ngày tháng năm

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

5 năm nữa dân số Việt Nam bắt đầu già


Người già nên duy trì thói quen khám sức khỏe và kiểm tra cân nặng định kỳ. Ảnh: Nam Phương. 

Dự báo đến năm 2017, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chạm ngưỡng 10%, nước ta chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”. Đây là thách thức lớn và gánh nặng bệnh tật đang đè nặng lên sức khỏe người cao tuổi.



Thông tin được đưa ra tại lễ mítting hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới 7/4 do Bộ Y tế tổ chức.

Tiến sĩ Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng đồng thời cũng đang bước vào ngưỡng cửa của sự già hóa dân số với tốc độ nhanh. Dân số toàn quốc sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên số người trên 60 tuổi sẽ vượt quá số lượng trẻ dưới 14 tuổi vào năm 2032.

Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau. Đặc biệt, trung bình mỗi người cao tuổi có trên 2,6 bệnh. Chỉ có 6% người già Việt Nam thực sự sống khỏe.

Theo tiến sĩ Long, thực tế qua điều tra của ngành y tế thì có tới 95% người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Người cao tuổi Việt Nam đang chịu xu hướng bệnh tật kép do tuổi già (liên quan đến lão khoa) và thay đổi cuộc sống mới, từ xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao.

Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng điều quan trọng là cần nhìn nhận tuổi già không phải như thời kỳ giảm sút sức khỏe không thể tránh khỏi mà phải như là một cuộc sống năng động, ý nghĩa và hữu ích…

“Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng hệ thống y tế và xã hội cho sự biến đổi nhân khẩu học sắp tới. Nếu không chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự gia tăng số lượng người tàn tật và người cần có sự chăm sóc như mắc các bệnh đột quỵ, đái tháo đường, ung thư”, tiến sĩ Shin nói.

Bên cạnh đó theo ông cũng cần xua tan đi những định kiến tiêu cực và không chính xác về người cao tuổi như: yếu đuối, hay quên hoặc vô dụng. Những định kiến này thường không khuyến khích họ tham gia vào đời sống xã hội, chính trị, kinh tế… cho dù họ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm có thể cống hiến.

Cũng vì thế chủ đề Ngày sức khỏe thế giới năm nay được chọn là Có sức khỏe tốt sẽ giúp kéo dài thêm tuổi thọ. Mục đích kêu gọi ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cơ thể hằng ngày, phòng ngừa sự lão hóa ngay khi còn trẻ, người già thì sống khoa học để có thể sống vui, sống khỏe…, không là gánh nặng của xã hội.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở người cao tuổi các hoạt động chuyển hóa và dinh dưỡng có nhiều biến đổi. Nhu cầu năng lượng giảm đi khoảng 30% so với khi ở độ 20 tuổi, do đó người cao tuổi ăn ít hơn lúc còn trẻ. Nếu thấy ăn vẫn ngon miệng, ăn quá thừa thì sẽ mắc bệnh béo phì. Để hạn chế bệnh tật, người cao tuổi nên hạn chế ăn đường, bánh kẹo, uống nước ngọt. Thay vào đó dùng chất ngọt từ nguồn chất bột như cơm…, các chất ngọt này được tiêu hóa, hấp thụ dự trữ ở cơ thể và chỉ giải phóng ra từ từ đi vào máu theo nhu cầu hoạt động của cơ thể nên không làm tăng đường huyết đột ngột.

Người già nên ăn giảm thịt nhất là thịt mỡ, ăn thêm nhiều bữa cá và tăng sử dụng nhiều nguồn đạm thực vật như: đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua từ đậu nành các loại đậu đỗ, các nguồn đạm này ít gây thối rữa, có nhiều chất xơ, giúp thải cholesterol thừa. Bên cạnh đó, cần hạn chế căng thẳng, luyện tập thân thể, sinh hoạt điều độ, đảm bảo giấc ngủ, hạn chế kcalo trong khẩu phần ăn, giảm mỡ động vật, tăng cường dầu ăn thực vật, giảm muối, đường, ăn nhiều rau quả…

Phương Trang
vnexpress

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks