, những thánh đường, những Bài thơ Khôn ngoan, những sách sử của Bède, sách Đạo đức của Grêgôriô Cả, Thành trì Thiên Chúa của Thánh Augúttinô, những bài viết của thánh Ansêmô, của thánh Bênađô, những bài thơ của Caedmon, Cynewulf, Langland, Dante, Tổng luận của thánh Tôma, và Opus Oxoniense của Duns Scot?
Tại sao ngày nay người ta cũng tìm thấy ở Pháp trong một chuồng bồ câu hoặc một nhà kho được một thợ hồ thường hoặc một thợ mộc và bạn thợ xây dựng thì hoàn thiện về kiến trúc hơn những công trình mà một học tò ngốc nghếch, bậc trung giải thưởng vàng trên những mảnh đất của các trường đại học Mỹ? 
   
Năm 1925, khi đến nước Pháp, mảnh đất chôn nhau của tôi, tôi trở lại chính suối nguồn của đời sống trí thức và tinh thần, suối nguồn được ân sủng thanh luyện mạnh mẽ, nên sự hư hỏng và suy đồi của người Pháp đương đại không làm cho ô nhiễm.
Chính ở Pháp mà người ta tìm thấy những biểu lộ chân chính của sự tinh tế, duyên dáng, trí tuệ, tinh thần, cảm thông, sự quân bình và điều lý thú. Những ngọn đồi thấp, những đồng cỏ màu mỡ và những vườn cây trái của xứ Normandie, những ngọn núi hiện lên rõ ràng và rực sáng và cằn cỗi ở miền Provence, những vườn nho đỏ bao la của miền Languedoc. Mọi miền của nước Pháp dường như đã được tạo dáng với một sự hoàn hảo đặc biệt, dùng làm khung cảnh cho những ngôi thánh đường đẹp nhất, những thành phố thú vị nhất, những tu viện sốt sắng nhất, những trường đại học nổi tiếng nhất.
Điều đáng khâm phục, những phẩm chất của nước Pháp tạo thành một sự hài hòa hoàn hảo nhất; dù đó là nghệ thuật ẩm thực, khoa luận lý hay thần học, kiến trúc hay chiêm niệm, ngành trồng nho hay điêu khắc, chăn nuôi hay cầu nguyện, nước Pháp được xếp trên những quốc gia khác.
Tại sao những bài ca của trẻ em nước Pháp thì duyên dáng hơn, cách thể hiện thông minh hơn, cái nhìn của chúng sâu hơn cái nhìn của trẻ em các nước khác? Ai có thể giải thích điều này?
Ôi nước Pháp, tôi hạnh phúc sinh ra trên mảnh đất của Người; tôi cũng hạnh phúc khi Thiên Chúa đã dẫn tôi về với Người trước khi quá trễ.

*&*

Ở cảng Calais, chúng tôi xuống tàu vào một buổi chiều mưa tháng chín, tôi quên hết mọi điều ấy; tôi không hiểu cũng không chia sẻ nhiệt tình của cha tôi, khi đặt chân lên đất Pháp, lúc chúng tôi phải chen vào đám đông ồn ào của nhà ga giữa tiếng kêu của các người khuân vác và trong khói bụi của các đầu máy xe lửa. Tôi đã ngủ quên trước khi đến Paris: Khi tôi thức dậy, tôi ấn tượng mạnh bởi ánh sáng tràn ngập, phản chiếu trong các đường phố sáng rực trong mưa, tôi ngắm khúc cong tối của sông Seine từ một cầu cao, trong khi những ánh sáng lấp lành trên tháp Eiffel đọc từng con chữ C.I.T.R.O.E.N.
Montparnasse, đường Saints-Pères, nhà ga Orléans đối với tôi chưa là những ngôi nhà cao màu xám, những tấm bạt lớn che nắng của các quán cà phê, những nhà thờ, những xe tắc-xi chạy nhanh, những xe buýt ồn ào … Tôi còn chưa hiểu Thành phố, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy tôi sẽ yêu thích nó; rồi một lần nữa chúng tôi đi xe lửa.
Ngày đó, trong chuyến tàu tốc hành đưa tôi về vùng Midi, tôi khám phá mảnh đất của nước Pháp, nơi tôi đã được sinh ra.
Ở Orléans, chúng tôi đi qua con sông Loire màu nâu và tôi cảm thấy như ở nhà mình, dù tôi chưa từng thấy và chắc hẳn không bao giờ nhìn lại khung cảnh chạy qua trước mắt tôi. Cha tôi đã nói với tôi về Jeanne d’Arc làm tôi suy nghĩ nhiều. Có lẽ tư tưởng ấy là một thứ cầu nguyện vô thức bởi lòng tôn kính và yêu mến mà thánh nữ đánh thức trong tôi, nhờ thánh nữ can thiệp mà tôi có được ân sủng biết quê hương của bà, nhận ra Thiên Chúa trong hàng cây dương nhấp nhô dọc theo những con suối, trong những căn nhà quây quần xung quanh những ngôi nhà thờ của làng, trong những khu rừng, trong những nông trại và những cái cầu bắc ngang qua các dòng nước. Sau Châteauroux, phong cảnh trở nên có nhiều đá và chúng tôi đến Limoges, đi xuyên qua mê cung những đường hầm và khi ra khỏi đường hầm trong ánh sáng chói lòa tôi thấy thành phố tập trung trên những sườn đồi, dưới chân nhà thờ chánh tòa.
Chúng tôi đi sâu vào những tỉnh cổ xưa của Quercy và Rouergue, ở đó tôi phải sống và uống nước tại nguồn của thời trung cổ.
Đêm xuống khi chúng tôi vượt qua Brive-la-Gaillarde; phong cảnh có nhiều thung lũng và cây nhưng nhiều đá, những bình nguyên cao trơ trụi và hoang vắng. Những thung lũng có nhiều lâu đài; kế đó chúng tôi đến Montauban.
Thành phố im lìm, yên lặng và u tối biết bao sau xe lửa! Ra khỏi nhà ga chúng tôi thấy mình ở trong một công viên nhỏ đầy bụi, đầy bóng tối; đây đó có những ngọn đèn tù mù. Tiếng móng ngựa xe thuê nện trên con phố vắng tanh; chúng tôi đi về một khách sạn nhỏ màu xám và thảm hại có một bóng đèn điện duy nhất chiếu sáng, ở tầng trệt một phòng cà phê với nhiều cái bàn bằng sắt; những cuốn lịch lốm đốm dấu vết của ruồi bám và những cuốn niên bạ to chồng trên bàn giấy của một bà khó chịu mặc đồ đen coi chừng bốn khách hàng uống cà phê. Và điều làm ngạc nhiên là khung cảnh dễ chịu, không có gì buồn bã; dù chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tương tự, tôi cảm thấy như đang ở nhà. Cha tôi mở những cánh cửa chớp bằng gỗ của căn phòng, nhìn đêm yên bình không sao và nói: “Con có ngửi thấy mùi lửa gỗ không? Đó là mùi miền Midi.”

II

Chúng tôi ở ranh giới vùng Languedoc; mọi thứ đều đỏ, kể cả thành phố xây dựng bằng gạch trên nếp gấp của lớp đất sét ở Tarn; người ta tưởng đang ở Tây Ban Nha; nhưng thành phố im lìm quá!
Tại sao chúng tôi đã tấp vào nơi đó? Vì cha tôi muốn tiếp tục vẽ miền Midi, vì từ khi bị bệnh, ông không muốn để các con cho những người khác chăm sóc, và ông phải cố gắng tạo ra một tổ ấm, hơn thế nữa một cách mơ hồ ông có ý thức về những bổn phận tôn giáo của mình… và của chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời, ông bảo tôi cầu nguyện, xin Thiên Chúa giúp ông vẽ, tìm cho chúng tôi một nơi để sống.
Những người bạn Tin Lành có ảnh hưởng của cha tôi chỉ cho cha tôi học viện Jean-Calvin ở Montauban mà họ nói rất tốt. Đó là một tòa nhà to màu trắng và xanh lá nhìn xuống dòng sông, với những hành lang tu viện ngập nắng và xanh tươi; tạ ơn Thiên Chúa ông không bao giờ gởi tôi đến đó và tôi bắt đầu hiểu một cách mơ hồ rằng mặc dù cha tôi muốn tôi được giáo dục về tôn giáo nhưng ông không có thiện cảm nhiều đối với Tin Lành ở Pháp. Sau này tôi biết được rằng vào thời kỳ đó ông gần như muốn trở thành người công giáo nhưng ông cưỡng lại vì chúng tôi sợ rằng sẽ gây ra nhiều khó khăn với gia đình nên ông đã không cho chúng tôi bất kỳ sự giáo dục tôn giáo nào.
Montauban đã mau chóng không phải là nơi mà chúng tôi tìm kiếm, thành phố ấy không có gì lý thú đối với một họa sĩ.
Chúng tôi thấy ở công ty du lịch những tấm hình của các thành phố nhỏ trong thung lũng Aveyron, rồi một ngày chuyến xe lửa cũ kỹ đưa chúng tôi đến Saint-Antonin.
Trong thành phố cổ làm ngạc nhiên này, với vành đai là những ngọn đồi, những vách đá, cây cối, tất cả đều hướng sự chú ý của của tôi về một điểm trung tâm duy nhất: nhà thờ và những gì bao hàm trong nhà thờ, mọi con đường đều dẫn đến đó, và ngôi nhà thờ dài màu xám có chóp nhọn cao lôi kéo cái nhìn dù người ta ở nơi đâu. Phong cảnh được tổ chức để nhà thờ được nhìn thấy, sự hiện diện của nhà thờ chuyển thông cho quang cảnh một ý nghĩa đặc biệt và siêu nhiên, như nó bày tỏ rằng mọi tạo vật như thế là những phương tiện để vươn lên đến tận Thiên Chúa và tuyên xưng vinh quang của Ngài. Thật vậy, ân sủng tuyệt vời khi sống trong một nơi mà người ta buộc phải trở thành một người chiêm niệm! nơi mà cả ngày đôi mắt hướng về Ngôi Nhà của Đức Kitô!
Tôi không được biết Đức Kitô và thần tính của Ngài. Tôi không có ý tưởng nào về Thánh Thể: tôi tin rằng các nhà thờ là những nơi hội họp ở đó người ta hát thánh ca.

III

Chúng tôi thuê một căn phòng ở rìa một thành phố, quảng trường Condamine, ở đó có một cái chợ gia súc; nhưng cha tôi muốn xây một căn nhà, đã mua một mảnh đất trên sườn đồi. Trên đỉnh đồi là một ngôi nhà thờ nhỏ bị bỏ hoang, nhà thờ Calvaire; ngày xưa dọc theo con đường đầy đá ngoằn ngoèo qua những vườn nho đã có mười chặng Đường Thánh Giá đã bị hư hại từ thế kỷ XIX.
Chúng tôi đã đi khắp cánh đồng xung quanh để tìm ý tưởng cho ngôi nhà tương lai, và những đề tài hay cho các bức tranh.
Khi đi thăm những ngôi nhà thờ cổ, tôi dừng lại trên những tàn tích của những ngôi nhà nguyện và những tu viện cổ; về những đồng bằng ở phương Nam, chúng tôi đến Albi với nhà thờ lớn màu đỏ canh giữ Tarn như một pháo đài, từ trên cao người ta thấy tất cả những ngôi nhà thờ trấn giữ miền Languedoc.
Tôi đã bắt đầu đi học, rất nhút nhát với những đứa trẻ nhỏ, hết sức cố gắng học tiếng Pháp; cha tôi vạch ra những nền móng của căn nhà chúng tôi mà một người thợ bắt đầu đào. Một người tìm mạch nước chỉ cho chúng tôi một mạch nước và người ta khoan một cái giếng. Cha tôi trồng hai cây dương, một cho tôi và một cho Jean-Paul, và mùa xuân năm sau ông vẽ một khu vườn.
Vào mùa hè 1926, chúng tôi đến sống ở Saint-Antonin, mặc dù việc xây dựng căn nhà chưa bắt đầu. Tôi đã học tiếng Pháp, và trải qua những giờ mùa đông để đọc lịch những thành phố kỳ diệu khác của nước Pháp trong cuốn Le Pays de France, ba tập có minh họa mà chúng tôi mua với tiền của ông ngoại tặng mừng Giáng sinh.
Cuốn sách ấy cuốn hút tôi, và trí óc tôi chứa đầy hình ảnh những ngôi nhà thờ, những tu viện cổ, những lâu đài ấy, chứng cứ của nền văn hóa mà tôi rất yêu thích. Tôi tự hỏi Jumiège và Clunny có dáng vẻ nào vào thời huy hoàng của chúng; tôi chiêm ngưỡng Chartres, với hai tháp không đều nhau; gian giữa dài trong nhà thờ Bourges; cung thánh nhà thờ Beauvais cất cánh hướng về trời; nhà thờ kỳ lạ và thơ mộng Angoulême và những nóc vòm kiểu By-dan-tin ở Périgueux. Tôi chiêm ngưỡng những khối nhà của tu viện Grande Chartreuse, đứng sát vào nhau cuối thung lũng cô quạnh, vây quanh là những núi cao với rừng thông. Ai đã sống trong những căn phòng ấy? Ơn gọi tu trì và những luật dòng không gợi cho tôi sự tò mò nào, nhưng tôi nhớ lại đã ước ao được hít thở không khi cô tịch ấy và lắng nghe sự im lặng của nó.

IV

Mùa hè năm đó, dù cha tôi rất phiền lòng vì ông muốn ở yên ở  Saint-Antonin để làm nhà và để vẽ tranh, ông ngoại tôi từ New-York chất đầy nhóc hành lý, thúc đẩy bà ngoại tôi, mặc đẹp cho em tôi Jean-Paul, kiếm những giấy thông hành và những vé tàu rồi cùng xuống tàu qua Châu Âu trên chiếc tàu Leviathan.  
Ông ngoại tôi có ý định đi qua một hai tháng ở Saint Antonin; nhưng trước hết ông muốn đi thăm Châu Âu, từ nước Nga đến Tây Ban Nha và từ xứ Ê-cốt đến Constantinople: vì thế chúng tôi cố can ông ngoại bỏ tham vọng kiểu Napoléon ấy và ông hứa bằng lòng đi thăm ba nước Anh, Thụy Sĩ và Pháp.
Tháng sáu chúng tôi biết rằng ông bà tôi buộc phải đến Luân Đôn và đã đi khắp đất nước của Shakespeare và chuẩn bị vượt qua biển Manche để qua miền Bắc nước Pháp. Chúng tôi được lệnh phải lên miền Bắc để gặp ông bà ở Paris, rồi từ Paris chúng tôi sẽ cùng đi thăm Thụy Sĩ.
Vậy chúng tôi lên đường với hai bà bạn già bình thản từ Tân Tây Lan đến. Trong lúc đó ông tôi đi thăm các lâu đài trên sông Loire với những người Mỹ khác bằng xe ca. Khi xe chạy ngang qua Chenonceaux, Blois và Tours, ông vét hết trong túi những đồng xu và ném cho những đứa trẻ mà ông trông thấy, rồi ông cười to trước cảnh chúng giành giật cãi nhau vì những đồng xu ấy.
Ở Paris, chúng tôi gặp ông bà tôi ở khách sạn “Continental”, giá cả vượt xa túi tiền của họ; nhưng năm 1926 đồng Phật lăng mất giá khiến ông tôi mất hết ý nghĩa về giá trị đồng tiền. Ngay những phút đầu tiên, chúng tôi biết điều gì chờ đợi chúng tôi, trong chuyến du lịch chớp nhoáng qua Thụy Sĩ. Chúng tôi có thể di chuyển chút ít trong những căn phòng chất đầy hành lý vô ích tới tận trần nhà. Bà ngoại và Jean-Paul rầu rĩ trong tình trạng chống đối im lặng và thụ động trước nhiệt tình bùng nổ và lạc quan của ông, và theo bản năng, chúng tôi đứng về phía những người bị áp bức, bởi biết rõ ông tôi đã khiến chúng tôi chịu nhiều sỉ nhục và với tính nhạy cảm tế nhị chúng tôi đã tưởng tượng ông tôi và cả chúng tôi đã trở thành trò cười cho mọi người.
Chúng tôi đi về biên giới Thụy Sĩ bởi những chặng nhỏ; đón rất nhiều xe lửa, xe tắc-xi và xe khách của các khách sạn, tính cả mười sáu cái va-li của chúng tôi. Chúng tôi vượt qua Dijon và Besançon để đến Bâle, và một khi đã vào nước Pháp, mọi việc sẽ trở nên tốt đối với cha tôi và tôi; nhưng chúng tôi chán Thụy Sĩ. Đó không phải là loại phong cảnh mà cha tôi vẽ. Vả lại ông không có thời gian để vẽ hay phác họa. Trong mỗi thành phố, trước tiên chúng tôi tìm đến viếng các viện bảo tàng, nhưng lần nào chúng tôi cũng thất vọng; phần nhiều chúng chứa đầy những bức tranh to của các họa sĩ Thụy Sĩ hiện đại trình bày những đao phủ khổng lồ sắp chặt đầu những nhà ái quốc Thụy Sĩ. Sau cùng chúng tôi đùa nghịch đội nón của chúng tôi lên đầu các bức tượng của viện bảo tàng, may thay vắng người; tuy nhiên chúng tôi làm cho các người bảo vệ nghiêm khắc chú ý, họ bất chợt đến và bắt gặp chúng tôi đứng trước tượng của Beethoven đang đội mũ.
Tất cả là một cuộc đấu tranh liên tục: chúng tôi đấu tranh với hơi nước trên mặt hồ, trên những cáp treo, trên đỉnh núi; chúng tôi đấu tranh bên bờ hồ và dưới những cành cây nặng nề luôn xanh biếc.
Cò lẽ kỷ niệm tệ hại nhất mà tôi đã giữ về chuyến du lịch là lúc lên núi Jungfrau bằng xe lửa.
Trong suốt cuộc hành trình, tôi cố gắng trấn an ông tôi vì ông cho rằng chúng tôi đã bị lừa và Jungfrau không phải là ngọn núi cao nhất trong vùng; tôi cố gắng giải thích cho ông những luật phối cảnh làm Jungfrau không cao như khi nó ở xa chúng ta hơn, nhưng tôi không thuyết phục được ông tôi.
Chúng tôi lên đến đỉnh, thần kinh căng thẳng; độ cao làm ông bà tôi bệnh, tôi đã chảy nước mắt khi cùng cha tôi và em tôi bước vào trong tuyết trắng xóa, chói lòa mà không mang kính, tất cả chúng tôi đều đau đầu, điều này làm cho sự kinh hoàng lên đến tận cùng.
Dù ở Interlaken, ông bà tôi có niềm an ủi vô hạn khi ở trong chính căn phòng mà mấy tháng trước đó Douglas Fairbanks và Mary Pickford đã ở, chúng tôi vui mừng khi trở lại nước Pháp; nhưng ở Avignon, tôi bỏ qua chuyến đi chơi thích thú nhất trong cuộc du lịch khốn khổ ấy khi từ chối thăm đến Cung điện các Giáo Hoàng, vì chán xem những cảnh lạ.  
Vào cuối tháng tám, ông bà tôi, Jean-Paul và đống va ly của họ rời bỏ chúng tôi.
Trong kỳ nghỉ hè ấy, mười một tuổi rưỡi, tôi đã phải lòng một cô bé tóc vàng với dáng đi mau như chuột nhắt, tôi đã khiêu vũ với cô ấy; hay làm dáng, một ngày nọ cô ấy cho phép tôi đi theo cô ấy xung quanh một cái cây; nhưng tất cả câu chuyện rất nông cạn và cha tôi đã nói: “”Điều mà cha biết được là con chạy theo các cô gái ở tuổi con?” tôi bỏ ngay những trò chơi ấy để quan tâm đến những việc nghiêm túc hơn: vào trường trung học.

V

Khi tôi ở trong cái sân lớn trải đầy sỏi, giữa những khuôn mặt dữ tợn, rầu rỉ, ủ rũ, những đôi mắt sáng và thù nghịch, tôi không thể phát âm một tiếng Pháp nào; vả lại sự ngớ ngẩn của tôi càng làm chúng nổi cáu, chúng đá tôi, kéo vành tai tôi, xô đẩy tôi và chửi rủa tôi bằng những lời tục tỉu và báng bổ. rồi chúng quen với khuôn mặt xanh xao, đôi mắt xanh lơ của tôi rồi trở nên ân cần và dễ thương với tôi. Thế nhưng ban đêm khi nằm trong nhà ngủ tồi tàn, tôi nghe tiếng ngáy của những sinh vật nhỏ bé quanh tôi, tiếng còi xe lửa từ xa xé tan sự im lặng của đêm và tiếng kèn điểm giờ của trại lính Xênêgan, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy lo lắng bởi cô độc và bị bỏ rơi.       
Ngày Chúa nhật, tôi đáp xe lửa lúc 5 giờ 30 sáng để về nhà, và tôi nài xin vô ích cha tôi kéo tôi ra khỏi ngôi trường khốn khổ ấy. Nhưng sau cùng, sau hai tháng tôi bắt đầu quen với bầu khí thô bạo và vất vả, trong đó tôi không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và bình an.
Ở Saint-Antonin, bạn bè tôi không phải là những thiên thần, thế nhưng họ đơn sơ và lịch sự. Những cậu học ở trung học chỉ khác họ ở chỗ giàu có hơn; nhưng một thay đổi nhỏ xuất hiện trong tinh thần họ bởi việc họ bị giam hãm. Từng đứa một thì chúng hiền hậu; tập họp lại thì người ta phải nói một tinh thần dữ tợn và thù nghịch thống nhất chúng để chống lại điều thiện. Tiếp xúc với người hung dữ ấy chính là gặp phải nhiệm thể của Satan mà những thành viên không quên đối xử với tôi cách tàn nhẫn.
Có nên ngạc nhiên không khi hòa bình thế giới không còn bởi tất cả đều góp phần giáo dục giới trẻ nhưng lại không có bất kỳ một kỷ luật đạo đức hay tôn giáo nào, không có bóng dáng của đời sống nội tâm, không có bác ái và đức tin những điều có thể bảo đảm những hòa ước giữ các chính phủ với nhau?
Và hàng ngàn người công giáo đã trâng tráo khóc than vì Thiên Chúa không nhận lời cầu nguyện cho Hòa bình của họ, trong lúc họ xao lãng Ý muốn của Ngài và những lời dạy sơ đẳng của lý trí và của sự khôn ngoan, khi để con họ lớn lên theo những luật rừng!
Khi tôi nhớ lại thú tính, sự chai đá, vô cảm và thiếu lương tâm của những đứa vây quanh tôi ở trường trung học… tôi tự hỏi làm thế nào hòa giải thái độ vô liêm sỉ, sự phát triển sớm, sự trơ trẽn của những đứa trẻ Pháp ấy mà đến lúc đó vượt qua tất cả những gì tôi đã gặp với nước Pháp lý tưởng mà cha tôi và tôi yêu quý? Corruptio optimi pessima: điều xấu lớn nhất là sự hư hỏng của cái tốt đẹp hơn; ở nước Pháp, tính tâm linh đã trở thành vô liêm sỉ và nông nổi; trí tuệ thành thuật ngụy biện; nhân phẩm và sự tinh tế thành sự bày biện tính phù phiếm ti tiện; bác ái thành sự dâm dục của xác thịt; đức tin thành tính đa cảm hay vô thần thuần túy.
Tuy nhiên tôi đã tìm được một vài người bạn dễ thương và thông minh, có lý tưởng và tham vọng: trước khi năm học đầu tiên kết thúc, chúng tôi đều say mê viết những cuốn truyện, và những ngày đi dạo, tôi và các bạn đội ngược mũ lưỡi trai, hai tay thọc túi quần như những trí thức phóng túng, chúng tôi bàn luận những cuốn truyện của chúng tôi và cùng nhau phê bình chúng.
Như thế, khi để các bạn chấp nhận nhân vật phiêu lưu mà tôi viết đã vay tiền của một nhân vật nữ, tôi bị các bạn đồng thanh chống đối: “Này cha nội, không thể như thế được, điều này chưa từng có!” Và tôi phải sửa chữa câu chuyện của tôi.
Tôi đã viết ba cuốn truyện bằng tiếng Pháp, tất cả đều có nhiều tranh minh họa. Bối cảnh của một truyện là miền Devonshire, ở thế kỷ thứ XVI. Những tên cướp là những gián điệp công giáo đến từ Tây Ban Nha, và cuốn truyện kết thúc bởi một trận thủy chiến kinh khủng dọc theo các bờ biển nước Pháp, với những bức hình đẹp. Tôi không thú nhận với các bạn tôi rằng vị linh mục là một kẻ gian ác phải đốt nhà của nhân vật nữ, vì các bạn tôi đều là những người công giáo danh nghĩa và đều đi lễ ngày Chúa nhật, thế nhưng họ không được dạy dỗ kỹ càng về tôn giáo của họ, vì họ lẫn lộn những tu sĩ dòng Tên (mà họ có vẻ rất sợ, vì một lý do mà tôi không biết) với những nhà truyền giáo rao giảng cuộc Khổ Nạn.
Ngày Chúa nhật, tôi ở lại với những bạn không đi lễ ở nhà thờ để đọc truyện của Jues Verne hoặc của Rudyard Kipling, cho đến ngày mà cha tôi cho tôi theo các khóa học của một mục sư béo và lùn của trường trung học. Chúng tôi quây quần xung quanh một lò sưởi trong căn phòng lạnh giá, được dựng trong sân chơi dùng làm nhà thờ Tin Lành. Vị mục sư giải thích cho chúng tôi những dụ ngôn người Samari nhân lành, người Pharisêu và người thu thuế và tôi lắng nghe mà không thích thú lắm. Nhưng tôi không bao giờ quên một nhận xét bất chợt của cha tôi về sự phản bội của thánh Phêrô, và khi ông nghe được tiếng gà gáy, ông đã ra ngoài và khóc thảm thiết. Tôi thấy rất rõ thánh Phêrô bước ra, hai má đầm đìa nước mắt, tôi hiểu rất rõ ông phải cảm nhận điều gì, tôi cũng hiểu nỗi niềm thống hối nóng bỏng của ông, và tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể quên điều ấy trong bấy nhiêu năm.
Cha tôi không ngại diễn tả các ý tưởng của ông về lòng trung thực và đạo đức: một ngày nọ ông tức giận nói ra những suy nghĩ của ông về một bà trưởng giả, với lời lẽ gay gắt bà này không giấu sự thù ghét mà bà cảm thấy đối với một mụ nào đó giống bà. Tại sao, cha tôi hỏi bà ấy, bà ta tin Thiên Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù chúng ta; vì lợi ích của Ngài hay vì lợi ích chúng ta? Ngài thu được điều gì từ sự tuân thủ giới răn ấy? Chẳng phải Ngài ban cho chúng ta giới răn ấy vì sự tốt lành của chúng ta hay sao? Nếu bà ấy có chút lương tri, cha tôi nói tiếp, hẳn bà ấy sẽ yêu thương những người khác, dù chỉ vì lợi ích , sức khỏe và bình an của linh hồn mình thay vì giằng xé linh hồn mình bởi ganh tị và thù ghét.

*&*

Mùa đông năm 1926, cha tôi đến ở tại Murat, trong dãy Cantal ở Auvergne, vùng đất của những ngọn núi xanh và các núi lửa đã tắt. Những ngọn núi này mọc nhiều cây tùng hoặc hướng về bầu trời những đỉnh vòm trơ trụi mọc đầy cỏ xanh. Cha tôi ở trọ trong một thứ trang trại cheo leo trên một ngọn đồi, ở lối ra của thành phố; năm ấy tôi đã trải qua kỳ nghỉ Giáng Sinh ở đó.
Ông và bà Privat, những chủ nhà của chúng tôi, có kiểu cách rất đáng chú ý. Ông bà đều nhỏ con; ông Privat to khỏe không cổ; bóng của ông gần như hình vuông. Cái nón đen vành rộng của ông mang lại dáng vẻ trịnh trọng cho khuôn mặt ông có đôi mắt bình tĩnh. Khi làm việc hay khi nghỉ ngơi, ông đem lại cảm giác bất động thanh nhàn.
Vợ ông giống một con chim: mảnh mai, nghiêm chỉnh, sống động và cũng bình lặng và thanh thản như tất cả những người sống gần Thiên Chúa. Bà đội một loại khăn trùm có gắn ren như các bà nông dân ở Auvergne.
Mặc dù tôi không còn gặp lại họ, nhưng khi nhớ đến ông bà Privat, nói về lòng tốt, sự bình thản và sự đơn sơ hoàn hảo của họ thì đó là một niềm vui chân thật đối với tôi. Họ gợi lên niềm tôn trọng sâu xa nhất; đó là những vị thánh, với sự thánh thiện rất hiệu quả và sung mãn chủ yếu là sống một đời sống bình thường với một cách hoàn toàn siêu nhiên đến nỗi mà bóng tối, những tài năng trung bình, những bổn phận hàng ngày và tập tục được biến đổi bởi ân sủng siêu nhiên nội tại, bởi sự hiệp nhất thông thường của linh hồn với Thiên Chúa, bởi đức tin sâu xa và đức mến.
Nhà, gia đình, Giáo Hội độc chiếm ông bà Privat, và đời sống của họ tràn đầy. Cha tôi ngày càng lo cho sức khỏe tinh thần và thể lý của tôi, biết gia đình Privats là một kho tàng quý báu như thế nào; vì mùa đông ấy, tôi đã trải qua nhiều tuần trong bệnh xá của nhà trường với những chứng sốt; nên mùa hè ông đã gởi tôi đến Murat nơi tôi có bơ, sữa dồi dào và sự chăm sóc tối đa.
Tôi sẽ không bao giờ quên kỳ nghỉ ấy vì tôi ngày càng biết rằng tôi mang ơn gia đình Privat nhiều hơn lương thực phần xác, nhiều hơn cả lòng tốt và sự khích lệ mà họ bảo bọc cho tôi nhưng không bao giờ tìm cách chiếm đoạt lòng trìu mến của tôi; thật vậy từ khi tôi còn thơ ấu, tôi luôn luôn chống lại mọi nỗ lực tạo ảnh hưởng từ bất kỳ ai hay việc gì, nhưng tuân theo một bản năng thâm sâu giữ mình tự do, và chỉ cảm thấy mình được bảo vệ thật sự và được bình an ở giữa những hữu thể hoàn toàn siêu nhiên. Tôi hoàn toàn sung sướng bởi lòng trìu mến của gia đình Privat, và sẵn sàng trả lại họ, vì tình cảm ấy không nung đốt, không sở hữu, không cố giam hãm trong những chứng minh bên ngoài, không giăng bẫy với một cảm xúc thú vị.   
Kỳ nghỉ ấy ở Murat là một ân sủng lớn. Tôi đã biết điều đó như thế nào? Tôi không biết ý nghĩa của chữ ân sủng, mặc dù tôi không thể không biết suối nguồn lòng nhân hậu của ông bà Privat.
Chúng tôi chỉ bàn luận có một lần về tôn giáo, khi ngồi trên ban-công hẹp nhìn qua bên kia thung lũng, những ngọn đồi trở nên màu xanh thẩm trong ánh hoàng hôn tháng chín. Chủ đề công giáo và Tin Lành được đặt ra, và ngay sau đó tôi có cảm tưởng mọi sức mạnh và tính cương trực của ông bà Privat đứng lên chống lại tôi như một thành lũy không thể chiếm được cũng không thể buộc tội được. Tôi hết sức bảo vệ đạo Tin Lành; có lẽ họ đáp lại rằng họ không hiểu làm thế nào tôi có thể sống mà không có Đức Tin, vì chỉ có một Đức Tin và một Giáo Hội. Tôi bác bẻ rằng mọi tôn giáo đều tốt vì chúng dẫn về Thiên Chúa, chỉ con đường là khác nhau, nhưng mỗi người phải theo con đường mà lương tâm mình chỉ ra, và chỉ hành động theo ánh sáng của mình.
Họ ngừng tranh luận, nhìn nhau im lặng, nhún vai rồi ông Privat nói với một giọng dịu dàng và buồn bã: “Không thể được!”                
Thật là khủng khiếp, đáng sợ và nhục nhã khi cảm thấy sự thinh lặng, sức mạnh và sự thanh thản chống lại tôi, khi kết án tôi đã đối nghịch với họ; khi biết mình bị tách rời khỏi sự bảo vệ, sức mạnh đời sống nội tâm của họ bởi lỗi lầm của tôi, bởi sự bướng bỉnh, dốt nát và lòng kiêu ngạo của một tín đồ Tin Lành thiếu hiểu biết như tôi. Tôi muốn tranh luận nhưng họ khinh thường những cuộc tranh luận; tôi đã chưa bao giờ gặp ai mà đức tin có tầm quan trọng như thế. Một cách trực tiếp, họ không thể làm gì cho tôi, nhưng tôi chắc rằng họ làm điều mà họ làm được, và tôi cám ơn Thiên Chúa hết lòng vì họ rất xúc động bởi tôi thiếu đức tin. Ai biết được tôi mắc nợ điều gì từ những con người được ưu tuyển ấy? Về mặt tinh thần, tôi chắc chắn rằng mình nhận được nhiều ân sủng nhờ lời cầu nguyện của họ, có lẽ cả ơn hoán cải và ơn gọi tu trì. Tôi sẽ biết điều đó một ngày nào đó, và thật ngọt ngào với tôi khi luôn nuôi hy vọng gặp lại họ để có thể cám ơn họ về những ân sủng ấy.

VI

Cha tôi đi Paris để làm chứng cho hôn lễ của một người bạn Tân Tây Lan của ông, đại úy kỵ binh John Chrystal, mà bà mẹ vợ, Bà Stratton cùng với cha tôi về lại Saint-Antonin.
Bà Stratton là một ca sĩ còn có được đôi chút ảnh hưởng, là một người oai vệ. Đầy sức sống và có tính cách rất mạnh, thông minh và có thiên tư, bà có những ý tưởng rất cố định; xác tín của bà và tài năng của bà sinh ra lòng kính trọng: hẳn bà đã sinh ra từ một dòng dõi thanh cao.
Trước tiên tôi ngầm bất mãn đối với ảnh hưởng trỗi vượt mà bà có trên đời sống chúng tôi khi thấy bà can thiệp quá nhiều vào những công việc của chúng tôi; rồi tôi biết những lời bà khuyên chúng tôi rất quý báu. Tôi tin rằng chính ảnh hưởng to lớn của bà đã khiến chúng tôi bỏ ý tưởng định cư hẳn ở Saint-Antonin.
Căn nhà hầu như đã làm xong: đó là một căn nhà nhỏ, đẹp đơn giản và chắc chắn. Đời sống sẽ êm đềm trong gian phòng lớn duy nhất có cửa sổ và một lò sưởi kiểu trung cổ, từ gian này một cầu thang bằng đá uốn lượn dẫn lên phòng ngủ. Xung quanh nhà một cái vườn đẹp trải rộng.
Nhưng cha tôi di chuyển rất nhiều: năm 1927, ông sống mùa đông ở Marseille và ở Sète; ông chuẩn bị một cuộc trưng bày tác phẩm ở Luân Đôn, trong khi ở trường trung học, tôi ngày càng cứng rắn và phát triển sớm, tôi cũng quen dần với ý tưởng được giáo dục như một người Pháp.
Năm 1928, một buổi sáng có nắng đẹp tháng năm, cha tôi từ Luân Đôn trở về, ông đến trường trung học bảo tôi chuẩn bị hành lý, vì chúng tôi sắp rời khỏi nước Pháp để đến sống ở nước Anh.
Tôi có ấn tượng rằng xiềng xích đã rơi khỏi tay tôi! Mặt trời nhảy múa trên những bức tường gạch của nhà giam mà các cửa mở ra trước mặt tôi, nhờ một sức mạnh vô hình và thiện hảo: Đấng Quan Phòng.
Lúc đó tôi cảm thấy sung sướng dữ dội bởi đã chiến thắng các bạn mà tôi sắp rời xa, chúng mặc áo choàng đen, mũ nồi vây quanh tôi, tươi cười và chia sẻ niềm phấn khích của tôi với đôi chút ganh tị.
Chúng tôi chạy xe xuống con phố yên tĩnh, trong lúc cha tôi trình bày những dự định của ông. Tiếng móng ngựa gõ nhẹ trên những hè phố đầy bụi; những bức tường bạc màu của những căn nhà khá giả bụi bặm trả lại tiếng vang như tiếng hát: “Tự do, tự do, tự do.” 

*&*

… Chiếc tàu chạy bằng hơi nước, những vách đá vùng Folkestone trắng như tuyết dưới sương mù mùa hè; đê chắn sóng, những cồn cát xanh xám và những khách sạn được chăm chút viền đỉnh các vách đá khiến tôi tràn ngập niềm vui. Phong cách ngoại thành của những người khuân vác, mùi nước trà đen ở quầy ăn, đánh thức trong tôi những kỷ niệm của xứ sở nảy luôn luôn là miền đất của các kỳ nghỉ, xứ sở của những truyền thống đáng kính và nhiều tiện nghi, trong đó những cú sốc đánh mạnh xuống đời sống dường như chỉ tới được linh hồn khi đi qua nhiều lớp cách ly.
Nước Anh là tất cả đối với tôi trong nhà Cô Maud, 18 Đường Carlton ở Ealing.
Ngôi nhà bằng gạch đỏ là một thành trì yên tĩnh, với sân cỏ nhỏ và những cửa sổ hướng ra sân chơi; ở Ealing nơi tất cả những lý tưởng của thời đại Victoria bị những dãy biệt thự đồng nhất cắt xén, cô Maud và chú Ben sống ở giữa một thành trì mà chú Ben là một trụ cột.
Chú Ben là hiệu trưởng trường trung học và giống như mọi trưởng giả mau nước mắt và trịnh trọng của xã hội Victoria: chú có lưng tròn, râu mép dài và trắng để rũ xuống, đeo kính kẹp mũi và mặc một bộ đồ bằng vải tuýt cắt xấu. Chú đi hơi khập khiễng và là đối tượng được chú ý thường xuyên, nhất là từ cô Maud. Chú nói với một giọng bình thản và chính xác và chú có thể lên giọng tùy thích; khi chú muốn lưu ý kịch tính đặc biệt, chú mở to mắt và nói khề khà như bóng ma hiện ra với Hamlet, đồng thời nhìn thẳng vào người đối thoại; rồi ngồi chễm chệ trong cái ghế bành, chú cười cho thấy những cái răng to. 
Cô Maud là một thiên thần. Bà già thú vị này mặc theo kiểu của nữ hoàng Victoria, cao, gầy, bình thản và dịu dàng dường như vẫn giữ sự nhạy cảm của một thiếu nữ mặc dù tuổi tác. Từ ngữ “cao nhã” hoàn toàn thích hợp với cô, và đôi môi mỏng tươi cười của cô dường như lúc nào cũng phát ngôn từ đó.
Trước khi đi học ở Anh, tôi dành thời gian để gặp cô nhiều lần. Khi mới xuống tàu, cô dẫn tôi đi thăm những cửa hàng ở Phố Oxford, nghi lễ mở màn cho tôi vào học trường cấp ba Ripley Court, ở Surrey do em chồng cô, Bà Pearce điều hành.
Trong lúc đi mua sắm, chúng tôi nói về tương lai. Một buổi sáng, sau khi đã mua những quần dài và những áo sơ-mi màu xám bằng vải Fla-nen, một cái áo len dài tay, và một cái mũ nỉ mềm mà các cậu trai nước Anh thường đội. Chúng tôi xuống Phố Oxford từ tầng trên của xe buýt, lúc đó cô Maud nói với tôi và nheo mắt khích lệ: “Tom nó có nghĩ thích làm gì sau này không?” (Tom chính là tôi. Thỉnh thoảng bà nói với những người đối thoại ở ngôi thứ ba, bởi một thứ rụt rè tế nhị trước những đề tài nào đó).
Tôi thừa nhận rằng tôi đã nghĩ đến tương lai và đến điều mà tôi muốn trở thành, tuy nhiên tôi không thú nhận với cô tôi muốn trở thành một người viết tiểu thuyết.
--Cô nghĩ sao về nghề văn? trước tiên tôi bắt đầu hỏi.        
-- Đó là một nghề đẹp! Cháu thích viết gì?
-- Những cuốn tiểu thuyết, tôi đáp.
-- Cô chắc rằng sau này cháu sẽ viết được tiểu thuyết, cô Maud nhân từ nói, nhưng cháu không biết các nhà văn đôi khi rất khổ sở khi được nổi tiếng.
-- Cháu biết, tôi đáp lại vẻ nghĩ ngợi.
-- Có lẽ cháu có thể chọn một nghề khác để kiếm sống, và viết vào những lúc rảnh rỗi; cháu biết đấy, nhiều tiểu thuyết gia trẻ đều thế!
-- Làm ký giả, và viết những bản tin cho các tờ báo.
-- Có lẽ thế! Cháu cố gắng học nhiều ngoại ngữ để trở thành một thông tín viên nước ngoài.
Chúng tôi tiếp tục trao đổi các ý tưởng trừu tương và phần nào không tưởng cho đến lúc về đến nhà; chúng tôi thấy Bà Pierce, hiệu trưởng trường Ripley Court. Đó là một phụ nữ mạnh mẽ có vẻ hung hăng với những túi thịt thừa dưới hai mắt. Trong căn phòng mà bà đợi chúng tôi có treo những bức tranh của cha tôi; chắc hẳn bà mới xem chúng, đồng thời nghĩ đến đời sống lang thang và không ổn định của các nghệ sĩ, lúc đó cô Maud nói với bà cuộc nói chuyện của chúng tôi.
-- Nó sẽ là một kẻ mê nghệ thuật, như cha nó sao? Bà Pearce hỏi một cách nghiêm khắc, khi nhìn tôi với vẻ xúc phạm qua đôi mắt kính.
--Nó muốn trở thành ký giả, cô Maud dịu dàng đáp lại.
-- Những điều ngốc nghếch! Nó phải làm công việc thương mại và kiếm sống tốt. Mất thì giờ theo đuổi những ảo tưởng thật vô ích. Ngay từ bây giờ nó phải đưa vào đầu những ý tưởng hợp lý và chuẩn bị những hoàn cảnh chắc chắn. Này cậu bé, có nghe đấy chứ? Không có chuyện mê nghệ thuật đâu nhé!
Ở trường Ripley Court, tôi đã được đối xử như một trẻ mồ côi hoặc một loại vô thừa nhận, với sự thương hại và những quan tâm hoàn toàn đặc biệt nhưng thận trọng: con trai của một nghệ sĩ vừa học hai năm trong một trường học Pháp: ở điều quan trọng nhất là tình cảnh ấy có thể gợi lên nỗi ngờ vực của bà Pearce và các bạn bà. Và điều xấu nhất là tôi không biết một chữ La-tinh nào: làm gì với một đứa trẻ mười bốn tuổi chưa bao giờ mở cuốn văn phạm La-tinh nhỏ nhất!
Một lần nữa tôi phải chịu nhục ngồi vào chỗ cuối với những đứa bé để bắt đầu lại mọi sự.
Tuy nhiên khác nhau dường nào giữa một nơi hạnh phúc là Ripley và nhà tù của tôi ở trường trung học.
Đường vòng lớn viền màu xanh thẩm khu đất chơi môn cricket và dưới bóng mát của những cây du non là nơi chúng tôi chờ đến lượt chơi của mình; nhà ăn là nơi chúng tôi ngốn no nê bánh mì với bơ và mứt, trong khi có người đọc cho chúng tôi nghe những tác phẩm của Conan Doyle; dư dã và yên bình biết mấy sau những ngày sống ở Montauban!
Não trạng của các cậu học sinh Anh mặt đỏ và ngây thơ cũng rất khác: những con trai của các gia đình khá giả và yên bình vốn dễ chịu và sung sướng, được sự ngây thơ bảo vệ khỏi thế gian cho đến lúc họ vào trường cấp ba.

*&*

Ngày Chúa nhật, mặc những bộ đồ buồn cười bởi người Anh cho là tốt khi con cái họ ăn mặc khó coi, chúng tôi cùng đi đến nhà thờ của làng.
Hai gian bên của nhà thờ đầy những cậu trai mặc áo vét màu đen của vùng Eton, các cổ áo trắng tinh chẹt cổ chúng đến tận cằm khi chúng cúi mình xuống các cuốn thánh ca, đầu chúng chải bóng mượt.
Sau cuộc đi dạo dài trong ngày Chúa Nhật qua những đồng cỏ tươi tốt vùng Surrey, chúng tôi tụ họp trong nhà tập thể dục để hát những bài thánh thi và lắng nghe đọc cuốn Chuyến đi của Khách Hành Hương.     
Như thế chúng tôi có được một đức tin nào đó bởi việc cầu nguyện và suy gẫm; lần đầu tiên trong đời tôi, tôi thấy những người công khai quỳ gối trước khi ngủ, và đọc kinh trước các bữa ăn. Trong hai năm sau đó tôi hầu như sùng đạo, do đó hạnh phúc và bình an; dù rằng sự siêu nhiên không có vai trò lớn trong đời sống tôi, tôi tin chắc rằng ân sủng vô hình đã hoạt động trong linh hồn tôi.
Sau này hai năm ấy đã thể hiện “giai đoạn tôn giáo”, theo thuật ngữ của thế giới ngốc nghếch và báng bổ. Giai đoạn tôn giáo ư! Từ ngữ này với tôi giờ đây có vẻ khôi hài. Mọi người ít nhiều đều qua các giai đoạn ấy, nhưng phần lớn không đi xa hơn, như thể đời sống con người là một chuỗi các “giai đoạn” mà người ta phải chịu đựng một cách thụ động.
Nếu nhu cầu yêu mến Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật bởi phẩm giá của đời sống chúng ta chỉ là một nhiệt tình chóng qua và thuộc tình cảm thì đó là lỗi của chúng ta, vì chúng ta đã giản lược một bản năng thâm sâu, mạnh mẽ và bền bĩ, vốn có nguồn gốc và mục đích siêu nhiên làm nó chỉ còn là một ước muốn yếu ớt, thất thường và vô ích.
Trong những ngôi nhà thờ vui tươi có ánh nắng từ những cánh đồng xanh của nước Anh, trước những bữa ăn ngon, sự cầu nguyện xem ra hấp dẫn; vả lại đó là kết quả mà Giáo Hội Anh quốc nhắm đến. Đó không phải là sự thống nhất của học thuyết, cũng không phải là dây liên kết tâm linh kết hiệp những con người trong số đó có nhiều người không còn tin cả vào ân sủng lẫn các bí tích, nhưng chỉ còn tin vào sự hấp dẫn mạnh mẽ của truyền thống xã hội và sự gắn bó ương ngạnh của họ vào các thói quen. Sự hiện hữu của Giáo Hội Anh giáo gần như chỉ lệ thuộc vào tinh thần bảo thủ của giai cấp lãnh đạo Anh. Sức mạnh của nó không có gì là siêu nhiên; nó do các bản năng mạnh mẽ thuộc chủng tộc của các thành viên của đẳng cấp ấy: người Anh trung thành không lay chuyển với Giáo Hội của họ, như trung thành với vua và với trường học cũ của họ. Giáo Hội Anh giáo là một phần của một phức thể của những khuynh hướng thân thiết với những đồng ruộng nước Anh, những trang viên cổ, những căn nhà ở thôn quê, những trận đấu cricket những buổi chiều dài mùa hè, những chuyến dã ngoại trên sông Tamise, của bánh hạnh nhân, của thịt bò nướng, của những tẩu thuốc, của kịch câm ngày lễ giáng sinh, của báo Times; khi nghĩ đến hết thảy điều đó tâm hồn người Anh se thắt nhẹ nhàng.
Ảnh hưởng ấy khá mạnh để dập tắt điều siêu nhiên có thể có trong ước muốn cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa; do đó ân sủng được ban cho tôi suy yếu dần. Tôi chân thành sùng đạo bao lâu tôi còn ở trong bầu khí yên bình của nhà kính ấm áp ấy; nhưng tôi mau chóng nhận ra rằng, dưới những bề ngoài tình cảm, người Anh che giấu cùng một sự tàn nhẫn như người Pháp và lúc đó tôi đã bỏ đi những gì mà với tôi dường như chỉ là sự giả hình.
Tôi phải ở lại Ripley Court cho đến khi tôi học đủ tiếng La-tinh để có thể xin thi vào một trường cấp ba nào đó. Chú Ben với phẩm chất của một hiệu trưởng về hưu, phải chọn cho tôi trường đó. Vấn đề không phải là trường Harrow hay Winchester, cha tôi chỉ là một nghệ sĩ không gia sản, và những kỳ thi nhập học quá khó đối với tôi.
Vậy chú đã chọn một ngôi trường nhỏ vừa phải và thầm lặng ở Midlands, với những truyền thống và một quá khứ dài, Oakham. 

Thomas Merton
(la nuit privée d’ étoiles:
Marie Tadié dịch từ tiếng Anh qua tiếng Pháp)
Vĩnh An.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks