ngày tháng năm

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Yêu thế nào cho đúng?


Chúa Nhật tuần 4 Mùa Chay – B
(Ga 3, 14 -21)


Nói đến tình yêu, nhiều người ngại nói và sợ, thậm chí không dám yêu, vì người ta hiểu lầm về tình yêu và không giải nghĩa được tình yêu một cách trọn vẹn. Thấy các em nhỏ mới học lớp 1, lớp 2 viết thư nói yêu bạn trai hoặc bạn gái trong lớp, người ta ngăn cấm vì nghĩ rằng yêu là chuyện của người lớn. Nhiều người cao tuổi cũng không dám nói đến yêu vì sợ hiểu lầm có chuyện quan hệ thân xác. Thế rồi người ta nói đến tình thương thay cho tình yêu. Thương thì được, còn yêu thì không, nhất là với người tu hành!


Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tin vào tình yêu Thiên Chúa vì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin vào tình yêu ấy ta mới có thể sống trong niềm vui, hạnh phúc và hy vọng. Nhiều người Công giáo chúng ta đã nghe nói rất nhiều về yêu thương, về bác ái. Nhưng tình yêu là gì và yêu thương như thế nào? Có lẽ chúng ta nên dành ít phút này để ôn lại bài học cơ bản đó.

1. Làm sao giải nghĩa được tình yêu!

Yêu là một từ khó định nghĩa, dù rằng nó luôn được nhắc đến trong đời sống hằng ngày. Trong 4 cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam không thấy có từ tình yêu. Quả thật, trong ‎ý thức hệ duy vật và vô thần, tình yêu rất khó giải nghĩa. Có mổ trái tim hay bộ não để phân tích, các nhà khoa học cũng không thể nào tìm thấy vết tích của tình yêu. Vì thế, nhà thơ Xuân Diệu mới nhắc nhở chúng ta rằng:
Làm sao giải nghĩa được tình yêu,
có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
             bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử quả quyết rõ hơn rằng:
Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu!
Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu vì tình yêu thật sự bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: tình yêu là một tình cảm nồng nhiệt, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật mình yêu. Nghĩa thứ hai: tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ. Nhưng khi nói đến tình yêu người ta thường nghĩ ngay đến nghĩa thứ hai chứ không để ‎ý đến nghĩa quan trọng thứ nhất nhắc nhở chúng ta yêu là phải có trách nhiệm. Nhiều bạn trẻ yêu mà chẳng có trách nhiệm gì, cứ quan hệ gắn bó với nhau rồi mang thai, phá thai và bỏ nhau. Có lẽ vì nghĩa thứ hai này mà nhiều người Công giáo sợ không dám nói đến tình yêu. Trong cuốn Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010, người ta dùng tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung…, Trung tâm Mục vụ, 2011).

Nhưng tình thương khác với tình yêu. Tình thương, theo định nghĩa, là “có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm săn sóc cho người mình thương” như cha mẹ thương con cái; nhất là nó mang tính cách thương hại “vì cảm thấy đau đớn xót xa trong lòng trước một hoàn cảnh không may nào đó” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005). Khi đồng hoá tình yêu với tình thương, người ta làm nghèo ý nghĩa của tình yêu. Khi nói mình thương Thiên Chúa thì không biết Chúa có gặp cảnh ngộ không may nào không! Chúa thương chúng ta thì đúng vì chúng ta có những hoàn cảnh không may, nhưng chúng ta thương Chúa thì có lẽ chưa đúng lắm vì Chúa là Đấng hoàn hảo, giàu sang vô cùng, thánh thiện vô biên.

2. Yêu thế nào cho đúng?

ĐứcThánh Cha Bênêđictô XVI đã quan tâm rất nhiều đến tình yêu Thiên Chúa và giải nghĩa cho ta hiểu cần phải yêu thế nào cho xứng với tình yêu này. Trong thông điệp đầu tiên “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), gồm hai phần, ngài đã dành trọn phần thứ nhất (từ số 3 đến 15) để giải thích cho chúng ta về tình yêu.

Tình yêu, theo nghĩa tiếng La tinh có hai từ là amor (yêu theo nghĩa tự nhiên)  caritas (yêu theo nghĩa siêu nhiên, yêu rộng, bác ái,). Xét về nguồn gốc, tiếng Hy Lạp có ba từ diễn tả tình yêu: eros (tình ái), philia (tình bằng hữu)  agape (tình bác ái). Eros là tình yêu nhận về, là tình yêu nhắm vào những rung động thể xác, agape là tình yêu cho đi, hướng đến những hạnh phúc tinh thần. Nhiều khi chúng ta được giảng dạy chỉ nên có tình yêu vị tha, cho đi với những hạnh phúc tinh thần hơn là kiểu tình yêu chiếm hữu, nhận vào với những rung động thể xác.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta: con người là một thực tại duy nhất hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, và tình yêu là hoạt động của con người cũng chỉ là một thực tại duy nhất với những chiều kích khác nhau. Vào những thời điểm khác nhau thì chiều kích này có thể xuất hiện rõ hơn chiều kích khác. Nếu tách rời những chiều kích tình yêu, chúng ta chỉ làm nghèo nàn nó (số 8) và nó cũng không còn là tình yêu của con người.

Khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh mình, trao tình yêu cho con người là Ngài muốn cho con người thật sự yêu thương toàn diện và vô biên như Ngài. Con người được mời gọi mở ra cho những chiều kích mới mẻ của tình yêu mà Thánh Kinh đã diễn tả cho chúng ta (số 9-11), nhất là mời gọi chúng ta thể hiện tình yêu như Đức Kitô vì Đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu (số 12-15).

Trong mấy tuần Mùa Chay vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu những chiều kích của tình yêu con người với 4 lĩnh vực đó là thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể. Trong tuần thứ hai chúng ta nói đến 4 mối tương quan của con người: tình yêu đối với Thiên Chúa, với anh em, với vạn vật và với chính mình. Tuần thứ ba chúng ta đặc biệt quan tâm đến tình yêu đối với Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta được mời gọi để nhìn vào Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa để học bài học yêu thương của Người.

3. Yêu như thế nào cho hiệu quả?

Người Công giáo chúng ta được nghe nói nhiều về tình bác ái yêu thương, nhưng nhiều khi chúng ta hô hào yêu thương như một khẩu hiệu. Chúng ta được mời gọi để nhìn vào Đức Giêsu, tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, để biết yêu sao cho hiệu quả.

Muốn xây dựng nền văn minh tình yêu, chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa và để Thánh Thần Tình yêu biến đổi tình yêu tự nhiên của chúng ta thành tình yêu tuyệt đối, vĩnh hằng, vô biên của Người. Yêu là sống, không yêu là chết vì Thiên Chúa hằng sống cũng là Thiên Chúa tình yêu. Muốn sống dồi dào, mãnh liệt, vĩnh hằng, ta phải yêu như Đức Giêsu.

Con đường tình yêu này thật đơn giản nhưng khi thực hiện lại rất khó khăn vì mỗi người chúng ta là một thực thể vô cùng phức tạp và nhiệm mầu. Tình yêu không phải một thứ tình cảm mông lung xa vời nào đó mà là những hành động của con người cụ thể với các hoàn cảnh và yếu tố khác nhau. Sau khi công bố thông điệp đầu tiên, Đức Bênêđictô còn giải thích thêm để chúng ta biết yêu thương thế nào cho có hiệu quả, qua thông điệp thứ ba “Bác ái trong Chân l‎ý” - Caritas in Veritate: Tình yêu phải dựa trên sự thật là chính Đức Giêsu và trên sự thật của mỗi người trong từng hoàn cảnh khác nhau của đời sống.

Vì thế, không phải chúng ta áp dụng chung một khẩu hiệu yêu thương cho cả tỷ người Công giáo, mà cần phải nhìn vào con người cụ thể của mình. Con người này gồm nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là di sản văn hoá do ông bà tổ tiên để lại mà người Việt Nam chúng ta đang có. Người Việt Nam yêu khác người Anh, Pháp, Mỹ vì di sản của bốn ngàn năm để lại cho chúng ta khác với di sản của họ.

Sống trong 11 thế kỷ đô hộ của người Trung Hoa, chúng ta luôn thù ghét, đề phòng người khác, dù bề ngoài lúc nào cũng tươi cười. Điều này đã ăn sâu vào trong cấu trúc tâm l‎ý văn hoá của người Việt Nam nên chúng ta khó yêu thương thật lòng. Trong dòng lịch sử, từ năm 938-1975, rất nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều cuộc nội chiến tương tàn giữa chúa Trịnh – chúa Nguyễn, giữa tư bản và cộng sản… khiến người Việt Nam chúng ta thường giữ lòng thù hận chứ không phải yêu thương. Đó là nói chung về người Việt Nam.

Đồng thời, mỗi người Việt Nam, trong từng hoàn cảnh khác nhau, cũng yêu thương khác nhau: người sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đầy đủ sẽ yêu khác với người bị mất cha, mất mẹ hoặc cha mẹ ly dị… Có khi vì không được yêu thương hay bị phản bội nên họ luôn nghi ngờ tình yêu, luôn thù ghét người khác. Vì thế, họ rất cần ý thức về chính mình với những đặc điểm trong cá tính của mình để thực tập bài học yêu thương như Chúa Giêsu.

Rồi nhờ Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, ta mới thay đổi được tình yêu của mình. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay (x. Ep 2,4-10) đã nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Giêsu Kitô để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. “Đây không phải bởi sức chúng ta mà là một ân huệ của Thiên Chúa”.

Kết luận

Hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa Cha đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta, để chúng ta noi gương những bài học yêu thương của Chúa Giêsu, từ đó chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân tình yêu cho dân tộc và nhân loại hôm nay./.

Hành Khất Kitô
(Liêu Thảo sưu tầm) 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks