TÓM TẮT CHƯƠNG BA
“CON
NGƯỜI VÀ NHÂN QUYỀN“
Chương Ba của sách Tóm lược tóm tắt phần giáo huấn của Học thuyết Xã hội Công giáo về con người, xem con người là nguyên tắc trung tâm của học thuyết. Giáo huấn này đang khẩn thiết ngỏ lời với chúng ta ngày hôm nay, bởi vì biết bao bất công xã hội vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày.
Chương này khai mở bằng cách
nói rằng “Giáo hội nhìn thấy nơi mỗi
một người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của Thiên Chúa”. “Hình ảnh Thiên Chúa” (Imago Dei) này được mặc
khải trọn vẹn trong mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, “qua sự nhập thể của mình đã tự
kết hợp một cách nào đó với mỗi người”. Do đó, Giáo hội cố gắng “là người đi
tiên phong trên con đường của con người” và “mời gọi mọi người hãy nhìn nhận
nơi mọi người… nhất là nơi người nghèo và người đau khổ… một người anh chị em
‘mà Đức Kitô đã chết cho’” (1 Cr 8,11; Rm 14,15).
“Toàn bộ Học thuyết Xã hội của
Giáo hội… triển khai từ nguyên tắc khẳng định phẩm giá bất khả xâm phạm của con
người”. “Con người… luôn luôn phải là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu” của
xã hội loài người. Bởi thế Giáo hội “bảo vệ nhân phẩm” và tố cáo “các sự vi
phạm nhân quyền”.
II.
Con người là “Hình ảnh Thiên Chúa” (Imago Dei) (108-123)
Tạo
dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (108-114)
“Thông điệp căn bản của
Kinh Thánh công bố rằng con người là một thụ tạo của Thiên Chúa”, “được
tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”, là “nam và nữ”, có vị trí đứng tại “trung tâm và chóp đỉnh” của
thế giới được tạo dựng, và có khả năng suy nghĩ, yêu mến, và tự do kết ước với
tha nhân.
Con người cũng có thể ký kết
“một giao ước đức tin và tình yêu với Đấng Tạo hóa”. Giáo hội tuyên bố rằng
“Mối quan hệ này với Thiên Chúa có thể bị lơ là, thậm chí bị quên hay gạt sang
một bên, nhưng không bao giờ có thể bị loại bỏ hẳn”. Mục đích của đời người là
liên tục tìm kiếm và kết ước với Thiên Chúa. Thật vậy, con người, một hữu thể
xã hội tự bản chất, tìm thấy “sự sống và sự tự thể hiện bản thân chỉ trong việc
chung sống với những người khác”, “hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên”.
“Con người không phải là một hữu thể cô độc”, nhưng giống với
Thiên Chúa, con người là một “hữu thể xã hội”. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng
con người cả nam lẫn nữ, và tạo dựng cả hai theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do
đó, cả “nam lẫn nữ đều có phẩm giá như nhau và có giá trị ngang nhau”. Hơn nữa,
qua việc chủ động hiến thân cho nhau, họ tự thể hiện bản thân qua sự chung sống
và tham dự vào hành vi sáng tạo của Thiên Chúa bằng cách sản sinh ra sự sống
mới.
Ngoài ra, “người nam và người
nữ sống trong tương quan với tha nhân” và họ thậm chí đã được “ký thác” để sống
với tha nhân. Sau trận Đại Hồng thủy, sứ điệp của Thiên Chúa cho Nôê hàm ý rằng
“sự sống của mọi người phải được xem là thánh thiêng và bất khả xâm phạm”. Điều
răn thứ năm sau này bảo ta: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17).
Cuối cùng, Đức Giêsu nhắc lại sứ điệp của sách Lêvi (19,18) khi Người tuyên bố:
“Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc
10,27-28).
Con người còn có tương quan và
trách nhiệm với những tạo vật khác thuộc thế giới thiên nhiên, mà họ được kêu
gọi “phục vụ” với “trách nhiệm”. Dù cho, theo sách Tóm lược, con
người có thống trị trên thiên nhiên và muôn loài, thì con người cũng phải tránh
“việc khai thác tùy tiện và ích kỷ” bởi vì “Toàn thể tạo thành thực ra
đều có giá trị và ‘tốt đẹp’ trước mặt Thiên Chúa, tác giả của chúng”.
Con người cũng cần quan tâm đến
đời sống tâm linh nội tâm, đây là điểm tách biệt họ với các tạo vật khác của
Thiên Chúa. Cả lý trí lẫn ý chí tự do sẽ là “các quan năng tinh thần thuộc về
con người một cách xứng hợp nhất”. Chỉ có bằng cách vun trồng một quan hệ lành
mạnh với bản thân thì người ta mới có thể sử dụng lý trí và ý chí tự do để biết
được chân lý. “Tâm hồn của con người” với tư cách là “sự linh thiêng bên
trong” có “những khát vọng thâm sâu” về Thiên Chúa, như được diễn tả qua những
lời trong Quyển Tự Thú của Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo
dựng chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được
an nghỉ trong Chúa”.
Bi
kịch của tội (115-119)
Chẳng may, lịch sử nhân loại đã
bị vấy bẩn bởi “sự xuất hiện bi đát của tội
nguyên tổ”. Theo sách Tóm
lược, “Qua cử chỉ [phạm tội] này, con người đã phá vỡ giới hạn thụ tạo của
mình, thách thức Thiên Chúa… nguồn sự sống”. Kết quả không phải chỉ là tội cá
nhân, mà còn là tội “đã ảnh hưởng tới bản
tính nhân loại mà [con
người] đã truyền lại trong tình trạng
sa ngã”. Vì lý do này, bản tính nhân
loại “bị tước đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”.
“Vết thương” này nay ở trong “nơi sâu xa
nhất của con người”
là “gốc rễ các chia rẽ của cá nhân và xã
hội” và các sự thù nghịch khắp cả
gia đình nhân loại. Theo sau “tội đầu tiên” này, ta có câu truyện Cain và Abel,
về “anh em thù ghét nhau và sau cùng là cảnh người anh lấy mạng sống của người
em” (x. Stk 4,2-16)”. Rồi, trong câu truyện tháp Babel ta tìm thấy “sự tan
nát của gia đình nhân loại”.
Mầu nhiệm của tội, sách Tóm lược nói tiếp, chứa đựng “một vết
thương hai mặt” – một mặt ở nơi tội nhân và
mặt kia ở trong các mối quan hệ với tha nhân. Tội cá nhân và tội xã hội không
bao giờ có thể tách rời nhau, như thể có một số tội chỉ mang tính cá nhân (mà
không có các hậu quả xã hội) và những tội khác chỉ có tính xã hội (mà không có
trách nhiệm cá nhân). Vì thế, tất cả các tội đều có tính cá nhân và tính xã
hội, vì tội là những hành vi tự do của những cá nhân trong đó có các hàm ý xã
hội.
Tuy nhiên, một số tội mang ý
nghĩa xã hội một cách đặc biệt, nghĩa là, các tội này “do chính đối tượng của chúng cấu thành một sự xâm hại trực
tiếp các người khác”.
Sách Tóm lược kể ra ở đây “mọi tội xúc phạm tới sự công bằng
phải có trong các quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng
đồng, và cả giữa cộng đồng với cá nhân”. Tội xã hội là các tội “chống lại
các quyền của con người, khởi đi từ quyền sống, bao gồm cả quyền sống ngay từ
trong bụng mẹ, chống lại sự toàn vẹn thân thể… tự do (bao gồm cả tự do tôn
giáo)… nhân phẩm… công ích… các quyền và bổn phận của công dân”. Tất cả các mối
quan hệ “không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa” về “công lý… tự do… và hòa
bình” đều là tội xã hội.
Tính
phổ quát của tội và tính phổ quát của ơn cứu độ (120-123)
“Các hậu quả của tội kéo dài mãi mãi các cơ cấu của tội”. Điều này khiến cho “khó tẩy trừ chúng”, vì
“chúng càng mạnh hơn, sinh sôi nảy nở và trở nên nguồn gốc của các tội khác”.
Các tội cá nhân và xã hội tiếp diễn qua các thế hệ, cuối cùng trở thành một
phần trong kinh nghiệm của con người. Ngày hôm nay ta thấy lan tràn một cách
đặc biệt hai “cơ cấu” đó của tội xã hội: 1) “ước muốn tất cả cho lợi
nhuận”; và 2) “sự khao khát quyền lực” – cả hai được theo đuổi “bằng bất cứ giá
nào”.
Nhưng hi vọng hiện hữu nơi “sự
phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô”. Không có niềm hi vọng vào quyền
năng cứu chuộc của Đức Giêsu, nhân loại trở nên bi quan và sống vô cảm. Qua vị
Ađam mới, “Đấng chiếu sáng chan hòa và hoàn thành hình ảnh và họa ảnh của Thiên
Chúa” nơi con người, trong tất cả tạo thành – thiên, địa, nhân – sẽ được
“giải thoát khỏi tiêu vong” nhờ lời hứa về sự sống đời đời với Thiên Chúa
là Đấng Tạo thành.
III.
Những khía cạnh đa dạng con người
Dẫn
nhập (124-126)
Học thuyết Xã hội Công giáo, “đánh giá cao thông điệp tuyệt vời của Thánh Kinh”, nhìn xem con người trong tổng thể của nó
như là một thụ tạo phúc tạp mang tính thánh thiêng. Giáo hội không rơi vào các
hệ thống giản lược hóa đủ kiểu của lịch sử “tìm cách làm cho hình ảnh của con
người trở nên mơ hồ do chỉ nhấn mạnh một đặc điểm nào đó và bỏ đi các đặc điểm
còn lại”. Giáo hội cảnh báo việc quan niệm con người chỉ là một tổng hợp các tế
bào trong một cơ thể mang tính máy móc, hoặc như các đơn vị cá nhân bị trốc gốc
khỏi bối cảnh chung của chúng. Làm người là phải biết liên đới với tha nhân
trong khi duy trì một mối liên kết vững mạnh với Thiên Chúa, “siêu việt và là
Đấng Tạo Hoá, và thông qua mọi loài thụ tạo, Người mời gọi con người và ban cho
con người trách nhiệm và tự do”.
Tính
thống nhất của con người (127-129)
Con người “được Thiên Chúa tạo
dựng thành một thể thống nhất xác hồn”, và Thiên Chúa đã trao toàn bộ xác
hồn này cho chủ thể cá nhân, là người chịu trách nhiệm về các hành động
của mình về mặt luân lý. Thân xác con người cho phép người ta được hiện hữu và
hoạt động trong thế giới vật chất, nhưng, do tội, người ta luôn luôn cần phải
cảnh giác để khỏi bị trở thành nô lệ cho các đối tượng thuộc thế giới vật chất
và cho một “nhân sinh quan hoàn toàn trần tục”. Người ta cũng không được “khinh
thường sự sống thân xác;đúng ra, ‘con người… có nghĩa vụ xem thân xác là tốt
lành và cao quý bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng thân xác và cho thân xác sống lại
vào ngày sau hết”.
Chiều kích tâm linh của cuộc
sống con người cho phép người ta được đàm đạo cùng Thiên Chúa trong cõi thâm
sâu nhất của tâm hồn họ. Linh hồn bất tử và linh thiêng làm cho con người “linh
ư vạn vật” và cũng cho phép người ta suy tư về yếu tính không thể giản lược của
mình với tư cách là một thụ tạo của Thiên Chúa được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa.
Các bản tính xác hồn của con
người hình thành một thể thống nhất không thể giản lược là thuần vật chất (xem
rẻ chiều kích tâm linh của sự sống con người) hoặc thuần tinh thần (hạ giá thân
xác như một cản trở cho việc trở nên hoàn hảo với Thiên Chúa).
Mở
ra với siêu việt và tính độc nhất vô nhị của con người (130-134)
Mở ra với siêu
việt. Hữu thể con người, qua
trí khôn của mình, mở ra cho sự siêu việt của Thiên Chúa, cũng như cho yếu tính
của các hữu thể được tạo dựng khác. Do đó, người ta có tính tương quan, vì trí
khôn của người ta và xu hướng hướng đến cái tuyệt đối và chân lý dẩn người ta
ra khoi các bức tường ích kỷ của bản thân.
Độc nhất và không thể sao
chép. Thế nhưng, sách
Tóm lược lưu ý rằng mỗi người là độc đáo và “không thể
sao chép” và sở hữu một trí khôn và ý thức độc đáo, cho phép họ suy tư về chính
mình. Người ta phải cẩn thận không được lẫn lộn trí khôn và ý thức như là các
thuộc tính định nghĩa con người, vì điều này sẽ giảm thiểu toàn thể yếu tính
của con người với tư cách là tạo vật theo hình ảnh của Thiên Chúa. Người ta
“không ngừng là con người” cho dù có thiếu trí khôn và ý thức.
Tôn trọng nhân
phẩm. Với tư cách là “cứu cánh tối
hậu của xã hội”, con người phải là cơ sở của trật tự xã hội và các quy trình đa
dạng của xã hội. Sách Tóm lược nói rằng “Mọi chương trình chính trị, kinh tế,
xã hội, khoa học và văn hoá đều phải được gợi hứng từ ý thức về sự ưu việt của
từng con người vượt trên cả xã hội”. Xã hội không được có những hạn chế ngăn
cản sự phát triển toàn diện của con người với tư cách là một thể nhân có những
nhu cầu về thân xác và tâm linh.
Vì con người đại diện cho điểm
khởi đầu của xã hội, thay đổi xã hội thực sự chỉ xảy ra khi khi các cá nhân bắt
đầu thay đổi bằng cách hướng ý chí của mình đến công lý và tình yêu của Thiên
Chúa. Việc đề cao công lý, tính lương thiện và chân thật trong xã hội “là nhiệm
vụ của hết mọi người, đặc biệt là của những người đang nắm giữ các trách nhiệm
về chính trị, tư pháp hay chuyên môn đối với những người khác…”
Tự
do của con người (135-143)
Giá trị và giới hạn của
tự do. Tự do là một dấu hiệu và là một
quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi người được tự do quyết định, kể cả việc tự do lựa
chọn việc tìm kiếm và tuân thủ luật luân lý của Thiên Chúa. Tự do cũng cho phép
người ta được thay đổi các tình thế nội tại và ngoại không phù hợp với luật luân
lý của Thiên Chúa.
Như thế, mặc dù sở hữu tự do,
con người vẫn còn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Nói cách khác, tự do không phải là
vô hạn, bởi vì tự do phải chấp nhận luật luân lý của Thiên Chúa, luật này, nếu
tuân theo vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, thì sẽ thực sự giải thoát con
người khỏi tình trạng bị sự dữ cầm tù. Việc hoán cải cá nhân theo luật luân lý
của Thiên Chúa, xuất phát từ việc tự do kiếm tìm của con người, là điều cốt yếu
phải có trước khi thực hiện các thay đổi xã hội.
Mối liên kết nối kết tự
do với sự thật và luật tự nhiên. Sách Tóm lược nói: “Khi thực
thi tự do, con người thực hiện những hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây
dựng con người và xã hội, nếu con người biết tuân theo sự thật, nghĩa là không
tự coi mình là tạo hoá và là chủ nhân tuyệt đối của sự thật hay các chuẩn mực
đạo đức”. Tự do, như đã nói ở trước,
là một món quà của Thiên Chúa cần phải được hướng đến sự thiện. Sự vun trồng
này đối với tự do hướng đến điều thiện đem lại kết quả là sự đào luyện lương
tâm của mình, có thể giúp người ta nhận ra, với sự giúp đỡ của luật luân lý tự
nhiên, điều gì là tốt và điều gì là xấu – điều gì nên làm và điều gì nên
tránh. Luật luân lý tự nhiên là sự thấm nhuần sự khôn ngoan của Thiên Chúa vào
trong trí khôn con người để giúp người ta hiểu rõ hơn thiện ác. Luật luân lý tự
nhiên mang tính phổ quát bởi vì nó phù hợp với bản tính con người. Và nó dạy
rằng tất cả mọi người đều phải tùng phục Thiên Chúa và bình đẳng với những
người đồng loại khác.
Luật tự nhiên cũng hợp nhất các
cá nhân từ những bối cảnh đa dạng. Dù Giáo hội nhận thức rằng mỗi hoàn cảnh đều
khác nhau và cần có sự chú ý đặc biệt, thì luật tự nhiên “vẫn là bất biến‘dưới các luồng tư tưởng và phong tục tập quán và hỗ trợ sự tiến
triển của các tư tưởng và phong tục tập quán ấy… Ngay cả khi người ta chối bỏ
các nguyên tắc của luật tự nhiên, luật tự nhiên vẫn không thể bị tiêu diệt hoặc
khai trừ khỏi tâm hồn con người. Nó luôn luôn tái xuất hiện trong đời sống các
cá nhân và các xã hội”. Như thế, tự do của con người, đã bị khuất phục và
nghiêng về các thế lực sự dữ kể từ buổi khởi đầu của nhân loại, yêu cầu luật tự
nhiên phải theo luật luân lý của Thiên Chúa trong sự tự do chung và liên đới
với toàn thể gia đình nhân loại. Sự tự do chung này để tuân thủ luật luân lý
của Thiên Chúa xuất phát từ sự hy sinh do Đức Giêsu Kitô thực hiện trong đó
Người giải phóng nhân loại khỏi xu hướng ích kỷ chỉ yêu mỗi bản thân mình và do
đó làm ngơ và khước từ Thiên Chúa và tha nhân.
Phẩm
giá bình đẳng của tất cả mọi người (144-148)
Nhân phẩm, xuất phát từ việc
con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, được ban cho tất cả
mọi người, “không phân biệt chủng tộc, dân tộc, phái tính, nguồn gốc, văn hóa
hoặc giai cấp”. Việc công nhận nhân phẩm được tìm thấy nơi mọi người cho phép
cá nhân và xã hội tiến tới một trật tự xã hội thực sự nhân bản và biết ưu tư
cho số phận của những người yếu đuối nhất. Nhưng việc bảo vệ và vun trồng ý
thức nhận biết mọi người đều có nhân phẩm ngang nhau sẽ là điều bất khả thi nếu
không có sự hỗ trợ của cộng đồng: “Chỉ khi các hành động hỗ tương giữa các cá
nhân và giữa các dân tộc thực sự nhắm tới ích lợi của hết mọi người thì tình
huynh đệ đại đồng đích thực mới có được; bằng không, tất cả chúng ta sẽ nghèo
nàn hơn do các tình trạng chênh lệch và bất bình đẳng nghiêm trọng vẫn tồn
tại”.
Người nam và người nữ, bản tính
vốn bổ sung cho nhau, đều đáng được đối xử ngang nhau về sự tôn trọng
phẩm giá. Sự kết hợp giữa hai phái là nền tảng cho xã hội và lịch sử con người.
Sách Tóm lược nói rằng “trong sự gặp gỡ giữa người nam và người nữ, một quan
nhiệm thống nhất về con người được hình thành, không dựa trên logic tập trung
vào bản ngã và tự khẳng định mình, mà dựa trên logic yêu thương và liên đới”.
Những người thiểu năng cũng là
những chủ thể có đầy đủ nhân phẩm, bởi vì “họ cho thấy rõ ràng hơn phẩm giá và
sự cao cả của con người”. Các cộng đồng nên trợ giúp những cá nhân khuyết tật
tham gia vào toàn bộ sinh hoạt gia đình và xã hội. Khước từ những cá nhân
khuyết tật quyền tiếp cận những lĩnh vực xã hội này là rơi vào một “hình thức
kỳ thị nghiêm trọng, là phân biệt người mạnh khoẻ với người đau yếu”. Các cộng
đồng không những phải xem xét việc loại bỏ các trở ngại xã hội và kinh tế áp
chế những người khuyết tật mà còn cần phải công nhận nhu cầu yêu thương và sự
thân mật giới tính là gắn với nhân phẩm của họ.
Bản
tính xã hội của con người (149-151)
Con người tự bản chất là các
hữu thể xã hội “vì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người, muốn như thế”. Sự kiện
con người là hữu thể xã hội đã đưa đến sự phát triển nhân bản một cách độc
đáo của các xã hội. Con người là các hữu thể có tương quan, tính tương
này được thể hiện cao nhất trong sự hợp nhất và liên đới với tha nhân. Tuy
nhiên, do tội “kiêu căng và ích kỷ”, không phải mọi người đều mặc nhiên kết
liên với đồng loại. Cách hành xử phản xã hội này dẫn đến xu hướng người ta tìm
cách thống trị người khác, và điều này làm thất bại bất kỳ viễn cảnh nào về
công ích. Tất cả mọi người trong xã hội, do đó, cần phải đồng tâm nhất trí theo
đuổi một mục tiêu luân lý chung nhằm đề cao lẫn phát huy nhân phẩm của mỗi
người và tinh thần trách nhiệm của họ đối với nhau. Điều này áp dụng đối với
các mối tương giao trong tất cả các xã hội.
Nhân
quyền
Giá trị của Nhân quyền (152-154)
Giá trị của Nhân quyền (152-154)
Sách Tóm lược cho rằng “Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của
con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng một cách hữu
hiệu những đòi hỏi tất yếu về nhân phẩm”. Bởi vì nhân phẩm mang tính phổ quát, bất khả xâm phạm và bất
khả chuyển nhượng, nên Giáo hội Công giáo khẳng định rằng văn kiện nền tảng của
Liên hiệp quốc năm 1948, Bản Tuyên ngôn
Phổ quát về Nhân quyền, là một cột mốc trên con đường hướng đến một trật tự xã hội nhân
bản hơn. Giáo hội cũng công nhận rằng con người – chứ không phải Nhà nước và
các cơ quan công quyền khác – mới là nền tảng cho nhân phẩm và nhân quyền. Các
quyền trong các lĩnh vực tinh thần và vật chất phải phát huy tác dụng đối với
nhau. Ngoài ra, cần phải cùng nhau tham gia bảo vệ và đề cao nhân phẩm và công
lý. Đời sống luân lý không phải là nhiệm vụ của riêng một người nào.
Các
quy định về nhân quyền (155)
Đức Giáo hoàng Gioan XXIII,
Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng Phaolô VI, và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô
II đã nhấn mạnh những điều mà Giáo hội xem là các vấn đề cấp bách nhất về nhân
quyền. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II liệt kê các vấn đề nhân quyền trong Thông
điệpCentesimus Annus (Bách Niên) của ngài: quyền
sống, mà một bộ phận khăng khít là
quyền của trẻ em được phát triển trong lòng mẹ từ giây phút thụ thai; quyền
được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý dẫn
đến sự tăng trưởng nhân cách của trẻ em; quyền được phát triển trí khôn và tự do của mình trong việc tìm kiếm và biết sự thật;
quyền được chia sẻ công việc sử dụng một cách khôn ngoan các tài nguyên vật
chất của trái đất và qua công việc đó có được phương tiện để độ thân và cấp
dưỡng cho những người phụ thuộc; và quyền tự
do tạo lập gia
đình, nuôi nấng con cái thông qua việc thực thi một cách có trách nhiệm khả
năng tính dục của mình. Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và sự tổng hợp các
quyền này tự do tôn giáo, được hiểu là quyền được sống trong
chân lý đức tin của mình và phù hợp với phẩm giá siêu việt của con người.
Quyền
và bổn phận (156)
Tất cả mọi người nam cũng như
nữ đều có bổn phận bảo vệ và đề cao nhân quyền. Các quyền và các bổn phận nối
kết với nhau và bổ sung cho nhau, bởi vì không thể nào có được các quyền mà mọi
người lại không có bổn phận đề cao chúng.
Quyền
của các dân tộc và các quốc gia (157)
Nhân quyền áp dụng đối với cá
nhân và cộng đồng. Nói cách khác, “các quyền của các quốc gia chỉ là ‘nhân
quyền được vun đắp ở cấp độ cuộc sống cộng đồng’”. Bổn phận của các quốc gia là
đề cao hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và liên đới trong trật tự xã hội của mình
cũng như trong các tương giao với các quốc gia khác.
Lấp
đầy khoảng cách giữa chữ viết và tinh thần (158-159)
Giáo hội Công giáo nhìn nhận
rằng dù cho có nhiều người nhiều giới tuyên bố ủng hộ nhân quyền, nhưng nhiều
hình thức bất công vẫn xảy ra trên khắp thế giới. Sách Tóm lược nhìn
nhận rằng ngay cả “Giáo hội cảm nghiệm sâu sắc nhu cầu phải tôn trọng công lý
và các quyền con người ngay trong hàng ngũ Giáo hội”. Tín thác nơi Thiên Chúa
và cộng tác với các quốc gia khác, các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo trên
thế giới, và các phong trào khắp hoàn cầu, Giáo hội tìm cách xác lập và bồi đắp
nhân quyền cho toàn thể gia đình nhân loại. Hình ảnh của Thiên Chúa (Imago Dei) luôn luôn là nền tảng cho Giáo hội tiến đến một xã hội tôn trọng
luật luân lý của Thiên Chúa. Việc phấn đấu cho một trật tự xã hội nhân bản hơn
chỉ có thể hoàn thành được nhờ sự trợ giúp đỡ Thiên Chúa và Thần Khí của Thiên
Chúa và trong sự đoàn kết với những người đồng loại và các cộng đồng.
CÉSAR J. BAL DE LOMAR
Giám đốc Điều hành,
Trung tâm Pax Romana Nghiên cứu Quốc tế về Giáo huấn Xã hội Công giáo
Sinh viên Cao học, Trường Thần học Harvard, Đại học Harvard, Cambridge
Trung tâm Pax Romana Nghiên cứu Quốc tế về Giáo huấn Xã hội Công giáo
Sinh viên Cao học, Trường Thần học Harvard, Đại học Harvard, Cambridge
Đan Quang Tâm dịch