TÓM TẮT CHƯƠNG BỐN
“CÁC NGUYÊN TẮC CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”
I. Ý nghĩa và sự thống nhất (160-163)
Tôi hân hạnh tóm tắt Chương Bốn của sách Tóm lược, chương này tập trung vào
“các Nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội”. Chương bắt đầu bằng cách
xem xét “Ý nghĩa và sự thống nhất” của học thuyết xã hội của Giáo hội.
Ta được nhắc rằng rằng “các nguyên tắc trường tồn của học
thuyết xã hội của Giáo hội cấu thành chính trọng tâm của Giáo huấn xã hội Công
giáo”. Những nguyên tắc này là: “phẩm giá con người” là “nền tảng cho tất cả
các nguyên tắc khác” (được trình bày trong chương trước), công ích; bổ
trợ; và liên đới.
Những nguyên tắc này đề cập đến “thực tại của xã hội trong
tính toàn bộ của nó” và chương này nhấn mạnh “thể thống nhất, tính quan hệ và
liên kết mạch lạc với nhau của những nguyên tắc đó”. Chiều sâu luân lý của
những nguyên tắc này là ở chỗ tham chiếu những nguyên tắc đó về vai trò của
chúng với tư cách là “sự phát biểu hàng đầu về sự thật của xã hội” và là “các
nền tảng tối hậu mang tính tổ chức của sinh hoạt xã hội”.
Nguyên tắc Công ích
Ý nghĩa và những hệ luận hàng đầu (164-165)
Ta bắt đầu với nguyên tắc công ích. Nguyên tắc công ích bắt
nguồn từ “phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của mọi người”. Như Hội đồng
thuật lại, “công ích, thật vậy, có thể hiểu là khía cạnh xã hội và cộng đồng
của điều thiện hảo về luân lý”. Đây là một nhắc nhở rằng chúng ta không thể
sống chính cho mình, mà phải sống cuộc đời của mình chung với cuộc sống của
những người khác, trong gia đình, thành phố, vùng miền, các dân tộc và quốc
gia, và như vậy, chúng ta không những chỉ sống “với” mà còn sống “cho” người
khác.
Trách nhiệm vì công ích của mọi người (166-167)
Yêu cầu của công ích đối với đời sống cá nhân của chúng ta
thay đổi. Các điều kiện xã hội, các chiều kích văn hóa, và các thời kỳ lịch sử
khác nhau khẳng định các quyền cơ bản theo những phương cách khác nhau. Nhưng
một số đòi hỏi dường như vượt qua các khác biệt này, và những điều này bao gồm
việc dấn thân cho hòa bình, tổ chức công bằng quyền lực Nhà nước, một hệ thống
tư pháp lành mạnh, việc bảo vệ môi trường, và việc cung cấp những gì là thiết yếu
mà tất cả mọi người đều cần để sống còn và phát triển – thực phẩm, nhà cửa,
công việc, giáo dục, văn hóa, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe, tự do tư tưởng và
tự do tôn giáo. Điều này có nghĩa là việc theo đuổi công ích phải thách thức
việc phân phối bất bình đẳng các hàng hóa cơ bản, phải theo đuổi một sự phân
phối hàng hóa công bằng hơn nhân danh công ích.
Vì chính Nhà nước phục vụ với tính cách là công cụ theo đuổi
công ích, việc cung cấp các nhân tố này trở nên công việc của cộng đồng chính
trị. Mục đích của các tổ chức chính trị là cung cấp cho dân chúng các thiện ích
cần thiết về vật chất, văn hóa và tinh thần. Điều này có nghĩa là chính phủ tại
mỗi nước hoặc dân tộc phải hướng đến một sự hài hòa giữa điều gì là tốt cho một
nhóm giới hạn nào đó và điều gì là tốt cho dân chúng xét như một tổng
thể. Thế nhưng việc theo đuổi công ích không thể chỉ bị giới hạn vào sinh
hoạt chính trị, vì chính trị có cứu cánh của nó nơi Thiên Chúa. Hội đồng nói
rõ: “công ích của xã hội tự bản thân không phải là cứu cánh; nó chỉ có giá trị
khi quy chiếu đến việc đạt đến các cứu cánh tối hậu của con người và công ích
phổ quát của toàn thể tạo thành”.
Quyền chung hưởng của cải (171-184)
Chính vì công ích mà chúng ta có thể công nhận rõ ràng tầm
quan trọng của của cải và việc phân phối của cải. Bởi vì nguồn gốc tối hậu của
mọi của cải là Thiên Chúa, của cải phải dành cho tất cả mọi người chứ không
phải dành riêng cho một nhóm nhỏ nào. Được ban cho chúng ta để tất cả mọi người
sử dụng, ta phải tiếp tục phân phối của cải của trái đất này cho tất cả mọi
người. Quyền chung nhau sử dụng của cải trái đất dựa trên quan niệm này, của
cải là chung cho mọi người hưởng dùng. Quan niệm này quan trọng cho đến nỗi Hội
đồng có thể nói rõ: “quyền dùng chung của cải là ‘nguyên tắc đầu tiên của toàn
bộ trật tự đạo đức và xã hội’”. Khi ta áp dụng nguyên tắc này, ta phải xem xét
việc phân phối của cải, nhưng ta phải làm điều này mà không sao lãng sự kiện
tất cả mọi của cải đều xuất phát từ Thiên Chúa.
Điều này đem chúng ta đến sự xem xét vị trí của quyền tư
hữu. Con người được ban quyền thống trị thế giới, “biến trái đất thành của
mình”. Đây là nguồn gốc quyền tư hữu, mà Giáo hội xem là một “yếu tố căn bản
của chính sách kinh tế thực sự mang tính xã hội và dân chủ” và “bảo đảm của
toàn bộ trật tự xã hội đúng đắn”. Công nhận quyền làm chủ tối hậu của Thiên
Chúa và các hàm ý của quyền đó, Giáo hội chuẩn thuận quyền tư hữu nhưng cũng
công nhận nhu cầu điều chỉnh quyền đó.
Điều này có nghĩa là, chẳng hạn, các vật liệu thay vì để
không thì có thể được đem ra phục vụ theo nhu cầu của xã hội. Điều này có thể
áp dụng vào việc phân phối công bằng đất đai. Nhưng có lẽ quen thuộc nhất trong
điều được gọi là ưu tiên lựa chọn người nghèo. Bởi vì, trong Mátthêu 25,31-46
có viết rằng “người nghèo vẫn được ký thác cho chúng ta và chúng ta sẽ bị xét
xử trong ngày tận thế”, ta có trách nhiệm đặc biệt chăm lo các nhu cầu của
người nghèo và tránh việc yêu tiền bạc sự giàu sang một cách vô độ.
Nguyên tắc bổ trợ (185-188)
Một phương cách trong đó giáo huấn xã hội của Giáo hội đã
được sống là bằng cách thực thi nguyên tắc bổ trợ. Có mặt kể từ thông điệp xã
hội đầu tiên, Rerum Novarum (1892), bổ trợ chống lại sự tập trung và thói
quan liêu của chính phủ và lãnh đạo vốn quá quen thuộc với chúng ta. Nói một
cách đơn giản, bổ trợ nghĩa là “mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái
độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) – tức là hỗ trợ, thăng tiến, và phát
triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn”.
Nguyên tắc này bảo vệ chúng ta khỏi việc bị sự lạm quyền bởi
các giới chức xã hội cấp trên thuộc chính phủ hoặc chính quyền. Theo nguyên tắc
bổ trợ, cấp ra quyết định cần phải gần với những ai chịu tác động của những
quyết định đó. Đúng ra, không phải lợi ích của những người có quyền lực mà là
“tầm quan trọng hàng đầu của con người và cách thức diễn tả điều ấy trong xã
hội, vẫn phải là tiêu chí để ra những quyết định có liên quan đến việc áp dụng
nguyên tắc bổ trợ”. Khi được áp dụng, nguyên tắc bổ trợ làm phát sinh nguyên
tắc kế tiếp của học thuyết xã hội, là tham gia.
Tham gia (189-191)
Nguyên tắc tham gia nghĩa là công dân, “với tư cách cá nhân
hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện, đóng góp vào
sinh hoạt văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự” mà mình
thuộc về. Ta không thể ủng hộ các xã hội cấp dưới nếu họ không thể hoặc không
muốn tham gia vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Đây là một
cột trụ của sinh hoạt dân chủ và một bảo đảm cho hệ thống dân chủ. Trong những
chế độ toàn trị hoặc độc tài, nguyên tắc này bị vi phạm ngay, nhưng trong nhiều
hoàn cảnh khác, việc công dân không tham gia làm phát sinh hậu quả là trong
thực tế người ta chối từ tham gia và không thể tiến hành nguyên tắc bổ trợ được.
Nguyên tắc liên đới (192-196)
Tham gia cũng là đòi hỏi của nguyên tắc xã hội kế tiếp,
nguyên tắc liên đới, nguyên tắc này nhấn mạnh “mối quan hệ lệ thuộc nhau giữa
các cá nhân và các dân tộc” được tìm thấy ở mọi cấp độ. Sự gia tăng liên tục về
tính lệ thuộc lẫn nhau có nghĩa là chúng ta phải mưu tìm một sự liên đới luân
lý-xã hội với tư cách là một nhân đức luân lý giúp chúng ta thay thế “các cấu
trúc của tội” bằng “các cấu trúc của liên đới”. Có những quan hệ mạnh mẽ giữa
liên đới và các nguyên tắc khác của giáo huấn xã hội. Các nguyên tắc này tìm
thấy gốc rễ của mình trong sứ điệp của Đức Giêsu Kitô, và liên đới mặc lấy các
chiều kích tha thứ và hòa giải, yêu mến người lận cận và sẵn sàng hy sinh vì
họ.
Các giá trị cơ bản của cuộc sống xã hội (197-203)
Ngoài các nguyên tắc này, Giáo huấn xã hội Công giáo dựa
trên các giá trị cơ bản. Các nguyên tắc và các giá trị có một mối liên hệ hỗ
tương và giá trị, các thái độ và hành động luân lý đáp ứng lại các giá trị và
nguyên tắc này. Trước hết trong số các giá trị này là Chân lý, và “bẩn phận cụ
thể là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật
một cách có trách nhiệm”. Thứ hai trong các giá trị này là Tự do, là dấu chỉ
cao cả nhất nơi con người “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó,
cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người”.
Thông qua tự do mọi con người đều được phép theo đuổi ơn gọi
cá nhân của mình và tìm kiếm chân lý. Giá trị thứ ba là Công lý, Công bằng.
Công lý “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và
tha nhân” và được thực hành không phải chỉ qua công bằng giao hoán, phân phối
và pháp lý, nhưng còn gia tăng qua việc theo đuổi công bằng xã hội. Nhưng ngay
cả Công lý tự và trong bản thân là không đủ, bởi vì nó phải được đặt nền tảng
trong sức mạnh tình yêu sâu xa hơn.
Con đường tình yêu (204-208)
Việc tóm lược các nguyên tắc học thuyết xã hội của Giáo hội
sẽ không hoàn tất nếu không công nhận vị trí của tình yêu. Như Hội đồng nói:
“chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa mà các giá trị sự thật, tự do và công lý
được khai sinh và phát triển”. Như Hội đồng nhắc chúng ta, “tình yêu vừa giả
thiết có công lý vừa vượt lên trên công lý” có thể “làm sinh động và định hình
cho sự tương tác trong xã hội” và đem lại và định hình cho công ích. Hội đồng
kết thúc bằng sứ điệp tình yêu quan trọng này, biết rằng mọi điều thiện hảo đều
bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta tìm thấy thành quả tối hậu của
mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Hội đồng viết: “Chắc chắn đây là một
hành vi yêu thương, một việc làm tỏ lòng thương xót, nhờ đó người ta có thể đáp
ứng ngay lúc này và tại đây một nhu cầu thực sự và cấp bách của người thân cận,
nhưng đây cũng là một hành vi yêu thương rất cần thiết nhằm tổ chức và xây dựng
xã hội…..”. Đây, về mặt bản chất mà nói, chính là học thuyết xã hội của Giáo
hội.
Lynn Bridgers
Thần học gia và Tác giả, New Mexico
Thần học gia và Tác giả, New Mexico
Đan Quang Tâm dịch