ngày tháng năm

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Nối vòng tay Lòng Chúa Thương Xót


VIỆT NAM – Tại nhà hành hương của Tòa TGM Saigon ngay bên chân núi Đức Mẹ Bãi Dâu, ngày 21 và 22-3-2012, đã diễn ra buổi tĩnh tâm Mùa Chay và họp mặt của đại diện các cộng đoàn LCTX liên giáo phận.

Các tham dự viên là 100 người, trong đó gồm 10 cha linh hướng và các ban chấp hành các CĐ LCTX của tổng giáo phận Saigon, Huế, Ban Mê Thuột, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bùi Chu và Thánh Hóa.
Mở đầu là huấn từ khai mạc của LM G.B. Võ Văn Ánh, tổng linh hướng CĐ LCTX tổng giáo phận Saigon. Ngài nói rằng CĐ LCTX tự phát từ giáo dân, và rồi đã có bản kinh LCTX được imprimatur của ĐGM Phêrô Trần Đình Tứ, GP Phú Cường, chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGM Việt Nam. LM Ánh nói rằng có một số linh mục chưa hiểu nên đã cấm, nhưng thực ra Chuỗi LCTX có nền tảng thần học vững chắc chứ không theo tình cảm cá nhân.
Ngài còn nói đến 3 điểm cốt lõi của LCTX, có thể gọi là “chiếc kiềng LCTX” hoặc “tam giác LCTX”. Để dễ nhớ có thể gọi tắt là 3 chữ T. Đó là: Thỉnh cầu, Thực thi và Tín thác.
Thỉnh cầu là cầu nguyện với LCTX, dù là cầu nguyện chung hay riêng. Thực thi là thực hành LCTX, ở đâu có đau khổ thì ở đó có LTX, chúng ta đã được Chúa thương xót rồi thì phải thể hiện LTX đối với tha nhân. Tín thác là tin tưởng vào LCTX, dù tội lỗi đến đâu thì cũng đừng mất lòng trông cậy: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Ai càng tội lỗi thì càng đáng hưởng nhờ LCTX, vì chính Chúa Giêsu đã bỏ 99 con chiên “ngoan” mà đi tìm 1 con chiên lạc (x. MT 18:12-14; Lc 15:4-7).
Đây là dịp “nối vòng tay LCTX” lần đầu tiên mang tính toàn quốc, và đặc biệt là lần này 10 linh mục đã cùng làm Thỉnh Nguyện Thư gởi ĐHY và các ĐGM để xin HĐGM phê chuẩn CĐ LCTX trong kỳ họp lần tới của HĐGM Việt Nam.
Trong 2 ngày làm việc, các đại diện các giáo phận nói về hoạt động của CĐ LCTX tại nơi mình sinh hoạt, sau đó các tham dự viên được chia thành 4 nhóm để thảo luận 2 câu hỏi:
1. Qua trình bày của các giáo phận, ghi nhận những điểm tích cực nào cần giữ, những điểm nào cần sửa?
2. Việc hợp nhất CĐ LCTX liên giáo phận có cần không? Hợp nhất thế nào?
Ngày nay, LCTX càng cần hơn bao giờ hết, vì mối nguy hiểm của thời đại chúng ta là “mất ý thức tội lỗi”, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Càng nguy hiểm hơn là có những người vẫn ý thức tội lỗi nhưng lại ngã lòng trông cậy, không tin tưởng vào LCTX.
Chúng ta biết rằng Sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót đã được Chúa Giêsu trao phó, vậy mà chính Giáo hội cũng đã từng “nghi ngờ” và cho rằng thánh nữ Faustina (1905-1938) có vấn đề về tâm thần, vì chính thánh nữ là người không được học bao nhiêu, nhưng thánh nữ “dốt” chữ chứ không “dốt” yêu thương. Mãi đến năm 1978, sau khi nhận lãnh trọng trách “chăn dắt chiên mẹ và chiên con”, Chân phước GH Gioan-Phaolô II (Karol Józef Wojtyła, 18.5.1920 – 2.4.2005) mới “giải oan” cho thánh nữ và chính thức loan truyền LCTX, đồng thời công bố Chúa nhật II PS là lễ mừng kính LCTX, đặc biệt là chính Chân phước GH Gioan-Phaolô II cũng đã ban hành Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương (Dives in Misericordia) ngay sau khi vừa nhận lãnh sứ vụ Giáo hoàng và cũng là thông điệp đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của ngài. Và rất có thể Giáo hội sẽ tấn phong tước vị Tiến sĩ Giáo hội cho Thánh Faustina.
Người có công đầu tiên truyền bá LCTX chính là Lm Micae Sopocko (Ba Lan), linh mục giải tội cho thánh nữ Faustina. Ngài là một linh mục nhiệt thành, sống tâm linh, hạnh phúc với sứ vụ mục tử, nhưng chính linh mục này mới đầu cũng “nghi ngờ” thánh nữ Faustina bị tâm thần. Nhưng từ năm 1933, khi được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Dòng Nữ tử Đức Mẹ Từ Bi (Sisters of Our Lady of Mercy) ở Vilnius, nay là Lithuania, LM Micae Sopocko đã “thay đổi hoàn toàn”.
Sau mỗi chục Kinh Mân Côi, Giáo hội có lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Như vậy, Giáo hội đã “nhắc nhớ” tới LCTX từ lâu rồi, nhưng đôi khi có mấy ai lưu ý! Trong mỗi thánh lễ, chúng ta cũng luôn kêu cầu Chúa thương xót chúng ta nhiều lần (Kinh Thú Nhận, Kinh Thương Xót, Kinh Chiên Thiên Chúa). Và còn nhiều lần khác trong ngày nữa…
Chúng ta biết rằng ngay cả việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng chỉ có từ thế kỷ 11, nhưng mãi đến thế kỷ 16, đó vẫn là lòng sùng kính riêng tư, thường liên kết với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của Lm Gioan Eudes (1602-1680). Tại Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan rộng, nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1690) mà lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.
Thiên Chúa là Vị-Thẩm-Phán-Nhân-Hậu và mệnh danh là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 & 16). Nói đến Tình Yêu Thiên Chúa hay Thánh Tâm Chúa, hoặc Lòng Chúa Thương Xót, đó cũng vẫn là MỘT. Không Yêu thì không có Trái Tim, có Trái Tim thì ít nhiều phải biết Yêu (dù yêu kiểu nào), ngay cả người tâm thần vẫn biết yêu (ở mức độ nào đó). Máu còn chảy là tim còn đập, tim còn đập là còn yêu, người sống thực vật vẫn biết Yêu dù họ không thể nói ra, mà yêu theo “kiểu” Chúa Giêsu tức là Lòng Thương Xót. Tình yêu hay Lòng Thương Xót, hoặc lòng trắc ẩn, luôn khó hiểu. Thiên Chúa kỳ diệu vì Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8 & 16). Đặc biệt nhất là Chúa Giêsu thể hiện Tình Yêu Thương (tức là Lòng Chúa Thương Xót) bằng một phương thức “độc nhất vô nhị” là lập Bí tích Thánh Thể, thật không còn cách nào “độc chiêu” hơn, để có thể luôn ở bên những người mà Ngài yêu thương – đó là chính tội nhân chúng ta.
Nhưng trước khi chúng ta được đón rước Thánh Thể để được hòa tan trong Thiên Chúa, chúng ta phải xứng đáng tiếp rước một Vị Đại Thánh (dù chỉ là tương đối), nghĩa là phải sạch tội trọng. Muốn vậy, chúng ta phải giao hòa với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải. Một tội nhân hoàn toàn bất xứng, thậm chí chúng ta đều bị án tử, nhưng được Thiên Chúa xóa hết “nợ đời”, cho trắng án, hoàn toàn tha bổng, để chúng ta được trở nên thân thiết với Thiên Chúa. Về phần đời, việc Ngài làm như vậy sẽ bị coi là dại dột, là ngu xuẩn, làm sao con người có thể hiểu hết Ngài yêu thương chúng ta đến mức nào?
Đó là cả một chuỗi LCTX: Thiên Chúa không yêu thương chúng ta, làm sao có thể hòa giải? Không hòa giải làm sao tha thứ? Ngài không tha thứ, làm sao chúng ta xứng đáng tiếp rước Thánh Thể? Nói chung, Tình Yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa, Bí tích Hòa giải, Bí tích Thánh Thể đều bắt nguồn từ Lòng Chúa Thương Xót. Cả cuộc đời chúng ta sống trong một chuỗi LCTX.
Đáng lẽ chúng ta, những tội nhân, phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã phạm những tội quá kinh khiếp và tái phạm quá nhiều lần, tiếp tay với Giuđa và ăn chia với ma quỷ, đồng thời lại “rửa tay” như Philatô, nhưng Thiên Chúa đã bắt chính Con Yêu Dấu là Chúa Giêsu “phải” chịu hình phạt là chết thay cho chúng ta. Chúa Giêsu biết mình bị hàm oan nhưng Ngài hết lòng tuân phục Cha nên vui nhận cái chết nhục nhã ê chề nhất: “Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, trong khi vì chúng ta mà chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3:13). Thế nhưng Ngài vẫn không chấp tội chúng ta, thông cảm sự yếu đuối mà cho là chúng ta “lầm”, sẵn sàng tha thứ ngay cả khi chúng ta chưa xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
LCTX luôn lớn hơn tội lỗi của cả thế giới. Chắc chắn như vậy, vì dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (hoặc Đứa Con Hoang Đàng) là bằng chứng hùng hồn về LCTX (x. Lc 15:11-31), chúng ta không được ngã lòng. Đồng thời mỗi người có nhiệm vụ phải chuyển LCTX tới mọi người khác.
LCTX là việc đạo đức thánh thiện của mọi người, không riêng gì ai, và ai cũng có trách nhiệm rao truyền LCTX. Nhưng không ai được phép “quảng cáo” LCTX theo cách dị đoan hoặc trục lợi. Ngày nay cần nhân chứng hơn thầy dạy, vì thể hiện bằng hành động là cách “nói” nhiều và tác động mạnh hơn hết, khả dĩ hoán cải chính mình và thế giới.
Có 3 cách thể hiện LCTX với tha nhân: (1) Làm việc thương xót dưới mọi hình thức; (2) Nếu không thể làm việc thương xót thì nói lời thương xót, nghĩa là giúp người khác bằng lời động viên, khích lệ; (3) Nếu không thể tỏ LTX qua việc làm hoặc lời nói thì cầu nguyện, vì lời cầu có thể đến được những nơi chúng ta không thể đến được. Như vậy thì không có gì khó đối với bất kỳ ai.



Nếu hoàn cảnh không cho phép, chúng ta có thể hướng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu lúc 3 giờ chiều mỗi ngày và nguyện tắt: “Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn thương xót chúng con. Con tín thác vào Chúa”. Điều này chắc hẳn không gì khó thực hiện. Trong lúc đang làm việc hoặc chạy xe trên đường, bạn cũng vẫn có thể liên tục thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”, và cầu nguyện: “Vì cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Việc đơn giản nhưng lại rất ích lợi cho chính mình. Quả là “một vốn nhiều lời” vậy!


LCTX có từ thuở khai thiên lập địa, sách Sáng thế dẫn chứng:
– Này, tôi tớ ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ lòng thương lớn lao của ngài đối với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ đuổi kịp, và tôi chết mất! (St 19:19).
– Ông Gia-cóp nói: “Không đâu! Nếu tôi được đẹp lòng ngài, thì xin Ngài nhận tặng phẩm tự tay tôi biếu. Thật vậy, tôi đã nhìn thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ lòng thương đối với tôi” (St 33:10).
– Xin Thiên Chúa toàn năng làm cho ông ấy chạnh lòng thương các con, mà để cho người anh em kia và Ben-gia-min cùng về với các con. Còn cha, nếu phải mất con, thì cha đành chịu mất vậy! (St 43:14).
LÒNG THƯƠNG đó chính là Tình yêu, là LTX. Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4:8), như vậy Thiên Chúa cũng chính là LTX.
Thật đáng lưu ý lời Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Vào lúc 3 giờ chiều, hãy khẩn cầu LTX của Ta cho các tội nhân cách riêng, và nếu có thể trong giây lát, con hãy trầm mình vào cuộc khổ nạn của Ta, đặc biệt lúc Ta bị bỏ rơi trong cơn hấp hối. Đây là giờ điểm LTX vĩ đại nhất đối với thế giới. Trong giờ này, Ta sẽ chẳng từ chối bất cứ điều gì với các linh hồn kêu van Ta, nhân danh cuộc tử nạn của Ta”.
Thiên Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời (Tv 146:6). Chắc chắn lời Ngài đã hứa không bao giờ sai! Và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118; 136).
Chiều ngày 22-3-2012, mọi người chia tay nhau trong niềm vui thánh đức và tràn ngập hồng ân của LCTX. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp, hy vọng sẽ tiếp tục có những dịp “nối vòng tay LCTX” như vậy để tăng thêm sự hiệp nhất trong Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa hơn trong từng ngôn ngữ, cử chỉ và động thái. Nguyện xin cho việc sùng kính LCTX được công nhận và lan rộng khắp nước Việt Nam cũng như toàn thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


All Rights Reserved ®

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks