ngày tháng năm

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

HÒA BÌNH CỦA CHÚA KITÔ PHỤC SINH


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - NĂM B
Cv 4,32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

Thánh Gioan chia sẻ các hình ảnh về một tạo thành mới trong trình thuật về việc Đức Giêsu hiện ra lần đầu tiên cho các tông đồ của Người vào chiều Chủ nhật Phục sinh. “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Điều này khiến ta nhớ lại câu truyện sáng tạo trong Sách Sáng thế: “…và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (1,2) và “…ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (2,7).

           
Mọi sự đã được làm mới. Đức Giêsu đã sống lại. Dường như đối với Thánh Gioan, điều quan trọng là cần cho thấy trước hết việc thiếu đức tin – thiếu niềm tin và rồi Đức Giêsu củng cố lòng tin của họ. Rất có thể điều quan trọng là, các thành viên của các Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cần được xem thấy sự tiến triển từ chỗ nghi ngờ và sợ sệt sang tin tưởng và vững tin.

Tất cả chúng ta đều chia sẻ giáo huấn này. Ta có “phúc” vì là “những người không thấy mà tin”.  

Vào đêm trước khi chết, Đức Giêsu ban cho các môn đệ của Người ơn bình an. Khi Người hiện ra trên lầu thượng, Người ban ơn bình an đó lần thứ hai và lần thứ ba. Người cũng ban cho họ ơn Đức Chúa Thánh Thần để họ cuối cùng có thể hiểu. 

Thánh Gioan bảo ta rằng tất cả những điều này đã được chép lại để giúp ta tin và để nhờ tin mà được sự sống – một sự thông phần vào sự sống mới của Người. Qua Phúc âm Thánh Gioan, ta ý thức được Giáo hội là một cộng đoàn yêu thương dựa trên ơn hòa bình và ra sức mưu cầu điều thiện hảo cho mọi người. Ta nhận chân được sự “viên mãn” của chúng ta với tư cách cá nhân và cộng đoàn là nhờ tình yêu cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Tình yêu này làm ta lành mạnh và mời gọi ta hãy giống như những con người của Giáo hội tiên khởi, dâng hiến đời mình cho công cuộc Phúc âm hóa, sống hòa hợp và cầu nguyện.

“Lời hứa hoà bình chạy dài suốt toàn bộ Cựu Ước được thực hiện trọn vẹn nơi chính con người Đức Giêsu. Thật vậy, hoà bình là thuộc tính Mêsia tuyệt hảo, trong đó bao gồm tất cả các hiệu quả sinh ích khác của sự cứu độ. Từ “shalom” tiếng Hipri, từ nguyên có nghĩa là “viên mãn”, diễn đạt khái niệm “hòa bình” theo ý nghĩa sung mãn của từ đó (x. Is 9,5tt; Mch 5,1-4). Vương quốc của Đấng Mêsia chính xác là vương quốc hoà bình (x. G 25,2; Tv 29,11; 37,11; 72,3.7; 85,9.11; 119; 125,5; 128,6; 147,14; Dc 8,10; Is 26,3.12; 32,17tt; 52,7; 54,10; 57,19; 60,17; 66,12; Ag 2,9; Zc 9,10…). Đức Giêsu là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người đã phá đổ bức tường thù nghịch chia rẽ dân chúng, hoà giải họ với Thiên Chúa (x. Ep 2,14-16). Với sự đơn sơ rất hiệu quả, Thánh Phaolô cho thấy lý do cơ bản thúc đẩy các Kitô hữu thực hiện một cuộc sống và một sứ mạng hoà bình.

Hôm trước ngày chịu chết, Đức Giêsu nói về mối quan hệ yêu thương của Người với Chúa Cha và sức mạnh thống nhất mà tình yêu này mang lại cho các môn đệ. Đây là bài diễn từ biệt ly  cho thấy ý nghĩa sâu xa của đời Người và có thể được coi là bản tóm tắt tất cả giáo huấn của Người. Ơn hoà bình chính là dấu ấn trên chúc thư thiêng liêng của Người: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em; Thầy không ban như thế gian ban tặng anh em” (Ga 14,27). Những lời của Chúa Sống Lại cũng không khác; mỗi khi Người gặp các môn đệ, họ đều nhận được từ Người lời chào và ơn bình an: “Chúc anh em bình an” (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26) (Sách Tóm lược HTXHGH, 491).

Trong Bài đọc thứ nhất, ta thấy tất cả các ơn hòa bình và yêu thương đều bám gốc trong cộng đoàn. Họ “chỉ có một lòng một ý”.  Họ (các môn đệ) đã trải qua những thử thách đầu tiên và đã chiến thắng những ai muốn làm im bặt Sứ điệp Phúc âm. Cộng đoàn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khi dân chúng càng ngày càng nghe lời rao giảng của các Tông đồ và chứng kiến đời sống cộng đoàn. 

“Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô làm trỗi dậy niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu rằng một chỗ ở mới và vĩnh cửu được chuẩn bị cho mọi người, một trái đất mới nơi công lý ngự trị (x. 2 Cr 5,1-2; 2 Pr 3,13). “Sau khi sự chết đã bị khuất phục, con cái Thiên Chúa sẽ được sống lại trong Đức Kitô, những gì đã gieo trong yếu đuối và băng hoại sẽ mặc lấy sự bất hoại: đức ái và các việc làm của đức ái sẽ tồn tại và toàn thể vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người sẽ được giải thoát khỏi kiếp phù vân”. Niềm hy vọng này, thay vì làm suy yếu, thì phải làm gia tăng mối quan tâm đến công việc cần làm trong thực tại hiện nay” (Sđd, 56).

Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm dịch



——————————-
Ghi chú:
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html
* Tiêu đề do người dịch đặt

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks