ngày tháng năm

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Sự khác biệt của Lời


Người Việt nam chúng ta có câu: “Lời nói gói vàng, lời nói đọi máu”. Ý rằng, cũng là lời nói, nhưng thông điệp, thần sắc của lời nói có thể mang những tác dụng khác nhau, thậm chí trái ngược. Lời Chúa hôm nay là một ví dụ sinh động, cho ta hình dung về những khía cạnh khác nhau trong bản chất, hiệu quả của lời nói.
Cũng như ngày hôm nay, con cái Giáo hội tập họp nhau tại nhà thờ vào các ngày Chúa nhật để lắng nghe lời Chúa và cử hành bí tích Thánh Thể, thì ngày xưa, trong ngày Sabat, dân Do Thái cũng tập họp nhau trong các hội đường, ở đó họ được nghe đọc và giảng giải Lời Chúa. Thế nhưng, lắm khi việc tập họp đó chỉ mang tính nghi thức, vì các bài chia sẻ của các kinh sư trở nên quá nhàm. Một sự nhàm chán có thể vì họ đã nghe các vị này giảng quá nhiều, nên dù hay mấy cũng thấy thường, nhưng cũng có thể vì các bài chia sẻ, giảng giải ấy không có hồn, không được thốt ra bằng những cảm nghiệm sống động của nội tâm bên trong. Cả hai điều này chúng ta ít nhiều đã có kinh nghiệm với một số vị chủ chăn ngay trong cộng đoàn chúng ta đang sống. Giữa lúc đó, Đức Giêsu xuất hiện. Ngài bước lên giảng đài, mở sách thánh, đọc một cách trịnh trọng. Tiếp đó là những lời giáo huấn được rút ra từ sứ điệp mà bài sách thánh ngày hôm đó chuyển tải. Tất cả mọi người kinh ngạc, trước là vì bài sách thánh mà họ vừa nghe, rõ ràng họ đã nghe rất nhiều lần, thậm chí nhiều vị cao niên đã thuộc làu làu. Ấy vậy mà hôm nay, nó được Đức Giêsu đọc lên, diễn nghĩa một cách quá sống động, và họ cảm thấy sửng sốt, tưởng chừng như mới vậy. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là giọng điệu mà Ngài dùng để truyền đạt cho các khán  thính giả của mình. Một giọng điệu hoàn toàn khác lạ: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Chúng ta không biết nội dung bài lời Chúa ngày hôm đó nói gì, nhưng có một điều chắc chắn, là nó được chuyển tải không phải bằng ngữ điệu, thần sắc nhàm chán, hời hợt, nhưng trái lại, nó toát lên vẻ uy nghiêm, chỉ thị, mang đầy tính giáo huấn đến nỗi người ta có cảm giác như đang nghe chính Thiên Chúa nói vậy.
Sự khác nhau căn bản ở đây hẳn không phải xuất phát từ mức độ am hiểu kinh thánh, vì hơn ai hết, các kinh sư là những người rất thông thạo thánh kinh. Như thế, vấn đề hẳn là phải đến từ mức độ thấm nhuần hay chúng ta thường nói là sống các giá trị của lời Chúa. Các kinh sư có thể rất hiểu thánh kinh nhưng cuộc sống của họ, nội tâm của họ lại không được các giá trị đó tưới gội.”Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài (Mt 23,5) Họ còn làm bộ đọc kinh lâu giờ cho người ta thấy mà khen. Đó, họ chỉ có cái mã bên ngoài còn trong lòng thì rỗng tuếch, chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, giữa điều họ nói và việc họ làm hoàn toàn khác nhau. Bởi điều này mà có lần Đức Giêsu đã căn dặn: Các luật sĩ và biệt phái ngồi trên tòa ông Maisen mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, các con hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo”(Mt 23,1-3). Đó là chưa kể đến việc họ lợi dụng, lạm dụng lời Chúa cho những mục đích riêng tư, dùng lời Chúa để tạo uy thế, để gia tăng khả năng áp chế của họ trên dân chúng. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì  lại không buồn động ngón tay vào”(Mt 23,4).
Một bài học thực hành cho những vị mục tử nói riêng và cho tất cả chúng ta nói chung. Chúng ta vẫn đọc, vẫn nghe lời Chúa, nhưng thay vì để lời Chúa đánh động, thấm nhập và chúng ta rập đời mình theo những hướng dẫn từ bên trong đó thì trái lại, chúng ta vội tìm những lý lẽ thế gian, viện dẫn khả năng suy luận của mình, để uốn lời Chúa theo tính cách, thói quen và những ước muốn của chúng ta, vốn rất dễ lệch lạc và vụ lợi. Đó là chưa kể đến việc chúng ta dùng lời Chúa vốn là điều kiện để đưa con người tới sự tự do, an bình, thì chúng ta lại dùng lời Chúa làm dây, làm kìm trói buộc, lên án, thậm chí kết tội nhau.
Lạy Chúa, vui trong lạc thú thế gian là tự trói buộc mình, là nô lệ của ma quỷ. Vậy lạy Chúa, nào có cách nào để tiễu trừ ma quỷ, dứt bỏ những luỵ tục cho bằng để cho lời Chúa trở thành mệnh lệnh duy nhất điều khiển ý nghĩ, hành vi, việc làm của chúng con. Xin cho con biết dành thời giờ đọc lời Chúa, để tâm lắng nghe lời Ngài và quan trọng hơn cả, là can đảm mang những huấn thị của Ngài vào trong đời sống của con. Những khi yếu đuối, xin cho con biết mở miệng cất lên lời cầu xin Ngài nâng đỡ.

Cecilia Yen

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks